Search

Bài 3035. Sức Mạnh Của Sự Tĩnh Tâm | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Hạnh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube thất bảo Huyền Môn, kênh Facebook chùa Xá Lợi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và thắp sáng đuốc tuệ để chúng con quán chiếu thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, để thấy rõ vạn pháp là Vô thường sanh – diệt, Khổ và Vô ngã. Nguyện tâm Tỉnh Giác này khai mở để chúng con bước vào một con đường an vui hạnh phúc ngay trong hơi thở của Chánh Niệm. Chúng con cũng nguyện Đức Phật gia trì, gia độ cho quý Phật tử đang lâm bệnh được đầy đủ phước báu, gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Cũng nguyện một lòng hồi siêu cho chư vị hương linh vừa quá vãng theo Thiện nghiệp mà tái sanh cảnh thiện lành.

Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta ngồi xuống với tư thế phù hợp với thân thể của mình. Toàn thân buông lỏng nhẹ nhàng trong hơi thở và cùng nhớ về lời Đức Phật đã dạy cho chúng ta là lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở chúng ta chánh niệm, vào ra trong cõi lòng nhẹ nhàng để giúp cho chúng ta gắn kết mật thiết với chư Phật mười phương, đón nhận thật nhiều mật điển tha lực siêu thế Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác vào thân tâm. Hãy thành kính đón nhận và hồi hướng cho tất cả.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến. Suy nghĩ về một đời người chúng ta đều nhận rõ cứ lặng lẽ nhưng phải trôi qua biết bao nhiêu những cung bậc thăng trầm, tạo lên biết bao nhiêu những cảm xúc khác biệt. Đời của con người không khác gì một dòng sông trôi mãi thôi, nhiều lúc bồng bềnh rác rưởi, đục ngầu, cuồng quay tạo thành những cơn xoáy nhận chìm tất cả. Lúc ấy chúng ta buồn lắm, nhưng cũng trong dòng đục trong đó, dòng sông cuộc đời mang theo nhiều phù sa, tới một đoạn nào đó phù hợp nhân duyên sẽ tấp vào, bồi vào đó và đất liền sẽ có thêm dải cánh rộng dài cho muôn người tới. Cuộc đời có nhiều đau khổ, có nhiều phiền não, có nhiều chuyện không may xảy ra, khó nghĩ, khó tác động vào để dừng nó lại. Hầu hết là bởi vì chúng ta không có một cái nhìn thật thoáng, không có sự huân tập để buông bỏ, mà cứ canh cánh ôm mãi, dính chấp vào những cảm xúc suy nghĩ riêng tư. Tất cả những điều đó sẽ làm ta khổ, ta phiền não không vui.

Các bạn! Ở trong nội tâm của mỗi một con người có thật nhiều tạp niệm. Tạp niệm được ví như rác rưởi, như hầm hố chông gai. Nó gây ra biết bao nhiêu những phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, ảnh hưởng tới cảm xúc suy nghĩ, làm cho cuộc đời của mình bớt vui nhiều khổ. Tạp niệm tràn đầy những uất hận, những bon chen, những hơn thua, những chỉ trích, những dèm pha, những đấu đá, những tranh giành, những tiền bạc, công danh sự nghiệp, những phú quý ở đời trong vàng bạc giàu có, thỏa thê ăn uống, lộng lẫy nơi nhà cửa, phương tiện sử dụng. Cuốn mãi thôi và lôi kéo hấp dẫn quá, ta khó dừng lại. Ta khổ, muôn đời đã khổ, kiếp kiếp đã khổ và bây giờ cái khổ đó vẫn không nguôi. Trong nội tâm của chúng ta ngoài tạp niệm, vẫn còn có Chánh niệm là những mầm yêu thương, sự an lạc hạnh phúc, sự yên vui. Chánh niệm là mầm, tạp niệm là cỏ, là rác. Đừng bao giờ chúng ta coi thường những tạp niệm lui tới trong cuộc đời.

Ngày hôm qua, thứ năm, trời thật đẹp ở bên ngoài tại chùa Xá Lợi tiểu bang Minnesota, Bảo Thành có một vị Phật tử tới chơi. Bảo Thành và vị ấy có một cái bàn ở ngoài sân và hai cái ghế ngồi uống trà. Uống trà để thử coi trong cảnh đẹp của bầu trời hôm qua, những gì trong tâm tư của hai người có thể chia sẻ với nhau. Anh ấy nói: “Thật là kinh khủng, bởi đã từ lâu được các bậc Tôn Túc, Thầy của mình hướng dẫn có trí tuệ, có sự hiểu biết và có nhìn thấy thật rõ phiền não, tạp niệm. Buông được nhiều lắm rồi, đã trưởng thành trong sự giáo dưỡng của thầy mình. Nhưng đêm hôm thứ tư thật khó ngủ vì biết bao nhiêu những dòng tư tưởng và sự phản nghịch trái chiều từ bạn bè, người thân, nó trôi về mạnh quá, chịu không nổi, không ngủ được quằn quại. Nhân dịp đó, những sự quyết định của gia đình giữa vợ chồng về một vấn đề đã được thỏa thuận và chấp nhận theo ý của người yêu thương. Nhưng nó lại tràn về dựng lên ý riêng tư của mình và nó thôi thúc, nó thì thầm lôi kéo. Nó trói buộc vào tư tưởng ấy như một bạo chúa đứng bật dậy trong lao tù phá ngục để đi ra, muốn làm chủ, muốn đứng đầu, muốn mọi người phải nghe theo. Tạp niệm tư tưởng đó nó vần xoay riết mà ngủ không được”. Hôm qua anh ấy tâm sự.

Nếu những ai đã từng trải qua những sự dằn vặt trong đêm hoặc ngay cả ban ngày, thâu đêm suốt sáng, ngày ngồi không yên bởi những tạp niệm nó cứ trôi về trôi về ở trong lòng day rứt khó chịu. Đừng coi thường các bạn, bởi bạn sẽ mất đi sức khỏe. Những căn bệnh trầm kha sẽ có cơ hội kềm toả bạn và phát triển nhanh lắm. Về tinh thần của bạn sẽ bị suy sụp, khuôn mặt của bạn sẽ mất đi năng lượng vui, sự trầm uất sẽ hiện ngay trên đôi mắt của bạn. Nụ cười không còn đâu và nếu cuộc sống cứ để tạp niệm như vậy xâm chiếm mà chẳng có một chút Chánh niệm, thì thôi đời của ta coi như đã bỏ sọt rác rồi. Từ ngàn xưa không phải tới bây giờ, chúng ta mượn vào cớ là cuộc đời bây giờ khó hơn ngày xưa, ông bà thênh thang ruộng đồng, sống thong dong tự tại. Ngày nay sức ép nhiều, tư tưởng và tạp nệm khó có thể dứt, cuộc sống căng quá. Mà đúng! Phương tiện phục vụ cho đời sống của con người càng nhiều, để thỏa mãn thỏa thê những cảm xúc riêng tư, thì nhất định chúng ta sẽ phải miệt mài tranh đấu vượt ngoài sức của ta. Và sự mệt nhoài tới với ta, gục ngã trong vòng xoáy là điều dĩ nhiên. Các bạn có cảm thấy chới với trong cuộc đời không? Các bạn có cảm thấy mệt mỏi hay không? Các bạn có cảm thấy rối rắm trong đầu hay không? Các bạn có cảm thấy chân tay bủn rủn, sợ hãi, hoang mang và các bạn có cảm thấy đau khổ cùng cực hay không? Nhiều ít gì thì chúng ta cũng đã có đầy đủ những hương vị như thế, làm cho cõi lòng của mình tê tái. Rất cần một sức mạnh tới với mình, để có thể nhìn dòng thử thách ngược xuôi đau khổ kia ở trước mặt mà vẫn tự tại bước qua một cách nhẹ nhàng. Rất cần một sức mạnh tới với chúng ta, để biết bao nhiêu những hầm sâu núi thẳm, cọp, beo, thú dữ đang chờ đợi ta vẫn oai hùng đi qua mà chẳng chút sợ. Rất cần một sức mạnh để có thể đứng dậy tiếp tục mà đi trong an vui. Vậy thì sức mạnh chúng ta cần tới từ đâu? Nó tới từ sự tĩnh tâm. Chúng ta rất cần một sự tĩnh tâm đặc biệt để đương đầu với tạp niệm và với muôn trùng những thử thách tới trong cuộc đời. Sự tĩnh tâm có một sức mạnh vô song để cho chúng ta có thể làm tròn trách nhiệm và vượt qua những thử thách, để thành tựu được những điều mơ ước, trong sự hiến dâng phục vụ cho tha nhân và thương yêu mọi người.

Các bạn thân mến! Bảo Thành có đọc qua một đoạn Kinh Thánh của đạo Thiên Chúa nói về Đức Chúa Giêsu trước khi chịu chết để chuộc tội cho loài người. Trước khi Ngài đi vào con đường khổ nạn vác thập tự giá để chịu chết cứu chuộc cho muôn loài. Thì Đức Chúa Giêsu cũng như chúng ta sợ hãi, bởi cũng là con người, cũng biết đau, cũng biết buồn, người ta đánh, người ta đập, người ta lấy giáo, lấy dao, lấy đòng đâm vô đau đớn lắm. Vòng gai đội trên đầu, vai vác thập tự giá nặng nề, để đóng đinh bản thân của mình, khổ! Nhưng trước sự thử thách, sự hy sinh vì một lý tưởng cứu rỗi nhân loại cho bớt khổ, Ngài đã phải tĩnh tâm trong một khu vườn 40 đêm ngày, ăn chay cầu nguyện và tĩnh tâm trước khi gánh vác sứ mệnh chịu chết hi sinh cho những con người tội lỗi. Đây là một đoạn Kinh Thánh có một bài học thật tuyệt vời cho thế nhân. Đừng chấp vào tôn giáo của sự khác biệt. Nhìn vào gương đó, ai cũng nhỏ lệ thương cho một đấng sẵn sàng hy sinh.

Mục đích Bảo Thành nói tới là trước sự hy sinh đau khổ cùng cực kia, tội độ kia Đức Chúa Giêsu đã làm gì? Ngài vô một khu vườn để tĩnh tâm, để ăn chay, để cầu nguyện. Chúng ta nhớ ba điều: Tĩnh tâm – Ăn chay – Cầu nguyện. Và chỉ trong 40 đêm ngày Ngài đã có một sức mạnh siêu thế. Các bạn có biết không? Đoạn Kinh Thánh đã kể: Người ta đã lấy đòn, lấy dao đâm, đã lấy roi đánh vào người, lấy những vòng gai chụp lên trên đầu và đã đặt một thập giá thật nặng bắt Ngài phải vác lên trên núi. Đóng đinh Ngài, lấy cây đập bể ống xương chân của Ngài, làm sao chịu được? Nhưng đã có sự chuẩn bị, Ngài đã có sức mạnh vô song siêu thế của sự tĩnh tâm 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện. Nói đến một bậc thầy của trời người như Đức Phật, Ngài cũng đã tĩnh tâm bảy năm trời trong khổ hạnh rồi đi đến gốc cây Bồ Đề để ngồi thiền, tĩnh tâm tiếp tục trong 49 ngày đạt được sự giác ngộ toàn diện. Và sức mạnh siêu thế của sự tĩnh tâm đó trong 45 năm trời trải qua biết bao nhiêu chông gai thử thách của những người thân cận như anh em họ, đệ tử và người đời như vua chúa, quan quyền. Họ bỏ thuốc độc, họ chửi Phật, họ giết người để vu khống, họ độn bụng để hàm oan, họ thả đá cho Phật chết, họ thả voi để dẵm nát Phật. Phật vẫn thong dong tự tại an nhiên, làm sao Ngài có sức mạnh siêu thế như vậy? Chính là bởi vì sự tĩnh tâm.

Các bạn! Chữ tĩnh tâm hình như quen thuộc với nhiều người thuộc tôn giáo khác. Nhưng chữ tĩnh tâm nó hơi lạ đối với Phật giáo, đó cũng chính là bởi vì con người không có nhìn thoáng, thường chấp vào ngôn ngữ và muốn độc quyền cho riêng mình chẳng muốn ai sử dụng. Chúng ta ngại ngại, chúng ta cũng ngượng ngượng khi sử dụng từ ngữ của một nhóm, của một tôn giáo, của một ai đó đã sử dụng. Dù ý nghĩa nó cũng y như những câu chữ ta sử dụng mà thôi. Các bạn! Tĩnh tâm chính là Thiền định. Nhưng chữ Thiền hình như nó đã được mặc định là của Phật giáo. Chữ tĩnh tâm đã được mặc định là của Thiên Chúa Giáo. Do đó khi sử dụng những từ ngữ ta cứ lấn cấn. Sự tĩnh tâm hay sự Thiền định sẽ đưa chúng ta có được sức mạnh để vượt qua những thử thách trong cuộc đời, để chuyển hóa mọi sự đau khổ, bất hạnh, ác nghiệp, thành tựu được an vui và hạnh phúc. Sau này khi những bậc Giáo chủ của các tôn giáo đã ra đi, các hàng đệ tử và những ai có nhân duyên theo các đấng ấy đều vẫn luôn luôn thiền định trong sự tĩnh tâm để thành tựu những điều an lạc, để không khổ, không phiền não. Sự tĩnh tâm có một sức mạnh không thể nghĩ bàn, không thể nói tới được.

Một câu chuyện kể về ông ANan là đại đệ tử, thị giả của Phật. Thị giả là người luôn luôn đi theo Phật, chăm sóc cho Phật, ông ta có cơ hội kề cận với Phật. Ông ANan có trí nhớ tốt, lời của Phật nói ra ông ta liền nhớ hết, không ai nhớ bằng ông ta. 45 năm trời Đức Phật giảng từng câu, từng chữ ông ANan nhớ hết, nhưng chẳng bao giờ tĩnh tâm thiền định để đi đến sự chứng đắc. Dùng theo danh từ ngày nay ông ANan là một cái máy vi tính chứa đựng toàn diện những lời của Phật ở trong đó. Sự tĩnh tâm, sự thiền định đối với ông ANan là rất ít. Đến khi Đức Phật ra đi nhập Niết Bàn, ông ta bối rối chẳng biết phải làm gì khóc bù lu bù loa. Phật nói cái gì, Phật hỏi cái gì, ông ta cũng không biết phải nói trả lời, cứ khóc mà thôi và Phật đã viên tịch ra đi. Đến khi ngồi lại trong anh em đồ đệ, đồng môn thời đó ngồi lại để bắt đầu truyền tụng. Nhắc lại lời Phật thì trong nhóm của những bậc trưởng lão ấy toàn là những bậc đã chứng đắc mới được vào trong lễ hội đó, hội đồng đó để bàn thảo nhắc nhở những lời của Đức Thế Tôn dạy. Ông ANan không được cho phép vào bởi ông ta không chứng đắc, tâm của ông ta toàn là tạp niệm rối rắm. Và ông Xá Lợi Phất đã nhắc nhở ông ta là phải thực tập cho đến sự chứng đắc mới có thể tham dự vào. Ông ANan lúc đó mới đi vào sự tĩnh tâm, sự Thiền định và trong một giây phút gia công, sự công hạnh công phu đạt đến mức đủ vừa để rồi ông ấy đã chứng đắc và được tham dự vào hội đồng Trưởng lão để mang lời Phật nhắc nhở lại cho nhau. Nhớ một câu chuyện nữa mà hình như ai trong chúng ta, những người thức sức mạnh cơ bắp (tức là thích võ thuật ngày xưa), thì luôn luôn phải biết tên của Ngài đó là Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Ngài chứng đắc rồi, Ngài đi qua Trung Quốc với một hạnh nguyện Mật truyền của Thiền tông. Nhưng khi Ngài đi tới Trung Quốc, khác biệt về phong tục, về cách hành đạo, về văn hóa, về con người, về ngôn ngữ. Người Trung Hoa lúc ấy chẳng đón tiếp Tổ một cách gọi là thành kính để học, tạo ra biết bao nhiêu những thử thách. Và chính Ngài để có sức mạnh chờ đợi nhân duyên tới, hướng dẫn cho đệ tử đã vào trong núi ở đằng sau chùa Thiếu Lâm, trong động đó diện bích, tức là nhìn vào vách núi chín năm trời tĩnh tâm, thiền định để chờ một ngày khi ông Huệ Khả đủ nhân duyên tới, cắt một cánh tay tỏ lòng thành kính để Ngài nhận làm đồ đệ truyền trao Y Bát.

Các bạn! Nhiều lắm những gương các bậc Tổ, bậc Thầy đã nhập Thất để tĩnh tâm, để thiền định, để thể nhập vào tự tánh sức mạnh siêu thế và các vị ấy đã có được sức mạnh. Chúng ta trong đau khổ, rất cần sức mạnh ấy, vậy chúng ta cần phải tĩnh tâm, chúng ta cần phải thiền định. Hầu hết chúng ta đã tĩnh tâm, đã thiền định, nhưng sự tĩnh tâm thiền định của chúng ta không đủ mạnh, không đủ dài, chỉ chớp nhoáng như khói hương dâng lên cho Phật rồi tàn lụi trong giây phút. Vì chúng ta không có bạn đồng tu đồng hành, vì chúng ta không có Thầy, chúng ta không có bậc thiện tri thức, chúng ta không có người thân tri kỷ mà chúng ta có thể đồng lòng thông cảm, đồng hành trên con đường tu. Sự Tu, sự Tĩnh Tâm, sự Thiền định của chúng ta không bền vững, có đôi chút rồi vĩnh biệt ngàn thu. Nên sức mạnh chẳng bao giờ có, khổ đau thì nhiều, tạp niệm kéo tới và rồi bị gục ngã trong đau khổ.

“Chị ngã em nâng”, trong sự đồng tu và cuộc sống trước bao nhiêu sự thử thách này. Đồng tu có một giá trị tuyệt vời để nâng đỡ vượt qua những chặng đường cam go khi ta gục ngã, để vươn dậy hình hài này đây sống an vui. Nội tâm của chúng ta quá nhiều tạp niệm cần tĩnh tâm và thiền định. Người ta cứ nói tạp niệm như rác rưởi, như cỏ còn Chánh niệm như mầm sống của an lạc. Vậy thì phải ra sức cắt cỏ và dọn dẹp cho hết rác rưởi trong tâm. Nhưng người tĩnh tâm và thiền định không bao giờ triệt phá cỏ, dù tạp niệm là cỏ, không bao giờ triệt tiêu rác dù tạp niệm là rác. Các bạn sẽ hỏi: “Tạp niệm mang khổ như cỏ, như rác tại sao không triệt tiêu đi?” Thưa các bạn! Người tĩnh tâm trong thiền định thẩm nhập vào năng lượng của từ bi, chẳng sát hại dù là cỏ cây. Người tĩnh tâm trong thiền định thể nhập vào trí tuệ có ánh sáng của sự hiểu biết, thấu rõ những tạp niệm bồng bềnh như rác rưởi, hoặc um tùm như cỏ gai. Và người tu trong sự tĩnh tâm thiền định có được sự tỉnh giác, thấu rõ vạn pháp, để điều chỉnh ứng phó phù hợp với nhiều phương tiện. Để biến đồng cỏ của tạp niệm kia được cắt, được tỉa thành thảm cỏ xanh tươi tận chân trời. Để chúng ta có thể nằm nghỉ ở trên đó mà nhìn lên bầu trời cao rộng tận hưởng ngàn tinh tú vi diệu lấp lánh. Các bạn có khi nào mơ tới những đồng cỏ xanh không? Bảo Thành ở Mỹ nhà nào cũng có sân đằng trước, xung quanh nhà cỏ xanh thật đẹp. Mùa xuân tới rồi cỏ đang mọc xanh ngoài kia cho tới suốt cuối mùa thu. Và trong ba mùa này: mùa xuân, mùa hè, mùa thu, người ta sẽ bận rộn chăm sóc cho đồng cỏ chung quanh nhà, cắt cỏ cho đúng, cho cỏ được tươi, được xanh. Dù vẫn biết tạp niệm như cỏ, nhưng nếu biết cắt, biết dọn sạch sẽ trở thành thảm cỏ đó các bạn. Tổ đình chùa Xá Lợi bên tiểu bang Maryland đất rộng 33 mẫu, cỏ nhiều lắm, có hai chiếc máy cày, cứ hai tuần hoặc một tháng phải cắt một lần, cỏ lúc nào cũng xanh rì thật đẹp. Thật nhiều lúc Bảo Thành và quý Phật tử tới chùa muốn nằm ở trên thảm cỏ đó, hóng gió trời xuân, hè, thu, đẹp lắm. Tâm tạp niệm nếu mang năng lượng Từ Bi, sự Trí Tuệ và Tỉnh giác, chăm sóc, cắt tỉa nó sẽ trở thành thảm cỏ. Không cần phải diệt tạp niệm để tiêu diệt tận gốc những loại cỏ dại, cỏ dại bên lề đường vẫn là những thảm cỏ xanh tươi nếu biết cắt tỉa. Nếu tâm tạp niệm của chúng ta như rác rưởi, thì người tu trong sự tĩnh tâm thiền định có năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh giác lại cũng biết tái tạo rác rưởi trở thành những nguyên liệu tái sử dụng. Phần nào tái sử dụng được thì tái sử dụng như sắt, như nhựa, như giấy, các tạp chất đều có thể tái sử dụng. Còn những đất đai, cỏ cây, thì người ta cũng tái sử dụng được bởi vì sẽ xay nghiền ra làm phân bón. Kĩ thuật ngày nay quá hữu ích, không bỏ một thứ gì hết, tạp niệm dù là cỏ hay là rác rưởi dưới công năng vi diệu của những bậc Thánh, nhất là của Đức Phật. Ngài trao truyền cho chúng ta cả một nhà máy để tái sử dụng, để cắt, để tỉa cỏ thành thảm, rác rưởi thành những vật dụng hằng ngày. Và như vậy cỏ thì thành thảm, rác rưởi thì tái sử dụng, nên chẳng còn những mùi xú uế của tạp niệm bủa vây. Công sức đâu mà đi tiêu diệt, năng lượng đâu mà đi săn đuổi. Đức Phật có phương pháp, các bậc Thánh có phương pháp, các vị Giáo chủ của các tôn giáo, các bậc Tổ, bậc Thầy đều có phương pháp trong sự tĩnh tâm của thiền định để có được sức mạnh vô song siêu thế. Để thành tựu được những ước mơ những ước nguyện, để chuyển hóa những khổ đau phiền não, để có được sự hạnh phúc.

Các bạn Phật tử tại gia thân mến! Chúng ta phải noi gương Phật, noi gương các bậc Tổ, phải trở về với sự tĩnh tâm trong thiền định để tìm lại sức mạnh siêu thế vốn có nơi ta. Đau khổ đã nhiều, phiền não cũng quá nhiều, sức khỏe của bạn sẽ hao mòn, nhất là khi bạn phiền não nhiều ở trong nội tâm cắn rứt nhiều, day dứt nhiều các bạn dễ bị bệnh. Và khi bệnh bạn càng phiền não, sức khỏe càng suy sụp. Nói trắng trợn hơn là chết sẽ sớm. Bạn muốn chết an lạc hay sống bình yên? Muốn nằm trên đồng cỏ xanh như một tấm thảm tận chân trời để ngắm sao, để ngắm tinh tú hay muốn trở về với dòng sông đục trong một thời, nhưng vẫn mang lại lợi ích phù sa cho muôn người? Thì rất cần các bạn trở về với sự tĩnh tâm trong thiền định. Mật Thiền song tu là một pháp môn phương tiện, như một nhà máy tái tạo lại tất cả mọi tạp niệm đi qua cuộc đời các bạn. Để tái sử dụng lại những tạp niệm do ác nghiệp nhiều đời đã cuốn trôi các bạn thành những thảm cỏ, thành những vật liệu bạn có thể sử dụng hiện thời. Tĩnh tâm trong thiền định của Mật Thiền, thiền Từ Bi, thiền Trí Tuệ, thiền Tỉnh Giác. Nghĩa là tĩnh tâm trong năng lượng từ bi, trí tuệ và tỉnh giác, bạn sẽ có được sức mạnh siêu thế. Sức mạnh ấy gồm có Mật điển tha lực từ Phật và Bồ Tát. Sức mạnh ấy còn có tự lực cầu đạo giác ngộ, chuyển hóa ác nghiệp thành những pháp Thiện, bạn làm được. Nhìn thấu được điều này, chúng ta đi vào sự tu luyện với công hạnh miên mật cùng các bậc có nhân duyên đồng hành trong sự đồng tu, cùng các bạn đồng tu. Chúng ta sẽ được chia sẻ, sẽ được sách tấn, sẽ được nâng đỡ và dắt dìu. Đức Phật tới như một vị Thầy trong thế gian để vực chúng ta đứng dậy trên những miền đổ vỡ, rách nát của cuộc đời, bằng sức mạnh trong sự tĩnh tâm thiền định để tái tạo lại cuộc sống đau khổ phiền não của chúng ta thành những thảm cỏ, thành những chất liệu yêu thương, trí tuệ và tỉnh giác.

Hãy mau mau cùng với Bảo Thành trở về trong sự đồng tu của sự tĩnh tâm thiền định, Mật Thiền song tu mỗi ngày. Các bạn nhất định sẽ có một sức mạnh và muôn sự đau khổ, sự thống khổ cùng cực của các bạn sẽ được chuyển hóa, an vui lắm, hạnh phúc lắm. Nếu muốn có một đời sống an vui hạnh phúc hãy bắt đầu từ đây và ngay bây giờ trong công hạnh của sự tĩnh tâm nơi thiền định. Bạn có một sức mạnh không thể nghĩ bàn. Mời các bạn trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Chúng con là những Phật tử tại gia thật yếu đuối và thử thách thì không ngừng lui tới, phiền não, đau khổ cũng đã quá nhiều. Nay hiểu được trong sự tĩnh tâm thiền định, chúng con sẽ có sức mạnh vô song siêu thế của mật điển tới từ Phật và năng lượng tự lực cầu sự giải thoát giác ngộ tới từ trong tâm. Chuyển hóa mọi tạp niệm thành phương tiện vi diệu, ứng dụng vào cuộc đời mang lại lợi lạc cho nhau. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con với chủ đề “Sức Mạnh Của Sự Tĩnh Tâm” nếu tạo ra được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo. Cho thế giới được hòa bình chấm dứt chiến tranh. Cho người bệnh được khỏe, được hết bệnh, hết phiền não. Cho người đã mất được siêu sanh miền tịnh độ.

Xin chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn