Search

Bài 3033. Một Mảnh Từ Tâm | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chùa Xá Lợi!

Chúng ta hãy cùng nhau quay trở về với ba ngôi Tam Bảo Phật – Pháp – Tăng để chuẩn bị buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin chư Phật mười phương, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Để nương vào tình thương này, chúng con, những ai đang gặp đau khổ tận cùng có đủ Trí Tuệ và tâm Tỉnh Giác, nhìn rõ vào những nguyên nhân tạo ra khổ, để mở lòng yêu thương tha thứ cho nhau, thay đổi cuộc đời để có được sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống. Nguyện xin chư Phật gia trì cho thế giới được hòa bình chấm dứt chiến tranh. Và cho tất cả những ai đang lâm bệnh có đầy đủ phước duyên gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc.

Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi xuống trong tư thế tự tại, buông lỏng toàn thân. Trở về với chánh niệm của hơi thở, trì mật ngôn Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác, sẽ đưa chúng ta gần gũi hơn với chư Phật, chư Bồ Tát, để rải lòng yêu thương lấy chính mình và muôn người. Để có được sự sáng của tâm thức thanh tịnh, nhìn rõ được những nỗi niềm khổ đau nơi chính ta. Và mang sự Tỉnh giác vốn có nơi tâm Phật hướng mình, hướng thượng đi lên thoát khỏi ngục tối của sự chấp trược, u mê. Từng giây phút chúng ta thở vào, thở ra trong chánh niệm mật ngôn, mỗi một người chúng ta sẽ đón nhận thật nhiều năng lượng mật điển siêu thế, để gội rửa phiền ưu và đau khổ. Với một lòng thành kính, chúng ta hãy bắt đầu đón nhận.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến! Chúng ta còn ở nơi đây, còn trong chánh niệm, còn có sự tỉnh thức và còn tình yêu thương đối với mọi người và với bản thân. Cùng với nhau dù cách xa không gặp mặt, trên mạng vẫn liên kết. Liên kết thật mật thiết trong sự đồng tu, để mỗi người chúng ta vượt qua sự trắc trở khó khăn trong cuộc sống, ưu tư cho bản thân, tịch tĩnh trong chánh niệm. Sự ưu tiên này giúp cho chúng ta khám phá ra những điều nhiệm mầu vốn có nơi chúng ta. Bất cứ một tôn giáo nào trên thế giới đều luôn dạy dỗ cho những người đi theo là tín đồ tình yêu thương. Tình yêu thương có sức mạnh nhiệm mầu để mỗi người chúng ta biết tự chăm sóc cho mình và chăm sóc cho những người chúng ta kính trọng, thương yêu. Tình yêu thương xóa tan đi hận thù và chuyển hóa hết tất cả mọi sự khổ đau vướng mắc trong cuộc đời. Tình yêu thương làm cho chúng ta thăng hoa trong cuộc sống, sống vững chãi và trưởng thành với tâm tỉnh giác trong sáng, rộng lòng san sẻ. Tôn giáo nào cũng hướng dẫn cho chúng ta những điều như vậy. Phật tử tại gia, chúng ta theo Phật, nhìn vào cuộc đời của Đức Phật khi còn rất nhỏ là Thái tử con của vua, chỉ chờ ngày lên làm vua. Trong đọan thời gian đó Thái tử được học hỏi, được rèn luyện để trở thành một dũng sĩ, một người điều quân khiển tướng và lãnh chức ngai vàng, hưởng sự sung sướng ở đời. Ngài đã nhìn thấy ở trong kinh thành những điều tạo ra khổ trong một kiếp người khi sinh ra rồi bị bệnh, bị già rồi chết. Trong lòng của Thái tử nghĩ chẳng muốn làm vua hay làm một chiến tướng, một thái tử đi chinh nam phạt bắc, mở rộng bờ cõi quốc gia của mình để rồi trên vó ngựa của Ngài dẫm nát những đống xương của những người dân vô tội. Bánh xe ngựa đẫm máu của những chiến sĩ vô danh và bàn tay nhúng đẫm sự đau khổ của hằng hà sa dân chúng. Ngài nhìn thật là rõ, bởi trong Ngài tuy là Thái tử như bao nhiêu người khác của chúng ta vẫn có một trái tim yêu thương, nên Ngài không muốn đi về hướng đó. Ngài đã vượt thành, từ bỏ tất cả để vó ngựa không dính máu, bánh xe không nát xương người và bàn tay không dính vào mồ hoang lạnh. Ngài đi để tìm một con đường phát triển tình yêu thương rộng hơn, lớn hơn. Để chia sẻ, để san sẻ và để nâng đỡ tất cả chúng sanh đang lặn ngụp trong đau khổ, đau khổ tận cùng của đời sống nhân sinh. Và rồi khi Ngài giác ngộ chính là lúc Ngài đã tìm được kho báu vô thượng của sự an lạc và hạnh phúc. Ngài đã đi khắp mọi nơi thuở đó bằng chính đôi chân trần của Ngài, in dấu khắp cùng mọi chốn. Nơi đâu có dấu chân của Thế Tôn nơi đó có an lạc và hạnh phúc. Nơi đâu có dấu chân của Ngài, những mảnh đời bất hạnh đau khổ đều được chữa lành và đón nhận được một cuộc sống hạnh phúc an vui. Ngài thăm viếng từng nhà nghèo, từng con người bệnh hoạn, từng mảnh đời bất hạnh, để san sẻ tình yêu thương. Ngài ghé ngang những cuộc đời bị bỏ rơi, những con người lầm chấp, bần hàn trong xã hội, để thắp sáng trí tuệ, mở một con đường cho họ đi tới ngày mai tốt đẹp. Ngài đã tới với tất cả mọi hàng thứ dân, vua chúa, quan quyền, người giàu có, người nghèo, người bệnh hoạn. Tới nơi đâu Ngài cũng mang tình thương để an ủi, để chăm sóc, để che chở. Và mang kho báu vô thượng, vô giá, chỉ cho tất cả mọi người để họ đạt được kho báu đó không còn khổ và hạnh phúc.

Đức Phật là đấng yêu thương muôn loài, muôn vật. Đức Phật là tình yêu cao thượng, hy sinh tất cả để trao mạng sống của Ngài, trí tuệ của Ngài tới với những ai sẵn lòng có tâm để tự cởi trói, vượt thoát ra khỏi sự đau khổ mình đang bị kìm hãm. Và dĩ nhiên bất cứ một chúng sanh nào, bất cứ một người nào đang ở trong trạng thái đau khổ tột cùng, nếu vững niềm tin quay trở về với sự thanh tịnh, đón nhận Đức Phật vào trong tâm. Lấy chánh niệm hơi thở, giữ giới, hành thiện, quán chiếu, nhìn thẳng vào những nguyên nhân tạo ra khổ, lúc đó sẽ nhận rõ và chuyển hóa chúng được. Bởi chìa khoá mà Đức Phật trao truyền trong 45 năm trời khi Ngài đã giác ngộ, Ngài nhận thấy chìa khóa mở toang cánh cửa hạnh phúc và an lạc để đi vào đời sống bình thường an vui chính là ở chỗ phải nhìn thấu đực đau khổ, phá đi cái “Chấp”. Nói cho gọn thì mỗi người chúng ta chỉ biết yêu chuộng và nuông chiều bản thân của chính mình mà thôi. Đã tự cho mình đặc quyền là những người khác phải yêu thương ta, phải chăm sóc cho chính ta từ chân cho tới đầu. Và đã cho mình đặc quyền là được hưởng phước, hưởng sự sung sướng. Ngược lại chẳng biết chăm lo, chẳng biết yêu thương, chẳng biết thông cảm, chẳng biết tri ân, chẳng biết nhớ ơn. Từ đó mà mỗi người chúng ta đã tổn phước và tạo khổ cho chính mình. Đức Phật đã tới mang lòng từ tâm yêu thương để hướng dẫn một cách rất chân tình. Đã bao nhiêu lần chúng ta đã khước từ Ngài, nhưng Ngài vẫn đến cuộc đời của chúng ta. Ngài là tri kỷ, là bạn thân, Ngài là bậc Thầy vĩ đại, Ngài là đấng yêu thương. Tới với Phật là tới với một người bạn giàu lòng yêu thương. Tới với một bậc Thầy có trí tuệ cao cả, tới để được sự hướng dẫn thoát khỏi khổ đau và phiền não, mang trái tim yêu thương của mình trải rộng đến muôn nơi. Chúng ta theo Phật chẳng mong cầu sự tu của một pháp nhiệm mầu nào đó, để thành những cái danh mà ta chế tác ra, tự ca ngợi sự thành tựu đạo quả phi thường. Những điều ấy toàn là huyền thoại, toàn là cổ tích, toàn là những câu chuyện kể nghe cho vui. Đức Phật khi xưa chẳng bao giờ kể chuyện cho người ta nghe để vui. Cuộc đời của Ngài là một bài pháp dài 45 năm trời tận tụy, siêng năng, tiếp cận với mọi hạng người bằng tình thương, vượt qua mọi chướng ngại. Dù người ta có vu khống Ngài, dù người ta có chửi bới Ngài, dù người ta có đe dọa muốn giết chết Ngài, dù người ta có giam Ngài trong ngục tối, có chuốc độc hoặc người ta có bắt tay với quan quyền, vua chúa hãm hại Ngài, hoặc người ta khinh bỉ Ngài… Những điều đó không làm cho Ngài mất đi tình yêu thương đối với họ. Ngài càng yêu thương họ hơn bởi Ngài biết chúng sanh mê muội không nhìn rõ. Ánh sáng của lòng từ tâm, tình yêu thương vô hạn của Ngài đã tới và biết bao nhiêu những con người khổ đau năm xưa đã tìm được hạnh phúc và bình an. Ngàn năm sau cho tới thời kỳ này ta đang sống, tình yêu thương của Phật vẫn còn đó đối với chúng ta. Ai một lòng thành kính biết đón nhận, đều có thể thay đổi được cuộc đời từ đau khổ phiền não để được hạnh và an lạc. Đức Phật mang tất cả tình yêu của Ngài và thật khéo sử dụng nhiều những phương tiện, nhiều những biện pháp đa năng phù hợp với từng người, từng chúng sanh. Bởi Ngài không bao giờ loại trừ một chúng sanh, một thể loại người như thế nào ra khỏi tầm mắt và trái tim yêu thương của Ngài, Ngài nhìn chúng sanh đều bình đẳng. Nay chúng ta, Phật tử tại gia học gương yêu thương của Phật, mang tình yêu thương để chữa lành mọi vết thương trong cuộc đời. Mang tình yêu thương để sách tấn mình, đứng vững ngay ở chỗ mình bị vấp té, bị khổ đau và phiền não để trưởng thành hơn. Mang tình yêu thương của mình hòa nhập vào từng giây phút trong Chánh niệm, san sẻ yêu chính mình và yêu mọi người, thương chính mình và thương mọi người.

Bảo Thành và các bạn đồng tu chúng ta thường hay đi làm từ thiện, biết bao nhiêu các tấm gương vĩ đại của những con người rất bình thường đã từ bỏ nơi chốn ấm cúng, giàu sang, từ bỏ cha mẹ, phận người hưởng sung sướng như chúng ta đi vào con đường dấn thân phụng hiến cho nhân loại. Vì sao? Vì tất cả những vị ấy đều thấu triệt được Đức Phật là đấng yêu thương, các đấng họ tôn thờ là tình yêu cao rộng. Họ đi theo tôn giáo đó, họ đi theo Phật, họ thấm và họ noi gương các đấng mà họ tin, mang tình yêu thương trải rộng muôn nơi. Điều đó chứng thực trong cuộc sống, nếu các bạn làm từ thiện bạn sẽ nhận ra. Bảo Thành đã đi tới các trung tâm mồ côi, dưỡng lão, những trại phong, những nơi nuôi các em bé tật nguyền sinh ra nằm mãi trên nôi cho tới chết. Ở những nơi đó, ai là người mang tình yêu chăm sóc cho hàng trăm, hàng ngàn những cụ ông, cụ bà bị bỏ rơi, những em bé mồ côi, những kẻ tật nguyền, những người bệnh hoạn, những mảnh đời bất hạnh? Thưa các bạn! Đó chính là các Sư Thầy, các Sư Cô! Đó chính là các vị Linh mục, các Ma Sơ. Trong tình yêu chẳng có phân biệt tôn giáo. Trong tình thương không có thứ bậc của sang hèn và trong tình người là biết dấn thân để che chở, để an ủi và để nâng đỡ lẫn nhau. Mỗi một lần Bảo Thành tới các trung tâm dưỡng lão nhìn vào đôi mắt sâu thẳm khắc khoải của những người mẹ, của những người cha, long lanh ẩn hiện những tàn tích đau thương, uất hạnh, khổ não. Nhưng mỗi một lần trở lại nơi đó thấy ánh mắt của những bậc cha mẹ ấy vơi đi cái khổ của ngàn đời long lanh tình thương. Vì sao? Vì các Ma Sơ, vì các vị Linh mục, vì các Sư Thầy, vì các Sư Cô đã trở thành những ánh sao, những ánh tinh tú trên nền trời tăm tối khổ đau của họ. Để dẫn đưa ánh sáng niềm tin của cuộc sống vào chính trong hốc mắt tràn đầy đau khổ bất hạnh kia. Và những bậc cha mẹ đã biết cười, đã biết vui, đã có niềm tin vào cuộc sống. Sống để yêu thương lấy chính mình và mang tình yêu thương đó san sẻ, dù chỉ là một chút xíu thôi, một chút xíu thôi. Bảo Thành đã tới những trung tâm mồ côi có các Ma Sơ là thân nữ còn rất trẻ, đã dấn thân vào cuộc đời và suốt cả cuộc đời chỉ mỉm cười trong tình yêu thương, chăm sóc cho bệnh nhân, chăm sóc cho người già, chăm sóc cho người nghèo, chăm sóc cho người phong cùi, đến tận nơi chăm sóc cho những kẻ mồ côi, những em cơ nhỡ, những bé tật nguyền. Chẳng bao giờ thấy trên mặt của các Ma Sơ buồn, các Ma Sơ như những thiên thần. Bảo Thành cũng lại thấy các Sư Cô thật đẹp như những vị thiện thần, chư thiên, đã trở thành những vị hộ pháp che chở cho biết bao nhiêu những mảnh đời đau khổ. Các sư Thầy, các vị Linh mục, ngay cả các giáo dân và Phật tử, biết bao nhiêu những tấm gương như thế đã quên chỉ phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống riêng tư, nhưng mang trái tim nhỏ bé đầy ắp yêu thương san sẻ, chăm sóc và che chở cho muôn người. Tất cả những vị đó là hóa thân của Phật, là hóa thân của Bồ Tát, chẳng màng tới tiếng kinh, tiếng mõ, tiếng chuông, chẳng màng tới sự tu chứng để thành tựu một ngôi báu vĩ đại nào. Chỉ biết xả thân vì những con người đang đau khổ và từ bỏ tất cả mang yêu thương tới để san sẻ, để che chở, để sưởi ấm những trái tim đang đau khổ. Đức Phật đã làm điều đó thực sự đó các bạn. Chúng ta tu, chúng ta phải nhìn vào gương đời sống của Đức Phật cả một đời chỉ biết yêu thương mà thôi. Tình yêu của Ngài rộng lớn đến muôn loài chúng sanh, đến muôn cảnh giới khác biệt. Ngày đêm trong từng hơi thở, trong từng giây phút, trong từng sát na, Thế Tôn mang tình yêu thương của mình san sẻ và ứng hóa phù hợp với từng kiếp thân đã bị đọa đày để dẫn dắt, để đưa họ tới bến bờ của hạnh phúc an vui.

Ngày nay chúng ta tu, chúng ta cần phải trưởng thành, nhất là các Phật tử tại gia cần phải trưởng thành trong tình yêu. Đạo Phật là đạo yêu thương, Phật giáo là con đường đi tới sự phát triển tận cùng của tình yêu và giáo pháp của Phật là phương pháp khám phá ra trong mỗi một người chúng ta có kho tàng Pháp Bảo vi diệu, đó chính là tình yêu. Nếu như bạn cứ miệt mài kinh sách, suy diễn kinh luật, tư duy sâu xa tới miền nào đó mà chẳng có một chút gì dựa trên nền tảng của tình yêu thương, sống thực tế với tình yêu thương, lan tỏa tình yêu thương. Thì những điều bạn học, bạn nghiên cứu, bạn đốt cháy cuộc đời để thành tựu chỉ là những giây phút sống trong ảo ảnh, biến thành những ảo giác rồi vụt mất như ánh sao xẹt trên nền trời không thực tế. Sự yêu thương trong nhà Phật là Từ bi, là Từ tâm. Chỉ một chút Từ tâm thôi, chỉ một chút tình yêu thương đối đãi với mọi người và chính ta, thì mọi khổ đau phiền não sẽ chẳng còn. Vì khi ta yêu ta sẽ nhìn rõ được đối tượng ta yêu, ta sẽ thông cảm, ta sẽ hiểu thấu, ta biết lắng nghe. Đức Phật Khi yêu thương chúng sanh, Ngài đã tận hiến tất cả, từng suy nghĩ của Ngài đều có thể nở hoa để mang hương huệ, hương giác ngộ tới với đời. Từng lời nói của Ngài là châu ngọc tuôn ra, mang hương của chánh định để làm cho muôn người vững chãi hơn. Từng sự hành xử đối với nhau Ngài đều mang hương giới để bao bọc, để hộ mạng, để che chở cho muôn loài. Chúng ta thiếu tình thương từ đó khi theo Phật chẳng hiểu được Đức Phật là đấng yêu thương, là vua của tình yêu khắp cõi, là đấng nhân từ, là bậc đại bi đại từ yêu thương vô cùng. Chúng ta không nhận ra, chẳng hành theo tình thương Đức Phật dạy, chẳng thực tập, chẳng ứng dụng. Chúng ta chỉ chiều chuộng bản thân, xả mình vào trong những cảm xúc, những ái dục, đắm chìm trong những quyền lợi về tiền, về danh dự, về phẩm giá, về nhà cửa, sự sinh hoạt trong cuộc sống, sự phú quý mà đánh mất phẩm giá của mình, đã trở nên đê hèn. Nhớ Đức Phật thuở xưa suy nghĩ: Ngài không muốn vó ngựa của Ngài dẵm nát trên những đống xương tàn của những người dân vô tội. Ngài không muốn bánh xe ngựa của Ngài đẫm máu của những chiến sĩ vô danh. Ngài không muốn đôi bàn tay của Ngài tàn phá khốc liệt những mạng sống, những sinh linh, những nước láng giềng. Tình yêu của Ngài, Ngài đã suy nghĩ và từ bỏ, từ bỏ tất cả để đi vào trái tim lớn nhất của tình yêu trong sự giác ngộ để san sẻ.

Còn Phật tử chúng ta theo Phật mà chẳng hành như thế. Trên đầu biết bao nhiêu những suy nghĩ uất hận, thù địch, nó sôi sùng sục ở bên trong, nó làm cho ta mất đi lý trí, sự sáng, sự tỉnh. Và chúng ta để cho những tư tưởng đó đã biến mình thành quỷ, thành ma. Những tư tưởng như dao, như búa, như súng ống, như bom nguyên tử dội ầm ầm ở trong tâm, trong não. Để rồi cái miệng đã trở thành những vó ngựa, những bánh xe dẫm nát cuộc sống của người khác. Để rồi miệng của ta biết bao nhiêu những ngôn ngữ thô ác, thị phi, đâm thọc, chì chiếc, than van, ai oán, giận hờn tuôn ra. Rồi những hành động của chúng ta là phản lại luân lý đạo thường của mọi người. Mất đi tình cha, tình mẹ, tình vợ chồng, con cái, tình người thân, tình thầy trò, ta chỉ thủ lợi cho chính ta. Ta theo Phật hay chúng ta theo một tôn giáo nào? Hầu như đã lạc hướng bởi chẳng biết yêu thực sự, chẳng có lòng từ tâm, chẳng có tình yêu chân chính đối với mọi người, chẳng biết hy sinh và phụng hiến, chẳng biết trở về với tâm sáng để nhìn rõ. Chỉ lăn xả vào sự ham muốn của mình, chấp thủ vào những cảm xúc yêu thương thân của mình và cho mình luôn luôn đúng. Đặc quyền phán những người khác phải phục vụ, phải chăm sóc, phải yêu thương mà chính ta chẳng biết phục vụ chăm sóc yêu thương lấy bản thân của mình. Tình yêu thương chẳng phải là thể hiện ra bên ngoài, nếu chỉ thể hiện ra bên ngoài mà thiếu đi tình yêu thương của bản thân thì đó thật là khập khiễng, hụt hẫng, không đúng. Nếu nói đến một con người biết yêu, biết thương là người đó phải biết yêu thương chính bản thân. Nếu biết yêu thương chính bản thân là người biết chăm sóc, biết sống đúng, rồi mới có đủ tình yêu thương để san sẻ. Đức Phật đã làm điều đó. Người Phật tử tại gia có thật nhiều những môi trường thích nghi. Trong sự tương tác và sự sống hằng ngày luôn luôn dẫn chúng ta tới trực diện với những điều đó. Ta có cơ hội phát triển lòng từ tâm, tình yêu thương chỉ một chút là đủ.

Chủ đề “Một mảnh từ tâm”, chỉ một chút từ tâm của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta thực sự hiểu và theo Phật đúng. Và nếu chúng ta là Phật tử tại gia thì một mảnh từ tâm, một chút tình thương trong cuộc đời đối với chính mình, đối với các đấng bậc sinh thành, vợ chồng, con cái, người thân, cô bác, chú dì, anh chị em. Chính là đạo nghĩa Đức Phật dạy, chính là chìa khóa chuyển hóa cuộc đời của mình, mở cửa Niết Bàn an vui và hạnh phúc ngay trong thực tại, để hưởng nguồn ân phúc đó và tự sướng trong cuộc đời. Các bạn, phải nhận định thật rõ: một mảnh từ tâm là lời nhắn nhủ của Phật bằng chính đời sống của Ngài. Chỉ một chút tình thương thôi, một lời hỏi han nhau, bớt đi những câu đắng cay giận hờn, bớt đi những câu hằn học hóc búa. Hãy cho nhau những lời từ ái yêu thương, hãy hít vào và thở ra thật chậm rãi, an trú trong Mu A Mu Sa. Năng lượng tình thương vi diệu của Phật để mang tình thương nuôi dưỡng tự thân và san sẻ với mọi người. Hãy hít vào thở ra thắp sáng ánh tuệ minh của Phật trong tâm, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để ta có dõng lực nhìn rõ vào những nguyên nhân tạo ra khổ, khổ tận cùng của cuộc đời. Để biết rằng chuyện tới chuyện đi, mọi hiện tượng trong đời đều là vô thường sanh diệt. Nhanh lắm! Chỉ trong chớp mắt thôi để đừng trụ vào sự tức giận, bản ngã của mình nữa, với tinh thần vô ngã, đừng chiều chuộng, đừng nuông chiều, đừng nâng mình lên tầm cao để người khác phải phục vụ mà hạ mình xuống thật thấp để hy sinh, để yêu thương, để san sẻ và phụng hiến. Nhất định bạn sẽ vui!

“Một mảnh từ tâm” người Phật tử tại gia chúng ta đều có khả năng thành tựu được điều này và làm được. Chỉ một chút tình yêu thương mà ta phát triển để rồi san sẻ với mọi người là ta sẽ hết khổ đau ngay. Trong ta, trong sâu thẳm của sự khổ đau phiền não vùi dập, vẫn có ánh sáng của từ tâm, vẫn có tình thương. Phật tới trong cuộc đời và ta đã theo Phật thành Phật tử tại gia. Ta là sự tiếp hiện của Phật. Ta là sự tiếp của tình thương, của từ bi, của trí tuệ, của nhìn thấu, nhìn rõ để buông. Biết lắng nghe, biết thông cảm, biết san sẻ, của sự tỉnh giác không u mê.

Các bạn! Đừng mong cầu là Phật tử tại gia rồi học được con đường làm sao để kiếp sau về cõi gì đó hứa hẹn của ngày sau, chẳng cần. Chỉ cần hiện tại sống với tâm bình thường chánh niệm. Sống với tâm từ bi, trí tuệ và tỉnh giác. Sống bằng trái tim chân thật, bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, bằng tư tưởng trong sáng, để mang một chút tình thương chăm sóc cho mình và san sẻ tới muôn người đã là đủ. “Một mảnh từ tâm” là chủ đề tuyệt vời! Chỉ một chút xíu tình thương nếu ta có thể san sẻ, sống và chăm sóc cho mình thì ta có tất cả. Hãy nhớ hạt giống rất nhỏ nhưng khi nó đã trổ mầm, mọc lên nó thành cây và trổ sinh lộc, hoa và trái. Chỉ một chút tình thương hành được, sống được và thực hiện được chúng ta sẽ thoát khổ mà thôi. Khổ chưa thoát được trong kiếp này, trong giờ phút này, ngay tại đây, đừng mong cầu những chuyện hão huyền, đừng đầu tư vào những chuyện của tương lai mà quên đầu tư vào chính trong giây phút hiện tại. Một giây phút hưởng trọn Từ Bi yêu thương, Trí Tuệ sáng suốt và sự Tỉnh giác. Để mang một chút yêu thương của mình yêu lấy chính mình và san sẻ cho muôn người – Một Mảnh Từ Tâm.

Các bạn! Mời các bạn trở về với hơi thở Chánh Niệm.

Thưa Phật! Ngài là đấng yêu thương muôn loài, giáo lý của Ngài là giáo lý của tình thương. Chúng con nguyện một lòng thực tập mang sự yêu thương chăm sóc cho chính mình và san sẻ tới muôn người, dù chỉ là một ít trong hoàn cảnh của cuộc sống hiện thời.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho tất cả những ai đang chìm đắm trong tận cùng của sự đau khổ, đón nhận được tình thương, thắp sáng được đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác để biết yêu thương và san sẻ, chuyển hóa những khổ đau ấy.

Xin chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn