Search

Bài 3091. Trói Buộc Yêu Thương

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Giờ đồng tu đã tới rồi, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loại chúng con và xin gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền chánh niệm hơi thở song tu để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấu rõ được vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện siêu cho tất cả các chư vị hương linh vừa quá vãng, theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Nguyện cầu an cho tất cả hàng Phật tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học. Nguyện cho thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống buông thư nhẹ nhàng. Nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Chánh niệm hơi thở mật thiền song tu đón nhận năng lượng mật điển từ chư Phật qua ba mật ngôn. Mật ngôn thứ nhất Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, mật ngôn thứ hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ, mật ngôn số ba Ma Sa Ốp Uê có nghĩa quán tâm Tỉnh Giác. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác quán trong một hơi thở của chánh niệm, quán chiếu để nhìn rõ được hiện tượng của các pháp biến chuyển trong từng giây phút. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến. Không có một điều gì hạnh phúc hơn khi mỗi một chúng ta vẫn còn có cơ hội đồng tu cùng với các bạn hiền, để mỗi ngày hiểu, nhìn thấu, buông bỏ những vướng mắc, cởi trói cho nhau để được tự do, thong dong, tự tại trong nguồn suối Từ bi, an lạc. Tu là cởi trói cho nhau bằng tâm Từ bi rộng lớn vô biên, không có một cơn sóng thần nào đủ sức mạnh để làm cho biển Từ bi của chúng ta phải đục ngầu, gây tác hại cho muôn sự sống nơi ấy. Vậy sự hạnh phúc tới với chúng ta là chúng ta nhận rõ được điều đó và đồng tu với nhau để cởi trói cho mọi người, và cởi trói cho tự thân từ những chấp trược trong sự suy nghĩ, trong ngôn từ ứng dụng hàng ngày, trong sự tương tác bởi những hành vi. Các bạn đi về chủ đề gửi về hôm nay “Trói Buộc Yêu Thương”. Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau cởi bỏ tất cả những suy nghĩ riêng tư, để chân thật chia sẻ về sự trải nghiệm của những nền giáo dục hấp thụ được trong quốc gia, trong thôn xóm, trong gia đình qua phong tục tập quán hoặc thói quen ứng xử nơi cha mẹ, để thấy rằng tình yêu thương của con người đối với con người khác nhau bởi khái niệm của tình yêu.

Người Việt Nam chúng ta là dân tộc thuộc vùng Á Đông, trải qua một nền văn hiến tự hào. Nếu nói đến Việt Nam chúng ta thường được ca ngợi với niềm tự hào kiêu hãnh 4000 năm văn hiến lịch sử, ý nói văn chương chữ nghĩa, nền giáo dục của đạo đức thánh hiền hay giáo dục của các tôn giáo, hoặc truyền thống văn hóa của dân ta đã trải qua 4000 năm được sàng lọc, cho nên rất tối ưu, không bao giờ lỗi thời. Hồi rất nhỏ Bảo Thành được mớm vào những tư tưởng cứ ca ngợi như một khúc dân ca: 4000 năm văn hiến, 4000 năm văn hiến và chữ 4000 đó, văn hiến đó làm cho lồng ngực căng và nhô cao lên trong sự hãnh diện về dân tộc Việt. Kèm theo bốn ngàn năm văn hiến ấy biết bao nhiêu sự tán tụng về dân tộc mình. Rồi Bảo Thành đi ra nước ngoài, đi đây đó, đọc thêm sách văn chương, văn hóa truyền thống của các quốc gia khác thì hầu như quốc gia nào cũng tương tự như Việt Nam, đều tự hào về văn hiến của dân tộc họ, những nền văn hóa khoa học tối ưu thượng thừa của dân tộc họ, đi tới đâu người dân nước nào cũng luôn luôn ca ngợi tổ quốc, văn hóa của họ. Có lẽ đây là sự rất tự nhiên và cho tới bây giờ thế giới cũng phải công nhận mỗi một quốc gia, mỗi một bộ tộc, mỗi một dân tộc, mỗi một vùng miền rất khác nhau và những nơi ấy đều có những điểm ưu tú về văn hóa, về cách sống đáng được ca ngợi và tôn vinh, đã được gìn giữ và bảo vệ đáng được truyền đạt và hướng dẫn. Cho nên thế giới ngày nay luôn bảo vệ mọi nền văn hóa, khôi phục lại cái rất riêng của từng con người, của từng nhóm người, của từng dân tộc, quốc gia và đưa đến hai chữ gọi là tự do dân quyền, hai chữ tự do dân quyền là nói đến tự do tối thiểu của mỗi một con người.

Chủ đề “Trói buộc yêu thương” lại trở về với phong tục của người Việt chúng ta. Khi Bảo Thành sinh ra, nền văn hóa thuở ấy là cha mẹ luôn luôn yêu thương con cái, qua sự thể hiện của một trật tự xếp đặt từ ăn học cho đến tương lai. Và câu mà ông bà cha mẹ thường nói là nuôi nấng giáo dục con cái cho tới khi dựng vợ gã chồng, nuôi con, nuôi cháu cho tới cuối đời. Đó là tình yêu thương trọn vẹn trong khuôn mẫu mà nhiều ngàn năm ta đã được đặt để. Người cha và người mẹ luôn luôn hy sinh tất cả cho con cái của mình, sự hy sinh ấy được thể hiện bằng cả một chương trình mà các ngài suy nghĩ làm sao đó cho tốt đẹp, lo lắng về ngành giáo dục, dắt các con đi học, lo cho các con đi học, lo lắng về sự lập gia đình nên lại tìm người chồng cho con gái, người vợ cho con trai. Hầu hết chúng ta cứ đi theo như vậy bởi đó là phong tục, là tập quán, thói quen rồi, cảm thấy dễ chịu. Nhưng không phải ai cũng thấy dễ chịu trong tình yêu thương khuôn mẫu của những thời đại được gọi là phong kiến, mà chúng ta đã thấy được rằng, có những con người đột phá vượt qua để bốn mùa nóng và lạnh luôn luôn có người tới để điều chỉnh cho phù hợp, và khi người ta tới điều chỉnh lại cái nóng cho ta mát tươi, có những người hiểu thấu thì mở cửa đón mời, còn không hiểu thấu thì cứ ngồi ì bên trong. Cái khó của nền tư tưởng riêng tư ai bắt kịp hiểu ý sẽ ra mở cửa, mở cửa để đón mời họ vào, không biết rằng trong chúng ta có nhạy bén như vậy hay không? Người nhạy bén sẽ thừa hưởng được một luồng kiến thức mới thổi vào cuộc đời làm tươi mát, người thiếu sự nhạy bén vẫn tù túng trong khuôn mẫu, để đoạn đường đi qua về phía trước sẽ gặp nhiều sự rắc rối và cảm xúc thường xáo trộn. “Trói buộc yêu thương” là có thật trong nền văn hóa Á Đông và mọi nền văn hóa trên thế giới nói chung. Dần dần được thay đổi bởi ngày nay trong kỷ nguyên mới chữ yêu thương không còn trói buộc trong những định kiến, khuôn mẫu sắp đặt của cha mẹ, của ông bà, qua nền văn hóa phong tục tập quán. Mà yêu thương được cởi trói bằng sự giúp đỡ con cháu của mình có được sự tự do, vun bồi kiến thức theo sở thích, theo thiên phú bẩm sinh, theo sự phù hợp với nhân duyên sinh ra ở đời.

Trên thế giới ngày nay tình yêu giữa cha mẹ và ông bà, giữa con người và con người đã khác xưa lắm rồi. Họ tới với nhau không trói buộc nhưng cởi trói và tôn trọng sự tự do, do đó mà cảm tình yêu thương của họ luôn bền vững và thăng hoa. Bởi ai ai cũng được yêu thương, như chính bản thân của họ cảm nhận tình yêu không gượng ép, không gò bó. Chúng ta đã có nhiều sự trải nghiệm trong hai chữ yêu thương, đặc biệt từ cha mẹ, từ tình nghĩa vợ chồng, từ tình yêu đôi lứa đến tình cảm của bạn bè hay tình thầy trò, thường trói buộc nhau bởi người yêu thương càng nhiều theo khuôn mẫu xưa, thường có một yêu cầu thượng đẳng rằng người được mình yêu phải phù hợp với cách nhìn, suy nghĩ, hành sử trong đời sống theo khuôn mẫu ta định đoạt. Nói theo từ bình thường mà ai cũng thường lặp đi, lặp lại thuở xưa là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Trong tình yêu đôi lứa cũng như cũng như trong mọi sự suy nghĩ sắp đặt cuộc sống, ta thấy cha mẹ không bao giờ mà không yêu thương các con, vợ chồng không bao giờ mà không yêu thương nhau. Khi đã yêu ta yêu tới mức và ta yêu tới sự hi sinh tất cả cho người mình yêu. Nhưng sinh ra vào những thời hấp thụ được nền giáo dục, thể hiện tình yêu thương đó trong những khuôn mẫu rất xưa, ngày nay cần phải được cởi, cần phải được hiểu thấu và buông bỏ. Còn không ta sẽ tự làm phiền não cho bản thân của mình, khi trói buộc người ta yêu thương. Ta thấy rằng có những người mẹ, người cha yêu thương của mình và đối tượng yêu thương của mình là con cái, và luôn luôn xếp đặt cho con cái theo từng bước, bởi suy nghĩ của người cha, người mẹ cho là như vậy lợi lạc cho con cái. Nhưng không phải những suy nghĩ của cha mẹ sai, chỉ có điều không phù hợp hoàn toàn với con cái đâu, con cái có sự lựa chọn riêng trong thời đại này, cha mẹ có sự sắp đặt riêng của thời đại xưa. Giữa thời đại xưa và thời đại này đôi khi chỉ cách nhau có 20 năm thôi, bởi có những bậc cha mẹ sinh con thuở 18, đôi mươi, khi con trưởng thành cũng chỉ cách mình 18, 20 năm. Ta lại quên rằng 18, 20 năm là một thế hệ mới, là một thế hệ mới, văn hóa, kiến thức và sự hiểu biết sẽ không bao giờ trùng lặp y như xưa đâu, thời 18, 20 năm xưa nó xưa rồi. Thực sự đối với nhiều người trẻ trong thời hiện đại khi văn hóa thông tin đã được mở rộng mà ngồi một chỗ họ có thể nhìn thấy cả thiên hạ, cả thế giới.

Ngày xưa khi Đức Phật giác ngộ, Ngài hiểu thấu được chân lý ấy, cho nên sự giáo dục của Ngài đi đến sự khai ngộ cho chúng sanh thoát khổ, không nằm trong khuôn mẫu trói buộc vào chân lý để chúng sanh, để ai đó gọi là tín đồ của Phật giáo tin theo thì được ban thưởng, còn không tin sự trói buộc là trừng phạt. Ta thấy chỉ có Phật giáo là không có một Thượng Đế trừng phạt hoặc ban tặng, mà chỉ có sự khai thị, có nghĩa là sự hướng dẫn, giáo dục để mỗi chúng sanh căn cơ khác nhau hiểu thấu, tự đứng dậy thắp đuốc tuệ, tự tu tập để tự giác, giác tha, giác hạnh thoát ra. Còn hầu hết các nền tôn giáo khác có sự trói buộc, nếu theo thì hưởng được Niết Bàn hoặc thiên đàng, nếu không theo làm ngược lại thì bị trừng phạt, kết quả là địa ngục. Hình như những cách tin tưởng, trói buộc trong tôn giáo như thế đã hình thành nền giáo dục của Á Đông phong kiến, nếu nghe theo cha mẹ, nếu nghe theo đấng bản quyền, hoặc nếu nghe theo người yêu thương mình thì họ có thể cho tất cả. Còn ngược lại thì họ có thể trừng phạt chúng ta, mà nếu như bất lực không trừng phạt được và tình yêu thương theo khuôn mẫu kia quá lớn thì tạo khổ cho nhau.

Bảo Thành có một người Phật tử quen là người mẹ của hai người con gái, như biết bao nhiêu những người mẹ vĩ đại khác trên thế gian luôn yêu thương con gái của mình và người mẹ này cũng sẵn sàng hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống của mình cho con. Thấy con khổ, thấy con nhọc nhằn người mẹ này rất đau lòng. Khi người con gái lấy chồng, mọi sự đối xử khắc nghiệt của người chồng đối với con gái, người mẹ nhìn thấy đau lòng. Dĩ nhiên người con gái khi có được người chồng khắc nghiệt như kia nào có được sướng vui, hạnh phúc mỗi ngày đâu. Nhìn thấy cảnh ấy người mẹ đau như cắt, máu chảy ngược ở trong tim, từng đêm thao thức buồn rầu, muốn hướng dẫn cho con gái của mình thoát ra và muốn con gái phải làm cách nào đó để thay đổi được người chồng trong phong cách ứng xử hàng ngày. Thế nhưng bó tay, tự sự không thể nói chuyện với con gái để làm thay đổi người chồng, từ đó có những suy nghĩ rằng người chồng đã dùng những chiêu trò, thậm chí còn nghĩ rằng người chồng của con gái còn dùng những quyền lực của tâm linh như bùa, như ngải, như ma đạo để ràng buộc, để cột chặt người con gái của mình. Xứ sở bùa ngải ở Việt Nam thường đồn thổi lên chính tầng mây, làm cho sự rắc rối giữa cá nhân với cá nhân, con người với con người chẳng được giải quyết bằng kiến thức phổ thông hay kỹ năng giáo dục, mà khi bất lực bởi cái tôi quá lớn, muốn cải sửa người khác không được thì ghép tội cho người ta là sử dụng bùa ngải hoặc những thứ tâm linh ám hại con cái của mình, hoặc ám hại mình. Những cách này dân tộc nào cũng có, bởi chúng ta đã nghĩ sai về Đức Phật dạy, Đức Phật dạy đặt sự chú trọng tối ưu là trí tuệ và thấy rằng trí tuệ khi được khai mở và người có trí tuệ sẽ giải quyết được mọi sự trong cuộc đời, để thành tựu được an lạc và hạnh phúc. Nhưng chúng ta trong cuộc sống giữa cha mẹ con cái, giữa vợ chồng tình thân, ta không đối xử với nhau bằng trí tuệ, kiến thức và kỹ năng sống làm người, ta chỉ đối xử với nhau một chiều áp chế, ép buộc yêu và thương. Yêu thương lắm nhưng vẫn áp chế trong tình yêu gọi lại trói buộc trong yêu thương. Người mẹ, người cha thường xếp đặt trọn đời, trọn gói cho con cái. Thầy trò thường xếp đặt trọn đời, trọn gói cho học trò. Rồi vợ hoặc chồng cũng xếp trọn gói cho người mình yêu. Cứ như thế cái được gọi là trọn gói hoàn hảo trong tình yêu thương đã tạo ra sự áp chế, ràng buộc, khống chế, nói đúng hơn là trói buộc, mất tự do. Nếu học Phật thực sự, Đức Phật tới để cởi trói cho chúng ta khỏi mọi sự ràng buộc do ta tự trói buộc mình và những điều ta không thông, không thấu, không hiểu bằng sự thực tập trí tuệ viên mãn nhìn thấu, hiểu để buông.

Chúng ta hãy nhớ ngày nay Bảo Thành đang sống ở nước Mỹ, đôi khi choáng váng bởi muôn sự thay đổi quá nhanh đến chóng mặt, khi những truyền thống cổ xưa hoặc những truyền thống văn hóa đẹp nhất cũng dễ dàng sụp đổ bởi những người canh tân quá trớn, thay đổi quá nhanh không phù hợp. Nói như vậy để chúng ta thấy không phải hoàn toàn những phương pháp yêu thương của người xưa là sai trong sự trói buộc và sự cởi mở canh tân hoàn toàn là quá đáng. Mà thật sự có những sự trói buộc trong yêu thương quá cổ, quá phong kiến, và thực sự có những sự canh tân quá trớn, tạo ra sự đảo lộn cuộc sống con người như ở nước Mỹ hiện nay. Thế nên người học Phật tu tập có trí tuệ, ta đón nhận tất cả những phương pháp yêu thương của người xưa nơi ông bà, cha mẹ và tăng trưởng kỹ năng sống trong quan niệm tình yêu thương hiện thời, trong thời đại mới hài hòa, phù hợp, cái hat ta giữ, cái dở ta thay đổi, cái không phù hợp ta chuyển hóa, mới và cũ cũng chỉ nằm trong hai chữ yêu thương. Cho nên trong tình yêu thương cần phải cập nhật hóa, thay đổi phù hợp từng giây phút để đối xử với nhau trong sự tôn trọng. Để đối tượng mình yêu, mình thương dù là con cái hay cha mẹ, ông bà, người thân hay người dưng, đều được tự do thể hiện thiên phú bẩm sinh và khái niệm yêu thương của họ trong sự cởi mở, không có trói buộc. Phật giáo là một tôn giáo nếu gọi là tôn giáo, nhưng đúng ra là con đường giáo dục để cởi trói mọi sự ràng buộc mà ta và mọi người đã cột chặt lẫn nhau.

Các bạn! Yêu là cho đi, yêu là hiến dâng, yêu là cởi trói chẳng ràng buộc. Nếu cha mẹ yêu thương con cái cha mẹ phải nhớ rằng, thuở xưa ta cũng từng là một thời rất trẻ trong đôi mươi, 18 yêu thương, cũng có những khái niệm dũng mãnh trong tình yêu, đột phá của thế hệ mới, chẳng muốn cha mẹ ràng buộc và sẵn sàng hy sinh, đón nhận tất cả mọi thử thách, chuyển hóa để thành đạt được sự yêu thương, an lạc. Ở trên đời không có một tình yêu thương nào mà không trải qua sự ngang trái và thử thách, không có một sự ngang trái thử thách nào mà không để lại những bài học, rút tỉa những kinh nghiệm để thay đổi cuộc sống cho hoàn hảo hơn. Đừng sợ con cái của chúng ta té và đau, hãy mang tình yêu thương thật sự cởi trói cho con cái của mình và để cho con cái có những cuộc thử nghiệm, đương đầu thật sự trước những nghịch cảnh mà con cái cần phải đương đầu theo những duyên nợ, nghiệp quả. Chỉ cần lấy đức độ của người mẹ, người cha và trong tình yêu ta chỉ cần lấy đức độ để trao tặng cho nhau là đủ rồi.

Người xưa nói “Có Đức Mặc Sức Mà Ăn”, nếu ta sống một đời sống đạo hạnh, đức độ, thánh đức, hạnh đức, nhất định năng lượng của công đức đó khi hồi hướng cho con cái, người thân hoặc vợ chồng, ai đó họ sẽ đón nhận được và trí tuệ sẽ dần thay đổi, để mọi nghịch cảnh, những điều không như ý đang xảy ra họ sẽ có cơ hội nhìn thấu và tự cởi trói cho nhau để thăng hoa đời sống. Trong tình yêu không có sự loại trừ nên chớ trói buộc nhau. Cần phải cởi toàn diện, cởi trói toàn diện cho nhau. Ta tới với Đức Phật là cởi trói chính tự thân của ta, do những gì mà nhiều kiếp xưa ta đã cột lại bởi vô minh không thấy. Mà điều ta trói buộc như ba sợi dây càng ngày càng siết chặt vào cổ của chúng ta, đó là Tham – Sân – Si, tham sân si là ba sợi dây ta đang chằng chịt, cột chặt nơi cổ, trói chặt nơi thân và nhốt tâm của ta vào vùng tối của vô minh. Nay học được Phật, hiểu thấu để cắt đứt ba sợi dây trói buộc của tham sân si, ta dùng ba mật ngôn vi diệu đó là Từ bi, đó là Trí tuệ và Tỉnh giác. Nếu ai đang bị ràng buộc, gây đau khổ cho người mình yêu thương bởi tâm tham sân si, yêu thương một chiều theo khuôn mẫu trọn gói bởi tư kiến suy nghĩ riêng của mình, hãy nhớ không thể thay đổi được đâu mà tạo khổ cho họ. Hãy mang tình yêu thương là tâm Từ bi, mang Trí tuệ để nhìn thấu và mang sự Tỉnh thức để luôn luôn tỉnh giác trong mọi hành động, suy nghĩ. Hồi hướng đức hạnh của mình, công đức của một nền giáo dục Phật đà ta đã học thấm, hiểu, tu thực sự tạo thành công lực mà hồi hướng cho tất cả người yêu thương, cởi trói ràng buộc mọi khuôn mẫu và cho những người yêu thương có một cơ hội thực tập rõ ràng trong sự trải nghiệm trước nghịch cảnh dù rất đau, nhưng mỗi một lần đau là một sự trải nghiệm để thăng hoa, bởi nơi đau đớn đó là một sự kinh nghiệm để thay đổi cuộc sống. Không có cuộc sống của một con người nào mà không bao giờ vấp ngã, không có một sự vấp ngã nào mà không mang tới kinh nghiệm thực tế cho cuộc đời. Hãy dùng tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, hãy tu tập miên mật và hãy hiến tặng công năng đó cho mọi người ta yêu thương. Đừng trói buộc nhau trong tình yêu thương bằng khuôn mẫu định kiến của chính mình, yêu là cởi trói cho nhau bằng sự hiểu để buông.

Chúng ta hãy trở về với hơi thở của Chánh Niệm.

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu yêu thương không trói buộc mà yêu thương là hiểu, thấu và buông.
Xin Phật gia trì cho chúng con!

Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển, cởi trói cho nhau bằng trí tuệ, bằng tình thương và sự tỉnh thức.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng

Chúng ta hãy hồi hướng công đức

Thưa Phật! Sự đồng tu nếu có tạo được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn