Search

Bài 2255. Hôm Nay Tôi Bận Yêu Đời

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta với một lòng thành kính cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và soi sáng Trí Tuệ cho tất cả các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, xua tan đi sự sợ hãi, phá vỡ đi những lầm chấp và cái tôi để biết ngồi xuống đàm thoại trong chánh nghĩa, kiến lập nên nền hòa bình và chấm dứt chiến tranh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở trong Chánh niệm gắn kết mật thiết với mười phương chư Phật, chư Bồ Tát qua Mật ngôn Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta hãy quán chiếu tự thân của mình, nhìn cho rõ vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn. Bảo Thành nói các bạn nghe, hôm nay chỗ này Chùa Xá Lợi tại tiểu bang Minnesota, ngoài kia tuyết đang rơi, mặc dù đã giữa tháng 3 rồi tuyết vẫn còn rơi, trời vẫn còn lạnh. Hình như ông trời thích cái đẹp của màu trắng trinh nguyên nơi hoa tuyết. Xuân đã về nhưng tuyết chưa có ngưng, vẫn phơi phới, thơi thới khoe sắc màu trinh nguyên của đất trời. Lạnh có, có lạnh nhưng vẫn thấy đẹp.

Các bạn, chủ đề hôm nay nhìn vào trên màn ảnh Bảo Thành thấy thật vui, một chủ đề thật nhí nhảnh, thật phù hợp với đời sống của con người và tuổi trẻ hiện thời trong thời đại. Chủ đề “Hôm Nay Tôi Bận Yêu Đời”. Ủa mà tại sao hôm nay mới bận yêu đời? Còn hôm qua có yêu đời hay không? Còn ngày mai có yêu đời hay không? Tại sao chỉ có hôm nay tôi mới bận yêu đời. Các bạn, các bạn có yêu đời không?

Một câu hỏi cần phải trả lời chân thật, không cần biết bạn theo tôn giáo nào, tu theo pháp môn nào, mà tôn giáo đó, pháp môn đó chẳng mang bạn tới cái cung bậc tình yêu ngây ngất với cuộc đời thì bạn đã theo lầm tôn giáo, tu sai pháp môn. Người Phật tử tại gia càng tu lời Đức Phật dạy thì không phải chỉ có bất chợt hôm nay mới khám phá ra mình bận rộn yêu đời, mà ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai, mỗi giây, mỗi phút, mỗi một hơi thở vào ra chúng ta phải thực sự nhận ra cái năng lượng yêu đời thơi thới ở trong lòng. Chẳng phải người Phật tử học Phật là bỏ cuộc đời này, bỏ niềm vui cuộc đời này, bỏ cái gọi là yêu, yêu đời này để chạy trốn tìm cái đời mai sau, cái đời của kiếp sau. Chẳng phải người Phật tử tại gia chúng ta học Phật là phải giữ cho khuôn mặt ủ rũ, sợ hãi, không dám tung tăng như trẻ thơ, không dám nghe nhạc, không dám vui, không dám ngồi bên quán cóc uống cà phê, nhìn mây trời thong dong, nhìn dòng sông trôi chảy. Chẳng phải người Phật tử tại gia hay học Phật phải gò bó trong cái khuôn khổ, trán phải nhăn, mắt phải bi ai, rồi phải thắt lưng buộc bụng ăn chay, sợ hãi mọi chuyện vì cái gì cũng tội. Bạn chưa yêu đời mà gọi là Phật tử là bạn yêu sai, tu sai, luyện sai. Tại sao yêu sai? Là bởi vì bạn yêu cái kiếp sau nên bạn quên yêu đời của kiếp này, của ngày hôm nay. Ngày hôm qua đã lãng phí bởi bạn chẳng yêu đời, hôm nay bạn cũng chẳng biết yêu đời, ngày mai thì cứ mịt mù đi tìm cái kiếp của ngày sau.

Có lẽ Phật giáo đã bị nhiều người và ngay cả giới trẻ hiện tại hiểu lầm, cho rằng Phật giáo là tiêu cực, là phải từ bỏ những cái thú vui trong cuộc đời, tất cả những sinh hoạt mang đến cái niềm vui để được gọi là yêu đời không còn có cửa đối với người Phật giáo. Tiêu cực! Và rồi chúng ta cứ nhìn các tôn giáo bạn, các bạn bè theo tôn giáo khác họ vui, bởi vì họ được tận hưởng tất cả là của trời đất ban cho, họ hưởng, họ vui, họ yêu đời. Còn ngược lại người Phật tử trên đời này là Vô thường có gì để yêu, nó tới rồi nó đi, thôi bỏ hết, bỏ hết, cúi mặt mà nhìn đất, lấy tâm mà nhìn trời, hướng về kiếp sau rồi sẽ tận hưởng. Quan niệm này đã lâu năm rồi và các bạn trẻ ngày hôm nay đôi khi cũng thấy, con đường tu sao nó xa, nó lạ, nó không thực tế đối với Phật giáo. Cho nên khi nhắc nhở ai đó tu theo Đức Phật dạy họ liền nói “Thôi! Bây giờ còn bận rộn chuyện đời, còn tạo nghiệp, còn ham vui, còn ham chơi, còn yêu đời, chưa tu được bạn ơi, chưa tu được. Thôi đợi sau này đời không còn gì để yêu, cuộc sống không còn gì để bận rộn, để mà khi chết rồi tu”. Mà đúng, chết rồi, thỉnh biết bao nhiêu người tới hú hồn hú vía, không biết tu gì thấy hú từ sáng đến tối, để rồi mang ra đồng chôn hoặc hỏa thiêu, tu kiểu đó không đúng rồi.

Mà các bạn tự hỏi lương tâm của mình, đã bao lần bạn đã tự nói với bản thân hoặc nói với ai đó mời mình tu là “Tôi còn bận quá, tôi còn yêu đời, tôi còn yêu con người, tôi còn thích cái này, thích cái kia, tôi còn sự đời ngổn ngang, chưa tu được đâu bạn ơi”? Có, Bảo Thành nghe cái điệp khúc này nhiều lắm. Chúng ta đã hiểu sai lời của Đức Phật, chúng ta đã hiểu sai về chân lý bậc giác ngộ truyền dạy. Không những ngày xưa mà ngày nay vẫn được trao truyền, lưu truyền, truyền bá, khai thị rằng cuộc đời không còn có gì phải nuối tiếc, bỏ bỏ bỏ, tu đi để mong chờ kiếp sau. Rồi người ta dán mác ở trên tất cả mọi thông tin, dưới mọi phương tiện hù dọa, sợ hãi, cuộc đời đáng sợ. Thế là sống mà chẳng biết yêu, yêu cuộc đời mình đang sống trong kiếp này. Nhìn nhận thật như vậy, ta thấy đó là một con đường tệ hại, quan niệm này hiểu lầm toàn diện về lời của bậc giác ngộ truyền dạy. Để rồi có những lúc chúng ta thốt lên như là những người trẻ thơ nhí nhảnh “Thôi, không có tu đâu, hôm nay tôi bận yêu đời”. Bạn ơi! Đức Phật muốn bạn yêu đời, yêu đời ngày hôm qua, yêu đời ngày hôm nay, yêu đời ngày mai, yêu đời trong từng phút giây. Phật thực sự muốn mỗi người chúng ta yêu đời và dạy cho chúng ta yêu đời, không phải chỉ có một ngày trong đời mà từng giây từng phút phải tận hưởng cái tình yêu đối với cuộc đời của mình.

Nếu nói năm giới là nền tảng giáo lý để chúng ta học Phật, bạn nhìn vào năm giới, Bảo Thành bắt đầu kể:

Giới thứ nhất không sát sanh

Giới thứ hai không trộm cắp

Giới thứ ba không tà dâm

Giới thứ tư không nói dối

Giới thứ năm không uống và sử dụng các chất say.

Hết, đâu có giới thứ sáu, giới thứ 7, thứ 8, thứ 9, thứ 10,.. thứ 100 nói rằng chúng ta không được yêu đời, không có một cái giới nào Đức Phật ngăn cấm chúng ta yêu đời. Vậy thì tại sao chúng ta không thể yêu đời? Tu Phật là phải yêu đời, là học tu yêu cuộc đời của chính mình. Đức Phật nói mang thân người trong cuộc đời này thật khó có thể, nên cần phải yêu cuộc đời này, nhưng mà phải yêu đúng. Năm giới giúp cho chúng ta yêu cuộc đời một cách bền vững không mau qua. Năm giới giúp chúng ta biết cách yêu đời nhiều hơn trong từng giây, từng phút. Năm giới giúp cho chúng ta biết yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống chân thật và biết bảo vệ tình yêu đời đó mãi mãi.

Ngay cái giới thứ nhất – không sát sanh đã dạy cho chúng ta phải biết yêu đời, yêu người và yêu muôn loài súc sanh, chính vì thế mà chúng ta không phạm giới sát sanh. Đó là yêu đời đó các bạn, yêu người, yêu ta. Nếu bạn làm một hành động nào, nói một lời nào, suy nghĩ như thế nào để hại đến người khác là bạn chẳng biết yêu đời. Hoặc hại đến bản thân là chẳng biết yêu đời rồi. Thì giới này Đức Phật dạy cho chúng ta phải biết trân quý đời sống, mạng sống của nhau, giúp đỡ nhau sống tốt, sống khỏe, sống vui. Yêu đời đó, yêu đến miệt mài sông suối luôn, yêu đến ngàn đời chẳng bỏ, bởi vì cái yêu đúng là cái yêu không có sát hại nhau. Bất cứ một tình yêu giữa người với người, giữa người với cuộc đời dựa trên nền tảng của giới thứ nhất không sát sanh là tình yêu chân chính, bền vững, muôn thuở. Giới này chẳng cấm ta không yêu đời.

Giới thứ hai không trộm cắp. Làm sao bạn nói bạn yêu đời và yêu người khi của họ, đồ của họ, vật của họ, tình yêu của họ, con người của họ ta trộm, ta cắp, ta chiếm đoạt? Bạn thấy chưa, cái giới thứ hai này dạy để bổ túc cho cái tình yêu cuộc đời thăng hoa nhiều lắm. Tôn trọng mạng sống, còn phải tôn trọng tài vật và tất cả những thứ thuộc về người khác. Đây là nghệ thuật sống Đức Phật dạy để yêu cuộc đời một cách tốt đẹp, thì cớ gì bạn nói Phật giáo là ủy mị, là tiêu cực, là không biết yêu. Phật giáo yêu, yêu gọi là yêu siêu đẳng, bởi vì biết yêu đúng.

Nếu bạn đi xuống một cái giới thứ ba là không tà dâm, đấy đấy, ngay cái chỗ này Đức Phật dạy nếu yêu cuộc đời thật sự, yêu tha nhân, yêu vợ, yêu chồng, yêu cha, yêu mẹ, yêu muôn người thì chúng ta nhất định không thể phạm giới tà dâm. Bởi khi người biết yêu đời đã không sát hại cuộc đời người ta, không lấy những tài vật, những thứ gì thuộc về người thì cũng chẳng chiếm đoạt thân xác của họ. Ba điểm này như ba ngôi sao ở trên trời tỏa sáng, để chúng ta thật sự có một tình yêu đời viên mãn đấy. Nói theo Phật mà không yêu đời là họ sai, để rồi hiểu lầm Phật giáo là tiêu cực, chẳng biết gì là sai, cứ bỏ bỏ bỏ hết, đợi cho kiếp sau đó gọi là khùng. Sai mà khùng nữa thì trên đời này mệt lắm.

Còn giới thứ tư không uống và sử dụng chất say, ở cuộc đời này nếu ta không uống và sử dụng các chất say thì ta sẽ có một cái đầu tỉnh táo để suy nghĩ, để hành xử, để làm việc, để tương tác. Thì nhất định phối hợp với ba cái giới đầu, ta chứng tỏ rằng ta là người đã biết yêu, đã yêu, yêu đời, biết yêu đời một cách chân chính rõ ràng.

Còn cái giới nói dối, chúng ta nói cho rõ ràng hơn nếu bạn chân thật thì bạn sẽ được nhiều người thương yêu đấy. Cho nên trong năm giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống sử dụng các chất say đều là năm cái mắt xích để chúng ta vận hành cho đúng, tỏ lộ tình yêu thương người và chứng tỏ chúng ta biết yêu đời. Nhưng không phải bận rộn chỉ có ngày hôm nay tôi bận yêu đời, mà ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai, mãi mãi chúng ta, người Phật tử luôn biết yêu đời. Năm giới giúp cho chúng ta yêu đời thật sự.

Nếu nhìn vào Bát chánh đạo – tám con đường Đức Phật dạy đi về cõi Niết Bàn chứng đắc Phật quả, thì tám con đường này đều là những con đường giúp cho chúng ta thăng hoa và yêu đời thật sự, chẳng có một cái điều nào cấm chúng ta yêu đời. Chánh kiến là một cái nhìn đúng với Chánh pháp, không tạo nghiệp thì dĩ nhiên ta phải yêu đời tốt hơn rồi. Chánh tư duy suy nghĩ cho đúng. Chánh ngữ sử dụng ngôn từ cho đúng. Chánh mạng, Chánh nghiệp, các bạn thấy chưa, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định, đây Bát Chánh Đạo và năm giới là cốt lõi trên con đường tu của các bậc thánh cũng như Phật tử tại gia. Chẳng có một điều gì Đức Phật truyền dạy và nói thẳng rằng không được yêu đời, mà đều là những chân lý khuyến khích chúng ta làm cho đúng để cuộc đời vô lượng kiếp lăn trôi nay mới thành người thật quý báu, ta cẩn thận để yêu cuộc đời này đúng với tinh thần của nhà Phật, giữ chánh niệm từng hơi thở để yêu, yêu, yêu mãi mà thôi.

Cho nên từ xưa đến giờ nếu như chúng ta gặp các bậc tôn túc hoặc các bạn bè mời gọi ta tu mà ta thường dùng cái từ rằng: “Ôi! tôi còn bận rộn, tôi còn yêu cuộc đời, tôi còn ham vui, tôi còn tạo nghiệp, tôi còn gia đình, tôi còn công việc, tôi còn đi dự tiệc, tôi còn đi khiêu vũ, tôi còn nghe nhạc, tôi còn buôn bán, tôi còn làm ăn, tôi chưa bỏ hết được để vô trong thất, trong am ngồi như ông tượng, nhắm đôi mắt hờ tay bắt ấn ngồi thiền, sao tu?”. Đó là cái sai, quan niệm sai, nói đúng hơn nếu bạn thật sự yêu đời bạn nên tu Phật giáo, bởi sẽ giúp cho bạn yêu đời đúng nghĩa và tạo được phước ngay trong cái tình yêu chân chính hàng ngày. Đức Phật dạy cho chúng ta chẳng phải từ bỏ cuộc đời này, nếu bạn bỏ cuộc đời này bạn lấy gì để tu. Đạo đời song hành, đạo ngay trong cuộc đời, tu ngay ở kiếp người. Vậy nên yêu đời là con đường tu chân chính, nếu bạn biết tìm tới Phật, tới với Phật thì năm giới là năm sắc màu long lanh trên nền trời xa dẫn đường cho bạn thăng hoa trong cuộc sống để yêu đời. Bát chánh đạo như tinh tú trên nền trời, soi sáng suốt đêm trường cho bạn thành tựu được cái tình yêu đời thật sự.

Đức Phật truyền dạy về chân lý không cấm ta yêu đời, bỏ đời để chờ kiếp sau. Nếu tu mà chẳng biết yêu đời, cứ buồn buồn rầu rĩ, đợi chờ cho đến phút chết để được tái sanh, để kiếp sau tái sanh, kiếp sau về cõi này cõi kia, đó là tu sai. Sự tái sanh phải được vận hành ngay trong từng giây phút, từng sát na của cuộc đời. Nếu trong từng sát na của cuộc đời bạn không biết yêu đời, không biết trân quý cuộc sống của mình, giữ giới hành đạo cho đúng, tôn quý cuộc đời của mình, để từng giây phút chúng ta chuyển hóa, chúng ta được tái sanh trở lại trong từng giây phút thì làm gì có cửa để tái sinh khi chết. Thực tế mà các bạn, Đạo Phật rất thực tế. Bạn không tiết kiệm từng đồng để có được số tiền lớn mua căn nhà, mua chiếc xe thì bạn đợi đến kiếp sau đến chết rồi thì cũng có nhà nhưng mà là nhà giấy, nhà vàng mã, có xe đấy, xe vàng mã người ta bố thí, người ta đốt cho tro tàn bay xuống địa ngục. Ủa mà các bạn biết không, ba cái vụ đốt vàng mã là tội đấy, bởi vì đốt vàng mã là ám chỉ rằng những người thân chết đang ở cõi đói nghèo địa ngục mới đốt vàng mã để gửi xuống. Chứ còn trên cõi trời hoan hỷ, trên cõi tịnh độ hạnh phúc cần chi ba cái đồ vàng mã giấy đó. Cho nên nếu bạn mà cứ tu để tái sanh kiếp sau, vãng sanh kiếp sau, về cõi tịnh thổ, về cõi tịnh độ, về cõi gì đấy, mà khi bạn chết đi mới tới được, để không yêu đời là bạn tu sai đấy. Còn nếu như chúng ta còn đốt vàng mã cho ông bà, cha mẹ, người thân như nhà cửa xe hơi là chúng ta đã vô tình đẩy ông bà người yêu thương đã khuất xuống địa ngục rồi. Bạn cứ thử nghĩ đi, ba cái đồ quỷ giấy kia dán vào, ở trên cõi trời, ở trên cõi tịnh độ hoặc cõi hạnh phúc, cõi lành có cần đâu ba cái thứ rác rưởi đó. Có chăng quan niệm của chúng ta là địa ngục. Như vậy đốt vàng mã nhà cửa các thứ chính là đã mặc định ông bà, cha mẹ, người thân đang ở cõi địa ngục, chúng ta làm như vậy là sai.

Nói dây dưa qua đó chút xíu để thấy rằng đạo Phật là đạo thực tế, yêu đời chẳng cấm. Nếu bạn đang yêu đời, bạn đi vào con đường tu của Phật bạn sẽ yêu đời nhiều hơn, yêu một cách đúng, tình yêu trong sáng. Còn nếu bạn gọi là bạn yêu đời mà không tu Phật thì cái yêu đời bạn quan niệm đó là cái đang tự hại mình, bởi không yêu đúng, đang dồn chứa những phiền não đau khổ cho chính bản thân, cho chúng ta. Người tu Phật luôn yêu đời, thơi thới ở trong lòng thong và tự tại, trong từng giây từng phút của Chánh niệm, chẳng chạy trốn, chẳng từ bỏ, mà làm cho tất cả mọi suy nghĩ, mọi lời nói và hành động nên thánh, có nghĩa là thánh thiện, lành thiện. Người yêu đời theo đạo Phật là từ ba chỗ thân, ngữ, ý, chúng ta sẽ chuyển hóa nên thiện lành hơn, đó chính là tình yêu, yêu đời thật sự. Còn nói theo cái kiểu yêu đời mà không tu Phật thì từ thân, ngữ, ý, ba nơi tạo nghiệp, ta chẳng tăng trưởng theo pháp thiện lành để nên thánh, mà ta đã biến mình thành ma, phạm cả năm giới, đắm chìm trong ngũ dục.

Cho nên cuộc đời vẫn được ăn chơi, ăn chơi trong Chánh niệm, ta được ăn và được chơi trong Chánh niệm chứ không phải cái chữ ở đời nói nóng ăn chơi là tà nha các bạn. Ta được ăn, ta được chơi, ta được vui trong Chánh niệm, trong sự cẩn cẩn lấy năm giới làm thước đo để giữ cho tình yêu, cho sự vui chơi của cuộc đời này đúng pháp thiện lành, đúng chân lý, để cái kiếp người khó tìm này ta sống vui và hạnh phúc, tích lũy phước báu cho ngày mai sau tăng trưởng hơn. Còn nếu như kiếp người quý báu này là phương tiện trân quý này ta không thể yêu đời, sống vui giữ năm giới mà cái gì cũng sợ để tạo nghiệp, thì đợi gì đến kiếp sau, đó là cách tu sai.

Các bạn, năm giới là năm điều cần thiết của cuộc đời người Phật tử tại gia. Để biết yêu đời đúng mức, đặc biệt các bạn trẻ ngày nay, đừng sợ tu theo Phật, học theo Phật là bỏ những cuộc vui như rủ bạn đi uống cà phê, trà sữa, một bữa tiệc, một buổi khiêu vũ, một cái điều gì đó thích thú hợp với tuổi trẻ như nghe nhạc, như ăn uống. Chỉ cần trong tất cả những sinh hoạt đời thường đó bạn giữ được Chánh niệm và bạn tô điểm hương vị của năm giới vào tất cả sự sinh hoạt đời thường của con người, thì đó là sự tỏ lộ của tình yêu đời chính nghĩa, tạo được phước. Chẳng phải theo Phật cái gì cũng sợ, bạn rủ đi uống cà phê “Ôi sợ quá, đi cái đó rồi thị phi tạo nghiệp, thôi ở nhà”, thì cái gì cũng sợ hết. Và cứ thế chúng ta nói làm cho những người khác hiểu lầm về Phật giáo là tiêu cực, sống chẳng có ý nghĩa, cứ đợi chết để cái kiếp sau được hưởng, mà kiếp này sống như như chui, như lủi, như sợ hết, không đúng.

Các bạn, Bảo Thành chia sẻ suy nghĩ này bởi cái chủ đề quá trẻ, quá nhí nhảnh của tuổi thơ, của tuổi trẻ ngày hôm nay “Hôm nay tôi bận yêu đời”. Bảo Thành nhắn thêm nữa, đừng có hôm nay, ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai, mãi mãi, mãi mãi Bảo Thành và các bạn nên yêu đời. Và trên con đường tu của giới trẻ ngày nay ta phải thật sự, thật sự tìm ra cuộc đời thật đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng, để từng giây phút trong cuộc sống ta giữ đúng năm giới, để cái yêu, cái yêu tha thiết về cuộc đời trong kiếp người này, ta yêu đúng như lời Phật dạy, để không uổng phí cái thân kiếp làm người, phương tiện siêu thế mà vô lượng kiếp lăn trôi mới có cơ hội hiện thân làm người hôm nay.

Các bạn thân mến! Mỗi một thời, mỗi một ngày trong sự chánh tư duy, ta phải nhận ra được chân lý của Đức Phật dạy, các bạn cứ nghiên cứu thật rõ đi, các bạn cứ học thật rõ đi, các bạn cứ đọc kinh, các bạn cứ nghe giảng đi. 45 năm trời Đức Phật gần gũi với các bậc xuất gia và các Phật tử tại gia, chưa một lần Đức Phật dạy cho người ta không được yêu đời, chưa bao giờ. Phật chỉ hướng dẫn cho tất cả biết yêu đời một cách đúng đắn, biết yêu đời một cách đúng cái chân lý, biết yêu đời một cách đúng pháp, để tình yêu lớn dần, lớn dần, yêu cả ba thời hôm qua, hôm nay và ngày mai. Đừng từ chối con đường chân lý của Phật để viện cớ nói rằng “hôm nay tôi vẫn yêu đời, tôi không tu được”, cái câu này thật là dễ yêu, dễ thương. Hình như “hôm nay tôi vẫn yêu đời” là một cái ngôn tình của tình yêu, là một cái giận lẫy trong tình yêu, là một cái gì đó trẻ trẻ thơ thơ đó, mà như Bảo Thành cố gắng nâng tầm cảm xúc để đồng cảm với cái sự rung động của cái câu “Hôm nay tôi bận yêu đời” của ai đó nói với ai đó, thấy cũng có cái chút lăn tăn trong cái tình cảm yêu cuộc đời. Nhưng thật ra Bảo Thành yêu đời đúng như năm giới dạy, tình yêu bao trùm cả cuộc đời chính mình và tình yêu lan tỏa, san sẻ tới muôn cuộc đời mà Bảo Thành có nhân duyên tiếp cận gần gũi.

Các bạn, chúng ta không phải tu Phật là phải cằn cỗi, già nua trong những cái ngôn từ cổ xưa. Hãy nói với nhau không phải hôm nay, mà hôm qua, hôm nay và ngày mai chúng tôi sẽ luôn luôn yêu đời, nhưng không yêu một cách bận rộn, mà yêu một cách thong dong và tự tại. Chứ còn bận rộn yêu đời thì thấy yêu đó không đúng, đã gọi là yêu thì phải thong dong và tự tại, phải nhẹ nhàng, phải phơi phới. Yêu đẹp lắm, nhất là yêu cuộc đời đúng như lời Phật dạy bằng giữ năm giới thì cái yêu đời đó là cái yêu đời đáng được khuyến khích và sách tấn. Bạn là Phật tử tại gia cần phải yêu đời đúng như năm giới Đức Phật dạy. Bạn cứ đi trở lại suy nghĩ đi, không sát sanh giúp cho bạn yêu đời tốt đẹp hơn. Không gây hận thù, không trộm cắp giúp cho bạn yêu đời thật sự hơn bởi không làm tổn hại đến người khác. Không tà dâm, không nói dối, không uống sử dụng các chất say, năm giới này đều là những điều căn dặn thật rõ ràng, thật tỉ mỉ và luôn luôn nhắc nhở chúng ta bằng chân tình trong năm giới. Năm giới là điều nhắc nhở thiện lành, thiện hảo, là ngôn từ tình yêu của Phật nói với chúng ta.

Bảo Thành nói các bạn nghe không? Năm giới là năm ngôn tình tình yêu Phật dạy cho Phật tử tại gia là “Con ơi! Yêu đời, yêu người thì đừng hại thân mạng của họ” đây là ngôn tình đấy, một thể loại ngôn tình chuyển phàm thành thánh.

“Con ơi! Nếu yêu người, yêu đời, đừng lấy đồ của họ”, ngôn tình ngây ngất đưa chúng ta siêu xuất khỏi cõi phàm, nhập vào cõi thánh.

“Con ơi! Nếu yêu đời, yêu người, con đừng tà dâm”, đây là ngôn tình mà.

“Con đừng nói dối, con đừng sử dụng các chất gây say”.

Đây là 5 ngôn tình siêu thế mà chúng ta có thể nhập thực hành được thì chúng ta thực sự hôm qua, hôm nay và ngày mai, mãi mãi chúng ta đã biết yêu đời. Phật giáo không phải là con đường khô khan, khắc khổ, từ bỏ cuộc đời hiện tại tìm về kiếp sau ở cõi tịnh độ Niết Bàn, cõi thiện lành. Mà Phật giáo Đức Phật dạy ngay trong kiếp đời hiếm và khó tìm được này, chúng ta thăng hoa để biết yêu đời thật sự. Người biết yêu đời là người biết trân quý cái thân mạng làm người khó kiếm tìm được bằng cách giữ năm giới để cuộc đời này được yêu đúng.

Các bạn hãy yêu đời, hãy chứng minh cho tất cả các bạn bè của mình thấy rằng Phật giáo là con đường hướng dẫn dạy dỗ cho chúng ta biết yêu đời thật sự. Đừng thể hiện bỏ hết kiếp này đợi đến kiếp sau đó là hiểu sai, tu sai, để rồi làm cho những người bạn khác tôn giáo hiểu lầm Phật giáo là con đường tiêu cực, con đường chạy trốn xã hội và cuộc đời. Đạo nhập thế, Phật đã dạy qua năm giới, đạo yêu cuộc đời Phật đã truyền qua năm giới, chân lý để cuộc đời này trong từng sát na, trong từng giây từng phút Phật dạy phải biết yêu, yêu cuộc đời. Do đó mà có chánh niệm để biết yêu quý từng giây phút, để biết sống từng giây từng phút đó chính là bạn biết yêu đời.

Cảm ơn các bạn trẻ đã gửi về chủ đề “Hôm Nay Tôi Bận Yêu Đời” để Bảo Thành có cơ hội chia sẻ rằng: con đường học Phật là con đường tô điểm cho mỗi người chúng ta biết yêu đời nhiều hơn, đúng với chân lý của Đức Phật dạy qua năm giới. Bởi cả cuộc đời Đức Phật khi giác ngộ dạy, chẳng bao giờ Ngài ngăn cấm chúng ta không được yêu đời, Ngài chỉ hướng dẫn để chúng ta biết cách yêu đời đúng để cuộc đời này ta thăng hoa trong phước báu, trong công đức để “Có Đức Mặc Sức Mà Ăn”, có phước báu để mà tận hưởng cuộc đời. Cho nên đừng đợi đến kiếp sau mới yêu cuộc đời của kiếp sau, mà hãy yêu ngay cuộc đời của kiếp này bằng cách giữ giới. Hãy tiếp cận với một nền giáo lý của Phật trong thời đại này bằng sự hiểu biết chân chính bằng Chánh kiến, Chánh tư duy, để chúng ta không bị người ta mặc định Phật giáo là con đường tiêu cực và để chính chúng ta từ môi miệng này không còn tự ti rằng ta còn tạo nghiệp, ta còn trong đời, ta còn vợ, còn chồng, công ăn việc làm, còn chơi, còn vui, còn thú,.. Không! Tất cả những sinh hoạt vụn vặt trong cuộc đời hoặc những sinh hoạt bình thường trong cuộc đời đều là những cơ hội để ta giữ Chánh niệm, để ta biết yêu đời nhiều hơn mà tăng trưởng phước báu và công đức.

Cảm ơn bạn đã nghe.

Mời bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta trở về với bảy hơi của Chánh niệm Mật tông. Thưa Phật! Không phải chỉ có hôm nay chúng con mới bận yêu đời, chúng con sẽ rèn luyện sự tu tập để ngày hôm qua, để ngày hôm nay và ngày mai, mãi mãi trong cuộc đời năm giới là năm ngọn đuốc, năm ngôi sao trên nền trời tăm tối, dắt cho chúng con, dẫn cho chúng con và hướng cho chúng con biết tận hưởng và yêu cuộc đời trong thân kiếp làm người khó có thể kiếm tìm này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật! Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có cho nền hòa bình của thế giới.

Xin chư Phật tác đại chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts