Search

Bài 3096. Của Thiên Trả Địa

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Kính mời các bạn chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở để thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, nhìn rõ Phật tánh của mình, chuyển hóa hết mọi sự sợ hãi và phiền não để mở rộng lòng bao dung, tha thứ, yêu thương, ngõ hầu thấu rõ được vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho tất cả các chư vị hương linh vừa quá vãng và chư vị hương linh Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc nhiều đời đã quá vãng, nhân mùa Vu Lan hướng về Phật Pháp, nương vào Tam Bảo, theo thiện nghiệp mà tái sanh. Nguyện cho cha mẹ tại tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn tiệt, thân tâm thường an lạc. Đồng nguyện cho thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh.
Nguyện xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống theo tư thế phù hợp, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ lưng ngay thẳng, nhẹ nhàng buông thư, trở về với hơi thở chánh niệm. Trong Mật Thiền song tu, lấy hơi thở để trụ tâm, lấy mật ngôn để quán chiếu. Mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi. Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán tâm Trí Tuệ, nhìn thấu Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Mật ngôn Ma Sa Ốp Uê quán tâm Tỉnh Giác. Chúng ta hãy cùng với hơi thở của chánh niệm đưa đời sống về sự tỉnh thức, thắp sáng đuốc tuệ, nhìn rõ vô thường, khổ, vô ngã và lan tỏa tình yêu thương tới muôn loài.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đồng tu và xin được tri ân các bạn thật nhiều vì các bạn đã chia sẻ trên Facebook của các bạn, và các kênh đại chúng các buổi đồng tu của chúng ta để gieo duyên. Vì sự chia sẻ của các bạn, các bài đồng tu đã được nhiều các bạn khác đón nhận và thường xuyên gửi lời nhắn tin, tham vấn, chia sẻ.

Các bạn thân mến! Ở trên đời này tất cả chỉ một chữ duyên mà thôi và lời của Đức Phật đã khai thị cho chúng ta là Ngài không thể độ được người không có duyên với Ngài. Chúng ta cũng không thể độ được người không có duyên với chúng ta. Câu này rất hợp với chủ đề biến tướng theo ngôn ngữ, thành ngữ, tục ngữ của ngôn ngữ Việt Nam. Chủ đề bạn gửi về “Của Thiên Trả Địa”. Mang ý nghĩa bóng rằng những gì không thuộc về ta thì không bao giờ ta có thể nắm giữ được mãi, nó sẽ tìm đường mà đi. Của thiên trả địa mang ý nghĩa không có duyên, dù là con người không có duyên với nhau, hết duyên, tận duyên, chẳng còn duyên, ta nắm giữ, ta cột chặt thì người ta cũng tìm đường ra đi. Vật chất, tiền bạc, nhà cửa, miếng ăn uống, mọi sinh hoạt trong cuộc đời,.. tất cả và tất cả nếu không có duyên chúng sẽ ra đi, y như câu của thiên thì trả cho địa. Của thiên trả địa ai cũng phải cần thấu rõ về chân lý này, bởi đây là câu tục ngữ của Việt Nam, một thành ngữ nói về lời dạy của Phật không thể độ người không duyên, nói về quy luật của nhân quả, nghiệp của ai tạo ra người đó phải chịu, chẳng ai mang nghiệp của họ mà đổ lên đầu của chúng ta, nghiệp ai người đó phải chịu.

Các bạn! Nếu chúng ta mon men về trong lịch sử của nhân loại, ta đã thấy biết bao nhiêu những tấm gương trong lịch sử nói thật rõ, nhiều người gọi là những vị Đại Vương hùng mạnh hay những vị Đại Đế quân lực, chinh nam phạt bắc, đông tây đều chiếm cứ, bởi họ cho rằng thiên hạ này là của họ. Thế nhưng cuối cùng cũng tiêu tan, chẳng còn gì, đúng là của thiên trả địa. Lịch sử nếu nói bao nhiêu ngàn năm trước thì nhiều quá, nhưng nói khoảng chừng hai ngàn năm trước, Đế Chế Roma đánh chiếm tới trung đông, hầu hết là chiếm cứ mọi nơi nhưng cuối cùng của thiên trả địa, họ cũng phải co lại như con rùa. Ngày nay Đế Chế Roma có còn đâu, Đế Chế La Mã cũng như thế. Có một vị đại đế mạnh lắm là đại đế Alexander, đánh tới Ấn Độ, chiếm cứ toàn diện những vùng xa xôi, Châu Âu kinh hoàng, mọi người khiếp sợ, cứ tưởng rằng thiên hạ này nằm trong bàn tay, thuộc về ông ta. Nhưng khi tuổi còn trẻ, một cơn gió thoảng qua thần chết gõ cửa, muôn sự tiêu tan, của thiên trả địa. Để những cuộc chiến thật lớn mà ta có thể còn ghi lại trong lịch sử đương đại, đệ chiến thứ nhất, đệ chiến thứ hai. Biết bao nhiêu những quốc gia cũng cứ nghĩ rằng thiên hạ thuộc về ta, tạo tác chiến tranh giết hại muôn người, cướp bóc đủ thứ, máu chảy thành sông, xương chất thành núi, rồi cũng của thiên trả địa, họ có lấy được đâu. Nhìn vào đời sống của dân tộc Việt Nam, người phương bắc mà người ta thường hay nói hoặc ông bà thường nói gọi là giặc phương bắc, ngoại xâm, bao nhiêu ngàn năm tìm đủ mọi mưu chước, mưu kế để đè bẹp dân tộc mình, chiếm cứ nhưng của thiên trả địa, không thuộc của họ đâu, họ chẳng thể chiếm được, đó là lịch sử của con người. Còn nói đến những câu chuyện của đời người, biết bao nhiêu người trong chúng ta lợi dụng thời chiến tranh, người ta chạy loạn đã cướp của, cướp đất của những người vì sự bình yên của gia đình phải bỏ chạy trong cuộc chiến. Nhưng các bạn cứ nhìn đi của thiên trả địa, của cải của họ đâu có giữ được.

Ngày nay thấy thật rõ, biết bao nhiêu những bạo quyền, bạo lực của những người có quyền chức, mượn cú đấm sắt của quyền lực giữa ban ngày, thanh thiên bạch nhật vẫn sẵn sàng lấy đất, lấy nhà của người khác, của người ta mà đâu phải của mình. Dùng quyền để ức hiếp, chiếm cứ để đẩy người ta vào bờ, vào rừng, vào nơi nguy hiểm sơn lam chướng khí. Nhưng kết quả những người đó cũng phải ra đi một cách tức tưởi bởi của thiên trả địa, đất đai kia, của cải kia đâu thuộc về họ. Có những kẻ cướp lừng danh trong xã hội, cướp vàng bạc, cướp của giết người, nhưng cũng của thiên trả địa họ chẳng giữ được. Lại có người cướp cả ngân hàng một cách trắng trợn khi họ làm giám đốc, làm những quyền cao chức trọng, mà bàn tay của họ có thể đặt vào tất cả những kho bạc lấy đi một cách nhẹ nhàng, kết quả vẫn là nằm trong nhà tù cho tới cuối đời. Thật nhiều những gương đó ở trong nước ta, cũng như trên toàn thế giới chẳng riêng gì nước Việt Nam. Toàn thế giới này có thật nhiều những con người chẳng bao giờ nghĩ đến chân lý nhân quả, nghĩ đến duyên, nghĩ đến cái gì thuộc về mình mà luôn luôn chiếm cứ, ôm ấp, chiếm đoạt, sát hại. Của thiên trả địa, không những trả đời này mà trả đời sau. Cái câu rất phù hợp với ngôn ngữ Việt Nam “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, để nói đến các hiện tượng thật rõ nếu đời cha cướp của người khác, chiếm cứ đồ của người khác, khi phát hiện ra theo luật pháp đương thời của các quốc gia sẽ bị tù tội, sẽ bị trừng phạt, thậm chí còn có thể bị xử bắn, xử hình. Thì con cái lấy gì mà không khổ, thật ứng với câu đời cha ăn mặn đời con khát nước. Rõ ràng ta thấy nhiều rồi, những đấng bậc lớn trong gia đình làm những chuyện sai quấy, cướp của người ta, chiếm đoạt của người ta, khi phát hiện ra tù tội suốt đời, vợ con gia đình khổ não, ê chề. Cứ như vậy lan truyền tinh thần đau khổ đó và nghiệp lực đó thật khó chuyển. Của thiên trả địa, của người ta ta chẳng thể lấy được. Nhưng cách nhìn về vật chất, cách nhìn về tình cảm, cách nhìn về công danh sự nghiệp, sự sự ở đời cần phải ứng vào trong cuộc sống, những gì không thuộc về ta, ta không thể chiếm cứ được đâu.

Chúng ta thấy trong Bát Chánh Đạo Đức Phật dạy, Chánh tinh tấn, nếu dịch chữ tinh tấn thì chúng ta phải dịch theo đơn giản để dễ hiểu, là một sự nỗ lực tột bậc để thành tựu những điều gì mình mơ ước, mình mong muốn, mình phát nguyện. Không thể ngồi dưới gốc cây sung chờ gió thổi qua rung cây mà sung rụng như anh Cuội, Cuội ngồi gốc cây sung chờ sung rụng chuyện đó không có, phải nỗ lực, phải trèo cây hái sung, mà muốn có cây phải trồng, phải chăm sóc. Bát Chánh Đạo nói thật rõ, Chánh tinh tấn, tinh tấn nỗ lực trong cuộc đời, nâng cao kiến thức làm người thì kiến thức đó sẽ được ứng dụng, phục vụ lại cho đời sống của chúng ta về mặt tinh thần, về mặt vật chất. Kiếp người có tinh thần và vật chất, hai mặt đó đầy đủ và có được do kiến thức ta tu học, nhất định đời sống sẽ an vui. Còn nếu như sự thành tựu thêm một phần nữa là về đời sống tâm linh, ta nỗ lực, ta tinh tấn tu học, thì nhất định chúng ta có cả ba phần tâm linh, tinh thần và vật chất đều đầy đủ, bởi kiến thức và phước báu, công hạnh tu sẽ giữ được mãi mãi. Những thành quả ta có được đều là do sự thành tựu, do nỗ lực vươn lên – Chánh tinh tấn.

“Của thiên trả địa” các bạn đã thấy rồi, trong cuộc sống có những người chơi hụi đó các bạn. Hồi xưa Bảo Thành biết được là bởi vì mẹ hồi xưa khi Bảo Thành còn nhỏ ở trong làng, trong xóm hay tổ chức chơi hụi, góp vốn cho nhau để nâng đỡ mà, hình thức của một cách góp vốn chung. Có những người gọi là chủ hụi, sau khi lấy tiền của người khác ẵm đầy hết chẳng cho ai rút hoặc làm những tên tuổi ma rút tiền hết về họ. Khi bể hụi chạy, nhà nước truy tìm họ trốn, ôm một khối tiền nhưng cuối cùng cũng xuống với cửu huyền trong đau đớn, khổ bởi thân tàn ma dại, thân bại danh liệt, chẳng còn được gì. Của thiên trả địa, của mình đâu mà lấy được. Nhưng cái của thiên phải trả địa đó vẫn là một miếng mồi hấp dẫn, nhiều khi chỉ một tấc đất của người hàng xóm ta cũng có thể lấn qua, nhiều khi chỉ là một tiếng nói ta cũng phải đè bẹp họ để cho hơn. Ta cứ cạnh tranh hơn thua, hơn từ tiếng nói, hơn từ hành động, hành vi, suy nghĩ, để rồi ngôn ngữ sử dụng, hành vi ta tạo tác và suy nghĩ của ta luôn luôn theo chiều hướng chiếm đoạt tài sản kiến thức, tài sản về vật chất và tài sản tinh thần của họ lẫn cả tài sản tâm linh nữa để tạo khổ, đâu thuộc về mình. Nói về con đường tu người Phật tử tại gia, của thiên trả địa, người Phật tử thuần túy theo một nền Phật giáo dân gian vẫn có câu mượn thần, mượn thánh, mượn của cải, mượn sức mạnh, mượn thần thông, mượn sự ban bố để có được sự giàu có, cái đó cũng là một cách gọi là của thiên trả địa. Bạn cứ đi cầu, đi xin, đi vay, đi mượn của thần linh, đâu phải của bạn. Dù có đôi khi trùng hợp phước báu có được, nhưng với sự tác pháp do tâm bất thiện, cái tới với bạn cũng tìm đường đi mãi.

Câu chuyện thật buồn cười mà hồi nhỏ Bảo Thành nghe ông cụ, tức là cha của Bảo Thành, ngày nay suy nghĩ thấy nó tếu, nhưng mà hình như nhiều người cũng biết câu chuyện này. Người ta hay gọi là ông Trạng Trình hay ông Trạng Quỳnh, cái tên giống giống nhau vậy đó. Chẳng có tiền bạc, chẳng có gì hết nhưng mà lém lắm, đi đến gặp bà Chúa Xứ, ông đâu có đất đai mượn đất đai của bà Chúa Xứ để trồng. Ông hỏi bà Chúa Xứ “Mùa này tôi trồng, bây giờ bà muốn lấy ở bên trên hay phần ở dưới đất”, phần ngọn hay phần gốc đó các bạn.
Bà Chúa Xứ nói “Thôi đợt này ta lấy phần gốc”.
Ông Trạng Trình đi trồng lúa, ổng gặt lúa xong rồi đó gốc lúa, gốc rạ để lại cho bà Chúa Xứ, Bà Chúa Xứ thấy buồn cay đắng, ta cho mượn thay vì trồng thứ gì có lợi hai bên không trồng, trồng thứ có lợi cho mình thôi. Nhưng Trạng Trình không có sợ đâu, lần thứ hai lại tới mượn đất để trồng cũng lại hỏi bà Chúa Xứ đợt này lấy gì, bà Chúa Xứ kinh nghiệm lần này nhất định phải lấy ở phần ngọn, phần trên, còn cái gốc dưới để cho trạng Trình. Đợt này ông trồng khoai các bạn ơi, đến mùa ông đào bới lấy hết củ, còn phần trên để bà Chúa Xứ, bà Chúa Xứ cũng lại một cú đau. Lần thứ ba bà Chúa Xứ nói “Thôi lần này ta tự chọn, ta lấy cả gốc và cả ngọn”.
Trạng Trình đi trồng bắp, thế là xong gặt hái bắp về, cả thân bắp và gốc bắp để lại bà Chúa Xứ, ba keo bà Chúa Xứ đều thua, gạt người đó các bạn. Nhưng mà kết quả của ông trạng Trình là gì? Có được hưởng đâu. Vẫn biết đó là câu chuyện răn dạy trong dân gian cái tính gọi là lém lỉnh của ông trạng Trình, nhưng chúng ta đôi khi cứ bắt chước, cái lưỡi lắt léo, lật ngược lật xui để chiếm đoạt của cải người ta. Có nhiều hợp đồng chữ bé li ti chẳng đọc được, cài cho ta ký xuống rồi khi ra luật sư họ đọc, họ phải dùng kính lúp, kính hiển vi nhìn thì rõ ràng ta chấp nhận, mà điều kiện là ta thua. Lại có người soạn sẵn bảng hợp đồng mời ta ký, đọc xong có phần trống họ điền vào. Ngay cả vấn đề giao thông trên trung lộ, đôi khi chúng ta bị cảnh sát bắt, ở những nước kém văn minh người ta bắt ta ký vào những bản phạt, nhưng khi về họ lại điền thêm vô, thấp cổ bé miệng, bị mất, bị đau.

Nhưng các bạn nhớ những cú lừa như vậy là của thiên trả địa hết. Đời sống của những người lừa gạt để chiếm đoạt dưới mọi hình thức, để đoạt được mọi thứ, tinh thần, vật chất, tâm linh đều phải trả về cho địa, chẳng còn gì đâu. Nếu nói tâm linh có lừa gạt hay không, có! Thiếu gì những người mượn nhà Chùa, Tịnh Xá, am thất, mượn chiếc áo cà sa, đời sống xuất gia, đời sống cư sĩ. Thiếu gì những người khoác vào những danh mật thật lớn là Bồ Tát giáng trần. Cú lừa tâm linh lớn lắm, nhiều người vẫn lừa nhau về tâm linh, của thiên trả địa thôi. Trong thời gian ngược lại khoảng chừng 10 năm về trước, trong tâm linh của Việt Nam có một cú lừa thật sốc mà ai cũng phải há hốc mồm, cam chịu, là có những người gọi là có thần thông cảm xạ học, hay còn gọi là áp vong tìm cốt gì đó, người gì quên tên rồi. Lừa một cú, lừa nhiều người số đông, lừa cả nhà nước, lừa cả chính phủ, lấy biết bao nhiêu tiền tìm mộ chiến sĩ, có khả năng nhìn thấu đất, thấu trời, có khả năng gọi hồn, tiếp cận với người chết, làm một chuyện hoàn toàn trái nghịch và không đúng theo như chân lý Đức Phật dạy. Thế vậy mà biết bao nhiêu những bậc tôn túc, các chùa lớn có tiếng vẫn mời vị đấy tới để diễn thuyết về đôi mắt thần thông, khả năng của người ấy có thể nhìn thấu đất, thấu trời gọi hồn, tiếp chuyện. Tìm tro cốt bao nhiêu năm trời, lấy biết bao nhiêu tiền, công danh sự nghiệp lên ùn ùn như gió thổi, nhưng khi tìm ra sự thật thử DNA hoàn toàn không đúng, toàn là xương heo, xương bò, xương chó, răng lợn thôi, một cú lừa ngoạn mục. Đó là lừa tâm linh là dạng khủng, ai cũng phải biết. Còn ngày nay lừa tâm linh theo dạng nho nhỏ vừa vừa thôi, làm sốc toàn diện nhiều người khi phải mất tiền, lao tâm khổ trí, bệnh hoạn lại cưu mang, có khi bỏ cả mạng vẫn còn cứ xảy ra đây đó trong xã hội hiện thời của Việt Nam và trên toàn thế giới.

“Của thiên trả địa” bởi vì những người lừa như vậy, dưới hình thức lừa gạt tinh thần, tiền bạc, vật chất, lừa tình, lừa bạc, lừa tâm linh, lừa, lừa đủ mọi thứ. Thì nghiệp phải trả, nhân quả trả đó, chẳng thể trốn được. Của thiên trả địa là luật nhân quả, thiện ác thật rõ, ai tạo ra người đó phải chịu. Ông bà ta đã dùng câu rất hay, một câu tục ngữ được chế tác thành một thành ngữ thuận miệng dễ đọc – Của Thiên Trả Địa, để răn đe hàng con cháu nhớ về lời Đức Phật dạy: Tất cả do duyên bởi nghiệp ác hoặc nghiệp thiện tạo thành duyên. Nếu nghiệp ác ta tạo, tạo thành nghịch duyên thì khi nó trổ khó tránh. Nếu nghiệp Thiện ta tạo, tạo thành thuận duyên khi tới ta gặp. Nhân quả ta tạo ác ta phải gặt hái tai họa, ta tạo thiện và ta có thành quả được đón nhận đó là phước báu, sự may mắn. Trên con đường tu không ai tu được cho chúng ta, ta phải tự tu, ta phải tự tu để hình thành phước báu công đức của chính mình, theo đúng con đường Bát Chánh Đạo Đức Phật dạy gọi là Chánh tinh tấn, một sự nỗ lực chân chánh. Bạn nỗ lực để có tiền một cách chân chánh, đồng tiền đó sẽ luôn ở với bạn. Còn bạn đi cướp tiền, tìm cách lừa gạt để có tiền, đồng tiền có được không chân chánh, chẳng có được mãi mãi, tai họa phủ xuống đầu, ập tới nhà. Có biết bao nhiêu cuộc lừa tiền ở ngoài kia, cuối cùng kết quả là tù tội. Biết bao nhiêu cuộc lừa tình ở ngoài kia, kết quả là gia đình tan rã, vợ con bỏ hết. Có biết bao nhiêu những cuộc lừa danh, khoác áo nhà tu, khoác áo chính quyền lớn hoặc mượn danh tiếng của những vị công thần trong dòng tộc mình quen biết, lừa gạt của cải nhiều lắm. Đời là một cuộc chơi trong đó lừa nhau thật nhiều, để thâu tóm những điều không thuộc về ta. Hãy nhớ ông bà dạy của thiên trả địa, Đức Phật dạy nhân quả rõ ràng chẳng ai trốn được.

Trong cuộc sống của chúng ta, người Phật tử tu tại gia, nếu ai vẫn còn có tâm lý và tâm ý cầu cạnh đi gặp những bậc thầy lớn, thầy chứng đắc để được họ ban ân, thí phước thì điều đó là sai. Nhưng nếu chúng ta tầm tới những bậc được gọi là giác ngộ, thiện tri thức, học rộng hiểu cao để cầu đạo, để cầu pháp. Rồi chúng ta được truyền pháp, thọ nhận pháp ấy, thực hành pháp đó một cách tinh tấn để đắc pháp, là đúng con đường. Còn tới để xin chút thừa ân của bậc quyền năng chứng đắc ban, cho, tặng, điều đó hoàn toàn sai. Của thiên trả địa dù những bậc đạo sư lớn ấy có ban cho bạn được, có tặng cho bạn được, thì cũng là của thiên trả địa không thuộc về bạn. Cái thuộc về bạn dù rất nhỏ vĩnh viễn vẫn còn đó, theo tinh thần người học đạo ta phải có tâm cầu Pháp. Hỏi lại lòng mình các bạn có thật sự khi đồng tu với tâm cầu pháp giải thoát hay không? Bảo Thành thường nhắc trong buổi tu lúc đầu là hãy nghe lời Phật dạy và nhớ lấy Trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, đó là tâm cầu pháp giải thoát. Bạn đang đồng tu, bạn có tâm cầu pháp giải thoát hay không? Và chúng ta có cầu pháp giải thoát đó từ bậc đạo sư Bổn Sư, từ những bậc thiện tri thức để được truyền pháp. Ta đồng tu là ta được truyền pháp, ta cầu pháp, ta truyền pháp, ta nhận pháp đó, ta thọ pháp đó và mỗi ngày công phu gọi là hành pháp, thì nhất định mỗi một ngày hành pháp đó chúng ta sẽ đắc pháp từ từ để đẩy lùi đi vô minh, tâm sáng ra để đẩy lùi đi đau khổ, phiền não, đời sống an lạc hạnh phúc hơn mỗi ngày.

Có một cái của thiên trả địa mà thật rõ trong câu mật ngôn số hai là quán vô thường, ngoài đồng tiền, vật chất, tất cả của cải trong thế gian này, nhà cao cửa rộng, xe hơi, thậm chí còn vợ con, chồng, cha mẹ, ông bà, người thân,.. đều không thuộc về ta. Của thiên trả địa thì bạn ơi trong cuộc đời này bạn đừng ôm giữ, hãy trân quý những giây phút gần gũi nhau, đối xử bằng ái ngữ. Mu A Mu Sa mang tình thương lan tỏa, gần gũi bằng Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để thấu được vô thường và luôn luôn tự thức tỉnh trong Ma Sa Ốp Uê để có tâm Tỉnh giác, thấu rõ, trân quý, đối xử với nhau bình đẳng tánh trí, kính trọng chân thành, thành kính. Bởi khi đã tận duyên ta sẽ không bao giờ còn có họ nửa. Có một cái mà ta cứ ôm ấp tưởng rằng đó là của ta, thuộc về ta, mà khi quán chiếu vô thường Đức Phật dạy rồi ta mới thấu cũng chẳng thuộc về ta, đó là mạng sống này, đó là thân xác này. Thân này cũng chẳng phải của ta, mạng này cũng chẳng phải của ta, bởi nếu của ta nào trong lịch sử còn có ghi ai đó vẫn mang thân này, mạng sống này mãi mãi đâu. Thân mạng này rồi cũng ra đi, của thiên trả địa, của tứ đại hết duyên giả hợp thì tan biến vào tận hư không, chẳng còn. Cứ đi từ xa xa cho tới thật gần theo pháp Thiền quán của mật ngôn số hai, ta mới thấy chữ vô thường trong Tam pháp ấn của Đức Bổn Sư truyền dạy rất cao siêu nhiệm mầu, nhưng rất bình thường dễ học, dễ quán. Bạn cứ nhìn vào tấm gương mỗi ngày, cái kính mỗi ngày để soi, gương soi mặt đó các bạn, mỗi ngày các bạn soi bạn sẽ thấy thời gian dần dần lộ hẳn trên khuôn mặt của bạn. Ngày nào đó hồi xưa Bảo Thành còn trẻ, còn đẹp trai dữ lắm, sung sức một thời, sức khỏe mạnh thi gan cùng trời đất chẳng sợ gì. Nhưng ngày nay vào mỗi sớm đánh răng rửa mặt, nhìn vào gương thấy có dấu chân chim, tuổi đời đã đi qua, cái già đã phảng phất, tóc bạc đã đầy đầu, chân tay lụm khụm rồi. Vô thường đã ghé thăm chúng ta ngay từ ngày đầu tiên chúng ta lọt lòng mẹ để chào đời, đó là nói để biết thôi, chứ còn khi còn trong trứng nước vô thường đã luân chuyển thường xuyên rồi. Thân mạng này chẳng phải của ta, Phật dạy quán như vậy để thấu vô thường trong mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, với một mục đích là để chúng ta không bị đau khổ và phiền não. Quán vô thường không phải là một sự quán làm cho chúng ta coi thường mạng sống hoặc thấy tất cả đều là tiêu cực, mà đây là một pháp quán rất tích cực, nhìn rõ thực thể của chân lý vô thường sanh diệt liên hồi từng sát na, để ta sống hạnh phúc, trân quý trong từng giây, từng phút của hiện tại trong chánh niệm.

Các bạn thân mến! “Của thiên trả địa”, Phật dạy trong câu mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán chiếu vô thường là chìa khóa đưa đến sự tỉnh thức. Nếu bạn không quán chiếu vô thường thì bạn chẳng có chìa khóa mở cửa để bạn thức tỉnh, bạn sẽ luôn luôn sống trong vô minh, trong u mê, trong mê muội, trong sự lừa gạt chiếm cứ những cái không thuộc về bạn. Câu hỏi được đặt ra trước khi chúng ta trở về với hơi thở: cái gì thuộc về bạn? Từ lúc có ý thức hiểu biết phải chăng chúng ta, Bảo Thành và các bạn đã toàn đi thâu gom, vơ vét những gì không thuộc về ta thì hãy nhớ câu của thiên trả địa, chúng sẽ ra đi vĩnh viễn. Còn có gì là của ta không? Trong pháp quán vô thường, khổ và câu thứ ba trả lời thật rõ để được siêu thoát, giải thoát khỏi luân hồi đó là Vô Ngã. Hãy đi sâu vào sự quán chiếu của vô ngã để thắp sáng và bừng tỉnh, để yêu thương và từ bi, để hạnh phúc và an lạc. Của thiên trả địa, thật rõ luật Nhân – Quả mà ông bà đã lồng vào trong một câu tục ngữ, thành ngữ của người Việt thật dễ thương – Của Thiên Trả Địa. Khi nếu chưa đi thì chúng ta nếu nhìn lại của thiên vơ vét thiên hạ, hãy hoàn trả bằng tâm hoan hỷ, hãy hoàn trả ở đâu thì trả về đó để tâm được thông dung, được tự tại, được thong dong, đó mới gọi là thần thông, là tự tại.

Các bạn! Xin hãy trở về với hơi thở của Chánh Niệm.

Mô Phật! “Của Thiên Trả Địa”, những gì không thuộc về chúng con, chúng con sẽ hiểu được thật rõ qua pháp quán về tinh thần vô ngã của mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để có được một đời sống tỉnh thức Ma Sa Ốp Uê và lan tỏa tình yêu thương Mu A Mu Sa. Nguyện xin chư Phật mười phương gia trì cho chúng con hiểu thấu và tinh tấn đồng tu mật thiền chánh niệm hơi thở mỗi ngày.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển, nhớ rõ luật nhân quả – Của Thiên Trả Địa.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu có được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho song thân phụ mẫu được tăng long phước thọ và nếu như các đấng bậc sinh thành đã viên mãn cuộc đời thì luôn luôn gặp được Phật – Pháp – Tăng, hiểu được nhân quả, theo thiện nghiệp tái sanh siêu thoát. Chúng con cũng hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts