Search

Bài 3036. Đứng Lên Làm Người | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, Facebook Chua Xa Loi.

Chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện xin chư Phật mười phương, gia trì cho chúng con đón được năng lượng tình thương của mười phương chư Phật và thắp sáng đuốc tuệ, quán chiếu trong sự tỉnh giác để nhận rõ vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật gia trì cho tất cả quý Phật tử, những vị ân nhân, những vị quen biết của chúng con đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ và thân tâm thường an lạc trong sự tinh tấn tu học. Cũng đồng tâm nguyện siêu cho chư vị hương linh theo sự tiếp dẫn của Đức Phật Di Đà, hướng theo thiện nghiệp mà tái sanh cải thiện lành.
Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Các bạn thân mến, ba mật ngôn chúng ta trì niệm trong chánh niệm hơi thở, Mu A Mu Sa có nghĩa là quán Từ Bi, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán Trí Tuệ, Ma Sa  Ốp Uê là quán tâm Tỉnh Giác. Ba mật ngôn này có nghĩa là thiền quán chánh niệm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Thể nhập và gắn kết với chư Phật mười phương để đón nhận mật điển, chuyển hóa nghiệp chướng và làm mới cuộc đời. Mỗi khi chúng ta đồng tu như vậy trở về với lòng thành kính và khiêm tốn, ai trong chúng ta cũng đón nhận được mật điển để làm mới cuộc đời. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Các bạn thân mến! Thứ Hai đầu tuần mới sau ngày lễ về Mẹ, ngày Hiền Mẫu, ngày nhớ về các đấng sinh thành lên chúng ta, nhờ các đấng ấy mà ta hiện diện trong cuộc đời. Các bạn, chúng ta đã là những con người trong thiên hạ này, ai trong chúng ta cũng sẽ một hoặc nhiều lần thất bại và vấp ngã, vòng tròn của thiên hạ này không chừa một ai, ai ai cũng vấp ngã một hoặc nhiều lần, ai ai cũng thất bại nhiều lần hoặc ít nhất là một lần. Càng bước tới phía trước thì chúng ta sẽ cần phải trực diện trong sự sẵn sàng và chuẩn bị vì sự thất bại và vấp ngã sẽ luôn tới với chúng ta, càng bước lên, càng bước tới là vấp ngã là thất bại. Còn nếu như chúng ta đứng tại chỗ, ngồi tại chỗ sẽ không có sự vấp ngã và thất bại, nhưng ngược lại sẽ bị đẩy lùi vĩnh viễn về quá khứ và đằng sau.

Chủ đề hôm nay “Đứng Lên Làm Người”. Một câu nói rất hay tuy nhiên không dễ, bởi mỗi một lần vấp ngã là nhiều lần đau, mỗi một lần thất bại như trải qua sự chết, vấp ngã rồi là trầy trụa, là te tua, là đau đớn, thất bại rồi coi như đã xong. Hãy trở về với câu nói bình dân, chúng ta các bạn đi ra đường nếu vấp ngã không đứng dậy thì làm gì đây, không lẽ chúng ta nằm ì ở giữa đường cho thiên hạ cười hay sao? Không thể như trẻ thơ đụng một chuyện nhỏ nhỏ, không như ý té đùng xuống dưới đất, giẫy giụa khóc cho lớn, chúng ta rất tự nhiên vấp ngã ở giữa đời là phải đứng dậy. Bạn đi ra đường bạn té bạn không đứng dậy bạn nằm đó hả, đâu có. Người ta sẽ chà đạp lên bạn, người ta sẽ coi thường bạn, ta đứng dậy, là con người trong thiên hạ vấp té phải đứng dậy ngay và luôn luôn tìm cách bào chữa. Thế nhưng đứng dậy hoặc đứng lên sau khi vấp ngã, sau khi thất bại để làm người, khác với đứng lên để giữ cho sĩ diện của mình nhưng lại bị đầy đọa vào trong đau khổ và phiền não. Nhiều lần trong chúng ta đã vấp ngã, đã thất bại, đứng lên rồi nhưng chẳng thể làm người trở lại, cứ dật dờ như thuyền không có người lái, sóng ở biển, ở bể khơi cứ dập, cứ đẩy, cứ kéo, xoay một vòng tròn hết cả đời người chẳng biết cập bến đi về đâu. Ai chưa một lần vấp ngã, ai chưa một lần thất bại không thấm và hiểu được nỗi đau vô tận.

Có một số bạn khi lâm vào sự vấp ngã vì bệnh hoạn, vì yếu đuối, khó có thể đứng lên để làm trở lại với hiện trạng sức khỏe hiện thời, mà thường ngồi đó vọng về những ngày tháng cũ mơ ước sức trai trẻ khỏe mạnh của một thời vẫn còn, quên đi lời dạy của Đức Phật vạn pháp vô thường sanh diệt, sinh lão bệnh tử luôn luôn rình rập tới với chúng ta, chẳng thể giữ thời gian đã qua, sức khỏe của tuổi trẻ một thời ta hãnh diện. Thấu được lời Phật dạy ta an yên trong từng giây phút, dù cho thân xác sức khỏe có vô thường lui tới ta vẫn hạnh phúc, ta vẫn vui vì biết đó là luật mà Đức Phật đã hiểu, đã dạy và luôn hướng dẫn chúng ta chấp nhận để đi về phía trước. Là một con người sống trong sự an vui, càng trông chờ vào quá khứ để trở lại một tuổi xuân trẻ khỏe như xưa là càng đi lùi về bóng tối của sự than thở, của hư vọng nó bào mòn đi sức khỏe. Thay vì ta đứng lên đón nhận lời đó Phật đã dạy đời sống là vô thường sanh diệt, ta chấp nhận và an trú trong chánh niệm, hưởng tận niềm sung sướng đang có. Đó là trở thành một con người trong thiên hạ, biết đứng lên làm người sống an vui, còn không ta chỉ đứng lên như một xác chết xiêu vẹo theo những chiều gió hướng về quá khứ, các bạn phải nhìn ra được điều đó.

Chúng ta được giáo dưỡng là phải đứng lên để làm người từ mẹ, từ cha, từ ông bà, từ các bậc thầy, qua một nền đạo đức từ trong gia đình nơi các gương của các vị tổ trong gia tộc, nơi các tấm gương của các vị thầy, của các đấng mà chúng ta tôn thờ trong tôn giáo. Chúng ta hãy suy nghĩ như vầy, một cục đất sét để trở thành một tượng Phật, tượng Phật nha các bạn, chúng ta là người Phật giáo đã từng chiêm bái những tôn tượng của Phật, Bồ Tát làm bằng đất sét được nung, nhìn rất đẹp. Nhưng khi cục đất sét đó tạo thành hình dáng của vị Phật, một vị Bồ Tát mà chưa được cho vô lò lửa để nung, thì nhất định khi mưa sa bão táp tới hứng chịu, tượng đất sét kia dần dần tan rã và trôi mòn đi. Còn nếu như tượng đó được đưa vào trong lò lửa để nung cho tới, cho đủ, thì để ra ngoài trời phong ba bão tố, tôn tượng đó không bao giờ bị mòn.

Ở trên Chùa Xá Lợi tổ đình ở Maryland có nhiều tôn tượng Phật bằng đất sét nung, quý Phật tử mang tới tôn trí ở trong khu rừng trong vườn của chùa. Không khí ở đây nước Mỹ thật khắc nghiệt, bốn mùa rõ ràng, đông tuyết phủ lạnh dưới 0 độ, mùa hè nóng bức, mùa thu rồi mùa xuân không khí thay đổi. Thế vậy mà những tôn tượng đó vẫn sừng sững trong dáng vẻ oai nghi của một vị Phật, một vị Bồ Tát được tạo thành, ai tới cũng chiêm bái thấy được sự ẩn tích năng lượng vi diệu mà chúng ta khi nhìn qua tôn tượng nhớ về lời Phật, giáo lý của Phật. Mỗi một người trong chúng ta nếu không thất bại và trải qua vấp ngã thì thực ra như tượng chưa đưa vào lò lửa để nung. Thất bại và vấp ngã là cái lò để nung chúng ta cho đủ độ cứng và sẽ hiên ngang làm người trở lại. Hãy đứng lên, đứng lên để làm người, nhất định ta phải như vậy, hãy quán chiếu thất bại và thử thách là những tác nhân làm cho ta trưởng thành vững chãi và thành người. Phật tử tại gia sẽ luôn luôn, luôn luôn phải đương đầu với hằng hà sa những sự chướng ngại, thử thách, thất bại và vấp ngã, các bạn nhớ thất bại và vấp ngã không phải là những tảng đá lớn cản trở chúng ta bước phía trước, bước tới trước. Nếu bạn thấy thất bại và vấp ngã là những tảng đá cản đường bạn không thể đi qua được, chỉ thay đổi một cái nhìn cho thoáng ta sẽ tìm thấy một lối đi mới, ta sẽ nhìn ra những tia sáng của hy vọng và ta sẽ dùng trí tuệ quán chiếu và năng lượng từ bi trong sự tỉnh giác, để thắp sáng hy vọng đi về phía trước bằng cách biến những sự vấp ngã thất bại thành những nền đá rộng lớn để đứng vững chãi mà vượt qua. Đừng nhìn nó như một tảng đá không thể vượt mà hãy nhìn nó là một nền đá, cũng là đá mà đá tảng chắn đường sao qua được, cũng là đá mà đá nền lót đường cho ta đi, đấy các bạn thấy chưa, dễ như vậy thôi. Chính từ khái niệm và quan niệm có được trí tuệ để nhìn rõ đá cũng là đá, thất bại và vấp ngã là đá, nhưng chẳng phải là đá tảng chắn lối ta đi, cản đường ta tới mà là nền đá, là thềm đá để ta bước qua thềm đá vững chãi đó vươn về phía trước làm người trở lại. Nếu bạn không được dắt dìu, hướng dẫn để có một nguồn tự lực vô song nơi tâm, đứng dậy trên nền đá hoặc học trên cái thảm của thất bại và vấp ngã bạn sẽ đau lắm. Những ai thất bại và vấp ngã thường rơi vào sự than thở, rầu rĩ, buồn phiền, tự kỷ, gây ra sự quạo quọ, khó chịu, mất đi niềm tin vào chính mình và rồi cuộc đời còn sống đó mà coi như đã đoạn kết toàn tập, không thể vượt qua được, vì sao ta không vượt qua được? Bởi ta không nhìn thấy lầm lỗi của mình đưa tới sự vấp ngã và thất bại, ta luôn đổ thừa, các bạn, chứng bệnh đổ thừa Bảo Thành thường hay nói là chứng bệnh di truyền nó có căn từ nhiều kiếp truyền tới, mà ta lại mù chẳng nhìn ra. Bệnh đổ thừa nghe tiếu ngạo nhưng thực tế ai cũng bị, chính vì bệnh đổ thừa mà chúng ta không bao giờ nhìn nhận ra lỗi lầm của chúng ta. Vậy nên khi vấp ngã, khi thất bại ta đau, ta buồn, ta lùi dần vào bóng tối của tự kỷ, kết quả cuối cùng là khổ đau và ở trong tình huống không nhìn ra lỗi lầm của mình dù bạn có đứng lên sau khi thất bại và vấp ngã bạn cũng không thể làm người trở lại. Bởi lúc ấy khi không nhận ra lầm lỗi mà đứng lên ta đã trở thành xác chết biết di động, thành bóng ma mang sợ hãi tới cho mọi người.

“Đứng lên làm người” y như bài hát ta vừa nghe, Mẹ dạy con hãy đứng lên, đứng lên làm người, ngẩng cao đầu tiến về phía trước, đúng mà. Ở đời Đức Phật đã dạy trong cuộc đời này, trong thiên hạ này chỉ có hai hạng người là cao quý nhất. Hạng người thứ nhất là không bao giờ thất bại, vấp ngã và lầm lỗi, đây là hạng người cao quý nhất nhưng rất hiếm. Hạng người thứ hai rất cao quý nhưng không có hiếm, đầy hết trên mặt đất này, trong thiên hạ này, hạng người thứ hai đó là gì? Là những người vấp ngã nhưng biết lỗi lầm của mình, đứng dậy để làm người. Chưa nói đến hạng người không có cao quý thì nó đầy như cát ở biển, đó là vấp ngã, thất bại không biết lầm lỗi của chính mình mà chỉ đỗ thừa, hạng người đó đầy như cát trên biển. Bảo Thành và các bạn không nằm trong loại người cao quý thứ nhất, tức là không bao giờ vấp ngã, thất bại và lầm lỗi. Các bạn và Bảo Thành đi vào hạng người thứ hai nhưng cũng đáng tôn quý, bởi vì chúng ta vấp ngã quá nhiều lần, chúng ta lầm lỗi quá nhiều lần, chúng ta thất bại quá nhiều lần, nhưng còn thừa hưởng được một nền đạo đức, một nền giáo dục, đạo đức của ông bà cha mẹ, của các Thầy, của các vị Tổ, của Phật, của Bồ Tát, ta thụ hưởng được ngay từ nhỏ, mà ta nhìn ra lầm lỗi của mình, ta đứng lên làm người các bạn cao quý. Phật ca ngợi và sách tấn hạng người cao quý như Bảo Thành và các bạn, hạng người vấp ngã, hạng người thất bại, hạng người làm sai, nghiệp chướng thật nhiều nhưng còn có phước hấp thụ nền đạo đức của Phật, của Bồ Tát, của ông bà, cha mẹ, của các bậc chư Tổ, chư Thầy thiện tri thức truyền dạy, mà chúng ta nhận ra lầm lỗi của chính mình để đứng lên làm người trở lại, rất cao quý. Hãy đứng lên làm người, đừng hổ thẹn và than vãn, đổ thừa khi vấp ngã và thất bại. Các bạn nghĩ đi, nhìn kỹ đi trong thiên hạ này ai mà không lầm lỗi, ai mà không một lần vấp ngã, nhưng không phải ai khi đó vấp ngã rồi có thể đứng lên làm người trở lại, nếu không được nung trong lò lửa thì chẳng thể đứng lên làm người trở lại đâu. Do vậy muốn đứng lên làm người chúng ta phải trải qua công hạnh tu tập thực sự, phải nhìn ra chân lý của đạo Đức Phật dạy, để từ hình hài chỉ là đất sét người ta chà đạp lên thôi ta có thể ngoi lên trên không để người ta chà đạp mình nữa. Dùng hai bàn tay từ bi yêu thương, nắn nót cho thành hình hài, hình hài của một con người, hình hài của một vị có tâm thiện lành, của một vị Bồ Tát, một vị Phật, một vị Alahán. Rồi mang vào trong sự thử thách va chạm của thất bại, của vấp ngã, nung trong lò lửa, luyện ở trong lửa thử thách như vậy, ta sẽ thành một cái tượng thật tốt, thật đẹp, thật bền vững. Phải tu các bạn, văn ôn võ luyện, phải tu tập, không thể ngồi đó mà tưởng tượng từ tượng mà thành voi, tưởng tượng như tưởng voi đó các bạn, không thể. Nếu các bạn không tu luyện, không thực tập, không ý thức được và dành thời gian cho chính mình trong công hạnh tu thì như cát, một cơn sóng lăn tăn nhỏ thôi đã kéo bạn đi mất rồi, trôi dạt về đâu nào có thể biết được. Sự tu luyện của các bạn chẳng khác gì như cát trộn với xi măng, hòa vào trong nước, thêm một cây sắt là trở thành xi măng cốt sắt, thành nền tảng, thành nền móng vững chãi trong một tòa nhà, ta biết hòa trộn những hạt các vấp ngã thất bại, những đất sét của lầm lạc tội lỗi, để tạo nên hình hài hay nền tảng vững chãi cho ta đứng hay không, rất cần sự ý thức thật cao nơi mỗi một con người.

Trở về thời xưa khi Đức Phật còn sống, Bảo thành khi đọc kinh của Phật thấy rất khâm phục một người tàn ác, có lỗi, ác vô cùng nhưng Bảo Thành khâm phục. Bảo Thành vẫn luôn luôn nhớ đến gương của một con người tàn ác này, ác đến mức mà sẵn sàng giết cha của mình để chiếm ngôi, ác đến mức mà có thể bắt tay với kẻ thù của Phật để hại Phật, ác đến mức mà có thể tàn sát nhân loại để đạt được mục đích mình mong muốn. Nhưng Bảo Thành vẫn thích ông ta, vẫn thích cái gương của ông ta, đó chính là ông vua A Xà Thế thời Đức Phật. Khi Đức Phật còn trên thế gian Ngài thường sống trong quốc độ của ông Vua A Xà Thế, ông ta là một người con ngỗ nghịch, tàn ác, giết hại cha của mình để chiếm ngôi, bắt tay với ông Đề Bà Đạt Đa để hại Phật, nghe sự xu nịnh của quan thần để giết người, không có cái ác nào mà ông ta không trải qua. Nhưng Bảo Thành phục ông ta bởi ông ta là kẻ ác không phải thuộc hạng người thứ ba, tức là lầm lỗi ác độc mà không nhận ra lỗi lầm. Cuối cùng thì khi ông ta sinh ra được một người con, người con lâm bệnh đau đớn và trong sự quặn quại đau đớn của người con mình, ông vua A Xà Thế đã đổ lệ ra, đổ lệ đó các bạn, đau đớn khóc cho người con của mình. Ông ta bị rơi vào tình trạng trầm cảm, trầm cảm nguy hại lắm các bạn, ông ta rơi vào sự trầm cảm toàn tập có nghĩa là tột cùng không thể chữa được rồi, đau đớn buồn phiền. Một vị vua mà, cuồng ngạo biết sợ gì đâu, nay lại có được cảm xúc đau đớn vì con mình bị bệnh, day dứt đi đến điên đảo không còn biết phải làm gì, thẩn thờ không còn ngồi ở trong triều tọa triều để mà điều hành công việc của nhà nước, của quốc độ mình, của tổ quốc. Ông ta hình như đang khùng điên loạn thần không biết gì, nhưng ít nhất trong thâm sâu ông ta vẫn còn có tánh nghe và biết, có hạnh lắng nghe và hiểu biết nên khi nghe một vị quan thần giới thiệu cho ông ta rằng trên đời này không ai có thể chữa lành được đâu. Đúng! Ông ta đã đi thật là nhiều vị nhưng không ai chữa lành được bệnh của ông ta và khi giới thiệu ông ta lên tới với Phật. Các bạn nhớ ông A Xà Thế là ông vua tàn ác giết cha, bắt tay với Đề Bà Đạt Đa là anh em họ của Phật để giết Phật, để hại Phật. Nay người ta lại nói rằng hãy tới với Phật, sĩ diện một kẻ làm vua, sĩ diện một kẻ đã từng giết cha, hãnh diện về cái điều không sợ thiên hạ nói, từng bắt tay với Đề Bà Đạt Đa để giết Phật, làm sao còn mặt mũi sĩ diện đó đó các bạn, làm sao còn mặt mũi để tới gặp người mình từng muốn hại, muốn giết, người mình từng khinh bỉ, coi thường, người mình từng ghét bỏ, chê bai, người mình từng ruồng bỏ, gạt ra khỏi tầm nhìn của mình, mình là vua mà, thế đấy, sĩ diện kinh khủng lắm. Nhưng trong sĩ diện của một vị vua, ông A Xà Thế vẫn còn tánh lắng nghe và hiểu biết, trong đau khổ tận cùng đó ông đã nghe một vị quan thần giới thiệu về Phật, ông ta đã lấy lại dũng lực để đứng lên làm người và bước tới trong khu rừng để gặp Phật khi Ngài ngồi thiền với chúng đệ tử ở đó. Các bạn biết không cuộc gặp gỡ đó đã được đền bù xứng đáng bởi lòng dũng cảm phá tan sĩ diện, vẻ mặt làm vua để tới gặp và diện kiến dung nhan của bậc giác ngộ. Chỉ vậy! Ông ta đã lành bệnh và thực sự đã đứng lên làm người và làm một Phật tử thuần hành, có tâm huyết phổ hoằng đạo Phật, phò trợ cho Phật trên đoạn đường mang giáo lý giác ngộ truyền lại dạy lại cho dân chúng ở trong quốc độ của mình.

Bảo Thành phục cái phục chỗ cao ngạo có, tàn ác có, lầm lỗi có, nhưng nhận ra lỗi lầm của mình, phá vỡ kiêu hãnh của sĩ diện để khiêm tốn gặp Phật. Trong cuộc đời của chúng ta các bạn và Bảo Thành sĩ diện thật là dỏm, có là vua đâu, có là hoàng đế đâu, có đức cao trọng vọng, có quyền lực, quyền thế gì đâu. Vậy mà khi vấp ngã, khi thất bại ta đổ thừa, không nhìn ra lầm lỗi, cứ giữ khư khư ôm lấy sĩ diện, chẳng bao giờ tìm tới những người yêu thương chúng ta, những người quan tâm đến chúng ta, những người bạn hiền tri kỷ, những người thâm giao, thiện trí thức, những bậc thầy, các vị tổ hoặc tới giáo lý của Phật để một lần, một lần đừng để sĩ diện dỏm kia làm phiền, phá toang nó ra để đi tới phía trước, gặp được chìa khóa viên dung để mở cửa tù ngục mà bước ra, để đứng lên vươn vai hình hài này làm lại người trở lại, khó thật khó. Hãy noi gương ông A Xà Thế đừng để sĩ diện dỏm tàn phá, thiêu đốt cuộc đời của chúng ta.

Các bạn! Đứng lên làm người rất quan trọng. Có biết bao nhiêu các bạn đã lầm lỗi, đã vấp ngã vào trong biết bao nhiêu ác nghiệp, đã say sưa rượu chè, đã hút đá, hút sách, đã chích choác, đã trộm cắp, đã lạm quyền hại người, đã bị tù tội, đã bị đầy đọa,.. Các bạn nhớ, tất cả các bạn vẫn còn một chỗ đứng thật vững nơi tâm, đó là nhìn thẳng vào sĩ diện của mình và nhận ra giá trị làm người trở lại, đạp lên trên sĩ diện, lấy sĩ diện làm nền tảng, làm cái điểm để bật lên, vươn lên làm người trở lại. Các bạn vẫn còn cơ hội đứng lên để làm người, tất cả mọi người trong chúng ta dù ở một phương diện nào đi nữa hãy nhớ mọi thất bại và vấp ngã chỉ cần đừng để sĩ diện dỏm che mờ lý trí thì chúng ta vẫn có thể đứng lên làm người. Chúng ta có thể vẫn còn có sức mạnh mang cục đất sét tạo nên hình hài của một con người đứng thẳng, đưa vào lò của lửa thất bại và vấp ngã nung cho vững cứng sẽ thành tượng, đẹp lắm. Những thất bại và vấp ngã là những tảng đá chắn đường, hãy nhìn bằng con mắt thông tuệ đó chỉ là những nền đá vững chãi cho bạn và Bảo Thành đặt chân lên trên đó bước tới phía trước mà thôi, đừng sợ. Hay hơn nữa các bạn và Bảo Thành vẫn còn một nền tảng đạo đức nhiều đời được tôi luyện, huân tu trong nhiều kiếp bởi thọ hưởng được nền giáo dục đạo đức của ông bà, cha mẹ, của Phật, của Bồ Tát, của các bậc thiện tri thức. Những phước báu, những công đức ấy vẫn còn trong ta và các bạn cũng như Bảo Thành đây, chúng ta lại may mắn hơn trong sự đồng tu của mật thiền, trong mật thiền song tu, chúng ta thiền quán tâm từ bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa để từ nơi xa xăm trong thiên hạ nhỏ bé của hành tinh này, mỗi người chúng ta vẫn đón nhận được thật nhiều năng lượng yêu thương của mười phương chư Phật ban rải xuống. Năng lượng đó như mưa từ trời sẽ gội rửa tất cả những sự rác rưởi dơ dáy của vấp ngã, thất bại, mở ra một nền đá thật vững của trí tuệ soi dẫn trong tâm tỉnh giác. Mật điển đón nhận được mỗi ngày trong sự quán chiếu của từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, gắn kết với mười phương chư Phật và nhận ra sĩ diện của mình là dỏm để bỏ qua, sẵn sàng khiêm cung bước tới phía trước vào khu rừng của ác nghiệp. Nơi ấy vẫn có Đức Phật tọa thiền để ta diện kiến và nói với Phật rằng: “Phật ơi! Con đã tới để gặp Phật, xin Phật hãy nhận con làm đệ tử”. Như ông A Xà Thế khi đã gặp được Phật, phiền não đoạn diệt ông ta phá vỡ được sĩ diện của một kẻ cuồng ác, một ông vua để tới gặp Phật, người mà mình đã từng muốn giết, muốn hại và rồi sau khi gặp Phật ông ta đã nói với Phật “Xin cho con làm đệ tử của Ngài” và lúc ấy ông ta đã trở thành an yên.

Các bạn có dám đối diện với người mà bạn khinh thường hay không? Các bạn có dám bước tới người mà bạn coi thường, khinh thường, muốn hại và nói với người đó rằng “Tôi muốn làm bạn với bạn trở lại, tôi muốn gắn kết với bạn trên con đường sau khi tôi vấp ngã và thất bại, để tôi một lần nữa được bạn khởi động tâm thức trong sáng của tôi để tôi vững bước đứng lên làm người trở lại trong cuộc đời này”. Đó là sự thử thách của mỗi người chúng ta, có dám học theo gương của ông vua A Xà Thế đạp tan sĩ diện của mình đi để tới gặp Phật hay không? Bạn có dám đạp tan sĩ diện của sự luẩn quẩn vọng về quá khứ để một lần nữa đứng lên làm người, đón nhận cuộc sống trong hiện tại, hòa mình vào với chánh niệm của hơi thở để đón nhận năng lượng tình thương của Phật, thắp sáng đuốc tuệ mà thức tỉnh trở lại, vượt qua u mê tìm lại cuộc đời chính nghĩa đứng lên làm người thật sự hay không? Đó là do bạn quyết định.

Cảm ơn các bạn đã nghe, mong rằng chúng ta có được nghị lực để đứng lên làm người trở lại. Các bạn, chúng ta trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Từ lâu rồi sau nhiều lần vấp ngã và thất bại, chúng con đừng đổ thừa vì sĩ diện mà thôi. Nay hiểu thấu chúng con nguyện hùng lực ba ngôi Tam Bảo, gia trì cho chúng con vượt qua chướng ngại của sĩ diện, của đổ thừa để biến những tảng đá cản đường thành những nền đá lớn vững chãi để bước lên mà tiến về phía trước, để mang thân này nung vào trong lò lửa của thử thách, biến thành những hình hài của Phật và Bồ Tát trong thế gian.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Chúng con đã vấp ngã, đã thất bại quá nhiều, đã lầm lạc không nhìn ra lỗi lầm của chính mình. Nay trong sự đồng tu này nguyện chư Phật gia trì cho chúng con biết đứng lên làm người khiêm tốn, vượt qua sĩ diện của bản thân phá vỡ mọi tảng đá cản, để bước vào nền đá mới của trí tuệ, từ bi, tỉnh giác mà tiếp hiện sự sống của Phật vào trong thế gian này. Công đức nếu có, phước báu nếu có xin hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới và cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo. Cho những ai lâm bệnh đều hết bệnh, hết phiền não. Xin chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn