Search

Bài 3071. Trần Gian Dở Khóc Dở Cười

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Các bạn thân mến, hôm nay thứ Hai đầu tuần Bảo Thành chia sẻ pháp thoại và đồng tu với các bạn sớm hơn 2 tiếng, bởi Bảo Thành sau khi giảng xong, đồng tu xong có một chuyến bay đi làm Phật sự ở tiểu bang khác nên không thể đồng tu đúng giờ như đã ước định. Chút nữa khi đúng giờ các bạn có thể nghe lại và tiếp tục đồng tu với Bảo Thành. Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đủ tâm lực để tự đứng dậy thắp đuốc tuệ mà đi, qua sự thực tập chánh niệm hơi thở mật thiền quán chiếu để thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, có đầy đủ trí tuệ thấu rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con nguyện cho tất cả các chư vị hương linh vừa quá vãng nương theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Nguyện an cho tất cả mỗi chúng sanh và hàng Phật tử của chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Thành tâm cầu nguyện cho nền hòa bình của thế giới.
Xin chư Phật chứng minh!


Chúng ta đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Trong mật thiền song tu từng mật ngôn có sự nhận được năng lượng siêu thế, tha lực Phật điển của chư Phật. Mật ngôn thứ nhất Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi. Mật ngôn thứ hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán Trí Tuệ để nhìn thấu được Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Mật ngôn thứ ba Ma Sa Ốp Uê là quán tâm Tỉnh Giác. Từng hơi thở chúng ta hít vào rồi thở ra chậm rãi trì những mật ngôn này, chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều tha lực siêu thế của Phật qua thân tâm. Để tăng trưởng đề mục trong chánh niệm quán chiếu thấy rõ được các pháp vô thường, khổ và vô ngã. Chúng ta hãy bắt đầu đón nhận năng lượng mật điển.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)


Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến! Mỗi một phương pháp chúng ta chọn lựa phù hợp với căn cơ của mình để tu và khi có sự trải nghiệm, thân tâm an lạc hạnh phúc, vui hơn một chút, chúng ta sẽ được sách tấn và trong lòng cảm thấy phấn khởi hơn để tiếp tục tu. Còn pháp nào chúng ta tu mà một chút xíu sự an lạc, sự hạnh phúc không tới với chúng ta, chúng ta càng phải tu thêm. Bởi tất cả mọi pháp phương tiện của Phật đều cần phải chuyên chú tu, không thể chỉ hời hợt ngửi hoặc nếm sơ qua là thành tựu được. Vốn chúng ta bận rộn quá nhiều, cứ phải chạy đua với mọi sự việc trong đời, chạy mà vắt chân lên cổ cũng không kịp, ngày qua tháng lại thời gian không bao giờ dừng và trở lại với chúng ta. Cũng vì những điều như thế chúng ta chẳng bao giờ kiên tâm, kiên nhẫn tu tập cho xuyên suốt. Hầu hết mọi người chỉ lướt qua như tình trạng lướt Facebook ngày nay, lướt cho đỡ buồn, lướt chứ không đọc, không nhìn, không nghe, riết rồi tay của chúng ta cứ đẩy đẩy, lướt lướt. Tình trạng này nói tới sự tu ngày nay đi đến sự giải thoát hoặc chuyển hóa khổ đau phiền có lẽ hiếm, thuộc hàng hiếm rồi bởi ta cũng chỉ lướt qua các lời dạy của Phật, các pháp phương tiện của Phật, các sự hướng dẫn đưa tới sự an lạc hạnh phúc chỉ trong thoáng qua mà thôi. Cuộc sống càng hiện đại, nhiều chuyện bất ngờ xảy ra, ta có cơ hội nhận diện và đúng như chủ đề ngày hôm nay “Trần Gian Dở Khóc Dở Cười”. Cõi trần này biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười, bước vào đời không có gì như đã được trải thảm xanh thảm đỏ để ta đi, thật nhiều sự bất ngờ lui tới, vui có buồn có, hạnh phúc có, đau khổ có, bình an có, phiền não có, thành công có, thất bại có, đủ hết. Và những chuyện như vậy xảy ra hầu hết trong chúng ta không ai tự chủ và làm chủ được, làm sao có thể làm chủ được vô thường. Dở khóc dở cười là chuyện rất thực tế xảy ra ở trong đời, ý nghĩa của thành ngữ dở khóc dở cười có nghĩa là những chuyện xảy ra thật trớ trêu không ngờ được, từ ngày nay người ta gọi là chuyện xảy ra quá bất ngờ, quá trớ trêu, đứng hình, đứng bóng, cười không được mà khóc cũng không xong.

Bảo Thành cũng có sự trải nghiệm dở khóc dở cười trong đời thật nhiều lần, ngẩn ngơ cả ngày trời không biết phải làm gì, bởi chuyện xảy ra thật không ngờ, trớ trêu quá đáng. Chuyện trớ trêu không phải là chỉ xảy ra ở xã hội đâu, nó có thể xảy ra đối với người yêu thương như cha mẹ, như trong gia đình, bạn bè, người thân, xã hội. Ai ở trên đời cũng mong mình có một gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hòa, nói và tâm sự trong sự tôn trọng chia sẻ để yêu thương nhau mãi mà thôi, kiếp con người luôn mong chờ những điều như vậy. Người làm con lúc nào cũng tin tưởng rằng cha mẹ của mình là các đấng bậc rất mực yêu thương luôn chăm sóc, bởi các Ngài sinh ra mình nên luôn chăm sóc mình, các Ngài tạo ra ta nên luôn luôn yêu thương, dạy dỗ, hướng dẫn. Thế nhưng ở đời cũng có cảnh mà những phận làm con phải đương đầu với cha hoặc mẹ trong tình trạng dở khóc dở cười, xơ cứng toàn thân, đứng bóng toàn tập, đau khổ khôn cùng. Trong tuần trước Bảo Thành có nghe tâm sự của một Phật tử nói về một người bạn. Người bạn ấy rất có hiếu với mẹ, rất thương yêu mẹ, nhưng người mẹ hơi khác thường, có thật nhiều điều đối xử với người con quá mức chịu đựng. Người con rất đau khổ và sự việc như vậy đã kéo dài lắm, kéo đến mức mà người con chịu không được nữa rồi, buồn lắm, khổ lắm, chẳng có thể xả đi được sự căng thẳng nơi đầu óc và tư tưởng, khó tập trung làm việc, tinh thần thì bất an khốn khổ, không vui. Lòng hiếu đạo và thương mẹ vẫn luôn luôn có chẳng vơi, tìm đủ mọi phương pháp để làm trọn phận làm con hiếu kính mẹ, thương mẹ. Nhưng vì một duyên nợ nghiệp chướng nào đó nằm ở trong một những điều khổ Đức Phật dạy gọi là oan tắng hội, sinh ra ở đời mẹ và con hình như là oan gia trái chủ, hoàn toàn xung khắc về suy nghĩ, về làm việc và đối xử với nhau đặc biệt là người mẹ. Thế nên người con đã có tư tưởng muốn tuyệt tình với người mẹ để có thể giữ được sự an vui cho mình. Đây là một điều rất đau khổ cho người làm con, ai ở trong những hoàn cảnh như vậy mới thấy đau lòng. Bảo Thành nghe qua trong lòng đau như cắt, bởi khi người con có hiếu với mẹ nhưng ngược lại người mẹ vì một lý do nghiệp thức nào đó tâm tánh không bình tĩnh, đối xử với con như thế nên con rất buồn, đây chính là sự dở khóc dở cười đau lòng. Cũng trong gia đình Bảo Thành đã nghe được một Phật tử khóc ròng theo năm tháng về những hoàn cảnh xảy ra với chính gia đình của người Phật tử ấy, người vợ rất mực thương yêu chồng, thương yêu con, mà Bảo Thành biết được điều đó là đúng. Người phụ nữ ấy tần tảo sớm hôm, làm từ sáng cho tới chiều tối, làm tăng ca, xây dựng một mái ấm gia đình, tạo ra biết bao nhiêu những tài sản vật chất và nuôi dưỡng con cái học hành đúng thành nhân thành tài, có đầy đủ nhà cửa, có phương tiện, người vợ lại có lòng yêu thương chồng và con thật nhiều lắm, hi sinh nhiều lắm. Thế nhưng sự việc xảy ra lại dở khóc dở cười, người chồng hình như quên đi người vợ yêu đó, chẳng nhìn ra sự tần tảo hi sinh của người vợ lại tòm tem đây đó, làm cho người vợ dở khóc dở cười, đau khổ, đau khổ. Lại có câu chuyện xảy ra trong thế gian, trong trần gian, nơi mà đôi khi ta cảm nhận tin tưởng và nghĩ rằng chẳng có tiếng khóc – luôn có tiếng cười, chẳng có đau khổ – luôn có hạnh phúc, chẳng có phiền não – luôn có an lạc, như ở trong chùa, nhưng chẳng phải vậy. Bảo Thành có một đệ tử xuất gia cư trú ở một ngôi chùa trong thời gian ngắn, nhưng người đệ tử này thấy ngỡ ngàng vô cùng, bởi sự thật mình nghĩ mình tin nó trái ngược và đôi khi nó còn rất giống như ở đời, người đệ từ đó đau lòng lắm, khóc hoài chẳng ngưng được.

Mà nói làm chi đến cuộc đời của con người, của thế nhân, của mỗi người chúng ta, chuyện dở khóc dở cười là chuyện có thật. Lòng tự hỏi không biết Đức Phật của chúng ta, Đức Thế Tôn Ngài có phải gặp gỡ những chuyện dở khóc dở cười hay không? Khi chưa thành Phật thiếu gì những chuyện như vậy xảy ra, nơi cung đình sự tranh giành quyền lực, sự đầy đủ hưởng phước, sự trái ngang trong lòng của người dân, nhiều lắm. Thái tử Tất Đạt Đa hồi nhỏ cũng gặp biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười, đến mức mà Ngài phải một mình thường xuyên đây đó nơi vắng người, ngồi trầm tư, tư duy và suy nghĩ. Cho đến khi Ngài đã thành Phật giác ngộ rồi Ngài vẫn gặp thật nhiều chuyện dở khóc dở cười, nhưng Ngài cũng chẳng cười, chẳng khóc, chẳng đứng bóng, bởi Ngài giác ngộ. Nhưng thật sự những chuyện đó xảy ra như chuyện một người anh em họ thân lắm, là ông Đề Bà Đạt Đa, ông ta là anh em họ với Phật, gần gũi chẳng khác gì anh em ruột. Thế mà cả cuộc đời của Đức Phật và đặc biệt khi Ngài đã giác ngộ, người anh em họ thân yêu ấy tìm đủ mọi cách, là nếu chưa giác ngộ nhất định phải đứng bóng thôi, dở khóc dở cười thôi. Bởi người anh em họ kia tìm đủ mọi cách để để hại Phật, để giết Phật, để vu khống Phật, để dèm pha Phật và hành hạ Phật những chuyện không thể ngờ được, thật là trớ trêu trong đau khổ. Không phải chỉ có mình ông ta, biết bao nhiêu hàng đệ tử thân cận với Phật cũng làm như thế, họ cũng cãi nhau thôi, họ là đệ tử của bậc giác ngộ, họ học giới, họ học luật, họ tu cũng gọi là đã chứng ngộ được sự huyền diệu, cái lý màu nhiệm của chân lý nhân quả rồi nhưng vẫn cãi nhau ầm ầm ầm ầm. Nhiều lúc Phật phải dở khóc dở cười về đứng bóng đứng hình không biết phải làm gì, họ cãi nhau rồi họ lại xua đuổi Phật đi, nhưng thật ra Phật cũng chẳng cười chẳng khóc là vẫn một lòng nhân từ, đi để tạo cơ hội cho đệ tử biết và rồi trở về để hòa giải, hướng dẫn. Nói cho cùng Đức Phật gặp nhiều chuyện như chúng ta dở khóc dở cười thật trớ trêu, khó có thể nghĩ, ai có thể ngờ được Đức Phật lại có một người phụ nữ Phật tử thường xuyên lui tới rồi vu không Ngài. Ai lại có thể ngờ được Đức Phật lại có những người thân cận gần gũi học Phật, giết người chôn gần vu khống Ngài giết người đâu. Ai có thể ngờ được bậc giác ngộ ngồi đó mà người ta chửi thẳng mặt, ngồi đó mà người ta mang quan quyền tới hạch hỏi. Biết bao nhiêu sự trớ trêu đã xảy ra đối với Phật nhưng Phật không rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như chúng ta, vì Ngài đã thấu được trần gian dở khóc dở cười cũng chỉ là vô thường. Các bạn đừng lướt qua quá nhanh ý nghĩa của vô thường, không phải vô thường là muôn chuyện tới lui sanh diệt chẳng tồn tại để ta coi thường, nhưng quán chiếu hiểu thấu được vô thường giúp cho chúng ta có được tâm vững chãi, nhà Phật gọi là chánh định để hạnh phúc và an vui. Nếu bạn muốn hạnh phúc, muốn an vui, muốn tận hưởng cuộc sống kiếp người vô giá này, để thành tựu được những điều thanh cao, nhất định phải hiểu thấu được vạn pháp là vô thường sanh diệt, không có gì tồn tại mãi. Ngay cả chuyện trớ trêu, đứng bóng, dở khóc dở cười cũng chẳng thể tồn tại, chính vì hiểu được vô thường sanh diệt thấu được cái lý nhân quả, muôn sự ở đời xảy ra cho ta, cho người đều do nghiệp. Trong đó có ác nghiệp và thiện nghiệp, ác nghiệp thì sẽ trổ những quả trái chiều, không như ý, gây phiền não và đau khổ, tai họa và xui xẻo, còn thiện nghiệp là lực tốt tạo ra sự an vui hạnh phúc, gặp gỡ người hiền, thuận hảo với nhau, làm ăn suôn sẻ, muôn sự thành công.

Phận người ở trần gian như Bảo Thành và các bạn ta đã từng tạo ra biết bao nhiêu những nghiệp lực ác và nghiệp lực thiện lẫn lộn, đến thời nó trổ nếu là nghiệp ác thì biết bao nhiêu chuyện xảy ra dở khóc dở cười, trớ trêu đứng bóng, nếu là nghiệp thiện nó trổ quả thì cũng có niềm vui hạnh phúc thành công. Ta phải hiểu thấu được vô thường trong nhân quả để định tâm trong cõi trần gian, nơi cõi ta bà vững chãi. Dù là mẹ đối xử với ta thậm tệ như thế nào đi nữa, để đưa đến tình trạng là người con muốn từ bỏ mẹ mình, muốn từ mặt mẹ mình, thì những người con phải nhớ rằng lời Đức Phật, nguyên nhân ấy chẳng phải một chiều là do mẹ đâu, nhân quả rõ ràng chẳng ai thoát được chuyện xảy ra cho bạn khi gặp người mẹ như thế. Quán chiếu theo nhân quả lời dạy của Phật để thấu như câu “cười người hôm trước hôm sau người cười” đó là câu đơn giản hóa nghiệp quả nó trổ phải nhìn thấu nếu mẹ đối xử như vậy, thì ta kiếp này hoặc những kiếp trước đã từng đối xử thậm tệ với mẹ như thế, cho nên kiếp này có nhân duyên làm mẹ làm con, ác nghiệp đời trước của ta đã trổ và rồi nghiệp lực đó nó đã điều khiển người mẹ và người mẹ chưa có cơ hội gặp Pháp, gặp Thầy, gặp con đường chân lý để tu làm chủ được nghiệp lực thời xưa, nên bị dẫn và rồi quả trổ làm cho ta buồn. Nhưng nhớ đó là từ ta chẳng phải mẹ ta ác, mẹ ta xấu mà vì nhân xấu nhân ác đời trước ta đã tạo. Nhân quả là vậy, nhưng hiểu được vô thường, hiểu được vô thường sanh diệt tức là chúng ta có khả năng tác động vào nhân quả đó để nó sanh theo ý muốn và nó diệt theo tâm tưởng. Sanh theo ý muốn là gì? Và diệt theo tâm tưởng là gì? Có nghĩa là ta làm chủ, ta có khả năng làm chủ được nghiệp thức quá khứ của ta, cách mà từ bỏ mẹ là cách đầu hàng, là cách chạy trốn, là cách không có dũng lực, là cái nhìn thiển cận chưa hiểu thấu được rằng chúng ta có khả năng làm chủ được nghiệp quả đó, làm chủ được nghiệp quả và làm chủ được tất cả mọi thao tác của ta. Nhưng nhớ không phải làm chủ nghiệp quả của người khác và làm chủ tinh thần của người khác, dù mẹ bị quả trổ tiền kiếp nào đó ta đối xử với mẹ như vậy, nên mẹ nay đối xử với ta, đó là mẹ không làm chủ được. Nhưng về phần ta, ta không thể làm chủ mẹ được, nhưng ta vẫn có được lực thật mạnh để nhận ra khi quán chiếu và làm chủ được ta, dù mẹ có chửi ta thế nào, có hành hạ ta thế nào, ta vẫn an vui. Đó là gương của bậc giác ngộ đã dạy, Đức Phật gặp biết bao nhiêu sự việc như vậy Ngài vẫn bình tĩnh. Bảo Thành còn nhớ Đức Phật gặp một người bà la môn tới chỉ tay chửi Phật không biết thậm tệ đến cửa nào, nếu ngôn ngữ đời thường mà chửi nhau y như bạn nghe ở đời vậy thôi, toàn là những ngôn ngữ thô tục, thô ác, ghê gớm lắm. Phật ngồi yên tịch tĩnh, bởi Phật hiểu người ta chửi mình là oan gia trái chủ vậy thôi, nhưng mình vẫn có thể mình nhận nghiệp đó để rồi sân, rồi giận, để tăng trưởng nghiệp ác với họ, rồi luân hồi nghiệp báo gặp nhau nữa, hay là mang lòng từ ra đón nhận. Phật đã mang lòng từ ra tha thứ cho người ấy, đón nhận bằng tình thương nhưng không đón nhận nghiệp ác người ta đang tạo. Bạn có thể tịch tĩnh trong hơi thở, thiền quán thật nhẹ nhàng, mẹ có đối xử thế nào đi nữa thì nhớ đó là phần của mẹ, mẹ tạo nghiệp cho mẹ, còn bạn chớ vì mẹ mà tạo nghiệp cho riêng mình nữa mà hãy nhìn rõ sự đối xử của mẹ là cơ hội vô giá cho bạn, có thể chuyển hóa tâm tánh và một cách nhìn mới theo một góc độ yêu thương và tha thứ, không phải là cứ vậy sấn vào để mẹ chửi, nhưng giữ một khoảng cách tôn trọng để mình có thể chịu đựng được và phát triển lòng từ tâm yêu thương, tha thứ, thật hay! Như vậy có nghĩa là người đã biết biến đống đất sình thành đất nền nhà. Bạn có nhớ ở Việt Nam mình không, nếu bạn sinh ở đây chắc không nhớ, nhưng ở Việt Nam ta biết bao nhiêu những vùng đất xưa là đất sình lầy, muỗi mòng, rau muống, cỏ, chẳng ai để ý. Nhưng sau này có phương tiện hơn, người ta đã đổ đất san bằng thành những nền đất giá trị lên cao không thể nghĩ được. Nếu chúng ta có được cái lực trụ được trong thử thách và mang đất từ bi trong tâm của chúng ta đổ vào những hố sâu, hố sình, hố trống của người khác đối xử, san bằng thành đất nền của tâm an tịnh, bạn sẽ tăng phần giá trị đời sống tâm linh của bạn. Còn như người chồng ấy đối xử tệ với ta đi, dở khóc dở cười, trớ trêu khó nghĩ, bạn cũng nên nhớ chẳng phải riêng gì anh ấy đối xử tệ, mà phải nhìn rõ theo nhân quả kiếp này có thể bạn không tạo ra nhân đó để trổ quả này, nhưng biết bao kiếp trước bạn đã tạo ra cái nhân và đối xử với người chồng như thế. Nhân quả mà, không phải chỉ quán chiếu có một ngày, một tháng, một năm, một đời, để không thấy ta đối xử tệ, mà chỉ thấy họ đối xử tệ thôi. Bạn nhớ nhân quả nhiều đời nay nó trổ ta phải đón nhận, quán chiếu vô thường, quán chiếu nhân quả để đón nhận mà chuyển hóa cho ta được an vui, không đầu hàng, không khóc, không than. Bạn tới chùa người ta đối xử tệ, mà bạn nhìn thấy ở nơi đó còn tệ hơn ngoài chợ nữa tức là nghiệp của bạn, chẳng phải những người trong chùa tệ hại đâu, nghiệp của bạn phải đương đầu với điều ấy.

Dở khóc dở cười trần gian này có đầy, quán chiếu được vô thường, hiểu thấu được nhân quả, đứng trên mọi miền đất, mọi nơi ta vẫn trụ vững an vui. Chuyện dở khóc dở cười xảy ra với muôn người chẳng chừa một ai, Phật còn xảy ra đối với Ngài huống hồ chi ta. Làm sao để chúng ta khi đương đầu với chuyện dở khóc dở cười, trớ trêu đứng hình kia. Đức Phật đã dạy phải quán chiếu được sự vô thường và hiểu thấu được nhân quả, đừng đầu hàng những khó khăn trớ trêu trắc trở trong đời, hãy luôn luôn thiền trong chánh niệm, phát triển tâm từ bi yêu thương. Chỉ có tình yêu thương mới chữa lành tất cả mọi vết thương và chỉ có tình yêu thương mới là năng lượng siêu thế vi diệu để tưới tẩm và rửa sạch những đau khổ phiền não của ta. Lời Đức Phật dạy để cho chúng ta đứng dậy ngay chỗ đau khổ, tự thân tự lực đứng dậy lấy trí tuệ vốn có sẵn nơi Phật tánh mà ứng dụng bước tới. Tại sao Phật khuyên chúng ta bởi Phật đã giác ngộ và nhìn thấy trong chúng ta có Phật tánh, có khả năng thành Phật, có đầy đủ điều kiện để chuyển hóa khổ đau phiền não thành hạnh phúc an vui, có đầy đủ dũng lực để biến những chuyện trong trần gian dở khóc dở cười, trớ trêu, đứng bóng, đứng hình kia thành hạnh phúc. Đừng đầu hàng khi những thử thách và những chuyện dở khóc dở cười tới với chúng ta, hãy vững lòng lên.

Trong mật thiền song tu, chánh niệm hơi thở là nhịp cầu vi diệu đưa bạn và Bảo Thành tiếp cận và gần gũi được với Phật. Mật thiền trong chánh niệm hơi thở qua các mật ngôn vi diệu có năng lượng siêu thế, phá vỡ tất cả những điều không thể tưởng tượng được và chuyển hóa mọi chuyện dở khóc dở cười, trớ trêu đứng hình thành miền đất trù phú, phì nhiêu để gieo mầm yêu thương. Bởi mật ngôn từ bi, trí tuệ, tỉnh giác là những mật ngôn có công năng tuyệt vời, mỗi khi các bạn hít vào thở ra, trì niệm mật ngôn ấy trong tâm thanh tịnh và thành kính, bạn sẽ tiếp được mật điển và ứng hóa thân của Phật, Bồ Tát gần gũi với chúng ta. Đó là một phép lạ, nếu bạn có đầy đủ tín tâm, nếu bạn có đầy đủ sự phát nguyện dũng mãnh và nếu bạn giữ được năm giới hành thiện, nhất định bạn là một người đã có đầy đủ nhân duyên để gặp gỡ Phật và Bồ Tát ngay trong cuộc đời này. Để trần gian dở khóc dở cười bạn không gặp những chuyện trớ trêu, làm cho đứng bóng, đứng hình, mà bạn có thể sử dụng tất cả chuyện dở khóc dở cười trong đời kia thành những phương tiện để chuyển hóa tự thân của mình. Mật thiền có khả năng chuyển hóa bản thân của mình thật mạnh, thật nhanh và thật vững chãi, nếu bạn gia công tu tập cho đúng không chuyện gì là không thể. Mật ngôn vi diệu Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và Ma Sa Ốp Uê, tiếp cho bạn năng lượng, tha lực mật điển không thể nghĩ bàn đâu.

Bạn có phải đang đối đầu với chuyện dở khóc dở cười hay không? Nếu có hãy cho bản thân của mình cơ hội thực tập chánh niệm hơi thở mật thiền song tu, bạn sẽ lại có một cơ hội mới khám phá sự kỳ diệu nơi bản thân của bạn, bạn lại có một cơ hội tuyệt vời để thấy rằng trong bạn vẫn còn biết bao nhiêu những điều kỳ bí, sinh ra biết bao nhiêu phúc lạc cho muôn người. Và sự thực tập ấy bạn lại phát hiện ra đời sống của bạn, con người của bạn, kiếp người của bạn có ý nghĩa vô cùng với thật nhiều người, thật nhiều người trong trần gian này. Đừng vì một người, đừng vì một chuyện dở khóc dở cười, trớ trêu xảy ra mà trừng phạt mình, đày ải mình trong đau khổ, trong tủi hận. Hãy tiếp cận với các bậc thiện tri thức, hãy gần gũi với các bậc thầy, hãy chia sẻ với những tri kỷ và bản thân, hãy cho mình một cơ hội tìm lại chính mình để hạnh phúc và an vui. Thử thách luôn tới, dở khóc dở cười đầy hết ở trần gian, sự trớ trêu luôn xảy ra, Phật còn phải đương đầu với những chuyện như thế huống hồ là Bảo Thành và các bạn. Đừng cho mình là độc nhất vô nhị phải gặp những tình cảnh trớ trêu như thế, ai ai cũng gặp mà sự khác biệt của ta và người ở chỗ là ta đã nhận ra sự vô thường và hiểu thấu nhân quả, đồng thời nhận rõ giá trị Phật đã điểm cho chúng ta là ta vẫn có khả năng thay đổi cuộc đời để hạnh phúc hơn, để bình an hơn. Không cần phải tuyệt tình với cha, với chồng, với mẹ, với sư huynh, sư đệ, với bạn bè, với thầy, với cô, với người này, người kia, không cần. Chỉ cần tuyệt tình với những điều ác trong đời ta đã tạo và tinh tấn làm quen với các pháp thiện, thay đổi cách nhìn mở rộng lòng từ ân, biết tha thứ, bạn sẽ là người sống hạnh phúc. Muôn sự trớ trêu, muôn sự dở khóc dở cười, bạn sẽ lại hồn nhiên như đứa trẻ mới sinh ra, cũng khóc cũng cười, nhưng chẳng khóc chẳng cười trong sự trớ trêu, chỉ khóc và cười khi tiếp nhận một cảnh thiên nhiên, bước ra khỏi lòng mẹ để đón nhận muôn sự đang tới bằng những cảm xúc chân thật như thiên thần biết khóc cũng biết cười.
Các bạn, xin hãy trở về hơi thở.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con vượt qua muôn sự thử thách dở khóc dở cười, trớ trêu ở trong đời. Xin gia trì cho chúng con tinh tấn tu học mật thiền chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Nhìn mọi người bằng trái tim nhân từ bác ái, tha thứ, nhìn mọi người bằng mắt thương nhìn đời và quán chiếu muôn sự, muôn pháp bằng trí tuệ chánh niệm.

Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con quán chiếu về sự dở khóc dở cười trớ trêu ở trong đời, nếu có tạo được chút phước nào nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts