Search

Bài 2040: Đừng Làm Đau Lòng Nhau | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Linh bút ký

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, quý Thầy cùng các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi.

Chúng ta chuẩn bị đồng tu, mời các bạn chuẩn bị quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống cho muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con có đủ Trí Tuệ quán chiếu thấy rõ các Pháp sanh – diệt Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Từ Bi và Trí Tuệ là năng lượng siêu thế, nhiệm mầu, trở về với Chánh Niệm hơi thở, buông bỏ mọi suy nghĩ lo âu, thành tâm cung kính Chư Phật mười phương, khiêm tốn, hạ mình xuống, giữa đất trời ta cùng ngồi đón nhận năng lượng tình thương của Phật và thắp sáng đuốc Tuệ trong hơi thở Chánh Niệm này.

“Mật ngôn Mu A Mu Sa và mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ hòa nhập cùng với hơi thở để đưa chúng ta trở về với hiện tại Chánh Niệm, quán chiếu tự thể của thân tâm biến hiện trong từng giây phút. Chúng ta hãy nhớ đến tất cả những người yêu thương của chúng ta, gửi năng lượng tình thương tới với họ, đặc biệt chúng ta hãy hồi hướng cho (tên của Phật tử người nước ngoài), nguyện xin Chư Phật gia hộ cho Phật tử luôn luôn an lạc, bệnh tật tiêu trừ. Chúng ta cũng hồi hướng tới cha mẹ, ông bà, những người thân đang sống chung với chúng ta tràn đầy tình yêu thương, sức khỏe, tự tại, tinh tấn tu học. Hồi hướng đến gia đình, đến vợ chồng, con cái, đến tất cả những người trong cộng đồng, xã hội, đến những đất nước đang bị đại dịch hoành hành, tới quốc tổ yêu thương Việt Nam, tới tất cả. Nguyện xin Mẹ Quan Âm gia trì cho thế giới thái bình, lòng người an yên.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn! Giữa dòng đời vội vã, kẻ tới người lui, trong mỗi ngày, ai trong chúng ta cũng phải tiếp xúc với biết bao nhiêu con người và phải làm biết bao nhiêu những chuyện, có những chuyện lớn trong cuộc đời nhưng có những chuyện lặt vặt, nhỏ bé, ta cứ cắm cúi, vùi đầu, lần mò mãi. Nếu ngồi một chút xíu thôi, buông tất cả, nhìn lại trong cuộc sống mỗi ngày, đừng nhìn trong một tuần, một tháng, một năm và một đời. Chỉ một ngày thôi, các bạn sẽ nhìn thấy đầu óc của chúng ta quay cuồng trong biết bao nhiêu những dự định, những mưu tính, những ước mơ, những sự sắp đặt. Có những người sắp đặt công việc để tuần tự làm, nhưng có thật nhiều người đầu của chúng ta cứ xoay vần ngược xuôi, chạy mãi như một quán tính tạo thành lực để dẫn chúng ta đi, khó có thể làm chủ. Rồi đi sâu hơn, biết bao nhiêu sự tương tác giữa con người với con người tạo ra những cảm xúc vui buồn, sướng khổ và trong sự tương tác đó cũng thật nhiều người trong chúng ta đã làm cho nhau đau lòng. Và không hẳn giữa người với người làm cho nhau đau lòng khi tương tác, mà khi chúng ta tương tác với vật, với cây, với cỏ, với đá, với đường, với trời cao đất rộng, với thiên nhiên tự tại, ta lại làm cho chính mình đau lòng bởi không ưng cây đó, bởi không thích tảng đá nó nằm như vậy, bởi không ưa bông hoa này. Thiên nhiên tự tại nằm ở đó mà khi ta tương tác, sự cảm xúc được giao thoa giữa cái nhìn, nghe với ở bên ngoài, dòng cảm xúc hình như vô cớ trỗi dậy, lúc vui lúc buồn để có người tức giận có thể cưa cây, phá núi phá rừng, phá tất cả bởi không ưa, chỉ một chữ “không ưa”. Ở đời bởi một chữ “không ưa” mà ta buồn, ta giận, ta làm cho chính mình đau lòng hoặc ta làm cho những người xung quanh đau lòng, bằng hành động là có thể đánh phá, bằng miệng lưỡi là có thể chửi hoặc nói những ngôn từ trái ngược để rồi cứa, xé tâm can, lòng của nhau.

Với chủ đề: “Đừng Làm Đau Lòng Nhau” như một lời nhắc nhở cho tự thân của mỗi người phải suy nghĩ thật kỹ.

Ở trên đời, chúng ta khi giao tế, có những câu mà người ta đã lặp đi lặp lại, ăn sâu vào trong lòng để tin tưởng rằng những câu nói đó là chân lý, nhưng nó không phải là chân lý bởi chân lý thì luôn luôn đúng với mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc, như chân lý khi Đức Phật giác ngộ, khai thị chúng ta về Khổ, Vô Thường, Vô Ngã, Niết Bàn không bao giờ sai, bất di bất dịch từ đời này cho tới đời sau. Nhưng những người ta nhắc nhở, tưởng là một chân lý nhưng chỉ đúng vài trường hợp mà thôi, không đúng hoàn toàn. Ví dụ như câu: “Trung ngôn nghịch nhĩ” có nghĩa là người ngay thì nói thẳng. Câu hỏi là có phải khi chúng ta nói thẳng, nói thẳng với nhau những điều ta thấy, ta nghe, ta biết, có phải là nó khởi lên từ tâm thiện lành, tâm yêu thương, tâm Từ Bi? Cái đó mới là điều quan trọng. Nhưng hầu hết khi chúng ta nói thẳng, khi bạn làm một chuyện gì mà ta thấy sai hoặc khi nhìn một chuyện gì thấy gai con mắt thì ta nói ngay. Phản ứng nhanh nhất ở trong đời là bằng lời nói qua miệng của chúng ta. Mà đúng! Hầu hết, hầu hết mọi sự mà người này, người kia đau lòng chính là bởi vì ngôn ngữ ứng dụng hằng ngày của chúng ta. Chúng ta thật sự rất vội vàng tuôn ra những lời theo cảm xúc riêng của mình và được đặt để những ngôn từ khi nói ra rằng: “Ta có lòng ngay thẳng nên thấy sai thì nói, thấy không đúng thì nói”. Câu đó hoàn toàn không đúng!

Nếu suy nghĩ cho thật kỹ thì ta chỉ nuông chìu tôi của mình, ta chỉ để cho lòng tự ái dồn dập, nó bộc phát, tuôn ra, chẳng phải sự tự chủ bằng tình thương để nói trong tinh thần xây dựng. Ta chỉ ghen tuông, tức giận, bực mình, khó chịu, không làm chủ tự thân nên nói ra những lời để thỏa mãn cảm xúc của mình, đó chính là Tánh xấu, Tánh xấu vô cùng của Bảo Thành và các bạn thường hay vấp phải mà ít khi chúng ta ngồi xuống nhìn lại để thay đổi cho phù hợp.

Chúng ta học Phật, chẳng phải là thấy những điều đó nơi những con người khác mà phải thấy rằng chính chúng ta đã từng hành động như vậy để sửa bản thân của mình, đó gọi là con đường tu. “Đừng làm đau lòng nhau” là ở chỗ mọi người phải nhìn lại, đừng mượn cớ, đừng viện cớ, đừng dựa dẫm vào câu: “Ta ngay thẳng nên thấy gì nói đó”. Không! Hầu hết mọi chuyện thấy gì nói đó đều là tới từ tâm thị phi, khởi nguồn cho sự tự tôn quá đáng đối với bản thân hoặc tự ái quá lớn làm cho đau lòng đâm ra ích kỷ, bon chen, khó chịu, và rồi chúng ta mất đi sự kiểm soát để nhận định những ngôn từ, lời nói đó với ai kề cận chúng ta, sẽ làm tổn hại đến tình cảm giữa ta và họ, tình thân giữa anh em, giữa chị em, giữa Thầy trò, giữa đồng môn, giữa con người, giữa bạn bè. Không những như vậy mà lời nói của chúng ta như mũi tên có tẩm độc, dù không bắn nhưng găm vào trong trái tim của người nghe, để rồi độc tố từ ngôn từ gọi là ngay thẳng của ta đó, được nhuộm màu của ghen tuông, tức giận, của cái tôi, của cảm xúc, của tự ái, nó thấm dần vào trong mũi tên của lời nói khi ta tương tác, găm vào trái tim kia và làm cho người, đối tượng, có thể là đấng, bậc sinh thành, có thể là vợ chồng, con cái, có thể là những người thân hoặc không thân, thương hoặc không thương, hoặc vô tình gặp trên lề đường của cuộc đời phải đau lòng, đau lòng vô cùng.

Đấm họ một cái, đau mấy phút có thể hết, đánh gãy tay chân, tới bác sĩ chữa lành cũng xong, nhưng một lời mà chúng ta không cẩn trọng trong giao tế, trong nói chuyện, trong tương tác có thể giết chết đối tượng kia và làm cho cuộc đời của họ rất buồn, rất khổ, bởi mấy ai trong chúng ta có thể dễ dàng gạt bỏ ra được những nặng trĩu trong ngôn ngữ khi tương tác mà người kia đã bắn vào trong độc dược của tâm tự tôn, ghen ghét, giận hờn, ác độc, tự ái được nhuộm màu “lời ngay nói thẳng”.

Ông bà vẫn thường nói: “Lời nói không mất tiền mua, ta phải lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng chúng ta cứ suy nghĩ đi, vội vội vàng vàng, lời nói không bao giờ suy ngẫm. Lại có câu cổ nhân nói: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, ý là phải suy nghĩ, phải suy nghĩ, đừng để miệng như cái máy tuôn ra, mà từng câu từng chữ khi nói ra với đối tượng mà ta tương tác, ta phải ứng dụng ngôn ngữ theo thể loại nào, để ít nhất nếu không mang lại niềm vui cho họ thì ngôn ngữ xã giao, tương tác, nói chuyện không thể pha trộn với lòng tự ái, sự tự tôn, sự ghen tuông, bực bội, sự giận dữ, sự hung ác của ta. Những hương vị đó toàn là tẩm độc nhưng có mùi thơm, người nghe cứ chết dần mà vô tình ta không hiểu, chứ nhìn thấu, nhìn sâu thì ta đã phạm Giới thứ nhất, sát sanh bằng ngôn ngữ bất thiện. Cho nên, nói những lời thô ác, nói thị phi, nói dối, nói để hả giận, nói trong sự ghen tuông, nói trong sự sân giận, tự ái, sự chéo ngược nhiều cảm xúc chính là Giới thứ nhất, giết người bằng lời nói, lưỡi sắc hơn dao chính là chỗ đó.

“Đừng Làm Đau Lòng Nhau” là một câu nói để nhắc nhở rằng phải cẩn trọng trong giao tế. “Đừng Làm Đau Lòng Nhau” để rồi con người kia, đến khi không thể chịu đựng được nữa, trái tim của họ trở nên chai đá và rồi trong thinh không lặng lẽ của sự quằn quại, đau đớn bởi những ngôn từ ta đối xử với họ, sẽ có một ngày, họ sẽ im lặng như hư không, chẳng muốn nói với ta, hoặc sẽ xoay lưng mà đi không một lời chia tay. Bởi vì sao? Sống gần nhau để làm chi để những ngôn từ sắc như dao được tẩm độc bằng mũi tên của cái lưỡi lắc léo của ta đã xuyên qua trái tim, màng nhĩ, con mắt, làm cho thân xác đau đớn, thần hồn khủng hoảng, tê liệt. Thà rằng quay lưng mà ra đi để giữ lại sự sống mà cha mẹ ban cho chúng ta, còn hơn kề cận với những con người sống mà không biết tôn trọng trong sự giao tế của ngôn ngữ.

Các bạn! Ít có ai trong chúng ta tỉnh thức ngồi để nhớ, ngồi để suy nghĩ, ngồi để lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Hầu hết Bảo Thành và các bạn nói theo chiều hướng, cảm xúc của riêng mình, tuôn ra không có sự kiềm chế, hậu quả là ta làm cho bạn bè, người thân thường bị đau đớn khi nghe. Chúng ta thường thương người, thấy người khó khăn giúp đỡ, người nghèo không có áo ta tặng áo từ thiện, người không có tiền ta có thể bố thí tiền, không cơm ta cho cơm, không thuốc ta tặng thuốc, làm từ thiện và đi phóng sanh, làm những việc tốt, vậy mà trong gia đình, giữa tình vợ chồng, đối với đấng sinh thành cha mẹ, đối với những người thân quen, anh chị em, ta lại không thể cúng dường ngôn ngữ thiện lành, dễ thương, ái ngữ như lời Phật dạy. Một Pháp cúng dường vi diệu, nhìn qua hình tướng thì tầm thường nhưng thật phi thường. Chỉ một ngôn ngữ được đặt để, khởi lên từ tâm yêu thương chân thật, lòng Từ Bi và Trí Tuệ, ngôn ngữ đó là ngôn ngữ hiển Thánh. Chẳng cần trở thành một Bậc Thánh để dùng những ngôn từ hiển Thánh đâu, chỉ cần một trái tim biết yêu thương chân thật và biết chuẩn bị cho mình có đủ thời gian để tư tưởng, hành động với ngôn ngữ khi trao cho nhau, ngôn ngữ đó là những lời châu ngọc tuôn ra, mang ánh sáng của tâm linh, chứa năng lượng của tình thương chân thật, không hề vẩn đục trong tâm ganh tị, ghen ghét, ghen tuông, giận hờn, tự ái, tự tôn, và sự va chạm tình cảm giữa người với người, người và vật bởi cảm xúc của con người nếu không tu thì sẽ khó làm chủ và cảm xúc đó thường dễ lôi kéo ta sa đà vào con đường tạo ra khổ đau và làm khổ đau cho người và cho chính chúng ta.

Đời sống của mỗi người tương tác trong cuộc đời hằng ngày phải rất cẩn thận, người tu phải cẩn thận. Nếu không thể làm cho người khác hạnh phúc và cho mình hạnh phúc thì ít nhất, chúng ta phải giữ ở mức làm sao bảo vệ niềm vui cho người và bình an cho chúng ta. Chúng ta thường hay nói những lời dữ gọi là chúc dữ. “Chúc dữ” là danh từ mỹ miều, dễ thương chứ dịch ra cho đúng là “nguyền rủa”. Chúng ta thường hay nguyền rủa người khác bằng những ngôn ngữ bất thiện, những lời nói chông gai, những văn tự sắc như dao, những câu chữ tẩm độc như mũi tên bắn vào, nói xiên nói xẹo, nói ngược nói xuôi, nói hàm ý như mắc câu thả xuống là dính. Nói đảo ngược, vòng vòng, nói điên, nói ngược, nói đảo, nói đến mức mà người nghe điên khùng, sợ hãi. Ta chỉ nói và ta cứ nói, nói cho thỏa mãn tâm tư của ta, chẳng quan tâm đến đối tượng kia. Hỏi tình thương và lòng Từ của ta đã lẩn trốn ở đâu để cho những ngôn từ mà đúng ra ta không nên sử dụng, những cách nói đó không nên tuôn ra, nó đã bùng phát như trái bom nguyên tử thả xuống giữa tình người, giết chết nhiều đời, khó có thể xóa mờ?

“Đừng Làm Đau Lòng Nhau”, chúng ta phải suy nghĩ, nhất là những Phật tử tại gia, hoặc tất cả các vị xuất gia, hoặc những con người đang trên đường tầm cầu sự hạnh phúc, chúng ta không chúc dữ, chúng ta không nguyền rủa mà chúng ta phải chúc lành cho nhau, chúc phúc cho nhau, chúng ta phải nguyện cho nhau, chú nguyện cho nhau, không phải nguyền. Chúc lành cho nhau chứ không phải chúc dữ, chúc bình an cho nhau chứ đừng cầu sự bất bình an tới với người. Chúng ta hãy mở rộng bàn tay, vòng tay cho thật rộng và hãy chúc bình an cho nhau bằng những ngôn từ chuẩn mực trong ái ngữ khởi lên từ tâm Từ Bi và Trí Tuệ của người con Phật, nương vào sự tịch tĩnh, giác ngộ của Phật, nương vào Hùng lực Từ Bi, yêu thương của Phật để ngôn từ của chúng ta là những dòng châu ngọc tuôn ra, là cội nguồn hạnh phúc cho muôn người xuống dưới đó để gội rửa phiền não và đau khổ chứ đừng tuôn ra cả một dòng sông ô nhiễm thuốc độc để khi người ta nếm thử một chút, ngửi một chút hoặc lội xuống thì liền bị độc nhiễm vào và chết.

Cha mẹ và con cái, tình cảm chết dần chính bởi vì ngôn ngữ hằng ngày sử dụng có tẩm độc dược của những lời thô ác. Ứng xử giữa vợ chồng cũng tan vỡ dần chính vì những ngôn ngữ không được lựa chọn, tuôn ra như gai, như dao, như giáo mác. Tình bạn dần dần xa và chẳng còn muốn gặp nhau cũng chính vì ta cứ tự tung tự tác, lộng hành trong ngôn ngữ, thỏa mãn những cảm xúc. Và rồi, đôi khi chúng ta nhìn chúng ta nói: “Không biết nguyên cớ từ đâu, chúng ta lại có thể nói những lời như vậy làm đau lòng nhau?” Đối với vợ với chồng, đối với cha mẹ, bằng hữu, đối với Thầy, đối với bạn, đối với Pháp lữ đồng hành, đối với anh chị em, đôi khi chúng ta lại hỏi: “Không biết vì nguyên cớ gì mà ta lại làm như vậy, nói như vậy?” Không những thế mà còn biến lời nói thành văn chương, viết lên giấy gửi đi, thả tờ rơi khắp nơi. Mà tờ rơi ngày xưa là phải in, phải đi trong phố mà thả để người ta đọc, tờ rơi đó coi chừng khi thả mà bị bắt, chúng đánh cho què chân. Tờ rơi bây giờ mới là nguy hại, tờ rơi rơi ở đâu? Tờ rơi ta viết bằng những ngôn từ độc ác, miệt thị, chê bai, gièm pha. Tờ rơi ta viết bằng những ngôn ngữ giận hờn, thể hiện lòng ghen tị, ghen tuông của ta, ta thả ở đâu? Không thả ở lề đường, xó chợ mà ta thả ở trên Facebook, trên Twitter, trên Zalo, trên mọi phương tiện đại chúng. Tờ rơi này nguy hại, hồi xưa tờ rơi in ra tốn tiền thả được một xóm thôi, tờ rơi trên Facebook, thông tin đại chúng nó bay tứ tung trên bầu trời mạng, ai ai cũng có thể đọc. Ta ở nhà viết những tờ rơi đó để hả giận nhưng thật ra đó là tính ghen tuông, tự ái, bực bội, sân giận, ác độc của ta, nhưng ta không thấy bởi vì khi thả tờ rơi đó lên trên mạng, ta ngồi sung sướng như người hút thuốc, hút thuốc lào phê phê, không biết gì, sướng lắm. Mà đi ra đường, thấy ai đọc được những tờ rơi của ta và hòa mình vào tờ rơi đó, tán đồng với tư tưởng nói xấu, nói đâm nói thọc, nói xiên nói xẹo, nói thị phi, nói ác độc thì ta thỏa mãn, ta vui bởi vì ta đã làm cho thật nhiều người biết tới những đối tượng ta đang gièm pha, chê bai. Nhưng nhìn cho kỹ, ta đang tự nói xấu, giết chết mình và làm tổn hại phước báu.

Khi ta làm đau lòng nhau là ta tự thiêu rụi rừng phước báu nhiều kiếp của ta kiến lập bởi đức hạnh đã từng tu.

Khi ta làm đau lòng nhau là ta đốt cháy phước báu của Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, của những người yêu thương, của những Bậc tu hồi hướng cho chúng ta.

Khi ta làm đau lòng nhau là ta đã phản bội lại lời Phật ta đã học.

Khi ta làm đau lòng nhau là ta phản bội lại chính ta.

Đừng làm đau lòng nhau các bạn ơi! Trong hơi thở Chánh Niệm vi diệu vô cùng, mỗi một lần hít vào thở ra, quán chiếu gọi là Từ Bi – Trí Tuệ quán trong Chánh Niệm hơi thở để chúng ta có mắt thương nhìn đời. Từ Bi quán, hạnh của Ngài Quan Âm Bồ Tát, Trí Tuệ quán, hạnh của Ngài Quan Âm Bồ Tát, lắng nghe, tầm thinh cứu khổ, mắt thương nhìn đời và vòng tay nhân ái bao trùm tha nhân. Có đâu lời ác lời cay, đâm thọc cho đã để rồi giết ta?

Đừng đợi đến phút cuối của cuộc đời hoặc đến một lúc nào đó, người ta nhất mực yêu thương đã bị tím tái thân tâm bởi độc dược ngôn ngữ ta tẩm vào họ, họ chết. Nói thương một người, nói yêu một người, nói quan tâm đến một con người, nói đó là tình cốt nhục hay tình bằng hữu, tình Thầy trò hay tình Pháp lữ, hay chỉ là tình người trên thế gian này, sao chúng ta lại cam tâm tẩm độc ngôn ngữ, bắn thẳng vào trái tim của những con người một cách vô cớ mà ta chẳng nhận ra?

“Đừng Làm Đau Lòng Nhau” phải tự nhắc nhở để cảnh tỉnh. Trong mật ngôn Mu A Mu Sa, Từ Bi quán Chánh Niệm hơi thở không phải tẩm độc mà là tẩm để thẩm thấu, là thể nhập vào miền đất Chân như, yêu thương Từ Bi của mười phương Chư Phật. Bởi vì ta như cục đá khô cằn, ta ngâm mình vào để thể nhập với nước Từ Bi, Từ ái của Phật, để cục đá vô tri, ác nghiệp như chúng ta được một lần nữa thấm nhuần năng lượng Từ Bi để có thể khởi lên một chút yêu thương thật sự trong cuộc đời. Trí Tuệ quán NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để cho trên sa mạc của cuộc đời kia có thể tỏ lộ ánh trăng ngà trong đêm rằm, soi bước cho những con người lầm đường, lạc lối có thể thoát ra khỏi sức nóng sân giận của ghen tuông, giận hờn, đối xử buông tuồng, không suy nghĩ của chúng ta.

Đừng làm đau lòng nhau các bạn! Đó chính là tu chứ không phải bình thường như một câu nói. Nếu có thể thể nhập vào Từ Bi quán Mu A Mu Sa, nếu có thể trở về với Chánh Niệm hơi thở của Trí Tuệ quán NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mỗi người chúng ta như người khôn đã biết khoanh vùng, khai sơn lập địa thành đạo, khoanh vùng miền đất Chân tâm, lượm lặt cỏ gai, đá sỏi để cho miền đất Chân tâm phì nhiêu, phong phú được tưới tẩm nước Từ Bi và có đầy đủ ánh sáng Minh Tuệ của Phật, để những hành động, nghĩa cử, lời nói của chúng ta là những hạt mầm tốt được mọc lên từ đất tâm. Đừng biến đất tâm của chúng ta thành sa mạc của cuộc đời thiêu cháy những ai lạc vào trong đó, để chúng ta như hung Thần, ác quỷ ngự trị ở đất tâm, biến thành như là Địa Ngục, tầng 18 toàn là quỷ la sát sẵn sàng vung vẩy, giết chết muôn người đi vào cuộc đời bằng ngôn ngữ bất thiện, không khéo lựa chọn. Phật dạy cho chúng ta phải dùng ái ngữ nghĩa là dùng những lời nói yêu thương, một lời yêu thương chân thật, dễ thương bằng những văn tự tầm thường của con người chế tác cũng có thể đưa vào lòng người năng lượng, năng lượng Từ Bi, Từ ái để san sẻ, để yêu thương, để chia sẻ, để dắt dìu và để cùng nhau sống trọn vẹn một kiếp người đã quá dư những đau khổ và đầy những điều bất thiện trong não của chúng ta.

Đừng làm nhau đau lòng! Các bạn có khi nào tự hỏi “Trong một ngôi nhà nhỏ bé chỉ có vợ chồng, đã bao nhiêu lần người chồng đã dùng những ngôn ngữ bất cẩn, thiếu tôn trọng để làm cho người vợ đau lòng cho đến nhói tim, từng đêm thâu thổn thức khó ngủ, trong nụ cười lại mặn giữa vành môi, lệ kia cứ tuôn mà chẳng thể dừng?” Nhất định những ông chồng đã từng làm chuyện đó bởi những lời nói tuôn ra như dao, như búa làm cho người vợ hy sinh cả cuộc đời sanh con, nuôi nấng, từ bỏ cha mẹ làm vợ của mình, từ bỏ người thân làm vợ của mình, chăm sóc cho con của mình. Vậy mà chúng ta đã tuôn ra biết bao nhiêu ngôn ngữ như kẻ cả, gia trưởng để cho người vợ buồn tủi vô cùng, chẳng biết nói cho ai nghe, chỉ biết ôm gối lặng thầm khóc trong đêm thâu. Và đã có biết bao nhiêu lần những người vợ xỉa xói, nói những lời ngọt như mật nhưng lại sắc thật sắc hơn dao để cho người chồng nghe, rồi chỉ một tháng sau, tóc đen đã đổi màu thành bạc.

Cuộc sống giữa vợ chồng là tượng trưng cho một gia đình hiện hữu trong xã hội của loài người, nếu như tình nghĩa không thể hiện trong ngôn từ bằng sự quý trọng, thành thật, tôn kính lẫn nhau thì nhất định những ngôn ngữ đó, tình nghĩa vợ chồng sẽ dần dần giãn cách và giữa hai con người gọi là vợ chồng, là gia đình đó sẽ là một hầm lửa của Địa Ngục, thiêu hủy tình cảm và đốt chết những con người trong gia đình. Không hẳn chỉ vợ chồng đâu, con cái bị ảnh hưởng, cha mẹ hai bên và những người thân bị ảnh hưởng. Nghĩ thêm một chút xíu nữa, không hẳn tình vợ chồng trong gia đình mà tình người cũng như vậy. Ta cứ mượn “lòng ngay nói thẳng” để rồi nói ra những ngôn ngữ đau lòng nhau. Ta đã từng làm đau lòng nhau. “Trung ngôn nghịch nhĩ”, người ngay nói thẳng, mà lời thẳng của chúng ta như dao, như búa, như đá đập đầu họ, họ đau đớn mà ta không biết.

Tật cố mà Bảo Thành và các bạn thường dính vào là nói xiên nói xẹo, nói hàm ý kích bát, nói đâm nói thọc để thỏa mãn ảo tưởng của mình, ảo giác của mình, cảm xúc trong ảo giác, cảm xúc trong ảo tưởng. Mà ngày nay con người điên rồ lắm, Bảo Thành và các bạn cũng điên rồ lắm, chúng ta sống ảo ở trên mạng, để rồi chập chờn trong những giây phút giữa ban ngày đó mà như mơ, thấy mây thì lại tưởng thiên thần, nhìn gà hóa vịt, nhìn đá hóa vàng, nhìn đâu cũng thấy những gì? Sân giận của mình biến hình biến tướng, nhào ra, bổ báng nhau bằng ngôn từ. Và nhìn nhận lại đi! Những lần như vậy, ta làm cho chính ta đau khổ muôn trùng. Buồn lắm, giận tê tái, giận tím mặt, giận đến môi bầm, giận đến mắt thâm, giận run rẩy cả người, giận co cúm, giận mà cảm thấy xa lạ, giận mà cảm thấy như mình tự nhốt mình vào trong cõi hư vô, để rồi tự co quắp, cô quạnh một mình. Ta hại ta mà mình không biết.

Làm đau lòng nhau rất nguy hiểm! Người Phật tử, tu gì không cần biết, Pháp môn hay nào không cần biết, người tại gia hay xuất gia mà còn làm đau lòng nhau bằng ngôn ngữ, bằng hành động thì sự tu kia chỉ là sơn, sơn phết bên ngoài mà ông bà xưa nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, tốt từ trong tâm chứ đừng tốt bằng những sự che đậy, hình thức tôn giáo, Pháp môn tu tập mà ở bên trong thì mục nát, sâu bọ. Có câu nói: “Miệng thì Nam Mô mà trong bụng thì cả một bồ dao găm”. Sao chúng ta lại để ứng những lời nói đó thành hiện thực trong cuộc đời mà không ứng những chân lý, những lời nói của Phật vào trong cuộc đời? Phật dạy ái ngữ là thảm yêu thương cho muôn người bước lên đó để không bao giờ đạp lên gai góc làm tổn thương nhau. Ái ngữ các bạn đã từng sử dụng chưa? Có, nhưng hiếm muộn làm sao ấy!

Phải tinh tấn, siêng hơn để ái ngữ của chúng ta phải như tinh tú ở trên trời, soi đường cho muôn người đi. Phải siêng hơn để ái ngữ của ta phải như ánh trăng rằm lộ tỏ giữa hư không, để thế giới không có mặt trời nhưng vẫn sáng. Phải tinh tấn sử dụng ái ngữ, để ái ngữ của ta là những đợt gió đêm hè, làm cho muôn người mát lòng, mát gan, mát ruột.

Hãy sử dụng ái ngữ để ít nhất ái ngữ của ta cũng như một cây cổ thụ ở giữa đường xa, mà lữ khách đi trên đường ngã lưng để được hơi mát che chở dưới tán cây cổ thụ. Ái ngữ mà ta biết sử dụng theo đúng lời Đức Phật dạy. Ái ngữ là liều thuốc vi diệu chữa lành tất cả mọi chứng bệnh. Lời yêu thương được khởi lên từ tâm Từ, sử dụng những ái ngữ dù rất bình thường thôi sẽ hàn gắn những vết thương, làm cho cõi lòng uất ức, sân hận của ta và của người được chữa lành, và chính vì biết sử dụng ái ngữ là liều thuốc bổ để cho chúng ta dìu nhau vượt qua biết bao nhiêu thử thách, giông bão trong cuộc đời. Ái ngữ là Pháp nhiệm mầu đơn giản mà người thường ai cũng có thể ứng hóa được hàng ngày trong cuộc sống. Đừng làm đau lòng nhau dưới bất cứ một góc độ nào để thỏa mãn cảm xúc riêng tư hoặc thỏa mãn ảo tưởng, giác quan của chúng ta. Sống chân thật chẳng phải là buông tuồng, lời gì muốn nói là nói cho cảm xúc của mình được nguôi đi, như vậy là thiếu sự tôn trọng. Ái ngữ là lựa lời nói cho phù hợp với đối tượng ta tương tác, để lời đó trổ hoa, lời đó khai hương, hương hoa của ái ngữ ngàn đời không bao giờ mai một, hương hoa của ái ngữ sẽ xua đuổi đi những bóng ma của đau khổ, những bất thiện nghiệp của nhiều kiếp đang tàng chứa trong trái tim của ta và của người.

Năng lượng của ái ngữ thắp sáng Chân tâm, đưa ta tới thật gần với Phật để ta mở con mắt thương biết nhìn cuộc đời. Ái ngữ là Pháp nhiệm mầu đưa ta thật gần với Mẹ Quan Âm, để vòng tay ta rộng, ôm mãi cả sơn hà, che chở muôn đời bất hạnh hoặc những mảnh đời nào đó đi vào cuộc đời theo nhân duyên, phước báu ta hiện có trong kiếp này. Đừng làm đau lòng nhau trong Chánh Niệm hơi thở Từ Bi quán Mu A Mu Sa sẽ giúp cho chúng ta phục hồi lại nhân cách người con Phật, phẩm chất cao quý của Tánh Phật nhiệm mầu. Chánh Niệm hơi thở Trí Tuệ quán NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho chúng ta có cái Nhìn viên thông thấu rõ được mọi tạo tác, lời nói và ngôn ngữ, nghĩa cử trong giao tế, để chúng ta từ nay sẽ không bao giờ làm cho nhau đau lòng dưới bất cứ một hình thức nào. Đó mới chính là người thực sự có chí nguyện thanh cao, trở về với cội tâm, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc Tuệ mà dẫn đưa mình và người đồng hành trên con đường tới được sự an vui và hạnh phúc ngay trong kiếp hiện tại, giây phút này là đây.

Hãy đặt bàn tay Từ Bi và Trí Tuệ vào với nhau.

“Thưa Phật! Đã nhiều đời, đã nhiều năm, đã nhiều lần chúng con đã làm cho nhau, như cha mẹ, như vợ chồng, con cái, bạn bè, tình Thầy trò, anh chị em phải rất đau lòng bằng những ngôn ngữ bất cẩn, thiếu lựa chọn. Nay chúng con đã thấu hiểu, nguyện một lòng sám hối và phát nguyện sử dụng ái ngữ trong mọi trường hợp để mang tình thương dù rất nhỏ bé, san sẻ tới tất cả những ai có nhân duyên hiện diện trong cuộc đời của chúng con. Xin Chư Phật luôn gia hộ để chúng con tinh tấn nhiếp thâu thân tâm vào Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta đã tu xong rồi, mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương và Trí Tuệ để chúng con tinh tấn tu tập Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán, để biết sử dụng ái ngữ như linh dược của Ngài Dược Sư chữa lành mọi bệnh tật, đau đớn trong cõi lòng co quắp nơi mỗi con người.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức này tới các nguyên thủ các quốc gia biết ngồi xuống, biết suy nghĩ cho thật kỹ để đừng lập nên chiến tranh nữa mà tái tạo nền hòa bình cho thế giới.

Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược được sự soi dẫn của các Bậc Giác Ngộ, chế tạo ra vắc xin và thuốc trị bệnh.

Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế vì tình thương, dấn thân vào cuộc đời chữa lành những người bệnh.

 Hồi hướng cho quốc độ, quê hương Việt Nam thoát khỏi cảnh dịch bệnh, cho quê hương, xứ sở của Phật là Ấn Độ cũng được bình an tốt đẹp, cho cả thế giới thoát khỏi đại dịch.

Hồi hướng cho những ai phiền não, đau khổ tìm được hạnh phúc, an vui nơi Pháp Phật nhiệm mầu.

Thành tâm và thành kính hồi hướng cho Chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh.

Nguyện xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts