Search

Bài 2148. Không Biết Nhàm Chán | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chùa Xá Lợi! Hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết quán chiếu trong Chánh Niệm để thấu rõ được vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện sự gia trì tới quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Thành tâm hồi hướng cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp tái sanh.

Mô Phật!

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Hãy luôn nhắc nhở lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương! Nguyện một lòng khiêm tốn và thành kính đón nhận năng lượng của Chư Phật và rải tới tất cả các đấng bậc sinh thành, gia đình, bạn bè, cộng đồng, xã hội và nhân loại. Khi chúng ta hít vào thở ra, trì hai mật chú Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang tức là Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi, mỗi người chúng ta lắng đọng tâm hồn sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(15:34) Mô Phật!

Các bạn thân mến! Chủ đề hôm nay “Không Biết Nhàm Chán”. Nếu mình tự hỏi rằng cuộc sống này đây, Bảo Thành và các bạn, những thứ gì mà chúng ta không biết nhàm chán thì có lẽ không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng thông thường trong cuộc sống, ta vẫn thường nói chuyện với bạn rằng: “Ôi! Đi tới cái quán này ăn ngon lắm, tuyệt vời!” và rồi chúng ta hình như thường tới đó ăn hoài không biết chán. Thật nhiều thứ trong sinh hoạt của chúng ta cứ lặp đi lặp lại một cách không biết nhàm chán. Nhưng những thứ đó, chúng ta rồi dần dần cũng có thể dừng lại được!

Có ba thứ mà theo chính Đức Phật nói là chúng ta – Bảo Thành và các bạn không bao giờ biết nhàm chán. Và ba thứ ấy là sự chướng ngại, cản trở mỗi người chúng ta trên con đường học đạo. Vậy nên đã biết bao nhiêu con người tu, dù là Thiền Tông hoặc là Thiền Mật song tu, Kim Cang Thừa, Tịnh Độ hoặc bất cứ một giáo pháp nào không cần biết, ngay cả ở các tôn giáo khác bởi vì những điều gì Đức Phật dạy, nó thuộc về loài người, không phân biệt tôn giáo đâu. Và xưa đến giờ, chúng ta tu tập mà không chứng đắc được đến sự an lạc viên mãn, có trí tuệ và thành tựu được để giải thoát và gỡ bỏ sự đau khổ, bất thiện, tai họa, xui xẻo trong cuộc đời chính là bởi vì mỗi người chúng ta không bao giờ biết nhàm chán ba thứ này. Không biết các bạn có đoán ra ba thứ đó là gì không?

Các bạn nên nhớ, Đức Phật là bậc giác ngộ. Con đường Ngài hướng dẫn cho chúng ta là để giải thoát khỏi đau khổ và phiền não. Mục đích là cho chúng sanh học một điều gì đó để thoát khỏi đau khổ, phiền não. Và Ngài nhìn thấu được nguyên nhân tạo ra đau khổ, phiền não, dạy cho chúng ta những bài học rất thực tế, phù hợp để ai cũng ứng dụng được. Bạn theo tôn giáo nào không quan trọng, nếu bạn muốn hết khổ đau và phiền não, chẳng cần phải thay đổi tôn giáo đâu, bạn chỉ cần thực hành theo những điều Đức Phật dạy là chúng ta thoát khỏi đau khổ và phiền não. Bởi Phật dạy cho chúng ta những phương pháp rất người, thuộc về con người trong cảnh giới này, trên hành tinh này, đó là cảnh giới gọi là dục giới.

Suy nghĩ một chút để các bạn cho chúng ta tự biết ba điều gì mà chúng ta không biết nhàm chán? Mà ba điều đó là sự cản trở vô cùng, để không bao giờ ta chứng đắc được nếu chúng ta không chú trọng để giảm đi, bớt đi, đoạn diệt và cách ly với chúng. Nếu không làm được điều đó, không thể chứng đắc được! Không cần biết bạn học pháp môn cao siêu nào, không cần biết bạn kề cận với bậc tôn túc giác ngộ hoặc những bậc đạo sư cao cả nào, hoặc được thọ cái này thọ giới kia, được truyền mật ấn này mật ấn kia hoặc truyền bí pháp này, pháp môn này pháp môn kia, nếu bạn không thể dừng được ba điều mà ta không bao giờ biết nhàm chán này thì nhất định tu cái gì cũng vẫn khổ đau, phiền não mà thôi.

Một thuở ở trong thành Xá Vệ nơi khu rừng của ông Cấp Cô Độc, Đức Phật dạy như vầy (đây là Kinh A-Hàm nói về câu chuyện Đức Phật dạy cho chúng đệ tử, các bậc đa văn, các bậc đã chứng đắc và các bậc đã thành tựu), hãy nhớ, Đức Phật thấy có ba điều mà chúng sanh không bao giờ biết nhàm chán và ba điều không nhàm chán này cản trở con đường thành tựu pháp an lạc, pháp hỷ, pháp lạc và khinh an trên con đường tu tập đoạn diệt khổ đau. Ba điều này tới từ nghiệp truyền kiếp và rồi sinh ra ta đã có. Ba điều kiện này luôn luôn hấp dẫn chúng ta và trong đó có một điều thuộc kiếp này là ta bước vào để tiếp lực cho hai điều của kiếp trước, đó là gì?

Kinh A-Hàm Phật dạy có ba điều không bao giờ nhàm chán.

  • Điều thứ nhất là tham dục!

Tham dục là bởi vì chúng ta ở cõi này gọi là cõi loài người, cõi dục cho nên rất là bình thường, rất là tự nhiên, chúng ta thừa hưởng nghiệp của tham dục vô lượng kiếp tích lũy, nên sinh trong kiếp này. Vốn ở trong ta đã có tham dục, vì tham dục ta mới sinh trong cõi dục giới này, đau khổ này và nhiều phiền não này. Phải khẳng định được điều đó! Bảo Thành, các bạn, mọi người đều có tham dục!

Trong nhà Phật định nghĩa thật rõ, tham dục tức là đắm chìm, dính vào, không gỡ được, không thoát ra được, vùi đầu vào đó từng giây từng phút. Có năm thứ dục Đức Phật nói thật rõ, đó là về ái tình, về danh vọng, về tiền tài, về mê ngủ, mê ăn uống. Rõ lắm! Năm thứ đó Phật gọi là Ngũ Dục. Tham dục tức là chúng ta đắm chìm trong năm thứ đó. Mà hỏi thấy giật mình thật, bởi ai trong chúng ta cũng thích tiền, cũng thích tình, cũng thích quyền lực, cũng thích mê ngủ cho sướng con mắt ra, rồi mê ăn, mê uống. Mà hình như cái đó nó có sâu đậm ở trong lòng của Bảo Thành và trong gen di truyền của mọi người chúng ta từ kiếp này qua kiếp sau. Nhưng Phật nói, cái tham dục này nếu chúng ta không quán chiếu cho thật rõ thì nhất định tu cỡ nào cũng không đi tới sự chứng đắc. Thì làm sao các bạn và Bảo Thành bao nhiêu năm qua, mọi người cứ tu mà không thấy tiến? – Đúng rồi! Bởi vì ta tham dục.

Các bạn nghiệm lại đi, năm cái dục đó có phải chăng cả cuộc đời này sinh ra, chúng ta đầu tư cả cuộc sống để thành tựu được năm cái dục này, có nghĩa là quá tham luôn, tham tới mức không đếm nổi nữa, vậy nên chúng ta tu theo Phật không thành tựu đâu. Đây là câu hỏi để chúng ta tham thoại, tức là tự vấn lương tâm để xét nghiệm lại, từ đó chúng ta phải thay đổi và thực hiện lời Phật để thay đổi cách sống, để phải nhàm chán nó. Còn không, Phật đã nói rồi, chúng ta không biết nhàm chán tham dục đâu. Và nếu không biết nhàm chán nó và cứ đắm chìm nơi nó thì nhất định tu không chứng đắc. Đó là cái thứ nhất!

  • Cái thứ hai Phật gọi là mê ngủ!

Cuộc đời của con người, trên nửa thời gian của cuộc sống là ngủ. Mê ngủ và mê ngủ và mê ngủ! Đôi khi nói, chúng ta không để ý nhưng thời gian dành cho ngủ quá nhiều. Ngủ riết rồi bị lậm và mê, đầu óc không tỉnh táo. Phật nói rất phù hợp với kiếp sống con người, tham dục và mê ngủ.

  • Cái thứ ba cản trở vô cùng, đó là thích sử dụng, uống, chích hoặc sử dụng các chất gây nghiền như rượu, bia, á phiện, các loại làm cho ghiền, cờ bạc!

Cái này không phải là thời sau mới nhận ra mà thời Đức Phật trước đó, khi có loài người thì hình như đây là những thói quen của loài người chi phối toàn diện thời gian trong cuộc sống của một kiếp người. Để rồi chúng ta không còn thời gian suy nghĩ để đi đến sự giải thoát. Mà những sự không biết nhàm chán này: tham dục, mê ngủ và bị ghiền ở trong những thứ thuốc, rượu, bia, cờ bạc làm cho chúng ta đốt cháy cả cuộc đời trong đó. Và nếu như chúng ta không chú ý đến những lời dạy của Đức Phật trong Kinh A-Hàm về ba hiện tượng thực tế của cuộc sống để chúng ta tu mà chuyển hóa. Thì các bạn dù có tới chùa, dù có tụng Kinh, dù có ngồi thiền, dù có Kim Cang Thừa, Mật Thừa, dù có gọi là thiền Vipassana hoặc thiền Tứ Niệm Xứ, hoặc Tịnh Độ niệm Phật mà không dứt khỏi ba sự vừa kể: tham dục, mê ngủ, sử dụng các chất gây nghiện, rượu bia, cờ bạc, á phiện, các thứ, không biết nhàm chán ba thứ đó thì không bao giờ thành tựu.

Nghĩ lại thấy quá đúng! Chúng ta không thành tựu được từ xưa tới giờ, đừng đổ thừa: “Ôi, tôi nghiệp nhiều!”. Đức Phật là một bậc Thầy, nhà khoa học, Ngài chỉ thật rõ đây là những điều cản trở, chuyển hóa chúng thì tiến bộ. Nếu bạn không thấy tiến bộ trên con đường tu, nhìn vào ba thứ này: tham dục, mê ngủ, nghiện ngập. Các bạn từ từ thuyên giảm chúng, đoạn diệt chúng, cách ly chúng thì các bạn sẽ tiến bộ.

Hôm nay chúng ta nói về chủ đề mà cần phải thực hành để sự đồng tu của chúng ta thăng tiến để hưởng được pháp vị giải thoát đi đến sự an lạc thực sự ngay kiếp này. Các bạn hỏi: “Làm sao có thể nhàm chán tham dục đây?”. Chúng ta phải phân tích kỹ một chút xíu thôi! Nhớ rằng nhàm chán tham dục không hẳn rằng phải bỏ tất cả, đoạn diệt tất cả. Tham dục tức là dính, đắm chìm, không phải là phải lìa bỏ tất cả. Bởi vì nghĩ cho cùng, năm cái dục mà Đức Phật dạy như tiền, ai dám bỏ hết tiền? Đây là chúng ta nói đến Phật tử tại gia rất cần tiền cho đời sống hiện thực. Nhưng tham tiền với có tiền nhưng sử dụng đúng pháp nó khác!

Nếu các bạn hỏi: “Ôi, Phật giáo tiêu cực quá, cái gì cũng phải bỏ, bỏ hết, rồi ai dám bỏ hết tiền? Đời sống Phật tử tại gia bỏ tiền, rồi tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn uống, con cái học hành rồi sao?”. Phật chỉ nói rằng tham tiền, chứ không nói bỏ hết tiền! Bởi tiền chỉ là phương tiện của đời sống, nếu chúng ta tham vào đó và nghĩ đó là cứu cánh của cuộc đời thì bạn tu không giải thoát được đau khổ và phiền não. Nhưng nếu như chúng ta hiểu rõ tiền chỉ là phương tiện cung cấp cho đời sống con người thì chúng ta học cách của Chư Phật, sử dụng tiền như một phương tiện diệu dụng phù hợp với pháp thiện, để tăng trưởng đời sống an lạc cho ta và mọi người.

Trong tham tình cũng vậy! Nói đến tình của loài người không phải chúng ta là những chúng sanh vô tình, không có tình cảm. Làm sao lìa xa được tình cảm của cha của mẹ, của anh chị em, của vợ chồng, con cái trong hàng Phật tử tại gia của chúng ta? Nhưng tham dục của tham tình ở chỗ là chúng ta chấp rằng người đó, con người đó thuộc về ta, của ta và ta là của họ, chỉ có vậy thôi, và luôn luôn trường cửu, bất diệt – gây đau khổ ở cái tâm niệm như vậy.

Nếu hiểu thấu thì Đức Phật dạy cho chúng ta quán chiếu sự vô thường để thấy, mỗi một đối tượng ta thương yêu đều vô thường sanh diệt trong từng sát na. Để tình yêu mà đối xử với người đó là tình yêu cao trọng, khởi nguồn từ lòng từ bi. Chẳng phải là tình cảm riêng tư giữa hai cá thể của con người đối với nhau. Để từ đó mà chúng ta đày đọa, đau khổ trong oan gia trái chủ của tình thương Phàm phu.

Tham quyền lực, tham danh! Chúng ta học là để có kiến thức, có tài danh phục vụ, nếu chúng ta đắm chìm trong cái danh đó để rồi mượn tất cả mọi mưu chước của cuộc đời để thành tựu được danh phận như vậy, đó gọi là tham danh để hại người, nguy hại. Nhưng nếu chúng ta mang kiến thức học hỏi, tăng trưởng để có được danh trong đời để phục vụ đời sống của ta và muôn người theo pháp thiện thì đều là tốt.

Nói đến ngủ điều độ đều là sức khỏe. Ăn uống điều độ thì đều là sức khỏe. Thì năm cái dục này là năm điều chúng ta phải điều độ, cân bằng, phù hợp, không đắm chìm thì tâm hỷ sẽ khởi lên và sự tu tập của chúng ta sẽ thành tựu.

Phật dạy rất khoa học! Ngày xưa chúng ta ăn, ăn quá trời rồi chúng ta bị bệnh. Thế giới ngày nay, người ta phải kiêng cữ, ăn cho đúng, ăn cho phù hợp và ngủ cũng vừa phải để chúng ta không bị mê ngủ để luôn luôn tỉnh thức. Và làm sao quán chiếu được điều đó? Quán chiếu vô thường! Vô thường để thấy rằng đồng tiền, tình cảm, danh vọng ở đời, sự ngủ nghỉ cũng như ăn uống, nó sẽ lìa xa chúng ta bởi nó sanh rồi nó diệt, nó tới rồi nó đi, nó vô thường như thế. Từ đó, chúng ta mới trân quý những điều chúng ta có, hiện có bởi phước báu, nên ứng dụng vào đúng pháp thiện, diệu dụng một cách phi thường để mang lại sự an vui cho chúng ta nhưng không đắm chìm vào. Cho nên qua pháp tu thiền trí tuệ, nhìn thấu được vô thường, chúng ta sẽ có được trí huệ để từ đó hiểu và không đắm chìm, nhưng ứng dụng được những điều cần có trong cuộc đời được gọi là Ngũ Dục nhưng không tham dục. Có dục, có năm thứ đó là phương tiện nhưng không tham đắm, chìm đắm! Quán chiếu như vậy sẽ giúp cho chúng ta nhận thức được để chúng ta giảm bớt, đoạn nó đi, cách ly nó đi. Cách ly lòng tham! Có, nhưng cách ly lòng tham! Cách ly không phải là từ bỏ tất cả, nhưng cách ly chữ “tham”. Bạn định nghĩa chữ “tham” theo kiến thức của mình rồi bạn cách ly nó, chỉ còn cái sự dụng của những điều cần thiết trong cái dục của kiếp người này mà thôi!

Mê ngủ! Để đoạn diệt được sự mê ngủ, ta quán chiếu kiếp người mong manh, vô thường, mang thân người thật quý hiếm, phương tiện vi diệu. Từ đó, ta thấy được chân giá trị của kiếp người để không đắm chìm vào trong giấc ngủ. Muốn như vậy, ta phải thiền định! Trong thiền định trí tuệ và từ bi giúp cho chúng ta hiểu thấu giá trị của cuộc đời, từ đó chúng ta có thể có được chất đề kháng tỉnh thức. Chất đề kháng tỉnh thức sẽ giúp cho mỗi người chúng ta sẽ dần dần không còn mê ngủ. Ngủ vừa, ngủ sâu, ngủ đúng để cho cơ thể của chúng ta phục hồi sức khỏe. Nhưng không mê muội trong sự ngủ để rồi chúng ta đánh mất hết toàn diện thời gian của cuộc đời cho vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ, tham dục đắm chìm. Phật nhìn thấy sự cản trở đó nên sách tấn chúng ta phải chú ý để cách ly, đoạn diệt để tăng trưởng sự tu.

Còn một điều nữa mà ngay trong kiếp này, chúng ta thường hay tạo ra là sự nghiện ngập. Nghiện rượu, bia, nghiện các chất xì ke ma túy, nghiện cờ bạc. Đây rất thực tế! Phật thấy được sự nghiện ngập này trong kiếp này ta tạo ra đó, nó sẽ đốt cháy cuộc đời của chúng ta và chúng ta không còn thời gian để tu tập. Và chúng ta dù có tu cái gì đi nữa mà bị nghiền vào thứ này thì không bao giờ thành công!

Ở đời mà nghiền vào những thứ như vậy rồi thì đã không thành danh, thành nhân, huống chi là trên con đường tu. Vậy nên, trên con đường tu, chúng ta phải trực diện nhìn rõ vào trong ta có ba thứ mà chúng ta không bao giờ biết nhàm chán đó là tham dục, đó là mê ngủ, đó là nghiện ngập. Phải chú ý vào ba điểm yếu này! Ba điểm này nếu không biết nhàm chán, nếu cứ vùi đầu vào trong thì chẳng khác gì chúng ta xây bức tường ngăn cách với lời của Phật. Dù có học Phật, có tu thì cũng chỉ là màu sắc để trang điểm cho cuộc đời, chứ thực ra không có thực dụng. Do đó mà người tu Phật, người học Phật, nhóm đồng tu của chúng ta, các bạn phải lưu ý hỏi lại xem sao sự tu của ta không thành tựu? Thì chúng ta nhất định sẽ thấy trong ba điều không biết nhàm chán này, ta có đủ! Có thể ở mức không nặng, nhưng mà cũng nhẹ nhẹ, có đấy. Nhưng có người ở mức nặng cân hơn, nhiều hơn, nhiều hơn ở cấp độ cao hơn. Cho nên chúng ta tu hoài mà không chứng đắc. Tu hoài mà cứ gặp xui xẻo, rồi đổ thừa là: “Tu nó trổ nghiệp, nó đổ nghiệp”. Nhưng không, bởi vì không biết nhàm chán ba thứ tham dục, mê ngủ và nghiện ngập nên vẫn tạo nghiệp thường xuyên. Dù có tu thì cũng hời hợt như lấy giọt nước mà rửa cả cái nhà dơ bẩn, làm sao sạch được? Lưu ý điều này để mỗi người chúng ta kiểm nghiệm lại để biết nhàm chán ba thứ Phật nói: tham dục, mê ngủ, nghiện ngập!

Đã là con người, chúng ta thường bị dính vào cả ba. Điều này thật rõ ràng, bởi cõi này là cõi dục giới. Và cõi dục giới là cõi đau khổ và phiền não. Phật tới cõi dục giới dạy cho chúng ta để chuyển hóa đau khổ và phiền não để thoát khỏi cõi dục giới. Nếu các bạn trong cõi dục giới có những điều đó là chuyện bình thường! Nhưng nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ luôn luôn đau khổ và phiền não. Chúng ta học theo Phật là để thoát khỏi cõi dục giới, đoạn diệt khỏi phiền não và đau khổ. Vậy chúng ta phải nhận diện được nó là sự thật, ba thứ không biết nhàm chán trong ta. Rồi để chúng ta tu thiền trí tuệ và từ bi để khai mở trí huệ, thấu rõ vô thường mới có nội lực để chặn đứng sự hấp dẫn của tham dục, mê ngủ và nghiện ngập thì tâm của ta mới tỉnh giác, thoát khổ và phiền não. Nếu chúng ta có thể cách ly được một chút thì ta sẽ có thêm một chút hỷ lạc trong cuộc sống. Nếu cách ly thêm nhiều, có thêm nhiều hỷ lạc và hạnh phúc trong cuộc sống.

Nhớ rằng, Phật nói không phải chúng ta phải tiêu diệt cả ba thứ này, nhưng phải điều độ, phù hợp với pháp thiện. Tiền tài, danh vọng, địa vị, sự ăn uống, ngủ nghỉ, sự phương tiện của cuộc đời cần có và nếu có được thì đều do phước báu, nhưng sử dụng như thế nào cho nó phù hợp để tăng trưởng trên con đường tu chứ mà đắm đuối, tham lam, cố chấp, bám víu thì chẳng khác gì cột đá vào cổ, nhảy xuống sông, dù có biết bơi cũng chết chìm, không thể lên bờ được. Nhất là sự mê ngủ!

Các bạn nghĩ lại đi, chúng ta ngủ dữ lắm! Cuộc đời chúng ta ngủ đến 08 tiếng, rồi còn ngủ trưa, ngủ sớm, ngủ tối, ngủ gật, ngủ chỗ này, ngủ chỗ kia, cộng lại hết cả nửa ngày rồi. Thậm chí có người đến 3/4 cuộc đời là ngủ, chứ chưa nói là chỉ có một nửa cuộc đời là ngủ đâu. Tu một phút, ngủ đến một tiếng đồng hồ. Mà trong khi tu, đang thiền mà cũng ngủ gật qua, gật lại, cuối cùng tỉnh dậy cũng gọi là tu. Nhưng cái đó gọi là tu gật để ngủ!

Cho nên các bạn nhớ, Phật nói đúng lắm! Phật hiểu được tâm lý của con người, Phật hiểu được nghiệp thức của con người, Phật hiểu được hoàn cảnh của con người và Phật hiểu được sự thật của kiếp người và Ngài mang ra như vậy, phân tích thật rõ và chỉ cho chúng ta cách tu tập để cách ly, đoạn diệt hoặc để ứng dụng phù hợp. Mà cách tu dễ nhất Đức Phật dạy đó là một đời sống Chánh Niệm!

Cách tu của Phật để mà nhàm chán tham dục, mê ngủ, nghiện ngập không phải là cách tu của những bậc lớn để thành đạo mà cách tu của muôn chúng sanh, đặc biệt là Phật tử tại gia của chúng ta, bằng Chánh Niệm hơi thở, bằng thiền từ bi – trí tuệ có công năng cách ly, đoạn diệt được và điều độ những phương tiện có trong cuộc sống bởi phước báu thành tựu được nó theo chiều hướng của pháp thiện để tăng trưởng công lực trong sự tu đi đến sự giải thoát viên mãn.

Nhìn lại sổ sách công hạnh tu của chúng ta, hình như ba điều đó còn rất là nặng. Bạn hãy mua một cái dũa dũa nó từ từ. Cái dũa của Chánh Niệm hơi thở, hít vào thở ra cứ từ từ theo cái dũa hơi thở này thì bạn sẽ bào mòn được ba sự không nhàm chán, bào mòn được tham dục, bào mòn được mê ngủ, bào mòn được sự nghiện ngập. Dũa Chánh Niệm hơi thở vi diệu vô cùng! Cứng như tham dục, cứng như mê ngủ, nghiện ngập mà cái dũa Chánh Niệm hơi thở này chỉ kéo qua một cái là nó mòn đi ngay. Huống chi là các bạn kéo liên hồi trong Chánh Niệm từng giây từng phút thì các bạn sẽ bào mòn hết sự tham dục, mê ngủ và nghiện ngập. Đúng lắm!

Còn nếu bạn sợ mỏi tay nữa thì bạn phải gắn vào một hệ thống tự động là trí tuệ và từ bi. Hệ thống cài đặt tự động trí tuệ và từ bi. Thiền trí tuệ – từ bi trong Chánh Niệm hơi thở là một cái dũa tự động vận hành. Dù chỉ một phút, năm phút, mười phút hay một tiếng đồng hồ, bạn chỉ cần khởi động sự ứng dụng tự động của Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi thì nhất định bạn sẽ bào mòn được ba tảng đá khô cứng của tham dục, của mê ngủ và nghiện ngập. Để con đường tu tập của các bạn sẽ dần dần thăng tiến!

Không biết nhàm chán ba thứ này là sự cản trở vô cùng trong kiếp người! Phước báu vô cùng khi Bảo Thành và các bạn có cơ hội biết được Phật – Pháp và Tăng. Học được Kinh Phật, lời Phật một cách rõ ràng mỗi một ngày. Có đầy đủ phương tiện để tiếp cận và có đầy đủ phương tiện để thực hành. Ta không thể hời hợt! Phải nhận rõ Phật dạy thật là kỹ, Phật là bậc Thầy rất tận tụy song hành với chúng ta, nhắc nhở chúng ta từng chút từng chút. Và Ngài luôn luôn nhận thấy rằng dưới sự nhắc nhở của Ngài, các học trò, học sinh như chúng ta làm theo, học theo, thực tập theo nhất định sẽ thành học trò giỏi, sẽ tốt nghiệp ngay và sẽ thành tựu được sự an lạc trong cuộc sống!

Nếu như các bạn cứ hỏi bản thân và nói với mọi người: “Tại sao tôi tu lâu rồi mà không thành tựu?” thì chính là bởi vì bạn chưa nhớ rõ ba điều mà Bảo Thành, các bạn không biết nhàm chán, vẫn chình ình trong cuộc đời. Cho nên công hạnh tu của chúng ta hình như có vẻ lớn nhưng thật hời hợt, chưa vượt qua được. Nay hiểu thấu, mang cái dũa tự động của Chánh Niệm hơi thở từ bi và trí tuệ, bào mòn chúng đi từ từ. Và sử dụng trí tuệ để đón nhận mọi phước báu trong năm cái dục là tiền tài, danh vọng, địa vị, sự ngủ nghỉ và ăn uống một cách điều độ để tránh xa mọi sự nghiện ngập trong cuộc đời. Khi chúng ta biết điều độ, chúng ta biết làm chủ tâm qua sự thực hành Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán! Thiền Mật song tu là thiền trí tuệ và từ bi qua Chánh Niệm hơi thở. Thực tập như vậy, ta sẽ làm chủ được tâm và tâm sẽ được làm chủ trong tham dục, sự mê ngủ và nghiện ngập để từ đó chúng ta có thể đăng đàn nhập vào sự tỉnh giác để làm chủ vạn pháp vô thường sanh diệt lui tới trong cuộc đời mà tâm luôn an lạc và hạnh phúc.

Các bạn có nghe Bảo Thành đang nói gì không? Và các bạn có thấy dư âm như còn vang vọng trong tâm thức để nhắc nhở chúng ta không?

Kinh A-Hàm Đức Phật nói thật rõ, ba điều cản trở sự tu của chúng ta khó đi tới sự chứng đắc đó là mỗi người chúng ta không biết nhàm chán ba điều đó.

Điều thứ nhất là tham dục.

Điều thứ hai là mê ngủ.

Điều thứ ba là nghiện ngập dưới mọi hình thức.

Và chỉ có con đường Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi để phát được tuệ giác, hiểu thấu cõi vô thường, trân quý kiếp người ngắn ngủi như là phương tiện vi diệu. Từ đó, chúng ta có nội lực trong sự tu đó, để bắt đầu ứng dụng đúng với những điều gì mà phước đức của chúng ta tạo ra, có được trong phương tiện làm người. Ta sử dụng đúng, phù hợp để tăng trưởng trên con đường tu, chứ không đắm chìm, bám víu để dìm ta xuống vực sâu của tội lỗi, đau khổ.

Tu là nhìn thấu, sửa để đoạn diệt, cách ly đưa đến sự thành tựu. Nhất định chúng ta sẽ thành tựu nếu hiểu thấu được điều này. Nhất định chúng ta sẽ thành công nếu hiểu thấu được điều này. Nhất định chúng ta có sự an lạc và hạnh phúc nếu hiểu thấu được điều này!

Hãy nhớ, Đức Phật là Thầy, Ngài nhìn rõ tâm ý, tâm lý và những điều vốn có nơi kiếp người trong cõi dục giới này để hướng dẫn cho chúng ta tu để thoát ra. Và sự tu của nhà Phật rất khoa học, ai cũng tu được. Đặc biệt là trong hoàn cảnh của Phật tử tại gia, nếu các bạn tu cho đúng, tu cho đúng thiền trí tuệ Chánh Niệm hơi thở từ bi sẽ giúp cho chúng ta cách ly được với tham dục, mê ngủ và nghiện ngập để tăng trưởng.

Nhớ, một điều Bảo Thành mong muốn các bạn phải nhớ! Khi tham dục là tiền, tình, tài, danh vọng, địa vị, ăn uống, ngủ nghỉ đó, không phải chúng ta quăng bỏ hết, tất cả là không, không phải! Đối với Phật tử tại gia, ta có khả năng bằng kiến thức học hỏi ở đời để tạo ra những thứ đó. Nhưng nếu đắm chìm vào những thứ đó và cho những thứ đó là cứu cánh của cuộc đời thì đó gọi là tham dục. Còn nếu chúng ta thành tựu được những thứ đó bằng phước báu, sử dụng phù hợp để mang lại hạnh phúc cho ta và san sẻ với mọi người thì đó là điều cần phải chú ý. Còn không chúng ta vô tình hiểu sai Phật giáo là tiêu cực, bỏ, bỏ, bỏ hết. Phật giáo không bỏ hết mà Phật giáo ứng dụng tất cả những cái gì? Ứng dụng hết những cái gì có được trong cuộc đời do phước báu đúng với tinh thần của thiện pháp để tăng trưởng sự hạnh phúc cho muôn người. Đó chính là con đường Phật dạy, rất tích cực chuyển hóa, không phải tiêu cực để từ bỏ!

Hãy đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái Từ Bi!

Thưa Phật! Kinh A-Hàm Ngài nói thật rõ, ba thứ cản trở trong cuộc đời là tham dục, mê ngủ và nghiện ngập. Chúng con nguyện quán chiếu trong Chánh Niệm hơi thở bằng trí tuệ và từ bi để thấu được các pháp vô thường sanh diệt. Để trí huệ được khởi nguồn, nhìn rõ kiếp người ngắn ngủi và vô thường, trân quý, ứng dụng mọi phước báu có được mọi thứ trong cuộc đời bằng chân lý của pháp thiện, mang lại sự an vui, hạnh phúc cho mình và cho muôn người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay của chúng con nếu tạo được chút phước báu nào, xin hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn