Search

Bài 2039: Đợi Đến Bao Giờ | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Nguyễn Sơn bút ký

Mô Phật! Lúc nãy bị trục trặc mạng, Bảo Thành nói mà các bạn không nghe.

Các bạn thân mến! Chúng ta đã chú nguyện xong rồi, chúc cho nhau những lời tốt đẹp, Bảo Thành chia sẻ mà mạng yếu không nghe, có lẽ đây cũng phù hợp với chủ đề mà ta nói tới đó là: “Đợi Đến Bao Giờ”. Bảo Thành nói hoài các bạn không nghe, chẳng phải Bảo Thành không nói hoặc tai các bạn không nghe thấy mà bởi vì mạng. Có những sự cố ở trên đời xảy ra mà không ai có thể ngờ, để cuối cùng đã xô đẩy chúng ta vào dòng đời chỉ biết đợi, biết chờ.

Đợi đến bao giờ? Đợi đến bao giờ hả các bạn?

Thuở còn bé lắm, chúng ta đợi ở nhà khi mẹ đi chợ hoặc đi làm, đứa trẻ như Bảo Thành và các bạn chờ mong hoài mà không thấy mẹ về hoặc mẹ về trễ hoặc mẹ chưa về, sự ngóng trông của những người con chờ đợi mẹ vui là bởi vì mẹ sắp về. Sự chờ đợi và có mẹ sắp về. Đó là một sự chờ đợi lý thú. Biết bao nhiêu con người có những cuộc hẹn khi lớn lên với bạn bè, chúng ta chờ đợi trong những cuộc hẹn và có những sự chờ đợi mà bạn không bao giờ tới, để rồi đâu đó trong cuộc đời này, ai đã viết thành một bài nhạc: “Em cứ hẹn nhưng em đừng tới nhé!”. Đời là một chuỗi hẹn hò, hẹn để gặp nhưng rồi cứ thầm ước họ đừng tới để cho lòng của mình nao nao chờ đợi. Phải chăng đây là thú đau thương? Chờ, biết rằng người ta không tới nhưng mà thích. Chẳng hiểu vì sao chúng ta lại như vậy!

Nhìn quanh ở Việt Nam chúng ta, các ông khi thức dậy buổi sớm, loay hoay, vội vàng, chẳng nói một lời với vợ, với con, đi qua quán cóc bên đường ngồi uống cà phê cùng với bạn. Ra tới đó, ngồi cũng phải đợi nửa tiếng đồng hồ mới có cà phê, cà phê phin mang ra lại cũng phải đợi một thời gian để những giọt đắng rớt xuống từ từ, pha chút đường uống, vậy mà vui. Sự chờ đợi từ cà phê hay chờ đợi trong cuộc đời hình như ai đó cũng có sự trải nghiệm chờ đợi. Đợi đến bao giờ? Có những cơ hội vụt tới vụt đi, chúng ta không chuẩn bị kỹ càng để đón để rồi cơ hội đó có thể là cơ hội làm ăn, nó vụt mất, ta lại phải đợi nữa. Đợi đến bao giờ?

Lớn lên đến tuổi hẹn hò, yêu thương, có những con người đợi như đợi bạn gái, đợi bạn trai trong những cuộc hẹn. Mà đúng! Sự cố xảy ra, sự chờ đợi đó đợi mãi, đợi mãi để cuộc tình như một chuyến đò lỡ chuyến và đã rời xa. Đợi, đợi đến bao giờ? Có những tổ chim khi chim con vừa mới nở, chim mẹ bay ngược bay xuôi đi tìm đồ ăn, đàn con ở nhà thấp thỏm chờ mẹ về mớm ăn, nhưng cay nghiệt thay, cuộc đời là như vậy, các con nhỏ đợi miếng ăn ở nhà, ở tổ nhưng con người lại đợi miếng ăn từ những loài thú. Một mũi tên hoặc một cục đá từ chiếc trực ná bắn vào, mẹ chim liền lìa đời, thế là đàn chim nhỏ đợi mãi, đợi mãi, đợi đến bao giờ, đợi rơi nước mắt, đợi khô thân, đợi cho đến chết ở trên đời. Đợi đến bao giờ?

Cuộc đời của mỗi người chúng ta có những chuyến đợi, chuyến đợi mà không ai biết rằng người hẹn đó có thể tới được hay không? Có thể người ta bỏ cuộc không tới như trò chơi cút bắt của tình yêu: “Em cứ hẹn nhưng đừng đến nhé!”, để làm sao? Để gọi phone, viết thư, nhắn tin trách móc cho tăng hương vị của tình yêu trong chờ đợi. Cái hẹn đó là hẹn của hương tình nhưng có những cuộc hẹn, sự cố xảy ra, người ở bên kia hẹn ta tới, vì một sự việc gì đó cũng như sự cố lúc đầu nói, mạng không gắn kết và rồi Bảo Thành nói mà các bạn không nghe, sự hẹn hò không có gắn kết bởi người hẹn kia có thể như con chim mẹ, dọc đường đi tới buổi hẹn hò, chẳng bao giờ có thể gặp bởi sự cố xảy ra, vong mạng trong cuộc đời.

Các bạn có thấy có bao nhiêu cuộc hẹn làm ăn, đợi khách, khách hẹn trong những mối hợp đồng lớn rồi người ta không tới, bạn thấp thỏm, dệt mơ, dệt mộng, chuyến này ký được hợp đồng nhưng rồi quán hẹn bên đường, cà phê, nước uống đã sẵn mà khách kia chẳng bao giờ tới. Cứ lãng mạn một chút để tìm những sự chờ đợi trong cuộc đời, ta thấy chờ đợi hình như nó đã tạo thành một thói quen hứng thú như một thú đau thương, chờ và trông đợi. Đó là ở đời thôi! Chúng ta hãy đi vào lời của Đức Phật dạy: “Đợi Đến Bao Giờ”.

Thuở xưa, vào những ngày cuối khi Thế Tôn thọ mạng đã gần kề, chỉ còn hai ngày nữa thôi, Đức Phật sẽ nhập Niết Bàn, có nghĩa là tịch diệt, nói đúng là thọ mạng viên chung, chết. Nằm ở khu rừng Sala Long Thọ hai bên hàng cây, Ngài tịnh tĩnh chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng bởi vì chỉ còn có hai ngày nữa Ngài ra đi, Ngài quán chiếu thấy có một ông Bà La Môn, ông ta tên là Tu Bạt Đà La, ông ấy đã 120 tuổi, Thế Tôn thấy và biết rằng ông ta đã từng nghe bạn bè giới thiệu ông ta về Phật, có sự trông đợi để gặp Phật đó, nhưng vì sĩ diện, những lời mời của bạn bè mời ông ta tới gặp Phật, ông ta không tới bởi sở tri chướng, tức là kiến thức chấp vào kiến thức, văn tự, chấp vào những tín điều, giáo lý ông ta học được từ Kinh Vệ Đà, Bà La Môn, chấp vào Giới cấm trong Đạo nên ông ta không bao giờ tới. Ông Tu Bạt Đà La không tới gặp Phật nhưng trong lòng hình như cũng ngưỡng mộ. Các bạn nhớ! Trong cuộc đời, đa tôn giáo và chúng ta sinh ra với tôn giáo đó, với tín ngưỡng đó, với tập tục, phong tục, Tông môn, Pháp môn khác biệt, ngày xưa khi học được điều gì đó, các Bậc Thầy thường bắt hàng đệ tử thề hứa là không thể phản bội Pháp môn, không thể lìa bỏ Pháp môn được Chân truyền mà học Pháp môn khác, mà ai phản bội có thể bị chết. Hình như những ai học ngày xưa thường có như vậy, ngoại trừ học trong những Thiền viện hoặc trong Chùa thì chúng ta giữ Giới thôi. Nhưng học theo những vị Thầy trong dân gian thường lập những lời thề rất nguy hiểm, không phản bội, không được học, không được này, không được kia. Tất cả các Pháp môn, Tông môn, Môn phái khác, Giáo phái khác, tôn giáo khác đều là Tà.

Ông Tu Bạt Đà La cũng giữ theo Giới luật của Bà La Môn, Giới cấm thủ, chấp vào Giới đó, không muốn bẻ gãy, sợ phản bội, và sở tri chướng, chấp vào kiến thức, sự học của mình, nó làm chướng ngại. Những gì đã học về nền tôn giáo của mình, những gì đã học về điều mà mình tin theo, nó ngăn cách, không thể tới được. Đây là một sự chấp thủ mà phần đông chúng ta thường hay mắc vào. Người theo Tông phái này chê bai Tông phái khác và thật khó bước qua để lĩnh hội dù vẫn lập thề nguyện:

“Pháp môn vô lượng thề nguyện học

Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.”

Nhưng những ai học Pháp môn khác, nói tới là ta chê bai và ngăn cấm mình bước tới tìm hiểu dù biết đó là Pháp môn của Phật.

Sở tri chướng, Giới cấm thủ!

Khi Đức Phật thấy, Ngài quán chiếu sắp mất rồi, hai ngày nữa thôi, rồi nói với Thầy A Nan rằng: “Con hãy đi tìm gặp ông Tu Bạt Đà La và nói với ông ta rằng hãy tới gặp Thế Tôn, nhớ dùng phương tiện nghe con”. Trong khi bao nhiêu đệ tử quây quần ở đó, Thế Tôn nói với ông A Nan như thế. Ông A Nan vượt đến mười mấy cây số, xa lắm, gặp được ông Tu Bạt Đà La thì nói sơ sơ thôi, ông ta đã khởi lên niềm vui vô tận bởi trước kia biết bao nhiêu người nói, ông ta không tới nhưng hôm nay ông A Nan tới. Gặp ông A Nan nói rằng: “Thế Tôn đang đợi”, ông ta hạnh phúc vô biên như cảm thấy sức sống trỗi dậy. Các bạn nhớ, ông ta đã 120 tuổi, Đức Phật lúc đó vừa 80, ông ta lớn hơn Phật đến 40 tuổi. Ông ta liền khởi thân đi cùng với Thầy A Nan tới diện kiến Phật, khi gặp Phật, hào quang tỏa ra sự thanh tịnh, năng lượng yêu thương của Chư Phật Từ Bi và năng lượng Trí Tuệ của Đức Phật tỏa ra làm cho ông Tu Bạt Đà La cảm nhận được nguồn hạnh phúc Trí Tuệ vô biên, Từ Bi dâng tràn ở trong lòng, hơi ấm tỏa ra có sức sống, hạnh phúc vô cùng! Đức Thế Tôn nhẹ nhàng, âm thanh trầm bổng như sấm ở trên trời mà chẳng làm điếc lỗ tai. Nhẹ lắm, nhẹ như sấm làm chấn động tâm thần và Thế Tôn hỏi: “Ông có điều gì thắc mắc?”. Sau khi những sự thắc mắc của ông Tu Bạt Đà La đã được giải thích, ông ta liền quỳ xuống xin thọ Giới và Đức Phật đã trao truyền Giới Tỳ Kheo cho ông ta. Ông Tu Bạt Đà La 120 tuổi là đệ tử, là Tỳ Kheo cuối cùng của Đức Phật. Và rồi thọ mạng đã tới, thọ Giới Tỳ Kheo xong, chẳng bao lâu bước ra khỏi, ông ta đã viên mạng. Nhưng khi thọ Giới các đệ tử của Chư Phật mới thắc mắc, Đức Phật nhìn hiểu và thấu: “Các con có phải đang thắc mắc hay không?”. Đức Phật mới nói: “Các con có biết không, thuở xưa, trong một tiền kiếp, có một con nai chúa sống ở vùng kia cùng với một bầy nai con lớn, nhỏ đến cả trăm. Trời lũ và mưa, vùng đó lầy lội, phải đi qua dòng sông, lên bờ kia mới có thể thoát lũ. Con nai chúa dìu dắt từng con, từng con nai vượt qua dòng sông và quay đi nhìn lại vẫn còn một con nai con nhỏ bé, nai chúa vội vàng quay trở lại dìu con nai con vượt qua dòng nước lũ tới bờ kia để tồn sinh, và khi con nai con lên trên bờ thì con nai chúa cũng hết hơi, lịm đi trong dòng nước, hơi thở cuối cùng ra đi. Dòng xoáy của vùng lũ đã dìm con nai chúa xuống, con nai chúa thầm phát nguyện: “Kiếp sau này nếu thành Bậc Đắc Đạo, nhất định sẽ độ cho tất cả và đặc biệt độ cho con nai con kia chứng đắc sự an lạc””. Phật lại tiếp: “Các con có biết không, con nai chúa đó chính là tiền kiếp của ta, còn con nai con kia chính là ông Tu Bạt Đà La. Chính vì lời nguyện đó, kiếp này ta thành Phật, phút cuối cùng sau khi đã đưa cả một bầy nai qua bờ, tức là độ cho các con chứng đắc, thành tựu và nghe được Giáo pháp Giải Thoát rồi thì còn một con nai con, còn một người cuối cùng mà kiếp xưa ta đã nguyện chính là ông Tu Bạt Đà La, con nai nhỏ thơ thuở xưa, nhưng hiện kiếp này ông ta 120 tuổi, chuẩn bị qua bờ Niết Bàn, nhập vào cảnh giới an yên, ta đã độ cho ông ta thọ Giới.”

Đức Phật đã chờ đợi và trong hơi thở cuối cùng, Ngài vẫn thương tưởng đến chúng sanh, Ngài luôn phát nguyện độ mọi chúng sanh. Con nai con thuở xưa được dìu qua dòng nước lũ, thoát cho tới thành ông Tu Bạt Đà La 120 tuổi tu Bà La Môn Đạo, chứng Ngũ thông, biết được Phật, nghe giới thiệu của Phật mà không tới bởi chấp vào Giới, chấp vào tri kiến của ông ta. Nhưng Đức Phật không màng, vẫn sai Thầy A Nan phương tiện, đưa ông ta tới gặp Phật để chứng đắc sự an lạc, giác ngộ. Ước gì chúng ta là con nai con được Thế Tôn dìu qua dòng lũ của cuộc đời, ước gì chúng ta là ông Tu Bạt Đà La 120 tuổi, già cằn cỗi cuộc đời vẫn được Thế Tôn mời tới để dạy. Nhưng đâu! Chỉ là lời ước mà thôi, có phải không các bạn?

Không! Phật, hơi thở cuối cùng vẫn thương tưởng chúng sanh và mời ông Tu Bạt Đà La tới để khai thị rồi cho thọ Giới. Phật vẫn chờ đợi chúng ta và Ngài luôn luôn mời gọi chúng ta. Xưa, Ngài đã mời Thầy A Nan tới để thỉnh ông Tu Bạt Đà La diện kiến Phật, ngày nay Đức Phật đã gửi các Bậc Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng, Chư Tổ, Chư Thầy, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, những Bậc Thiện Tri Hữu, Thiện Trí Thức, cha mẹ, ông bà, người thân tới với cuộc đời như một phương tiện của Thầy A Nan, mời gọi chúng ta một lần nữa tới diện kiến Như Lai. Các bạn! Lần này đây, chuyến cuối của cuộc đời trong kiếp này, bên dòng lũ của cuộc đời đang xoáy và trời đang sấm chớp, nguy hại vô cùng sau những cõi, kiếp trầm luân đau khổ, bạn có nghe Thầy A Nan, thông điệp của Chư Phật gửi tới qua các Bậc Thầy, qua Thiện Tri Thức, để tiếp cận được giáo lý của Phật. Tới để thọ nhận hay các bạn lại để Phật chờ đợi? Chờ đến bao giờ?

Ông Tu Bạt Đà La phước báu vô cùng bởi cuối cùng ông ta đã nghe và tới thỉnh Pháp của Phật, còn chúng ta? Đã bao nhiêu lần Phật đã mời gọi, gửi thông điệp của chí nguyện Giác Ngộ, chân lý Giải Thoát đau khổ tới với chúng ta bằng nhiều cách lắm, có thể bằng một câu Kinh, câu kệ vang lên ở trong máy, ở trong đĩa, trong băng, trên YouTube, đài truyền hình hay từ bạn bè, Chùa chiền nhưng chúng ta vẫn làm ngơ như anh chàng năm xưa: “Em cứ hẹn nhưng em đừng tới nhé!”. Chúng ta cứ hẹn hoài thôi! “Mai mốt tôi sẽ tu, mai mốt tôi sẽ tới Chùa, mai mốt tôi sẽ Thiền, niệm Phật. Tôi sẽ tu này tu kia. Cứ hẹn hoài! Hẹn hoài rồi ta không bao giờ tới, để leo cây”.

Lục Tổ Huệ Năng chỉ nghe được một câu Kinh Kim Cang trong khi đi đốn củi ở trong rừng lúc đi ngang nhà, vậy mà Ngài đã dấn thân, cuối cùng trở thành Lục Tổ. Bao nhiêu lần các bạn đã nghe Kinh vang vọng, nghe được âm thanh vi diệu của Chư Phật chạm đến trái tim, chạm đến phần mềm tâm não yếu đuối, đau đớn cùng cực của mình nhưng chúng ta vẫn cứ: “Tôi cứ hẹn, tôi cứ hẹn nhưng tôi không bao giờ tới”. Chúng ta để ai đó đợi đến bao giờ hay chúng ta cứ ngồi bên bến bên này của cuộc đời để dòng nước lũ trầm luân cuốn trôi đi, mà không đón nhận sự dìu dắt của con nai chúa, tức là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thoát qua bờ lũ của cuộc đời, dòng sông trầm luân bể khổ lên bờ Giác Ngộ.

Đợi đến bao giờ? Đã bao nhiêu lần các bạn đã hứa để khi đau, tới Chùa cúng kiến một nải chuối, một bình bông, dĩa trái cây, ba thứ đó, khấn xin Phật cho rồi hứa lòng sẽ tu nhưng chuyện đâu vào đó, khi có được chút ơn lành và phước báu, ta quên đi lời hứa. Biết bao nhiêu con người trầm luân đau khổ, hứa hẹn đủ điều, khấn nguyện đủ thứ, khi tới bờ sung sướng, hạnh phúc của cuộc đời. Tài vật, danh vọng có được thì quên hết. Có phải chăng chúng ta thích chơi trò chơi để cho chim mẹ phải đi lấy mồi, bị thợ săn bắn chết, để con chim con kêu, chờ, chờ cho tới chết. Có phải chăng chúng ta cứ hẹn và rồi cứ chờ? Chờ đến bao giờ và đợi đến bao giờ? Đợi đến chết, rơi xuống 18 tầng Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh rồi lúc đó mới than sao? Dĩ nhiên trong cuộc đời, các bạn thích hương vị của sự chờ đợi, chờ người tình tới, chờ người yêu hẹn hò, chờ bạn hiền tiếp cận, chờ giọt cà phê đắng, chờ những chuyến đi, chờ những mộng ước, chờ những giấc mơ. Ôi! Cuộc đời biết bao nhiêu chờ, đợi và đợi đến bao giờ các bạn? Các bạn nếu cứ ngồi đó mà thả hồn theo những ước mơ bay bổng theo những cánh chim, những cánh chim của những con chim cánh cụt chẳng bao giờ biết bay, chỉ chập choạng, chập choạng nhảy le te trên mặt nước. Sao có thể vươn tới ước mơ cao đẹp?

Đợi đến bao giờ các bạn? Các bạn đã có nhân duyên nhận được thông điệp của Đức Phật qua những phương tiện đại chúng truyền Pháp, qua những Bậc Thầy tôn quý, những Đức Hòa Thượng tôn kính, qua Kinh sách, qua sự giảng dạy, qua sự tiếp cận bằng Pháp này hay phương tiện kia, nhưng các bạn cứ hẹn dần, hẹn dần, các bạn đợi đến bao giờ hả các bạn? Pháp nhiệm mầu đừng đợi! Khi ta đói, cơm đã chín, các bạn đợi gì nữa mà không ăn? Đợi cho tới chết sao? Cơn đói đã làm cho ruột đau mà còn đợi. Pháp Phật nhiệm mầu đã tới bên bờ sa mạc của cuộc đời khô cằn mà ta đang nằm phơi sương chờ chết trong những ô nhục, trong những bất thiện nghiệp, trong những điều tăm tối. Sao không thỉnh thừa Ân Phật Pháp, Cơm Hương Tích của Chư Phật ăn vào một lần, thơm lừng Thánh Đức mà cứ chờ bên đống xương của thây ma, mỉm cười chờ đợi, xương tàn còn không?

Các bạn đợi đến bao giờ? Các bạn đừng đợi các bạn! Nếu các bạn đã nếm được hương vị của Pháp Giải Thoát thật sự, các bạn phải suy ngẫm, phải suy niệm, phải truy xét, tư duy cho thật rõ. Phật đã tới gõ cửa tâm linh của các bạn, Phật đã truyền trao thông điệp Pháp Giải Thoát, hương vị Giải Thoát, Pháp vị Giải Thoát tới với các bạn, đừng vì những sở tri chướng hoặc vì những Giới luật, Giới cấm, hoặc vì những quy luật riêng tư hoặc vì tự ái, hoặc vì sự tự trọng hay gì đó mà Pháp mầu nhiệm Giải Thoát kia của Như Lai đã gửi tới, ta cứ đứng bên bờ này, chẳng thèm qua để thọ nhận. Một tiệm bán phở ngon, để ăn được ngon thì ta cũng phải tới đó để ăn, một quán cơm cũng như vậy, một quán cà phê cũng như thế. Đức Phật đã trao truyền hương vị Giải Thoát mà các bạn thực sự nếm được hương vị của năng lượng Từ Bi – Trí Tuệ rồi, các bạn đợi đến bao giờ? Sao không một lần nữa các bạn ơi? Vượt qua dòng lũ của sự bận rộn năm tháng của công việc, của đời thường như ông Tu Bạt Đà La đã vượt qua chướng ngại cuối cùng để gặp Phật, xin thọ Giới.

Đức Phật đang nằm hai bên hàng cây Sala Long Thọ để nhập vào Niết Bàn, chỉ còn hai ngày nữa thôi là Phật ra đi. Các bạn có biết không? Các bạn đợi đến bao giờ bởi vì các bạn không bao giờ biết rằng ngày nào, giờ nào Pháp Phật mà Vị đó, Thầy đó, Đấng đó trao cho bạn sẽ không còn hiện hữu trên cuộc đời nữa. Vậy thì các bạn đợi đến bao giờ? Các bạn đã nếm được Pháp vị của Như Lai, tìm được hạnh phúc và an nhiên tự tại. Đừng đợi nữa! Hãy dấn thân vượt qua sự cản trở của công ăn việc làm, của lịch trình bận rộn mà suốt cuộc đời của các bạn sẽ phải lặn ngụp ở trong đó, không bao giờ hết. Đừng hẹn lần, đừng hẹn: “Em cứ hẹn nhưng em đừng tới nhé!”, chúng ta đừng hẹn để rồi không bao giờ tới. Pháp vị Giải Thoát đã nếm được và chúng ta đã cảm ứng được với năng lượng Từ Bi, với tình yêu thương của Chư Phật. Chúng ta đã cảm ứng được với Trí Tuệ của Phật, thắp sáng, phá vỡ đi những luật lưu truyền của truyền thống, của văn tự, của Kinh điển, của giáo điều. Vậy thì còn gì để dậm chân tại chỗ mà không như ông Tu Bạt Đà La, một lần nữa nghe theo Thầy A Nan để gặp Phật, một lần nữa chúng ta nghe theo Bậc Thầy hữu duyên, một lần nữa chúng ta đi theo Bậc Thầy hữu duyên trong kiếp này để gặp gỡ Đức Như Lai trong Pháp Phật nhiệm mầu?

Bạn, bạn ơi! bạn đợi đến bao giờ? 120 tuổi ư? Như ông Tu Bạt Đà La, để vừa thọ Giới Tỳ Kheo xong là chết. Các bạn đợi đến hơi thở cuối cùng khi kề cận mồ sâu mới vội vàng kêu bà con, cô bác thỉnh Thầy, thỉnh Sư Cô, chuông mõ rình rang rồi lại họp bạn đồng tu, niệm Phật đủ thứ để độ cho các bạn ư? Không! Điều đó không thể.

Đợi đến bao giờ? Ít nhất như ông Tu Bạt Đà La có trí tuệ, tới để nhờ Như Lai giải thích những khúc mắc và rồi nhập vô tri kiến Phật, buông bỏ sở tri kiến của mình, ông đã giác ngộ. Còn chúng ta không tới với Như Lai mà muốn Như Lai tới với chúng ta qua lời Kinh, tiếng kệ của cầu siêu, của chuông mõ, của những Phái đoàn đồng tu hay Tịnh Độ, niệm Phật 08 tiếng, 10 tiếng. Dù niệm có 100 vô lượng kiếp đi nữa cũng chẳng cứu được bạn đâu, bởi vì bạn nằm ở đó như một xác chết, đúng là xác chết không hồn, là một thây ma, đúng là thây ma. Ai độ được cho xác chết, cho thây ma? Khi còn sống không tự độ mình, chết rồi ai độ được cho ta.

Phật vẫn chờ ta bên bờ kia của cuộc đời, sự bận rộn theo năm tháng, hãy cố vượt qua để thọ nhận Pháp mầu. Nếu bạn đã nếm được hương vị Giải Thoát qua Pháp Phật nhiệm mầu vi diệu, hãy vượt qua những sự khó khăn, trắc trở của cuộc đời bởi bạn chưa một lần sắp xếp gọn lại mà thôi, nếu bạn sắp xếp gọn lại lịch trình sinh hoạt sống của cuộc đời, bạn nhất định sẽ dư thời gian để bước qua chướng ngại của lịch trình làm việc, những phong tục tập quán, những lề lối, những giáo luật, giáo điều bạn đã dính mắc ở bên trong, để sẵn sàng chân thành, thành kính đảnh lễ và “Thưa Phật! Con đã tới. Con không để Ngài đợi mà con cũng không như ông nhạc sĩ nào đó nói rằng: “Em cứ hẹn nhưng em đừng tới nhé!”. Con đã hẹn Phật, Phật đã chờ con và con đã tới với Phật chứ con không hẹn Phật để khi thành thây ma, nằm ở trên nhà mồ để thỉnh Thầy, thỉnh Cô, chuông mõ tới, rồi mang tượng Phật, hình ảnh Phật trang trí nơi nọ, nơi kia gọi là siêu độ cho thây ma sắp chôn xuống lòng đất. Thật là tội nghiệp!”

Đợi đến bao giờ các bạn? Phải tư duy, phải suy nghĩ, đừng đợi nữa. Hãy tới mà thọ nhận với tâm thành kính. Nếu bạn đã có tâm cầu Pháp rồi và bạn đã nhận ra được Pháp Phật nhiệm mầu, bạn đã cảm ứng được với năng lượng Từ Bi, Pháp Phật nhiệm mầu, bạn phải bước tới một lần nữa với tâm chí thành đảnh lễ cung kính. Cầu Pháp thì phải thành kính để được thọ Pháp, còn nếu bạn đã cầu Pháp và thành kính thọ Pháp rồi thì bạn phải hành trì Pháp đó. Chẳng ai tới một tiệm phở bởi hương phở ngon, mua một tô để đó rồi cứ nhìn. Phở đã mang ra phải ăn, Pháp đã thọ phải hành. Pháp hành rất quan trọng. Với tâm thành kính cầu Pháp từ vô lượng kiếp đã qua, chúng ta đã có cơ hội tiếp xúc với hương vị Giải Thoát, Pháp vị thắng mọi vị, và nay Pháp của Như Lai đã hiển lộ ngay trước mặt, hãy thành kính, hãy cung kính để chúng ta thọ Pháp đó và mang vào để tâm được hành, thân được hành, thân tâm hành trì Pháp Phật.

“Nhịp cầu u mê sẽ dần dần bước qua

Bờ kia giác ngộ chờ ta

Phật Thầy, Phật Tổ hân hoan đón mời”

Các bạn! Đợi đến bao giờ?

Hãy đặt bàn tay Từ Bi và Trí Tuệ, nhiếp tâm trong Chánh Niệm hơi thở. Đừng đợi nữa! Đừng đợi nữa!

“Thưa Phật! Vô lượng kiếp qua, chúng con đã chơi trò chơi cút bắt, cứ hẹn với Phật nhưng chẳng bao giờ tới, kiếp này đầy đủ phước báu, nhân duyên, nếm được Pháp vị Giải Thoát và nhận được thông điệp của Ngài qua các Bậc Thầy có nhân duyên, các Bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, các Bậc Thiện Tri Thức, qua đấng, bậc sinh thành hay qua những Bậc Thiện Tri Hữu trong cuộc sống, chúng con đã tới và thành tâm cung kính cầu Pháp, thọ Pháp, miên mật hành trì để như con nai con nương theo con nai chúa qua bờ bên kia, để như ông Tu Bạt Đà La một lần nữa tới với Đức Phật khi tuổi đã 120, thọ Giới Tỳ Kheo và được khai thị đi đến sự tu chứng giải thoát.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Thưa Phật! Xin hãy gia hộ cho chúng con quán chiếu thấy được sự Vô Thường sanh – diệt lui tới để không mang trong tâm thái của những sự chấp thủ mà vượt qua chướng ngại để không còn và bao giờ đợi, đợi đến bao giờ nữa. Chúng con đã tới, nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng Từ Bi xuống cho chúng con.

Nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia để họ không bao giờ chờ đợi nữa mà dấn thân tới, ngồi xuống với nhau thành lập chính sách hòa bình cho thế giới.

Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc xin và thuốc trị bệnh.

Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế tuyến đầu mở rộng lòng Từ Bi, yêu thương chữa lành bệnh nhân.

Hồi hướng cho Phật quốc Ấn Độ vượt qua cơn đại dịch cũng như quốc tổ quê hương Việt Nam và các đất nước khác cũng cùng đồng lòng vượt qua đại dịch.

Hồi hướng cho những ai đau khổ, phiền não tìm được Phật Pháp nhiệm mầu để khơi nguồn an vui và hạnh phúc.

Hồi hướng cho Chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành.

Con xin mười phương Chư Phật Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts