Search

Bài 3041. Lành Thay Tâm Thẳng Ngay | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook.

Giờ tu đã tới, mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con thắp sáng được trí tuệ qua công hạnh thiền định chánh niệm hơi thở, ngõ hầu thể nhập vào tâm Tỉnh Giác giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Với một lòng thành kính chúng con nguyện xin chư Phật gia trì cho tất cả các bạn đồng tu ai đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu, gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Cũng tâm nguyện ấy xin hồi siêu cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp nương bóng đại hùng đại lực Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật mà tái sanh cải thiện lành.
Xin chư Phật chứng minh!

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Trở về với hơi thở chánh niệm, quán chiếu chủ đề ngày hôm nay “Lành Thay Tâm Thẳng Ngay”. Nương vào chánh niệm của hơi thở đưa tâm của chúng ta trở về về trụ trong hư không, quán chiếu cho thẳng ngay. Mỗi một mật ngôn trì niệm chúng ta quán chiếu sẽ đón nhận được mật điển siêu thế, mật ngôn Từ Bi Mu A Mu Sa, mật ngôn Trí Tuệ quán chiếu vô thường, khổ, vô ngã NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn quán tâm Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê. Từng hơi thở quán chiếu tâm từ bi, trí tuệ và tỉnh giác giúp cho chúng ta an trú ngay bây giờ, tại nơi đây, để nhìn rõ cuộc đời của mình. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! các bạn, chủ đề hôm nay được gửi về “Lành Thay Tâm Thẳng Ngay”. Cuộc đời này trong thiên hạ chúng ta luôn luôn đi tìm kiếm, các bạn đang tìm kiếm cái gì? Các bạn đã tìm kiếm cái gì và đã gặp được cái điều mình tìm kiếm chưa? Từ thuở xưa ông cha của chúng ta luôn răn dạy cho con cháu rằng, điều quý nhất trong cuộc đời chẳng phải là vật chất mà là tâm ngay thẳng. Thuở còn rất nhỏ, chúng ta được ông bà, được cha mẹ luôn luôn căn dặn rằng đi cho ngay, về cho thẳng. Ngay thẳng trong cuộc đời quan trọng lắm, tới trường các thầy, các cô trong nền đạo đức giáo dục người xưa cũng như nay Thầy Cô luôn dạy cho chúng ta phải có một lòng ngay thẳng, văn hoa là tâm thẳng ngay.

Đức Phật của chúng ta Ngài là bậc ngay thẳng vô cùng, tâm của ngài thẳng ngay như đại trụ giữa hư không, phong ba bão tố không thể quật Ngài đổ xuống được, muôn sự cám dỗ không thể làm cho Ngài lung lay. Trong rừng cây nào nghiêng sẽ bị ngã khi gió cuốn tới, ở đời những người bị ngã té xuống hầu hết là không thẳng thường hay nghiêng ngả trong sự ham muốn của vật chất, đắm đuối của cảm xúc nơi thân xác này. Chỉ cần nhìn thẳng vào trong tâm ta biết ngay sự thẳng ngay rất cần trong cuộc sống, nếu ta chơi với bạn, bạn vòng vèo cong quẹo, chẳng ngay thẳng, ta sẽ gặp rối, sẽ gặp phiền và gặp nguy hại. Kết bạn ta cũng tìm người có tâm thẳng ngay, người có tâm thẳng ngay như mặt trời đỉnh đỉnh trên cao, gần gũi người thẳng ngay ta sẽ luôn an vui và hạnh phúc. Đức Phật của chúng ta là người có thẳng ngay hay không? Các Phật tử chúng ta theo Phật rất cần mỗi người phải tìm hiểu cho thấu, cho rõ Đức Phật là ai? Ngài như thế nào? Có ngay thẳng hay không? Nếu không tư duy, suy nghĩ kỹ mà chỉ nghe theo truyền thống của ông bà bởi sinh ra trong gia đình Phật giáo hoặc một vị nào đó ta ngưỡng mộ, yêu mến rồi ta theo, hoặc do sách vở ta đọc qua các lý thuyết thấy phù hợp ta thích hoặc nghe tiếng chuông, tiếng mỏ nhẹ nhàng, ta bắt đầu đi vào. Có những người đang khổ, sầu, ai oán, đang phiền não bất chợt gặp một người mặc áo nâu sòng, nhẹ nhàng rải bước, tâm niệm trong cõi thiền nơi cảnh chùa chiền, liền mang lòng yêu mến Phật giáo. Những điều đó tốt, không sao, bởi ta sẽ khởi đầu học Phật, theo Phật từ những nhân duyên rất bình dị đó. Nhưng về lâu về dài mỗi người chúng ta cần phải nghe lời Đức Phật dạy, phải tìm hiểu để hiểu Phật, để có lòng dõng mãnh, quyết tâm đeo đuổi theo Thầy Bổn Sư để học, chứ đừng tin bám víu theo Ngài cầu khẩn van xin. Ta không đi vào lịch sử của Phật, chỉ nhìn thẳng vào đời sống của Ngài từ thuở nhỏ đến khi đủ sức mạnh của tinh thần vượt qua thử thách, có tâm cầu đạo dõng mãnh đi thỉnh pháp, được truyền các pháp học không thành và tự lực dung thông trong sự suy nghiệm của mình tìm ra chân lý. Ta thấy trên thế giới này Ngài là bậc duy nhất, Đức Phật là bậc duy nhất, là một vị khai sáng một nền đạo, nhưng tâm của Ngài thật thẳng ngay, tâm của Phật, tâm của Ngài thật thẳng ngay. Các bạn nhìn đi, tất cả mọi tôn giáo khi được sáng lập hầu hết các vị thành lập nên tôn giáo đó họ rất ngay thẳng, nhưng nhìn vào sự xuất xứ của những vị giáo chủ, những vị đứng đầu các tôn giáo, hầu hết là gắn liền với vai vế là con của trời hoặc là vị trời, chư Thiên hoặc là một vị thần linh, một vị thánh, một vị Bồ Tát. Họ lấy vai vế cho lớn như vậy để chính vai vế họ mặc vào cuộc đời đó như tiếng sấm ở trên trời giáng xuống, ai nghe cũng phải hoảng sợ. Các bạn thấy rồi, nhiều vị nói ta là ở cõi trời xuống, ta là Phật, ta là Bồ Tát, ta là ông thần,… đủ hết. Ngày nay vẫn có nhiều vị thường thường cũng hay nói ta là ở cõi này, cõi kia giáng trần để cứu độ, ai cũng thường mang tâm lý đóng một vai trò thật quan trọng như thần linh giáng thế, cứu độ muôn người.

Mỗi một dân tộc ngày xưa cũng ảnh hưởng của tư tưởng đó, người Việt không thể xuất thân chỉ là con người bình thường trên trái đất, tộc Việt của chúng ta xuất thân từ con rồng cháu tiên, đấy, các bạn thấy không? Con người bình thường thôi cũng muốn mình trở thành danh giá, một bộ tộc nhỏ phát triển trở thành một quốc gia không thể cứ nói rằng ta là một con người bình thường, phải mặc lấy một hình hài thần thánh hóa để đưa sự danh giá cao cả của bộ tộc mình lên đứng hàng đầu trên hành tinh thế giới này. Chưa nói là đứng đầu cả vũ trụ này, cho nên tự xưng rằng con rồng cháu tiên. Các bạn cứ nhìn đi dân tộc nào cũng có tự hào và tự chế ra sự xuất phát của dân tộc đó. Người Nhật họ hãnh diện nói là con cháu của mặt trời, người Trung Hoa họ rống cho thật to như sư tử ở trên núi, trên rừng, họ là con thiên tử, họ là thiên tử, dưới vòm trời này họ cai quản hết. Bạn cứ đi tìm hiểu một dân tộc dù nhỏ hay dù lớn đều đóng vai thật to, thật kềnh càng và luôn lấy danh của một vị trời, một vị thần, một vị tiên, một vị thánh, để khẳng định thế mạnh của mình tồn tại trong cõi này và dần dần ai cũng muốn thế mạnh của mình cho nên người ta gọi là tự xưng đó các bạn. Ngày nay thật là nhiều người tự xưng và đặc biệt nếu họ là một bậc giáo chủ thì họ tự xưng họ là Trời, họ là Phật, họ là Bồ Tát giáng trần, họ có quyền năng, họ có sức mạnh, họ ban bố, họ cứu rỗi,.. đủ hết. Nhông phải ở trong kinh xưa mà hiện tại thời nay, thời đại 4 chấm (thời đại 4.0) vẫn còn có những người vỗ ngực như cái trống rỗng để xưng vương, xưng đế, xưng thần, xưng thánh, xưng Phật, xưng trời, múa may quay cuồng như chú cóc ở dưới hang sâu, nghiến răng khi trời lạnh tưởng mình làm mưa gió.

Các bạn! Đức Phật không như vậy đâu, Ngài rất thẳng ngay. Khi còn nhỏ như bao nhiêu con người, sinh ra trong một gia đình, trong một môi trường mà ai ai chúng ta nếu có sự lựa chọn cũng mong như Đức Phật thuở bé, tức là thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra trong hoàn cảnh đó. Sinh ra trong gia đình là vua có cung điện, vàng bạc thì không thiếu, quyền lực thì dư dả, sắc đẹp của Ngài thì cũng khó có thể sánh bằng, thể chất thì đẹp, được huấn luyện văn võ song toàn, thông minh tuyệt đỉnh, nếu nói bình thường là tuyệt đỉnh võ lâm, võ lâm cái thế được mọi người tán tụng, rời gót ngà đi tới đâu thì có kẻ hầu người ở nâng khăn sửa túi, nước đưa đến tận miệng, đồ ăn đút tới tận miệng, sướng lắm! Nếu được lựa chọn Bảo Thành và các bạn cũng mong rằng kiếp nào đó hoặc kiếp này thì không rồi, kiếp nào đó ta đủ phước sinh ra như thái tử. Các bạn biết không? Đức Phật rất thẳng ngay, Ngài quán chiếu Ngài thấy, Ngài coi những thứ đó không ra gì, Ngài coi sắc đẹp về ái dục như bụi qua khe cửa, Ngài coi vàng bạc, châu báu, quyền lực như gạch ngói vỡ vụn chẳng đáng giá. Mà nếu chúng ta sinh vào thời của Ngài như vậy chắc có lẽ là như các vị vua xưa đó, cung tần mỹ nữ có đủ, vàng bạc châu báu thì chất ở trong kho ôm suốt cuộc đời. Nhưng đối với thái tử Ngài coi cái đó như giẻ rách, như vải liệm xác chết chẳng màng, rất thật, rất ngay. Thấy cái khổ trong chúng sanh Ngài rất thật, Ngài nhìn thẳng vào cái khổ đó, không chối quanh và chẳng đổ thừa tại ai, tại ông trời, tại đấng nào đó, tại ông thần, không. Ngài nhìn thẳng vào mọi hiện tượng và hỏi tại sao và Ngài đi tìm câu trả lời chẳng phải ở trong kinh sách, Ngài học đầy đủ hết thời đó kinh gì cũng thông thạo, Vệ Đà kinh của Bà La Môn thuộc hết, Ngài không tìm trong câu chữ, Ngài không lần mò trong con chữ để tìm câu trả lời, Ngài không tìm trong những lời giải thích của những bậc trưởng bối lớn tuổi. Nói như vậy không phải Ngài không đọc, không nghe, không học, Ngài có đọc, có nghe, có học, nhưng lấy tất cả những tài liệu đó để nghiên cứu, thẩm định trở lại đúng hay sai đó và cuối cùng tự Ngài đã tìm ra chân lý. Ngài nói Ngài như bông sen ở trong đầm, mọc lên, vươn lên, chẳng hôi tanh mùi sình và chính hình ảnh đó Ngài gọi ta là Phật, Phật là sen ngoi lên từ bùn, nở hoa không có hôi tanh, chữ Phật phải hiểu như vậy. Chúng ta có khả năng như Ngài  vì chúng ta đều là loài sen đắm mình trong bùn dơ vẫn có cơ hội ngoi lên nở hoa mà không hôi tanh mùi sình. Khi ngài giác ngộ Ngài nói như thế và Ngài đi công bố cho mọi người con đường, cách để loài sen như chúng ta có cơ hội trổ sinh hoa thật đẹp mà không hôi tanh mùi bùn. Ngài nói hình ảnh của Ngài như vậy, tâm Ngài thẳng ngay, chẳng xưng rằng ta là con trời, ta là thần, là thánh, ta là tiên, mà ta là Phật và hình ảnh của Phật Ngài nói thật rõ trong kinh A Hàm, ta như sen mọc ở trong bùn, vươn lên trổ hoa thơm chẳng dính hôi tanh bùn nhơ của lục dục, đấy, đơn giản vậy thôi. Chúng ta không cần phải thần tượng hóa Phật và Phật chẳng cần chúng ta thần tượng hóa Ngài thành thần để xưng, mà Ngài nói đơn giản “Ta đã là sen nở trong bùn thơm lắm không hôi tanh, tất cả mọi người khác cũng là sen sẽ nở”, thì có gì phải tranh đấu, bàn cãi, phím luận về từ Phật cho cao cả. Phật là sen đã là vươn lên và nở, ta là sen chưa vươn lên được và chưa nở, đơn giản đi ta sẽ thấy tuyệt vời. Ngay điểm này chúng ta thấy rằng chúng ta thật là lành thay, lành thay, sinh trong thời đây nghe được Phật, hiểu được Phật một cách đúng mức như kinh đã dạy, như lời Phật đã dạy để biết rằng sự cao quý nhất của một vị tới dạy dỗ, dắt dìu, khai sáng, khai thị, hướng dẫn cho chúng ta có tâm thẳng ngay, nói thật, nói thẳng. Bằng sự chứng nghiệm của bao nhiêu năm trời tu tập và sự thể nghiệm trong cuộc sống của 45 năm trời rảo bước khắp mọi nơi, mang thông điệp vươn lên như sen để nở hoa mà không hôi tanh mùi bùn nhơ, đó chính là Phật. Hình ảnh đó làm cho chúng ta, những người con Phật, những Phật tử tại gia tự hào về Thầy của mình, Đức Thầy Bổn Sư Thích Ca, Ngài có tâm thẳng ngay. Khi ta nói chữ thẳng ngay hình như nó bình thường quá, nó tầm thường quá, nhưng các bạn nhớ Đức Phật là một con người bình thường như bao nhiêu con người bình thường, nhưng chính vì nhờ tâm thẳng ngay con người bình thường đó đã trở thành siêu thường và phi thường. Để rồi hôm nay lành thay, lành thay, trong mùa Phật Đản ta nói lên lành thay, lành thay Phật giáng trần, tuyệt vời. Và chủ đề gọn hơn “Lành Thay Tâm Thẳng Ngay”, chúng ta có khả năng để uốn nắn, để tu luyện cho tâm của mình thẳng ngay, để thành sen nở hoa giữa cuộc đời trầm luân, dơ bẩn, uế trượt. Nếu hiểu được đơn giản như vậy mỗi người chúng ta phải rất tự lực để vươn lên, tự lực trên con đường cầu đạo giải thoát rất quan trọng.

Đức Phật luôn luôn tới ban rải tha lực nhưng thiếu nguồn tự lực nơi mỗi con người, lòng của chúng ta không ngay thẳng, tâm của chúng ta chẳng thể thẳng ngay, cây nghiêng, cây ngã gió tới sẽ đổ, người ngã, người nghiêng sẽ chẳng tồn tại trong cuộc đời. Bởi vậy tại sao Bảo Thành và các bạn cứ đau khổ và phiền não, cứ vướng mắc thôi, dính vào đông tây nam bắc, dính vào hướng, vào phương, vào vị, vào tướng, vào sắc, vào danh, đối tướng chấp tướng, người đứng như vậy mà làm được gì? Bởi vậy học đòi coi tướng, cái tay, cái chân, cách đi rồi nhìn coi tướng đó làm gì, ta chấp tướng, đối tướng chấp tướng, đối cảnh chấp cảnh, đối âm thanh chấp âm thanh, ta thật là cố chấp. Ngay ta bẻ cho cong, thẳng ta bẻ cho vẹo, cái lưỡi lắc léo nhiều đường nói sao cũng được, ta chỉ thích chê, thích bẻ, nhưng ta chẳng nắn cho ngay, cho thẳng tâm của mình. Người học Phật nhất định phải học được gương của Phật, Ngài nói thật rõ Ngài là con người, Ngài nhìn thấy bằng tâm thẳng ngay, trực diện khổ đau và phiền não, tìm ra nguyên nhân, hiểu được phương thức làm cho tâm thẳng ngay, có được sự an lạc, hạnh phúc bền vững, mà phong ba bão tố của cuộc đời dù có kéo tới không bao giờ bị quật đổ. Ngài đi trong suốt thế gian để dạy cho chúng ta, những con người đang nghiêng ngã nơi những luồng gió của tham sân si, của ái dục, của tham dục. Ngài dạy cho chúng ta phải vươn lên đỉnh đỉnh giữa trời cho ngay, cho thẳng, làm người để vui ta phải như vậy, muốn vui thì phải ngay, phải thẳng. Tâm thẳng ngay chính là Tâm Bồ Đề, tâm thẳng ngay chính là Tâm Từ Bi, tâm thẳng ngay chính là Tâm Trí Tuệ, Tâm Tỉnh Giác. Gọn ngắn trong ngôn ngữ của việc gọi là tâm thẳng ngay, người thẳng ngay là người có tâm từ bi, có lòng yêu thương, có kiến thức rộng mở, trí tuệ mênh mông, có sự tỉnh giác. Bởi vậy Đức Phật như một bầu trời lộng gió muôn phương Ngài đều có thể thổi luồng gió mát giác ngộ tới vào bất cứ chỗ nào, chốn nào, cảnh nào, giới nào, cõi nào, chúng sanh nơi ấy đều hưởng được luồng gió mát của tâm thẳng ngay. Bởi Phật là bầu trời lộng gió thẳng ngay của tâm bồ đề, trí tuệ, từ bi, tỉnh giác. Lành thay, lành thay Bảo Thành và các bạn hiểu được Phật một cách đơn giản, rõ và đúng như lời Đức Phật dạy. Phật nói ta là sen, vươn lên từ sình lầy, đã nở hoa không hôi tanh mùi bùn, như vậy tên gọi ta là Phật, Phật là sen đã nở hoa và chúng ta y như Phật là những loài sen quý, vươn lên được không? Được, mặt trời trí tuệ đã có NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, năng lượng từ bi đã có Mu A Mu Sa, sự tỉnh giấc từ ngàn thu vùi đầu trong uế trượt, tội lỗi đã có để vươn lên đó là Ma Sa Ốp Uê.

Chỉ cần bạn tự lực dõng mãnh, hiểu được học Phật chỉ đơn giản có thế, phải tự lực đứng dậy thắp đuốc từng bước vững chãi, đi lên bằng công hạnh thiền định thật rõ, quán chiếu cho thông, đừng mập mờ để cho những ngôn ngữ của những người tán tụng Phật là ông thần, mất đi tâm thẳng ngay của Ngài đã nói. Ngày nay chúng ta đã bị mụ mẫm trong những danh từ cao siêu bởi vì các dòng truyền thừa Phật giáo ngày nay đã đặt để Đức Phật lên thành ông thần và có cả những  tông phái chiếm cứ cái danh đó quá cao. Rồi những người trong tông phái của Phật đó đã tự xưng là Phật, có những vị vỗ vào ngực như con khỉ, xưng ta là Phật, là ông Trời, có quyền năng. Lại có người mặc vào xưng ta là Bồ Tát, là Phật Di Đà, là Phật Thích Ca, là Bồ Tát này, Bồ Tát kia giáng trần, giáng xuống trần lấy xác người này, lấy xác người kia để độ chúng. Lại có người trong tông phái Phật sinh ra theo cách chế tạo dòng truyền thừa họ là Bồ Tát tái sanh, họ tái sanh trở lại, cứ như thế họ đeo vương miện của Phật, của Bồ Tát để tiếng nói của họ cũng uy tín trong hàm vị Bồ Tát, hoặc Phật, hoặc Thần, hoặc thánh,… Làm cho chúng sanh nhỏ bé như Bảo Thành và các bạn phải sợ hãi, quỳ mọp van xin, hình ảnh đó chẳng còn hình ảnh của Thế Tôn với tâm thẳng ngay, bình dị, chân phương, chất phác, nhẹ nhàng, từ tốn. Ngày xưa Phật đi trong thôn, trong làng, Phật đi trong hẻm, trong rừng, trong xó của cuộc đời bị bỏ quên, mang ánh sáng trí tuệ thắp sáng vùng đen tối, mang yêu thương để an ủi người sầu não, mang hạnh phúc để san sẻ với người khổ đau.

Ngày nay sự tiếp cận với nhau như Đức Phật ngày xưa chẳng còn, người ta đã thay đổi Phật rồi bởi lòng của họ không ngay, họ đã thay đổi Phật, biến Phật thành thần, để rồi họ biến bản thân của họ cũng thành vị Phật khác để so với ông thần Phật, thấy ông thần Phật kia nhỏ bé thua họ, họ mặc nhiên đóng vai thần thánh quá siêu và chỉ có họ mới có quyền năng, mới có sức mạnh để cứu rỗi chúng ta. Đây là nói tới ngay trong Phật giáo, không nói đến các tôn giáo khác các bạn, trong Phật giáo của chúng ta có các tông phái đã xưng quá cao với những hàm vị, học vị, với những chức danh quá lớn. Nhiều tông phái tự xưng họ là Bồ Tát, họ là Phật, họ tái sanh nhiều đời nhiều kiếp, chết đi tái sanh ngay để dạy cho người khác, cứ như thế và rồi Đức Phật Thích Ca chẳng còn, chẳng còn hình ảnh của Ngài trong cuộc đời. Bởi người chỉ là người bình thường như sen vươn lên khỏi bùn nở hoa thơm. Các bạn, các bạn muốn quỳ mọp xuống với những con người có tâm trái nghịch với tâm thẳng ngay của Phật do sự tự xưng, tán tụng bản thân để theo những dòng truyền thừa gầm lên cho lớn, nhưng không phải sư tử hống mang tiếng đó làm giác ngộ, mà tiếng dế kêu the thé ở trong hang cùng ngõ hẹp của tham dục, quyền danh. Các bạn, Phật Ngài có tâm thẳng ngay, tâm ấy là Tâm Bồ Đề, tâm ấy là tâm Phật và tâm Phật là tâm của loài sen vươn lên từ sình lầy để nở hoa. Chúng ta trong cuộc đời, ông bà cha mẹ, quý thầy cô, các bậc trưởng thượng, các vị lãnh đạo tâm linh hay những bậc thiện tri thức có nhân duyên gần gũi, luôn luôn nhắc nhở chúng ta tâm thẳng ngay rất quan trọng. Đức Phật không cần ta học đòi làm họa sĩ vẽ lên hình hài của Phật theo ý tưởng sai lệch của mình để xưng tán, để mượn danh Ngài hóa mình thành thần thánh. Phật mong chúng ta như quý thầy cô, như ông bà cha mẹ, như các bậc thầy là hãy thẳng ngay, hãy tu luyện để có tâm thẳng ngay vậy mới gọi là lành thay, lành thay.

Bạn đang tìm kiếm gì trên con đường tiếp cận với Đức Phật? Sách vở dù có nhiều ngôn ngữ, dù có hay nhưng thiếu tâm thẳng ngay bạn đã sai. Theo Phật là theo để tìm hiểu phương thức nắn tâm của mình cho thẳng ngay trở lại, như đại thụ giữa hư không chẳng nghiêng, chẳng ngã theo bốn chiều rủi may. Để từ đó phong ba bão tố ở đời kéo tới, Bảo Thành và các bạn vẫn trụ vững để nhìn thẳng vào mọi hiện tượng lui tới trong cuộc đời nơi cõi vô thường với tâm an lạc và hạnh phúc, rất quý, rất tuyệt vời! Ta hiểu thấu được Phật là đấng rất bình thường như bao nhiêu con người và Ngài có tâm thẳng ngay. Ngài tới để dạy cho chúng ta, chỉ cho chúng ta phương pháp để sống ngay thẳng trong cuộc đời, ngay thẳng trong ngôn ngữ, ngay thẳng trong suy nghĩ, ngay thẳng trong hành động và sự ngay thẳng như thế sẽ giúp cho chúng ta thấu được tâm thẳng ngay của một bậc đã giác ngộ. Phật là bầu trời lộng gió và có gió thẳng ngay nơi tâm bồ đề, tâm từ bi, tâm yêu thương, tâm trí tuệ, tâm tỉnh giác của Ngài lan tỏa khắp cùng hư không pháp giới, mười phương chẳng thiếu một chỗ nào. Chỉ cần bạn cần một luồng gió nơi chân tâm thẳng ngay của Ngài để làm cho mát cuộc đời trong sa mạc uế trượt, ác nghiệp nhiều đời, để nếm được hương vị hạnh phúc và bình an thì hãy nhớ thật lành thay, lành thay tâm Phật thẳng ngay, đơn giản chân phương trở về bình dị sống ngay thẳng, Phật sẽ tới với chúng ta ngay tại tâm thẳng ngay của mình.

Cám ơn các bạn đã nghe. Mời các bạn trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Ngài là sen vươn lên khỏi sình lầy hôi thối, nở hoa thật thơm, không dính mùi sình và Ngài đã nói Ngài chính là sen, sen đó là Phật, chúng con là sen, sen trong sình lầy chưa vươn lên. Nguyện xin Ngài gia trì cho chúng con có tâm thẳng ngay, đón nhận hồng ân hướng dẫn của Ngài để chúng con sẽ trở thành sen vươn lên khỏi sình lầy mà nở hoa thật thơm, hiến dâng cho cuộc đời.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước nào nguyện hồi hướng cho muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo và cho nền hòa bình của thế giới.
Xin chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn