Search

Dược Thảo Cao Quý

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký

Bảo Thành kính chào các bạn, trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, chúng ta sống ở kiếp này, như lời đức Phật dạy, ai ai cũng muốn được vui, được hạnh phúc. Tất cả mọi loài chúng sanh đang sống chung trên hành tinh của chúng ta cũng đều muốn có niềm vui hạnh phúc, không ai muốn đau khổ, không loài chúng sanh nào muốn đau khổ. Và có một chuyện đặc biệt để chúng ta lưu ý trong cuộc đời, niềm vui thì luôn luôn muốn chia sẻ với mọi người. Nhưng niềm vui của ta nó tới không có được nhiều, nó tới rồi nó đi khó làm chủ. Kiếp người thật là rắc rối, cái buồn cái khổ thì thật nhiều, một chút thôi là phiền não, một chút thôi là buồn, một chút thôi là khổ. Buồn, khổ và phiền não cứ dai dẳng lê thê mãi trong cuộc đời, khó bề có thể chuyển hóa được. Cho nên ý niệm mang niềm vui chia sẻ đó thì chỉ thoáng qua một chút xíu à. Nhưng mà cái buồn tê tái, cái buồn thê thảm đến nỗi mà ta không thể giữ được ở trong lòng thường hay chia sẻ, san sẻ với nhiều người khác. Các bạn, niềm vui được ví như nước, tưới vào bông hoa nó tươi mát, nỗi buồn sầu muộn cũng ví như nước nhưng mà nước sôi các bạn ạ, khi tưới vào hoa, hoa sẽ bị héo, cây bi héo nhưng chúng ta không để ý, không so sánh. Các bạn có khi nào đương đầu với một ai đó đang buồn thảm tê tái, rồi họ cứ rỉ rả, rỉ rả tháng ngày với chúng ta, dù có tươi như hoa, cuộc đời của ta cũng sẽ bị héo muộn như họ. Nhưng hình như ít khi nào chúng ta để ý đến điều này bởi vì chúng ta cứ nghĩ khi buồn cần phải tâm sự. Các bạn thử làm thí nghiệm lấy nước tưới vào – cây cây tươi lên, cũng lấy nước mà đun sôi lên tưới vào cây – cây nó héo. Cái buồn như nước sôi, cái vui như nước mát, thực tế nó vậy. Mà trong tâm của chúng ta luôn muốn mọi người vui, nhất là ở trong gia đình, muốn cha mẹ vui nè, muốn vợ chồng con cái vui nhưng ta toàn đổ nước sôi vô không à. Cho nên niềm vui chưa có, họ đã héo úa sầu muộn – tội nghiệp.

Hôm nay Bảo Thành chia sẻ thoáng qua về một phẩm kinh trong Diệu Pháp Liên Hoa, có tên Dược Thảo. Các bạn, Phật nói về phẩm Dược Thảo, là sự khéo léo để cho mỗi người chúng ta tinh luyện tâm của mình cho hay, để cả cuộc đời của chúng ta trở thành một loại dược thảo chữa lành mọi bệnh tật nơi thân và tâm của mọi người – tất cả mọi thể loại bệnh tật chúng ta đều chữa lành hết, bởi cuộc đời của ta là dược thảo. Phật đã dạy cho chúng ta bí pháp để biến cuộc đời thành những loại dược thảo vi diệu. Phẩm kinh này nói từng câu từng chữ và từng chữ từng câu cũng đều có ý nghĩa cao siêu nhiệm màu. Nhưng chỉ thoáng qua ý nghĩa của cái phần gọi là dược thảo thôi chúng ta đã thấy cao siêu rồi. Hôm nay nói đến dược thảo là dược thảo ở đâu? Thân này là dược thảo, môi miệng này là dược thảo, tư tưởng là dược thảo, hành động nghĩa cử ánh mắt, tất cả những gì thuộc về trên thân người, 6 căn của chúng ta được thể hiện trong đời sống, đều có thể biến thành dược thảo vi diệu để chữa lành bệnh tật cho muôn người. Nhưng ở trong góc độ ngắn gọn mà mỗi một người bận rộn như Bảo Thành và các bạn có thể ứng dụng được 2 chữ “dược thảo” trong phẩm kinh này vào cuộc đời của chúng ta. Bảo Thành chỉ nói thoáng qua một thể loại dược thảo mà bất cứ ở nơi đâu, bất cứ chỗ nào, thời gian nào, không gian nào, hoàn cảnh nào các bạn và Bảo Thành đều có thể ứng dụng được dược thảo vi diệu đó trong cuộc sống. Dược thảo đó được thể hiện qua môi miệng của chúng ta bằng những ngôn từ và nụ cười. Các bạn có còn nhớ không, khi các bạn chia sẻ niềm vui, một câu chuyện vui, ai cũng vui. Nhưng nói một câu chuyện buồn ai cũng buồn. Cho nên dược thảo ở trên môi miệng của chúng ta, như lời của chư Phật dạy là hãy luôn luôn phải thể hiện trên môi miệng của mình tạo thành những ngôn ngữ vi diệu, dễ thương, ái ngữ. Đừng khi nào ứng hóa trong ngôn ngữ bằng những thể loại ngôn ngữ thô ác, đau khổ, chì chiết chê bai. Ngôn ngữ là dược thảo thật sự bởi trong kinh Phật nói từng chữ của Đức Thế Tôn nói cho chúng sanh như là dược thảo vi diệu chữa lành tất cả mọi chứng bệnh. Vậy thì từ nay trong cuộc sống bận rộn này, các bạn và Bảo Thành hãy ứng dụng ngôn ngữ dược thảo trong phẩm kinh này để trong giao tiếp giữa những khách hàng, bạn bè hoặc những người bạn trong văn phòng, trong công xưởng, trong hãng, hay là vợ chồng trong gia đình, đấng bậc sinh thành nên chúng ta. Tất cả mọi người mà chúng ta thường có mối giao hảo với nhau qua cách này hay cách kia, bằng những ngôn ngữ dược thảo vi diệu, để tất cả họ khi nghe thấy lời nói của chúng ta, họ nhẹ lòng, họ vơi đi phiền não, họ hết tất cả mọi sự bi quan, sầu muộn, đau khổ. Ông bà mình từng nói thời xưa: Một nụ cười bằng 10 thang thuốc tiên”. Đúng vậy, Phật đã nói điều đó trước ông bà của mình rằng: Tất cả những ngôn ngữ, nụ cười ta thể hiện trong đời là dược thảo vi diệu. Các bạn có khi nào có kinh nghiệm rằng trong lòng mình nặng trĩu những lo âu, về nhà được chồng nói một câu chia sẻ quan tâm thực sự, nó vơi hết đi hoặc về nhà được vợ nói một câu rất chân tình yêu thường, thì sự nặng trĩu ở trong lòng nó rụng rơi. Hoặc khi chúng ta đi vào cuộc đời, có biết bao nhiêu những thử thách chồng chất, về nhà được cha me nói một lời quan tâm chia sẻ thì tất cả những điều đó nó tan biến hết. Đôi khi có thể đó là những người bạn rất thân, bằng những ngôn ngữ ảo diệu trong tình thương, quan tâm trong sự chân thật cũng làm cho chúng ta nhẹ gánh lo âu trong cuộc đời. Và nếu có nhân duyên, khi ta tiếp cận được với các bậc thầy, các đấng tu, xuất gia, các bậc tôn túc, những lời của quý ngài sẽ giải được tất cả những sự đau khổ phiền muộn, khai mở một con đường đi tới để mang niềm hạnh phúc cho chúng ta. Tất cả những ngôn từ, lời nói mà chúng ta trao cho nhau đó, nếu ý thức được trong phẩm Dược Thảo này để từ môi miệng của chúng ta đây biết ứng dụng những ngôn ngữ như dược thảo, những nụ cười như dược thảo, những loài thảo dược tinh tế của cuộc đời mà đi đâu ta cũng mang đi được, không cần phải lỉnh kỉnh. Hoàn cảnh nào cũng ứng dụng được, thời gian nào cũng có mặt của nó đối với chúng ta. Chỉ cần chúng ta tư duy suy nghĩ và chánh niệm để nhớ rằng Đức Phật đã dạy Thế Tôn là một loại dược thảo vi diệu, cho nên từ ngôn lời của Ngài như thuốc trị lành tất cả mọi bệnh tật của chúng sanh. Bệnh về nghiêp, bệnh về thân, bệnh về tâm thì lời của Chư Phật ban rải xuống, khi nghe bằng tâm thành kính chân thành, liễu tri được sẽ chữa lành bệnh. Và chúng ta cũng vậy, không thể làm được như Phật nhưng ít nhất một phần trong ngôn ngữ và nụ cười hàng ngày trong giao tiếp đối với muôn người, ứng dụng đối với phẩm kinh này thì tất cả những ai mà ta gặp, ta tiếp xúc thì nhất định họ sẽ được nhẹ nhàng trong cuộc sống, họ sẽ hết bệnh, họ sẽ vui tươi. Đặc biệt là khi trở về với gia đình, tại vì mục đích của Chư Phật dạy là giáo hóa chúng ta sống để có một gia đình hạnh phúc. môi trường của gia đình có hạnh phúc hay không là chúng ta phải biết thể hiện trên môi miệng của mình những thể loại ngôn ngữ dược thảo vi diệu, những thể loại nụ cười dược thảo vi diệu để chữa lành những mệt nhọc, lao lực, lam lũ, cực khổ, phiền não, bi ai, sầu lụy trong lòng của người ta yêu thương nơi gia đình của mình. Ý thức để xây dựng một gia đình bình an, ý thức để xây dựng một gia đình hạnh phúc bằng những thể loại dược thảo nơi ngôn ngữ, nụ cười ta thể hiện khi tương tác với những người trong gia đình có một tầm quan trọng mà mỗi người chúng ta cần phải ý thức để xây dựng một nền tảng vững chắc trên đạo lý của Phật pháp Đức Thế Tôn đã dạy trong phẩm kinh Dược Thảo này. Nó không khó, nó thật là dễ, nó không có cầu kỳ, nó thật đơn giản. Nó không có phúc tạp bởi vì ai cũng ứng dụng được, người nào cũng có thể làm được điều này. Chỉ cần nhớ rằng môi miệng của chúng ta là dược thảo chữa lành bệnh, để từ đó chúng ta sống một đời sống chánh niệm trong ngôn ngữ để có được chánh ngữ. Chánh ngữ là những ngôn ngữ mà chúng ta tương tác mang lại niềm vui không tạo ra nghiệp. Chánh ngữ là những ngôn ngữ mà chúng ta tương tác mang lại niềm vui không tạo ra buồn và phiền não cho người khác. Và rồi trên môi miệng có một sự vi tế vi diệu khác nữa, đó là nụ cười. Các bạn, khi cười, cười với người thương yêu, cười với người trong gia đình, thì mọi người đều hoan hỉ và hạnh phúc. Hãy tập cười, hãy tập nói ái ngữ, hãy tập nói dễ thương. Khi chúng ta trao cho nhau nụ cười và ngôn ngữ trong sự giao tiếp hàng ngày nơi gia đình, thì nhất định gia đình của chúng ta sẽ hạnh phúc, sẽ không có đau khổ, không có phiền muộn. Đây là một sự thực và rất hiển nhiên. Phật nói trong phẩm Dược Thảo để nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể trở thành một vị bác sĩ đấy và có được đầy đủ các thể loại dược thảo thật là tinh tế trên môi miệng của mình. Hôm nay chỉ nói đến môi miệng thôi, chứ chưa nói đến thân đến tâm, đến những hành động của vòng tay của ánh mắt.

  Các bạn ạ, chỉ một phần nhỏ trong cuộc sống, nếu ứng dụng được tư tưởng dược thảo trên môi miệng của mình, gia đình sẽ hạnh phúc, bạn bè sẽ tươi vui, khổ đau sẽ không còn trong những con người ta đang sống chung và phiền não trong ta cũng sẽ vơi dần và bệnh tật sẽ hết. Hãy sống với tinh thần phẩm kinh Dược Thảo, lời của Phật như dược thảo chữa lành bệnh tật cho chúng sanh, thì những ngôn ngữ của ta, nụ cười của ta cũng phải là dược thảo để chữa lành bệnh tật cho ta, cho người và mang niềm vui tới cho muôn người và cho ta. Cám ơn các bạn lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts