Search

Bài 2178. Mượn Đạo Tạo Đời | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Uyên đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Tới giờ đồng tu, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu để thấu rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Nguyện hồi hướng cho tất cả đại chúng Phật tử xa gần luôn luôn tinh tấn tu học, thân tâm thường lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện hồi siêu cho chư hương linh đi theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh cảnh lành. Xin chư Phật chứng minh!

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan toả tình yêu thương. Hít vào thở ra trong Chánh Niệm gắn kết với mười phương chư Phật, thành kính, khiêm tốn, chân thật đón nhận năng lượng. Chúng ta cùng hồi hướng năng lượng vi diệu của Phật tới với tất cả mọi người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:12) Mô Phật! Các bạn, trong sự đồng tu của chúng ta, với chí nguyện cầu đạo giác ngộ qua công phu từng ngày, gắn kết mật thiết với chư Phật bằng năng lượng của từ bi và trí tuệ, nương vào tha lực vi diệu của chư Phật do khởi lên tự lực cầu đạo giác ngộ, chúng ta quán chiếu cuộc sống của mình để thấu rõ theo mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – mật ngôn trí tuệ viên mãn quán chiếu về các pháp vô thường sanh diệt, quán chiếu về khổ; muôn sự ở đời bám chặt vào cái gọi là vô thường đó để rồi tạo ra khổ, quán chiếu để thấu vô ngã. Chúng ta thông suốt được điều này, dĩ nhiên sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và an vui. Từng giây phút mỗi người chúng ta đồng tu với hơi thở thật khiêm tốn mà ai cũng có thể làm được là hít vào thở ra trong chánh niệm từ bi và trí tuệ quán. Ai ai cũng có thể thực hiện được pháp tu này thật đơn giản. Về thân, nó giúp cho điều hoà khí huyết, tăng trưởng sức mạnh, khai mở các huyệt đạo. Về tâm, tiếp cận với năng lượng từ ái, trí tuệ của chư Phật, ta có cái nhìn rõ và rộng hơn. Về muôn mặt có lợi lạc, nếu các bạn dành ra chút thời gian đồng tu chung hoặc là sau khi hoặc khi nào bạn có thời gian đều tốt đẹp hết. Các bạn ơi, hãy thực tập để cho mình có một sự trải nghiệm và sự trải nghiệm đó sẽ làm thay đổi cuộc đời của các bạn!

Chủ đề các bạn gửi về hôm nay là một chủ đề thật tế nhị, nói sẽ đụng chạm đến thật nhiều người. Nhưng chắc chắn các bạn nghe Bảo Thành chia sẻ, nó sẽ đụng chạm tới các bạn, nó sẽ đụng chạm tới bản thân của Bảo Thành chứ không ai khác đâu. Chủ đề “Mượn Đạo Tạo Đời”! Mượn đạo tạo đời từ ngàn xưa rồi, trước thời Đức Phật đã có, khi hình thành các đạo giáo, các tôn giáo, ai ai cũng từng mượn đạo để tạo đời. Người ta còn hệ thống hoá dành riêng, thí dụ như trong đạo Bà La Môn, sự hệ thống hoá dành riêng cho những người Bà La Môn thuộc về dòng tế lễ, ưu ái dữ lắm. Và những người đó, sinh ra trong dòng tộc đó, được đặt để vào cương vị của những thầy tế, của những thầy tu, cuộc đời của họ gắn liền với sinh mệnh khi sinh ra rồi. Và chúng ta cứ đi theo mãi cho tới ngày hôm nay, thật là nhiều người đã mượn đạo để tạo đời và sự tranh đấu phê bình gay gắt, quyết liệt thường xảy ra.

Trong thời gian gần đây, chúng ta vẫn thấy ở trên những trang mạng đại chúng nói về đâu đó có vị thầy tu này, có nhóm tu kia, đạo tràng này, chùa này, tịnh thất này đã mượn đạo để tạo đời. Và rồi đông người lắm, với cái phương tiện đại chúng phát triển quá nhanh, chỉ trong một tích tắc có thể phát tán toàn bộ thông tin trên toàn thế giới. Người ta đã hùa vào với cái cao trào nhìn rõ bản mặt của một nhóm người, của một con người, của một chùa, tịnh thất, của một ông đạo, của một vị xuất gia đã mượn đạo tạo đời. Và thế, từng ngày qua tháng lại, họ nhồi họ nhét biết bao nhiêu những ngôn từ phê phán, chê bai, họ gắn mác và họ phỉ báng người đó, nhóm đó dù rằng họ cũng chẳng bao giờ tiếp cận và biết rõ, chỉ hùa theo mà thôi. Chuyện đó luôn có! Mượn đạo tạo đời luôn luôn xảy ra trong xã hội của con người. Bởi cuộc sống này là vay mượn. Cho nên nếu đã gọi là vay mượn thì mượn đạo tạo đời cũng chẳng có cái gì để đáng chê trách đâu nếu chúng ta nhìn thấu theo chiều hướng tích cực mà không dính mắc nghiêng về chiều hướng tiêu cực.

Trong những cuộc tranh luận, chúng ta thấy ngày nay, giữa chữ “đạo” và “tôn giáo” hình như tương đồng ý nghĩa theo cách hiểu của người bình thường như Bảo Thành và các bạn, không phân tích sâu theo chiều hướng của Hán ngữ: Đạo là cái gì? Tôn giáo là cái gì? Nếu nói đến đạo, chúng ta có đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi…, ở Việt Nam có đạo Hoà Hảo, đạo Cao Đài, rồi chúng ta có cả ông đạo Dừa nữa. Nếu nói trên thế giới có nhiều đạo lắm, và chữ “đạo” này dần dần và tương đối được đồng nghĩa và chấp nhận là tôn giáo, như ta gọi Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo…Cho nên chữ “đạo” và chữ “giáo” nếu không phân tích sâu, sơ sơ thôi, thì ta gọi nó tương đồng cái ý nghĩa bình dân đó. Và khi tranh luận, người tôn giáo này đôi khi nhìn thấy có số giáo dân, Phật tử, các vị xuất gia hay những vị mà đứng đầu tôn giáo của họ mượn đạo tạo đời thì tôn giáo kia cũng như vậy, chê bai, đấu đá. Và cái kết người ta thường nói: “Đạo nào cũng tốt đẹp, tôn giáo nào cũng tốt đẹp!”.

Nhưng không có tôn giáo nào chấp nhận tôn giáo nào đâu. Nói câu đó người ta không chấp nhận. Bởi tôn giáo nào mình theo thì mình luôn luôn cảm thấy rằng cái tôn giáo, cái đạo mình theo là nhất. Cho nên khi đồng hoá rằng: “Tôn giáo nào cũng tốt, đạo nào cũng tốt!”, người ta không chấp nhận. Người ta nói rằng: “Đạo của tôi, tôn giáo của tôi mới tốt!” và rồi họ mang ra biết bao nhiêu cái lý lẽ để tranh luận, để bảo vệ đề án rằng tôn giáo, đạo của họ là tốt. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa, nhưng mấy ai trong cuộc tranh luận đó thấu rõ về cái tôn giáo của mình đâu, cái đạo mình theo đâu, và có thực hành được cái tôn giáo, cái đạo mình theo đâu?! Bởi bao nhiêu lâu còn tranh luận, hý luận thì càng mù tịt, chẳng biết. Những ai thấu chẳng bao giờ tranh luận, những ai hiểu chẳng bao giờ lý luận, tranh giành.

Nói theo chiều hướng tích cực hơn một chút và đơn giản hơn: “Đạo nào cũng tốt!”. Câu nói bình dân của mọi người bởi đạo nào cũng dạy cho người ta gọi là ăn ngay ở lành chứ đâu có đạo nào dạy cho người ta làm chuyện ác. Tích cực suy nghĩ, đúng! Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, như đạo Phật là làm việc lành, làm việc thiện, tránh việc ác. Phật dạy là làm lành tránh ác, mà ông bà ngày xưa cũng dạy con cháu của mình là làm lành tránh ác, mà đạo nào cũng dạy làm lành tránh ác. Chỉ nhìn trên hai câu “làm lành tránh ác” thôi, tích cực như vậy thôi, thì mọi đạo, mọi tôn giáo đều định hướng là làm lành và tránh điều dữ, tránh điều ác, làm điều thiện, bỏ điều ác.

Dừng ở chỗ khuôn khổ này nha các bạn! Đừng đi sâu vào những lý luận, những luận thuyết, những triết học tôn giáo của mình để tôn lên. Không cần thiết! Bởi Bảo Thành và các bạn là người bình dân, là người lao động trong xóm nhỏ, chẳng phải những bậc thiện tri thức cao cả sưu tầm kinh điển để biện luận, những nhà luận học, luật sư của đạo. Cho nên chúng ta hiểu theo chiều hướng tích cực, bất cứ tôn giáo nào, bất cứ đạo nào cũng dạy cho chúng ta là làm lành lánh dữ, làm chuyện thiện, việc thiện, pháp thiện tránh pháp ác.

Đó là cái nói chung theo chiều hướng tích cực, còn chữ “mượn đạo tạo đời”, có người mượn đạo để tạo danh, có người mượn đạo để tạo quyền thế, có người mượn đạo để tạo ra tài lộc, tiền bạc, có người mượn đạo tạo ra muôn muôn thứ ở đời. Có! Chuyện đó hẳn là có mà! Vậy thì có sao? Họ mượn đạo có đúng không hay họ mượn đạo sai? Họ mượn đạo mà áp dụng sai hay họ mượn đạo mà áp dụng đúng? Tế nhị, nói sơ ý sẽ đụng chạm! Ngày nay thật nhiều người mượn đạo tạo đời, mà nói theo suy nghĩ riêng của Bảo Thành thôi, mình không nói đến các tôn giáo khác, mình nói Đức Phật luôn luôn muốn mọi chúng sanh phải mượn đạo tạo đời một cách chuẩn mực, một cách tốt đẹp. Đạo là con đường đưa chúng ta thực hiện những pháp lành để tránh xa pháp ác. Nếu bạn mượn đạo là mượn con đường làm thiện lành để tạo cho cuộc đời của bạn thêm tốt đẹp, thì đây đúng là ý nghĩa tuyệt hảo, ai cũng mượn đạo để tạo đời, trong đó có Bảo Thành và các bạn.

Chúng ta mượn cái ý nghĩa cao cả, cái tôn chỉ, cái đường hướng, sự giáo dưỡng trong cái đạo ta theo. Phật dạy nếu không miên man vào những giáo lý cao siêu huyền bí, nằm gọn trong câu kinh Pháp Cú Phật dạy là hãy làm việc thiện, tránh xa việc ác. Thì nếu như chúng ta hiểu thấu câu này, mà mỗi người chúng ta đều mượn cái tôn chỉ của Phật dạy làm việc thiện, làm điều tốt, làm việc lành, tránh việc ác, để tạo đời, tạo cho cuộc đời của ta tốt đẹp, thì có gì để bàn cãi đâu?!

Tất cả các đường hướng trong đạo, tôn giáo mình theo đều là những phương tiện mà ai hiểu thấu phương tiện đó, mượn phương tiện đó như con đò, như con thuyền để qua sông, như chiếc xe để tới mục đích. Chúng ta mượn đạo, mượn cái ý nghĩa cao cả trong đạo giáo mình theo và mượn sự hướng dẫn, vạch thật rõ, đơn giản: “Làm lành lánh dữ, làm việc thiện bỏ pháp ác”. Chỉ có vậy thôi! Để tạo cho cuộc đời của mình được đổi mới, để tạo cho cuộc đời của mình được hoàn thiện thì tốt lắm. Nhưng ở đời, cái suy nghĩ tích cực hầu như xa, khó tầm với, nhưng những suy nghĩ tiêu cực thường dễ nghiêng, ngã, làm đảo điên tâm hồn và chúng ta thường hướng theo cái tiêu cực để phê phán, để luận bàn, chẳng ai nhìn theo cái tích cực.

Bảo Thành hôm nay không đi vào những chuyện người ta mượn đạo tạo đời theo hình thức tiêu cực, phê phán. Các bạn còn nhớ Bảo Thành và các bạn thường trách cứ những người khác. Ví dụ một Phật tử tới chùa, nếu chúng ta không thích hoặc có chuyện gì không hài lòng, ghép cho họ: “Ôi, họ chỉ mượn chức danh để tạo danh thế, họ mượn đạo tạo đời, họ tới để khoe mẽ chứ thực ra đâu có tu gì!”. Cứ không thích, không ưa là chúng ta chụp mũ ghép tội ngay. Và không những như thế, các bậc tôn túc xuất gia có những vị đi theo những chiều hướng mà ta không nhìn rõ, chưa hẳn là sai hay là đúng, nó vẫn còn ở trong chỗ ta chưa nhìn thấu, chưa nhìn rõ, ta chụp mũ cho họ rằng họ mượn đạo tạo đời.

Sự khắt khe của chúng ta với cái tầm nhìn hạn hẹp thường đưa đến sự sân giận, tự khủng bố bản thân. Người học đạo đặc biệt là các bạn đồng tu cùng với Bảo Thành, chúng ta nên tập một cái nhìn rộng và bao dung theo chiều hướng tích cực. Cái nhìn của chúng ta là cái nhìn gắn kết với tâm từ bi, cái nhìn của chúng ta là cái nhìn được liễu thông bởi ánh sáng trí tuệ, cái nhìn bằng lòng yêu thương, mắt thương nhìn cuộc đời, cái nhìn bằng trí tuệ soi tỏ chẳng dính mắc, chẳng bới, chẳng tìm để chiều chuộng theo cảm xúc, để vuốt ve, nuông chiều theo ý thích, sở đắc của mình mà là một cái nhìn một cách toàn vẹn, trọn hảo. Nói đúng, chỉ đơn giản, là hãy nhớ rằng đạo cũng chỉ là phương tiện, dù bạn cài đặt vào cái đạo bạn theo những ngôn từ siêu xuất cũng chỉ là phương tiện thôi. Những văn tự bạn chế ra, rồi bạn gượng ép vào để nói về đạo, nó đều là miễn cưỡng. Bởi đạo còn bàn, đạo còn nói, đạo còn luận thì đều là phù phiếm, chẳng đúng. Đạo là phương tiện, đơn giản như cái thuyền ngồi lên qua sông thôi, miễn bàn về cái thuyền là đủ rồi, bởi thuyền đưa ta qua sông.

Cái thuyền mà Đức Phật muốn giới thiệu cho chúng ta được gọi là đạo Đức Phật đó, là đạo thiện lành, là thuyền từ bi, làm việc thiện các bạn, mười pháp thiện, là đạo của Phật. Bát Chánh Đạo là đạo. Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Định rồi đến Chánh Niệm, Chánh Tinh Tấn, tất cả những điều chánh này gọi là Chánh Đạo, nhà Phật gọi là Bát Chánh Đạo, tám con đường chánh gọi là đạo, thì đều nói về cái tâm, cái nghề nghiệp, sự suy nghĩ và sự siêng năng tinh tấn để vượt qua chướng ngại mà thành tựu. Cho nên chúng ta có quyền mượn đạo để tạo cuộc đời cho tốt đẹp, hướng theo điều thiện của tôn giáo mình theo. Đừng vì tôn sùng, tự hào quá đáng về nền tôn giáo, đạo giáo mình theo, để từ đó chúng ta cứ ghép tội cho muôn người mượn đạo tạo đời, chê bai những tôn giáo, đạo giáo khác. Nước đục chẳng nhìn thấy đáy, tâm của ta mà chấp trược sao có thể nhìn thấu?

Mượn đạo tạo đời theo ý nghĩa tích cực là chúng ta mượn những lời giáo dưỡng trong cái đạo giáo, tôn giáo ta đang theo. Mà tất cả các tôn giáo đều dạy cho chúng ta là làm lành lánh dữ, làm điều thiện bỏ điều ác. Bảo Thành nhắc lại là chúng ta không phân tích sâu quá! Một xã hội muốn tốt đẹp chẳng phải là biến mọi người thành ông Phật trên Niết Bàn về kiếp sau. Một xã hội hiện hữu trong loài người đây, trên hành tinh trái đất và quốc độ, thôn xóm, làng mạc ta đang ở có trở thành tốt đẹp hay không, là mỗi người sống hoàn thiện đời sống bằng việc thiện, thì xã hội, con người nơi đó đã tốt đẹp. Còn đi xa hơn nữa là chuyện kế tiếp, cái bước đầu tiên chưa thể bước, làm sao có thể chạy? Ta nhớ thuở xưa bập bẹ biết đi, nhiều em đứng dậy, chưa bước đi đã muốn chạy, té hoài. Từng bước từng bước hoàn thiện cuộc sống trong pháp thiện lành, làm lành lánh dữ. Hãy làm những việc thiện bỏ những việc ác, đó chính là mượn việc thiện mà Phật dạy trong con đường đạo đó, để tạo cho đời của chúng ta tốt đẹp, thì ai ai cũng cần phải mượn đạo để tạo đời.

Nếu bạn làm thương gia, muốn giàu có, bạn có thể mượn đạo để làm giàu có. Vì sao? Vì bạn mượn con đường đạo mà Phật dạy đó, là làm việc thiện lành, thì trên con đường thương gia đó, bạn buôn bán, bạn làm ăn theo chiều hướng thiện lành để tạo cuộc đời; điều đó phù hợp và đáng khích lệ. Còn nếu bạn không mượn đạo của Đức Phật thì bạn mượn ma đạo tức là làm việc ác, lừa lọc, lừa gạt. Cho nên đạo Phật, Phật đạo là con đường hành thiện, ma đạo là con đường làm ác. Mà ở đời chỉ có thiện và ác, nếu bạn làm thiện là bạn mượn Phật đạo để tạo cuộc đời tốt đẹp, và nếu bạn làm việc ác là bạn bị ma đạo dẫn dắt, tròng mũi, để tạo đời mỗi ngày một xấu đi.

Các bạn cứ coi như chấp nhận cách lý luận của Bảo Thành hay cách diễn giải của Bảo Thành, chắc có lẽ cõi lòng của ta sẽ nhẹ hơn. Ta mượn Phật đạo tức là mượn pháp thiện để tạo cuộc đời cho thiện lành tốt đẹp. Trong thương trường, nếu tạo cuộc đời bằng Phật đạo tức là bằng con đường ngay lành trong Bát Chánh Đạo, gọi là Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, thì nhất định bạn nên mượn vào Bát Chánh Đạo này nơi Phật đạo dạy, để tạo cuộc đời cho tốt đẹp.

Không hẳn chỉ có thương gia, công nhân, nông dân, bác học, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, người xuất gia, người tại gia, người giàu, kẻ nghèo, người có trí tuệ cao hay người rất bình thường không có một chữ cắn đôi, đều có thể mượn Phật đạo để hành pháp thiện là Chánh Nghiệp, Chánh Mạng để tạo cuộc đời cho tốt đẹp. Nếu bạn không mượn Phật đạo này trong con đường Bát Chánh Đạo Phật dạy thì bạn đã bị lôi kéo vào con đường ma đạo. Giữa Phật đạo và ma đạo nó chỉ khác nhau ở chỗ chữ “thiện” và chữ “ác”.

Phật dạy: “Làm điều thiện bỏ điều ác” tức là mượn đạo Phật tránh đạo ma, ma đạo đấy. Bây giờ bạn không làm điều thiện để tạo đời thì bạn đi vào con đường ma đạo, bạn làm điều ác rồi. Và để biết rằng họ mượn Phật đạo hay ma đạo thì thật là dễ! Chúng ta chỉ nhìn vào hành động tức là thân giáo, cái gương đời sống của họ, mỗi suy nghĩ, việc làm, ngôn ngữ họ đối thoại có phải là những điều thiện lành hay không? Nếu thiện lành tức là Phật đạo rồi, còn nếu là ác thì là ma đạo. Cho nên chữ “mượn đạo Phật hoặc mượn cái đạo giáo mình tu để tạo cuộc đời” là tốt. Còn dù bạn là Thiên Chúa giáo hay đạo Hồi, đạo Phật, đạo này đạo kia mà làm ác để tạo cuộc đời thì đó gọi là ma đạo. Bạn chẳng theo cái đạo bạn được sinh ra hoặc là gia đình dắt bạn vào, hoặc tự nguyện đi vào mà bạn đã đi theo ma đạo rồi. Ác là ma đạo. Thiện là Phật đạo, là những cái đạo bạn đang theo. Bởi đạo nào cũng dạy điều thiện, chỉ có ma đạo mới dạy điều ác mà thôi!

Vậy nên mỗi người chúng ta hiểu theo chiều hướng tích cực này, tránh tranh luận, lý luận, bàn luận, đấu đá, gièm pha, phán xét, phê duyệt đúng sai để rồi tuôn ra chữ “mượn đạo tạo đời”. Nói theo hướng tích cực nha các bạn! Còn chữ “mượn đạo tạo đời” nó rộng theo nhiều chiều hướng của con người lắm, ta không bàn vô đâu. Nhưng nếu bạn hiểu đạo là thiện, Phật đạo là thiện, đạo bạn đang theo là thiện lành và ma đạo là ác thì bạn sẽ hiểu được ý nghĩa Bảo Thành giới thiệu ngày hôm nay. Chúng ta nên mượn Phật đạo, nên mượn đạo chánh nghĩa ta đang theo để tạo dựng cuộc đời của mình cho tốt đẹp. Rất cần trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ buôn bán lớn, buôn bán nhỏ, từ người công nhân hay người nông dân, hay người đi làm thuê cuốc mướn, hay người xuất gia, tại gia, mọi con người, mọi tầng lớp trong xã hội, chúng ta đều phải mượn đạo Phật tức là mượn những điều thiện lành mà Phật dạy, để xây dựng và tạo dựng cuộc đời của chúng ta theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp.

Đừng nghĩ quá sâu là phải thành Phật, thành Bồ Tát, Thánh Hiền, thành một con người có thể hưởng được sự hạnh phúc và bình an. Tạo được những điều tốt đẹp trao tặng cho nhau, hiến dâng cho nhau đã. Để chúng ta ngừng hẳn những chuyện ác. Ác từ suy nghĩ, ác từ ngôn ngữ sử dụng, ác từ những hành động, hành vi chúng ta tương tác. Nói đến thân – ngữ – ý, tu ngay chỗ đó, và mượn ngay lời giáo dưỡng của Phật là làm việc lành, hãy làm việc thiện, làm việc thiện trong tư tưởng, làm việc thiện trong ngôn ngữ, làm việc thiện trong hành động. Đó chính là mượn đạo Phật để tạo cuộc đời tốt đẹp. Và nó hanh thông bởi mượn đạo Phật như lời Đức Phật dạy để tạo cuộc đời, chúng ta tăng trưởng được phước báu, vạn sự hanh thông. Chuyển được nghiệp, đổi được nghiệp và thay đổi được mệnh số của chúng ta.

Chớ có dính vào ma đạo! Ma đạo tức là làm những việc ác để tạo đời, Phật đạo là thiện, ma đạo là ác. Dù là đạo Phật, đạo Chúa, đạo Hồi, đạo này đạo kia, thì đều dạy chúng ta làm việc thiện. Đây không tranh luận về vấn đề khác biệt giữa các tôn giáo theo chiều sâu suy nghĩ hạn hẹp của các bạn, của các nhà luật sư, của những nhà tôn giáo học, thần học cao siêu. Bởi họ càng bàn luận, càng suy nghĩ thì càng đào sâu vào sự hiểu biết hạn hẹp của họ, để trưng bày phô trương dưới những hình sắc của ngôn ngữ thể hiện sự nông cạn, thiếu hiểu biết mà thôi.

Hy vọng cách nói này của Bảo Thành không chạm và có chạm thì ai đau thì ráng chịu. Không sao! Cuộc sống là có va chạm. Có va chạm mới giúp cho mình cảm nhận được cảm xúc của ta và chính cảm xúc đó nói rõ về con người của chúng ta. Mượn đạo tạo đời theo góc độ tích cực là mỗi người phải mượn sự hướng dẫn của tôn giáo, của đạo mình theo để làm việc thiện lành, xây dựng cuộc đời, tạo dựng cuộc đời. Đừng để ma đạo dắt mũi ta vào con đường tàn ác. Làm được điều đó, mà điều này thật đơn giản ai cũng hiểu, từ trẻ nhỏ cho tới người lớn tuổi, từ những em bé tới những bậc trưởng lão ai cũng có thể hiểu và làm được nếu chúng ta không cầu kỳ hoá tôn giáo của mình ở mức quá cao và muốn đặt để đồng hoá một khuôn mẫu nhất định cho mọi người, mọi loài phải như vậy, thì chúng ta thật dễ ứng dụng cái đạo mình để tạo đời.

Nếu như Ngài Phổ Hiền gọi là tuỳ hỷ và hằng thuận với nghiệp duyên của từng chúng sanh, nhưng dù có khác biệt nghiệp duyên cỡ nào đi nữa, thì chuyện hành thiện bỏ ác ai cũng có thể hiểu và hành được nếu có sự hướng dẫn cặn kẽ. Và sự hướng dẫn thật đơn giản bởi chúng ta đã được hướng dẫn từ ông bà, từ cha mẹ, từ thầy cô, từ các bậc thiện lành trong cuộc sống và trong xã hội cũng dạy cho chúng ta là làm việc thiện. Không xã hội nào dạy cho chúng ta làm việc ác, không một đạo nào dạy cho chúng ta làm việc ác, chỉ có ma đạo mà thôi, chỉ có xã hội của ma quỷ mới dạy cho chúng ta ác mà thôi.

Cho nên con đường đạo chỉ cần bạn làm đúng, làm điều thiện để tạo cuộc đời thì bạn cần phải hãnh diện. Đừng sợ! Đừng sợ ai chê bai bạn, đừng hùa theo nhóm người này, nhóm người kia để chê bai. Bởi chúng ta thường dễ nhìn thấy những gì ta không hiểu, không biết, nhưng khó nhìn thấy những điều gì ta hiểu và biết về chính mình. Bởi ta không muốn nhìn! Cho nên con đường đạo mà Đức Phật dạy cho chúng ta và Ngài muốn chúng ta mượn đạo Phật để tạo dựng cuộc đời theo hướng thiện đó, cần phải suy nghĩ giản đơn, ứng dụng rõ ràng trong cuộc sống, bạn sẽ hanh thông, bạn sẽ hạnh phúc. Và bạn chẳng sợ người ta nói bạn mượn đạo tạo đời đâu. Bởi thực sự Bảo Thành, các bạn và mọi người đều phải mượn con đường đạo mà Đức Phật dạy! Bởi đạo là phương tiện như con thuyền đưa bạn qua sông. Mượn con thuyền qua sông có gì gọi là xấu hổ? Các bạn, không có gì là xấu hổ hết! Nhưng mượn những điều lừa lọc, gian ác để tạo dựng cho mình thế đứng ở đời, quyền lực ở đời, sự tận hưởng của cuộc đời, thì đó không phải là đạo Phật. Cái đó không gọi là mượn đạo để tạo đời, mà cái đó gọi là lạc đạo, phá hư cuộc đời, đi vào ma đạo rồi, lạc đạo, sai đường.

Cần phải nhìn thấu điều này và nhớ rằng chúng ta càng tu thì càng cần mượn đạo Đức Phật dạy để tạo dựng cuộc đời của mình cho đúng thế dựa trên tám con đường đạo Đức Phật dạy Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm Và Chánh Định. Đó là Chánh Đạo, đó là đạo của Phật, ta cần phải mượn Bát Chánh Đạo để tạo dựng cuộc đời.

Cuộc đời sẽ đẹp làm sao khi mỗi người đều biết mượn đạo, mượn Bát Chánh Đạo trong bài kinh Tứ Diệu Đế Phật dạy để xây dựng, để tạo dựng cuộc đời thì thật tuyệt vời rồi. Còn những ai làm ngược lại con đường Bát Chánh Đạo, làm theo Tà Kiến, Tà Tư Duy, Tà Ngôn Ngữ, Tà Mạng, Tà Nghiệp, Tà Tinh Tấn, Tà Niệm, thì những con đường tà đó nó có đầy rẫy trong cuộc đời này, thì đó không phải là Phật đạo mà đó gọi là ma đạo, là lạc đạo. Ma và Phật thật rõ, Phật là thiện, ma là ác. Cho nên bạn đi theo ma đạo là bạn làm ác, bạn đi theo Phật đạo là bạn làm thiện. Và chúng ta cần phải mượn điều thiện Đức Phật dạy đó để tạo dựng cuộc đời. Gọn, ngắn, không dông dài!

Và các bạn ở mỗi một địa vị như thế nào, thế đứng như thế nào trong cuộc sống, ngành nghề nào trong cuộc đời, bạn đều có thể mượn đạo Phật hoặc tôn giáo bạn theo để tạo dựng cuộc đời theo hướng thiện, thì bạn đã đang làm hoàn mỹ cuộc đời của bạn theo cái đạo giáo bạn theo đó. Ta không đào sâu quá sâu theo các ông đạo, các thầy tu, các bậc thần học, các bậc luật sư lý luận mà ta đi theo cái rất bình thường: “Làm lành lánh dữ, làm thiện bỏ ác”. Và khi làm thiện thì chúng ta đích thân và đích thực đã mượn đạo bồ đề của Phật để tạo dựng cuộc đời thánh thiện, tốt đẹp hơn. Cần được khích lệ và sách tấn mọi người nên mượn đạo tạo dựng cuộc đời theo hướng thiện. Đừng để ma đạo xỏ mũi, dẫn dắt tạo dựng cuộc đời theo hướng ác.

Đó là sự chia sẻ theo cách nhìn và cách nói của Bảo Thành, hy vọng không đụng chạm tới chữ “mượn đạo tạo đời” mà chúng ta thường suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực, đả phá, chê bai, lý luận, gièm pha, phán xét. Những chuyện đó ta không bàn, những chuyện đó ta để dành cho những người luật sư, đạo sư, thần học cao siêu họ tranh đấu bởi họ có khả năng ngôn ngữ vượt ngoài tầm hiểu biết của chính họ!

Các bạn hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Ngài dạy Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Chúng con mượn Bát Chánh Đạo này là con đường tu tập để xây dựng cuộc đời thiện lành. Nguyện xin chư Phật gia trì cho chúng con biết ứng dụng và mượn phương tiện Phật đã dạy để đi tới bờ giác ngộ an vui ngay trong cuộc trần này!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts