Search

Bài 3028. Đừng Nói Chuyện Ngày Mai | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Uyên đánh máy, Bảo Hạnh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi.

Kính mời các bạn cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con an trú trong tâm tỉnh thức, thắp sáng đuốc tuệ, quán chiếu trong chánh niệm hơi thở để thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Nguyện xin chư Phật cũng gia trì cho thế giới có được sự hòa bình bền vững và chiến tranh chấm dứt.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy trở về hiện tại cùng với hơi thở chánh niệm, nghe theo lời của Đức Thế tôn truyền dạy, quán chiếu tâm Từ Bi, tâm Trí Tuệ và Tỉnh Giác. Chúng ta hãy gắn kết với mười phương chư Phật trong chánh niệm, đón nhận năng lượng từ các đấng ấy để nhìn rõ, buông và chuyển hóa những ác nghiệp nhiều đời ta đã tạo.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, trong mật thiền song tu, mỗi một ngày chúng ta đồng tu với nhau, Bảo Thành và các bạn đón nhận được thật nhiều năng lượng từ mười phương chư Phật và chư vị Bồ Tát ban rải xuống cho chúng ta. Ba nguồn năng lượng hiện hữu mà vừa qua khi chánh niệm hơi thở, trì mật chú chúng ta đón nhận được đó chính là từ bi năng lượng của tình thương, năng lượng của trí tuệ thấy rõ được các pháp vô thường, khổ và vô ngã, năng lượng của sự tỉnh giác. Với tự lực cầu đạo giác ngộ phối hợp với tha lực diệu dục của chư Phật gia hộ, chúng ta quán chiếu trong từng giây từng phút với chánh niệm hơi thở và vận hành trí tuệ của mình đưa đến sự giải thoát cho tự thân bằng sống rất thực tế. Mang tình thương, mang sự yêu thương san sẻ đối với tất cả những ai ta đang sống chung trên hành tinh nhỏ bé gọi là trái đất này.

Chủ đề hôm nay “Đừng Nói Chuyện Ngày Mai”. Cuộc sống biết bao nhiêu những chuyện chúng ta thường cầu ngày mai tới sẽ tốt đẹp. Khi gặp mặt nhau, ta thường hỏi: “Bạn ơi! Ngày mai có chuyện gì không? Ngày mai bạn có đi đâu không? Ngày mai bạn có dự định gì không? Nếu có hãy rủ tôi đi cùng”. Ta hay sử dụng điều đó khi gặp nhau, đôi khi chẳng để ý bạn đang làm gì trong hiện tại nhưng gặp nhau là hỏi ngay ngày mai có làm gì không? Ngày mai có rảnh không để đi cà phê, đi trà sữa, để gặp nhau, để hẹn hò, để làm việc, nhiều lắm, cứ ngày mai nối tiếp ngày mai. Ai ở trên đời này biết được ngày mai sẽ ra sao, nó mong manh, nó biến chuyển trong vô thường sanh diệt tới lui, nó không có cố định như chúng ta nghĩ để rồi xếp đặt cho ngày mai chúng ta tận hưởng điều gì. Những người mà thường nghĩ tới ngày mai là những người ngồi trong tù, bởi họ bị nhốt chẳng còn chút tự do, tới bữa thì ăn thì uống, giữa những bữa ăn uống họ chẳng biết phải làm gì, họ ngủ hoặc là mơ mơ màng màng về ngày mai được thả ra khỏi ngục tù để được tự do. Những ai đã từng ngồi tù rất là khổ các bạn ạ, bởi vì tù túng không biết phải làm gì, chỉ chờ ngày mai mà thôi. Tù một ngày, tù một năm, tù mười năm, có nhiều người tù chung thân chẳng biết phải làm gì, dù biết sẽ bị nhốt mãi ở trong tù cũng vẫn đợi ngày mai, để rồi tiêu phí cuộc đời trong từng giây phút ở nơi tù đày đó. Chúng ta cũng không khác gì những người tù bị nhốt vào trong khung thời gian sinh hoạt bình thường của mỗi ngày, thêu dệt cho những ước mơ của ngày mai, hoang phí từng giây phút sống, vùi đầu vào trong những bữa ăn bữa uống hoặc nhảy nhót múa may tại chỗ, đắm chìm trong tham dục ái dục. Rồi cũng lại chờ như những tù nhân ngày mai khi thoát ra. Có khi nào những người trong tù họ sống chân thật với những điều họ đang có nơi đó để chuẩn bị, để sẵn sàng, hay nói rõ hơn là để sống thực sự dù ở trong một khung cảnh tù túng. Chúng ta có khi nào nghĩ rằng chúng ta cần phải sống hay không, hay cứ thêu dệt về ngày mai?

Ngày xưa có một vị thiền sư dạy cho một số đệ tử ở trên lớp. Các học trò thường đọc kinh thật là nhiều, thấy trong các phẩm kinh Đức Thế Tôn ngày xưa thường thọ ký cho các chúng đệ tử “Ngày mai trong tương lai kiếp nào đó sẽ thành Phật”. Nay họ học dưới một vị thiền sư lỗi lạc, ngồi trong lớp họ cũng nghĩ đến ngày mai được thọ ký thành Phật. Biết bao nhiêu sự giảng dạy của thiền sư, hướng dẫn của thiền sư chẳng đi vào trong tâm để họ suy nghĩ, bởi họ cứ mơ mơ màng màng về ngày mai sẽ thành Phật. Thấy sau một thời gian không có kết quả, vị thiền sư bắt đầu ghi lên trên bảng ở lớp học: “Học hôm nay, ngày mai thành Phật”. Các đệ tử khi tới lớp thấy ở trên bảng ghi thật rõ: “Học hôm nay, ngày mai sẽ thành Phật” nên họ chuyên chú vào học ngày hôm nay.

Họ hỏi vị thiền sư rằng: “Có thật sự học ngày hôm nay ngày mai sẽ thành Phật hay không?”

Vị thiền sư khẳng định chắc nịch: “Chính xác, nếu các đệ tử học ngày hôm nay chuyên chú, ngày mai sẽ thành Phật”.

Các đệ tử vui mừng vô cùng, bởi đây là một chân lý được khẳng định bởi vị thiền sư nên họ ra công, chăm chút học hỏi lắng nghe tỉ mỉ lắm. Bởi vị thiền sư nói: “Học ngày hôm nay, ngày mai sẽ thành Phật” nên họ không còn giải đãi, nghĩ về ngày mai mà chỉ chuyên chú học.

Ngày hôm sau, họ tới vào trong lớp, họ hỏi vị thiền sư rằng: “Một ngày đã trôi qua, chúng tôi chăm chú lắm rồi, bây giờ vẫn là người chưa thành Phật, như vậy là như thế nào? Câu nói của Thầy ngày hôm qua có đúng hay không?”

Vị thiền sư cười và nói thật rõ, khẳng định thật chắc: “Học ngày hôm nay, ngày mai sẽ thành Phật”.

Mấy đệ tử nói rằng: “Thưa thầy! Ngày hôm qua, thầy cũng nói học ngày hôm nay ngày mai sẽ thành Phật, ngày hôm qua chúng tôi đã học”.

Vị thiền sư nói: “Ngày hôm qua là ngày hôm qua, ngày mai là ngày mai, còn hôm nay phải học, cần học chuyên chú thì ngày mai mới thành Phật. Các bạn đang ngồi ngày hôm nay, nơi phòng này, các bạn cần học ngày hôm nay, ngày mai mới thành Phật. Ngày mai chưa tới, hãy học ngày hôm nay, hôm nay hãy chuyên chú vào học đi”.

Các đệ tử lúc đó mới ngỡ ngàng và hiểu ra thâm ý của thầy mình, hôm nay là hôm nay, ngày mai là tương lai, hôm qua là quá khứ, nếu hôm nay hiện tại không tập thì ngày mai ta trông chờ gì ở đó. Được đánh thức bởi một cách như thế, các học trò tinh tấn tu học bởi hiểu thấu chữ “học ngày hôm nay ngày mai sẽ thành Phật”. Chẳng phải chỉ một ngày học thôi rồi một ngày tới sẽ thành tựu, nên họ tinh tấn dữ lắm.

Nhưng không may có một lão thương gia đi ngang qua lớp học, nhìn thấy rằng học ngày hôm nay ngày mai sẽ thành Phật và nhìn vào lớp đó quá đông người học. Ông ta là thương gia buôn bán ở một tiệm có nhiều đồ nhưng ế ẩm và trong đó cũng có bán đồ ăn thật nhiều cho mọi người ăn uống. Ế ẩm quá, lỗ, ông ta liền copy câu của vị thiền sư kia và sửa lại cho phù hợp với công việc. Ông ta viết lên quán ăn rằng: “Ăn hôm nay, ngày mai sẽ miễn phí”. Khách thập phương đi ngang thấy cái bảng ngon quá, hôm nay mà ăn thì ngày mai được miễn phí, nên ùn ùn kéo vào thật là đông, ăn uống cho thỏa thích. Ngày mai họ tới họ ăn tiếp, họ ăn xong, ông chủ cũng lại tiếp tục ra tính tiền, họ ngỡ ngàng họ nói cái bảng kia nói rằng “Ăn hôm nay, ngày mai được miễn phí”.

Vị chủ nhân nói: “Đúng! Hôm nay ăn ngày mai được miễn phí, hôm nay các bạn đã ăn nên tôi phải tính tiền, ngày mai mới miễn phí. Hôm nay đây đã ăn rồi, trả tiền đi!”.

Lúc đó, họ mới ngớ ra rằng, đúng, hôm nay là hôm nay, hôm nay đang ăn thì vẫn phải trả tiền hôm nay, họ đâu có ăn đồ của ngày mai đâu, họ ăn đồ của hôm nay thì hôm nay phải tính tiền.

Ta thấy trong câu chuyện của một người học lỏm của vị thiền sư, thiền sư sách tấn đệ tử của mình để học thấu ra chân lý, nhà buôn mượn câu của thiền sư làm lời nhưng chẳng ai dám cãi. Đúng mà, “Ăn hôm nay, ngày mai miễn phí”, bạn ăn đồ ngày hôm nay, bạn đâu ăn đồ của ngày mai, bạn vẫn phải trả tiền. Thời gian trôi qua chẳng bao giờ trở lại và ta cứ thích miễn phí mà thôi, để trong cuộc đời có biết bao nhiêu những pháp môn của nhà Phật, các vị thiền sư, các vị thầy, các bậc tôn túc đã phương tiện một cách diệu dục, hoàn hảo để đánh thức hàng đệ tử tinh tấn mà tu học ngay bây giờ, tại đây. Bởi phương pháp đó chính là phương pháp của Thế Tôn truyền dạy, chánh niệm tức là ngay bây giờ, không nói là ngày hôm nay, mà nói ngay gọn ngắn hơn là ngay giây phút này, sát na này, sống và tận hưởng sự hạnh phúc, sự dung thông, sự an lạc ngay trong từng giây từng phút của chánh niệm, chứ chẳng vọng đến ngày mai.

Ở trên đời cũng có nhiều vị thiền sư hoặc những bậc học cao cũng đặt để những thương hiệu không phải là học hôm nay ngày mai thành Phật, họ hơi dài một chút: chỉ cần tu một đời là được giải thoát, chỉ gặp tu một lần là được giác ngộ. Thương hiệu này rất hay bởi quán ăn kia, biết bao nhiêu người mong đợi ngày mai tới để được miễn phí nên nhào vào ăn uống liên tục của ngày hôm nay. Chúng ta ngày hôm nay bị những thương hiệu như vậy lôi cuốn, đã chạy tới tấp tìm những quán ăn nhanh gọn lẹ để ngày mai thành Phật, để kiếp sau giải thoát, người ta gọi là “một đời giải thoát”. Thương hiệu thật hay, hấp dẫn hấp dẫn! Các bạn có nghe qua những pháp môn của những vị thầy luôn luôn tuyên bố rằng, chỉ cần học một đời là đời sau được giải thoát rồi, chỉ học một lần thôi là được giải thoát. Đôi khi những thương hiệu được tuyên truyền trọn gói thật là hay, một đời giải thoát, trọn gói luôn, chẳng phải chỉ giải thoát cho chính mình mà giải thoát luôn cho cả Cửu Huyền Thất Tổ ông bà, giải thoát cho muôn người, giải cứu thế giới. Cái thương hiệu lớn, ai mà không thích danh hiệu của người hùng, có thể cứu được cả Cửu Huyền Thất Tổ bảy đời cha mẹ, cả thế giới. Lúc nào cũng lẩm bẩm như người điên ở trong đầu: “Ta đi cứu thế giới, ta cứu ông bà cha mẹ, cứu đến bảy đời, cứu luôn cả ta, một đời giải thoát, một đời thành Phật, một đời thành Bồ Tát”. Thương hiệu đó được gắn mác bởi những bậc thật cao là Phật sống, là Bồ Tát sống, là Phật tái sanh, là Bồ Tát tái sanh nên thương hiệu đó càng lớn càng mạnh. Và rồi ta đã trở thành những người tự nhốt mình trong nhà tù của tham muốn vọng đến ngày mai.

Ăn ngày hôm nay ngày mai miễn phí, tới với một ngày học để đời sau thành Phật, cứ tin như thế. Chẳng tự chủ như đứng dậy thắp đuốc mà đi, đã tự móc mắt làm mù nhốt vào trong nhà tù bởi tâm tham. Nhà tù của tâm tham thiếu ánh sáng, trí tuệ chẳng có, lần mò mãi, tu mà không học chẳng khác gì người mù, chính là chỗ này. Chúng ta muốn tu mà chẳng chịu học, chẳng nghiên cứu, chẳng hành, chẳng nghe pháp, chẳng đồng tu mà muốn ngày mai được miễn phí, muốn ngày mai thành Phật, tu một đời thành Phật, thích ham quá mà không học, mù. Rồi chúng ta học mà không tu thì lù mù lạc lối cả đời. Có người tu mà không học là mù, rồi có người học mà không tu thì lù mù cả đời lạc lối trong chấp mê. Không biết Bảo Thành và các bạn có phải là những người khách ham ăn, thích ngày mai miễn phí để hoang phí cuộc đời của mình trong những quán ăn, hay ngồi ở trong quán trọ của cuộc đời vô thường sanh diệt tới lui chẳng ai hay, để chờ ngày mai được miễn phí? Không biết các bạn và Bảo Thành có đang rơi vào tình trạng một đời thành Phật, đắm chìm trong những thương hiệu thật lớn của ai đó, truyền vào qua những phong trào quảng cáo tiếp thị mà ta nghe được một đời thành Phật. Bởi vị truyền dạy đó là Phật sống có quyền năng tha tội, cứu cả thế giới, độ cả nhân gian, dòng tộc cửu huyền bảy đời cha mẹ đều được cứu, bởi chỉ cần theo người đó tu pháp môn gì gì đấy, cao cả dữ lắm. Nhào vào trong tù, nhốt vào trong vòng mê. Ngày hôm nay chẳng sống nhưng lại đợi đến ngày mai được hưởng, ngày hôm nay chẳng tu mà đợi đến ngày mai giác ngộ, ngày hôm nay chẳng học mà đợi đến ngày mai thông tuệ.

Các bạn! Chủ đề nói thật rõ “Đừng nói chuyện ngày mai”, đây chính là lời Đức Phật dạy, vậy nên Bát chánh đạo có Chánh niệm. Một trong những con đường đi đến sự thành tựu đạo quả, chứng đắc và giải thoát, Chánh niệm là sống ngay trong giây này, phút này. Các bạn có Chánh niệm trong đời sống hay không? Hay các bạn và Bảo Thành chỉ là những người thích được miễn phí vào ngày mai, bị hấp dẫn bởi câu đó để làm cho ông chủ quán thương gia kia có khách tới tấp nập, bởi chỉ vì một chữ tham, tham vọng vào ngày mai. Ngày mai của vô thường ai làm chủ? Thế mà nghe nó ham, nó thích, nó lôi cuốn, gặp nhau cứ hẹn ngày mai, nói chuyện ngày mai, hiện tại chẳng bao giờ sống. Ai thấy được xác chết hôm nay ngày mai có thể tỉnh lại, có thể sống đâu? Ai tin vào ngày mai có thể sống lại từ xác chết, đó là những người mù. Nếu bạn không chánh niệm để sống ngày hôm nay mà trông chờ vào ngày mai thì hôm nay bạn đã chết. Xác chết của ngày hôm nay sẽ thối rữa từng giây phút trong tham ái tham dục, trong sân si hận thù, trong gian dối lừa lọc, trong tranh chấp sát phạt nhau. Nó sình lên bởi những cái tâm như thế thì ngày mai nó sẽ rữa ra và càng để thì càng hôi thối chứ ngày mai nào có thể thanh cao thành bậc giác ngộ, một đời giải thoát? Thương hiệu đó Phật chưa bao giờ nói. Nhưng các hàng đệ tử, thương buôn lấp lỏm ngoài kia thấy được bảng hiệu của vị thiền sư sách tấn đệ tử rằng “Học ngày hôm nay, ngày mai sẽ thành Phật”, ý rằng mỗi một ngày chúng ta chuyên chú học thì sẽ tương lai ngày mai chúng ta sẽ được thọ ký thành Phật. Và sự thọ ký của Phật vào ngày mai, vào tương lai trong kinh nói để sách tấn hàng đệ tử rằng sống chánh niệm, tu hiện tại, ngay lúc này, tại đây, chỗ này. Thì một kiếp trong tương lai ta sẽ chuyển hóa được tất cả những nghiệp chướng mà thành tựu. Chẳng phải rằng cứ ngồi ở trong lớp học rồi vọng đến ngày mai, mà sống trong hiện tại thì ngày mai tất yếu là thành tựu bởi sự công phu của công hạnh ngày hôm nay.

Chánh niệm đời sống là một cách tu, chánh niệm hơi thở là một phương tiện, chánh niệm mật thiền là thiện xảo để cho chúng ta diệu dụng từng giây phút, trong từng hơi thở sống thực hành, học, và tu. Tu học và tu hành các bạn. Tu là nghiên cứu kinh điển, nghe giảng, đọc kinh, nghiên cứu, nghe pháp thoại, trình pháp. Hành là mang vào ứng dụng để thành tựu. Tu mà không học là người mù các bạn ạ. Còn các bạn học mà không tu thì chỉ là những thư viện tàng chứa kinh sách, lù mù cả đời, lạc đường trong chữ nghĩa, chẳng thoát được. Dần dần bao nhiêu kinh ta học mà ta không có hành, ta lạc rồi ta bị kinh nó hành. Người ta gọi là tẩu hỏa nhập ma bởi kinh, miệng nói ra toàn là chữ nghĩa kinh điển cao siêu mà tâm chẳng trụ chẳng an. Đó gọi là bị kinh nó hành, không phải là đi kinh hành thiền bộ, mà gọi là kinh hành tẩu hỏa, ngồi chỗ nào đứng chỗ nào kinh cũng ầm ầm tuôn ra, đó gọi là học mà không hành. Tu không học là mù, học mà không hành chúng ta cũng lù mù thôi các bạn. Đừng nói chuyện ngày mai để làm gì, đừng bị những thương hiệu choáng ngợp to lớn, một đời giải thoát, một kiếp thành Phật, tiếp thị bởi những danh xưng quá lớn là Phật sống, là Bồ Tát tái sanh.

Chúng ta, người Phật tử tại gia quá bận rộn và cũng bị ảnh hưởng của cuộc sống kinh tế hóa ngày nay. Thương hiệu càng lớn, lập đi lập lại nhiều lần người ta sẽ thấy đúng dù điều đó hoàn toàn sai trái, dù điều đó hoàn toàn không đúng nhưng cứ lập đi lập lại nhiều lần bởi những người có uy tín, chúng ta tin là đúng. Những sản phẩm hoàn toàn không đúng như vậy, có cả những sản phẩm có chất độc hại người nhưng được những người tai to mặt lớn, được những người có uy tín trong xã hội, được những người nổi tiếng có nhiều fan đứng ra bảo trợ quảng cáo thì những mặt hàng dỏm đó lại được nhiều người lao đầu vào mua. Cũng chỉ vì những người thương buôn kia, lợi dụng chữ của vị thiền sư mà phát triển được nền kinh tế của quán ăn tạp hóa của mình khi ế ấm “Hôm nay ăn, ngày mai miễn phí”. Thương hiệu đó được cải cách thay đổi bằng mỹ từ cao siêu, từ những sản phẩm buôn bán, đến sản phẩm tinh thần, đến sản phẩm sắc đẹp và sản phẩm tâm linh, nhiều người cứ lầm lạc như vậy.

Đức Phật rất thực tế, đã thọ ký cho chúng ta, là Phật tương lai nhưng phải chánh niệm đời sống, có chữ kèm: “Ta là Phật, chúng sanh đều sẽ thành Phật”, nhưng con đường Bát chánh đạo cần phải thực hành. Một trong những Bát chánh đạo mà chúng ta thấy nó liên đới rất thực tế trong cuộc đời của mỗi người đó là Chánh Niệm. Hàng Phật tử tại gia cần phải thực tu đời sống chánh niệm trong hơi thở của mật thiền để thể nhập vào tâm từ bi, để thắp sáng tâm trí tuệ và thừa hưởng sự tỉnh giác của chư Phật. Mật ngôn Mu A Mu Sa chính là từ bi, là tình thương, chúng ta quán chiếu tâm tình thương. Trong các đạo tràng, các khóa tu từ được nhắc nhở rải tâm từ, chúng ta hãy rải tâm từ tới mọi loài chúng sanh. Trong mật thiền cũng rải tâm từ nhưng chúng ta đón nhận tâm từ bi, năng lượng yêu thương của Phật rải xuống cho chúng ta và chúng ta như chiếc thuyền từ chuyên chở năng lượng từ bi của Phật mà ta lãnh nhận được khi Ngài rải xuống, mang san sẻ cho mọi người. Ta lại được truyền đăng ánh sáng trí tuệ của Phật qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, rồi mang ngọn đuốc tuệ của ta thắp sáng bởi Phật đó lại thắp sáng thêm những ngọn đuốc chưa được mồi ngọn lửa trí tuệ kia, rồi ta sáng ra, ta thấy đường. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang ý nghĩa như vậy và trong ánh sáng với năng lượng từ bi, ta thể nhập vào tâm tỉnh giác của bậc giác ngộ là Phật – Ma Sa Ốp Uê. Ta mang Ma Sa Ốp Uê, ta mang tâm tỉnh giác mà Phật cài đặt vào trong đời sống với công hạnh đồng tu mật thiền, chánh niệm hơi thở mỗi ngày để đánh thức tự thân và đánh thức những người sống chung quanh gần gũi với chúng ta bằng chính thân giáo của mình, có nghĩa là bằng chính đời sống của chúng ta.

“Đừng nói chuyện ngày mai” bằng cách học lỏi câu của vị thiền sư như vị thương gia kia chỉ làm lợi về ngũ dục, hôm nay ăn, ngày mai miễn phí. Tới một quán bán phở hay bán đồ ăn hay hàng ăn mà được đọc câu “hôm nay ăn, ngày mai miễn phí”, “hôm nay mua, ngày mai miễn phí”, thích, xài hết tiền bởi vì đâu có sợ nữa, dù ngày hôm nay xài hết tiền, ngày mai sẽ được miễn phí. Nhưng các bạn nhớ, không ai ăn và xài đồ của ngày mai, chúng ta luôn ăn và xài đồ và sống ngày hôm nay. Vậy nên bạn chẳng bao giờ được miễn phí ở ngày mai, ngày mai chưa tới, dù ngày mai bạn tới cũng là ngày hôm nay là ngày hiện tại. Bạn phải hiểu được câu này, bạn mới té ngửa ra rằng cuộc đời ta cứ đợi ngày mai. Một kiếp thành Phật như người ta nói “Tu một kiếp thành Phật”, sướng lắm. Rồi chúng ta tới chúng ta không tu nữa mà chúng ta tới để được sự bảo trợ của một vị Phật sống, một vị Bồ Tát để cứu ông bà cha mẹ bảy đời, để cứu thế giới. Vậy mà nhảy tưng tưng như điên để cứu thế giới. Điên à? Khùng à? Nhưng ta cứ điên cứ

khùng đi, bởi vì có Bồ Tát bảo trợ, có Phật bảo trợ. Ta cứ như vậy thích quá, mà chẳng nhớ một trong bốn điều Đức Phật không thể làm được tức là không thể cứu và thay đổi nghiệp chướng của chúng ta, huống hồ chi là thay đổi và cứu cửu huyền thất tổ.

Các bạn! Đức Phật tới là một vị Thầy dạy dỗ cho chúng ta để tu, đừng để những thương hiệu choáng ngợp, đốt cháy cuộc đời, tự nhốt vào trong nhà tù ngồi đó để mà chờ ngày mai, đừng nói chuyện ngày mai. Ngay bây giờ, tại đây, lúc này, hiện tại, Đức Phật luôn luôn dạy cho chúng ta nương vào hơi thở của chánh niệm ngay trong hiện tại này, quán chiếu tâm từ bi, tâm trí tuệ, quán chiếu tâm tỉnh giác để sống hiện hữu. Đừng nhốt mình vào những sự ham muốn, đừng nhốt mình vào những thương hiệu người ta quảng bá, đừng nhảy vào trong giếng sâu mà chẳng thấy trời mênh mông vô tận rồi gọi là tự cứu thế giới, không, nhảy vào giếng sâu là tự tử. Chúng ta đã nhảy vào cái giếng thật sâu mà những người buôn bán, những người biết tâm lý đào mới trong sự ham muốn của mình, thả mình lọt thỏm xuống dưới đó và rồi chết chìm, coi trời bằng vung, khinh thường mọi người, ngã mạn dâng cao. Đừng nói chuyện ngày mai, Phật dạy chánh niệm cũng mang ý nghĩa như thế, đừng nói chuyện ngày mai, đừng để thương hiệu của vị thiền sư bóp méo. Đó là một câu thoại đầu để các đệ tử trực diện rằng học ngày hôm nay ngày mai sẽ thành Phật.

Hãy học ngày hôm nay, mỗi khi tới lớp, mỗi khi đồng tu là ngày hôm nay. Bạn đừng nghĩ ngày hôm qua rồi ngày mai thành Phật cho nên hôm nay là ngày mai. Hôm nay là hôm nay, đồng tu trong Chánh niệm là để Bảo Thành và các bạn học theo lời Phật ngay bây giờ, tại đây, hôm nay, giờ này, phút này, sát na này, chánh niệm tại đây. Đó chính là sống trong hiện tại, tu trong hiện tại, tương lai là thành quả của ngày hôm nay. Đừng học lỏm như nhà thương buôn nha các bạn, tu mà không học, tu lỏm, lượm lặt, gắn lên thương hiệu của mình, làm lợi về tịnh tài, về công danh, về sự nghiệp “Ăn hôm nay, ngày mai miễn phí” nghe thấy mà ham, ai mà không thích. Nhưng những người ham như vậy chẳng khác gì những người điên, có phải điên không? Đừng hóa rồ, đừng điên như thế vì những thương hiệu của pháp nhà Phật được biến hóa múa may bởi những người thực sự không tu mà chỉ quảng bá.

Đạo Phật là đạo cần đích thân mỗi người phải học, phải nghiên cứu, phải thành tựu để chuyển hóa. Muốn bước tới ngày mai phải rời bỏ chỗ đang đứng, muốn bước lên chỗ cao phải rời bỏ chỗ thấp, chúng ta phải rời bỏ ngay chỗ thật thấp trong tham dục, trong sân si hỉ nộ, chúng ta phải rời bỏ những điều gì ta đang ôm ấp ngày hôm nay, chỗ này với quan niệm sai lầm. Chánh niệm hơi thở là chỗ ta cần phải đặt dấu chân để bước tới ngày mai, chánh niệm hơi thở là chỗ chúng ta cần phải đặt dấu chân rời khỏi những khái niệm sai lầm, để bước lên cao hơn của đời sống cao thượng.

Các bạn! Chúng ta hãy trở về với hơi thở Chánh Niệm.

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu tu mà không học thì trở thành người mù, học mà không hành lù mù lạc lối suốt đời mà thôi, đừng nói chuyện ngày mai, hãy sống trong chánh niệm. Xin Phật gia trì để cho chúng con biết đồng tu một đời sống chánh niệm, thể nhập vào tự tánh yêu thương, trí tuệ và tỉnh giác. Nguyện cho muôn người hiểu thấu.

Hít vào bằng mũi, phình bụng, thở từ từ, hóp bụng, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú, lãnh nhận năng lượng, sống trong hiện tại.

 Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho thế giới được hòa bình và chúng sanh thành tựu được đạo quả.

Xin chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn