Search

Bài 2231. Đứng Núi Này Trông Núi Nọ

Thu Hằng đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, Facebook Chùa Xá Lợi.

Hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật!

Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật!

Thưa Phật! Chúng con nguyện xin chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con luôn biết chánh niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để nhận rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Xin chư Phật tác đại chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy nhớ lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở vào ra trong chánh niệm, đón nhận được thật nhiều năng lượng của chư Phật ban rải xuống cho chúng ta. Hãy luôn nghĩ tới những đấng bậc sinh thành, gia đình bạn bè và tất cả mọi người trong cộng đồng ta đang chung sống. Nguyện muôn người được an vui, được mạnh khỏe, hết phiền, hết não, tinh tấn tu học.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, chủ đề ngày hôm nay “Đứng Núi Này Trông Núi Nọ”. Ai trong chúng ta cũng luôn luôn bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ y như câu thành ngữ ngày hôm nay, chúng ta đứng ở núi này chúng ta trông núi nọ, luôn luôn cao hơn. Những gì chúng ta có, những gì ta đang tiếp cận được không bao giờ chúng ta để tâm và trân quý, nhưng lúc nào cũng ngóng, cũng nhìn, cũng với về những thứ chưa thuộc, chưa có hoặc là của người khác. Là con người ai cũng có bản tính như vậy, ta có suy nghĩ tại sao như thế không? Mà hầu hết chúng ta cứ để như vậy rồi sống theo tư tưởng đó.

Trong xã hội ngày xưa và ngày nay, thật nhiều người khi họ muốn làm giàu họ hiểu được tâm lý này, họ áp dụng vào trong thương trường. Và thế là chúng ta cứ chạy đuổi theo những sản phẩm mới, dù mới mua một vài ngày, thậm chí mới mua về đã chán ngay, bởi một sản phẩm mới lại được quảng cáo, nó ập vô trong con mắt thèm quá, thích quá. Đồ mới mua xài chưa xong đã bỏ đi mua thứ khác; hoặc vừa mới mua xong về nhà gặp được người bạn hoặc ai đó sử dụng một thứ khác thường là ta đã nhàm chán cái của ta, rượt đuổi theo những của người. Tâm tham nó làm cho chúng ta lúc nào cũng đói, đói về mặt vật chất, về mặt tiền bạc, ngay cả về sắc dục, tình cảm, mối quan hệ. Có  cái này còn nóng hổi đó đã quẳng bỏ tìm thứ mới. Thật là vất vả cho kiếp người cứ phải chạy đuổi để tìm những thứ mà chúng ta không nắm bắt rõ được. Còn biết bao nhiêu những thứ thuộc về ta, đang ở với ta, ngay cả trong đời sống tình cảm, tinh thần như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, khi ông bà, cha mẹ, vợ chồng còn đó ta không bao giờ trân quý đâu, để mất rồi mới nuối tiếc. Thậm chí ta sống trong gia đình của mình mà cứ ngóng ngóng so sánh với gia đình người khác.

Không phải chỉ có cuộc đời mà ngay cả trong sự tu tập của Phật pháp, chúng ta cũng bị sự so sánh, đứng ở núi này trông núi nọ; hoặc đứng trên núi của mình cho mình là đỉnh ở trên cao, núi họ thấp. Mang cả hai dòng tư tưởng, một là thấy núi mình đứng cao, hai là thấy núi mình đứng thấp hơn, lẫn lộn cả hai. Từ đó, mà đâm ra chấp pháp. Người tu pháp môn này, pháp môn phương tiện này luôn luôn đôn lên cho thật cao, để rồi nhìn các pháp môn khác tầm thường, chê bai dèm pha. Đó là một tình cảnh xưa cho tới bây giờ, tạo ra sự xáo trộn ở trong các lớp tu, các tịnh thất, chùa chiền. Khi chúng ta tới tu pháp môn mình yêu thích, tất cả các pháp môn khác đều bị chê bai. Cũng có một số Phật tử theo thầy của mình; hoặc theo chùa mình gần gũi tu tập một thời gian pháp môn đấy, nhưng khi nghe về những pháp môn khác thì lại cảm thấy những pháp môn khác cao siêu, huyền bí, đâm ra đứng ở chỗ mình đang tu mà chẳng trân quý pháp môn mình đang tu, chẳng chịu tu tập, ngớ ngớ, ngóng ngóng, tìm hiểu, kiểu gì hay hơn, pháp môn nào hay hơn để chạy đuổi. Thế nên ở đời Phật tử ta cứ thay chùa như thay áo, đổi sư phụ như món quà mua ở chợ, chẳng bao giờ nhất tâm mà thực hiện. Dù chính Đức Phật đã nói, tất cả các phương tiện của Ngài truyền dạy cho chúng ta không có pháp nào cao và tuyệt đối cả, đều chỉ là phương tiện. Một câu kinh, một câu kệ, một chữ, một pháp môn tu mà thành tựu đến sự chứng ngộ thì đều như nhau và đều giác ngộ như nhau. Nhưng chúng ta, hàng Phật tử tại gia không chấp nhận lời của Phật và nhiều sự quảng cáo của các pháp môn do các bậc thầy lớn trong thiên hạ cũng luôn luôn đề bạt pháp môn đó là đệ nhất pháp, cao nhất, cao tột nhất, tư tưởng đó đi sâu vào tư tưởng của đệ tử, của Phật tử, và thế là luồng tư tưởng chấp pháp thấy núi này cao núi kia thấp.

Có câu chuyện kể về một chú tiểu đi tới chân núi thọ quy y với Phật–Pháp–Tăng, thọ năm giới. Sau xuất gia, ở luôn tại chùa cùng với sư phụ của mình ngay dưới chân núi. Ngày nào cũng nhìn lên trên ngọn núi cao chót vót, ngưỡng cổ lên nhìn, tại vì thất của sư phụ ở dưới chân núi mà. Vị sư phụ thấy chú tiểu cứ ngưỡng cổ nhìn lên trên núi mới hỏi rằng: “Này con ơi! Con ở dưới chân núi cùng với thầy, con nhìn ngọn núi này con cảm giác và suy nghĩ như thế nào cho sư phụ biết?”

Chú tiểu cảm thấy hứng thú và nói với sư phụ rằng: “Thưa Sư Phụ! Con thật may mắn được sư phụ nhận làm đệ tử, sống dưới chân núi và có cơ hội nhìn quả núi này thật to, thật lớn, thật hùng vĩ.”

Sư phụ nhìn chú tiểu cười và nói: “Thật là một cái nhìn tuyệt vời khi đứng ở trên núi, nhìn lên con thấy như vậy tuyệt quá. Thôi chuẩn bị sư phụ dắt con lên trên đỉnh núi.”

Sư phụ dắt chú tiểu lên núi, đi một thời, chú mỏi chân, chú thấy núi này sao dốc quá, chẳng có bằng phẳng, đá hai bên trên con đường đi chẳng có đẹp, đầu gối mỏi thêm chút nữa, bắp chuột cũng cứng đơ rồi, đi cũng khập khiễng, chú lại nhìn thấy cây mọc trên núi sao nó trơ trọi chẳng có đẹp. Nhưng sư phụ đã lên, chú phải lật đật chạy theo, cố lắm tới được đỉnh núi. Sư phụ hỏi “Con ơi! Quả núi này như thế nào?”

Chú nói: “Thưa Sư Phụ! Quả núi này con đường đi xấu quá, đá thì gồ ghề chẳng có đẹp, cây cối mọc lộn xộn nhìn không có hay”

Sư phụ mới nói: “Thôi con à! Chuyện đã vậy thì con hãy mang tầm mắt nhìn xa xem, đứng trên đỉnh núi rồi con thấy gì?”

Chú ta chợt cười vui vẻ và nói với sư phụ: “Thưa Sư Phụ! Lên tới đây con mới thấy biết bao nhiêu đỉnh núi ở đằng xa kia cao và đẹp quá trời, có thể nào sư phụ dắt con lên những đỉnh núi kia hay không?”

Sư phụ mới nói chú tiểu rằng: “Con ơi! Điều con chưa biết bao giờ nó cũng đẹp, điều con biết rõ con không còn cái tâm trân quý, dễ bị nhàm chán và chê bai. Để từ đó, đứng trên đỉnh núi mà một thời con cho là đẹp hùng vĩ, con nhìn thấy những đỉnh núi khác con lại mơ ước.”

Một bài học đó sư phụ nói với chú tiểu trong Phật pháp, Đức Phật dạy tất cả các pháp môn khi lên tới đỉnh cao của trí tuệ, thẩm nhập vào và đã chứng đắc giác ngộ, thì nhìn tận hư không pháp giới đều bình đẳng tánh và trí. Chẳng có pháp nào cao, môn nào thấp; chẳng có ngọn núi nào là hùng vĩ cả mà chỉ có một sự nhìn thấu và rõ được vạn pháp đều là không, mênh mông vô tận.

Các bạn, thành ngữ đứng núi này trông núi nọ xảy ra thường xuyên trong cuộc đời, làm cho tâm của ta thường không có vững. Trên con đường tu học Phật, nếu mang tư tưởng như vậy đi vào thiền môn, chùa chiền, chúng ta thật khó thành tựu. Khi đứng ở ngoài, chẳng khác gì chú tiểu nhìn lên đỉnh núi thấy hùng vĩ, nghe nói tới pháp môn ta tu, ta mơ ước lắm nhưng để lên trên đỉnh núi kia chú tiểu phải bước, phải nhọc công, phải mỏi đầu gối, phải xơ cứng bắp chuối, có lúc tưởng chừng không thể đi được nữa. Trên con đường đạo, nhất định biết bao nhiêu chướng ngại, trở ngại, chẳng phải đá ở núi không đẹp, cây mọc nhấp nhô mà bởi vì nghiệp chướng, ác nghiệp nhiều đời ngổn ngang trong tâm. Lên đỉnh cao sơn để gặp Phật, thoát qua nghiệp chướng để gặp Bồ Tát, hẳn là cần công hạnh thật kiên nhẫn và nhìn thấu. Nhưng trên con đường đi chùng chân mỏi gối bởi bao nhiêu ác nghiệp nhiều đời ta tạo, thường nghe được tiếng thì thầm của những người khác nói về pháp môn khác, mà ta sao nhãng chẳng chuyên chú tu tập pháp môn mình đang tu. Đâm ra chúng ta nản chí, từ bỏ mà rượt đuổi, chạy mãi từ đạo tràng này tới đạo tràng kia, từ chùa này tới chùa kia, từ thầy này tới thầy kia, pháp môn này pháp môn kia, pháp hội này pháp hội kia. Trong khi tu là để có Chánh Định, nhưng mà ta tu tâm ta luôn lung lay như cờ treo trước gió, cứ gió chiều nào bay chiều đó, nghiêng nghiêng ngã ngã, Chánh Định không thấy mà thấy tâm nó lung lay, bấn loạn. Rồi đôi khi đi vào pháp môn của mình hoặc thuận buồm xuôi gió đi trên con đường lên đỉnh núi thấy nó đẹp, ta ca tụng, ta thích. Đang đứng ở sườn núi thôi, mà cảm như đã là đỉnh rồi, nhìn qua những ngọn núi khác thấy nó thấp tè chê bai. Cứ như vậy, trong tất cả các pháp môn tu tập, từ tu thiền, tu tịnh, tu mật, tụng chú, trì chú, tụng kinh, đọc kinh, dưới tất cả mọi dạng, chúng ta cứ lấn cấn, tranh chấp, chê bai, dèm pha, đi chẳng tới đâu.

Đức Phật dạy, pháp của Ngài là pháp thực tế để nhìn rõ cái khổ, chuyển hóa khổ, để thành tựu hạnh phúc. Nhưng sao trên con đường tu Phật ta không chuyển hóa được khổ của mình mà còn tạo khổ cho muôn người? Điều đó xảy ra là bởi vì tâm của chúng ta chưa có vững, luôn luôn bị dao động bởi nghiệp thức nhiều đời. Cứ nhìn lại bản thân trên con đường tu của mình, chúng ta đều nhận ra đã từ lâu chúng ta chưa ổn định tinh thần, chưa có một niềm tin bất thối vào Tam Bảo Phật–Pháp–Tăng, chưa giữ được giới. Từ đó mà các pháp môn chúng ta tu chẳng qua là mới ở tầng thử mà thôi, chưa có sự nhất tâm tu, thử thôi. Thử là cũng đỡ lắm rồi, nhiều người còn thử chơi pháp môn này, pháp môn kia, chùa này, chùa kia, đi chùa thử, tu thử, cái gì cũng muốn thử. Cho nên hạnh phúc nó cũng thử ta bằng cách bao nhiêu điều chướng ngại tới, mà tầm tay với hoài chẳng bao giờ chạm vào được sự hạnh phúc và an lạc. Do đó sự mê tín dị đoan trên con đường tu dễ xảy ra, để chúng ta từ bỏ con đường tu đó mà đi cầu cứu các vị thần; hoặc những lời hứa suông của những người đang sống cho ảo giác. Mặc dù khi vào con đường tu học Phật pháp ta đã được nhắc nhở và hiểu thấu, cũng như đã tin vào nhân quả thiện ác. Nhưng sau một thời gian tu thiện ác, điều mà Phật nói về nhân quả đó chẳng còn. Chính là bởi vì tâm của con người quá mong manh, yếu đuối, thường so sánh, do tâm sân tham, vừa tham vừa sân, có sự đố kỵ, chưa có lòng tu tập trong tâm hỷ xả và tùy hỷ.

Các bạn có biết tâm tùy hỷ đó, phước báu tạo được thậm chí còn cao hơn cả tâm bố thí nữa các bạn, bởi trong tùy hỷ bạn đã có tâm xả bỏ, không ghen tị, không chấp. Chính vì vậy khi nhìn thấy sự thành tựu của người khác, sự thành công của người khác bạn luôn hoan hỉ, bạn luôn hạnh phúc, bạn không đố kỵ, bạn không chấp, cho nên bạn đã tạo được vô số công đức. Để mỗi người chúng ta đừng bị dính vào tư tưởng đứng núi này trông núi nọ, trong công hạnh tu Phật, luôn luôn phải nhớ lời Đức Phật dạy, tất cả các pháp môn phương tiện của Ngài dạy, khế cơ và khế lý, tùy theo nhân duyên, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo phước báu của mỗi người mà mỗi người chúng ta sẽ thấy pháp môn mình tu nó phù hợp. Điều gì chứng tỏ pháp môn ta tu là phù hợp với ta, đó là dấu hiệu của đau khổ, phiền não không còn nhiều và nếm được hương vị của hạnh phúc, bình an. Nếu bạn tới chùa, nếu bạn gặp quý Thầy, nếu bạn tu dù là niệm Phật, dù tịnh độ niệm Phật, thiền mật; hoặc Kim Cang thừa; hoặc tu thiền theo tất cả các hệ phái bạn thấy an vui hạnh phúc, đó chính là dấu chỉ đó các bạn. Tốt lắm, thành tựu đấy! Và bạn thấy sự đau khổ phiền não không còn lưu lại trong tâm dài ngày, dài hạn, dài tháng, dài năm, đó là dấu chỉ của sự thành tựu – tốt! Còn nếu như pháp môn bạn tu mà thấy khổ đau nó tràn đầy, hạnh phúc thì không thấy, chẳng phải pháp môn đó sai các bạn, mà chính là pháp môn đó không phù hợp với căn cơ của bạn.

Con người có số, không phải là số mệnh nha các bạn nhưng mà có kích thước đó, đi giày còn có số, mặc áo còn có số thì đi tu nó cũng phải phù hợp. Vậy nên Phật mới trao truyền thật nhiều các pháp phương tiện mà trong kinh gọi là trận pháp, tức là cần phải có một sự lựa chọn phù hợp pháp môn. Mà pháp môn phù hợp là pháp môn như Bảo Thành vừa nói, chúng ta tu chúng ta thấy hạnh phúc, chúng ta thấy bình an, chúng ta thấy bớt phiền não, bớt đau khổ, đó là dấu hiệu tuyệt vời của những pháp môn phù hợp với chúng ta.

Luôn luôn phải tự nhắc nhở Phật đã dạy tất cả mọi pháp môn khi đã phù hợp với mình rồi thì mình tinh tấn mà tu. Bởi thành tựu được pháp đó thì vạn pháp môn khác cũng như thế, đi đến sự chứng đắc, chứng ngộ được an vui, hạnh phúc, lìa khổ, bớt não phiền, thì pháp môn nào cũng bình đẳng như nhau, chẳng khác biệt. Hiểu thấu như vậy để bớt đi sự tranh cãi, tranh giành, so đo, rượt đuổi, núi này trông núi kia, tạo khổ cho riêng mình. Nhớ chú tiểu đứng ở dưới chân núi thấy ngọn núi hùng vĩ bao la, đi lên mệt mỏi quá là chê liền. Trên con đường tu có những lúc chúng ta chùn chân, mỏi gối bởi càng lên trên cao mà, nhưng các bạn phải nhớ khi mỏi chân, mỏi gối là biết ta đã lên được một tầng cao rồi, một tầng cao hơn rồi. Và chính vì lên tới đỉnh núi đó là lên tới đỉnh cao, nên ta mới có cơ hội nhìn thấy được tất cả những đỉnh cao khác của núi khác. Nhận thức như vậy mới thấy tuyệt vời, mới thấy rằng tất cả các đỉnh núi đều cao mới thấy tuyệt vời. Còn nếu đứng ở dưới nào thấy đỉnh núi cao, rồi nào từ đỉnh núi cao mà thấy được những đỉnh núi khác cao.

Trong cuộc sống nếu chúng ta có thể đi lên chiều cao của tình thương, kính trọng, trân quý lẫn nhau và được tất cả những tình yêu thương chân thật đó nâng ta lên một tầm cao để có thể nhìn thấu được tâm can của nhau, thì hạnh phúc khôn xiết. Chẳng bao giờ chê bai, dèm pha nhau, chẳng bao giờ ánh mắt ngóng ra khỏi cửa sổ mà đắm đuối tìm theo những hình bóng mơ màng để rồi quên đi những con người ta đang sống chung. Chúng ta nhớ, chính đi lên trên đỉnh núi đã tạo cho ta có tầm cao để nhìn rõ, chính đi vào chiều sâu của tình yêu thương trân trọng lẫn nhau, đã đưa ta lên tầm cao của nhận thức tình người cao quý. Đứng núi này trông núi nọ thường xảy ra trong cuộc sống bộn bề nhiều ghen tị, so đo, tranh đua. Và nếu như bạn còn quan niệm như vậy thì chính là trong tâm bạn vẫn còn quá rối rắm bởi những năng lượng ghen tuông, so đo, tranh đua, làm sao có thể an được? Và cả cuộc đời của bạn sẽ luôn chới với, bởi chẳng thể lên trên được đỉnh núi cao, chẳng thể đạt tới được chiều sâu hiểu biết và tình thương giữa người với người. Rất hời hợt, chỉ là thử chưa có thật, tình cảm mà chỉ thử không thật thì thứ tình cảm đó là thứ tình cảm mang lại phiền não đau khổ. Trên con đường đạo, nếu chỉ thử mà không nhất tâm đi vào với công hạnh miên mật, sự hời hợt đó chẳng bao giờ bạn có thể thành tựu được đạo quả, hạnh phúc, bình an làm sao có thể tới được với bạn.

Những người thương gia, những người buôn bán, thị trường tiếp thị ngày nay hiểu được yếu tố đó nên thường kích thích chúng ta. Từng sản phẩm đưa ra phù hợp với thời gian, để chúng ta hao tổn quá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức chạy theo đuổi theo những cái mốt, những sản phẩm, từng giây phút luôn luôn bỏ ra để thử chúng ta. Đó là một hình ảnh nhìn thật rõ trong đời thường về vật chất, về tinh thần, về tình cảm cũng luôn như vậy. Con đường Phật pháp rối ren nhiều chính là bởi vì ta đưa những suy nghĩ đời thường ứng dụng vào Phật pháp nên sai. Không có một mặt hàng nào trong thế gian mà người ta nói mặt hàng này và mặt hàng kia đều như nhau, họ luôn luôn bảo vệ mặt hàng của họ. Cho nên khi tiếp cận với họ, sự quảng cáo của họ thường hấp dẫn chúng ta. Nhưng Đức Phật thì khác, phương tiện của Ngài thì nhiều vô số, nhưng Ngài khẳng định với chúng ta rằng vô số phương tiện Đức Phật truyền trao đều bình đẳng, đều như nhau. Chỉ cần phù hợp căn duyên phước báu, thọ nhận pháp đó rồi chuyên chú tu thì sự thành tựu đều kết quả như nhau. Hiểu thấu như vậy chúng ta sẽ tránh xa được tâm phân biệt.

Ngày nay, có nhiều vị tu đạo tại gia cũng như xuất gia so bì quá đáng, nâng cao đẳng cấp pháp môn mình tu, dèm pha chê bai pháp môn của người khác. Cái cách như vậy thường làm cho những Phật tử, những người tu tập khi chưa có Chánh Định bị lung lay, rồi một bên thì quảng bá pháp môn mình là cao siêu kỳ diệu; một bên chưa đứng vững xiêu xiêu, vẹo vẹo chạy đuổi rượt theo lung tung như con lăng quăng. Đến khi hết sức thở hắt ra, chết đi rồi chẳng thành tựu được điều gì, lại đắm chìm trong luân hồi đau khổ, uổng phí cả kiếp người ông bà cha mẹ tạo dựng sinh ra ta. Chúng ta nhớ, trên con đường Phật pháp. thuở ban đầu học cần nghiên cứu thật rõ pháp môn mình tu và cần tìm hiểu về vị thầy của mình coi có phù hợp hay không, khi chúng ta tìm hiểu đã rõ và chúng ta đã quy y với Phật–Pháp–Tăng, nương theo vị thầy đó để học giáo pháp. Chúng ta nhất định phải chuyên chú tu, đừng để cho những sự quảng bá, đừng để cho những sự hào nhoáng bằng những ngôn lời huyền bí, mỹ miều làm cho ta điên đảo, cuống cuồng chạy theo.

Lời của sư phụ nhắc cho chú tiểu thật rõ, khi thật sự hành vào pháp, cũng như thật sự bước chân lên đỉnh núi sẽ có sự mệt mỏi. Nhưng nếu không trải qua sự mệt mỏi sao có thể lên được đỉnh núi, đỉnh cao sơn? Mà nếu không lên trên được đỉnh cao sơn làm sao có cơ hội nhìn thấy những đỉnh núi khác cao? Cho nên pháp của nhà Phật, công hạnh nhất định sẽ đau đớn, sẽ mệt mỏi, bởi vì sao? Bởi ta phải gọt giũa, đục đẽo những tảng đá bám chặt nhiều đời đã tạo quá quen thuộc rồi bởi ác nghiệp. Biết bao nhiêu những ác nghiệp, bất thiện nghiệp tham–sân–si đã quá quen thuộc với chúng ta. Cho nên lên trên đỉnh là bước chân phải bước lên trên cao, cơ bắp chưa quen, đầu gối sẽ mỏi, con chuột sẽ cứng, nhưng nếu bạn bỏ cuộc bạn chẳng bao giờ lên đỉnh núi được. Nếu bạn vượt qua sự chướng ngại mệt mỏi của đầu gối và cơ bắp bạn sẽ lên trên tới đỉnh núi và đứng trên đỉnh bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy trùng trùng, điệp điệp những đỉnh núi cao ở trong không gian vũ trụ, tầm nhìn bạn có thể thấy.

Trong thiền mật song tu, chúng ta quán chiếu về trí tuệ và từ bi. Để đạt tới đỉnh của trí tuệ, con đường từ bi là công hạnh mọi người phải đi qua, chẳng ai có thể đạt được trí tuệ mà Phật khai thị nếu vắng bóng tâm từ bi. Từ bi được thể hiện qua hạnh bố thí, phóng sanh và sự san sẻ yêu thương đối với những mối tình cảm mà hằng vô lượng kiếp ta tu mới có thể gặp gỡ nhau, là cha mẹ, ông bà, là vợ chồng con cái, là người thân, là bạn đồng tu. Rồi với những mảnh đời bất hạnh ta gặp ở đời để thực hiện hạnh bố thí, phóng sanh. Bố thí, phóng sanh, hành thiện, trừ ác, đó là con đường tỏ lộ tâm từ bi, con đường đó nếu không ai đi qua thì chẳng bao giờ đạt được trí tuệ và nếu người nào không đi trên con đường từ bi ấy thì chẳng thể có trí tuệ. Những bậc có trí tuệ là những bậc luôn luôn đi qua con đường của tâm từ bi. Thiền quán từ bi là con đường dẫn tới thể nhập vào trí tuệ, quán chiếu trí tuệ để nhận rõ được tất cả các pháp môn đều bình đẳng, thấu rõ được vô thường, khổ và vô ngã. Nếu đúng, bạn thực hành trong từng hơi thở chánh niệm, sự so sánh giữa núi này và núi kia chẳng còn chỗ đứng trong tâm của bạn. Ý niệm trong thành ngữ đứng núi này trông núi kia, đứng núi này trông núi nọ sẽ không ảnh hưởng đến bạn nữa và bạn sẽ luôn luôn biết trân quý những mối giao hảo, tình cảm đối với tất cả những ai đang hiện hữu trong cuộc đời. Bạn sẽ trân quý tất cả những pháp môn bạn đang tu tập, bạn sẽ là người có Chánh Định, có tâm vững chãi và bạn sẽ đón nhận được nguồn từ bi và trí tuệ khởi lên từ tâm của chính bạn, bạn sẽ nếm được hương vị của hạnh phúc và sự an lạc.

Ngày nay, trên phương tiện truyền thông nhìn ở trên mạng, nhất định bạn phải luôn luôn trực diện tới những vấn đề quảng cáo của các mặt hàng trong xã hội gọi là tiếp thị và các pháp môn tu tập cũng được đôn lên ở đỉnh cao của ngôn ngữ, từ đó mà chúng ta chới với, chẳng thể đi vào sự tu tập. Nếu bạn đứng ở trên núi nhìn lên đỉnh cao, nếu bạn đứng ở vực sâu của đau khổ nhìn lên đỉnh cao của trí tuệ, nhất định phải nương theo sự hướng dẫn của sư phụ mình, để rời am thất dưới chân núi lên trên đỉnh. Con đường đó chướng ngại sẽ có nhưng vượt qua rồi thì đỉnh cao của sự giác ngộ là hạnh phúc, là bình an. Tới đỉnh cao của giác ngộ hạnh phúc và bình an phải đi qua con đường của tâm từ bi, suối nguồn từ tâm và suối nguồn từ tâm đó nhất định luôn luôn có tràn đầy ánh sáng của trí tuệ.

Chúng ta nhớ thời đại này không bao giờ để cho tư tưởng pháp môn này, pháp môn kia cao và thấp ràng buộc chúng ta. Để chúng ta đối pháp chấp pháp, đối cảnh chấp cảnh, đối tướng chấp tướng, đối tâm chấp tâm, cái gì cũng chấp. Để những thứ gì ta đang có chẳng biết trân quý, hời hợt để khi tuột khỏi tầm tay, hối tiếc và than khóc. Hãy nhớ, tìm hiểu thật kỹ các pháp môn mình đang tu, nếu đã dấn thân đi vào phải chuyên chú, phải giữ vững tâm bất thối. Và trong mối giao hảo của cuộc đời phải tìm hiểu thật kỹ, tình cảm của ông bà, của cha mẹ, của vợ chồng, của bằng hữu, của các bạn đồng tu, khi đã tìm hiểu chúng ta nhất định sẽ luôn luôn trân quý những đấng ấy. Bởi như Phật nói, tu hành vạn kiếp mới có cơ hội gặp nhau, đã gặp nhau rồi cần phải trân quý. Đừng ngồi mà hóng ra ngoài, mơ tưởng về một hình bóng không thực sẽ đến với chúng ta, đó là ảo tưởng và sẽ gây ra đau khổ phiền não cho cuộc sống của chính ta và những người đang gần gũi.

Hãy đặt bàn tay trí tuệ và từ bi vào với nhau.

Thưa Phật! Chúng con thường hay so sánh, đố kỵ, bon chen để rồi cứ tầm cầu những chuyện hão huyền gây khổ não cho nhau. Trên con đường tu chúng con bị hấp dẫn, bị lôi kéo nên không có Chánh Định. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con thể nhập vào từng hơi thở của chánh niệm, lấy Trí Tuệ để soi sáng, lấy Từ Bi để nuôi dưỡng đạo hạnh. Xin chư Phật gia trì cho chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo ra chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts