Search

Bài 2253. Ăn Vạ Với Phật

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta với một lòng thành kính, hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Thưa Phật! Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương và khai mở trí tuệ cho tất cả mọi loài chúng sanh. Đặc biệt xin gia trì cho tất cả các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, có đầy đủ sự sáng suốt, biết nhìn thấu nỗi khổ của người dân trong chiến tranh mà ngồi lại với nhau, bàn thảo và thiết lập nên một nền hòa bình trật tự mới. Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong giây phút chánh niệm nhiệm mầu siêu thế hãy cùng nhau thắp sáng trí tuệ, hãy cùng nhau thắp sáng sự khôn ngoan và hồi hướng tới tất cả các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang! (07 Biến)

Mô Phật! Bảo Thành chào các bạn đồng tu ngày hôm nay. Hôm nay, Bảo Thành nhìn thẳng vào màn hình và thấy một chủ đề các bạn gửi về, làm cho Bảo Thành nhớ về bản thân của mình cũng từng vấp phải. Các bạn ơi! Các bạn có khi nào nghĩ lại và thấy rằng chúng ta đã từng ăn vạ với Phật chưa? “Ăn Vạ Với Phật” là chủ đề ngày hôm nay, chúng ta cùng nhau suy nghĩ thử chúng ta có khi nào ăn vạ với Phật không?

Nhìn về quá khứ của bản thân, hình như chúng ta cũng còn nhớ đôi chút là chúng ta đã từng ăn vạ, thường là ăn vạ với mẹ của mình, bởi vì nếu ăn vạ với cha thì thôi rồi, toang, xong luôn, cha sẽ lấy một cái roi bắt ta nằm xuống đánh cho một trận. Đó là thời kỳ xưa, thời kỳ mà ba, bốn, năm mươi năm về trước, những người cha thường hay đánh các con của mình khi các con mình không nghe lời, không có cửa để chúng ta ăn vạ với cha thời đó đâu. Thời nay chắc cũng còn ăn vạ với cha thật hiếm và khó. Cũng có một số người cha, các con thường ăn vạ từ thuở nhỏ đó mà, thuở bé thơ, nhưng cũng được cha chiều chuộng. Phần đông chúng ta đã từng ăn vạ với mẹ của mình đủ mọi chuyện, từ những cục kẹo thật nhỏ, hay những cái bánh, hay những món đồ chơi; hoặc đi đâu đó muốn điều gì mà không được, thì nhất định sẽ tìm đủ mọi cách để ăn vạ cho có. Có lẽ thuở thơ ấu ta không có ý niệm về ăn vạ là như thế nào, nhưng 100% những đứa trẻ sinh ra ở trên đời này đều có đủ các chiêu trò ăn vạ với mẹ mình, để vòi cho được cục kẹo, cái bánh, đồ chơi hoặc những điều yêu thích, điều đó có. Bảo Thành cố gắng gợi nhớ lại cho bản thân những thuở mà một thời thơ ấu mình đã từng ăn vạ với mẹ, lớn rồi nhìn lại thấy đẹp, không có chút hổ thẹn, nhưng mà thấy đẹp. Bởi vì ai cũng có một tuổi thơ và ai cũng từng luôn ăn vạ với mẹ của mình. Nếu các bạn là mẹ, các bạn hiểu thấu được sự ăn vạ của con mình, khi mà trẻ con ăn vạ rồi, nhiều người mẹ phải bó tay, buông xuôi chiều chuộng.

Bảo Thành đã chứng kiến có một buổi họp mặt cách đây khoảng chừng 30 năm, cùng với một số bạn bè và người thân. Có một người mẹ mang 3 người con tới dự buổi tiệc ấy. Có đứa con nhỏ nó ăn vạ bởi vì nó đòi chơi, nghịch ngợm gì đó mà người mẹ không cho, nó liền nằm xuống giữa sân, sân nhà đó, phòng khách đông đảo khách dữ lắm, nó không có đứng dậy mà lâu lâu nó im, nó khóc, nó gào, nó giãy giụa. Người mẹ không thể để người con nằm mãi như vậy bởi khách đông nên đành chiều chuộng đưa món đồ và những thứ đứa con nó thích.

Có nhiều lần trong chúng ta đã từng chứng kiến cảnh trẻ thơ hoặc trẻ con ăn vạ nằm ở trên đường; hoặc đi tới những trung tâm thương mại lớn, lỡ mà đi ngang hàng đồ chơi, trẻ thơ mà yêu thích rồi không chịu đi nằng nặc mua cho được. Mình không mua chúng lăn đùng ra chúng khóc, chúng ôm, chúng giận cho tới khi phải mua cho bằng được thì trẻ thơ mới về. Đặc biệt nếu chúng ta tinh ý thì khi trẻ thơ ăn vạ, khóc, giãy giụa, nước mắt tràn ra như suối như sông. Các bạn là mẹ các bạn thấy đó, lúc đó con cái nó khóc dữ dội lắm, khóc đến mức mà mũi có thể đỏ như trái gấc, mặt có thể tím bầm lại, giãy giụa, nước mắt chảy không ngừng, nhìn tức tưởi đau khổ. Không có người mẹ nào mà không bị rung động trước sự khóc tức tưởi đau đớn của người con khi chúng ăn vạ. Nhưng khi chúng ta chấp nhận yêu cầu của con mình, của đứa bé, mua cho món đồ chơi hoặc kẹo bánh, những điều gì đó mà em thích, thì em thay đổi 360 độ, mặt tươi roi rói, cười sung sướng, không có một chút gì khổ đau còn hằn lại trên khuôn mặt, đôi mắt. Các bạn có để ý không? Có, đó là sự thật, đang khóc giãy giụa nước mắt vậy nhưng chấp nhận rồi, người mẹ đầu hàng rồi, chiều một chút xíu là em cười tươi, tươi thật là tươi, lạ kỳ. Không biết rằng các em có sân, có giận, có khóc, có đau, có khổ, có phiền não hay không, nhưng mà sự thay đổi của các bé thật nhanh, vui đó rồi buồn đó, buồn khóc đau khổ đó rồi lại cười, lại tươi. Đúng là tâm hồn của trẻ thơ, cảnh giới nào cũng đạt được miễn sao thỏa mãn được ý muốn, còn cảm xúc có lẽ không tồn tại nhiều.

Các bạn, những nhà tâm lý học nghiên cứu về trẻ thơ và khuyên bảo những người mẹ phải cứng rắn, phải vững chắc nếu muốn huấn luyện cho những đứa con biết trưởng thành. Để không ăn vạ từ thuở nhỏ và lớn lên không bị những đứa con ngọt ngào, dịu dàng, ăn vạ khôn khéo để bòn mót những gì chúng muốn từ nơi cha mẹ. Thì ngay thuở thơ ấu những người mẹ cần phải rõ ràng, mạnh bạo, biết sử dụng chữ “không” và khôn khéo ứng dụng cái chữ “không” vào mọi trường hợp khi con cái ăn vạ. Nhiều nhà nghiên cứu đã thấy rằng khi trẻ em ăn vạ, đòi một món quà mà nếu người mẹ chiều thì nhất định từ đó đi đâu chúng cũng ăn vạ và đòi. Còn nếu người mẹ hiểu được tâm ý nói không và giữ vững lập trường, nói rằng món đồ chơi đó mẹ đã có cho con và không thể mua, không là không, nhất định như vậy. Thì nhất định như vậy đó, sức mạnh của cái tâm giữ vững đó sẽ truyền tải thông điệp thật vững, thật chắc tới trẻ thơ dù chúng không hiểu nhưng chúng cảm nhận được và chúng sẽ biết nghe từ từ. Còn sự nuông chiều được đáp ứng ngay từ thuở nhỏ đó, thì suốt cuộc đời của người mẹ sẽ phải luôn luôn đương đầu với những đứa con càng lớn càng ăn vạ thông minh hơn, khôn khéo hơn. Điều này từng xảy ra trong các gia đình và đến khi cha mẹ kiệt quệ, không thể đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của con cái trong sự ăn vạ, khi chúng lớn chúng có thể nổi sân, sát hại cha mẹ. Biết bao nhiêu những cảnh chúng ta thấy con cái về đòi tiền, đòi nhà cửa, đòi những điều chúng yêu thích. Cả một cuộc đời cha mẹ tần tảo, đáp ứng cho những nhu cầu mà con cái đòi hỏi, nhưng đến lúc tuổi già không còn làm được nữa, cạn kiệt tiền tài mọi thứ, con cái vẫn ăn vạ và đòi. Không được, chúng nổi giận, đã giết hại cha mẹ hoặc quẳng cha mẹ ra ngoài đường, làm cho các đấng bậc ấy đau khổ, đau khổ lắm!

Vậy thì trở lại vấn đề “Ăn Vạ Với Phật”, chúng ta có ăn vạ với Phật không? Có lẽ chúng ta đã lớn, không ăn vạ với Phật một cách bừa bãi như trẻ thơ, nằm dưới đất khóc than, kêu gào, giãy giụa. Chúng ta ăn vạ với Phật tinh khôn hơn, có kế hoạch hơn, có sự xếp đặt tinh vi hơn. Từ ăn vạ của những tầng lớp bình thường, dân dã, nghèo, nó biến tướng thành hối lộ tinh vi của những người có tiền, có bạc, có quyền lực khi tới cửa thiền môn hoặc nhà chùa. Các bạn, các bạn đi về chùa trong những buổi lễ lớn hoặc bất chợt một lúc nào đó ghé tới chùa, Thiền Viện, các bạn hãy tìm một chỗ ngồi, ngồi tĩnh lặng và để ý, các bạn sẽ nhìn thấy nhiều kiểu ăn vạ nơi cửa chùa, nơi điện Phật, của người lớn nha các bạn. Họ lăn ở trên sân chùa, họ đập đầu xuống dưới đất, họ than thở: “Con lạy Phật, con lạy Phật, con lạy Mẹ, con lạy Mẹ, họ than, họ khóc, Phật ơi! Con lạy Phật con khổ quá, Phật ơi con khổ, Mẹ ơi con lạy Mẹ con khổ. Con lạy thánh, con lạy thần, con lạy tổ, con lại tiên, con lạy tứ phương thiên hạ. Con lạy hết tất cả mọi góc từ trên trời xuống dưới đất, từ hang hóc, bụi bờ, con lạy, con lạy tất cả”. Và sau cái lạy, than khóc, than về con không có tiền, than về nhà cửa con còn nhỏ, than về công danh sự nghiệp rồi bắt đầu là bày ra biết bao nhiêu những thứ mình mong muốn, mình đòi “Phật ơi! Con lạy Ngài, thôi Ngài cho con cái này, cho con cái kia”. Đấy, ăn vạ Phật là như vậy.

Chúng ta thấy ở các chùa, ở các thiền viện, am thất, tịnh xá, các nơi được gọi là linh thiêng. Không thiếu các hàng Phật tử, ngay cả những vị không theo Phật cũng tới lạy, tới ăn vạ đó mà. Có kiêng thì có thiêng, có xin thì có được, cứ ăn vạ đi được hay không mất mát cái gì, lỡ mà nó được thì mừng. Ăn vạ Phật khôn khéo, ăn vạ từ chỗ mà dân dã không có gì hết. Cứ tới cửa thánh, cửa thần, cửa Phật, cửa tiên, cửa Bồ Tát, cửa chùa, cửa thiền viện, cửa linh thiêng, rồi cứ lạy, cứ kêu, sắp chữ cho nó vần, nó hay, cứ lạy thôi, cứ vái tứ phương, cứ lạy hoài. Cho tới những bậc giàu có thì khôn khéo, song song với lạy đưa thêm mâm hương quả để đút lót rồi xin, xin đủ thứ hết, đây là ăn vạ thời đại bốn chấm (thời đại công nghệ 4.0) khôn khéo.

Hay quá, nhìn kỹ lại Bảo Thành và các bạn đều là những người ăn vạ cửa Phật, ăn vạ với Phật, ăn vạ khôn lắm mà cứ ăn vạ hoài. Các bạn có ăn vạ với Phật chưa? Mình phải chân thật đấy, nếu mà mình không có chân thật thì không thể tu. Nếu không nhìn rõ những điều ta đã sai, ta đã lầm, thì chẳng tu được đâu. Nhìn kỹ lại đi, chúng ta thực sự đã nhiều lần trong cuộc đời ăn vạ với Phật. Khóc lóc, khóc không biết như thế nào, van xin, ỉ ôi, và còn mè nheo với Phật nữa. Sao mè nheo? Bởi biết nịnh bợ Phật để mà ăn mày, “Phật ơi! Tướng hảo của Ngài đẹp quá, Ngài có 32 tướng hảo đẹp. Phật ơi! Người trang nghiêm quá. Phật ơi! Người có tình thương lớn quá, thôi cho con xin cái này, xin cái kia”. Đấy, từ chỗ ăn vạ ngay thẳng như trẻ thơ lăn ra khóc lóc, lạy lục, cúng kiến, xin xỏ. Đến ăn vạ thời đại bốn chấm (thời đại công nghệ 4.0) khôn hơn là biết nịnh bợ Phật rồi, khen Phật, khen cho đã xong bắt đầu xin, xin không được ăn vạ. Thế mà cuộc đời cứ lăn xả vào làm những việc như vậy, ăn vạ với Phật. Để rồi nhìn thấy điều đó, môi trường như vậy đấy đã sản sinh ra biết bao nhiêu thầy cúng, để phục vụ cho nhu cầu ăn vạ của những người tới với cửa Phật qua mọi hình thức. Không thể trách được là các vị thầy kia cúng kiếng đủ thứ, chắc là do ta cứ ăn vạ. Có cung thì có cầu, có cầu thì có cung. Ta cầu Phật để ăn vạ thì sẽ sản sinh ra một thế hệ đứng đầu các tôn giáo, các cửa thiền môn, am thất, chùa, phục vụ cho nhu cầu ăn vạ của chúng ta, để cung cấp những dịch vụ cúng kiếng. Cũng là phương tiện lúc đầu thôi nhưng mà quen dần, quen cái thành ngữ phương tiện độ đời và đã biến chứng thành tục lệ cúng kiếng để đáp ứng sự ăn vạ của người khác.

“Ăn vạ với Phật” là một điều rất xấu, rất sai, nó nằm trong cách mê tín dị đoan nhiều đời. Nó tới từ tâm lý của con người vốn có khi thuở nhỏ đã từng ăn vạ với mẹ. Chúng ta phải chấm dứt điều này vì những người mẹ có trình độ giáo dục luôn luôn biết nói không với con cái một cách dũng mãnh. Đức Thế Tôn là một bậc thầy, Ngài là bậc Giác Ngộ, Ngài là bậc giác ngộ, Ngài là thầy của trời, của người, của tất cả mọi loài chúng sanh. Ngài là một nhà giáo dục lớn hiểu được tâm lý của con người, hiểu được tâm ý của con người, hiểu được nhân duyên thiện ác của con người nhiều đời. Ngài nhìn thấu và Ngài đã nói không với chúng ta nhưng chúng ta không chịu nghe. Một trong bốn điều Đức Phật không thể làm, Ngài đã nói không. Hôm nay, ta chỉ nói đến điều thứ nhất thôi, đó là Phật nói “không” khi chúng ta ăn vạ. Các bạn để ý thử xem có phải khi chúng ta ăn vạ với Phật, là chúng ta muốn thay đổi môi trường sống về năm điều:

  • Điều thứ nhất là liên quan đến tiền tài.
  • Điều thứ hai liên quan đến công danh sự nghiệp.
  • Điều thứ ba là liên quan đến tình cảm.
  • Điều thứ tư là liên quan đến gia tài như nhà cửa.
  • Điều thứ năm là liên quan đến vấn đề ăn uống và đời sống con người.

Năm điều đó chúng ta từng tới với Phật để ăn vạ, Phật hiểu và Phật đã nói không như những người mẹ biết giáo dục con cái. Không là không, và Phật đã nói không, không cái gì? Điều thứ nhất, bốn điều Phật không thể làm là Phật không thể thay đổi nhân quả của chúng sanh, rõ quá mà. Từ tiền tài, danh vọng, địa vị, tình cảm. Từ nhà cao, cửa rộng cho tới đồ ăn thức uống. Từ tất cả mọi chuyện xảy ra linh tinh trong kiếp người đều là do nhân quả thiện ác mà ta đã tạo. Phật đã nói Phật không thể thay đổi nhân quả dưới mọi hình thức, chấm hết, xong rồi. Phật nói thật rõ không là không, Phật không thể thay đổi nhân quả của chúng ta. Nhân quả của chúng ta là do ta tạo ra thì phải do chính chúng ta chuyển hóa chúng, thay đổi chúng, chứ Phật không thể thay đổi nhân quả của ta. Thế vậy mà chúng ta đã tới với Phật, đã ăn vạ với Phật từ vô lượng kiếp qua, để nhờ Phật thay đổi nhân quả của ta, trong khi Phật đã nói Phật không thể thay đổi nhân quả, chúng ta bị điếc hả? Các bạn có bị điếc không? Hay các bạn bị mất trí tuệ? Ngày nay giới trẻ gọi là não của bạn nhỏ như trái nho, thường thường hay kèm với cái âm vậy cho nó vần đó mà, não ngắn, não cụt, não nhỏ, não đậu hũ, không có trí tuệ, có phải vậy không? Phật đã nói không rồi, các bạn và Bảo Thành có hiểu không? Phật nói là Phật không thể thay đổi nhân quả về mọi phương diện như vừa liệt kê, liên quan đến tiền, nghèo giàu, công ăn việc làm, liên quan tới danh vọng, địa vị, quyền lực trong thế gian, liên quan tới tình cảm, nhà cửa, sự ăn uống. Phật nói Phật không thể thay đổi nhân quả, những điều đó đều do nhân quả của ta, Phật không thể thay đổi, không thể cho, đừng ăn vạ nữa các bạn ơi. Nếu các bạn tinh tế một chút, chúng ta thấy sự ăn vạ với Phật nay đã được lập trình tinh vi. Các bạn nghe Bảo Thành nói đừng buồn, ngay cả các bậc tôn túc nhận thấy nhưng mà không ngừng được.

“Ăn vạ với Phật” nay đã biến tướng, đã được lập trình, đã được xếp đặt, đã được cài đặt một cách tinh vi vào các nghi thức cúng tế, để đáp ứng nhu cầu ăn vạ tinh khôn của con người. Đừng buồn, các bạn nghe đi, sự ăn vạ với Phật đã biến tướng và cài đặt lập trình nâng lên một đẳng cấp cao hơn qua các nghi thức cúng kiếng, cầu xin, lễ bái, giải hạn, cúng sao, chẩn tế, nâng cấp mà. Gọi là phối âm hòa khí cho hay, cho khác, cho lạ, nhưng cũng cùng vần điệu ăn vạ thuở xưa, xưa lắm rồi. Nhưng ngày nay người ta chỉ hòa âm lại, người ta thay đổi đôi chút cho nó nhộn nhịp, cho nó linh thiêng. Từ đó mà cách ăn vạ với Phật nó mang màu sắc linh thiêng, dần dần đẩy hết cả một đám, đẩy hết mọi người vào trong cõi lầm lạc, mê tín dị đoan. Nhiều người nhìn thấy sự ăn vạ đã lồng vào trong các nghi thức cúng kiếng, mê tín dị đoan, họ chê bai, họ nói nhưng rồi họ lại lầm vào những cách ăn vạ cúng kiếng, mê tín dị đoan tinh vi hơn mà ở bản thân họ hoàn toàn không biết.

“Ăn vạ với Phật” thời đại công nghiệp hóa, ăn vạ với Phật thời đại khoa học phát triển về phương tiện tột bậc, kinh khủng. Vậy nên ở trong đời mấy ai trong chúng ta có được sự bình an và hạnh phúc, có được sự an lạc để thong dong trong cõi trời người đâu vì cứ học thói ăn vạ với Phật hoài.

Các bạn ăn vạ với Phật mỗi ngày, Bảo Thành cũng thế. Đã đến lúc trong Thiền Mật song tu lấy trí tuệ được thắp sáng, được mồi bởi cái nguồn tỉnh giác từ Phật, và lấy năng lượng tình thương để gội rửa tự thân của mình cho sạch. Để chúng ta được trưởng thành, trưởng thành bằng trí tuệ, bằng từ bi. Để nhận thức thật rõ Đức Phật đã nói với chúng ta Ngài không thể thay đổi nhân quả của chúng ta dưới mọi hình thức. Để xin Phật một cách trực tiếp qua các tôn tượng trong chùa, Tịnh Thất, thiền môn hoặc là với Phật gián tiếp qua các bậc tôn túc, các bậc thiện tri thức, các vị thầy cúng, các vị chẩn tế, các vị thầy khoác lên mình nhiều màu sắc lộng lẫy linh thiêng, cầu xin, van vái, ta phải nhận ra và chấm dứt. Tất cả mọi hình thức đó đều là cách nâng cấp ăn vạ với Phật một cách tinh khôn, nói rõ hơn là do tâm ma, tâm tà, tà kiến, thành ra nói xạo, xảo thuật, ngược xuôi, lừa đảo lẫn nhau. Mà ở trong đời, người lọc lừa với ta nhiều mà không đúng thì ta gọi người đó là người xảo trá. Chúng ta đã xảo trá với chính bản thân của mình. Người khác xảo trá với ta, ta đau một lần, ta đau nhiều lần rồi ta vững. Nhưng nếu ta không hiểu thấu mình đang lừa gạt và xảo trá với chính mình, thì ta chính là kẻ ăn vạ với Phật và ta đang tạo nghiệp, làm sao còn có phước, làm sao có công đức. Mỗi người phải tự thân nhận thấy đã nhiều đời, nhiều kiếp luân hồi trong sanh tử khổ đau và phiền não chính là bởi vì ta đã quen thói của tuổi thơ ăn vạ. Ăn vạ với mẹ với cha, ăn vạ với hàng xóm, ăn vạ với miếu, đình, chùa, thiền viện, am thất, ăn vạ với Phật, Bồ Tát, thánh thần, tiên, rồi ăn vạ với quỷ ma.

Các bạn tới cửa chùa đi các bạn thấy, người ta lạy, người ta than trời ơi! Nhưng mà tinh vi rồi, người ta không dám nói ra sợ bị thâu băng, nhưng thần thức của họ đã thâu điều đó. Các bậc tỉnh giác đều nghe tiếng lạy Phật, “con lạy Phật, Bồ Tát, thánh thần, con lạy quỷ, lạy ma, con lạy hết bốn phương mười hướng, miễn sao con có đủ những điều con muốn”. Có, nghe thấy! Chúng ta đã lạy như vậy, trong khi Phật đã dạy cho chúng ta là Phật không thể thay đổi nhân quả, và trong khi ta nói rằng ta là Phật tử, ta là người học Phật mà ta cứ ăn vạ với Phật thôi. Ta đang xảo trá với chính mình. Ta đang lừa gạt với chính mình, đau, thật đau. Ta đang gian dối với chính mình, hết thuốc chữa.

“Ăn vạ với Phật” là có thật. Bạn cứ đi đi, tới các nơi thờ phượng, tu tập, đền miếu, chùa chiền, am thất đi, những ngày lễ lớn rằm, rồi những ngày lễ lớn cầu xin, ta nằm la liệt trên đất. Mà không những một cách bừa bãi mà còn hệ thống hóa thành những nghi thức tu tập ăn vạ với Phật. Phật đâu có dạy cho mình xin đâu, Phật đâu có dạy cho mình lạy và đập đầu xuống dưới đất cho bể đầu, bể trán, đổ máu ra. Phật đâu có nói ra mình trình diễn một màn kịch con khổ cái này, con khổ cái kia rồi thò tay xin đâu, Phật đâu có dạy cho mình nịnh bợ đâu. Mười pháp thiện Phật dạy rồi, phải chân thật mà. Nhưng chúng ta đã tới với Phật gian dối ngay từ bước đầu qua cung cách ăn vạ với Phật một cách khôn khéo.

Hôm nay, Bảo Thành muốn nhắc nhở chính mình và các bạn, Phật nói Phật không thể thay đổi nhân quả, hãy chấm dứt, đừng ăn vạ với Phật. Nhưng không phải vì vậy mà Phật bỏ rơi ta, Phật vẫn song song với ta. Phật nói con cần tiền hả? Phật nói con cần danh vọng, địa vị hả? Phật nói con cần có tình cảm được yêu thương, cần có nhà, có ăn uống hả? Được thôi, Phật dạy cho ta những phương pháp thiện lành, tích lũy phước báu và công đức để có được. Phật dạy rằng không có là bởi vì ta tạo nghiệp ác. Phật dạy và Phật sẵn sàng như người cha người mẹ gắn kết với chúng ta mãi mãi. Để hướng dẫn, để dìu dắt cho ta trưởng thành và làm được những điều Phật dạy để thay đổi nhân quả của chính mình. Để kiến lập được phước báu và công đức. Để thành tựu được sự an lạc, hạnh phúc và bình an. Để thoát khỏi kiếp ăn mày ăn xin. Để thoát khỏi cảnh ăn vạ với Phật để trưởng thành. Để hãnh diện rằng ta là con Phật, ta là đệ tử của Phật, ta là Phật tử. Đã đến lúc ta phải hiểu được điều này, đừng bị lầm vào dưới mọi hình thức tinh vi chuyển tông.

Ngày nay giới trẻ rất thích thể loại âm nhạc gọi là remix, là xáo trộn trở lại cho nó hợp thời trang. Giới trẻ thích lắm bởi vì âm tiết cực độc ở chỗ nó nhộn nhịp điên cuồng, remix, âm nhạc remix, tuổi trẻ say gọi là hòa âm trở lại. Chúng ta không cần remix hoặc hòa âm trở lại, mà chúng ta chỉ cần trở về với lời chân thật của bậc giác ngộ đã dạy là Phật không thể thay đổi nhân quả. Ai tạo ra nhân quả gì người đó phải tự thay đổi. Nhưng Phật có phương pháp hướng dẫn cho ta thay đổi nhân quả do ta tạo, hiểu được điều đó để chúng ta, mọi người phải chấm dứt ăn vạ với Phật.

Sắp tới ngày lễ Phật đản rồi, rằm tháng tư, các bạn lại thấy thôi, thiếu gì cảnh ăn vạ với Phật ở cửa chùa. Các bạn lại nghe được những điệp khúc ve sầu, rầu rĩ, “con lạy, con lạy, con lạy” cứ thế mà lạy, ăn vạ. Sao chúng ta không tới với Phật và nói rằng “Phật ơi! Con là học trò, con tới xin thầy dạy cho con cách làm sao đó để dừng tạo ra nghiệp chướng, hiểu rõ được ác nghiệp, hiểu được nhân quả thiện ác, hiểu được luân hồi sanh tử và làm chủ được mọi tạo tác từ thân ngữ ý, để con thay đổi nhân quả của cuộc đời của con?”. Sao ta không nói được điều đó? Ta tới trường ta được hấp thụ một nền giáo dục ngay từ thuở nhỏ, chúng ta thường trình với thầy, với cô, “Thưa cô! Thưa thầy! Con không biết làm toán, không biết viết văn, không này, không kia”. Và thầy cô dạy cho chúng ta, dạy tại lớp, dạy kèm tại nhà. Phật không những dạy ở trường học, trường đời, mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, Phật còn dạy kèm cho chúng ta trong từng kiếp. Hãy tới với Phật như một vị thầy và hãy tới với Phật là một vị học trò. Đừng ăn vạ, trưởng thành đi, đứng dậy phủi sạch tâm tánh ăn vạ của trẻ thơ đi. À, mà các bạn biết không, ăn vạ của trẻ thơ là bởi vì còn trẻ đôi chút dễ thương, nhưng ăn vạ khi lớn rồi nó tồi tệ dữ lắm, nó xấu lắm, nó tội lỗi tạo nghiệp, nhìn nó trơ trẽn, nhìn hay không. Dừng, dừng nha các bạn!

Bảo Thành và các bạn phải hứa với lòng mình ngừng ngay ăn vạ với Phật. Phải tu trí tuệ, thiền trí tuệ và từ bi để thương những ai còn tật cố ăn vạ với Phật. Phải có trí tuệ để nhìn thấu sự biến tướng, phương pháp ăn vạ dưới mọi hình thức, mê tín dị đoan, cầu cúng, chẩn tế, ma chay, giải hạn, cúng sao, đủ thứ. Đó chỉ là một hình thức biến tướng để cung cấp cho sự ăn vạ với Phật của ta. Những điều đó hoàn toàn sai, hoàn toàn sai dưới mọi hình thức. Bởi Đức Phật đã nói Phật không thể thay đổi nhân quả. Vậy nên dưới mọi hình thức cầu xin, cúng kiếng, nhờ vào các bậc thầy lớn tụng, múa quay cuồng, xoay xoay, bắt ấn, tụng kinh, chuông trống, để mà giải nghiệp, thì đó – các bạn phải nhớ chỉ là phương tiện, phương tiện gì? Phương tiện giải tỏa tâm lý của chúng ta chứ không giải được nghiệp. Chỉ là phương tiện giải tỏa tâm lý cho những người sống và có thể giải tỏa một phần tâm rối loạn của ai đó, nhưng đưa tới một sự mù quáng hơn của những thần thức đã không còn thân là phương tiện. Những hình thức này dần dần phải được dừng lại và được khai thông thật rõ, để dẫn đưa mọi người tới với Phật bằng công hạnh thực chứng qua sự thực tu.

Nhớ về cuộc đời 45 năm trời của Phật, chưa một lần Đức Phật ứng dụng các phương pháp chẩn tế, cúng kiếng, giải hạn, cầu sao, dâng sớ, ban bố để thay đổi nhân quả của người còn sống cũng như người đã mất. Phật nói mà, Phật nói chân thật, Phật không đi ngược lại những cái điều Phật nói, Phật không thể thay đổi nhân quả. Ăn vạ với Phật trong thời đại mới này tinh vi lắm, nếu bạn không tu bằng trí tuệ không nhìn ra được đâu. Nếu bạn không mang lòng từ bi để đối xử với nhau, để gội rửa, tẩy uế trược trong tâm thì thôi rồi, xong. Chúng ta đang giết chết chính cuộc đời, cuộc đời này mà rất may mắn ta được mang thân kiếp làm người.

Các bạn, xin các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Thưa Phật! Chúng con đã tập thói ăn vạ của trẻ thơ, biến tướng tinh vi thành ăn vạ cửa Phật, ăn vạ với Phật, Bồ Tát, thần thánh, với mọi đấng linh thiêng. Hôm nay hiểu thấu, một lòng sám hối. Nguyện xin là người học trò giỏi để Phật và Bồ Tát hướng dẫn, dạy dỗ cho chúng con phương pháp thay đổi nhân quả của chính mình bằng các thiện nghiệp để thay đổi ác nghiệp nhiều đời đã tạo.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang! (07 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy cùng nhau hồi hướng.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts