Search

Bài 3032. Sau Tất Cả | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chùa Xá Lợi.

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì thắp sáng đuốc tuệ để chúng con biết chánh niệm hơi thở, thể nhập vào tâm tỉnh giác. Quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã.

Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì chư vị hương linh, người thân của các bạn đồng tu vừa ra đi, xin Chư Phật phóng quang tiếp dẫn chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh thiện lành.

Chúng con cũng đồng nguyện cho tất cả những ai đang lâm bệnh, đều được ơn gia trì của Chư Phật mà bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Xin Chư Phật chứng minh!

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi trong tư thế tự tại phù hợp với cơ thể của mình, trở về với hơi thở chánh niệm. Mật Thiền song tu – thiền quán Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác sẽ giúp cho chúng ta gắn kết mật thiết, gần gũi Chư Phật, Chư Bồ Tát trong đời thường. Nương vào năng lượng thanh tịnh của Phật để chúng ta thanh lọc đời sống của mình, để bớt khổ, bớt phiền não, thêm an vui.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú đón nhận Mật điển:

Mu A Mu Sa! Nam Mô TàMô TàMô ĐaRaHoang! Ma Sa Ốp Uê! (07 Biến)

Các bạn thân mến, chúng ta hôm nay hãy cùng nhau suy nghĩ về cuộc đời của mình. Có lẽ từ lâu rồi, chúng ta cứ bôn ba trong muôn sự bận rộn ở đời, có trầm tư, có suy lắng về cuộc đời nhưng chỉ là thoáng qua. Hãy cùng với Bảo Thành suy nghĩ kỹ một chút về cuộc đời của mình, của chính mình và cuộc đời của tất cả những ai chúng ta yêu thương, cũng như quen biết. Hãy nhìn một cách chân thật về cuộc đời khi được hai đấng sinh thành kết nên hình hài của ta bằng tình yêu. Ta đã bước vào đời và các bạn có biết gì đâu, thật là yếu đuối khi sinh ra, nhờ tình yêu và tình thương của ông bà, cha mẹ chăm sóc mãi cho đến khi lớn mới có thể tự lập, chăm sóc cho bản thân của mình. Những thuở còn son, ông bà cha mẹ lo lắng thật nhiều, những ai là ông bà, cha mẹ đều hiểu thấu được giá trị lo lắng như thế nào đối với con hoặc cháu. Mỗi khi con hoặc cháu nó bệnh, nó khóc, nó không bú, nó khó ngủ, trong lòng của các đấng bậc sinh thành và ông bà nào có yên được? Còn bé tí mà đã mang biết bao nhiêu những phiền não, lo âu, sợ hãi, vẫn có chút vui đó nhưng cái vui của ta ảnh hưởng đến những người yêu thương rất ít, bởi phải chờ đến mấy mươi năm khi thành công trên con đường hấp thụ nền giáo dục đi vào đời. Và hầu hết chúng ta thường tạo cho cha mẹ hoặc ông bà phiền não, lo lắng, sợ hãi, đau khổ nhiều lắm.

Ta lớn lên, ta được học, được giáo dục toàn bộ những kiến thức được gọi là siêu việt tùy thời ta sinh ra. Cha mẹ và ông bà cũng lo đủ thứ để ta hấp thụ được nền giáo dục như vậy. Ta học, ta lo cho cuộc đời của ta khi trưởng thành và những điều gì được gọi là kết quả mà mọi người đều tán tụng, đều hoang ca, vui mừng khi ta trưởng thành với sự nghiệp được học. Kết quả đó có phải chăng là có công ăn việc làm, làm ra tiền để mua nhà cửa, có đầy đủ phương tiện trong cuộc sống? Có phải chăng là lập gia đình, sanh con đẻ cái? Có phải chăng là vợ hiền, chồng thành công? Có phải chăng là chúng ta có mối quan hệ rộng lớn; hay đi du lịch và tự sướng với nền kiến thức học được; hay với tiền bạc, kinh tế ta có? Cha mẹ phiền não, lo toan để chúng ta học và cuối cùng là chúng ta cũng chỉ vun đắp cho những cảm giác, cảm xúc rất người. Và sau đó là gì? Và sau tất cả, chúng ta, ai ai cũng lại phải từ bỏ tất cả những thứ ta sinh ra được nhồi nhét, được đào tạo để ôm ấp, để tìm kiếm mà trở về với lòng đất.

Các bạn thân mến, “Sau Tất Cả” là chủ đề chúng ta tư duy ngày hôm nay. Nếu con người sống ở đời, về tình cảm, biết bao nhiêu những thử thách xảy ra. Có những cặp tình nhân trải qua thăng trầm, đầy ải, chia tay, chia ly, từ biệt nhau nhưng sau tất cả họ cũng thốt lên lời yêu thương và hàn gắn, để đồng hành với nhau đến tận ngày sau cùng. Đó là sau tất cả của những mối tình chắp vá sau khi vỡ vụn. Về kinh tế, có lúc thành bại, tiền bạc tiêu tán, nhưng có thật nhiều người sau tất cả vẫn đủ ăn, kinh tế lại trở về như xưa. Ngồi mà kể ra thì biết bao nhiêu những chuyện sau tất cả ta gọi là có, là được, là tìm trở lại nhưng những cái sau tất cả đó chưa phải là sau. Sau tất cả chỉ là một cái hố sâu, người ta đào để quăng xác chết của chính ta xuống dưới đó, trở về với tro bụi, với cát bụi. Không biết ngày trước ngày sau còn ai đó lui tới nấm mồ của chúng ta thắp cho một nén nhang, dâng một bó hoa; hay rơi một giọt lệ thương tiếc cho một cuộc đời đã lụi tàn. Có lẽ thật hiếm! Hãy nhìn thật rõ, sau tất cả ai cũng phải chết. Điều này chẳng ai chạy trốn được. Chúng ta cứ nhìn thẳng vào tất cả các nền tôn giáo, các bậc giáo chủ, khi các đấng ấy giác ngộ theo tôn giáo của họ, niềm tin của họ. Và rồi truyền giáo điều họ hiểu biết cho tất cả mọi người, các đấng ấy sau tất cả cũng phải chết, chẳng có đấng nào tồn tại mãi. Nếu nói rằng có đấng nào đó sau tất cả không chết thì đó chỉ là một câu chuyện huyền thoại, không thật. Cổ tích, huyền thoại chế tác ra, nghe vậy thôi chứ đâu có thật! Nếu nói chết rồi rồi sống lại từ thân xác này cũng là những huyền thoại không thật. Ta không đi vào sự sau tất cả, chết, phải chết nhưng ta đi vào sau tất cả nếu sự chết là chỗ ta phải đi qua thì sau tất cả của cuộc đời này, cái chết đó là cái gì? Các bạn đang suy nghĩ gì? Sau tất cả cuộc đời của các bạn là gì?

Vào trong chùa, sau tất cả ta có thể nhìn thấy nơi nhà vãng sanh, nơi ngôi nhà cửu huyền thất tổ, có nghĩa là nơi mà các tro cốt an vị ở đó, để cho con cháu ngày sau vẫn còn dấu ấn tới để nhận diện ra cội nguồn của ông bà. Trong chùa đó, là sau tất cả một hũ tro. Cũng có những người chẳng để ở trong chùa và sau tất cả là một nấm mồ hoang vu, con cháu đã xa chẳng thể trở về.

Thôi, đi về một câu chuyện sau tất cả trong kinh. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa (hay còn gọi là kinh Pháp Hoa), phẩm “Người Con Cùng Tử” nói về một người con bị lạc mất cha của mình. Anh ta khổ lắm, bởi lạc cha từ thuở còn thơ. Thuở mà chưa thể tự lo cho bản thân, bé như thế, côi cút một mình, lạc lõng giữa dòng đời. Và anh ta phải trở thành người ăn xin để tồn sinh, nương vào những chén cơm thừa canh cặn của những người mà anh ta gặp trên lề đường của cuộc sống. Với kiếp van xin để tồn sinh như thế, thất thểu, gầy gò, ốm yếu, dơ dáy, bẩn thỉu và dần dần lụi tàn vào trong kiếp đời hoang phế của một kẻ lạc mất cha mình. Kinh Pháp Hoa, phẩm “Người Con Cùng Tử” đó là phận của người con đã trở thành người ăn xin và lớn dần trong kiếp như thế. Chẳng biết phải làm gì và anh ta đã khẳng định cuộc đời chỉ là một kẻ ăn xin – anh ăn xin, ăn mày cho tới hết mạng mà thôi. Phía kia, người cha khi người con lạc mất, trong lòng yêu thương vô cùng, dùng đủ mọi phương tiện để đi tìm người con của mình. Một hôm, người cha đã nhìn thấy người con và nhận ra đó là con mình bị thất lạc năm xưa, vui sướng biết bao, chạy tới. Người con thấy một người đàn ông đứng tuổi nhận mình làm con, ôm trầm vui sướng và tính dắt về nhà. Thì người ăn mày kia xô đẩy người được gọi là cha đó và nói rằng tôi không quen ông. Chẳng chịu nghe theo người cha đó để đi về, sợ hãi, chạy trốn mất bởi kiếp nghèo nào có thể nghĩ mình có người cha giàu có, đầy đủ gia nhân phục vụ, kẻ hầu người hạ, cho nên anh ta khước từ và chạy trốn. Người cha không đành lòng để cho người con sống kiếp ăn xin như thế, vậy nên đã sai người hầu của mình tìm kiếm người con và âm thầm nhận người con là người làm việc để trả tiền. Người con xưa đến giờ chẳng ai nhận làm việc bởi có kiến thức, có nghề nghiệp gì đâu? Kiếp ăn mày ai nhận làm việc đâu. Nay được người ta nhận làm việc, giao cho một công việc phù hợp là chăm sóc đàn gia súc, cho ăn rồi hốt phân, ngủ trong chuồng gia súc. Lại được trả tiền, có đầy đủ, có ăn, có chỗ ở, được trả tiền, không còn phải ăn xin lệ thuộc nhiều, anh ta nghe theo.

Sau một thời gian, người cha nói với gia nhân là hãy mang anh ta lên làm trong nhà bếp để học hỏi thêm. Anh ta được chuyển từ khâu trong chuồng gia súc đi vào nhà bếp học hỏi phương pháp nấu ăn. Nơi nhà bếp, anh ta có cơ hội nhìn thấy ông chủ từ xa. Học nấu ăn một thời gian, anh ta được giao trách nhiệm mang đồ ăn lên phòng ăn của ông chủ, cơ hội anh ta được tiếp xúc với ông chủ một chút trong chốc lát. Và lại được chuyển, không còn làm trong nhà bếp mà chuyển lên ngay thẳng phòng của ông chủ làm việc, rót trà, tiếp khách và đứng bên hầu ông chủ khi nói chuyện với khách. Anh ta thông thạo chăn nuôi gia súc, thông thạo nhà bếp nấu ăn, thông thạo cách pha trà và hầu bên cho ông chủ tiếp khách. Quan sát, thấy được tài năng, và hiểu được khách tới lui với ông chủ làm gì. Một thời gian dài, ông ta – người chủ đó thấy anh ấy đã thuần thục liền ngỏ lời với anh ta rằng: “Ta không có con, nay thấy anh đã thuần thục từ chuyện chăm lo cho gia súc, bếp núc, pha trà, hầu cận ta và biết cách tiếp khách. Ta nhận anh làm con nuôi, giúp ta làm những việc bởi ta đã già.” Tới lúc này anh ta thấy cũng ưng thuận bởi quen biết ông chủ rồi, thấy thuần thục những công việc mà ông chủ đã dạy cho gia nhân của mình, anh ta chấp nhận làm con nuôi.

Và như chủ đề, sau tất cả anh ta đã được thừa hưởng gia tài của ông chủ. Đúng hơn là người cha ruột của mình đã dùng mọi phương tiện để đưa người con lưu lạc, đày ải nơi kiếp ăn xin trở về nhận lãnh lấy gia tài của cha mình. Đó là sau tất cả của đứa con cùng tử, đứa con bị lạc lõng nhưng cha không rời bỏ. Còn chúng ta, Bảo Thành và các bạn đã lạc lõng trong luân hồi sinh tử bao nhiêu kiếp qua. Chỉ là những gã ăn mày, ăn xin để bồi dưỡng cho những cảm xúc tham – sân – si của chính mình, cuối cùng, kiếp người lại chết và luân hồi. Nhưng hôm nay, nghe câu chuyện trong kinh Pháp Hoa, phẩm “Đứa Con Cùng Tử”. Các bạn thân mến, chúng ta thấy được hình hài của chúng ta thật giống với đứa con cùng tử kia. Thật giống với đứa con cùng tử kia bởi vì chúng ta đã cùng cực trong đau khổ luân hồi, sanh sanh tử tử nhiều đời rồi, ăn mày, ăn xin những cảm xúc. Nay đã được người cha nhân ái, từ bi vô thượng là Đức Phật Bổn Sư đã tiếp cận với chúng ta qua Mật điển của Mật Thiền song tu, qua các pháp phương tiện mà ta phù hợp qua kinh kệ, qua các lời giảng, qua sự tiếp xúc với các bậc Tôn Túc, qua những khóa tu, qua những lần chúng ta tới chùa tụng kinh gõ mõ. Nhiều phương tiện lắm! Người cha lành của cõi trời và cõi người là Đức Phật đã tiếp xúc, và Ngài đã sai các Chư Tổ, các bậc thầy thiện tri thức và những người yêu thương thuận với nhân duyên tới ngay cuộc đời của chúng ta, để mời gọi chúng ta từ bỏ kiếp ăn xin trong luân hồi sanh tử. Để bước vào chuồng gia súc chăm sóc, gội rửa cho những rác rưởi dơ dáy của tâm tham của loài súc sanh, của loài ngạ quỷ, địa ngục vốn có nơi ta mà ta đã ăn xin tạo ra bởi thất nghiệp nhiều đời và những ác nghiệp nhiều đời. Rồi Đức Phật lại dắt ta vào trong nhà bếp, dạy cho chúng ta nấu những món ăn vi diệu của từ bi, của trí tuệ, của tâm tỉnh giác để dâng và hồi hướng lên cho Phật, Bồ Tát, ông bà, cha mẹ, cửu huyền và cho chính chúng ta hưởng năng lượng tình thương, hưởng trí tuệ được bừng sáng, hưởng sự tỉnh thức để nhận biết vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã. Ta được Phật huấn luyện nấu những món đồ ăn trong ngũ giới, trong mười điều thiện để có được hương vị của giới, định, của trí tuệ. Và rồi Đức Phật như người cha yêu thương, không đặt để chúng ta trong nhà bếp nữa mà đưa chúng ta lên tiếp cận với Phật qua Mật điển, qua năng lượng tình yêu ban rải xuống đầy tràn trong từng giây phút ta tu cũng như trong sự sinh hoạt hàng ngày. Để ta có cơ hội nhìn thấy Phật trong những mối tương tác hàng ngày.

Và sau tất cả, Phật cả đã trao truyền cho chúng ta pháp bảo vô thượng, kho tàng để tự giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Làm ông chủ của cuộc đời mình, làm chủ cuộc đời. Phật đã trao truyền pháp bảo, để giúp cho chúng ta làm chủ được cái tâm, làm chủ được cuộc đời. Đó là sau tất cả Bảo Thành và các bạn đồng tu đã gặp được cha, đã gặp được Đức Phật Bổn Sư Thích Ca, đã gặp được mười phương Chư Phật, Chư Bồ Tát, đã gặp được pháp Phật, đã gặp được Tăng đoàn. Và đã gặp được con đường đi vào sự đồng tu để trưởng thành, để trở thành ông chủ. Không còn lạc lõng trong cõi đời vô vọng của kiếp ăn mày ăn xin, vất vưởng ngoài kia. Để trong cơn đói khát, ta chỉ có thể mò mẫm trong những chén cơm thừa canh cặn của cuộc đời.

Sau tất cả, các bạn và Bảo Thành, chúng ta vẫn còn có phước báu, bởi Đức Phật không từ bỏ, không lãng quên chúng ta. Dù chúng ta có lạc lõng ở một cảnh giới ác nghiệp nhiều đời, tội lỗi lắm, Phật vẫn dùng ứng hóa thân phương tiện vi diệu tiếp cận với chúng ta, dắt dìu chúng ta. Phương tiện đến mức mà Ngài đã hóa thân tới để mời gọi chúng ta thông phần vào sứ mệnh giải thoát chính mình bằng phương tiện vi diệu mà Ngài trao truyền một cách rất từ từ, phù hợp với căn duyên theo ngày tháng. Để chúng ta không hoảng sợ, để cho chúng ta cảm thấy gần gũi và tiếp cận học hỏi, thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc. Đó là sau tất cả đó các bạn. Nếu các bạn nhận thấy Mật điển đã tới với thân tâm của các bạn, nếu trong chánh niệm của hơi thở tu tập Mật Thiền song tu, bạn đón nhận được Mật điển, tha lực Mật điển siêu thế. Và bạn cảm ứng thật gần gũi với Chư Phật, bạn nhận diện ra những điều ác, bạn buông bỏ, bạn thấu hiểu được những pháp thiện và tinh tấn hành thiện, bạn nhất định sẽ được Đức Phật trao truyền bửu bối vi diệu để được làm chủ cuộc đời của mình, không còn lệ thuộc vào kiếp ăn xin ăn mày.

Phật là người cha yêu thương chúng ta, Ngài luôn luôn muốn hướng dẫn cho chúng ta trở thành ông chủ. Ngài không muốn chúng ta thành kẻ ăn mày ăn xin. Bạn suy nghĩ đi, bạn muốn trở thành kẻ ăn mày ăn xin vất vưởng để ăn những chén cơm hẩm hiu thừa, cặn lâu ngày đã thối, húp những chén canh mà dòi bọ ác nghiệp trong đó? Hay bạn muốn chọn một con đường đi về với tiếng mời của cha mình, của Đức Phật Thích Ca chăm sóc cho thú tánh của chính mình? Học cách chăm sóc cho thú tánh của chính mình, lau chùi, chuyển hóa để từ thú có thể vào trong bếp nấu được những món ăn của từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Hưởng được những hương vị của giới – định – trí tuệ và được thăng tiến trên con đường tiếp cận, gần gũi với Phật, hầu Phật. Để nghe giáo pháp của Phật lưu truyền cho hậu thế và dần dần am tường, trao các trách nhiệm làm chủ cuộc đời để mang sự an vui và hạnh phúc nơi chính mình là người chủ mới đó san sẻ tới với những mảnh đời bất hạnh ta đang gặp gỡ, tới với những ai lạc lõng cô đơn là kiếp ăn mày ăn xin, vất vưởng trong nhiều kiếp qua.

Sau tất cả, chúng ta phải trở về với cội nguồn thanh tịnh và sau tất cả Phật không bao giờ bỏ ta. Đây là một sự khẳng định thật rõ. Câu chuyện trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã nói, người cha rất thương con, không bao giờ bỏ con dù người con đã lạc. Và trong cuộc đời của chúng ta, sự trải nghiệm vô giá là ta nhận thấy được tình yêu thương của các đấng sinh thành và ông bà luôn luôn hướng về chúng ta. Không bao giờ từ bỏ chúng ta, lúc nào cũng lo lắng, chăm sóc cho chúng ta khi thức khi ngủ, khi khỏe khi bệnh hoạn, khi vui khi buồn. Các Ngài luôn yêu thương, Phật cũng như thế. Phật như ông bà, Phật như cha mẹ. Trong đời sống tâm linh Ngài không bao giờ bỏ chúng ta dù chúng ta là những kẻ ác, tạo nghiệp thật nhiều, phạm giới, không biết một chút gì, sống với cái tâm thanh tịnh. Luôn luôn nhồi mình vào trong bóng đen của ác nghiệp, Phật cũng không bỏ ta. Phật không bao giờ bỏ chúng sanh, Phật hóa hiện dưới nhiều hình thức như những lời kinh tiếng kệ, tiếng mõ tiếng chuông, lời dạy khai thị của các bậc minh sư, tổ sư, lời giáo truyền của các chư tổ, chư thầy; hay lời biệt truyền qua các nhân duyên ta được thọ truyền để học. Phật đưa ta từng bước, Phật dìu ta từng đoạn đường và Phật luôn tiếp sức cho ta qua từng kiếp người, cho tới khi ta có đủ khả năng làm chủ được cái tâm và giao cho ta tất cả. Nếu bạn nhìn thấy sau tất cả Phật không bỏ ta, thì bạn sẽ không bao giờ giãi đãi đâu, bạn sẽ tinh tấn lắm. Bởi bạn đã được ông chủ nhận vào làm trong chuồng bò, bạn đã được Chư Phật nhận vào để quy y với Phật – Pháp  – Tăng và thọ năm giới. Bạn đã được nhận làm Phật tử, là đệ tử của Phật, là người theo Phật và bạn sẽ dần dần được Phật dìu dắt đi lên, vượt lên trên tất cả mọi miền đau khổ, phiền não.

Các bạn, để ngồi cùng một bàn với Phật để uống trà, để ăn những món ăn trong công hạnh tu tập. Phước báu và công đức của các bạn và Bảo Thành vẫn còn, để sau tất cả Phật đã nhận ta làm con. Bạn phải nhìn ra điều đó để tinh tấn tu học. Khi các bạn đồng tu với Bảo Thành; hoặc các bạn đồng tu với các bậc tôn túc, các vị thầy, các bậc thiện tri thức hoặc là tu một mình nơi am thất; hoặc tại tư gia qua kinh điển trực tiếp mà các bạn nghiên cứu cũng đều là phước báu nhân duyên của những phương tiện phù hợp với chúng ta. Để tiếp cận với người cha Đức Bổn Sư Thích Ca, để được huấn luyện, được tu luyện làm chủ cuộc đời, vận mệnh của chính ta. Pháp môn nào, phương tiện nào hoàn cảnh nào phù hợp với mỗi người đều cao quý. Riêng với các bạn và Bảo Thành đồng tu trong Mật Thiền song tu, chúng ta đã trở thành những người con thật cao quý bởi Phật không từ bỏ chúng ta, Phật đã tới trong cuộc đời. Và Ngài đã dùng mọi phương tiện để cho chúng ta, người Phật tử tại gia bận rộn trăm bề vẫn còn có phương pháp của Phật để gần gũi với Phật. Qua những công việc ta làm hàng ngày, công việc kiếm ăn, chăm sóc cho chồng cho vợ cho con, cho đời sống bình thường, nơi ngủ nghỉ hoặc nơi bàn ăn trong gia đình. Hoặc một chuyến đi chơi với người thân, bất cứ chỗ nào Phật cũng hiện diện cùng với chúng ta.

Các bạn, sau tất cả, chúng ta vẫn còn đầy đủ phước báu và nhân duyên để tu, để gặp Phật, để học pháp, để đồng hành với chúng ta, để chuyển hóa cuộc đời và làm chủ cái tâm của mình. Rất cần phải suy nghĩ để chúng ta tinh tấn mỗi ngày. Cuộc đời có nhiều việc, nhiều hiện tượng xảy ra, bất cứ một việc gì trong cuộc đời, sau tất cả cái kết như chúng ta đã biết là sự chết dưới mồ sâu. Nhưng hôm nay, ta đã thấu, sau tất cả cái chết không phải là kết thúc mà sau tất cả, chúng ta đã được Phật tiếp cận và trao truyền pháp bảo để làm chủ cái tâm. Hiện tại, Đức Phật đã trao cho chúng ta tâm từ bi, tâm trí tuệ và tỉnh giác.

Trong Mật Thiền song tu qua Mật ngôn Mu A Mu Sa, Nam Mô TàMô TàMô ĐaRaHoang, Ma Sa Ốp Uê, hãy lấy phương tiện thiền quán của Mật Thiền từ bi, trí tuệ, tỉnh giác quán để chúng ta có thể đi từ kiếp ăn xin ăn mày trở thành người làm việc trong chuồng gia súc và tiến tới trong nhà bếp, lên trên phòng khách dâng trà cho Phật, học cách làm Phật và trở thành ông chủ của cuộc đời. Sau tất cả, chúng ta, Phật đã dạy sẽ trở thành Phật chứ không phải là nắm tro tàn vùi sâu dưới lòng đất hay nhồi nhét vào trong hũ mang tới chùa để cúng kiếng. Mà sau tất cả, như Phật đã thọ ký, tất cả chúng ta sẽ thành Phật.

Hãy tu, hãy đồng tu để sau tất cả, Bảo Thành và các bạn, một kiếp nào đó sẽ thành Phật. Nhưng ít nhất trong kiếp hiện tại, trong giờ hiện tại này, giây phút hiện tại này, ta được Phật che chở, hộ mạng. Ta được dắt dìu, yêu thương và ta được sống trong chánh niệm, tự tại, an vui. Hãy trở về với hơi thở, mời các bạn.

Thửa Phật! Không phải sau tất cả, kiếp người chỉ là một xác lạnh chôn sâu vào lòng đất. Nhưng sau tất cả, chúng con đã được gặp Phật, đã được Phật dắt dìu để cuối cùng sau tất cả, chúng con sẽ thành Phật. Xin Phật gia trì cho chúng con có đầy đủ sức mạnh vượt qua mọi thử thách, để chánh niệm hơi thở trong từ bi, trí tuệ và tỉnh giác, làm chủ cuộc đời trên con đường trở về với Phật.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng và, đồng trì mật chú đón nhận mật điển, quán chiếu thân tâm/

Mu A Mu Sa! Nam Mô TàMô TàMô ĐaRaHoang! Ma Sa Ốp Uê! (07 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay, nếu tạo được chút phước nào nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo. Và hồi hướng cho hương linh, người thân của các bạn đồng tu vừa ra đi, cũng như hồi hướng cho tất cả quý Phật tử đang lâm bệnh.

Nguyện xin Chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn