Search

Bài 2140. Không Phải Của Nhau | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Lạc đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con giữ được Chánh Niệm hơi thở, có trí tuệ và lòng từ bi quán chiếu để thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt trong từng sát na, vạn pháp là Khổ, là Vô Ngã.

Nguyện xin Chư Phật gia trì cho Việt Nam quê hương của chúng con và toàn thế giới thoát khỏi cảnh đại dịch.

Hồi hướng, với lòng tôn kính Chư Phật, cho các vị hương linh vì đại dịch đã ra đi, được đấng từ ân A Di Đà Phật tiếp dẫn về cảnh giới thiện lành.

Xin Chư Phật chứng minh!

Chúng ta đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi để nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.

Khi chúng ta tổng trì hai mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang trong Chánh Niệm hơi thở, mỗi một người trong chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều nguồn năng lượng vi diệu, tích cực để tự tại an nhiên trong cuộc sống.

Chúng ta hãy thành tâm đón nhận!

Hít vào bằng mũi đưa hơi xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(17:43) Mô Phật!

Các bạn, chủ đề chúng ta tham khảo ngày hôm nay: “Không Phải Của Nhau”! Nếu không phải của nhau thì là của ai đây và cái gì là của nhau? Cuộc sống, nếu như không phải của nhau, thôi mình chia tay. Nhưng rồi biết bao nhiêu cuộc chia tay khi cả hai bên xác định rằng không phải của nhau luôn để lại biết bao nhiêu đau thương, cay nghiệt, đày đọa mãi suốt cuộc đời.

Nói đến chữ “tình” trong nhân thế, khi hai người tới đỉnh điểm rằng khởi lên sự suy nghĩ: “Chúng ta không phải của nhau, chẳng thuộc của nhau!” thì sự chia tay ắt sẽ tới. Và hình như trong những lúc như vậy và mãi mãi cuộc đời về sau, trái tim như bị cắt ngang và máu đã cạn, hơi thở không còn nhẹ nhàng, nhưng gai góc thường lởn vởn và trong suy nghĩ chẳng có sự an nhàn.

Hỏi thế nhân trong cuộc đời này khi hai chữ “không phải của nhau nữa” đã nói ra bằng lời thì mấy ai mà không đau khổ?

Chúng ta có khi nào bình tĩnh ngồi xuống và suy nghĩ thực ra chúng ta không phải của nhau, chúng ta không thuộc về nhau? Suy nghĩ cho kỹ, nhất định ta sẽ hiểu thấu. Đúng! Không phải của nhau đâu! Chẳng thuộc về nhau đâu! Nhưng ta là chúng sanh có cảm tình, có cảm ái, từ đó mà những cảm xúc qua các giác quan thường để lại dấu ấn lưu luyến, mong chờ, thương yêu, bám víu, giữ, dựa dẫm. Từ đó, nó hình thành một nhân cách, một ngã tướng rằng ta và người. Hai đối tượng ta và người hình như là của nhau, thuộc về nhau và gắn bó với nhau mãi mãi. Để một ngày nào đó không còn của nhau nữa, bao nhiêu tình yêu thương dành cho nhau đó bỗng chốc bốc hơi biến mất và tàn dư của khói lửa để lại là một bãi chiến trường tan thương, đau khổ.

Bảo Thành đã đồng hành với biết bao nhiêu những người thân cũng như Phật tử và trải qua những cuộc chiến của tình người kết thúc trong tư tưởng rằng: “Không phải của nhau!”. “Không phải của nhau” không tới từ những giây phút đầu tiên họ gặp gỡ, nó chỉ tới ở những giây phút người ta chán chường nhau mà thôi. Để rồi từ đó, người ta mới nhận ra sau những chuỗi ngày sống thật đẹp, thật tuyệt vời của những tuổi mộng mơ hay những giây phút gặp gỡ như sét đánh ngang tai, như say nắng giữa đời mới hiểu rằng tất cả những gì đẹp đó chỉ là sự ngộ nhận, còn bây giờ lắc đầu lia lịa và nói rằng: “Chúng ta không phải của nhau, chúng ta chẳng thuộc về nhau!”. Những câu nói như vậy, những tư tưởng như vậy, những hành động và cách cư xử để thể hiện rằng chúng ta không phải của nhau, chúng ta không thuộc về nhau sau bao nhiêu năm trời thật phũ phàng, thậm chí ác độc bởi vì có thể giết chết con người thật sự.

Cái giết chết con người thật sự không phải một người nói ra câu: “Chúng ta không thuộc về nhau hay không phải của nhau” mà cái giết chết giữa người này với người kia ở chỗ mà Đức Phật nói thật rõ đó là ái dục. Ái dục có nghĩa là đắm chìm trong cảm xúc của tình người, của tình cảm, của sự chấp thủ, bám víu rằng những điều ta có luôn luôn tồn tại. Chẳng phải nơi người với người, nơi người với vật mà với quyền danh của mình khi mất đi cũng đau đớn dữ lắm! Bởi khi chúng ta có quyền lực trong cuộc đời này, ta cứ luôn nghĩ rằng quyền lực này đây, là thuộc về ta, là của ta. Đến khi một mai từ những ngôi vương hầu cao cả hay tổng thống, thủ tướng chính phủ hay gì gì đi nữa, bất chợt trở lại ngồi vào hàng ghế của thứ dân thì đau đớn biết nhường nào. Rồi khi chúng ta có tiền có của thật nhiều, giàu sang phú quý, ta vỗ ngực xưng tên: “Tiền đó là của ta!”. Rồi cuối cùng đồng tiền đó lắc lư, nó nói: “Không, ta không phải của nhau!”, nó chạy mất chẳng còn gì. Bần hàn, nghèo khó, tay trắng trắng tay, khóc than lại tiếp tục. Rồi nào là nhà cao cửa rộng: “Ôi cái nhà của ta, cái xe của ta”, rồi khi nhà cao cửa rộng, xe hơi kia cũng bỗng chốc biến mất thì sự ngỡ ngàng chỉ còn là “Không phải của nhau!”.

Trước đây, những tháng ngày chúng ta ăn uống hả hê, đồ ăn đầy bàn, tụ bạn hội họp, thậm chí mà người ta còn tạo ra cuộc họp vô bổ để có thể xài tiền phung phí, ăn uống thả ga. Lúc đó cứ nghĩ rằng mình là có đầy đủ nhưng rồi trong thời gian giãn cách, cách ly, dịch tới, đồ ăn hiếm muộn, tìm hoài không thấy, chợ búa không bán, con người bị nhốt tại chỗ, dù có tiền cũng chẳng mua được đồ ăn, vậy là cuối cùng, đồ ăn cũng không thuộc về ta. Vậy cái gì thuộc về ta đây?

Đó là những thứ lẩn vẩn trong cuộc đời rất kiếp là người, không có gì bàn cãi! Phận làm người, kiếp làm người là như vậy, nhưng có phải chăng tất cả những sự sinh hoạt trong cuộc đời, từ tình yêu giữa con người với con người, tình cảm con người với con người, đến quyền danh, đến tiền bạc, đến vật chất, của cải ta có được, có nên tạo cho mình một tư tưởng rằng những thứ đó là của ta? Chữ “của”, có của để ôm theo, có của để vỗ ngực hình như như một tảng núi ngầm ở trong tâm thức, dần dần đẩy chúng ta lún sâu vào vô minh, đau khổ mà không thấy.

Đức Phật không dạy chúng ta từ khước tất cả những thứ đó! Bởi con người, mọi phương tiện đều cao quý nếu sử dụng đúng. Chẳng phải có quyền là xấu xa, có tiền là dơ dáy, có tình cảm là không được. Chẳng phải có nhà cửa, đồ ăn, vật chất là không có xong. Nhưng khi có những thứ đó, ta phải hiểu như thế nào khi đối diện với những thứ ta có ở tầm suy nghĩ đối ứng, đối xử, tương tác trong sự tương quan đó như thế nào?

Đức Phật luôn luôn tán dương tất cả mọi chúng sanh có đầy đủ phước báu để tận hưởng những thứ có được, từ quyền lực trong xã hội đến tiền tài, danh vọng, địa vị, tình cảm, sự sung túc về đồ ăn, nước uống, về nhà cửa, về vật chất, nhưng Ngài không nói cho chúng ta rằng những thứ đó thuộc về của ta và là của ta. Ngài nhắc thật kỹ, tất cả những thứ đó chỉ là phương tiện sống ở đời! Và Ngài hướng dẫn cho chúng ta là làm sao dùng trí tuệ và lòng từ bi để ứng dụng những phương tiện đó một cách thiện xảo để mang lại sự bình an, hạnh phúc cho chính ta và cho muôn người ta có nhân duyên gặp gỡ trong cuộc đời này. Ngay cả những chúng sanh chẳng có nhân duyên gặp gỡ nhưng có nhân duyên hiện tướng trong cuộc sống.

Và một lời khai thị như thắp sáng đuốc tuệ để cho những người trong bóng đêm u tối, vô minh kia bừng tỉnh, đó là Ngài nói ngay cả thân người này, ngay cả kiếp con người này cũng chỉ là phương tiện. Nhưng là phương tiện vi diệu cao siêu nhiệm mầu! Và Ngài cũng nói thật rõ bởi vì thân người, kiếp người là phương tiện, nó cũng không thuộc về ta, cũng chẳng của ta, nhưng chỉ là phương tiện. Nhưng chúng ta cứ lầm, lầm từ tiền, từ tình cảm, từ quyền danh, từ của cải, từ vật chất đến thân này, kiếp này là của nhau, là của ta để rồi bám víu tạo nên một ngã tướng. Để khi duyên đã hết, mọi sự tan rã trở về với Đất, Nước, Gió, Lửa, những nguyên tố hình thành nên con người thì ta lại đau khổ. Vậy mà khi còn có phương tiện đó, ta không học theo lời Phật để có thể sử dụng được phương tiện này một cách thấu đáo để phục vụ cho đời sống mưu cầu sự an lạc và hạnh phúc của ta và mọi người. Chỉ khi mất đi rồi, người còn sống mới thấy hối tiếc! Hoặc là khi ốm đau, đau khổ, nằm một chỗ, nếu còn sự suy nghĩ, lúc đó đau khổ mới hối tiếc.

Ở trên đời này, nếu không mất nhau thì nào ai đau khổ đâu? Nhưng mà ở trên đời có khi nào chúng ta vẫn có nhau mãi mãi đâu?

Trong tinh thần Đức Phật nói về Tam Pháp Ấn của mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang khai thị cho mỗi người chúng ta, giúp đỡ cho mỗi người chúng ta, giới thiệu cho mỗi người chúng ta, truyền dạy cho mỗi người chúng ta nhận diện rằng vạn pháp ta sờ được, ta nhìn thấy, ta cảm nhận được, dù có tướng hoặc không tướng, dù là hữu hình hay vô hình đều là vô ngã, tức là không có ngã tướng. Ngã tướng, có ngã tức là có sự tồn tại vĩnh cửu. Không có ngã tướng tức là phương tiện hiển lộ tùy theo nhân duyên. Bởi từ đó mà khi hiển lộ ở thân tướng nào thì ta ứng dụng thân tướng đó một cách phù hợp với phước báu hiện tiền có, để có thể đồng hành suốt chiều dài đó mà không vương vấn, lưu luyến khi phương tiện đó đã thực sự ra đi. Bởi vạn pháp vô thường và chẳng có pháp nào là có ngã tướng! Hiểu thấu như thế thì trí tuệ và từ bi sẽ luôn luôn là nguồn năng lượng siêu thế để ta được tự tại để có được tâm vô quái ngại, vô chướng ngại và không bị mọi sự ở trên đời xảy ra khủng bố.

Không phải của nhau đâu! Vô ngã là quán chiếu rằng thân này không phải của ta, thân này chẳng có ngã tướng là ta. Nói những từ như vậy nó mông lung quá, bởi quán chiếu được chiều sâu đó cũng chỉ là sự tư duy suy nghĩ trong Chánh Kiến. Được, điều đó là điều đi lên cao hơn! Nhưng hôm nay Bảo Thành không nói đến chân lý huyền nhiệm trong ngôn ngữ của vô ngã quá cao ở tầng lớp văn chương, chữ nghĩa hoặc thiền định thật sâu để có thể thoát được cõi tục trần mà nói sơ sơ rằng chữ “không phải của nhau” ở chỗ là nên đối xử với thân tướng này đây, con người, kiếp sống này đây, không thuộc của nhau đâu mà nó chỉ là phương tiện hiện thời ngay tại đây, chỗ này và bây giờ, và phương tiện đó vi diệu lắm. Cho nên khi còn có phương tiện làm người, khi còn có phương tiện để chúng ta tương tác tạo nên những cảm xúc an lạc và hạnh phúc, khi còn có phương tiện làm người để khi chúng ta tương tác dựa trên những thế quyền ở nhân gian này, để chúng ta có thể làm được những việc tốt cho nhau hoặc khi còn hiện thân trong cuộc đời với phương tiện làm người này, để trong sự tương tác, ta có thể xây dựng một đời sống vật chất hữu ích cho muôn người để giảm tối thiểu sự đau đớn, dằn vặt, chà đạp, sát hại nhau, thì đó chính là sự hiểu biết về tinh thần vô ngã tạm thời trong hai chữ “không phải của nhau”, nhưng khi gặp nhau, ta biết tương tác, ứng dụng phương tiện diệu dụng, phi thường, siêu thế. Đã là phương tiện, ta cần phải học để ứng dụng, chẳng thể cứ ngơ ngơ, lơ tơ mơ để rồi phương tiện đó hết hạn ra đi, ta lại sầu muộn, đau khổ, than trách.

Bạn hãy ngồi xuống tịch tĩnh một chút, suy nghĩ đi! Tâm trạng của bạn như thế nào, cuộc sống của bạn đang như thế nào, sức khỏe các giác quan, tinh thần của bạn như thế nào? Chúng ta phải thẩm định lại của mình như thế nào và nói rằng cái của nhau đó, chỉ là phương tiện để chúng ta biết dè chừng, đừng phung phí quá đáng theo chiều hướng tiêu cực để tự xâm hại sự an lạc của mình mà chúng ta phải ứng dụng phù hợp theo chiều hướng tích cực để kích hoạt và ứng dụng đúng mức phương tiện làm người để tăng trưởng đời sống tâm linh.

Trong những ngày tháng qua hoặc những ngày qua, chúng ta thường tiếc nuối cho một ai đó đã ra đi khi chính họ không thuộc về ta, khi chính thân xác cuộc đời của họ cũng không thuộc về trái đất này, phải từ giã. Ta than, ta buồn, ta sầu, ta khổ. Đôi khi chỉ là những nỗi khổ vu vơ, bất chợt tới nhưng có khi nào nhắc nhở cho chúng ta rằng con người đó đã ra đi, để lại biết bao nhiêu những sự cao quý bởi khi còn sống, họ đã hiến dâng cho cuộc đời quá nhiều những điều tốt đẹp. Dĩ nhiên trong bao nhiêu điều tốt đẹp của cuộc đời của con người hiến dâng đó, vẫn có những điều không như ý đối với những người khác. Bởi ở trên đời này, ta sao có thể làm được tất cả mọi chuyện như ý của người đâu.

Suy nghĩ rằng nếu gương đức hạnh của người đó còn để lại trongcuộc đời này thìta, khi đang sống đây, có nghĩ rằng cuộc sống của ta hiện thời bây giờ cũng không phải của nhau, một ngày nào đó nó sẽ bãi biệt ra đi. Mà không phải một ngày nào đó đâu, mỗi một ngày, cuộc sống này, thân xác này, nó cứ bước xa dần xa dần chúng ta, có điều chúng ta ngộ nhận và không chấp nhận sự xa rời thực tế đó. Mỗi một ngày trôi qua như một lời chia tay mãi mãi không gặp, nhưng ta không nhận được thông tin, tín hiệu đó, mà cứ tưởng rằng quấn quýt bên nhau mãi cuộc đời để còn hứa hẹn kiếp sau. Hứa hẹn kiếp sau ta gặp nhau nữa!

Làm sao có thể mang được thân người kiếp sau? Khó vô cùng! Vậy mà cứ hứa Cuội rồi thêm chữ “nếu”: “Nếu kiếp sau được làm người”. Đi vào cảnh giới của tưởng tượng rồi, sống không thực tế! Nếu kiếp sau được làm người, tại sao kiếp này đang làm người, ta không làm những điều gì đúng với lời của Đức Phật dạy để rồi cứ hứa hẹn nếu kiếp sau được làm người, tôi sẽ làm cái này, tôi sẽ làm cái kia, mà kiếp này đang làm người, sao ta không làm? Ngay cả kiếp người này cũng không thuộc và cũng không phải của nhau đâu! Chỉ là phương tiện hóa hiện theo nhân duyên và nhân quả phước báu nhiều đời. Khi hóa hiện thành thân người bởi nhân duyên ấy, ta phải ứng dụng thân người như lời Phật dạy là phương tiện diệu diệu diệu vời để làm sao ta có thể tạo ra những điều tốt đẹp hơn.

Nếu những ngày qua, ta đau thương, tiếc thương cho một con người ở lứa tuổi đang vươn tới sự thành tựu viên mãn phải ra đi thì đó cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta phải nhớ rằng đừng hẹn nếu kiếp sau được làm người mà phải nói khẳng định rằng tôi đang là con người, tôi đang là kiếp con người, tôi phải làm gì đây, để phương tiện là người, là kiếp con người này được ứng dụng phù hợp, khế cơ, khế lý thuận hảo với những điều tốt đẹp để tăng trưởng phước báu hay để lãng phí thời gian trong những chuyện vu vơ mộng tưởng để ngồi thừ trước khung cửa sổ đóng kín qua mành cửa tưởng tượng như sờ được vầng trăng trên cõi trời để quay cuồng say túy lúy trong những điều ảo giác, chẳng thực tập, chẳng có công hạnh, chẳng ứng dụng, chẳng tư duy lời của Đức Phật dạy để thân người, kiếp người này, phương tiện phi thường ấy, ta có thể vận hành được đúng mức.

Tiếc thương cho người ra đi để làm chi nếu không nhận thấy nơi kiếp con người đó, kiếp nhân sinh đó một bài học nhắc nhở cho chúng ta cần phải làm gì ngay lúc này thì sự tiếc thương, tiếc nuối đó đang là những mũi thuốc độc, đang là những lời chỉ trích, đang là những lá đơn ly dị mà chính ta đang viết ra để tách rời bản thể làm người ngay khi kiếp người này còn hiện hữu trong cuộc đời, ta đang ly dị bản thân của chúng ta.

Ta còn bỏ ta, thân này còn không thuộc của ta, còn chia tay từng giây từng phút. Khi có nhân duyên tái hợp làm kiếp người, ta không tôn trọng, ta không gắn bó để thành tựu được điều cao cả, tốt đẹp có phước báu tồn tại cùng với nhau, mà bỏ rơi bỏ rớt trong cuộc đời lang thang đây đó với những tư tưởng của lục dục, của tham ái, tài danh. Vậy mà khi lỡ nghe tên ai mất thì đau khổ vô cùng. Nhưng ta đang mất dần ta, ta lại không thấy ta đau khổ bởi một ngày trôi qua, ta đã làm gì được cho chính ta?

Các bạn! Có khi nào bạn nghĩ rằng thân xác này của ta không là của ta, không là của nhau, đang rời xa ta? Đúng, nó đang rời xa ta từng giây từng phút, nó đang chết dần chết mòn, tới ngày đáo hạn, nó sẽ từ giã ta toàn diện!

Quán tâm vô ngã là để chúng ta rời xa ngã tướng ta nhưng là ta, bởi ta không chấp vào ta ở chỗ là thôi, quên cái ta, quên cái tôi hoặc cần phải chi nữa để quay mòng mòng trong vô ngã ta hay không ta. Là hàng Phật tử tại gia, chúng ta chỉ cần dùng trí tuệ và tình yêu thương, sống trọn vẹn trong kiếp người. Làm việc thiện, làm Mười Điều Thiện thôi các bạn! Cứ như vậy, chúng ta tiệm tiến tới con đường thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc.

Đừng cầu nhảy một cái là bay lên tận cõi trời để lộng hành, lộng quyền, gặp Thượng Đế, gặp Phật này Tiên kia để phá phách như Tề Thiên Đại Thánh. Đó chỉ là chuyện ảo tưởng, không có thật! Hãy là phận con người từng bước từng bước an lạc trong Chánh Niệm, lấy trí tuệ và từ bi thành tựu được kiếp người này đã. Nhân chưa thành, làm sao thành Tiên, thành Thánh, thành Phật?

Cho nên ít nhất phải thành người có phương tiện vi diệu, ứng dụng đúng phương pháp của Phật dạy, mỗi người chúng ta chẳng nuối tiếc khi một mai ta thật sự đã nằm xuống. Và ta cũng chẳng hối tiếc khi một ai đó đã nằm xuống. Bởi mỗi người chúng ta đều là một đóa sen nở rộ trong cuộc đời, vươn lên từ bùn lầy, tỏa hương thơm ngát giữa ánh nắng mặt trời. Đó mới là ý nghĩa cao cả!

Đừng để cho những câu mà ta cứ lải nhải suốt ngày là “không phải của nhau, không thuộc về nhau” để đay nghiến, để đày đoạ! Đừng nói đến một đối tượng là một con người hay đối tượng là vật chất mà nói đối tượng là giữa cái tâm và cái thân này thôi! Tâm và thân này là kiếp con người thật sự đấy, nó có thật đấy các bạn, nó thuộc về nhau đấy, bởi vì nhân duyên, phước báu đã đưa tâm và thân này hiện hữu, hiện hóa trong kiếp người này, nó là của nhau thật sự. Cho nên dụng tâm để vận thân phương tiện, người đó sẽ thành tựu được sự an lạc và đi tới cứu cánh là Niết Bàn. Tâm làm chủ các pháp, tâm làm chủ mọi tạo tác, với tâm an tịnh, với tâm thanh tịnh thì mọi sự an lạc sẽ tới với chúng ta. Còn nếu với tâm bất tịnh thì đau khổ, phiền não sẽ tới với chúng ta. An lạc, tâm được làm chủ! Để tâm được làm chủ, chúng ta phải Chánh Niệm hơi thở.

Tâm và thân là thuộc về nhau bởi phước báu mang tới hiện thân làm người thực tế, chấm hết. Đừng vớ vẩn, lải nhải hoài: “Ta không thuộc về nhau!”. Tinh thần vô ngã mà cứ diễn giải trong văn chương đó, nó có thể vượt ngoài tầm hiểu biết, đưa tới sự khủng hoảng tinh thần một cách toàn diện. Ta không nói đến nhà triết học cao siêu nhiệm mầu, Phật học siêu siêu đẳng đẳng ở trên cao, ta nói đến mọi người chúng ta, bình dân, bình thường. Hãy vỗ vào ngực và nói rằng thân này là hiện hữu trong cuộc đời, tâm này đang hiện hữu trong cuộc đời, thân tâm hiệp nhất trong sự thanh tịnh thì thân là phương tiện vi diệu để đạt đến cứu cánh Niết Bàn an lạc. Tâm làm chủ các pháp, tâm làm chủ mọi tạo tác, nếu tâm thanh tịnh,…Từ câu này thôi, chúng ta phải giữ tâm thanh tịnh để ta làm chủ mọi tạo tác, làm chủ mọi pháp, pháp của thân phương tiện, mọi tạo tác từ thân này mà hiện ra, mà tạo ra trong sự tương tác.

Câu hỏi làm sao với tâm thanh tịnh? Làm sao để có được tâm thanh tịnh, tâm làm chủ các pháp, tâm làm chủ mọi tạo tác? Vậy làm sao để có được tâm thanh tịnh? Với tâm thanh tịnh thì tâm sẽ làm chủ được mọi pháp, làm chủ được mọi tạo tác. Phật dạy rõ lắm, đơn giản lắm! Đó, Phật dạy rằng để có tâm thanh tịnh, chỉ cần làm việc thiện, bỏ việc ác là tâm thanh tịnh. Mà ta không bỏ ác hành thiện, ta tạo ác và tránh xa điều thiện, tâm làm sao thanh tịnh? Vậy nên từ đời này qua đời sau, từ giây phút này qua giây phút sau, ta cứ lải nhải như người khùng, người điên, người say: “Ôi, ta không thuộc về nhau, không phải của nhau, ta làm cho nhau đau!”. Không của nhau thì không đau thì là gì đây? Đã không là của nhau thì suốt đời cứ mãi đau mà thôi! Còn nếu tâm và thân này là của nhau và tâm được làm chủ trong sự thanh tịnh thì thân này và tâm này là của nhau. Tu sửa thân tâm, tâm được làm chủ trong Pháp Thiện, tâm đó là tâm thanh tịnh và thân này sẽ hài hòa Tứ Đại, hạnh phúc miên trường, trọn vẹn. Trọn vẹn với kiếp người!

Các bạn! Nếu những ai đang có cảm giác đau khổ để nói với một người nào đó: “Ta không phải của nhau, ta không thuộc về nhau!” hoặc thấy thân này nó đang chạy đi đau đớn rụng rời, nó không là của nhau. Nó không là của nhau để tạo cho nhau đau, cho nhau đau đau mãi từng ngày thì nhớ, tại sao cứ phải đay nghiến hoài câu đó, lải nhải nhiều làm chi để cho con tim mỗi ngày một thêm đau? Đó đã không thuộc của nhau rồi! Vậy làm gì để cho nó thuộc của nhau? Chỉ cần tâm được làm chủ bằng pháp thanh tịnh, thanh tịnh là bỏ ác hành thiện, Phật dạy thật rõ rành rành, ai cũng có thể làm được, mà nó thực tế, nó dễ lắm!

Quán chiếu tinh thần vô ngã đừng đi vào tánh không huyền nhiệm của những cuốn Kinh dày đặc những ngôn ngữ pha trộn vào với nhau để cho bạn điên đảo. Vô ngã đừng nhào vào tánh không, trộn lẫn với những tư tưởng cao ngất của sự siêu xuất trong cõi tưởng của con người đặt vào văn tự làm cho nghiền như kiếm hiệp. Điều đó, ta sẽ ngồi đó mà tưng tửng ở cõi nào đó, không thực tế. Hãy nói: “Tôi là người! Và như Phật dạy, trong kiếp người, tôi có thân và tâm. Như Kinh Pháp Cú dạy, tâm được làm chủ, làm chủ mọi tạo tác, tạo tác là từ thân. Làm chủ mọi pháp, pháp đó tới từ tâm, tâm đó được huấn luyện, tâm đó được giáo dục, tâm đó được tu, tu trong Pháp Thiện, tâm đó là tâm thanh tịnh”.

Bạn có khi nào nghĩ rằng bạn cần phải tự giáo dục bản thân tự học, tự tu, tự sửa để tâm của bạn có được sự thanh tịnh bằng bỏ ác hành thiện hay không? Sao cứ ngồi đó lải nhải cãi nhau hoài là “Ta không thuộc về nhau!” rồi lần mò trong những miền gọi là hoang vu của tư tưởng để tận hưởng những ngây ngất của tánh không. Biết bao nhiêu những Chư Tổ về Thiền Tông, biết bao nhiêu những bậc học giả của ngày nay ngồi đó suy nghĩ miệt mài, viết ra những con chữ nhảy múa lung tung như con rối.

Phải thực tế thôi, đơn giản đi! Xã hội ngày nay, càng đơn giản càng tốt!

Cái phone (điện thoại) thuở xưa ta xài nó dày cộm, nó bự như vậy, đặt một chỗ. Dần dần nó nhỏ, nó mỏng, nó bé, nó mỏng, nó bé, nó mỏng, nó bé, nó mỏng, nó nhỏ, nó đẹp, nó gọn nhưng ứng dụng càng cao. Mỗi một năm trôi qua, các hãng phone chế tạo ra cái phone càng tinh diệu hơn, phần mềm phải hay hơn, phần ứng dụng phải hay hơn. Thì Đức Phật đã nhìn ra Chánh Niệm hơi thở trong trí tuệ và từ bi sẽ làm cho chúng ta loại bỏ những thứ rườm rà trong cuộc sống để không làm nó dày cộm, to tướng lên như con voi để đi đâu cũng khệnh khạng khệnh khạng ở giữa đời mà đi tới chữ thành vô tướng luôn. Cái phone không còn là cái phone nữa, nó là vô tướng rồi, nó như cõi Phật Đà vậy, nghĩ có là có, nghĩ không là không, muốn đâu là tới đó, muốn gì là nó hiện đó. Cái phone ngày nay tuy tinh vi thật, nhưng nó vẫn còn, vẫn còn ở một thân tướng nhất định, còn nếu như chúng ta đạt tới sự Chánh Niệm hơi thở trí tuệ – từ bi thì đi tới chữ tinh vi cỡ nào, đi tới chỗ tinh vi cỡ nào trong cuộc sống, để không cần khoác lên mình những màu mè hoa lá đủ sắc đủ cành ngôn ngữ văn chương. Không cần! Vạn pháp do tâm, dụng tâm thiện lành để được thanh tịnh. Bỏ những điều ác, dụng tâm như thế thì chẳng cần phải của nhau hay không là của nhau nhưng chúng ta sẽ ứng dụng được mọi phương tiện hiện hữu trong mọi khoảnh khắc thời gian Chánh Niệm, dù có thân hay không có thân luôn luôn an lạc và hạnh phúc.

Hầu hết chúng ta – những Phật tử tại gia có nhân duyên đọc được sách, đọc được Kinh như Kinh Kim Cang hoặc nói về tánh không, vô tướng nhiệm mầu cao siêu để rồi bay bổng trong ngôn ngữ đó, múa may quay cuồng như người đọc kiếm hiệp, chẳng luyện võ, chẳng biết gì mà cứ tưởng tượng mình như là cao thủ võ lâm, đưa tay ra một cái là chưởng chưởng, búng chân một cái là nhảy nhảy, bay bay, nhảy nhảy, chưởng chưởng. Thời đại ngày nay, múa như vậy người ta gọi là khùng, ảo tượng sức mạnh!

Đạo Phật không phải là đạo huyền bí cao siêu để ảo tưởng sức mạnh đâu! Đạo Phật là chân lý thực hành thật rõ, giữ tâm thanh tịnh bằng bỏ ác hành thiện. Để thân và tâm này là của nhau, ứng hiện trong cuộc đời ngay trong Chánh Niệm hơi thở như phương tiện diệu dụng để thành tựu phước báu, chuyển mê thành giác.

Đừng đắm chìm, đừng mập mờ, đừng tinh nghịch với những game (trò chơi) chữ của Phật pháp nhiệm mầu quá nhiều! Để ảo tưởng sức mạnh như người nhện, người dơi. Đó chỉ là phim thôi! Rồi đừng như con rối để người ta cột dây vào những truyền thống, những tôn giáo, những pháp môn, những tông phái rời xa lời Phật dạy tâm phải được làm chủ, tâm làm chủ mọi tạo tác, tâm làm chủ mọi pháp. Như con rối, người ta giật nhảy nhảy nhảy, người ta điều khiển.

Cuộc sống có giá trị hơn khi chúng ta nhận được lời Phật một cách rõ ràng! Những gì chúng ta cho là của nhau không là của nhau, bởi đã là của nhau chẳng làm nhau đau. Nếu bạn đau vì mất đi những gì thuộc về bạn, của bạn thì những thứ đó không phải của bạn đâu! Nhất là khi thân này mất đi, bạn có đau lắm không, mà khi một ai nằm xuống, bạn lại đau đớn cỡ đó?

Đang có thân xác này, đừng rời xa chúng! Lấy tâm làm chủ, mượn xác này để tu, tu pháp thiện lành, bỏ rơi những điều ác, thành tựu sự an lạc để tâm luôn thanh tịnh, nở nụ cười an nhiên, trí tuệ bừng sáng và từ bi lan tỏa đã tốt lắm rồi.

Phật tử chúng ta hãy sống trọn với tư tưởng đơn giản như Kinh Pháp Cú dạy tâm phải được làm chủ. Để tâm làm chủ vạn pháp, mọi tạo tác, hãy giữ sự thanh tịnh! Để tâm thanh tịnh, hãy làm việc lành thiện, từ bỏ điều ác. Hãy quay về sự đơn giản, cởi bỏ mọi sự rườm rà để chúng ta được thanh tịnh! Và khi Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi là cởi bỏ tất cả để tâm được làm chủ trong pháp thiện lành từ bi.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào nhau!

Thưa Phật! Chúng con là những người rất bình thường, căn cơ rất bình thường và cũng thực hành những pháp rất thường của Phật, đó là Chánh Niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi để tâm được làm chủ trong sự thanh tịnh do buông bỏ việc ác, hành những việc thiện.

Xin Chư Phật gia hộ cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay nếu chúng con có tạo được chút phước báu nào, xin hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo, cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới hết đại dịch.

Nguyện xin Chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn