Search

Bài 2146. Quyết Định Không Theo Nữa | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Hôm nay thứ hai đầu tuần, đã tới giờ đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống với mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ được Chánh Định và tinh tấn trong Chánh Niệm hơi thở để thiền quán chiếu nhận rõ được vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Đồng hồi hướng nguyện xin Chư Phật gia trì cho Việt Nam quê hương của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Hồi hướng cho tất cả chư vị hương linh vì những lý do gì đã viên mãn cuộc đời, đều nương bóng từ ân Chư Phật theo thiện nghiệp mà tái sanh.

Chúng ta đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi! Đức Phật dạy hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi để nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong Chánh Niệm hơi thở, mỗi người chúng ta gắn kết với mười phương Chư Phật, quán chiếu tâm của mình để đón nhận năng lượng trí tuệ và từ bi. Nguyện hồi hướng cho các đấng bậc sinh thành, gia đình, xã hội, bạn bè, cộng đồng và nhân loại. Nguyện muôn người đều đón nhận được như ta.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(14:48) Mô Phật! Các bạn! Qua một buổi cuối tuần gần gũi với gia đình, chúng ta nghỉ việc, chúng ta thư giãn và chúng ta lại chuẩn bị cho một cuộc hành trình mới. Và sau những cuộc hành trình mới, chúng ta thường có một ngày nghỉ để dưỡng sức. Trong sự dưỡng sức nghỉ ngơi, ta bắt đầu suy nghĩ và đưa ra những quyết định mới trong cuộc đời.

Chủ đề hôm nay Quyết Định Không Theo Nữa, các bạn nói cho Bảo Thành nghe các bạn quyết định không theo cái gì nữa đây? Trong ngày cuối tuần qua hoặc trong những ngày tháng qua, ta lược định lại cuộc đời suy nghĩ cho thật kỹ, các bạn đã đưa ra quyết định nào chưa? Quyết định không theo nữa: không theo đuổi sự nghiệp, không theo đuổi một điều gì đã thất bại, không đeo đuổi một mối tình, một khối tài sản lớn, một ước mơ cao hay những dự định gì? Cuộc đời của chúng ta nhất định luôn luôn có những sự quyết định cho chính mình để không đeo đuổi, không đi theo những cái gì sau khi đã thấy không thể thành tựu!

Không hẳn chỉ có các bạn đâu, đã là con người, đã là chúng sanh, chúng ta thường rượt đuổi theo những điều hấp dẫn trong xã hội cài đặt, đặt để, xếp đặt quá khôn khéo để rồi chúng ta đánh mất sự tự chủ, quyết định cho riêng mình bằng trí tuệ mà hầu hết chỉ mập mờ cứ thế mà đi theo. Chính vì thế mà lời Phật dạy và pháp môn Thiền Mật song tu luôn luôn nhắc nhở cho chúng ta vào mỗi một lúc khi bắt đầu tu là lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát. Trí tuệ rất quan trọng!

Đức Phật khi giác ngộ thấy rằng mọi chúng sanh đều có Phật tánh, đều có trí tuệ và lòng từ bi như nhau, chứng đắc, thể nhập, ứng dụng vào thì sẽ hết phiền não, đau khổ và thành Phật. Nhưng cuộc sống của chúng ta, chúng ta đã bỏ rơi sự tự chủ cho những quyết định của cuộc đời và đặt mình nằm gọn ở trong những khuôn mẫu được cài đặt bởi những con người khôn khéo trong cuộc sống!

Trong Kinh Tăng Chi Bộ Đức Phật dạy như vầy, Đức Phật nói: “Ta thấy có Tà Kiến làm một pháp định thông thái của con người, làm ngưng trệ những sự suy nghĩ sáng suốt và làm đình trệ cái tâm thiện lành phát triển nơi mỗi chúng sanh. Và đẩy đưa con người rơi vào vô minh”. Nhớ câu đó! Và Phật cũng lại nói: “Ta thấy có Chánh Kiến được con người suy nghĩ, phát triển trí tuệ, nhìn thiện có được hạnh phúc, lìa xa vô minh và đoạn diệt đau khổ”. Phật thấy có Tà Kiến ở trong và cũng có Chánh Kiến, Kinh Tăng Chi Bộ nói thật rõ, nhưng chúng ta không ứng dụng cái Chánh Kiến để quyết định mọi việc trong cuộc đời mà lần mò, dìm mình theo những thói quen của Tà Kiến để rồi tự động đặt vào chỗ bị xếp đặt một cách khuôn mẫu máy móc. Con đường tu của đạo Phật là để chuyển hóa mọi khổ đau và phiền não, và chỉ có trí tuệ mới có thể chuyển hóa được đau khổ, phiền não mà thôi. Không ai tới để nhồi nhét vào ta hạnh phúc, chẳng ai tới để lấy đi hạnh phúc mà cũng không ai tới để trừng phạt đau khổ hoặc mang cái đau khổ đó đi cho ta hết đau khổ!

Thời Đức Phật, người dân Ấn Độ ở trong Kinh Vệ Đà là một hệ thống Kinh gọi là Kinh linh thiêng, một thể loại Kinh thánh Vệ Đà thiêng liêng được chép xuống theo cái khuôn mẫu tuân thủ làm theo, không được sai trái, nghĩ ở bên ngoài, bắt buộc rập khuôn như thế. Kinh thánh Vệ Đà gọi là Kinh thánh thiêng liêng bậc nhất. Ở trong đó nói thật rõ để rồi những người Bà La Môn tức là những hàng tu sĩ, pháp sư thời đó đứng đầu trong cái tín ngưỡng thời Đức Phật. Bởi Kinh Vệ Đà chia thành 04 giai cấp, giai cấp đầu tiên là giai cấp Bà La Môn. Người ta tin tưởng theo Kinh chép giai cấp Bà La Môn sinh ra từ Phạm thiên, từ cái lưỡi của Phạm thiên nên những người đó khôn ngoan và chỉ có những người Bà La Môn, tầng lớp Bà La Môn mới đảm nhận những chức vị là những vị tu sĩ, là những vị gọi là chân sư, đạo sư, pháp sư giảng đạo, dạy cao quý.

Tầng lớp thứ 02 gọi là Sát Đế Lợi. Tầng lớp thứ 02 đó gọi là được sinh ra từ vai của Phạm thiên, của trời. Những người đó được làm ở trong những chức vụ của chính quyền (ngày nay gọi là chính quyền) như vua chúa, quan quyền có quyền lực này kia. Tầng lớp thứ 03 là tầng lớp Vệ Xá, tầng lớp Vệ Xá này là tầng lớp được sinh ra theo quan niệm của họ ghi có thể làm công nhân, buôn bán, thương gia, có học chút xíu. Còn tầng lớp cuối là tầng lớp Thủ Đà La là tầng lớp hạ đẳng, đi hốt phân, đi lượm rác.

Có 04 tầng lớp chia ra như vậy, sinh ra ở tầng lớp nào, gia đình nào, truyền thống như vậy thì nhất định không có những cái quyền học ở những tầng lớp khác – là một hệ thống sắp đặt, cài đặt và hệ thống gọi là Kinh thiêng liêng, Kinh thánh thiêng liêng Vệ Đà sắp đặt như vậy.

Người ta đã theo sự quyết định áp chế, cài đặt của Kinh Vệ Đà đối với Đức Phật, Đức Phật nói được gọi là thiêng liêng, gọi là Kinh thánh thiêng liêng, pháp môn thiêng liêng, những bậc đạo sư thiêng liêng, những bậc minh sư thiêng liêng, những bậc pháp sư thiêng liêng hoặc những đấng được gọi là thiêng liêng, siêu xuất, đứng đầu để lại những dòng Kinh thiêng liêng, pháp môn thiêng liêng để cho người phải phục tùng, chấp nhận, đi theo bởi vì họ luôn luôn nghĩ họ có quyền năng để ban phước, có quyền năng để truyền đạo, có quyền năng để cứu rỗi, có quyền năng để thay đổi tất cả theo ý muốn của họ và chỉ có cái tầng lớp Bà La Môn đó thượng đẳng như vậy mới có quyền năng.

Phật nói tất cả mọi Kinh sách gọi là Kinh thánh thiêng liêng của Bà La Môn Vệ Đà, cấu trúc hình thành xếp đặt những tầng lớp thống trị như vậy đều là sản phẩm của nhân loại, là sản phẩm của ảo tưởng sức mạnh. Thế nhưng cái sản phẩm đó, chúng ta thường dễ bị sa đà, khó cưỡng và luôn luôn chạy theo để phục tùng. Trí tuệ làm đầu, dùng trí tuệ để thấy như Kinh Tăng Chi Bộ Phật dạy Phật đã thấy trong ta có Chánh Kiến. Nếu các bạn không nhận ra cái Chánh Kiến trong ta thì các bạn đang đi theo cái Tà Kiến khuôn mẫu, sản phẩm được gọi là thiêng liêng do con người sản xuất ra để áp chế và bán cấp nô lệ cho niềm tin của truyền thống văn tự của thói quen, tập tục.

Nhất định chúng ta phải suy nghĩ bằng Chánh Kiến để đưa ra sự quyết định rằng không theo nữa, tức là không theo Tà Kiến nghe các bạn! Để chúng ta trở về tái hợp Chánh Kiến vốn có trong ta. Để cho mình một sự quyết định bằng trí tuệ, ngừng đeo đuổi Tà Kiến chấp nhận những mảnh vá ảo tưởng của ai đó hệ thống hóa một cách logic để đưa chúng ta và cài đặt chúng ta vào một hệ thống quyền lực để tôn vinh bản thân của họ.

Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài nhìn thấy trong mọi chúng sanh đều có tánh bình đẳng. Bởi vậy thời Đức Phật có một giai cấp, giai cấp thứ tư là giai cấp tệ nhất – giai cấp Thủ Đà La có một người tên là Ni Đề, làm nghề hốt phân. Đức Phật đã chứng tỏ cho hàng hậu duệ sau này và đệ tử mai sau thấy rằng Ngài đối xử với chúng sanh bình đẳng bởi Ngài thấy trong chúng sanh có Tà Kiến lẫn Chánh Kiến và trong chúng sanh có một dòng máu đỏ và nước mắt đều mặn. Vậy thì chẳng khác biệt, đều có tánh Thiện và tánh Tà, Tà Kiến và Chánh Kiến và đều có cái cơ hội chuyển hóa để thành Phật. Cho nên Đức Thế Tôn đã mời gọi trong giai cấp Thủ Đà La là ông Ni Đề đi vào hàng xuất gia để thọ pháp của Phật, để lấy trí tuệ và nước từ bi gội rửa mọi sự ngăn ngại đi đến sự chứng đắc. Quyết định không đeo nữa, không theo nữa, không bám nữa vào những văn tự Kinh sách thiêng liêng và những truyền thừa được xếp đặt theo giai cấp rất quan trọng!

Sau đời Đức Phật cả ngàn năm sau và cho mãi tới ngày nay, chúng ta vẫn thấy người ta vẫn lợi dụng sự phân biệt giai cấp võ lâm có quyền uy và quyền năng ban rải, bố thí, cứu vớt, chuộc tội, thống lĩnh. Trên trời dưới đất, họ là nhất. Theo suốt chiều dài của lịch sử, thật nhiều chúng sanh hiện hình như thế để thị oai thiên hạ. Ngay cả những vị đạo sư cũng như những vị tại gia đều bị dính vào cái danh hão huyền, ảo tưởng của quyền lực để thành lập hệ thống phân cấp rõ ràng cái quyền lực để thống trị.

Hàng Phật tử tại gia của chúng ta nhớ rằng, Phật đã đưa chúng ta lên một phẩm hạnh cao hơn để nhìn thấy Chánh Kiến vốn có trong ta mà chẳng phân biệt giai cấp. Con đường giải thoát khổ đau, đạt được hạnh phúc Niết Bàn là cho tất cả mọi chúng sanh. Ai cũng có cái khả năng đó, không phải chỉ những người thuộc dòng dõi cao hoặc thuộc cái đẳng cấp mà họ cứ săn đi săn lại, chiếm cứ cái đẳng cấp cao được gọi là những bậc đạo sư có quyền năng thiêng liêng để ban bố!

Vì sao? Vì người ta đã học theo cái chiều dài của lịch sử tạo thành những hình thức khuôn mẫu của tôn giáo, của pháp môn, hệ thống một cách đẳng cấp cao thấp để thống trị. Vậy nên vẫn có những vị đạo sư hoặc những vị tại gia chúng ta, bất chợt cho mình cái đặt ân là có thể xuất hồn, là có thể nhập định, là có thể đi tới cảnh giới cao của Chư Phật, Phật Thích Ca, Phật Dược Sư hoặc đối diện với Đức Phật A Di Đà. Họ có cái quyền năng mạnh như vậy, họ tới trực tiếp diện kiến các bậc Thánh Hiền, và rồi họ lãnh những cái gì? Những đặc quyền trao truyền pháp môn tối thượng thiêng liêng qua họ, bởi họ đã lên tận cung trời, cõi Niết Bàn, cõi Tịnh Độ gặp Phật. Và Phật A Di Đà hoặc các Phật này Phật kia, Bồ Tát này Bồ Tát kia, các đấng thiêng liêng này thiêng liêng kia đã trao cho họ pháp môn thiêng liêng và những lời Kinh thiêng liêng bí truyền. Và rồi họ hệ thống thành khuôn mẫu áp chế để mỗi người chúng ta, trải qua lịch sử lâu dài được ghi lại khi nhắc tới những Kinh thiêng liêng đó và thấy rằng những bậc đạo sư thiêng liêng đó có quyền năng truyền trao và ban ơn cho chúng ta, và rập khuôn theo cái hình thái y như thời Đức Phật là giai cấp thống trị.

Trong tôn giáo ngày nay cũng có hình thức như vậy được tái lập một cách khôn khéo trải qua nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm hệ thống hóa, ghi thành sách gọi là Kinh thiêng liêng của những tông phái đó và chúng ta làm biếng, không lần mò, không học hỏi Kinh của Phật cho nên dần dần đặt mình vào trong những cái khuôn mẫu để đi theo làm nô lệ. Vì sao? Bởi vì những lời mà họ xếp đặt trong những cuốn Kinh thiêng liêng, trong những lời thánh thiêng liêng hoặc trong những pháp môn thiêng liêng của những bậc quyền cao chức trọng đạo sư ấy đáp ứng được sự khao khát của cái tâm lười biếng, giải đãi, lạc vào Tà Kiến. Vậy nên chúng ta cứ khổ hoài! Chúng ta đánh mất quyền tự chủ và không còn quyết định ứng hóa Chánh Kiến để làm lợi lạc trong cuộc đời chuyển hóa khổ đau!

Biết bao nhiêu người vỗ ngực xưng tên: “Ta là bậc đạo sư cao cả, ta đã xuất thần tới cõi Tịnh Độ gặp Đức A Di Đà, đây là Kinh của Đức Phật A Di Đà trao cho ta và ta truyền lại cho các ngươi”. Biết bao nhiêu người đã nhập vai thần thánh cho họ có cái quyền năng cao lớn như thượng đế. Phật nói tất cả những cái gì mà những vị đó tự xưng là thiêng liêng, học được từ Phật, từ trời, từ thượng đế để họ, qua họ và chỉ họ mà thôi, truyền dạy, cứu rỗi, cứu vớt chúng ta thì Phật gọi tất cả những cái đó là sản phẩm của nhân loại bị lạc lầm trong ảo tưởng sức mạnh. Do đó mà cuộc đời của Đức Phật 45 năm trời giảng đạo, Ngài luôn đặt nặng vấn đề trí tuệ. Chỉ có trí tuệ và từ bi, chúng ta mới thoát khỏi cái khổ của sự ràng buộc khuôn mẫu của hệ thống giai cấp thống trị chúng ta trên con đường tầm cầu sự giải thoát!

Theo Phật là phát huy cái Chánh Kiến nhìn thấu ta có Chánh Kiến và phát triển trí tuệ để nhìn thấu tất cả. Để chúng ta quyết định cho mình một con đường chuyển hóa đau khổ, nhìn rõ được vạn pháp vô thường, khổ, vô ngã. Vậy nên hôm nay chúng ta nói đến vấn đề mỗi người phải suy nghĩ, thẩm định lại, đặc biệt trong thời gian mà con người đang đau khổ tột cùng bởi những chứng đại dịch kinh hoàng tràn lan, chúng ta có cơ hội nhìn để quyết định không đeo đuổi, không theo đuổi, không bám víu vào những hệ thống giai cấp quyền lực tâm linh của ai đó đã hệ thống để chúng ta bị nhốt vào trong đó. Chẳng có một đấng quyền năng nào, chẳng có một Kinh sách thiêng liêng nào của một hệ thống nào đó có thể cứu chúng ta. Bởi nhân quả thật công bằng, chỉ có con đường trí tuệ mới nhìn thấu được nhân quả và chỉ có khi nhìn thấu được nhân quả mới chuyển hóa được khổ đau!

Ngày nay chúng ta thấy các tông phái ở các nước Phật giáo đây đó vẫn có những pháp môn truyền thừa được gọi là tối đẳng, cao siêu nhiệm mầu bởi những vị tổ sư của những pháp môn đó, họ đã lên được trời gặp được Phật và chỉ họ gặp được Phật, mang Kinh thiêng liêng truyền dạy. Họ hình thành một giai cấp thống trị tâm linh, cho họ có cái quyền năng tối thượng. Nhưng Đức Phật đã phá vỡ ngay. Phật đã nhận ông Ni Đề là giai cấp Thủ Đà La!

Như vậy thì chúng ta đừng mặc cảm chúng ta là giai cấp quá hạ đẳng, không xứng đáng bước vào để thể nhập trí tuệ Chánh Kiến của Phật khai thị, để mặc định cuộc đời là phải hệ thống quỳ lạy đi theo. Bình đẳng tánh trí trong Tăng thân của Phật thời xưa có những bậc thượng thủ Bà La Môn như ông Xá Lợi Phất, ông Ca Diếp, ông Mục Kiền Kiên, Phú Lâu Na, La Hầu La, chúng ta thấy họ giỏi, trí nhớ như ông A Nan. Biết bao nhiêu những vị cấp thấp như ông Ni Đề, có những con người gian ác cực kỳ như ông Vô Não, chúng ta thấy thật nhiều người, đủ mọi loại hết, đó chính là sự chứng tỏ hùng hồn không phân biệt giai cấp, không ưu ái cho những ai được đặc quyền thiêng liêng.

Trong đạo Phật không lấy chữ “thiêng liêng” của ai đó để áp chế mà lấy trí tuệ để khai thông, lấy từ bi để gội rửa. Cho nên nếu các bạn bị rớt vào niềm tin rằng đặt mạng đời của mình cho đời sống tâm linh do họ tuyên phán họ có cái quyền năng thiêng liêng cao tột và chỉ họ, tông phái của họ là những đấng tái sanh trở lại, mang cái vai trò chủ chốt đó để có quyền năng thiêng liêng truyền thừa, ban phép thì chúng ta đã thật sự không thông hiểu được lời của bậc thầy vĩ đại Đức Bổn Sư Thích Ca đã dạy: “Chúng sanh bình đẳng tánh trí. Cái thiêng liêng tột cùng nhất là trí tuệ, cái cao diệu nhất là từ bi. Chẳng phải giai cấp, chẳng phải đặc quyền của ai đó. Mỗi chúng sanh đều có cái đặc quyền quyết định không theo đuổi những hệ thống văn tự thiêng liêng truyền thống lâu đời, sản phẩm của xã hội lịch sử, sản phẩm của ảo tưởng sức mạnh để rồi mù lòa trong cõi vô minh”. Mà chúng ta, đưa đến sự tự chủ quyết định bằng thể nhập trong sự khai thị của Phật như Ngài nói trong Kinh Tăng Chi Bộ, Phật đã thấy có Tà Kiến cản trở và có Chánh Kiến để tăng trưởng. Vậy thì chúng ta hãy thể nhập vào trong Chánh Kiến để tăng trưởng tất cả những phước báu nhân thiên trong kiếp người và từ đó tăng trưởng phước đức, công đức để thoát khổ, có được hạnh phúc Niết Bàn ngay bây giờ, tại đây, chỗ này.

Không phải Phật ban cho chúng ta quyền quyết định mà Phật thấy thật rõ trong mỗi một chúng sanh phải có một sự quyết định cho chính mình. Tự do ngay chỗ này, bình đẳng ngay chỗ này, không hơn không kém!

Nếu các bạn bị dính vào cái hệ thống giai cấp trong tôn giáo đặt để cho những ai có cái quyền năng ban bố thiêng liêng tột cùng, để rồi bạn quỳ lạy, xưng tán, thấy mình nhỏ bé như ông Ni Đề thì bạn đã bị tự kỷ, đã bị tự ti và những người tự kỷ, tự ti dễ tự ái dồn dập, và rồi đi tới sự tự tử cuộc đời, đánh mất quyết định tự chủ trong cuộc sống. Tâm linh cũng đã như vậy, đánh mất, không có Chánh Kiến thì làm sao có thể bồi dưỡng trí tuệ, kiến thức ở đời để quyết định cuộc sống của mình trong kiếp người?

Các bạn có quyết định không theo nữa không? Không nói đến những mối tình, tiền tài, danh vọng, địa vị, của cải, vật chất thế gian hoặc những chuyện mà bạn đã lầm lỡ hoặc đã hiểu ra và quyết định không theo nữa. Bảo Thành hôm nay nói, chia sẻ tới cái quyết định không theo nữa vào những hệ thống cài đặt từ giáo điều Kinh sách thiêng liêng, từ hệ thống, từ phong tục, từ tập quán, từ những thông tin được lập đi lập lại, ta bị lôi cuốn và cho nó là có thật mà chẳng bao giờ sử dụng trí tuệ Chánh Kiến để suy nghĩ. Phật trao cho chúng ta một bí kíp thượng thừa để có thể làm cho Chánh Kiến và trí tuệ phát triển, ứng dụng chìa khóa đó gọi là Chánh Tư Duy. Tư duy cho đúng với chánh pháp của nhân quả thiện ác thì trí tuệ bừng khai, Chánh Kiến sẽ phát huy được và chuyển hóa hết mọi cội nguồn đau khổ.

Ở đời ngày nay các bạn thấy nhan nhản trên thông tin báo chí, trên phim ảnh, trên YouTube, trên Facebook, trên Zalo có những pháp môn truyền thừa, Mật thừa cao siêu mà những vị đạo sư đã nói thật rõ họ là những đấng lên được cõi Phật, gặp được Phật và Phật đã trao cho họ loại Kinh đó, pháp môn đó xuống để truyền dạy cho chúng sanh thoát khổ. Và rồi chúng ta, luôn luôn được họ nói cho rõ họ là đấng có quyền năng thiêng liêng, trong khi Phật nói chỉ có Tà Kiến và Chánh Kiến, mọi sản phẩm như thế đều chỉ là sản phẩm của con người, của xã hội, của lịch sử, của truyền thống, của phong tục và của ảo tưởng sức mạnh. Họ mượn sự yếu đuối của loài người không tinh tấn vươn lên quyết định trong cuộc sống của mình. Họ hệ thống cài đặt vào những tầng lớp như vậy để biến chúng ta thành nô lệ tâm linh. Đức Phật trong thời đó đối với Kinh Vệ Đà, Ngài đã đứng thẳng dậy mà nói với họ: “Đây chỉ là hệ thống!”. Phật không phỉ báng và không hủy báng mà Phật khơi dậy cho ta tư duy để nhìn thấu những lời Kinh Vệ Đà để thấy chỗ nào đúng chỗ nào sai. Trí tuệ và từ bi là mấu chốt trên con đường chuyển hóa khổ đau, thể nhập Niết Bàn!

Quyết định không theo nữa các bạn! Chúng ta phải suy nghĩ thật rõ nếu như chúng ta bị rơi vào tình trạng dựa dẫm, theo đuổi những hệ thống cài đặt thì chúng ta nhất định không theo nữa. Không phải là chê bai, ruồng bỏ mà không theo là để tâm định, đi theo Chánh Kiến để thẩm định lại những gì nói trong đó một cách rành rõi, rõ ràng để nhìn thấu. Phật dạy cho chúng ta đừng vội vàng! Hãy bình tĩnh, hãy trầm tĩnh, hãy thanh tịnh và Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi giúp cho chúng ta ứng dụng được Chánh Kiến để loại trừ Tà Kiến xỏ mũi, kéo đầu ta đi.

Các bạn có thấy những cuốn Kinh được ghi lại sau thời Đức Phật nói thật rõ ràng là dùng trí tuệ và từ bi. Vậy mà vẫn có những bậc tổ sư, những vị này vị kia nói rằng họ đã gặp ở cõi nào ông Phật nào đó, rồi bắt đầu ghi lại những Kinh thiêng liêng bởi họ là người có đặc quyền, chỉ có họ xuất hồn, nhập định thấy Phật. Mà trong khi đời sống của Phật ở thế gian, Ngài chỉ dạy cho chúng ta là chúng ta có cái đặc quyền thể nhập vào trí tuệ – từ bi để ứng dụng Chánh Kiến, lùi xa Tà Kiến để chuyển hóa khổ đau. Mà sau này mấy trăm năm, mấy ngàn năm, người ta bắt đầu nhìn thấy cái lợi lạc ở chỗ con người yếu đuối dễ tin, lại hệ thống hóa thành những cái đẳng cấp thượng thừa trong tâm linh, để rồi từ đó, từ đó dễ thống trị, dễ phát triển trong cái vòng danh lợi quẩn quanh sáu nẻo luân hồi đau khổ phiền não.

Thời đại ngày nay, Kinh sách ta có cơ hội học nhiều, đọc nhiều trực tiếp trên Google. Những lời Phật không hiếm như ngày xưa mà thật rõ! Ta cần phải hiểu thấu để không sa đà, ngã vào. Hậu thế sau này, sau đời Phật 100 năm, sau đời Phật 500 năm, sau đời Phật 1000 năm, sau đời Phật cả 2000 năm vẫn có những con người vỗ ngực xưng tên bởi họ xuất hồn gặp Phật, gặp Thần, gặp Thánh, gặp Bồ Tát, gặp quỷ gặp ma, nói lên những lời thiêng liêng, sấm truyền ảo diệu. Đức Phật dạy chỉ có trí tuệ và từ bi mới có cơ hội nhìn thấu để buông, để xả, để khởi tâm hỷ, để có được lạc và khinh an!

Trí tuệ và từ bi giúp cho tâm hỷ khởi lên và giúp cho bạn có được hạnh phúc, bình an viên mãn. Đó là con đường duy nhất và bình đẳng, không cao không thấp, Tâm Kinh Bát Nhã. Không cao cũng chẳng thấp, không sanh cũng không diệt, không có dơ bẩn cũng không có sạch sẽ, bình đẳng đến như vậy. Đến mức mà ông Ni Đề là thuộc cái đẳng cấp hạ đẳng Thủ Đà La, đến mức mà giai cấp thuộc loại gặp là họ muốn giết rồi, như một kẻ cướp – ông Vô Não cũng được Phật mời vào. Tăng đoàn của Ngài có đầy đủ các thứ lớp trong xã hội thời đó, mọi tầng lớp. Từ Bà La Môn thượng thủ cho tới hàng vua chúa, quan thần, cho đến những thương gia nổi tiếng, những người có kiến thức, trí thức và ngay cả những bậc hạ đẳng như ông Ni Đề, Phật đều dùng trí tuệ và từ bi khai thị và tất cả họ đều chứng ngộ được viên mãn.

Ngày xưa Kinh sách không có, ta lần mò, cứ dựa dẫm tin theo. Kinh nay quá rõ, mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm học của Phật để loại trừ những cái truyền thống, những thể loại Kinh điển thiêng liêng của tổ sư nào đó, của những vị gọi là có khả năng xuất thần đi đâu đó của những ai ai đó, gọi là gặp Phật, gặp Pháp, gặp Tăng, gặp ở cái cõi lơ lơ lửng lửng để rồi về dạy cho chúng ta, mà cũng nói là Phật, thì chúng ta phải thẩm định.

Phật chỉ dạy trí tuệ và từ bi để chúng ta, mỗi người nhìn cho thấu được vạn pháp vô thường sanh diệt tạo ra khổ đau và phá vỡ đi cái bản ngã. Cho nên chúng ta thấy vô ngã mà, nên ai xưng rằng có cái ngã cao, đi tới gặp Phật đều là xưng cái ngã của họ hết. Vậy nên chúng ta phải cẩn thận! Quyết định không theo như vậy nữa mà chỉ theo con đường thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi để nhìn rõ vạn pháp vô thường sanh diệt, khổ và vô ngã để tự tại chuyển hóa đau khổ cho chính mình.

Phải trở về quyết định và tự chủ đời sống tâm linh của mình bằng sự thực hành nghiên cứu Chánh Tư Duy trong con đường Bát Chánh Đạo chứ đừng đặt mình vào một cái hệ thống tông phái, giáo phái mật truyền của ai đó mà họ vỗ ngực xưng tên họ là tất cả và chỉ có họ, tới với họ, học của họ, quỳ lạy họ, ta sẽ được trao bởi họ có quyền năng trao cho chúng ta!

Các bạn! Hãy quyết định không theo nữa những cái hệ thống sắp đặt giai cấp tâm linh để làm chúng ta trở thành nô lệ, khó có thể đi tới sự giải thoát. Và chúng ta nhớ, chúng ta quyết định không theo nữa thì chúng ta cũng đừng biến mình trở thành con người giai cấp để thống trị người khác bằng ngôn ngữ, bằng hành vi, bằng tư tưởng trong đời sống đối nhân xử thế tương tác hàng ngày đối với cha mẹ, con cái, vợ chồng, bạn bè, xã hội và cộng đồng!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái để Từ Bi và Trí Tuệ quán chiếu trong Chánh Niệm hơi thở để đưa ra sự quyết định không theo nữa những truyền thống truyền thừa thiêng liêng nào đó, mà trở về thể nhập trong Chánh Niệm để đi vào biển tuệ mênh mông vô tận, để tắm gội trong nước từ bi của Chư Phật!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Buổi đồng tu ngày hôm nay, nếu có tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn