Search

Bài 2147. Phải Nghĩ Cho Mình | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở quán chiếu để thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Thành tâm cầu nguyện cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch.

Hồi hướng cho tất cả các chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh.

Hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Tay phải tượng trưng cho trí tuệ, tay trái tượng trưng cho từ bi.

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy từ bi nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương. Chánh Niệm hơi thở để hiển lộ các pháp vô thường.

Luôn nghĩ đến các đấng bậc sinh thành, gia đình, người thân, cộng đồng, xã hội, nhân loại. Đồng tâm hồi hướng cho tất cả năng lượng vi diệu từ trí tuệ và từ bi nơi Chư Phật tới với muôn người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(14:45) Mô Phật!

Các bạn! Chủ đề hôm nay chúng ta nói tới có lẽ ai cũng thích, đó là “Phải Nghĩ Cho Mình”. Câu này không phải rằng chúng ta không biết cho nghĩ cho bản thân, cho mình. Chúng ta luôn luôn nghĩ và ai ở trong đời cũng luôn luôn khẳng định rằng chúng tôi luôn nghĩ cho bản thân. Và đôi khi một chuyện gì xảy ra, ta mới thầm nhắn nhủ mình hoặc nói cho người khác biết rằng phải nghĩ về cho mình thôi.

Các bạn! Hầu hết khi nghĩ cho mình, ta lại nghĩ tới vấn đề là làm sao ngay từ thuở nhỏ phải học cho thành tài. Đó là những ước mơ, lời khuyên cha mẹ thường nhắc, ta cẩn cẩn ghi nhớ để lớn lên chăm chỉ học hành để sau này biết lo nghĩ cho bản thân, cha mẹ đỡ nhọc nhằn.

Ta học, ta lớn, ta trưởng thành có kiến thức. Cứ theo những sự hướng dẫn đó, ta nghĩ về cái nhà. Bởi cái câu người ta nói nghe quá hay, quá thích: “An Cư Lạc Nghiệp”, có cái nhà, sự nghiệp sẽ thành công. Rồi chúng ta lấy vợ, lấy chồng, sinh con. Rồi chúng ta xây dựng nhà cửa. Rồi chúng ta tích lũy tiền bạc trong các quỹ tiết kiệm. Rồi chúng ta sắm xe, sắm vật dụng trong nhà, sắm quần áo, sắm những thứ chúng ta mong muốn và cho đó là nghĩ cho chính mình. Bảo Thành nghĩ rằng điều đó đúng!

Nghĩ cho chính mình là phải nghĩ về chỗ ăn, chỗ ở, tiền bạc rồi danh vọng ở đời cũng như phương tiện trong cuộc sống tạo được do chính sự học hỏi, kiến thức nơi gia đình, nhà trường, xã hội để hình thành một cuộc sống rất căn bản và rất ư là người. Điều đó đúng, không bao giờ sai! Đó là cách sống rất tích cực! Nếu ai không làm được điều đó thì luôn luôn lệ thuộc vào cha mẹ hoặc lệ thuộc vào ai đó, không tự lo cho bản thân, không nghĩ cho chính mình, chẳng bao giờ trau dồi kiến thức ở đời cũng như công ăn việc làm, sống dựa dẫm.

Có phải chăng phải nghĩ cho mình như vậy đã đủ? Những điều tích cực cho cuộc sống của mỗi người trong xã hội nhân quần này, trong thế gian này, cuộc đời này, những điều đó là điều đúng, căn bản. Từ đời xưa, ông bà, cha mẹ cho tới mãi mãi luôn luôn đi theo cái lập trình như vậy, không sai đâu. Ông bà đã làm, tổ tiên cũng đã làm. Ta thực hiện sai (?) Không sai đường, đúng mà! Tuy nhiên cái đó vẫn chỉ là một phần mà thôi, một phần để trọn vẹn kiếp người mà thôi! Còn một phần tối quan trọng cho cuộc đời đó chính là đời sống tâm linh. Từ đời sống vật chất về tinh thần, dĩ nhiên ta cứ theo như vậy là đã đủ. Và hầu hết mọi người chúng ta đầu tư thời gian thật nhiều vào đời sống vật chất bằng cách học hỏi kiến thức để tạo ra vật chất cho đời sống. Chúng ta cũng đầu tư vào đời sống tinh thần, giải trí như qua âm nhạc, qua kịch, qua tất cả mọi thứ như du lịch đây đó, nhiều hình thức giải trí làm cho thỏa mãn cảm giác của tinh thần. Ngày nay phương tiện nhiều lắm!

Nghĩ cho mình là nghĩ cho đời sống vật chất, nghĩ cho mình là nghĩ cho đời sống tinh thần, nhưng chúng ta lại quên cái đời sống tâm linh cho nên chúng ta cũng chưa nghĩ cho mình một cách trọn vẹn. Còn khiếm khuyết! Bởi hai phần đầu tiên, hầu hết ai cũng luôn luôn nghĩ tới là nghĩ cho mình về đời sống vật chất và tinh thần – là những thứ tạm bợ trong cuộc đời rất cần. Một đời sống tích cực là phải lo nghĩ cho chính mình về phần vật chất và tinh thần. Nhưng các bạn nhớ, đó là lo cho tất cả những gì còn hiện diện trên cuộc đời. Còn cái sau khi kết thúc cuộc đời này còn lại hay không, thì toàn bộ thời gian của một kiếp người lo cho vật chất và tinh thần chẳng thể mang theo được, ngoại trừ nếu ta biết lo lắng cho đời sống tâm linh khi còn mang thân kiếp làm người. Mà hầu hết, thời gian chúng ta lo cho đời sống tâm linh hình như rất ít, thậm chí không có. Chăm chút từng chút một cho đời sống vật chất cho có tiền bạc, có nhà, có đầy đủ, tinh thần thoải mái, đi chơi, ăn uống, vui vẻ. Nhưng những cái gì lo lắng cho tâm linh, ta lại bỏ mặc cho những người khác.

Các bạn hỏi bỏ mặc cho người khác là sao?

Bạn cứ hỏi lại lòng mình đi! Bạn có nghĩ về đời sống tâm linh của bạn hay không? Hay khi đụng chuyện bối rối quá, chạy tới nhà thờ, nhà chùa, tịnh thất, am hoặc chạy tới những nơi thờ phượng theo tôn giáo của mình để xin lễ, cầu kinh, cầu siêu, cầu an đủ thứ. Thậm chí xui xẻo thì đi tới Thầy hỏi cách giải sao giải hạn. Khi tai họa thì bắt đầu cũng đi xin xỏ đủ thứ hết. Người khôn hơn một chút thì biến mình thành nhà thầu, nhà khoán, thầu khoán luôn các Thầy chăm lo đời sống tâm linh. Để từ đó mù tịt trên con đường tâm linh, quờ quạng, chỉ mang tiền tài, vật chất ra để mua lấy đời sống tâm linh qua những người được gọi là có sức mạnh, thần thông hoặc qua những con người gọi là quyền năng tái thế từ cõi Trời.

Đời người của người Phật giáo chúng ta, nếu tính cho rõ hơn thì hầu như ít khi tới chùa, ít học hỏi Kinh sách, ít có tu tập. Một năm có lẽ tới chùa hai lần; đó là bây giờ còn hồi xưa cũng không có nữa, là lễ Phật Đản và lễ Vu Lan. Còn ngày Tết thì chắc là phải tới rồi, bởi vì ngày đó là ngày qua năm mới, phải tới cầu, xin. Gọi cho là ba lần. Ba lần một năm! Thậm chí có người một năm ba lần như vậy cũng không tới chùa, nhưng trong cuộc đời, cuối cùng tới chùa 07 lần là bởi vì khi chết. Khi người thân chết bắt đầu cúng 49 ngày thì 07 ngày đó, 07 tuần đó, mỗi tuần một ngày thôi, tới chùa cúng. 7×7=49 ngày nhưng thực ra tới được có 07 lần. Xong đám cầu siêu đó, hầu hết là phó mặc cho các Thầy, các Sư Cô, nhà chùa làm lễ, tới để tham dự mà thôi, như thương nhớ về người thương yêu, nhưng rồi xong là chẳng còn nữa. Đám giỗ cũng không nhớ!

Đây là nói đến Phật giáo của chúng ta. Hiếm!

Bảo Thành ở trong chùa, có biết bao nhiêu tro cốt, di ảnh thờ ở trong chùa trong những hoàn cảnh thậm chí mà con cháu không thể đến được 07 lần trong 49 ngày. Nhiều khi cứ nói rằng bận rộn hoặc ở xa, chẳng tới chùa đọc Kinh, hồi hướng công đức. Thực ra chúng ta cứ nghĩ rằng khi tới chùa trong 49 ngày đó là cầu nguyện hồi hướng cho người mất, chứ đâu có nghĩ rằng trong 49 ngày đó lợi lạc vô số cho ta khi còn sống. Bởi đó chính là môi trường quán tưởng sự chết và được học hỏi Kinh sách để đánh thức con đường nghĩ cho chính mình về tâm linh. Đừng đợi phút cuối phó thác, đặt để vào tay các Thầy, các Sư Cô!

Và rồi các bạn có biết không? Sau những ngày đó, từ năm này qua năm sau, chính ở chùa này đây, tro cốt có, di ảnh có, nhưng mấy ai tới thăm người thân? Giỗ cũng quên, ngày kiêng kị cũng quên, tất cả đều quên. Thế là xong!

Lo nghĩ cho mình về đời sống tâm linh thật là hiếm! Phật giáo không có thói quen tới chùa từ thuở nhỏ học hỏi Kinh sách. Không có thói quen tới chùa để học giáo lý của Đức Phật. Không có thói quen tới chùa để gần gũi các bậc tôn túc, học hỏi. Bởi có một câu mà nhắc đi nhắc lại, thứ nhất là “Tu tại gia”, “Tu tại tâm”, chẳng cần tới chùa. Nhưng tại gia đình muôn thứ lộn xộn, tại tâm phóng dật của ta, làm sao để tu? Chùa là ngôi trường học, là môi trường để chúng ta tu! Nhưng những điều đó khó lắm, ngày nay có, nhưng vẫn nằm ở trong sự sinh hoạt mà thôi. Sinh hoạt Phật giáo! Bởi nhà chùa thường nghĩ đến sinh hoạt Phật giáo là phải đi vào những sinh hoạt của xã hội. Mà đúng, nếu không sinh hoạt xã hội một chút xíu trong các ngôi chùa, Phật tử chẳng bao giờ tới chùa!

Các tôn giáo khác, từ thuở thật là nhỏ, họ đã được cha mẹ, ông bà dắt dìu tới các trung tâm tôn giáo của họ. Được học giáo lý, được tu luyện và ít nhiều gì thì nền tảng về tôn giáo họ theo vẫn luôn luôn có ở trong đầu, họ nắm vững. Còn chúng ta vẫn mang tên là Phật giáo, Phật tử nhưng mấy ai biết về giáo lý của Đức Phật đâu? Để rồi từ đó khi xảy ra một chuyện gì đó ngoài tầm tay, mặc dù vẫn lo nghĩ về đời sống vật chất, nhưng khi tán gia bại sản, tiền bạc mất hoặc làm ăn xui xẻo thì lại không dùng kiến thức của mình để suy luận, để giải quyết, để tìm ra, để rồi phấn đấu vươn lên mà lại tìm các vị Thầy, Thầy gì? Thầy cúng sao, giải hạn. Thầy gì? Thầy bói tướng, phong thủy. Thầy gì? Thầy bùa, Thầy ngãi, đủ loại Thầy để làm sao đó cho mình hưng thịnh hơn.

Lạ lẫm như vậy! Để rồi khi tới với những vị Thầy, có những vị Thầy cái gan họ to như mặt trời, gan to, không biết sợ. Họ vỗ ngực xưng tên: “Rồi! Tới đúng người rồi, yên tâm. Ta có sức mạnh giúp cho!”. Thế là lại mất tiền, hao tổn tinh thần, và đôi khi chúng ta còn khoán trắng cho ông Thầy đó một số tiền để lo vận mệnh cho chính mình về đời sống tâm linh. Dần dà chúng ta không hiểu được một chút gì về những lời của Đức Phật dạy, và mù quáng dữ lắm. Để trở thành quá mê tín dị đoan, đâm đầu chui vào dưới sự điều khiển của người khác mà chẳng một chút gì dùng trí tuệ để tư duy, để xem xét.

Không phải ngàn năm xưa người ta không có trình độ vậy đâu, không có! Ngày nay được gọi là thượng đẳng kỹ thuật, khoa học, trí tuệ nhân tạo mạnh như vậy nhưng con người vẫn mù, vẫn như ngàn năm xưa, vẫn mê tín dị đoan, vẫn đâm đầu vào những nơi mà chẳng bao giờ sử dụng trí tuệ để tư duy bằng Chánh Kiến nhận thức cho rõ. Từ đó mà bạn cứ nghĩ rằng bạn đã thực sự nghĩ cho mình là hầu như không đúng! Mới nghĩ về có hai phần: vật chất, tinh thần, nhưng phần tâm linh, hầu hết bạn không có đầu tư suy nghĩ cho chính mình đâu, toàn là để cho người khác nghĩ cho mình không.

Các bạn ở Việt Nam, các bạn cứ chứng kiến một buổi lễ đưa người thân ra đi (gọi trong dân gian là đám ma của người thân chết), chúng ta thấy đầy đủ những màu sắc của tôn giáo, của lễ nghĩa dân gian, của phong tục tập quán. Nếu các bạn bình tĩnh một chút khi đi đến những đám tang như vậy, bạn ngồi, bạn tư duy, bạn mới thấy! Nó như một tuồng tích, như một màn diễn cải lương! Vậy mà chúng ta cứ phải đâm đầu lặp đi lặp lại! Bởi xưa giờ có khi nào trong đám tang, ta ngồi, ta suy nghĩ về đời sống tâm linh của người đã mất và đời sống tâm linh của người còn sống như chúng ta. Hay chúng ta chấp nhận rằng đình đám, rần rần như vậy, chuông mõ, Kinh sách, rồi đủ thứ nghi thức, áo mũ, phất trượng, trống kèn inh ỏi hết là đúng? Hình như ở trên đời, câu nói rằng cái gì được lặp đi lặp lại nhiều lần mà ta thấy quen quá thì trở thành chân lý, nhưng Đức Phật dạy hãy cẩn thận. Bởi đó chỉ là chân lý ảo thôi! Nó được lặp đi lặp lại nhiều lần và được ta sử dụng nhiều lần, được ông bà sử dụng nhiều lần, được nhiều người sử dụng nhiều lần qua nhiều ngàn năm cũng không phải chắc chắn là chân lý và là đúng. Đúng hoặc là chân lý cần phải thẩm định bằng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy!

Đức Phật thường dạy nhân quả do ta tạo, chẳng thể trốn lên trời, chui vào trong động hoặc dưới hầm sâu, biển cả để có thể thoát được nghiệp khi nó trổ. Không! Nếu biết như vậy thì chúng ta thấu rằng, lời Phật dạy, giải quyết nghiệp của ta thì phải do chính ta. Nghĩ cho mình là nghĩ làm sao giải quyết những nghiệp thức bất thiện nhiều đời ta đã tạo ra. Để đặt một bàn tay nữa, chăm sóc cho một đời sống thực sự của con người trọn vẹn về cả ba mặt: vật chất, tinh thần và tâm linh.

Vật chất và tinh thần chẳng thể mang theo được bởi những điều đó là điều cần thiết để phục vụ khi còn làm người, nhưng đời sống tâm linh là những cái có thể mang theo bởi tạo thành phước báu, công đức, tạo thành nghiệp mà trong đó, nếu khôn khéo, ta sẽ tạo được những chuỗi nghiệp thiện là phước báu, công đức mang theo. Nếu không biết chăm sóc cho kỹ, nếu không khôn khéo thì ta tạo ra toàn là nghiệp ác, tai họa, xui xẻo đeo đuổi theo ta như bóng với hình từ đời này qua đời sau.

Phải nghĩ cho mình thôi các bạn ơi! Sau này các bạn đi tới một đám tang, các bạn hãy ngồi tịch tĩnh ba, bốn tiếng đồng hồ, quan sát trong đám tang đó, chuyện gì đang xảy ra rồi các bạn tư duy thử xem, những điều đó thực sự có lợi ích gì cho người đã mất hay không, hay chẳng qua là để thỏa mãn cảm giác, cảm xúc đau buồn, thương nhớ cho người còn sống mà thôi?! Và nếu như chỉ thỏa mãn cảm xúc thương nhớ hoặc một nghi thức để làm cho cộng đồng, xã hội, hoặc làm cho thôn xóm vui và thấy phù hợp, thì có lợi ích gì đâu? Ít nhất trong đám tang đó, phải lợi ích về tâm linh cho người đã đi và lợi lạc cho đời sống tâm linh của người còn sống. Và muốn như vậy, chúng ta phải trở lại suy nghĩ lời Đức Phật dạy, điều gì là điều tối quan trọng trong cuộc sống?

Đạo Phật không tích cực để chúng ta từ bỏ, không lo cho chính mình về đời sống vật chất, không lo cho chính mình về đời sống tinh thần, mà đạo Phật là thăng bằng cả. Cho nên ông bà, cha mẹ, người xưa cũng như các Tổ ở Phật dạy là chúng ta phải tu sửa thân tâm. Thân này cũng phải sửa, tâm này cũng phải sửa và trong kiếp người này là phương tiện vi diệu. Ba sự lo lắng cho một kiếp người rất cần, không thể thiếu một phần, đó là tinh thần, vật chất và tâm linh. Nó như một tam giác đều và mỗi một đời sống về tinh thần, vật chất, tâm linh đó được hài hòa bằng trí tuệ và bằng lòng từ bi. Thì chúng ta không còn khoanh tròn nghĩ cho mình là chỉ bo bo về vật chất, tinh thần nữa, mà nghĩ cho mình là nghĩ về một đời sống tâm linh rộng như thái hư, mênh mông vô tận, không có bờ cõi, không có sự chướng ngại, ngăn cách giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với cộng đồng, con người với nhân loại đang sống chung trên hành tinh này và cả mọi cõi giới khác.

Các bạn phải làm một cuộc thử nghiệm để chiêm nghiệm lại trong cuộc đời của chúng ta! Chúng ta quá đặt nặng về vật chất và tinh thần, quên mất đời sống tâm linh. Rồi chúng ta chỉ chạy theo những phong tục tập quán, rồi thầu khoán luôn cho các Thầy, các Sư Cô hoặc thầu khoán luôn cho các bậc lãnh đạo tinh thần tâm linh trong các tôn giáo mình theo. Để khi có chuyện gì rắc rối khi còn sống, thì nhờ các vị đó cứu chúng ta bằng cầu an hoặc khi mất thì nhờ các vị đó cứu chúng ta bằng cầu siêu. Chúng ta đã vô tình đặt để các vị đó vào cái vị thế rằng họ có quyền năng để ban bố. Và vô tình, chúng ta đã làm cho những vị đó hư! Mà đạo Phật thì chẳng ai có thể giúp mình nếu mình quên bản thân của mình. Chỉ có mình mới có thể giúp mình được! Tự thắp đuốc mà đi, tự như một ốc đảo tự sáng trong cuộc đời!

Nghĩ cho mình là chúng ta phải biết nghĩ đến đời sống tâm linh thực sự, mà đời sống tâm linh Đức Phật dạy là một đời sống đi vào trí tuệ và từ bi!

Chúng ta thấy trong cuộc sống này nhan nhản những quảng cáo, nhan nhản những thước phim ở trên YouTube, trên Facebook, trên mọi nơi. Có hấp lực vô song là bởi vì chúng ta không cần phải làm gì hết, tới họ, họ sẽ làm tất cả cho chúng ta, trọn gói về đời sống tâm linh. Cả cuộc đời cứ làm gì đi, không sao hết, đã nói không có sao! Tới với họ là họ bao trọn gói! Chẳng cần phải giải sao hạn, sao gì nữa, họ bao trọn gói để lo đời sống tâm linh cho chúng ta. Và rồi chúng ta chỉ mang tiền tới trả cho họ, thế là xong! Vô tình hành động đó biến ta thành nhà thầu khoán tâm linh, bỏ tiền ra để mua chuộc cho phận số khi kết thúc cuộc đời được hưởng sự an nhàn trên cõi nào đó qua bàn tay của các vị Thầy kia. Sai, không đúng lời Phật mà ta cứ làm!

Có nhiều sự việc mà ta nhìn thấy, ta tởn, ta sợ rợn tóc gáy luôn bởi nó hoàn toàn là sai, mà câu hỏi là tại sao vẫn có hàng trăm, hàng ngàn những con người đeo đuổi đi theo? Là bởi vì họ bị sai lệch ngay trong cuộc sống từ thuở nhỏ! Khái niệm và quan niệm về đời sống tâm linh chẳng bao giờ học hỏi, nghiên cứu. Để khi gặp chuyện họ như những con thiêu thân bay vào trong đó để hủy hoại cuộc đời của chính mình!

Nay chúng ta tự nhắc nhở với nhau, đã đến lúc mà ai cũng thấy thật là rõ. Nghĩ cho mình, tức đây là nghĩ về đời sống tâm linh. Mà nghĩ về một đời sống tâm linh trong sáng nhất, tốt đẹp nhất thì y như Đức Phật đã dạy, là khi còn sống phương tiện đầy đủ, chúng ta ngoài vấn đề lo cho đời sống vật chất, tinh thần thì phải lo cho trí tuệ và lòng từ bi, năng lượng vi diệu ấy có thể khởi nguồn lan tỏa trong cuộc sống.

Câu hỏi: “Bấy lâu nay chúng ta có chăm sóc cho trí tuệ của mình hay không? Có chăm sóc cho nguồn năng lượng vi diệu từ bi hay không? Hạt giống trí tuệ và từ bi đó, ta có tìm vùng đất chân tâm đầy đủ phân bón và nước để chúng ta gieo mầm hay không? Hay chúng ta lại nhét vào bịch nhựa, gói cho kín, treo lơ lửng giữa cuộc đời vật chất và tinh thần?”. Bao nhiêu năm qua ta đã bỏ phí, chẳng trồng, chẳng gieo để nảy mầm, hưởng được nó. Vậy nên ta cứ thiếu phước, vậy nên ta cứ thiếu đức. Mà ông bà nói: “Có đức mặc sức mà ăn”, chúng ta thiếu cái này, thiếu cái kia, tai họa, xui xẻo triền miên tới chính là bởi vì chúng ta thiếu đức. Chứ còn nếu đã có đức thì mặc sức mà ăn, không bao giờ thiếu thốn đâu! Mà để có đức phải lo về đời sống tâm linh bằng trí tuệ và từ bi!

Thiền trí tuệ và thiền từ bi rất quan trọng các bạn! Nếu các bạn không thiền trí tuệ và từ bi – đây là hai pháp phương tiện – từ bi – trí tuệ quán, pháp phương tiện siêu mầu của Mẹ hiền Quán Âm thì sao ta có thể thấy được ngũ uẩn giai không, sao ta có thể từ bỏ được, viễn ly được điên đảo mộng tưởng, sao ta có thể tới với cứu cánh là sự an lạc trong cuộc đời nhìn thấu vô thường, vô ngã, khổ?

Các bạn, Mẹ hiền Quan Thế Âm tượng trưng cho lòng từ bi vô cùng! Không có phân biệt, không có dính mắc, không có chướng ngại. Ngài tới và Ngài ứng hiện thân của Ngài dưới mọi thân tướng để phù hợp với mọi chúng sanh, hầu mang năng lượng từ bi tới gội rửa phiền não và đau khổ, chữa lành mọi vết thương để cho chúng sanh sống được hạnh phúc và bình an.

Pháp phương tiện này đã được truyền dạy cho mỗi người chúng ta, và đây là sự khởi đầu để lo lắng cho chính mình về đời sống tâm linh một cách hữu hiệu có thành quả thật là cao. Những ai thực hành pháp phương tiện trí tuệ – từ bi quán, thiền trí tuệ và từ bi, người đó luôn tịch tĩnh, an vui và hạnh phúc. Người đó luôn tràn đầy năng lượng siêu mầu của Chư Phật để có thể chữa lành mọi vết thương ở trong cuộc đời này bởi những ác nghiệp nhiều kiếp đã tạo ra. Và vị ấy luôn luôn tiếp cận được nguồn năng lượng siêu thế từ các bậc giác ngộ, Bồ Tát, Thánh Hiền. Người đó có Hộ Pháp, Chư Tôn luôn cận kề giúp đỡ. Có quế nhân luôn luôn gần gũi che chở. Sự thật! Còn nếu không, bạn không tu bằng trí tuệ, không thiền trí tuệ và từ bi mà chỉ lo cho vật chất và tinh thần để rồi bán đứng cuộc đời cho những vị Thầy gọi là cao siêu đó, sắp xếp cuộc đời tâm linh của các bạn thì vô tình, bạn đã bán thần hồn của mình, thần thức của mình, tâm linh của mình cho những người mù lòa dẫn đường. Cái kết là đau khổ, tổn phước, tai họa sẽ tới!

Khi chúng ta là Phật tử, ngoài vấn đề theo truyền thống của gia đình chúng ta theo mà chúng ta còn tự thân phát khởi quy y theo Phật – Pháp – Tăng và thọ Năm Giới, thì nhất định chúng ta phải nghe lời Phật tu trí tuệ và từ bi. Không thể rập khuôn mẫu như những hình thức tôn giáo sinh hoạt trong xã hội!

Các bạn cứ tới một đám tang quan sát, bạn sẽ thấy, mọi trình tự trong cái tôn giáo được gọi là Phật giáo đó chỉ như tuồng tích mà thôi. Có lợi, đúng, không sao, bởi chúng ta giữ đúng truyền thống của ông bà, nhưng chưa thể phát huy đến cao tột theo lời Đức Phật dạy đó là trí tuệ và từ bi, mà chỉ phát huy cao tột truyền thống tôn giáo dân gian được lập ra để an ủi cho người còn sống. Nó chỉ là phong tục mà thôi!

Lo nghĩ cho mình chính là phải lo nghĩ ngay bây giờ về đời sống tâm linh, để khi nhắm mắt ngậm cười nơi chín suối, có nghĩa là có thể cười như nụ hoa hàm tiếu. Các bạn ơi! Cười như vi tiếu, không có một chút đau khổ, phiền não, dính mắc, nhẹ nhàng như mây trời, thong dong vạn cõi. Chẳng cần ai đưa đón, tụng niệm, ma chay, cúng kiếng bởi đó chỉ là hình thức. Trí tuệ sẽ đưa ta đi đầu thai! Nghiệp dẫn ta đi đầu thai! Thiện nghiệp đầu thai cảnh lành, ác nghiệp đầu thai cảnh tối tăm, ác, buồn, khổ. Chẳng phải lời Kinh tiếng kệ, chuông mõ đâu; cái đó chỉ là hỗ trợ hầu hết toàn phần cho người sống để cảnh tỉnh lo tu. Người đã mất phải theo nghiệp mà đi, tiếng Kinh cầu chỉ là sự nhắc nhở, khi còn sống không tu tập thì nào nghe có thể hiểu?! Sống còn nghe, phương tiện người còn đó, nghe chẳng hiểu, chẳng thấu, mất đi rồi, nghe, thấu hiểu hay không? Cho nên khi còn sống, lo cho chính mình là phải lo về đời sống tâm linh. Và lo cho đời sống tâm linh thật đơn giản là phải tu về trí tuệ và từ bi. Để cái nhìn của chúng ta không bị dính mắc và nhận chìm vào trong những vũng sình của mê tín dị đoan của cuộc đời. Để phó thác cả cuộc sống tâm linh vào những bàn tay lông lá của những người có quyền lực, quyền năng để điều khiển.

Chẳng làm được điều đó! Nếu đã làm được điều đó và quyền năng như thế thì ngày xưa Đức Phật chẳng tốn thời gian để đi giảng dạy. Khi thành đạo là Phật, Ngài chắc ngồi một chỗ, chỉ phát ra một thông điệp rằng tất cả mọi chúng sanh tin vào Phật, chỉ cần tin vào Phật, Phật sẽ cứu với hết. Bởi Phật có quyền năng cứu vớt hết mọi người. Phật là bậc giác ngộ mà! Mà câu hỏi rằng tại sao Ngài chưa bao giờ nói một câu rằng: “Hãy tin vào ta bởi ta có quyền năng cứu các ngươi!”?. Ngài không bao giờ nói câu đó! Nghiệp ai người đó trả, mà Ngài dạy rằng hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Và Ngài dạy nữa là Ngài có thể mồi lửa cho ngọn đuốc của chúng ta sáng (tức là mồi trí tuệ) cho ta được bừng tỉnh thấy rõ mà đi. Sự mồi lửa, mồi trí tuệ của Phật là qua sự hướng dẫn, dạy dỗ để cho người học trò như chúng ta tu tập đàng hoàng, rõ ràng. Lo cho mình, đời sống tâm linh, chứ đừng khiếm khuyết, lo quá đáng cho vật chất và tinh thần!

Thời gian qua, đại dịch, chúng ta đã thấy rằng, thực ra chúng ta đã thiếu về đời sống tâm linh. Bởi bao nhiêu năm trời lo cho vật chất và tinh thần thì đại dịch đã làm cho vật chất và tinh thần cô cứng, không sử dụng được. Thậm chí có những người chẳng còn vật chất, tinh thần sợ hãi. Chính lúc ấy, ta tìm về đời sống tâm linh. Cũng rất may, ta vẫn còn đây trong cuộc đời này, còn nhận ra ta đã đầu tư vào đời sống tâm linh quá ít. Chẳng bao giờ nghĩ cho chính mình về đời sống tâm linh, chỉ nghĩ về đời sống vật chất và tinh thần thôi. Nhưng nhờ đại dịch ta mới thấy rằng ta còn thiếu sót. Vậy mỗi một người chúng ta phải tự ý thức lo cho đời sống tâm linh của mình bằng cách tu học cho đúng!

Thiền trí tuệ và thiền từ bi là con đường khởi đầu vững chãi để nền tảng vững chắc đó, ta có thể xây dựng được ngôi nhà Pháp bảo Phật – Pháp – Tăng trên nền tảng của hoa sen trí tuệ và từ bi. Để cho mọi sóng gió của cuộc đời không nhận chìm ta xuống trong đau khổ và phiền não. Hãy tỉnh thức và quay trở về đời sống tâm linh bằng cách tu trí tuệ và tu từ bi – phẩm hạnh cao cả Mẹ hiền đã nhắc nhở cho chúng ta, Mẹ Quán Thế Âm – Mẹ của trí tuệ và từ bi. Để chúng ta có thể tầm thinh tức là nghe thấy mọi sự đau khổ vốn nơi ta và nơi mọi chúng sanh, mang từ bi để lan tỏa, để chữa lành và làm cho tất cả các vết thương đau khổ đó được lành lặn, khỏe mạnh và thắp sáng trí tuệ để cùng bước ra khỏi vùng tối vô minh đau khổ!

Hãy lo cho vật chất và tinh thần nhưng đừng bao giờ quên lo cho đời sống tâm linh! Đây là lúc tiếng chuông cảnh tỉnh đã vang lên và mỗi người chúng ta hãy bắt đầu, chưa muộn đâu, hãy bắt đầu lo lắng cho chính mình về đời sống tâm linh. Dịch tới giúp cho chúng ta phải suy nghĩ về đời sống tâm linh thôi. Bởi đời sống tâm linh, kết quả của đời sống tâm linh, điều gặt hái được từ đời sống tâm linh chính là đức. Ông bà nói: “Có đức mặc sức mà ăn”, các bạn có đầy đủ đức độ trong đời sống tâm linh bởi tu trí tuệ và từ bi, kho phước đức của các bạn sẽ đầy tràn, và như vậy bạn chẳng cần phải lo lắng gì. Bởi bạn đã có Phật! Phật ở đây tức là tỉnh giác, bạn luôn luôn có sự tỉnh giác trong từng giây phút thì còn sợ hãi gì nữa? Phật là trí tuệ, bạn luôn luôn có trí tuệ trong từng giây phút thì còn sợ hãi gì nữa? Phật là từ bi, bạn luôn luôn có sự từ bi hiện diện trong cuộc đời, bạn còn sợ hãi gì nữa? Bạn đã có Phật, bạn chẳng sợ chi! Có Phật tức là có trí tuệ – từ bi, có phước đức, chẳng sợ gì!

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ – Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Chúng con đã nhận ra, bao nhiêu năm tháng qua đầu tư quá nhiều vào đời sống vật chất và tinh thần, quên hẳn đời sống tâm linh.

Nay thấu hiểu, trong kiếp người lo cả ba đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh.

Nguyện một lòng theo Phật và nguyện theo Phật – bậc Thầy tối cao hướng dẫn cho chúng con trên con đường lo cho chính mình bằng sự học của đời sống tâm linh qua thiền trí tuệ và từ bi. Để chúng con luôn luôn có Phật ở trong cuộc đời từng sát na. Luôn luôn tỉnh giác, luôn luôn trí tuệ – từ bi để tạo dựng kho phước đức tràn đầy, để chuyển hóa mọi phiền não và đau khổ.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Buổi đồng tu hôm nay, nếu chúng con tạo dựng được chút phước đức nào, xin hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn