Search

2232. Nghiệp Chướng Tuôn Ra

Bảo Tuệ Uyên đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thấu rõ vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho cha mẹ của chúng con tăng long phước thọ, bớt phiền bớt não, thân tâm thường an lạc, và nguyện siêu cho chư hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Xin chư Phật tác đại chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!

Lấy Từ Bi nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương và lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát. Chúng ta hãy trở về với Chánh Niệm hơi thở nhẹ nhàng hít vào thở ra, quán chiếu và gắn kết với mười phương chư Phật, lãnh nhận năng lượng yêu thương.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:22) Các bạn thân mến, chủ đề ngày hôm nay: “Nghiệp Chướng Tuôn Ra”! Các bạn, là nghiệp chướng, chướng ngại đó, nó tuôn ra trong cuộc đời của mỗi người chúng ta! Quý Phật tử tại gia hoặc bất cứ những ai không là Phật giáo nghiên cứu và tìm hiểu về Phật giáo đều nhớ rằng cốt lõi của Đức Phật dạy là nhân quả nghiệp báo. Mọi khổ đau, mọi phiền não đều tới từ những nghiệp ác đúc kết lại tạo thành nhân và trổ quả. Những sự hạnh phúc, bình an, sự êm ấm, sự vui vẻ, thành đạt cũng đều do nghiệp nhưng đều là những thiện nghiệp. Những việc lành, việc thiện ta đã tạo tạo thành nghiệp, kết lại thành cái nhân trổ quả mỹ mãn. Vậy thì chúng ta, chư vị đại đức Tăng, những bậc tôn túc, quý Phật tử tại gia, tất cả mọi người chúng sanh, các vị Thánh, các chư vị Bồ Tát và các vị gọi là Phật trước khi thành Phật, đều bị chi phối bởi nghiệp, nghiệp ác và nghiệp thiện gọi chung là nghiệp do nhân quả của mỗi người chúng ta tạo ra trải qua nhiều kiếp tới thời trổ và ta phải hứng chịu. Nhân quả của ác nghiệp tạo thành nghiệp chướng cản trở, tạo ra những oái oăm, đau khổ, phiền não. Trong những công việc ta làm hằng ngày, trong những mối giao hảo tương tác giữa người với người, giữa vật với người, cộng đồng, xã hội, mọi sự ở trên đời xảy ra đều do nghiệp chi phối. Sống bình thường như mọi người đều ảnh hưởng bởi nghiệp chi phối, nghiệp thiện và nghiệp ác. Hầu hết trong chúng ta nghiệp chướng tuôn ra nhiều lắm, bởi vì chúng ta chưa được hướng dẫn và ý thức làm sao để ngừng tạo nghiệp và ngăn chặn những nghiệp chướng tuôn ra. Dẫu rằng mỗi người chúng ta đều học Phật nhưng học qua loa, học thuộc lòng, học cho có, đôi khi nghiên cứu kinh điển thật sâu nhưng ứng dụng thì nông cạn. Nghiệp chưa dừng tạo thì nghiệp chướng chẳng thể ngừng tuôn. Do đó Bảo Thành và các bạn, mọi người trong chúng ta, mỗi một ngày trôi qua đều phải đương đầu với những chuyện bất như ý, những chuyện không may, những chuyện không hay, phải gặp những người gây ra phiền não, nghịch ý, phải gặp những cảnh mang lại sự buồn, đau khổ, thất thoát, đủ hết, ngày nào cũng có, nghiệp chướng luôn tuôn ra.

Về khái niệm của giáo lý nhà Phật ta đều hiểu, tất cả các nghiệp dù là chướng hay thuận, ác hay thiện đều khởi ra và tuôn ra từ thân – tức là những hành động nơi thân, từ ngữ – tức là những lời nói ta tương tác giao tiếp và từ ý – những suy nghĩ ta khởi lên ở trong đầu. Ai cũng hiểu được điều này, ai cũng thông, tụng kinh, sám hối, từ vô thủy vô chung mọi sự nghiệp chướng xảy ra đều từ thân – ngữ – ý, biết thế nhưng mấy ai ngừng tạo nghiệp từ thân – ngữ – ý, biết vậy mà mấy ai có thể tu cái tâm, cái ý, tu cái miệng, cái khẩu, tu cái thân và tạo tác để nghiệp chướng không còn tuôn ra? Mà hầu hết chúng ta lại tiếp tay một cách vô ý thức hoặc có ý thức hoặc là không hiểu để biết bao nhiêu những ác nghiệp nhiều đời tạo thành nghiệp chướng trong kiếp này cứ nối đuôi nhau tuôn ra làm trở ngại cuộc sống của chúng ta. Và trong sự trở ngại đó, ta không tư duy cho thật rõ để thấu hiểu, ta lại vội vội vàng vàng đi tìm ai đó có sức mạnh của tâm linh gọi là cao tay ấn chữa trị cho chúng ta. Thế, là chúng ta nhào vào trong sự cuống cuồng giải quyết những vấn đề chướng ngại, chẳng tư duy suy nghĩ, dễ lạc vào con đường mê tín dị đoan. Bởi ai đau khổ, ai phiền não, ai thất bại mà không muốn giải quyết cho nhanh? Phương pháp tâm lý đời thường giải quyết nhanh là tìm người giúp, còn tự thân, mấy ai tự là ốc đảo, tự là nguồn sáng đứng dậy soi đường cho mình đi đâu? Con người thích dựa dẫm! Còn nhỏ bé tí, sinh ra ở đời đã dựa vào sức mạnh của mẹ. Và khi ra đời phải dựa vào vòng tay của bà mẫu, của bà mụ, của ông bà, cha mẹ chăm sóc. Lớn lên phải dựa vào nền giáo dục, sự hướng dẫn, sự dìu dắt của biết bao nhiêu con người. Trưởng thành đi vào đời cũng còn phải dựa vào xã hội, dựa vào công ăn việc làm, dựa vào vợ, vào chồng, thậm chí còn phải dựa vào con cháu. Ta cứ phải dựa vào nhau!

Chữ “dựa vào nhau” chẳng có gì là tủi hổ, là xấu. Nó cần phải sách tấn để chúng ta học được nghệ thuật biết dựa vào nhau thật vững chắc để đồng tiến về phía trước, vượt chướng ngại, sống an vui. Ta có thể chuyển dịch chữ “dựa” cho nó thành một câu chữ đẹp hơn chút, như là “nương vào”. Nương vào Tam Bảo, nương vào ông bà, cha mẹ, nương vào thầy cô, nương vào các bậc thiện trí thức, nương vào hoàn cảnh để tiến thân. Chữ “nương” nó đẹp! Cũng vậy thôi, như nhà thư họa, cũng chữ đó, nhưng họ đặt ngòi bút phác họa thành một kiểu cách chữ khác, nhìn nó đẹp rồng bay phượng múa. Nhiều chữ thư họa dõng mãnh như thái sơn, cũng là nét vẽ nhưng nó mạnh mẽ, cũng thư họa, nét vẽ đó, nó nhẹ nhàng uyển chuyển như rồng bay phượng múa. Cũng có những thư họa nét vẽ nét viết đó, nó phừng phực lửa cháy, nó có sức lôi cuốn, nhưng cũng có những nét vẽ của thư họa nhìn vào thật là an. Cũng là chữ thôi, nhưng mà nghệ thuật thư họa nó có những cung bậc mà người chúng ta nhìn vào có sự liên kết truyền tải cảm xúc. Chữ “dựa” và chữ “nương” chẳng khác nhau, ai muốn dùng chữ nào cũng được, nghĩa, là chúng ta luôn luôn phải nương nhờ, phải dựa vào. Có những người nương vào lòng tốt để tạo ác, có những người dựa vào những cảnh ác để cảnh tỉnh nhìn thấy điều tốt. Hai cách nhìn này đều do sự tư duy, nhận thức của mỗi người, nhưng đều rất cần sự tinh tấn, sự chuyên chú đặt để mình trong sự học hỏi với một lòng thành kính tiến lên.

Đức Phật dạy ai ai cũng bị chi phối bởi nghiệp. Nhìn các bậc Thánh Tăng ngày xưa như Ngài Xá Lợi Phất, cũng bị nghiệp chi phối các bạn à. Ngài Mục Kiền Liên cũng như thế, cũng bị đánh, bị đập, bị băm ra hàng trăm mảnh. Chẳng nói xa, chính Đức Phật bị người anh em họ đeo đuổi suốt cuộc đời tìm đủ mọi cách sát hại, gièm pha, phỉ báng, tạo chuyện vu khống, hàm oan, thậm chí muốn giết cả Phật. Chưa kể đến những vị vua nổi tiếng thời đó như vua Ba Tư Nặc, vua Tần Bà Sa La, vua Tịnh Thuỷ Lưu Ly hoặc là vua A Xà Thế. Chưa kể những vị vương hầu nhỏ khác, chưa kể những vị thầy của các tôn giáo cổ thời xưa như những vị Bà La Môn. Chưa kể những người theo đạo khác hoặc ngay cả trong hàng Tăng chúng là đệ tử của Phật cũng hùa vào từng nhóm, theo người này, theo tiền tài, danh vọng địa vị hoặc sự xúi giục của người khác mà luôn luôn tạo ra những sự chướng ngại cho Phật. Đó cũng là nghiệp chướng tuôn ra đối với Phật. Khác biệt giữa Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền khi trực diện với nghiệp chướng tuôn ra là phản ứng như thế nào, và chúng ta phản ứng làm sao!

Ta thường nổi giận, người ta đánh ta một cái, thì nhất định phải khỏ cho nó bể răng. Người ta chạm ta một cái, thì nhất định phải knock out (hạ gục) họ, phải đánh cho họ sụp xuống. Và lúc nào cũng cương cứng để chống trả lại, ít lùi lại để nhìn cho thấu rõ cội căn. Bảo Thành và các bạn thường phản ứng quá nhanh, nhanh đến mức não bộ, thần kinh, sự suy nghĩ của chúng ta chưa kịp phát tín hiệu, mà khi nhận được tín hiệu rồi, thì sự việc đã toang, toang rồi. Nhiều lúc nhìn lại Bảo Thành thấy xấu hổ bởi cái não chậm hơn cái hành động, còn chậm hơn cả cái miệng, xảy ra chuyện nghĩ lại thấy thật xấu hổ! Các vị Thánh cũng như chúng ta, một thời, một thuở, nhiều đời cũng như chúng ta! Do cái công hạnh tu tập nên đến lúc các Ngài có thể nhìn rõ nghiệp chướng tuôn ra và có thể ngăn chặn nghiệp chướng tuôn ra và chuyển hóa chúng. Điều này rất thực tế, khoa học chứng minh được!

Nếu nhìn thấy một sự cố xảy ra, sẽ xảy ra, ta vẫn có thời gian để chuyển. Cho nên ngành khí tượng phát triển thật nhanh để dự đoán mưa, bão, động đất, báo trước. Đôi khi chỉ một giây một phút báo trước cũng cứu được biết bao nhiêu mạng người huống hồ chi nếu có thể báo trước một ngày, một tuần, một tháng, sự an toàn sẽ được đáp ứng với những người đang ở vùng nguy hiểm. Ngành dự báo về không gian, về thời tiết, thậm chí còn dự báo về kinh tế nữa các bạn thấy không? Những nhà bình luận kinh tế còn dự báo về kinh tế lên xuống để cho đời sống con người bình ổn hơn. Đi sâu vào sức khỏe còn có dự báo của y học để ngăn ngừa những chứng bệnh, còn có dự báo của tâm lý, thì trong đời sống tâm linh, bậc giác ngộ là Đức Phật không phải là dự báo mà là nhìn rõ nghe các bạn! Chữ “dự báo” là phỏng đoán có thể và không, nhưng Phật là nhìn thấy chắc chắn!

Phật nói chúng ta bị chi phối bởi nghiệp, nghĩa, là nghiệp ác, nghiệp thiện luôn tuôn ra. Mà nghiệp ác nó có sức mạnh, nó có sự dẫn để dìm ta xuống dễ gây đau khổ, còn cái thiện nó chậm tới là bởi vì ta tích lũy cái ác quá nhiều thôi, chứ còn những ai tích lũy cái thiện quá nhiều, ác chẳng thể tới. Dù là nghiệp chướng ác hoặc là nghiệp thuận với chúng ta là thiện cũng đều cần phải có điều kiện để phát sinh. Đó gọi là cái nhân! Mọi hành động tạo ra nghiệp chướng tạo thành nhân nghiệp chướng và nhân của những nghiệp thuận, nó là nhân các bạn! Như hạt giống của hạt xoài, hạt mướp, hạt dâu, tất cả các hạt đều là nhân mang sự sống của thể loại loài cây ấy. Đó là nói về cây cối, nói về động vật, trứng là nhân để tạo ra quả là hình hài. Nhưng dù là hạt giống hay là trứng cũng cần phải có điều kiện phù hợp mới có thể trổ sinh hiển lộ sự sống của chúng. Hạt giống mà treo trên hư không dù là thiện hay là ác vẫn chỉ là hạt giống. Hạt giống mà không gieo vào lòng đất, không thối rữa thì chẳng trở thành cây. Đây là điều Đức Phật dạy, nhân quả! Sinh ra ở trong đời các bạn và Bảo Thành đều mang theo một khối tài sản vĩnh hằng truyền kiếp nhiều đời đó là nghiệp, nghiệp chướng và nghiệp thuận, nói đúng hơn cho dễ là nghiệp ác và nghiệp thiện. Đó là hành trang đi vào cuộc đời! Trước khi trở thành ông này bà kia, phàm phu hay Thánh, kẻ ác hay hiền, Bồ Tát hay Phật, được kính trọng hay chê bai, xua đuổi, thì ai trong chúng ta, cũng có cái hành trang, khối tài sản riêng đó là nghiệp ác và thiện lẫn lộn. Đều là những nhân, những hạt giống, Phật ngữ gọi là chủng tử thiện và ác. “Chủng tử”, chỉ là ngôn ngữ các bạn nhớ!

Hành trang đó nếu không được sự chăm sóc tạo một điều kiện thuận lợi chẳng thể kết quả và trổ sinh; rõ! Từ yếu tố này, Bảo Thành và các bạn phải nhớ, nếu nó trổ quả thì dĩ nhiên Bảo Thành và các bạn đã tạo điều kiện phù hợp để cho nghiệp của chúng ta, để cho chủng tử thiện nghiệp và ác nghiệp của chúng ta, để cho nghiệp chướng và nghiệp thuận của chúng ta hiện hình. Đó là do sự tác động của ta, tức là điều kiện ta tạo ra. Mà ông bà nói một câu không chính xác hoàn toàn bởi người ta có thể lật ngược được, tức là “Không có lửa làm sao có khói? Không có khói làm sao bốc lửa?”, cứ ngược cứ xuôi như vậy, thì nhiều hiện tượng người ta chứng minh có khói mà không có lửa, nhưng nó phải có cái nguyên nhân tạo nên sức nóng để tạo khói hoặc cái lạnh để tạo khói tuỳ theo khói từ nhiệt độ nóng hay lạnh mà thôi.

Chúng ta nhớ, phải có điều kiện! Hiểu được nghiệp tới từ đâu và điều kiện gì để mớm cho những nghiệp chướng tuôn ra, ta sẽ có cơ hội ngăn chặn nghiệp chướng tuôn ra. Bởi hiểu được nghiệp thiện từ đâu, học theo lời Phật dạy để tạo môi trường và tạo điều kiện để thiện nghiệp được trổ quả tốt. Đó là cách học Phật, chẳng huyễn hoặc mơ màng đào bới trên không trung, trên cõi trời, trên tầng mây, trên một cảnh giới Niết Bàn cao siêu hoặc những vị Thần, vị Thánh, vị Bồ Tát mà ở ngay đời sống của mỗi người chúng ta. Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, quỷ vương, xui – hên, chướng hay thuận, ác hay thiện, tốt hay xấu, khen hay chê, nhục hay vinh, thành công hay thất bại đều ở nơi ta mà nhận ra, nơi đời này kiếp này.

Trở về vấn đề Đức Phật dạy, mọi nhân của tiền kiếp ta đang mang ở hiện tại này, cuộc đời này đều cần có điều kiện để hiện hình. Nghiệp chướng hiện hình là chính vì những điều kiện ta tác động vào hằng ngày. Nghiệp tạo ra từ thân – ngữ – ý, và cũng từ thân – ngữ – ý tạo cơ hội và điều kiện để các cái nghiệp ta mang theo ở trong kiếp này có cơ hội trổ quả. Chưa hiểu thấu, chưa để ý, thì nhìn vào quả trổ mà nhận ra cái nhân, suy từ cái nhân mà thấy nó tới từ đâu và từ chỗ nào có thể ngăn chặn, chuyển hoá. Kết lại Phật nói chính xác, từ thân – ngữ và ý! Tư tưởng của chúng ta khởi lên là tạo nghiệp, lời nói ta tương tác là tạo nghiệp, hành động ta tạo ra là tạo nghiệp, ác hoặc thiện thì tuỳ. Trước khi ngăn ngừa và chuyển hóa nghiệp chướng tuôn ra thì chúng ta phải ngừng tạo nghiệp. Phật dạy, ai hiểu thấu thực hành được, đời sống an vui! Để trả hết nợ phải ngừng nợ, để chuyển nghiệp phải ngừng tạo nghiệp. Phương pháp ngừng tạo nghiệp Phật dạy quá rõ, ta cứ lướt qua chẳng thực tập, than oán rầm trời, cầu cạnh đủ nơi, van xin đủ chỗ. Nghiệp tạo ra từ thân – ngữ – ý, ngăn ngừa đừng tạo ra nghiệp nữa, ta phải làm theo lời Phật đó là giữ năm giới. Năm giới! Thật rõ! Giữ năm giới! Thật rõ!

Không ai không giữ giới mà có thể ngừng tạo nghiệp, không cần biết vị đó là đại đức Tăng Ni hay là những người Phật tử, hay là những người theo tôn giáo hoặc không có tôn giáo! Năm giới được diễn đạt cho dễ hiểu hơn, chi tiết hơn, thoáng hơn, không có mông lung hơn qua hình thức của mười việc lành chúng ta làm, nhà Phật gọi là thập thiện. Nói về ý nghiệp tức là nói tâm của ta đừng tham, đừng sân, đừng si thì không tạo ra nghiệp; đó là sự diễn giải cho rộng để dễ hiểu đó, ý nghiệp đó. Nếu không tham – không sân – không si chẳng tạo nghiệp. Và không tạo ra nghiệp chướng do tham – sân – si mà tạo ra thiện nghiệp. Chỉ đi ngược lại thôi, không tham, đừng có tham là không tạo nghiệp. Nhưng nếu chúng ta biết bố thí thì tạo ra thiện nghiệp! Ngay chỗ đó mà ứng dụng, thì vừa ngừng tạo nghiệp bởi không tham mà vừa tạo được phước báu thiện nghiệp từ chỗ biết bố thí. Rõ lắm, Phật dạy thật là rõ, suy nghĩ một chút nó nằm ở trong tầm tay khả năng ta có thể thực hành được!

Không sân, ta không sân không tạo ra nghiệp! Mà để tạo được phước báu thiện nghiệp, ta biết yêu thương, ta biết tha thứ, ta biết bao dung, ta sống nhân ái. Sân mà! Ta biết sống đẹp, sống dễ thương; nhiều cách, nhiều hình thức lắm; thì tạo được thiện nghiệp! Còn si, ta đừng có si thì không tạo nghiệp. Nhưng có thể tạo ra thiện nghiệp bằng cách tu tập trí tuệ. Đó là ba điều khởi lên từ ý! Còn từ thân của chúng ta là từ sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Ta đừng sát sanh, ta đừng trộm cắp, ta đừng tà dâm thì chẳng tạo nghiệp nữa các bạn! Và ngược lại ta có thể từ cái thân đó mà tạo được thiện nghiệp, tạo phước. Không sát sanh thì ta phóng sanh. Không trộm cắp thì ta biết cho, biết tặng, biết hiến dâng, biết từ thiện là tạo thiện nghiệp rồi. Không tà dâm, ta biết kính trọng, ta biết yêu thương. Đó, cứ từ đó! Còn cái miệng đừng tạo nghiệp, đừng nói dối, đừng đâm thọc, đừng thêu dệt, đừng nói những lời thô ác, thì chỉ cần dùng ái ngữ thôi là tạo được thiện nghiệp. Lời Phật dạy dễ quá! Nhưng chúng ta cứ lần mò theo những xâu chuỗi huyền bí, cao siêu, đạo mầu của pháp môn này, pháp môn kia, của giáo lý này, giáo lý kia, thượng thừa, thượng thừa,… Ai cũng muốn đọc Kim Cang, kinh “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”,… cái gì cũng muốn đọc cái cao siêu huyền bí, cũng muốn như những bậc thiền sư uyên thâm, nói đến tinh thần vô ngã tướng, nói đến những cái huyền diệu.

Bình thường thôi, đặt chân lên mặt đất, nhìn cho thẳng, đứng cho vững, mười thập thiện, giữ năm giới đã là ngăn chặn tạo ra nghiệp và tạo được thiện nghiệp, và có thể chuyển hoá mọi ác nghiệp không để cho nó tiếp cận với những điều kiện để nghiệp chướng tuôn ra thành quả gây chướng ngại cho cuộc đời! Mười điều thiện là hành thập thiện đó các bạn, như Bảo Thành vừa nói, là những điều kiện mà ta tạo ra cho chính mình để ngăn ngừa nghiệp chướng tuôn ra! Nếu các bạn có nghiệp chướng tuôn ra gây trở ngại trong cuộc sống về mọi mặt, bạn chỉ cần thực hiện thập thiện, mười điều thiện đó các bạn, là bạn có thể ngăn ngừa được nghiệp chướng tuôn ra rồi. Rõ như vậy! Một công thức thật rõ!

Bảo Thành nhớ hồi xưa học nấu ăn khó dữ lắm! Thật là khó! Chỉ có cha mẹ, đặc biệt là người mẹ ở trong bếp dạy cho con mà thôi. Con gái thì siêng năng gần kề với mẹ nên biết nấu, còn con trai thì mải chơi, ít khi nào biết nấu nướng. Cho nên con gái Việt Nam xưa, hầu hết là nấu giỏi. Khó, khó học nghề nấu ăn! Cách đây ba tuần, Bảo Thành gặp một số người quen thuộc hàng về con cháu chẳng bao giờ biết nấu đồ ăn, nó sinh ra ở Mỹ mà, đâu có theo truyền thống Việt Nam học nấu ăn. Một hôm người cháu trong dòng tộc mang đồ ăn tới cúng dường, hỏi: “Con làm sao biết nấu ăn?”. Cháu trả lời: “Con học trên YouTube!”. Cách nấu ăn người ta đã biết chia sẻ và công thức chỉ thật rõ ở trên YouTube, liều lượng, cách pha chế và thế là những thế hệ trẻ họ lên YouTube họ học nấu ăn. Ngày xưa không có những phương tiện mà cái tư tưởng cứ giấu, mấy ai học được đâu?! Mời ta ăn khen ngon nhưng chẳng bao giờ chỉ hết. Ngày nay trên YouTube, người ta chỉ những phương thức như vậy!

Đức Phật chỉ ở trong các tạng kinh, ngày nay cũng được phóng lên trên YouTube, trên Facebook, các đài, các ngành thông tin do đại đức Tăng Ni hướng dẫn hoặc do những Phật tử tại gia cài đặt lên để cho đại chúng chúng ta, mọi người có cơ hội dễ học. Đó là phương tiện thiện xảo! Đức Phật cũng nói thật rõ mà ngày nay nếu các bạn đi tìm hiểu, truy cứu thì đều được diễn giải thật rõ, nghiệp chướng sẽ không tuôn ra nếu chúng ta biết hành thập thiện và nếu chúng ta biết ngăn ngừa đừng tạo nghiệp bởi giữ năm giới. Và dĩ nhiên chúng ta cũng biết tạo điều kiện thuận lợi cho những nhân chủng tử thiện, nhân thiện, nhân thuận trổ mầm kết trái. Ngừng tạo điều kiện để ác nghiệp trổ quả nhưng tạo điều kiện để thiện nghiệp trổ quả. Đó là nhiệm vụ tu Phật của chúng ta! Ngừng không tạo nghiệp nữa, nhưng tạo điều kiện cho nhân thiện trổ quả và tạo điều kiện để ta thực hiện thêm những thiện nghiệp để tạo nhân thiện thêm, có phước báu thêm. Tu là như vậy!

Ngày xưa phải học từ mẹ nấu ăn, ngày nay học trên YouTube! Có nhiều bạn ngày xưa phải tới chùa gặp các thầy học nhưng ngày nay học trên mạng rồi. Thậm chí mà những bạn ở tôn giáo khác, niềm tin khác, ngày xưa không dám tới chùa tiếp cận với các vị thuộc tôn giáo khác đâu, như Phật giáo, hoặc người Phật giáo không dám tiếp cận với các nền tôn giáo khác. Sợ người ta kỳ thị, sợ xấu: “Ôi, đạo Phật mà đi học Chúa!”, “Đạo Chúa mà tìm hiểu về Phật!”. Bởi vì tìm hiểu phải tới nhà thờ, phải tới nhà chùa, cơ sở các tôn giáo ấy! Ngày nay thế giới mở thật rộng bởi phương tiện, ngồi ở nhà chẳng sợ mắc cỡ,  chẳng sợ chọc ghẹo, chẳng sợ kỳ thị, cầm cái phone (điện thoại), chúng ta đi tìm hiểu tất cả các tôn giáo khác; đều được dạy dỗ ở trên mạng. Và với lòng thành kính cầu học, dù bạn là tôn giáo nào cũng có cơ hội học các tôn giáo khác. Mở rộng lắm rồi! Nếu bạn không phải là Phật giáo hoặc bạn là Phật giáo thì ngày nay chúng ta vẫn có cơ hội hiểu thấu lời Phật cặn kẽ dễ dàng trên các đài.

Nhấn mạnh theo chủ đề “Nghiệp Chướng Tuôn Ra” là chính mỗi người chúng ta đã tạo điều kiện để ác nghiệp nhiều đời có cơ hội sổ lồng và xoay ngược lại cắn chúng ta. Còn nếu chúng ta biết tạo điều kiện để cho thiện nghiệp trổ quả và làm đúng theo phương pháp để ngăn ngừa cho ác nghiệp không trổ quả là giữ năm giới, hành thập thiện thì nhất định chúng ta sẽ an toàn, sẽ vui và nghiệp chướng sẽ không tuôn ra một cách bừa bãi, sẽ tuôn ra theo sự chừng mực để chúng ta chuyển và trả nghiệp. Như người đắp đê làm ruộng biết xả nước và biết đưa nước vào, ta làm chủ được cuộc đời và cái tâm. Bởi cái tâm được rèn luyện bằng năm giới, bằng thập thiện chính là người nông dân khéo léo biết giữ gìn cái đê của cái ruộng mình không bị bể để giữ nước cho lúa và biết mở đê để xả nước khi gặt lúa. Tâm được làm chủ là tâm tôi luyện, tâm tu học, và tâm được làm chủ trong sự tu học đúng, hiểu rõ, mỗi người chúng ta sẽ không để cho nghiệp chướng tuôn ra bừa bãi, nhất là từ ý, từ những ngôi lời và hành vi ta tạo tác mỗi ngày. Để từ đó có thể tạo thêm điều kiện cho những thiện nghiệp trổ quả tốt, mà điều kiện vi diệu nhất để thực hành được chính là trở về với chánh niệm hơi thở, thể nhập vào thể tánh chân như qua hơi thở của chánh niệm gắn kết với năng lượng từ bi vốn có nơi ta và nương vào hùng lực từ bi của chư Phật, trí tuệ viên mãn của chư Phật. Vẫn là chữ “nương vào”! Nghiệp chướng nương vào điều kiện xấu ta tạo ra để trổ quả, thiện nghiệp phải nương vào những điều kiện tốt. Mà nếu người Phật tử chúng ta biết nương vào chư Phật, từ bi của chư Phật, ánh sáng trí tuệ của chư Phật thì là chỗ dựa dẫm toàn vẹn trên lãnh thổ của cuộc đời một cách toàn diện, an toàn rồi.

Đừng sợ phải dựa, đặc biệt là dựa vào những đấng yêu thương chúng ta! Hãy nương vào ngay, để cho nghiệp chướng không có điều kiện trổ quả nhưng lại tạo điều kiện cho nghiệp thuận trổ sinh hoa trái! Người học Phật lưu ý chỗ đó sẽ có một đời sống an vui, đặc biệt trong những ngày đầu của năm mới hiểu thấu được điều này, chúng ta – Bảo Thành và các bạn cố gắng tác động những điều kiện hài hòa để cho những nghiệp thuận tức là nghiệp thiện trổ quả và cố gắng ngăn ngừa những nghiệp chướng, nghiệp ác, ngăn ngừa những điều kiện để cho nghiệp chướng, nghiệp ác trổ quả thì ta sẽ vui, và cứ làm theo mười điều thiện, giữ năm giới đã có một đời sống an lạc, hạnh phúc rồi các bạn ơi!

Mời các bạn đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau!

Thưa Phật! Xin hãy gia hộ cho chúng con và chúng con nguyện nương vào tất cả các chư vị Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền để không tạo điều kiện cho nhân nghiệp chướng trổ quả. Chúng con cũng nguyện thực hành theo lời Phật giữ Năm Giới, hành Thập Thiện để tạo điều kiện cho nghiệp thuận, cho thiện nghiệp trổ quả và tạo thêm nhiều nghiệp thiện nữa trong cuộc đời này để tăng trưởng phước báu nhân thiên.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Chúng con nguyện một lòng giữ năm giới, hành thập thiện để không tạo điều kiện cho nghiệp chướng tuôn ra để không tạo nghiệp nữa. Nhưng tạo những điều kiện thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả thiện và tạo thêm phước báu cho cuộc đời của chúng con.

Buổi đồng tu hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts