Search

Bài 3023. Tế Độ Luân Hồi | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Uyên đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý thầy, quý sư cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Giờ tu đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và thắp sáng đuốc Tuệ để chúng con quán chiếu trong Chánh niệm, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác mà thấy rõ được các pháp Vô thường sanh – diệt, Khổ, Vô ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật gia trì cho thế giới được hoà bình, chiến tranh được kết thúc. Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Hãy đi vào trong Chánh niệm Tỉnh Giác, Từ Bi và Trí Tuệ, gắn kết với mười phương Chư Phật, đón nhận mật điển từ các bậc giác ngộ, khai sáng tâm trí, quán chiếu thân tâm.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, chúng ta đồng trì tụng mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, chủ đề hôm nay “Tế độ luân hồi”, một chủ đề thực tế vẫn xảy ra hằng ngày trong đời sống của mọi người. Phật tử tại gia của chúng ta có nhiều nhân duyên học Phật. Nhân duyên đều khác nhau tựu chung là vì chúng ta sinh ra trong gia đình truyền thống là Phật giáo hoặc là nhân duyên nào đó được học hỏi và đi theo Phật giáo truyền thống của bản địa. Ít có thời gian chúng ta đọc kinh của Phật để hiểu thấu được lời Phật dạy, ngoại trừ một số quý Phật tử có nhân duyên đặc biệt ta nghiên cứu đọc được kinh của Phật và hiểu rõ hơn. Trong nhà Phật, luân hồi là điều Đức Phật đã nhận ra dưới ngay cội bồ đề khi giác ngộ, nhận ra thật rõ cái cách luân hồi như thế nào. Và cũng là chủ đề đánh thức trong tâm của Đức Phật khi chưa chứng đắc mà chỉ là một người dân bình thường, là thân của một Thái tử đi ở trong cửa thành nơi chốn mình ở thấy được sinh, lão, bệnh, tử và thắc mắc tại sao con người sinh ra ở đời, già đi, bệnh rồi chết trong những cái khổ như thế. Chính từ những cái điều thắc mắc này mà Ngài đã đi tu xuất gia và nhận ra sự luân hồi. Chúng ta ngày nay chấp nhận sự luân hồi bởi đó chính là lời Phật dạy. Hôm nay, Bảo Thành không đi sâu vào cái lý luân hồi để giải thích về luân hồi như thế nào. Bởi hai chữ “luân hồi” này các bạn có thể tìm kiếm ý nghĩa và nhiều bài kinh luân hồi Đức Phật dạy thật chi tiết. Chúng ta cần phải nghiên cứu học hỏi, đừng chỉ dựa trên những cái lời nói của ai hết. Kinh sách ngày nay rất thuận lợi, chúng ta cần phải đầu tư vào đọc kinh để hiểu, đọc kinh để hiểu được lời Phật dạy. Các kinh luân hồi nhiều lắm.

Chủ đề các bạn gửi về không hẳn chỉ nói về luân hồi mà có hai chữ “tế độ” ở đằng trước. Không có thời đại nào mà chúng ta hiểu thấu được tế độ có thực sự quan trọng không? Tế độ theo như giải nghĩa đơn giản tức là cầu siêu. Tế độ có nghĩa là chẩn tế, bạt độ những cái linh hồn, những cái thần thức, những người chết chưa tái sanh mà chúng ta thường thấy trong các nghi thức đám tang, đó gọi là tế độ. Ở miền quê xa xưa và ngày nay vẫn còn, tăng thân không đủ, chúng ta từng vùng miền vẫn quen có những vị thầy cúng tới để cúng tế độ cho cái linh hồn người thân ra đi. Ngày nay Phật giáo nói chung, các tôn giáo khác cũng vậy, đã hình thành một cái hệ thống tôn giáo chi li hơn về vấn đề tế độ. Trong tang chế, khi người thân mất đi, hình thức được dạy, được huấn luyện để rồi mỗi một nghi thức tang chế, những cái nghi lễ được chế tác ra càng ngày càng đậm đặc các cái nét văn hoá của tôn giáo, của địa phương, của vùng miền mà xa dần cái con đường Đức Thế Tôn hướng dẫn. Nghi thức đôi khi đi quá xa.

Nếu các bạn ở Việt Nam để ý, một cái đám tang của Phật Giáo nó hoà trộn tất cả những màu sắc của Phật Giáo và dân gian. Ngày nay thấy nhiều hơn, ngày xưa thì hiếm. Ở đằng trước có lẽ là một cái xe chở tôn tượng của ngài Địa Tạng, rồi các sư ngồi sau, rồi xe thảy vàng mã màu sắc đầy đường đủ hết, nhiều lắm. Mỗi vùng miền có một cái văn hoá mai táng, nó khác nhau tuỳ theo cái gói cho cả chương trình tang chế của người nhà. Và hầu hết chúng ta trong những buổi tang chế như vậy, người Phật tử tại gia lại nghĩ rằng rất quan trọng cho cái sự tế độ linh hồn thần thức của người thân mình qua các nghi lễ cúng kiếng, và sự tế độ này càng quan trọng hơn bởi cần phải có những bậc đạo sư cao hoặc các vị thầy có hàm vị Phật học cao làm chủ tế, rồi có thật nhiều tăng hoặc là ni xếp hàng dài cúng tế thì người thân mới được tế độ và tái sanh về cảnh an lạc. Quan niệm này nó hiện rõ dần dần trong cái sinh hoạt Phật giáo về vấn đề tang chế hiện thời và dần dần nó trở thành một cái dịch vụ tang chế tôn giáo nặng về hình thức và cũng nặng về túi tiền. Bởi mỗi một dịch vụ tế độ trong tang chế ngày nay tốn thật nhiều tiền.

Bảo Thành không đi sâu để các bạn không suy nghĩ quá nhiều nhưng với con mắt của người Phật tử hiện thời chúng ta cũng nhìn ra, tuy nhiên không biết phải nói từ đâu. Những dịch vụ đó tái diễn nhiều lần, nhiều năm, nó trở thành cái thông lệ, một cái truyền thống dịch vụ tang chế rườm rà, tốn của, tốn sức. Các bạn, khi nói về chủ đề này Bảo Thành suy nghĩ nói như thế nào để đừng chạm tới, nhưng nó là thực tế, người học Phật phải đương đầu với sự thật. Các bạn có biết không, mỗi khi chúng ta có một người thân ra đi, trong lòng của gia đình rất đau buồn, trong những lúc như vậy, biết bao nhiêu kỷ niệm của người thân đã sống với chúng ta bao nhiêu năm qua hiện về làm cho chúng ta càng nhớ về người ấy nhiều hơn. Và cái tình thương của người còn sống dành cho người ra đi, theo tinh thần của Phật giáo, là làm sao nguyện cho người yêu thương ra đi có đầy đủ thiện nghiệp tái sanh về cảnh lành, nhớ về lời Phật, kinh Phật. Nhưng cái nhớ hầu hết ngày nay là nhớ về vấn đề mai táng sao để có sự tế độ của tăng thân nhà chùa. Ta nói đến những cái điểm quan trọng thôi. Nếu trở về kinh để đọc, để hiểu về thời Đức Phật còn sống, không biết Bảo Thành có lầm lẫn hay không nhưng hiện thời Bảo Thành chỉ biết rằng thời đó chưa có ghi một đoạn nào nói về Đức Phật đi cầu siêu, làm chủ tế, làm lễ, hay đứng đầu một khóa lễ cầu siêu cho một đám tang nào hết. Trong kinh không bao giờ hoặc Bảo Thành chưa đọc được có đoạn kinh nào Đức Phật đã đi làm chủ sám cho nghi thức tang chế của một đệ tử nào thời đó, Bảo Thành chưa được có cơ duyên đọc. Các bạn đi hỏi giùm các bậc tôn túc khác, Phật hồi xưa có đi làm lễ cầu siêu không, có đi làm tang chế cho Phật tử hoặc các đệ tử của Ngài khi mất đi hay không? Bảo Thành chưa đọc được cái đoạn kinh nói như vậy.

Nhưng Bảo Thành đọc và hiểu thật rõ Đức Phật luôn khuyến tấn mọi người phải tự đứng lên thắp đuốc mà đi, có nghĩa phải chịu trách nhiệm về tất cả các cái ác nghiệp của mình, nghiệp lực của mình đó và thấy được cái tầm quan trọng trong cái luân hồi tái sanh đều phụ thuộc vào cái nghiệp ta tạo ra khi còn sống. Nghiệp đó là ác nghiệp hay thiện nghiệp? Ác nghiệp tạo ra bởi các ác pháp, những điều sai trái. Thiện nghiệp tạo ra bởi những cái thiện pháp, ai cũng biết rồi. Và Phật luôn luôn, vào cái thời của Ngài, đi dạy và hướng dẫn cho người ta làm sao để bỏ ác hành thiện để tích lũy phước báu và cái nghiệp lực thiện để rồi luân hồi về những cảnh cao hơn, dần dần đi tới cái sự thoát khỏi sanh tử luân hồi. Ngài không đặt nặng vấn đề cúng tế, tế độ bởi chính Ngài đã tuyên bố Ngài không thể tế độ và cứu vớt bất cứ một ai. Điều này rõ, có lẽ vì một trong bốn điều Đức Phật nói không thể làm. Điều một là không thể cứu vớt và thay đổi nghiệp chướng của ai. Cho nên cả cuộc đời của Ngài từ khi giác ngộ chưa bao giờ Người làm chủ sám, chủ một nghi thức tang chế cầu siêu cho ai bởi chính Ngài cũng không thể cứu vớt linh hồn (tạm gọi như vậy), hoặc là thần thức (tạm gọi) hoặc là dẫn đưa người ta tái sinh về cảnh thiện lành. Mà mỗi một người khi từ bỏ cuộc đời này, sự tái sanh dựa trên cái kết quả thiện – ác nghiệp quả của họ đã tạo ra.

Thực tế, ta thấy được tình trạng này xảy ra như một bài học cảnh tỉnh mọi người Phật tử phải thức, nếu như quá đặt nặng vấn đề tế độ, lệ thuộc vào tăng thân là các sư thầy sư cô hoặc các ban hộ niệm rất quan trọng. Nếu ta nâng tầm sự quan trọng của sự hộ niệm, tụng kinh của các thầy như là một cái chân lý hay là cốt lõi để giải thoát đưa người thân luân hồi về cảnh cao hơn thì đó hoàn toàn là sai. Hai năm trước trên toàn Thế giới, và một năm trước đây ở Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu những người chết vì dịch mà mở đầu sự đồng tu hôm nay ta được nghe một bài hát do ca nhạc sỹ Bảo Nghy sáng tác vào đúng thời đại dịch quét ngang qua Việt Nam. Biết bao nhiêu con người đã nằm xuống, đã chết đi, người thân mất vì dịch mà người thân không thể đưa đi chôn hoặc thiêu. Chết ở đâu nơi đó cấm đoán người thân không được tới, âm thầm lặng lẽ quấn vào bịch nhựa mang đi thiêu đốt, để vào cái hũ cốt rồi mang đến tận nhà đặt ở đằng trước. Năm ngoái, ta đã chứng kiến biết bao nhiêu người đã ra đi, sự tế độ bởi những nghi thức tống táng của nhà Phật hoặc các tôn giác khác nào có. Chết âm thầm, ra đi đơn quả, thiêu đốt lẻ loi, rồi cái hũ cốt trơ trọi nằm chình ình ở đằng trước cửa, sợ lắm. Ai tế độ cho hằng trăm hàng ngàn người đã chết trong thời dịch? Và cái câu hỏi, chẳng có ai tế độ, đưa đám, tụng niệm, hộ niệm thì những con người đó sẽ bị đọa vào đâu? Đây là câu hỏi ta cần phải ghi nhớ. Rồi nếu họ chẳng được những cái nghi thức cho rõ ràng mà chỉ cần người thân nhớ và tụng kinh ở nhà, hoặc có những người mà không biết người thân mất, đến khi biết rồi thì cũng đã xong. Tại nước Mỹ này có những người Phật tử mất chẳng thể tới để đọc kinh và làm lễ được bởi dịch.

Qua cái hiện trạng đó ta thấy được rằng cái sự tế độ nhận rõ nó không phải là tầm quan trọng mà chỉ là nghi thức chế tác ra. Phần lớn sự lợi ích là để cho người còn sống nhân cái cơ hội người thân ra đi dành nhiều thời gian hơn để quán chiếu suy nghĩ về kiếp con người có sống chết, để dừng những cái sự vội vàng luẩn quẩn trong lo toan của cuộc sống mà chăm sóc cho đời sống thiện lương tâm linh của chính mình. Và cũng nhân cái cơ hội 49 ngày cúng kiếng, nghe được sự hướng dẫn của các bậc tôn túc, người còn sống trong thân tộc có cơ hội tiếp xúc với tăng thân, với chùa, tụng kinh và dần dần tạo được nhân duyên quy y, học Phật sau này. Riêng về người mất cũng có lợi ít phần. Khi có các thầy tụng kinh hộ niệm, nhớ không chủ chốt, không quan trọng nhưng cũng có lợi một phần. Bởi chúng ta dù luân hồi ở cảnh nào mà đang sống làm kiếp người hay đã chết thì vẫn còn có cơ hội học hỏi để tiến lên. Khác biệt ở chỗ, khi còn sống Phật đã dạy thân người là phương tiện vi diệu để học hỏi, mất đi cái phương tiện làm người thì sự học hỏi sẽ chậm, sẽ khó, chỉ có vậy. Nhưng nếu còn sống, chúng ta không tập luyện để cái tâm dễ được thuần thục, dễ được nghe học hỏi kinh Phật thì khi mất đi phương tiện thân người đã hết, chúng ta cũng thật khó có cái tâm sẵn sàng nghe lời Phật. Vậy nên khi mà các thầy tụng kinh, hoặc nghe được ban hộ niệm tụng niệm, cái thần thức không tiếp nhận đâu.

Cho nên cái giai đoạn mất đi rồi có sự hộ niệm chỉ là hỗ trợ một phần nào đó như gửi lời Phật nhắc nhở về giới, về quy luật luân hồi tái sinh cho người mất ra đi mà thôi, còn người đó hiểu và hành được hay không thì rất lệ thuộc vào cái quá trình khi còn sống người ta đã thực tập và đã đặt ở dưới những cái công hạnh tu tập nên khi mất đi mọi sự nhắc nhở liền thấm nhuần và rồi sẵn sàng ra đi nhẹ nhàng. Còn nếu khi còn sống không học hỏi, lúc nào cũng phỉ báng, cũng chống đối thì khi mất đi, có hằng trăm người xuất gia cầu nguyện cũng chẳng có ăn nhằm gì. Ngay khi có Phật tới cũng chẳng cứu được, bởi khi còn sống Phật nhắc tu không tu, khi chết nhắc làm sao nghe được, làm sao thực hành được. Do đó chúng ta phải nhớ rằng, sự tế độ tức là cúng kiếng trong tang chế chỉ là một hình thức có lợi rất ít mà trong kinh Địa Tạng nói rằng chỉ một phần cho người ra đi, sáu phần là cho người còn sống. Cho nên, nếu thấy được sự tế độ trong luân hồi của người mất đi do tăng thân, ban hộ niệm thì nhớ rằng đó là sự lợi lạc vô cùng cho người còn sống có cơ hội tĩnh tâm, quán chiếu để từ cái chỗ mà người thân mất đi ta bắt đầu có cơ hội học hỏi về giáo pháp.

Nhưng cái quan trọng của lời Phật trong kinh chưa bao giờ nói Đức Phật có một buổi tế độ trong tang chế mà Đức Phật hành để cho chúng ta nhìn mà học. Nhưng Đức Phật luôn luôn nhắc mỗi một người chúng ta phải tự tế độ cho mình bằng các thiện pháp, nghĩa là buông việc ác, làm các pháp thiện, đó là sự tế độ cho chính chúng ta, một sự tế độ hiệu nghiệm, một sự tế độ mang lại cái hiệu quả cao nhất mà đúng theo lời Phật: không ai tế độ được cho chúng ta chỉ có chúng ta mà thôi. Từ ý nghĩa này, người Phật tử tại gia phải chú trọng khi chúng ta còn sống: hãy tự là thầy tế độ cho chính mình bằng cách buông bỏ các pháp ác, hành các pháp thiện, giữ được năm giới, tu theo các pháp môn mà nhân duyên mình phù hợp, gần gũi với các bậc thiện tri thức hoặc quý thầy, quý cô mà chúng ta có nhân duyên dễ tiếp cận để học hỏi chánh pháp đó các bạn. Hãy tự tế độ bằng cách đi vào cái công hạnh tu. Đừng có di chúc nhờ người khác tế độ khi mất đi, không kịp, chẳng có lợi gì, không nên đặt nặng về cái sự chết để luân hồi về cảnh thiện lành mà hãy thấy rằng sự tế độ đó nó xảy ra từng giây phút trong cuộc đời của chúng ta. Chẳng phải tế độ để tái sinh cảnh cao mà ít nhất tế độ để chuyển hoá nghiệp lực bất thiện ta đã tạo ra, để kiếp này, cuộc sống này, giây phút này đây, chúng ta sống an lạc và hạnh phúc. Đó là cái phép tế độ cao siêu nhiệm màu. Chánh niệm hơi thở Mật Thiền song tu, hoặc là Chánh niệm hơi thở trong tất cả các pháp tịnh độ, trì chú, mật chú, mật ngôn, tụng kinh, quán chiếu đều là sự tế độ siêu việt phù hợp tuỳ theo nhân duyên của mỗi người. Bạn phù hợp với nhân duyên của pháp môn nào, bạn tu tập chính là bạn đang làm chủ tế cho sự tế độ của chính mình, chuyển hoá mọi nghiệp thức để được nhẹ nhàng, để được hạnh phúc, để được bình an.

Khi còn sống, chúng ta biết làm việc tế độ đó cho bản thân bằng công hạnh tu tập thì khi mất đi không cần một ai hết. Bởi lời Phật nói đã chứng minh cho điều đó, Phật cũng không thể cứu được chúng ta mà chỉ có ta thôi. Nhưng Phật là người dạy cho chúng ta phương pháp để tự cứu mình. Ta tới với Phật là học phương pháp để tự cứu mình, ta tới với Phật là học phương pháp để tự tế độ bản thân, chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện ngay bây giờ, tại đây, lúc này. Và lời Phật ngày hôm nay tới được với chúng ta một cách dễ dàng, dễ hiểu, dễ thực hành là nhờ chúng ta nương vào các bậc tôn túc, tăng ni, những bậc thiện tri thức thực hành và tu luyện giáo pháp của Như Lai hướng dẫn cho chúng ta. Cho nên nhớ, tăng thân, các bậc thiện tri thức là những bậc tới để hướng dẫn cho chúng ta giải thoát tự thân, chứ các ngài không tới để giải thoát cho chúng ta. Tất các các bậc xuất gia chỉ phương tiện hoá độ cho người còn sống nhưng có lẽ vì trong tang chế không có nhiều thời gian để nói, nặng phần về nghi thức dần dần đưa chúng ta tưởng lầm rằng nghi thức đó là cách tế độ duy nhất cho người thân đã mất. Nhớ kinh kệ tu tập, hiểu được lời Phật thực hành mới là cách tế độ hay nhất cho chính mình để tạo ra chút phước báu gọi là hồi hướng cho người thân ra đi.

Cho nên sự tế độ luân hồi hôm nay, khi chủ đề này gửi về, Bảo Thành không đi sâu lắm mà nhắc nhở một chút xíu để cho Bảo Thành và các bạn nhớ rằng cái sự quan trọng mà Phật dạy là chúng ta phải tự tế độ cho chính mình, tự đứng dậy thắp đuốc mà đi, tự là ốc đảo của riêng mình. Phật không cứu vớt chúng ta được, mà Phật bởi là bậc giác ngộ nhìn thấu được mọi phương pháp và dạy cho chúng ta phương pháp ấy để mỗi người tự cứu vớt mình. Nghiệp của ai người đó phải chịu, ác nghiệp ta tạo ta phải chịu, thiện nghiệp ta lập ra ta hưởng điều đó. Đức Phật là bậc thầy đã dạy cho chúng ta lập ra được nhiều thiện nghiệp để chuyển hóa những ác nghiệp nhiều đời ngay bây giờ, chỗ này có cuộc sống hạnh phúc và bình an. Và dĩ nhiên khi sống, ta sống bởi những pháp thiện, ta sống hạnh phúc và an lạc thì đến khi ta chết đi, ta cũng hạnh phúc, ta cũng an lạc để tái sanh luân hồi.

Các bạn, các bạn đều thấy rõ, đừng quá tốn tiền cho những cái nghi thức tống táng khi thỉnh hàng trăm hoặc mấy chục vị cao tăng đắc đạo để rồi nặng gánh lo âu sợ hãi. Bởi có những gia đình hoàn cảnh không cho phép hoặc tiền tài túng thiếu, một cái nghi thức dịch vụ tang chế ngày nay cũng phải rất nhiều tiền. Đồng tiền trong các dịch vụ tang chế của tôn giáo không thể tế độ cho người thân mất đi, chỉ có đức hạnh của người thân khi còn sống mới có thể tế độ cho họ. Và chỉ có đức hạnh của người thân đang sống tu tập mới có thể hồi hướng để đóng góp vào một phần trong cái sự tế độ cho người thân mà thôi. Đừng đặt nặng về dịch vụ mai táng quá nhiều để cho những cái người khác tôn giáo nhìn vào Phật giáo của chúng ta thấy cái nghi thức rườm rà tang chế, tống táng tốn tiền mà người chết chẳng có lợi ích gì, khổ cho người còn sống. Không nói sâu, không nói nhiều nhưng ai cũng thấy được cái điều này. Cuối cùng cũng lại đi vào con đường đó khi người thân của mình ra đi, là bởi chúng ta không chịu tu tập hiểu thấu được lời Phật. Nếu bạn tìm trong kinh, các tạng kinh Pali, tạng Sanskrit hoặc tiếng Hán, nếu có một tạng kinh nào nói rằng một thời đó Đức Phật còn sống đã làm chủ tế, làm chủ lễ cho một cái khoá cầu siêu tang chế thì chúng ta bắt đầu tin vào sự tế độ của chư tăng, chư ni. Nhưng không, không có kinh nào hướng dẫn do chính Đức Phật nói về cái nghi thức tế độ trong tang chế. Dĩ nhiên, trong Đại thừa rải rác có những cái cách này cách kia như trong kinh Địa Tạng nói, nhưng đó chỉ là những cái phương tiện chế tác ra để hỗ trợ cho người còn sống, các bạn phải nhớ. Chúng ta hiểu thấu được điều này để từ đây chúng ta luôn luôn phải chuyên chú vào sự tu để tế độ cho mình ngay khi còn sống. Chữ tế độ ở đây chẳng phải là tế độ cho người chết, mà tế độ ở đây là xoay chuyển để chuyển hoá nghiệp thức của chúng ta, để được an lạc và hạnh phúc, để độ cho chúng ta. Đã gọi là độ cho chúng ta thì phải độ ngay khi còn sống.

Các bạn, tu trên con đường của đạo Phật là tu để chuyển hoá nghiệp ác của chúng ta, tăng trưởng cái nghiệp thiện, có nhiều năng lượng Từ Bi, khai mở được Trí Tuệ, có cái tâm Tỉnh Giác, sống và làm việc đúng theo lời Phật để tận hưởng cuộc đời này trong sự an lạc và hạnh phúc. Phật tới để chỉ cho chúng ta, những người còn thân người, còn đang sống, ứng dụng lời Phật để có được hạnh phúc. Các bạn nhớ điều đó rất quan trọng. Do đó, Phật luôn luôn nói, sinh ra làm người, mang thân kiếp con người rất quý, bởi là phương tiện vi diệu nhưng cũng rất khó để có thân người. Nhận ra được cái lời Phật nói một cách thật sáng suốt, chúng ta mới thấy được cái giá trị làm người quan trọng thì khi còn sống chúng ta cần phải tu để tự tế độ mình. Ngõ hầu, mình có chết luân hồi về cảnh giới thiện lành hơn trong kiếp sau bằng các cái tạo tác đúng với chánh pháp, tu đúng với lời Phật dạy, thực hành các thiện pháp, giữ giới, phóng sanh, từ thiện, cúng dường, bố thí, sám hối… Những cái pháp này người Phật tử tại gia ai cũng có thể làm được, hành được, đây chính là sự tế độ cao nhất.

Nếu như còn sống, hãy tự tế độ mình ngay, đừng đợi chết để rồi chúng ta phải nhờ vào các dịch vụ mai táng, cúng kiếng quá kiểu cách, hoa lá của cuộc đời, tốn tiền, tốn sức, không phù hợp. Hãy nghĩ về điều này thật kỹ để thay đổi, để tu cho đúng, để làm chủ cái tâm của mình trong sự tái sanh. Bởi bao nhiêu lâu qua, hình thức về những nghi lễ tống táng trong các dịch vụ đã lên quá cao và đánh bóng quá nhiều để cho các ban hộ niệm, các thầy cô chủ tế, chủ sám về mai táng, chúng ta thấy đã trở thành quá đậm nét, khó có thể phai mờ được, và trở thành quá quan trọng trong đời sống của người Phật tử tại gia. Như vậy thấy nó hơi sai sai rồi. Các bạn phải dừng lại. Phật pháp là tu tập và chuyển hoá ngay bây giờ, còn sống. Nghi thức kia chế tác ra để an ủi theo dạng tâm lý để hỗ trợ người sống quay về tu tập và cũng một phần nhỏ thôi để nhắc nhở cái thần thức ra đi.

Chúng ta hãy quay trở về với hơi thở Chánh niệm.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, chúng ta đồng trì tụng mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta cùng hồi hướng công đức. Thưa Phật, sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho hòa bình thế giới và nguyện cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo. Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn