Search

Bài 3095. Tâm Ta An Sóng Gió Sẽ Tan

Thu Hằng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Giờ tu đã tới, mời các bạn chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa Phật! Hôm nay ngày 1 tháng 8, đã đi vào mùa Vu Lan, mùa mà Đức Phật dạy cho chúng con trong trăng rằm tháng bảy nhớ về cội nguồn, cửu huyền thất tổ ông bà, các đấng sanh thành, các bậc thầy đã sinh ra chúng con, sinh ra thân xác và trí tuệ này, làm con phải biết báo hiếu. Hôm nay chúng con nguyện xin chư Phật ban rải năng lượng tình thương, thắp sáng đuốc tuệ, làm thức tỉnh thân tâm của chúng con để luôn luôn hướng về con đường tiếp cận với Phật tánh, chuyển hóa mọi sự phiền não, sợ hãi và mở rộng vòng tay yêu thương, bao dung tha thứ. Chúng con nguyện xin chư Phật, chư Bồ Tát thánh hiền mười phương gia trì cho cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ nhiều đời của chúng con đã quá vãng, nương theo bóng từ ân của các Ngài mà siêu sanh tịnh độ. Cũng nguyện cho cha mẹ tại tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống và đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy nhớ lời Đức Phật dạy trong mùa vu lan, tâm hiếu là tâm Phật, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng tình yêu thương. Nhớ lời Đức Phật dạy thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, thắp sáng đuốc tuệ, lan tỏa tình yêu qua mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê.  Nguyện mang tất cả mọi năng lượng mà chúng ta đón nhận được trong sự đồng tu hôm nay hồi hướng về cho cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn, chúng ta từng bước từng bước đi trên con đường đồng tu và đã chọn lựa cho mình pháp môn mật thiền song tu chánh niệm của hơi thở qua các mật ngôn, đón nhận tha lực Phật điển và sự tự lực đồng hành trên con đường tu tập như một phương tiện phù hợp để quán chiếu thân tâm, cuộc đời của chúng ta trong từng sát na. Ngõ hầu ứng dụng vào đời sống thường của Phật tử tại gia, mang lời Phật tưới tẩm trong sinh hoạt hàng ngày, để có được hoa trái đúng mùa mà tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi trong sự an lạc hạnh phúc, thanh tịnh thong dong và tự tại.

Chủ đề “Tâm Ta An Sóng Gió Sẽ Tan”. Điều này rất đúng, khi tâm của chúng ta an mọi sóng gió sẽ tan, nhưng tan như thế nào? Hầu hết các bạn và Bảo Thành trong những thuở đầu chúng ta tu với bất kỳ một pháp môn nào, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, bái xám hoặc đồng hành trong các nghi thức của Phật giáo, thiền định theo các môn phù hợp. Ngày nay Phật giáo được lan truyền rộng rãi giữa Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa và Kim Cang thừa, Tịnh Độ tông, Thiền tông, rất nhiều các pháp môn phương tiện chúng ta học. Nhưng ý tưởng chúng ta học, chúng ta tu vẫn chỉ xoáy quanh vấn đề như một vị thuốc an thần, để nghĩ ta tu là muôn sự ở bên ngoài sẽ phải biến mất, sẽ không xảy ra, sẽ tan, tan hóa. Ví dụ khi ta khổ vì người yêu, vì chồng, vì vợ, vì cha mẹ, ông bà, con cái hay những người ta tương tác hằng ngày, hay hoàn cảnh kinh tế, quyền lực, tranh giành, mọi vấn đề trong xã hội, ta nghĩ rằng ta không đương đầu nổi căng quá ta tu. Ta chọn pháp môn tu và luôn luôn nghĩ khi ta tu ông bà sẽ không chửi ta, không rắc rối, cha mẹ, vợ chồng, con cái, sự sự gì ở đời đều tan biến chẳng còn. Các bạn thấy không hầu hết chúng ta tu với tâm ý như vậy, hàng xóm cãi nhau quăng rác qua nhà, ta tu để hàng xóm không quăng rác qua nhà nữa. Nhưng khi tụng kinh, khi gõ mõ, khi ngồi thiền, mở cửa bước ra rác vẫn đầy ở trong sân, thế là ta nghĩ “Trời ơi! Tu không biết có đúng pháp môn không”. Sóng gió hàng xóm đổ rác qua nhà ta, ta tu bấy lâu họ không ngừng, sóng gió đó chẳng có tan, vậy mà xưa khi nghe giảng dạy khi tu, tâm an mọi sự sẽ tan, sóng gió sẽ tan. Ta tu tâm an rồi mà hàng xóm không chịu tan, sóng gió xả rác qua nhà mình thế là trong tâm ta cuồn cuộn nổi dậy như sấm, tu mà không trị được ông hàng xóm này, bà hàng xóm này, người hàng xóm này. Nhất định, nhất định phải xắn tay áo lên cho họ biết, họ không biết họ tưởng mình hiền, mình nhịn rồi mình nhục. Hóa ra công phu tu tập bấy lâu nay là chỉ có chui đầu vào trong bóng dáng của sự tu để cho hàng xóm họ tốt, hàng xóm họ đừng làm quấy, làm bậy. Từ đó lan rộng mọi pháp tu của chúng ta vẫn còn gọi là tu mướn, tu mượn, ta mượn pháp của nhà Phật, ta mượn cái được giới thiệu qua kinh, qua chú, qua phương pháp thiền, là để xua tan đi những sóng gió ở bên ngoài khi nó tới với chúng ta. Bởi thế mà trên mạng, trên sách, các phương tiện của các vị Tổ, các vị Thầy, các vị Phật tử cứ đăng ầm ầm, nghe thấy mà ham, đăng cái gì? Chú Đại Bi đọc bảy biến thôi việc gì cũng xong. Những người đang khổ, đang thất bại, khổ về tình, về tiền, thất bại về quyền lực, về đồng tiền, về làm ăn, nhào đầu vô Chú Đại Bi như một thương hiệu bởi quảng cáo, bởi quảng bá, bởi lưu truyền chỉ bảy biến, 100 biến, một vạn biến tùy theo, tụng ngày, tụng đêm, trì đêm, trì ngày, nghe miên mật. Nhưng hàng xóm họ vẫn quậy, người tình vẫn bỏ đi, chồng vẫn làm sai, vợ vẫn ồn ào, công việc cũng cứ bị đuổi, tiền cứ hao, con vẫn hư. Cuối cùng ta chẳng còn tin vào Chú Đại Bi, bởi ta tin tưởng Chú Đại Bi có công lực thay đổi hoàn cảnh sống. Rồi niệm Phật cũng thế, niệm cho khan cổ, đứa cháu nó hư quá thôi niệm Phật cho nó hết hư, nhưng khi niệm Phật nó không hết hư, nó phá, nó quậy, mình cuồng tâm mình la nó “Bây im mồm đi để cho bà, cho ông niệm Phật”, một câu như vậy đã chứng tỏ tâm ta đã rối, đã loạn. Mà các bạn thử nhìn đi có đúng hay không? Ta mượn chú, ta mượn kinh, ta mượn cái gọi là tu của nhà Phật chẳng phải để đạt được tâm an, mà chỉ làm sao cho sóng gió tan hết trong cuộc đời. Do đó mà cách tu ấy tâm ta càng loạn, sóng gió càng xảy ra, bạn cứ nghĩ từ thuở bạn tu theo tâm ý như kia bạn có đạt được điều gì đâu. Còn có những sự quảng cáo cho cao siêu nhiệm màu của những pháp thượng thừa trong Kim Cang. Ta có Nguyên thủy, Đại thừa và Kim Cang thừa, nghe thích lắm bởi trong Kim Cang vẫn có những mật chú để cho có tiền, để cho có tình, để tăng trưởng những phước báu theo dạng thể như thế và có sự quả quyết rằng khi trì chú đó ta sẽ thành tựu. Bạn cứ nghĩ như vậy và bạn thích, bạn mượn cái đó như một phương tiện để làm giàu, để cầu tài, cầu tình đủ thứ hết. Nhưng bạn nhìn kỹ lại đi Kim Cang thừa xuất phát từ Tây Tạng họ nghèo lắm, rất nghèo, ý niệm trong các dòng truyền thừa hoặc các phương tiện tu để đạt được cái ở bên ngoài hoàn toàn là sai. Nhưng tâm an sống gió sẽ tan là sự thật, khi chúng ta xoay chuyển cái nhìn về sự tu chẳng phải là để cho sóng gió ở bên ngoài sẽ tan, mà là tâm ta an thì sóng gió dù có cuốn tới tâm vẫn an. Trong lòng ta mọi sóng gió đó không có tạo ra sự bất an, sự phiền não, nó ồn ào, nó rần rần ở bên ngoài nhưng khi nó tới với chúng ta, nó tan liền ở trong tâm bởi tâm ta an, tâm an các bạn ơi! Mà thật sự để tâm an thì mọi sóng gió ở ngoài đời khi vào ta nó sẽ tan ngay khi chạm tới. Thì ta phải hiểu được chân lý của tha lực vi diệu nơi mật ngôn, đặc biệt là mật thiền song tu phối hợp với tự lực trong quán chiếu nha các bạn. Đừng quá cuồng mê tín dị đoan, coi Phật ngôn qua phương pháp tu như một liều thuốc an thần, rồi ta tu không thay đổi được những sự việc đang xảy ra, thế là ta cho rằng pháp môn đó nó sai, nhưng không, ta đã sai khi nhận định không đúng pháp tu với mục đích là gì.

Một ví dụ điển hình thuở xưa khi đi vượt biên, một con thuyền thật là nhỏ, đôi khi con thuyền đó, cái ghe đó chỉ có thể chứa được 5, 10 người là đủ rồi. Nhưng vì sự cố và không phải có nhiều ghe, nhiều thuyền, cho nên hầu hết cái ghe có thể chứa được 5 người thì người ta có thể dồn lên tới 30, 100 người. Cái thuyền chật kín hết và khi ra biển vượt biên nước biển có thể mấp mé ngay mạn thuyền, chìm lúc nào không hay. Những trẻ thơ chưa biết gì thì chẳng sợ, nhưng những người đã đến độ tuổi nhận ra rất sợ hãi, rất sợ hãi. Thứ nhất là họ nhìn trên sóng biển mênh mông vô tận, cuồn cuộn chẳng thấy bờ, chẳng thấy bến mà con thuyền thì quá nhiều người, đồ ăn thì cạn dần, nước uống cũng dần dần như thế, họ sợ, hoang mang. Những ai từng vượt biên rồi mới thấy được cảnh đó, nhưng dù sao ở trên con thuyền, cái ghe vượt biên ấy vẫn có một người không bao giờ run sợ, họ rất an tâm, gọi là rất an tâm và luôn luôn trấn an mọi người “Quý vị ơi! Hãy an tâm, chúng ta sắp tới rồi”. Người đó là ai? Chính là vị tài công tức là người lái thuyền, người lái thuyền họ luôn luôn an tâm bởi đó là nghề của họ. Họ biết định vị phương hướng, họ có la bàn, trước khi đi họ chấm điểm thật rõ trên la bàn, quyết định đi tới đâu họ thấy rõ và họ hiểu được cách vận hành con thuyền trên sóng và họ thấu được rằng ở đằng trước khi tới đích mà mình đã chấm, chỉ cần la bàn định hướng được rồi luôn luôn có một ngọn đèn Hải Đăng. Bởi trên thế giới bất cứ một đất nước nào gần biển ở những bến cảng, ở những biển cũng thường có Hải Đăng tức là ngọn đèn bắt lên thật xa để cho những người ở biển khơi định hướng mà về, cộng thêm la bàn và sự xác định thật rõ bởi kiến thức hiểu biết cách vận hành tàu ghe trên biển. Nên người tài công, người lái thuyền tâm luôn an, chính vì trên thuyền có một người tài công giỏi, tâm an như vậy mà đã hàng trăm, hàng trăm ngàn người Việt Nam thuở xưa khi vượt biên đã đến được bến bờ tự do.

Các bạn! Tâm an chẳng phải là ngồi trên thuyền và biết lái thuyền, như các bạn cứ nghĩ rằng tâm bạn an mọi sự sẽ tan đi, bởi có phương tiện tu, không đâu! Pháp môn tu là một phương tiện, con thuyền cái ghe là một phương tiện, nhưng nếu bạn không có kiến thức hiểu rõ sự vận hành bạn đang đùa giỡn với tử thần, ngồi trên ghế trên thuyền phóng ra ngoài biển khơi chẳng định được phương hướng, chẳng hiểu rõ cách vận hành con thuyền, chẳng hiểu được những ngọn hải đăng, chẳng đọc được thông tin sóng gió, thời tiết, khí hậu, bạn đang tự sát trên cuộc hành trình mù mịt không có kiến thức. Đây là điều rất đúng, chúng ta tu mà muôn sự ở đời xảy ra ta vẫn khổ chính là bởi vì ta như người lái thuyền, chẳng phải là tài công có kiến thức, chỉ lái bậy. Đó là một điều cần phải suy nghĩ khi chúng ta tu, tất cả mọi pháp môn như chiếc ghe chiếc thuyền, tùy vào những thời điểm chiếc thuyền chiếc ghe được chở số người phù hợp cho phép, cũng có những thời điểm vượt biên số người vượt quá. Trong cuộc đời có những thời điểm những sóng gió tới thật nhẹ, cũng có những thời điểm sóng gió của cuộc đời tới như số người tràn lên trên thuyền dư làm thuyền chìm dần, sóng và nước biển mấp mé bên mạn thuyền rất sợ. Dĩ nhiên trong cuộc đời của các bạn và Bảo Thành đã biết bao nhiêu lần sóng gió cuộc đời hầu như đã nhận chìm chúng ta, các bạn, chúng ta tu là chẳng phải để mượn vào pháp Phật, mượn vào Đức Phật, chư Bồ Tát, thần linh để mà giàn xếp những sự việc đang xảy ra với chúng ta. Mà chúng ta tu là tăng trưởng kiến thức, hiểu rõ được những gì gọi là sóng gió cuộc đời đến với chúng ta là do ác nghiệp nhiều đời, do nhân quả nay nó trổ, phải hiểu được điều đó. Khi hiểu được điều đó và đi sâu hơn nữa hiểu được chân lý vô thường mà Đức Phật dạy, sanh diệt nó có tới thì nó có lui, nó ở đó rồi nó biến mất, sanh diệt từng giây từng phút, đó gọi là vô thường và những sóng gió trong cuộc đời tới gây tạo ra bởi ác nghiệp cũng vô thường. Hiểu được như vậy tâm mới an, còn cố gắng gọi là tâm an mà không hiểu được vô thường thì tâm chẳng có an đâu. Để rồi khi những sự việc ở bên ngoài nó vẫn xảy ra, tâm ta nổi cáu, nổi giận, nổi sân. Ta nhớ tâm an sóng gió tan, tan là tan ở trong tâm chứ chẳng tan ở bên ngoài.

Các bạn nhớ đi Đức Phật đã tu chứng và đạt đến bậc giác ngộ, tâm Ngài hoàn toàn an nhưng sóng gió của cuộc đời Ngài có tan biến không? Không! Người anh em họ Đề Bà Đạt Đa tìm đủ mọi cách giết Phật, Vua A Xà Thế hại Phật, vua Ba Tư Nặc hại Phật, vua Tần Bà Sa La hại Phật, các vị thầy khác hại Phật. Người ta thả voi, người ta dùng độc dược, người ta dùng quyền lực, người ta dùng đủ mọi thứ để hại Phật, nói rõ hơn đó gọi là sóng gió cuộc đời của Phật đó, có tan đâu. Người anh em bà con họ còn mang quân tới giết toàn bộ dòng tộc họ thức, sóng gió có tan đâu. Nếu nhìn vào thể tướng đúng nó không tan, nếu nhìn vào tinh tế hơn cái tâm thì tâm của Phật là giác ngộ, Ngài đã an nên muôn trùng sóng gió ngoài kia dù cao ngất lên trên đỉnh trời cũng chẳng làm cho tâm của Ngài lăn tăn gợn sóng. Đó mới gọi là “tâm ta an sóng gió sẽ tan”, tan ở trong tâm. Chúng ta phải hiểu thấu được cuộc đời của Đức Phật đã từng xảy ra biết bao nhiêu sóng gió, từ thuở còn nhỏ tranh giành trong nội cung, các thái tử tranh giành ai cũng muốn lên ngôi vua, tìm đủ mọi cách hạ bệ thái tử Tất Đạt Đa tức là Đức Phật lúc nhỏ. Lớn lên giác ngộ rồi cũng luôn luôn bị tranh giành bởi hàng đệ tử, bởi vua chúa, quan quyền, bởi các vị thầy đứng đầu các tôn giáo khác, bởi những người tín hữu của các tôn giáo khác, họ theo họ hại, họ phá, Ngài gặp nhiều lắm. Nên chúng ta cũng nhìn vào gương đó để hiểu rằng khi chúng ta tu, Phật mà những sự việc như vậy còn xảy ra, sâu hơn nữa là ngay cả bệnh hoạn, nhức đầu, đau chân, kiết lỵ, đủ mọi thứ bệnh, trong kinh không liệt kê hết nhưng chắc chắn Đức Phật cũng chịu thân bệnh, rồi cũng già các bạn ơi, già đến mức mà ông A Nan nói với Phật rằng “Phật ơi! Thầy già rồi, nhiều chúng đệ tử thấy Thầy già, sợ Thầy quẩn trí nên đã lập môn hộ riêng rồi”. Thấy chưa, bệnh, già, rồi Phật cũng chết, Phật chết đấy 80 tuổi Ngài chết. Những cái gọi là sinh lão bệnh tử, sóng gió về những hiện tượng đó, ấm xí thịnh tức là những sự việc trong môi trường sống, nóng lạnh, khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm trí cũng có vẫn luôn xảy ra, người hại Phật vẫn luôn xảy ra. Nhưng tâm của Ngài an, cho nên những điều xảy ra ở bên ngoài đó chẳng bao giờ có thể xâm nhập vào tâm của Ngài làm gợn sóng lăn tăn, tâm Ngài không bao giờ lăn tăn. Cho nên đúng với câu tâm an sóng gió sẽ tan ở trong tâm, còn bên ngoài mặc kệ nó chứ, phải không các bạn?

Các bạn có nghe câu tục ngữ của Việt Nam chưa?
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Lòng của ta vững, ở bên ngoài dù họ có đổ nghiêng cả thành phố, cả núi đồi, thì lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân, tâm an là kiềng ba chân. Khi hiểu được nguyên lý vô thường sanh diệt tâm ta thật sự mới an. Còn nếu bạn không hiểu được nguyên lý vô thường sanh diệt trong mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán vô thường, tâm bạn không bao giờ an và những sự việc dù rất nhỏ xảy ra trong cuộc đời tâm bạn cũng sẽ rối. Còn nếu bạn hiểu được qua mật ngôn này có tha lực vi diệu soi sáng, để ta nhìn rõ hơn bằng sự tự lực quán chiếu, nó mới tác thành sự chứng đắc. Nhiều bạn nghĩ rằng cứ đọc NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là tâm ta hiểu vô thường không cần quán chiếu. Một ví dụ để các bạn hiểu được tha lực vi diệu của các mật ngôn như vậy: thì căn phòng ta ngồi đọc sách, đọc bài hoặc học nó tối, ta không nhìn thấy chữ để đọc, nhưng khi ta bật đèn lên ta nhìn rõ hơn thì ta đọc dễ dàng hơn, ta học dễ hơn. Đó chính là cái gọi là tha lực của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn này là mật ngôn của trí tuệ, như bóng đèn trong tâm được bật sáng, nhưng ta phải vẫn đọc vào cuốn sách. Bởi bóng đèn trí tuệ của mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là đèn trí tuệ nó chiếu và nó soi vào cảnh giới của vô thường, vô ngã, khổ. Nhưng ta phải quán chiếu cũng như cuốn sách đã mở, đèn đã bật, ta phải nhìn và đọc mới hiểu thấu được cốt truyện trong sách, lời dạy ở trong sách. Tự lực và tha lực cần phải phối hợp đúng, còn nếu chỉ có tha lực đèn đã bật sáng mà bạn nhắm mắt vào không đọc, thì suốt cuộc đời cuốn sách kia, những chữ đó vẫn nằm yên trong sách chẳng thể chuyển hóa vào trong tâm qua sự tư duy, để mang kiến thức viết trên sách kia ứng dụng vào đời sống. Hiểu được cách tu như thế bạn mới thấy ngỡ ngàng, từ xưa đến giờ bạn tu sai là luôn luôn mượn tha lực để giải quyết vấn đề chứ không nương vào tha lực như bóng đèn để đọc sách cho rõ, cho tỏ, cho tường, cho thông, hiểu để ứng dụng. Bạn có nghe kịp diệu lực của tha lực chưa các bạn?

Đấy! Tha lực là trợ lực để nhìn rõ trong bóng tối của vô minh, nơi kiếp người ác nghiệp nhiều, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang đã soi sáng cho chúng ta qua sự tự lực vận hành công phu một cách rốt ráo từng ngày, từng giây phút, để nhìn thẳng vào các hiện tượng đang xảy ra, để thấy được đó là vô thường tới lui sanh diệt. Mọi sóng gió ở ngoài đời do nghiệp, do cộng nghiệp, định nghiệp, do tất cả mọi thể loại nghiệp, nay nó trổ quả nó tới, rồi nó cũng sẽ đi chẳng bao giờ tồn tại mãi, bởi vạn pháp đều vô thường sanh diệt. Vạn pháp nghĩa là mọi hiện tượng xảy ra do ác nghiệp hoặc do thiện nghiệp tới rồi cũng sẽ đi, chẳng tồn tại mãi đâu, chỉ nương vào cái diệu dục khi nó thị hiện để quán chiếu thấy được điều đó mà sửa, để quán chiếu thấy được điều lợi lạc mà nương vào, tiến tới xa hơn. Ngọn hải đăng luôn luôn sáng nếu ta không nhìn được nó, không minh định được nó chẳng thể tới. La bàn hướng dẫn về những tọa độ theo định hướng của đông tây nam bắc, ta không minh định rõ ràng, không biết cách đọc ta chẳng thể tới, dù trên thuyền có những lúc vượt biên thuyền có nhiều cái la bàn thuộc loại đặc biệt nhưng họ đi không được, họ không tới được bởi trên thuyền ấy chẳng ai biết đọc la bàn. Bạn có trong tay mật ngôn và sự đồng tu lâu ngày, nhưng bạn hiểu không thấu, thì chẳng khác gì như người đi thuyền có la bàn mà chẳng biết đọc, có kiến thức dạy trong sách mà không mở mắt ra mà đọc. Cứ nghĩ rằng cuốn sách đó có thần lực để trên thuyền là tự động nó tới. Cứ nghĩ rằng la bàn định được hướng để trên thuyền là sẽ trôi về đúng hướng. Cứ nghĩ rằng các mật ngôn là có tha lực rồi ta cứ ấp ủ đọc đọc đọc đọc, là ta thành. Tự lực rất quan trọng, nếu bạn tu mà không có sự tự lực quán chiếu nương vào tha lực, thì bạn tu đã sai và dĩ nhiên tâm bạn được gọi là an, thì cái an đó chưa phải là an thực sự, sóng gió muôn đời sẽ luôn ở đó. Tâm an sóng gió bên ngoài chẳng bao giờ làm lay động ở bên trong.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma đi qua bên Trung Hoa giảng pháp, biết bao nhiêu những sóng gió bên ngoài từ các vua chúa, quan quyền, từ người dân thường cho tới các bậc xuất gia của người Hoa đó, tạo biết bao nhiêu sóng gió. Nhưng bởi vì Ngài đã đắc đạo, tâm Ngài an. Chín năm diệt bích nhìn vào bức tường để tư duy suy nghĩ phong tục tập quán, ngôn ngữ của người dân Trung Hoa thời đó và làm sao để mang pháp môn của Ngài khai thị cho một dân tộc ở một vùng miền mới, với phong tục mới. Ngài đã dùng chín năm để quán chiếu đó các bạn và cuối cùng chỉ nhận được một đệ tử là Ngài Huệ Khả. Chúng ta cũng như thế, tâm sẽ an như tổ bồ đề, tâm sẽ an như Phật, tâm sẽ an như người tài công, người lái thuyền nếu biết nương vào tha lực của các mật ngôn cùng với sự tự lực đón nhận như ánh đèn trí tuệ, như năng lượng từ bi Mu A Mu Sa, như sự tỉnh giác thực sự trong cuộc sống của Ma Sa Ốp Uê. Ứng dụng vào với tự lực quán chiếu ta đã có những phương tiện vi diệu để đọc rõ mọi hiện tượng và thấu được đó là vô thường thì tâm bạn sẽ luôn luôn an. Tại sao ta yêu thương muôn người nhiều hơn qua mật ngôn Mu A Mu Sa? Bởi ta thấy được cuộc đời là vô thường, cha mẹ ông bà, ta thấy được đời sống của chính ta tới rồi đi trong từng hơi thở rất ngắn ngủi. Từ đó chúng ta luôn luôn yêu thương, chúng ta trân quý, chúng ta yêu thương, chúng ta không giận hờn, chúng ta không sân, chúng ta không thù hằn bởi cuộc đời quá mong manh, quá ngắn ngủi. Chúng ta lại nhận ra trong cõi vô thường xảy ra đó, mọi sự tương tác mà không có từ bi yêu thương thì tạo thêm những đau khổ cho nhau. Bởi quán chiếu ta mới thấy được chỉ có tình thương, chỉ có từ bi Mu A Mu Sa mới chữa lành tất cả mọi vết thương trong cuộc đời từ vô lượng kiếp qua cho tới nay. Cũng trong sự quán chiếu của vô thường ta nhận ra cuộc đời của con người chỉ ngắn bằng một hơi thở, nên ta trân quý, ta không để cuộc đời vô minh u u mê mê nữa. Mà ta luôn luôn thể nhập vào tâm tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê để có một đời sống tỉnh thức, nhìn rõ vạn pháp trong vô thường và mang tình thương trao gửi và đối xử với nhau. Đây là cách quán chiếu của ba mật ngôn hiện tại ta đang tu trong mật thiền song tu chánh niệm hơi thở, nếu bạn hiểu thấu được bằng sự tự lực quán chiếu. Rồi khi nhìn vào cuộc đời nó xô xát giữa cha mẹ con cái, giữa cộng đồng xã hội, giữa công ăn việc làm, giữa muôn sự ở đời ta quán chiếu và thấy nó vô thường. Thì ta thấy rõ hơn nhờ vào mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mọi sự quán chiếu của bạn sẽ thấu rõ hơn. Như nhờ vào ngọn đèn được bật lên ta nhìn rõ hơn mặt chữ để đọc trong cuốn sách. Ta nhìn rõ sự trân quý của đời sống nên yêu thương hơn. Ta nhìn rõ cảnh vô thường nên luôn luôn nhắc nhở phải sống tỉnh thức, tỉnh thức để quán chiếu và yêu thương. Ba mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê có thể dịch một cách đơn giản là gì? Như một lời nhắc nhở hãy tỉnh thức, hãy tỉnh thức nhìn cho thấu để yêu thương nhau. Hãy tỉnh thức, hãy tỉnh thức nhìn cho thấu, hiểu cho thấu để buông mà yêu thương. Một câu rất hay, Bảo Thành rất thích ba mật ngôn này được diễn giải theo ý nghĩa chân chất, chân phương, nhẹ nhàng, Bảo Thành đọc lại mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là hãy tỉnh thức nhìn cho rõ để hiểu mà buông, để yêu thương nhau trọn đời. Nếu thấu được cách tu như vậy tâm bạn sẽ an và sóng gió sẽ tan.

Các bạn thân mến! Nguyện cho tất cả mọi người chúng ta hiểu được mật thiền song tu là nương vào tha lực mật điển của Phật, cùng với sự phối hợp với tự lực cầu đạo giác ngộ, miên mật tu hành trong từng ngày. Quán chiếu và thẩm nhập được ý nghĩa của mật ngôn mới có thể tiếp nhận được năng lượng siêu thế, để phát huy tự lực vượt trội để thành tựu được tâm ta an yên trong cuộc đời, để mọi sóng gió ở bên ngoài khi trỗi dậy tâm ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Ba mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là hãy tỉnh thức, nhìn cho rõ để hiểu mà buông, để yêu thương nhau hơn.

Các bạn! Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm để chúng ta có một đời sống tỉnh thức, nhìn cho rõ để hiểu mà buông, hầu biết yêu thương trân quý nhau trong từng giây phút của cuộc đời này khi vẫn còn có cơ duyên gặp gỡ nhau, nhất là khi đấng bậc sinh thành, cha mẹ vẫn còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu tâm an do hiểu đúng pháp của Phật bằng sự tự lực quán chiếu qua tha lực, nương vào đó để hiểu. Nguyện chư Phật gia trì cho chúng con thấu rõ được ba mật ngôn trong mật thiền song tu hiện thời, nghĩa là chúng con luôn luôn sống tỉnh thức để nhìn cho thấu, hiểu, buông để yêu thương, yêu thương tất cả những ai mà chúng con có nhân duyên diện kiến trong cuộc đời ngắn ngủi này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Nếu sự đồng tu hôm nay chúng con có tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ được siêu sanh tịnh độ và hồi hướng cho cha mẹ tại tiền tăng long phước thọ. Chúng con cũng hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts