Search

Bảo Thành kính chào các bạn. Chúng ta lại gặp nhau trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, gợi ý của ngày hôm nay nói về chủ đề để tư duy. Tất cả mọi vấn đề xảy ra trầm trọng nhất vẫn là do chính chúng ta. Tâm của chúng ta đối ứng như thế nào, vấn đề đó sẽ trầm trọng hay nhẹ nhàng. Tâm đặc biệt như vậy đó, bởi Đức Phật dạy: Luôn luôn chú trọng đến tâm của chúng ta. Tâm của chúng ta nghĩ to, thì mọi chuyện sẽ to và ngược lại, nghĩ nhỏ thì mọi chuyện sẽ nhỏ. To và nhỏ đều do mỗi người chúng ta đặt để tâm ở chổ nào. Nhiều người chuyện thật là nhỏ, nhưng đặt tâm thật là lớn, cho nên chuyện nhỏ xảy ra thành chuyện lớn, rồi tan nát gia đình, vợ chồng con cái không còn hòa hợp nữa. Hãy cố gắng nhìn bằng tâm rộng và thoáng một chút, mọi việc trên đời sẽ không còn rối rắm nữa, sẽ nhẹ nhàng cho ta đi trở về với lòng yêu thương, rộng lượng, để ta sống bình an mà có được hạnh phúc hằng ngày.

Các bạn, Bảo Thành kể một câu chuyện như vậy: Có một anh chàng kia đi lên trên Chùa, nhận vị Sư Phụ đó làm Thầy để tu. Anh ta bắt đầu được ông Thầy nhận và Thầy đã truyển giới cho người đệ tử trở thành Sa Di. Sa Di là tên đặt cho người mới vào tu ở trong Chùa, danh từ của nhà Phật gọi Sa Di là người mới đi tu.

Chú Sa Di này đi tu, được mọi người cúng dường những điều gì tốt đẹp, cao quý nhất trong đời. Chú muốn mang cúng lại cho Sư Phụ của mình. Đó là tâm nguyện của Chú để kính nhớ và tri ơn tấm lòng của Sư Phụ dạy cho. Thế rồi Chú đã ra công tu tập, thiền định, để coi mình có thành tựu được gì hay không.

Trong những lúc thiền định như vậy, Chú mơ tưởng mình sẽ có nhiều phẩm vật cúng dường để tặng Sư Phụ. Nhưng có một điều không hẳn xảy ra theo ý tưởng đó, bởi khi Chú ngồi suy nghĩ và thiền định, thì Chú thấy có một con nhện, nó cứ loay hoay chạy ở bụng của Chú, nên đã tới hỏi Sư Phụ, được Sư Phụ chỉ như vậy: Khi con thấy con nhện đó thì cố gắng vẽ một vòng tròn chung quanh nó, thì con nhện sẽ biến mất.

Chú ta nhập thiền định và rồi y như những lần trước, con nhện bò lên trên bụng làm Chú nhột khó chịu. Chú bắt đầu vẽ một vòng tròn lên bụng của con nhện, suy nghĩ là vẽ lên bụng con nhện, con nhện sẽ biến mất. Chú vẽ xong nhập định đàng hoàng, ngon lành, đến khi hết thiền rồi, đi tìm con nhện, vòng tròn đó không thấy ở đâu, mà thấy ngay trên bụng của Chú, một vòng tròn thật là lớn. Chú lại hỏi Sư Phụ, được Sư Phụ trả lời: Con vẽ vòng tròn đó ở đâu, trả lời cho Sư Phụ biết. Chú nói đã vẽ trên bụng của con nhện, nhưng con không thấy con nhện đâu, mà chỉ thấy vòng tròn đó ở trên bụng của con.

Sư Phụ nhìn thấy vòng tròn trên bụng đệ tử, mới nhẹ nhàng nhắc nhở rằng: Con ơi, tất cả những gì trên đời này lo lắng nhiều nhất, cũng xuất phát từ bụng của con. Chính vì con ngồi thiền, con lo lắng quá nhiều về vấn đề gì đó, tâm mong cầu điều gì đó, đã làm cho bụng của con bị rối và rồi sinh ra hiện trạng đó, là như con nhện cào cấu ở bụng con. Khi con vẽ một vòng tròn như vậy, con thấy gì, con không thấy ở con nhện mà thấy ở bụng của con.

Do đó trong cuộc sống, điều gì xảy ra thường làm cho con đau khổ nhất, chính là những điều con mong cầu. Có phải chăng trong lòng của con đang cầu được gì, phải không con? Người đệ tử nói: Bạch Sư Phụ, con chỉ mong ước sao thiền định cho hay, học cho giỏi, để khi xuống núi, được nhiều người cúng dường, con sẽ có những phẩm vật dâng lên Sư Phụ để đền đáp. Sư Phụ mới nhẹ nhàng phân gỉải: Con ơi, chính vì ước nguyện của con về tài vật như vậy trên bước đường mới tu, đã sinh ra vọng tưởng, làm cho con tưởng như có con nhện. Chính sự lo âu phiền muộn, mong cầu quá đáng, mới xảy ra hiện tượng đó. Cho nên con nhớ, khi con thiền, đừng bao giờ nghĩ đến ngày mai sẽ được gì, đừng bao giờ trong lúc nhập thiền, mà nghĩ đến điêu gì phải làm, vì thiền là trở về an trú trong hơi thở của con. Chính hơi thở chánh niệm đó đã chuyển hóa mọi tâm niệm phiền não khác.

Con không ngồi thiền, mà con ngồi nuôi dưỡng mục đích. Vẫn biết mục đích con nhận phẩm cúng dường, để dâng lên cho Thầy là cao quý, với trách nhiệm của người đệ tử con ạ. Nhưng con là đệ tử của Thầy ở trong Chùa. Chúng ta vào Chùa chẳng mong vật chất đó, cho nên chính tâm cầu vật chất trong thiền định, đã tạo nên lo âu và phiền muộn, tất cả mọi sự phiền muộn đó tới từ đâu, tới từ bụng của chúng ta. Người đệ tử nghe qua sự khai thị của Thầy mình, hiểu được điều đó ngộ ra rằng: Chân lý phiền muộn chính từ bụng chúng ta, mong cầu vật chất quá nhiều trong cuộc sống.

Các bạn thân mến, các bạn có thể hỏi, cuộc đời này vật chất rất cần mà, thì sự lo âu cho ngày mai là đúng. Nếu chúng ta ở trong cuộc đời như vậy là đúng, nhưng Thiền Môn thì không đúng. Khi bước vào Thiền Môn, mỗi người chúng ta phải biết gạt bỏ những điều cần thiết, hoặc những sự mong cầu, hưởng cầu về vật chất mới có sự an tâm.

Các bạn lại hỏi: Ồ, việc đó thì để cho nhà tu lo, còn tôi là người ở trần gian. Bảo Thành nói như vậy đâu có áp dụng gì trong cuộc sống. Không, chính các bạn đang ở đời, cho thấy được diệu dụng của phương pháp Đức Phật dạy: An trú trong chánh niệm. Vẫn biết chúng ta được phép, chúng ta nghĩ cho ngày mai, vẫn biết được nghĩ đến những điều chúng ta cần có. Nếu các bạn an trú trong hơi thở chánh niệm hằng ngày trong cuộc sống, tất cả những phiền não, những lo âu trong cuộc đời, sẽ không còn tích lũy ở trong bụng các bạn nữa. Và chính những điều phiền não không tích lũy trong bụng, các bạn sẽ được khỏe.

Phương pháp thiền chánh niệm, không hẳn chỉ giúp đời sống tâm linh của những người ở trong Chùa, mà nó còn giúp cho tất cả những con người sống trên trái đất này, trở về được với sự thanh thản, nhẹ nhàng, để có thể điều phối muôn sự lo âu, mà không sinh ra bệnh. Nếu chỉ nhìn trên góc độ thiền chánh niệm, nuôi dưỡng sức khỏe của thân, đó cũng là một điều rất tốt.

Đừng đợi khi bệnh hoạn, đau khổ đến Bác sĩ, đừng đợi khi đau đón mới tìm cầu Bác sĩ, mà chúng ta nên chuẩn bị ngay bây giờ, để có tâm thanh tịnh, tịch tĩnh, có tâm mà đó là phước báu vốn có trong hơi thở chánh niệm rồi, để làm sao, để chúng ta nuôi dưỡng sức khỏe.

Bảo Thành không nghĩ rằng các bạn chạy theo pháp thiền, để đi đến giải thoát thành Phật, mà chúng ta cũng có thể thực tập những pháp thiền này, để có một đời sống khỏe mạnh, thân xác khỏe mạnh, để có hơi thở nhẹ nhàng trong cuộc sống mà thở nhẹ nhõm, phà lên trên muôn sự bận rộn của cuộc đời, mà tâm không hề bận rộn, dù các bạn làm một công việc hay làm nhiều công việc, khi các bạn thực tập hơi thở chánh niệm rồi, thì các bạn không còn lo âu nữa, mà các bạn có khả năng làm được nhiều việc hơn .

Lợi ích của sống chánh niệm, đời sống chánh niệm rất thực tế trong đời người, giúp cho bạn khỏe, giúp cho thân bạn khỏe, giúp cho tâm của bạn thanh tịnh, đời sống của bạn ổn định, tăng trưởng niềm vui mỗi ngày. Dù các bạn có yêu cầu cần có trong cuộc sống, nhưng các bạn không còn lo âu quá đáng, không còn ôm ấp nhiều sợ hãi, để cái bụng có nhiều con nhện chạy ngược chạy xuôi, làm cho chúng ta phiền não, đau khổ. 

Các bạn, các bạn bỏ ra chút thời gian đi, cố gắng thực tập sống trong chánh niệm, như vậy các bạn sẽ hỏi Chánh niệm là gì? Chánh niệm trong lời Đức Phật khai thị là các bạn làm việc và luôn luôn giữ tâm trong công việc. Các bạn đang uống nước, các bạn phải biết đang uống nước, đừng ngồi mà nghĩ đến chuyện ngày mai. Tất cả những gì bạn nghĩ đến ngày mai, mà không uống được ly nước này thực tế trong chánh niệm, thì chuyện suy nghĩ ngày mai không có sáng. Nếu các bạn chú tâm uống nước ngay trong lúc này, nuôi dưỡng sự tập trung tinh thần trong giây phút uống nước, đó gọi là chánh niệm. Chính vì các bạn tập trung tinh thần trong ly nước này khi uống, chánh niệm đó giúp cho các bạn nghĩ một chút xíu thôi, để hiểu rằng ngày mai sẽ làm gì, thay vì các bạn cứ miên man ngày mai phải làm gì, đốt cháy nhiều thời gian, năng lượng và gây lo âu, phiền não, đôi khi không tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề. Nhưng nếu các bạn tập trung vào trong hơi thở để uống, tận hưởng ly nước đó xong, rồi các bạn nghĩ tới vấn đề cần phải làm ngay trong giây phút đó, các bạn sẽ nghĩ sáng hơn, tốt hơn.

Đời sống chánh niệm rất bổ ích cho cuộc đời của mỗi người ngay trong kiếp này, không mong cầu cho kiếp sau để được tốt, mà ngay trong kiếp này, các bạn sẽ thành công được, nếu các bạn thực hành hơi thở chánh niệm, đời sống chánh niệm. Tất cả những lời Đức Phật dạy rất là lợi ích, thiết yếu trong cuộc đời, chúng ta biết vận dụng nó, thì không cần phải đi đâu xa, ngay mỗi hơi thở của cuộc đời, mỗi giây phút của cuộc đời, các bạn đang thực tập pháp của nhà Phật, để ứng dụng nó vào cuộc đời này.

Phật pháp không những có ứng dụng để thành Phật, mà nó còn có ứng dụng phục vụ cho đời sống nhân sinh, đời sống xã hội, tìm được sự tự tại và hạnh phúc. Bạn thử thực tập đi, các bạn sẽ thấy sự kỳ diệu, sẽ thấy hạnh phúc tới với các bạn, sẽ giúp các bạn vượt ngoài sự kềm tỏa lo âu, sợ hãi, nếu không các bạn cứ để như vậy, thì trong bụng các bạn sinh ra bệnh tật nhiều lắm, phiền não, lo lắng tích lũy ở trong bụng gây ra bệnh, mọi chứng bệnh gây ra chính là vì chúng ta lo âu quá nhiều.

Hãy cố gắng sống đời sống chánh niệm, làm gì biết đó, sống ngay trong giây phút đó, nhớ hít vào thở ra, nhớ nuôi dưỡng trong hơi thở, trong tư tưởng hiện tại khi đang làm việc, đang đứng, đang uống, đang ăn, đang tiếp xúc với mọi người. Đó gọi là đời sống chánh niệm, nó không có khó, nếu chúng ta cố gắng thục tập, chúng ta sẽ thành tựu được nó.

Chúc các bạn sống trong hơi thở chánh niệm, thành tựu được đời sống hạnh phúc, an lạc và ứng dụng được hơi thở chánh niệm, đời sống chánh niệm vào ngay trong cuộc đời của kiếp này.

Cám ơn các bạn.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts