Search

Bài 3092. Sống Bản Lĩnh

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Hạnh biên tập

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẽ.

Giờ đồng tu tới rồi mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ dũng lực, biết tự đứng dậy miên mật tu tập Mật Thiền Chánh Niệm hơi thở song tu, để thắp sáng đuốc tuệ thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu trong vạn pháp thấy rõ là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện siêu cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ và những người thân yêu vừa quá vãng, nương theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Nguyện cầu an cho tất cả hàng Phật tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!



Mời các bạn ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể của mình, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, buông thư nhẹ nhàng. Nhớ về lời Đức Thế Tôn dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Mật Thiền song tu quán chiếu trong hơi thở chánh niệm và tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa nghĩa là quán tâm Từ Bi. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán tâm Trí Tuệ, để thấu được vạn pháp vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã. Mật ngôn Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác. Từ bi, trí tuệ, tỉnh giác quán là pháp phương tiện vi diệu mà Đức Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn nghìn mắt nghìn tay đã chứng đắc truyền lại. Sự đồng tu của chúng ta sẽ đưa chúng ta tới sự gắn kết mật thiết với mười phương chư Phật và lãnh nhận được thật nhiều mật điển. Chúng ta hãy bắt đầu!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến. Trong thế giới này ai trong chúng ta cũng luôn luôn muốn thể hiện bản lĩnh của mình. Một người sống có bản lĩnh là người có ý chí, có nghị lực sống, có trí tuệ và có sự sắp đặt công việc của mình một cách rất rõ ràng để từng bước thực hiện đưa đến sự thành công. Dù phải đương đầu với thử thách, họ không bao giờ khuất phục, họ vẫn vươn lên. Chủ đề “Sống Bản Lĩnh”, một chủ đề mà ai ai trong chúng ta cũng mong muốn chính mình có được cách sống bản lĩnh? Dù là nam hay nữ, đàn ông hay đàn bà bản lĩnh là điều rất cần. Thuở nhỏ ai trong chúng ta cũng luôn nghĩ rằng mình phải có bản lĩnh để thể hiện với bạn bè. Thông thường khi chơi với bạn đồng lứa ai ai cũng trổi dậy chứng tỏ bản lĩnh của mình, làm những điều dám nghĩ. Nói đúng hơn trong nhóm bạn của mình thường khen người nào có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và khi các bạn mình hô hào ta hình như hăng máu phóng vào làm ngay chẳng sợ gì. Lứa tuổi 13, 14 cho đến 18 đôi mươi, khi cơ thể phát triển thật mạnh, cơ bắp khỏe, đầu óc lanh lợi và luôn luôn có những tư tưởng đột phá. Ở lứa tuổi đó, hầu hết chúng ta muốn chứng tỏ bản lĩnh, đi đâu cũng muốn đứng đầu chẳng sợ gì, trời không sợ đất không sợ, thi gan với trời đất. Bảo Thành và các bạn ai cũng có máu kiêu hùng muốn sống bản lĩnh như vậy. Biết bao nhiêu người được gọi là bản lĩnh liều mình vào trong chỗ nguy hiểm hoặc làm những điều mà người khác không thể làm. Thường các đấng mày râu trong những cuộc tiệc có nhiều người chứng tỏ bản lĩnh của mình, thiên tửu giải vạn sầu chẳng sợ gì, nốc vào uống mãi không say, không sỉn, mặt tươi roi rói, bạn bè tán tụng đúng là bản lĩnh, uống hoài không say. Rồi biết bao nhiêu những chuyện mà ở đời không ai dám đụng vô ta lại đụng vào, đủ thứ liệt kê ra không biết bao nhiêu thứ và cứ cho như vậy là sống bản lĩnh. Nhưng thực ra đối với Bảo Thành đó không phải là sống bản lĩnh, mà sống cũng có chữ lĩnh mà là liều lĩnh. Sống liều lĩnh có trong chúng ta, chúng ta có máu liều lĩnh chẳng bao giờ suy nghĩ cho tận tường, cho rõ đúng hay sai, bằng kiến thức trí tuệ để có ý chí và nghị lực thực hiện được những điều mơ ước. Nhưng thường hay liều lĩnh lao đầu vào, để làm những chuyện không đâu vào đâu nhưng lầm tưởng rằng đó là bản lĩnh, cứ thích thể hiện. Hình như chữ liều lĩnh này có trong Bảo Thành các bạn, các bạn cũng giống giống Bảo Thành đó cũng liều dữ lắm. Chúng ta thường hay uống thuốc liều, rồi liều lĩnh làm bậy, làm càn. Do đó đốt cháy sức khỏe của tuổi thanh xuân vào những chuyện nguy hại, gây phiền não đau khổ cho mình và gây biết bao nhiêu những chướng ngại cho gia đình. Nhất định Bảo Thành và các bạn đã từng liều lĩnh rồi. Càng trẻ càng thích liều mà đôi khi lớn tuổi còn liều hơn nữa, thí mạng cùi chẳng sợ gì.

Đời sống của con người nếu như có phước báu học được những lời Đức Phật dạy, chúng ta sẽ phải ngưng ngay những chuyện liều lĩnh để sống như chủ đề nói là sống có bản lĩnh. Người có bản lĩnh là người có trí tuệ các bạn ạ, là người có ý chí, là người có nghị lực. Người có bản lĩnh có thể lãnh đạo được những ước mơ, quản lí được những suy nghĩ và làm chủ được cảm xúc, không phải dễ đâu. Nếu không công phu khó lắm, phải công phu. Công phu có nghĩa là phải học và hành thực tập rõ ràng, trải qua những kinh nghiệm thực tế rút tỉa được những bài học có giá trị trong cuộc sống với ý chí không bao giờ đầu hàng, bỏ cuộc và với một nghị lực vững chãi không chùng bước, sẽ phát huy được khả năng vốn có để thành tựu được những ước mơ của riêng mình.

Sống bản lĩnh rất cần, chúng ta học Phật, mình noi gương của Đức Phật, chúng ta thấy Đức Phật không phải là một người liều lĩnh bỏ cung điện, ngai vàng, vợ đẹp con khôn, quyền lực, châu báu vàng bạc để đi vào trong rừng sống vất vưởng, không ăn, không uống nhịn khổ hạnh. Chẳng phải liều lĩnh đâu, bởi người liều lĩnh là làm theo xung lực của tuổi trẻ thúc đẩy, chẳng có những ước nguyện cao khi nghĩ đến người khác. Phật làm như vậy là bản lĩnh thử thách bản thân để đi tìm một chân lí, cứu khổ cho những ai đang đau khổ và phiền não. Cho nên trên con đường tầm học đạo bảy năm khổ hạnh đối với Ngài, Ngài không bao giờ chùn bước, dù lúc đó chỉ còn da bọc xương, mắt lõm sâu vào như hố thẳm của thời gian, đăm chiêu suy nghĩ làm sao để cứu khổ cứu nạn chúng sanh, không bỏ cuộc. Ngài chịu bỏ hạnh khổ hạnh trong rừng đó khi nhận ra cách sống khổ hạnh, cách tu khổ hạnh không đưa đến sự giải thoát. Nên Ngài chuyển hóa và thay đổi phương pháp mới, con đường trung đạo, ngồi dưới cội bồ đề quán chiếu với một bản lĩnh vô song. Thử thách từ những ham muốn lục dục, thử thách từ những quyền danh, thử thách từ tiền tài và thử thách của Ma Vương. Ngài đã chiến thắng bởi Ngài có ý chí và nghị lực vô song. Sự chiến thắng đó đã làm cho Ngài tĩnh tọa an nhiên và trong những hơi thở chánh niệm quán chiếu Ngài đã đạt được bậc giác ngộ. Bản lĩnh của Ngài sau khi giác ngộ là làm sao mang chân lý giác ngộ đó truyền lại cho chúng sanh, cho các hàng đệ tử, cho những người có căn duyên phù hợp. Trong suốt 45 năm trời nói theo nguyên thủy và nói theo đại thừa làm 49 năm trời, Ngài đi khắp mọi nơi tạo đủ mọi nhân duyên tiếp cận với mọi hàng đệ tử, Phật tử, Bà La Môn, người dân bình thường căn cơ khác biệt, kiên nhẫn, nhẹ nhàng, từ tốn, bao dung và yêu thương để khai thị pháp Phật nhiệm mầu cho tất cả, không từ khước những gian nan, không dừng bước trong gian khổ và thử thách. Đức Phật đúng là một bậc sống bản lĩnh. Cho tới hơi thở cuối cùng biết rõ ngày giờ mình mất, vẫn có bản lĩnh tịnh tĩnh trong sự tỉnh giác, khai thị và truyề dạy lại cho chúng Phật tử.

Biết bao nhiêu những bậc tổ, những vị thầy tổ, thuở xưa ngôn ngữ bất đồng, các Ngài sống thật bản lĩnh vì mục đích làm sao khai thị để cho chúng sanh mê lầm nhìn rõ mà thoát khổ nên các Ngài đã từ bỏ quê hương, xứ sở đi tới những nước thật xa xôi ngôn ngữ không biết, phong tục khác biệt để mang mầm chân lí, đạo giác ngộ truyền dạy. Nhiều các bậc Tổ làm như vậy, nhưng có có một vị Tổ mà chúng ta bị ảnh hưởng của phim, của truyện, của lịch sử trong thời cận đại nên chúng ta ai ai cũng biết tới, đó là Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Ngài từ bên Ấn Độ, một thân một mình đi tới Trung thổ là Trung Quốc, tiếng Hoa hoặc tiếng Tàu có biết đâu. Ngài đi tới thử thách biết bao từ phong tục, tập quán, từ văn hóa, tín ngưỡng, từ cách suy nghĩ ăn uống. Nhưng Ngài không bao giờ chùn bước trước những sự khác biệt, đôi khi còn nghiệt ngã ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Nhưng không đâu Ngài vẫn vững chãi trên đôi chân trần, nhẹ nhàng quẳng đi mọi sự lo âu tịch tĩnh trong ánh mắt nhìn về phía trước và cứ thế mà đi, cho tới khi nhận được một người đệ tử đó là thầy Huệ Khả sẵn sàng cắt đứt cánh tay của mình để theo Tổ học đạo. Đúng! Tổ Bồ Đề Đạt Ma là một vị sống có bản lĩnh, nhưng không liều lĩnh nha các bạn. Vua chúa quan quyền còn phải ngưỡng mộ, dừng bước và nhường đường cho Ngài đi, bởi Ngài sống bản lĩnh. Không liều lĩnh như Bảo Thành và các bạn đâu, chuyện gì cũng làm nhưng không chịu suy nghĩ, chuyện gì cũng liều chẳng có trí tuệ, tính toán cho rõ, gây tổn hại cho biết bao nhiêu người? Sống bản lĩnh là một tấm gương từ Phật, từ các vị Tổ và sống bản lĩnh còn là những gương đạo đức của ông bà mình, của cha mẹ mình, ta nhìn đi ông bà ta, cha mẹ của chúng ta bản lĩnh biết nhường nào. Trong quá khứ, các đấng ấy đã vượt qua muôn trùng thử thách dưới sự khắc nghiệt, nghiệt ngã của dòng lịch sử trong chiến tranh. Như ông bà, cha mẹ ta đôi vai gầy guộc vẫn có thể gánh vác được chuyện sơn hà. Và rồi đời con cháu như chúng ta đã hưởng được sự an bình. Nhìn về quá khứ lịch sử của ông bà, cha mẹ, mỗi người chúng ta là con cháu đều ngưỡng mộ cách sống bản lĩnh của các đấng bậc ấy. Ta còn có biết bao nhiêu những bậc sống bản lĩnh như các vị thầy Tổ, các bậc trưởng thượng thiện tri thức, nhiều lắm, rất nhiều những đấng sống có bản lĩnh. Và các đấng sống bản lĩnh là các đấng có ý chí, nghị lực cao qua sự rèn luyện công phu để đạt được trí tuệ tầm cỡ nhìn xuyên khỏi và thấu rõ những thử thách. Các Ngài không bao giờ sống liều lĩnh như chúng ta để thể hiện máu anh hùng trên bàn tiệc, uốn cho say rồi liều làm những chuyện trái với đạo lý luân thường để kết quả là ngồi ở trong thất chuồng cọp, bị chính quyền giam hãm nhiều năm ngày tháng. Đó gọi là liều lĩnh tự hại bản thân, còn sống bản lĩnh là người có thể tự bước ra khỏi ngục tù của thử thách, tháo gỡ mọi chứng ngại, hùng dũng đặt từng bước chân in dấu trong cuộc đời với đôi mắt thật sáng nhìn rõ mọi hiện tượng để giải quyết cho phù hợp. Và cuối cùng là biết bao nhiêu những ước mơ đã được chắp cánh bay lên tận trời cao.

“Sống bản lĩnh” rất gần gũi với người học Phật như chúng ta, người học Phật, Phật tử tại gia sống bản lĩnh. Đức Phật nói ở trong kinh đối với Bảo Thành có hai hạng người được gọi là sống có bản lĩnh. Một là các bậc thánh, các bậc tổ không bao giờ sai lầm, không bao giờ tạo nghiệp, sống biết giữ giới và bảo hộ thân tâm suy nghĩ. Những bậc như vậy đối với Bảo Thành gọi là sống bản lĩnh. Hai hạng người mà trong đó Bảo Thành và các bạn luôn luôn nằm trong trạng thái này, nhưng chưa có bản lĩnh đâu, ta cần phải tập để có bản lĩnh mà Phật nói rằng đó là nhóm người làm sai, có lỗi, có tội nhưng biết nhìn vào cái sai, cái lỗi, cái tội của mình ngừng và sửa. Nhóm người này mà trong đó các bạn không có tên tuổi và Bảo Thành chưa bước vào. Thì đó là những người có bản lĩnh, chúng ta muốn sống bản lĩnh là Phật tử tại gia thuộc nhóm này ta cần phải công phu thực tập. Dám nhìn vào lầm lỗi của chính ta, dám nhìn vào những tội lỗi của chính ta, những sai phạm của chính ta để ngừng và sửa. Đây là phương pháp sống có bản lĩnh. Sống bản lĩnh nhìn lỗi mình, nhận ra tội lỗi của mình, sai phạm của mình, ngừng và sửa sẽ là người hùng của chính đời sống nơi dương thế, mỗi người Phật tử cần phải được thành tựu. Nhìn thẳng vào mình không dễ đâu, bao nhiêu năm qua các bạn và Bảo Thành mấy ai dám vỗ ngực nhận lỗi của mình đâu, mấy ai trong chúng ta sống ở giữa đời này nói mình sai đâu, dù nhìn quanh quẩn không có ai, có mình thôi mà mấy ai nói mình sai, luôn luôn đổ lỗi cho người khác, nhìn quanh, nhìn quẩn tìm cho ra người đổ lỗi chứ không bao giờ nhận ra lỗi của mình. Từ đó chúng ta cứ liều lĩnh làm sai, chẳng bao giờ sống bản lĩnh dám nhìn lại chính mình nhận ra sai phạm, ngừng để sửa. Muốn thành tựu được cách sống này thì phải thể theo sự hướng dẫn của Phật, thực tập sống đời sống chánh niệm quán chiếu bằng tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, để tăng trưởng định lực và chánh kiến trong tư duy nhìn thấu rõ. Ta mới có được bản lĩnh thực sự, bản lĩnh của người Phật tử tại gia, không nhìn quanh nhìn quẩn đổi thừa mà nhìn thẳng vào chính mình. Bản lĩnh là đây! Bởi bản lĩnh trong sự thực tập chánh niệm hơi thở từ bi, trí tuệ, tỉnh giác quán giúp cho chúng ta tăng trưởng được định lực, đón nhận được thật nhiều mật điển siêu thế từ chư Phật. Để thanh tịnh thân tâm, nhìn rõ những dòng nghiệp thức khởi lên từ ý và chuyển hóa chúng để thanh lọc thành những ngôn từ ái ngữ, dễ thương, tương tác với mọi người trong cuộc sống và chuyển hóa mọi hành vi bất thiện thành những hành động từ ái bao dung. Đối xử với muôn người với cái tâm luôn biết tôn trọng, yêu thương. Đó là sống bản lĩnh các bạn, ta đừng mơ ước những bản lĩnh để thành tài, thành danh, thành quyền lực ông này bà kia. Đúng! Người có kiến thức và có bản lĩnh trong thế gian là người có thể thành tựu được về quyền lực, tiền tài, danh vọng, địa vị. Nhưng tất cả bản lĩnh để có được những điều ấy sẽ chẳng tồn tại mãi như bản lĩnh nhìn thẳng vào lỗi lầm của mình, tội lỗi của mình để biết dừng, sửa mới là người thật sự sống bản lĩnh theo tinh thần của nhà Phật. Chúng ta có thể đưa mình đặt vào trong hạng người thứ hai mà Đức Phật dạy, tức là hạng người biết nhìn nhận ra lầm lỗi của chính mình mà sửa. Đây là hạng người  được Đức Phật tán dương, là hạng người cao quý, là hạng người sống có bản lĩnh, biết sai, nhận sai để sửa. Chỉ có vậy! Sai ở chỗ nào nhìn thẳng vào đó và sửa ngay từ đó. Bản lĩnh là như vậy. Phật tử tại gia của chúng ta lại có một cơ hội sống bản lĩnh thật sự theo đúng lời Phật dạy. Trong từng hơi thở của chánh niệm thể nhập vào năng lượng từ bi, mật điển siêu thế mười phương chư Phật, giúp cho chúng ta thanh lọc toàn diện những năng lượng tiêu cực và mang năng lượng tích cực yêu thương của Phật đưa vào đời sống để nâng tầm cao hơn, trong ý thức của một bản lĩnh thật sự nhìn rõ được chính ta.

Năng lượng từ bi Mu A Mu Sa là năng lượng siêu thế, được thắp sáng bởi trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Hai mật ngôn này khi chúng ta hít vào thở ra, tổng trì hai mật ngôn này thì mỗi người chúng ta sẽ cảm ứng được với năng lượng kỳ diệu nơi thân và tâm, sẽ khai mở được con mắt tuệ để nhìn rõ được lầm lỗi của chính ta. Và có đầy đủ dũng lực, nghị lực để vượt qua trong sự chuyển hóa tự thân của mình khi nhìn ra cái sai, và kèm theo mật ngôn Ma Sa Ốp Uê tức là quán tâm tỉnh giác sẽ giúp cho mỗi người chúng ta có một đời sống tỉnh thức thực sự trong từng giây phút của cuộc đời. Sống tỉnh thức là sống bản lĩnh, sống từ bi yêu thương biết san sẻ là sống bản lĩnh, sống trí tuệ để nhìn rõ các pháp vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã, để nhận ra lỗi lầm ngừng và sửa chuyển hóa chúng là sống bản lĩnh. Sống từ bi trí tuệ, tỉnh giác là sống với phẩm hạnh để đưa mỗi người chúng ta có bản lĩnh cao hơn thực sự. Sống bản lĩnh như vậy Bảo Thành và các bạn đều có cơ hội thành tựu. Nó không khó, chỉ cần chúng ta dám bước ra khỏi vùng an toàn của sự chiều chuộng bản thân qua những dòng cảm xúc ưa thích, để thể nhập vào trong sự cảm ứng đạo mầu cao siêu nơi mật ngôn huyền bí mà Phật truyền trao, để phá vỡ đi những sự liều lĩnh, u mê tăm tối. Để có thể cắt đứt mọi sợi dây ràng buộc của nghiệp thức ác, để được tự do thông dong và tự tại bước ra sống bản lĩnh.

Các bạn thân mến! Phật tử tại gia chúng ta, trong sự đồng tu với mật thiền chánh niệm hơi thở nếu có nhân duyên sẽ giúp cho mỗi người thật sự có một cách sống bản lĩnh. Là dõng mãnh hơn từng giây phút, nhìn thấu được bản thân của mình hơn trong từng phút giây và có được khả năng qua trí tuệ để chặt đứt mọi phiền não, mọi đau khổ do những lầm lỗi, tội lỗi, những ác nghiệp ta tạo ra bằng sự sửa và chuyển hóa. Mật Thiền song tu chánh niệm hơi thở, quán chiếu từ bi, trí tuệ và tỉnh giác là con đường đi tới phẩm hạnh thật cao, để vượt qua mọi chứng ngại trong cuộc sống với ý chí kiên cường và nghị lực vô song. Để thành tựu được những ước mơ an lạc đúng như theo lời Phật dạy, để có một đời sống ngay trong gia đình hạnh phúc và an vui. Và đạt được những ước mơ rất thường, rất đời nhưng siêu thoát khỏi sự ràng buộc của tâm chấp, tham và si, sân giận. Một đời sống thoát khỏi Tham – Sân – Si, chấp trượt là đời sống bản lĩnh. Sống bản lĩnh là sống dám nhìn vào chính mình, lỗi lầm, sai trái, nghiệp thức đen tối của ta. Mang pháp thiện để hành, giữ giới để hộ mạng, quán chiếu để chuyển hoá, thể nhập vào từ bi, trí tuệ, tỉnh giác để vững chãi hơn, đó chính là sống bản lĩnh. Phật tử, Bảo Thành và các bạn đều có khả năng làm được điều này bởi Mật Thiền chánh niệm, hơi thở song tu là tiếp cận với tha lực mật điển siêu thế, phối hợp đồng nhất với sự tự lực kiên cường trong nghị lực và ý chí để thay đổi chuyển mình, chiến thắng mọi nghịch cảnh, đặt chân vào vùng đất của sự an lạc, của hạnh phúc để ghi dấu ấn đời mình trong một cuộc sống có bản lĩnh đích thực khi thực hiện lời dạy của Phật. Bảo Thành và các bạn chúng ta đều có khả năng làm được chuyện này, hãy sống bản lĩnh theo tinh thần của Mật Thiền chánh niệm hơi thở song tu. Tinh thần của từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, tinh thần ấy sẽ mang lại một đời sống rất hài hòa trong mọi cảnh, mọi nơi, mọi thời bạn đang có cơ hội làm người để sống trong kiếp nhân sinh này.

Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh Niệm.

Thưa Phật! Chúng con nguyện không sống liều lĩnh để chạy đuổi theo những đam mê của quyền lực, danh vọng, địa vị, tình ái, tham dục thế gian. Mà nguyện sống có bản lĩnh trong chánh niệm hơi thở của Mật Thiền, nương vào Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác quán, để nhìn thẳng vào tự thân, thấu rõ những ác nghiệp những sai trái lầm lỗi của mình. Và quyết một lòng sửa, chuyển hóa, đứng dậy vượt qua chướng ngại để thành tựu được sự an lạc, hạnh phúc ngay trong gia đình của đời sống này.

Hít vào bằng mùi đưa xuống giữa bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Lãnh nhận Mật điển, sống bản lĩnh ngay bây giờ, tại đây.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Chúng con nguyện sống bản lĩnh theo tinh thần của Phật dạy và sự đồng tu hôm nay nếu tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn