Search

Bài 3027. Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chùa Xá Lợi.

Kính mời các bạn cùng với Bảo Thành, quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và khơi nguồn trí tuệ để chúng con quán chiếu trong chánh niệm hơi thở, thể nhập vào tâm tỉnh giác mà thấy rõ các pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện Chư Phật gia trì cho thế giới này có được nền hòa bình viên mãn, và các vị lãnh đạo các quốc gia biết dùng quyền lực của mình để chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta theo lời Phật dạy, hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong từng hơi thở của chánh niệm, Đức Phật đã truyền dạy trong Bát Chánh Đạo, chúng ta cùng nhau thể nhập vào tâm tỉnh giác, khơi nguồn từ bi yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, tự đứng dậy vượt qua mọi chướng ngại, thành tựu pháp an lạc. Và đón nhận Mật điển từ bi siêu thế, trí tuệ, tỉnh giác của mười phương Chư Phật.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng lại quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa! NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang! Ma Sa Ốp Uê!

Các bạn thân mến, chúng ta vẫn còn có hơi thở vào ra để đồng tu với nhau bây giờ, tại đây. Hơi thở chánh niệm là hơi thở siêu thế nhiệm mầu. Chủ đề các bạn gửi về thật là tuyệt vời để cho chúng ta đi vào pháp Đức Phật dạy, làm sao để chuyển hóa đau khổ, phiền não và chứng đắc được sự an lạc, bình yên ngay trong bây giờ, hiện tại.

Chủ đề “Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không”, các bạn, hơi thở thì ai cũng biết, bởi chúng ta phải thở mới có thể sống được. Nhưng khi hơi thở hóa thinh không, hai chữ “thinh không” có nghĩa gì đây? Trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày, hai chữ thinh không không được ứng dụng, nhưng đối với các nhà văn, đối với các nhà thơ; hoặc các nhạc sĩ sáng tác văn chương, hai chữ thinh không được họ sử dụng nhiều lắm. Bởi nó tạo cho người nghe, người đọc có một khoảng trống mênh mông vô tận để tư duy, để suy nghĩ và không mắc kẹt, dính vào những định nghĩa một chiều về những hiện tượng trong cuộc sống. Thinh là thinh lặng, thông là trống rỗng, một khoảng thinh lặng trống rỗng, nhưng hơi thở hóa thinh không nó có dáng vẻ của thiền ngôn.

Hơi thở hóa thinh không, các bạn cùng với Bảo Thành suy nghĩ thử là gì? Riêng đối với Bảo Thành, hơi thở hóa thinh không thì ý nghĩa đơn giản theo Mật Thiền, đó là trạng thái của cảnh giới tâm an bình, hạnh phúc, thoát khỏi mọi đau khổ và phiền não, vắng lặng và an nhiên.

Các bạn, chúng ta khi sinh ra đã phải thở để tự sống và khi hơi thở nó đi ra chẳng trở về thì chúng ta chết. Sự tự nhiên này ai ai cũng thấu, nhưng các bạn hãy nhớ, là Phật tử chúng ta học về những giáo pháp được Chư Phật dạy, để chứng ngộ và hiểu thấu được vạn pháp. Đức Phật cũng phải dùng hơi thở mà ai cũng biết, nhưng trong hơi thở của Ngài chẳng phải là thở ra thở vào để tồn sinh, để sống mà hơi thở của Ngài được nhiếp vào trong chánh niệm, quán chiếu. Mà Mật Thiền cũng như các pháp môn khác, Vipassana, thiền Minh Sát, chúng ta đều dùng hơi thở để làm đề mục tu tập, Đức Phật cũng dùng hơi thở. Vậy nên chánh niệm hơi thở Đức Phật đã truyền thọ cho tất cả mọi chúng sanh, lấy hơi thở vốn tự nhiên đã có sẵn, cùng với chánh niệm để quán chiếu. Đây là chìa khóa trên con đường của công hạnh giải thoát. Chúng ta với hơi thở chánh niệm, thuần phục được cái tâm, làm chủ được cái tâm, tâm đó sẽ trở thành an nhiên tự tại như cảnh giới Niết Bàn mà văn chương hóa, chúng ta gọi là hơi thở hóa thinh không. Có nhiều cách thở, cái thở của sự mệt mỏi thở hắt ra, cái thở của than vãn thở thì vội vàng, hít thì ngắn ngủi, cái thở của mệt nhọc là cái thở mà các bạn biết rồi, thở làm cho cái mặt hốc hác. Hơi thở cũng mang ý nghĩa nhiều lắm, khác biệt và hơi thở thể hiện cảm xúc của con người. Đối với y học, hơi thở là mạng sống, là sức khỏe, đối với Đức Phật, hơi thở là một kiếp người. Thở như thế nào để hơi thở của chúng ta hóa thinh không? Nghĩa là thở như thế nào để ta thoát khỏi luân hồi đau khổ? Thở như thế nào để ta chứng đắc Niết Bàn an vui? Dân gian đã lấy từ lời dạy của Đức Phật và trước đó, ứng dụng hơi thở vào tất cả các pháp tu, nuôi dưỡng sức khỏe và thanh lọc thân tâm. Nhưng hơi thở của Đức Phật trong chánh niệm là hơi thở để thành Phật, hơi thở để thoát khỏi luân hồi sanh tử, hơi thở để bình an hạnh phúc.

Các bạn, Mật Thiền song tu, hơi thở chánh niệm đồng hành với mật chú Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác. Không dừng ở chỗ hóa thinh không, chứng đắc được sự an lạc, hạnh phúc mà đó chính là hơi thở siêu thế, nhiệm mầu. Có năng lượng vi diệu chữa lành hết mọi vết thương từ vô lượng kiếp và trong kiếp này, thắp sáng trí tuệ viên mãn, không bao giờ hư mất và làm cho bạn tỉnh thức, chẳng còn mê muội. Hơi thở siêu thế, chánh niệm, từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, các bạn lặp lại đi các bạn sẽ thấy nó nhiệm mầu. Sự lặp lại ý nghĩa của hơi thở hóa thinh không là hơi thở chánh niệm, từ bi, trí tuệ và tỉnh giác. Ba phẩm cách cao quý này đều có nơi Đức Phật và chúng ta nương vào tha lực từ bi, trí tuệ, tỉnh giác của Phật cộng hưởng với tự lực cầu đạo giác ngộ để thực hành công hạnh giải thoát. Nơi công phu mỗi một ngày đồng tu, Bảo Thành và các bạn có nhân duyên với pháp môn Mật Thiền, nhất định hơi thở của chúng ta sẽ hóa thinh không. Không phải là một hơi thở tuyệt mật của sự chết hay sự sống, mà là hơi thở giải thoát. Ngay kiếp này, tại đây, chỗ này, mọi đau khổ, phiền não trong cuộc đời của các bạn, chỉ cần chánh niệm hơi thở, từ bi, trí tuệ và tỉnh giác, bạn sẽ chuyển hóa được tất cả các màng sương mù đen tối dày đặc do ác nghiệp mà ta đã tạo ra, phủ quanh cuộc đời từ vô lượng kiếp qua. Ta sẽ làm cho mạch nước từ bi từ giếng tâm của chúng ta trào ra, chảy tới muôn nơi, san sẻ sự sống an lành. Và trong những màn đêm u tối của khổ đau, phiền não mà mọi người đang vùi đầu chờ chết, Mật Thiền song tu, chánh niệm hơi thở từ bi sẽ có trí tuệ thắp sáng. Để từng người từng người chúng ta có thể bước ra khỏi bóng đêm, bóng tối, để nhận thấy ánh sáng từ bi của Phật chiếu tỏa vào trong chân tâm, chúng ta chẳng còn mê và sẽ luôn làm người tỉnh giác. Còn sống mà chúng ta không mang hơi thở chánh niệm Đức Phật đã truyền dạy, bởi khi Ngài giác ngộ cũng nhờ hơi thở này và khi truyền đạo, dạy cho chúng sanh thoát khổ, Ngài cũng dạy hơi thở chánh niệm. Hàng vạn quyển kinh, hằng hà sa chữ nghĩa trong kinh nếu thiếu đi hơi thở của chánh niệm, từ bi, trí tuệ và tỉnh giác thì mỗi người chúng ta chỉ là công cụ khắc ghi lời của Đức Phật truyền dạy năm xưa để lưu truyền lại cho hậu thế mà bản thân chẳng thể chứng đắc, đạt được những gì Phật đã truyền dạy.

Các bạn nên nhớ, chánh niệm hơi thở từ bi, trí tuệ, tỉnh giác quán là pháp thở vi diệu mà mẹ hiền Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn đại từ đại bi đã tu luyện và thành công. Để Ngài có thể ứng hóa hằng hà sa thân tướng phù hợp với nhân duyên mà độ chúng thoát khỏi khổ. Chúng ta tu tập hơi thở này, chúng ta thật sự là tu tập hạnh Bồ Tát. Bồ Tát hạnh rất hay! Khi các bạn đang sống, bây giờ đây, dù ở bất cứ một hoàn cảnh nào, nếu các bạn công phu, chánh niệm hơi thở Mật Thiền song tu, từ bi, trí tuệ và tỉnh giác quán, bạn sẽ gắn kết gần gũi với Chư Phật. Bạn sẽ vượt lên trên tất cả mọi chướng ngại và thấy được ý nghĩa của cuộc sống hiện thân này là một cuộc sống để chúng ta chuyển hóa nghiệp quá khứ, hướng tới một đời sống cao thượng hơn, tốt đẹp hơn. Hơi thở hóa thinh không khi còn sống là hơi thở sẽ chuyển hóa chúng ta thoát ra khỏi miền u mê, tăm tối nhiều đời và chứng đắc ngay hiện tại sự an lạc và hạnh phúc. Những ai tu tập thường xuyên Mật Thiền chánh niệm hơi thở từ bi, trí tuệ, tỉnh giác quán, hơi thở của họ sẽ giúp cho họ luôn luôn an trú trong sự tỉnh giác và tràn ngập tình yêu thương của Chư Phật trong đời sống của họ, trí tuệ của họ sẽ sáng suốt.

Bảo Thành còn nhớ, những ai tu chánh niệm hơi thở luôn luôn có sự tỉnh giác. Hơi thở của họ là hơi thở đã hóa thinh không, có nghĩa là đã đạt được tới sự an lạc viên mãn. Bảo Thành thường đi gia trì cho một số quý vị trong những giây phút lâm chung, tức là sắp chết. Có nhiều dạng hơi thở của quý vị đó mà Bảo Thành đã chứng kiến được, nếu không tu tập các vị đó có những hơi thở hoảng hốt, sợ hãi, nhưng có nhiều vị tu tập chánh niệm, hơi thở của họ thật sự đã hóa thinh không. Có nghĩa là hơi thở của họ là Niết Bàn, là sự an lạc, hạnh phúc hiện tiền. Cái chết ngay trước mặt, ánh mắt của họ vẫn sáng, khuôn mặt của họ vẫn tươi, nụ cười của họ vẫn nở, năng lượng của họ vẫn tràn trề. Tử thần cũng phải nhường xa nhiều bước mà đứng chờ các vị đó ra đi.

Bảo Thành còn nhớ, năm 2017 vào mùa hè năm ấy, cuối tháng 07, Bảo Thành bay về Việt Nam trong một chuyến bay vội vàng bởi ông cụ đã đến ngày cuối, ngày phải ra đi. Ông cụ của Bảo Thành tu tại gia, thường xuyên chánh niệm hơi thở tịch tĩnh, lúc đó ông cụ đã 95 tuổi, vận duyên đã tới. Bảo Thành khi về, đứng ở bên giường, ông cụ đang nằm trong nhà thương, đấy là ánh mắt cuối cùng mà ông cụ có thể nhìn thấy Bảo Thành trong ánh sáng long lanh của chánh niệm. Ông cụ nói với Bảo Thành: “Cha đã sẵn sàng, hãy mang cha về nơi ngôi nhà xưa, cha đã xây dựng lên và cũng nơi ngôi nhà ấy, cha đã sanh ra các con, nuôi dưỡng, giáo dục các con thành người. Con ơi! hãy mang cha về trong hơi thở cuối, để cha có thể nằm trong ngôi nhà đó và để năng lượng của hơi thở cuối của cha có thể lan tỏa tình yêu thương. Sự chết đối với cha là một mầm sống mới tự nhiên,”

Các bạn, Bảo Thành dù là người xuất gia, rất hạnh phúc nghe được điều như vậy, nhưng đau khổ tột cùng bởi chứng được ngày cuối của cha. Lúc ấy, cha của Bảo Thành phải nương nhờ vào ống thở của oxy và cha của Bảo Thành đã nói con hãy tự tay rút ra và mang cha về để hơi thở tình yêu của cha luôn luôn lan tỏa mãi trong cuộc đời nơi ngôi nhà ấy. Ngôi nhà mà cha tạo ra, ngôi nhà mà các con đã được sanh ra, đã được sống, được giáo dục và trưởng thành.

Các bạn, đêm ấy, đêm ngày 02 tháng 08 và rạng sáng ngày 03 tháng 08 năm 2017, lúc 3h30 sáng, Bảo Thành đã rút ống thở của ông cụ. Bàn tay của người cha trong giây phút cuối đã đưa đến thật cao, xoa vào đảnh đầu của Bảo Thành, ánh mắt long lanh nhìn thật rõ và dần dần khép lại như cánh cửa của Mật Thiền đã mở cho một con người đã hoàn thành sứ mệnh ra đi. Các bạn, đối với Bảo Thành hơi thở của cha hôm ấy, sáng 3h30 ngày 03 tháng 08 năm 2017 là hơi thở đã hóa thinh không, hơi thở của Niết Bàn, hơi thở không có chướng ngại, hơi thở của sự tự tại tràn đầy niềm hạnh phúc. Chúng ta, ai biết được hơi thở ra có còn trở về nữa hay không? Nếu như bây giờ, chúng ta cứ hứa một ngày nào đó sẽ tu, để rồi hơi thở không hóa thành thinh không mà hơi thở biến hóa thành đau khổ, thành phiền não, thành địa ngục, thì chúng ta sẽ phụ ơn của cửu huyền thất tổ, của cha mẹ đã sinh thành lên chúng ta, của các bậc thầy Tổ, các bậc thiện tri thức. Cao hơn nữa là của Phật và Tam Bảo, đã dìu dắt chúng ta trong những ngày tháng qua. Chìa khóa mở cửa Mật Thiền, mở của Niết Bàn để bước qua bên kia tận hưởng sự hạnh phúc ngay trong hiện tại, để thoát khỏi đau khổ và sanh tử chính là chánh niệm hơi thở từ bi, trí tuệ và tỉnh giác. Những người chưa bao giờ nghe về Phật pháp; hoặc các bạn chưa để ý nghĩ cho sâu, ta sẽ thốt lên: “ai không biết thở mà phải tập?” Dạ thưa với các bạn, chúng ta – mọi chúng sanh đều biết thở, nhưng hơi thở mà chúng sanh  biết đó là hơi thở của phàm phu, hơi thở của địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, đau khổ, phiền não, của lục dục, tham ái, chấp trược, hận thù. Còn hơi thở của Phật là hơi thở hóa thinh không, hơi thở của tự tại, an lạc, Niết Bàn, hạnh phúc, hơi thở của Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Hơi thở của Phật là hơi thở siêu thế tràn đầy năng lượng để cho chúng ta có thể lan tỏa, thắp sáng để vượt qua mọi chông gai thử thách của cuộc đời do chính ta tạo ra. Bạn còn chần chờ gì nữa? Hãy cùng với Bảo Thành, hãy cùng với các vị Tôn Túc, các bậc thiện tri thức, hãy cùng với giáo pháp của nhà Phật mà ta đã học được, mang công hạnh chánh niệm hơi thở áp dụng vào ngay bây giờ. Đừng để cho đau khổ, phiền não đày ải chúng ta, mà hãy để cho Niết Bàn, an lạc, hạnh phúc lan tỏa để chữa lành biết bao nhiêu những vết thương ta đã đau đớn, khắc khoải trong những ngày tháng qua. Và để cho phận người dù có ngắn ngủi chỉ bằng một hơi thở của chúng ta cũng là hương thơm của giới – định – huệ, hương thơm của từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Hương thơm này ngược chiều gió vẫn tung bay, ngược dòng thời gian vẫn lan tỏa. Hơi thở chánh niệm trí tuệ, từ bi, tỉnh giác là hơi thở bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, hơi thở của Phật.

Các bạn thân mến, có những người khi lâm bệnh, họ chán đời, họ muốn tận hưởng những gì họ chưa tận hưởng để rồi khi chết không hối hận vì cuộc đời này chưa chơi xả láng. Nhưng thực ra, trong những giây phút cuối gọi là chơi xả láng, tận hưởng đó chỉ tạo thêm nhiều ác nghiệp, đau khổ cho họ. Một là như vậy đó, hai là chọn lựa một hơi thở nhẹ nhàng hóa thinh không để có một sự chuẩn bị rõ ràng hơn, đặt chân vào ngưỡng cửa của Niết Bàn tại thế để mà an vui trong ngày cuối của cuộc đời. Đúng! Có nhiều người trong những giây phút biết được ngày giờ mình phải đi, như những người mắc chứng bệnh ung thư; hoặc những chứng bệnh mà bác sỹ phán như đinh đóng cột rằng phải ra đi trong một thời gian ngắn. Công phu tu tập chánh niệm hơi thở sẽ hóa thinh không, dù đau đớn về phần xác, dằn vặt về tinh thần nhưng nếu thực tập thì hơi thở chánh niệm từ bi, trí tuệ quán và tỉnh giác kia sẽ biến ngay thân xác đau khổ chờ chết kia thành miền đất tâm thanh tịnh, tươi tốt. Để gieo trồng những mầm mống hạnh phúc và an vui cho mình, và cho muôn chúng sanh có được cơ duyên vận hành trong cuộc đời này và vô lượng kiếp sau.

Các bạn đừng bao giờ nghĩ chỉ có những người bệnh như vậy mới cần thực tập hơi thở. Những người còn gọi nhưng bác sĩ chưa phán ngày cuối sẽ tới như Bảo Thành và các bạn, nếu thực tập công hạnh chánh niệm hơi thở từ bi, trí tuệ và tỉnh giác sẽ mang lại biết bao nhiêu lợi lạc cho chúng ta. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn, chúng ta sẽ thấy rõ được ý nghĩa sống của cuộc đời và chúng ta chẳng còn dính mắc, kẹt cứng trong tham dục, tham ái. Chúng ta sẽ bước trên một con đường thênh thang rộng lớn, để đón ánh hừng dương nơi khung trời cao rộng mà Chư Phật, Bồ Tát hiển hiện ngay ở trong đời đón mừng.

Hơi thở hóa thinh không là hơi thở nhiệm mầu, chẳng phải là văn tự của nhà thơ, của nhà văn, của những nhạc sĩ khế hợp vào những cảm xúc của cuộc đời để làm cho chúng ta thinh lặng, chới với trong cảm xúc của loài người. Nhưng hơi thở hóa thinh không là hơi thở của Phật truyền dạy, hơi thở thổi vào những vết đau của cuộc đời để biến thành hoa sen. Hơi thở thổi vào những chỗ tận cùng của cuộc đời đau đớn vô cùng đó để biến thành một hồ sen tươi cho một vị Phật tương lai đang hiện thân. Hơi thở chánh niệm, từ bi, trí tuệ, tỉnh giác là hơi thở đưa chúng ta đón nhận được năng lượng siêu thế, tha lực mật điển của mười phương Chư Phật, rất hay! Hay không phải chỉ nghe để vỗ tay tán tụng, mà hay ở chỗ nếu bạn ứng dụng, thực tập sẽ có một sự chứng ngộ, cảm ứng vi diệu khó nghĩ bàn.

Mỗi một ngày đồng tu của Bảo Thành và các bạn, là mỗi một ngày chúng ta hòa quyện vào với hơi thở phàm phu trong chánh niệm tâm tỉnh giác và từ bi, và biến chúng thành tinh không, Niết Bàn, tịch tĩnh, một không gian yên tĩnh, một vùng trời mây xanh đẹp lặng gió. Đừng chần chờ, hãy thực tập. Đừng suy nghĩ nhiều, bởi đã bao nhiêu năm qua chúng ta đã chần chờ, đã suy nghĩ, đã rượt đuổi theo biết bao nhiêu những ảo ảnh, những cái bóng của sự mau hư mất nơi ứng hiện của cảnh giới vô thường của kiếp người. Đừng bao giờ chờ đến khi mệt mỏi mới trở về hơi thở chánh niệm, bởi như vậy là ta khờ ta dại, ta không biết tận hưởng cuộc sống mà Phật đã dạy. Hãy thở ngay, thở ngay với hơi thở chánh niệm từ bi, trí tuệ và tỉnh giác. Để chúng ta gặp được Phật, được Bồ Tát, để chúng ta chuyển hóa khổ đau và làm chủ cái tâm, để cho Niết Bàn hiện diện trong cuộc đời. Và để cho biết bao nhiêu người ta yêu thương, có nhân duyên gặp gỡ trong kiếp này đồng hành với ta trên con đường giải thoát không còn u mê, vắng bóng đau khổ.

Các bạn, đừng chờ các bạn ơi! Bởi vô thường chẳng biết bao giờ tới, đừng chờ đến bác sĩ phán cho một câu như đinh đóng cột chỉ còn bao nhiêu ngày nữa phải ra đi, rồi vội vội vàng vàng thở cho gấp, tận hưởng cuộc đời. Hãy theo vị bác sĩ lỗi lạc nhất – Đức Bổn Sư Thích Ca, thở ngay bây giờ trong chánh niệm với cái tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, thở ngay để ta được bàn tay Phật thoa lên đảnh đầu ấn chấn, để ta được các chư vị Bồ Tát dắt đi trên con đường an lạc và hạnh phúc nơi kiếp này. Đừng chờ nữa! Bởi chỉ một thoáng qua thôi, khi hơi thở ra hóa vào trong không gian tĩnh lặng chẳng trở về, ta sẽ hóa ra tro và đất, chẳng còn gì. Và nếu như bao nhiêu ngày sống trên dương thế tạo ác nhiều, cửa địa ngục kia, hầm lửa sẽ mở toang ra để chờ chúng ta. Còn nếu bạn thực tập được chánh niệm hơi thở từ bi, trí tuệ, tỉnh giác thì hơi thở ra không về nhưng hòa quyện vào nơi hư không pháp giới tam thiên, đại thiên, Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền sẽ cùng với chúng ta tiếp tục đoạn đường ta đi. Đức Phật là vị bác sĩ tài ba đã phán một câu thật rõ, hãy nương vào chánh niệm hơi thở để sống. Đừng chờ bác sĩ trần gian phán sắp chết rồi để vội vàng thở mà tận hưởng những đau khổ, phiền não dồn dập kéo tới để chờ ngày đau khổ của cửa địa ngục mở ra nhận chìm chúng ta trong luân hồi.

Các bạn, người Phật tử tại gia, dù bận rộn đến đâu, cái vốn mà luôn luôn có, hiện hữu ở mọi nơi đó chính là hơi thở. Chỉ cần các bạn chánh niệm, chỉ cần các bạn quán chiếu tâm từ bi, trí tuệ và tỉnh giác. Nếu trí tuệ, từ bi và tỉnh giác của các bạn thật sự là thiếu như người đi buôn thiếu vốn, thì hãy mượn vốn của những người có, mà cái vốn trí tuệ, từ bi và tỉnh giác luôn luôn được trao tặng cho chúng ta, chẳng phải cho vay cho mượn để phải trả lời. Từ ngay Đức Bổn Sư Thích Ca, các Chư Phật và Chư Bồ Tát, các Ngài sẵn sàng trao ban, ban rải cho chúng ta hơi thở từ bi, trí tuệ, tỉnh giác để sống trong cuộc đời. Theo Phật thở chánh niệm từ bi, trí tuệ và tỉnh giác là theo con đường giải thoát khỏi đau khổ. Bạn muốn khổ hay hạnh phúc, an lạc bình an hay phiền não, dằn vặt? Đó là con đường tự chọn của mỗi người. Hãy khôn ngoan một chút, chọn lựa cho mình con đường tốt đẹp. Chúng ta hãy trở về với hơi thở. 

Thưa Phật! Khi chánh niệm hơi thở thì năng lượng siêu thế Phật điển từ bi, trí tuệ và tỉnh giác sẽ tới với chúng con là sự ban rải mười phương Chư Phật, Bồ Tát và lúc đó hơi thở chúng con sẽ hóa thành thinh không, tĩnh lặng, thành Niết Bàn, an vui, tỉnh thức. Chúng con nguyện xin Chư Phật gia trì cho con trên con đường thực tập chánh niệm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác quán của Mật Thiền song tu. Xin Chư Phật chứng minh.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa! NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang! Ma Sa Ốp Uê! (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta cùng hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước nào nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo, và hồi hướng cho nền hòa bình thế giới. 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn