Search

Bài 2038: Hợp Rồi Tan | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Lượng bút ký

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ Trí Tuệ quán chiếu thấy được các Pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy nhẹ nhàng ngồi xuống, ngồi xuống để hòa nhập vào với hơi thở Chánh Niệm, ngồi xuống trong tự tại, an nhiên. Ngồi để buông, ngồi để xả, ngồi để trở về, và trong sự trở về này, mỗi người chúng ta gắn kết với tự thể thiên nhiên Phật Tánh, gắn kết với mười phương Chư Phật, Hiền Thánh Tăng, nhìn cho rõ muôn sự cần buông, để cho tâm được rỗng, nhẹ nhàng, thênh thang, để cho thân được thư thái, bình an.

“Với mật ngôn thứ nhất Mu A Mu Sa, chúng con thành kính đón nhận tha lực Phật điển đại Từ đại Bi của Phật tới với chúng con, với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng con thành kính mười phương Chư Phật thắp sáng đuốc Tuệ, soi đường, dẫn lối cho chúng con đi.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến của Bảo Thành, với chủ đề: “Hợp Rồi Tan”, chỉ ngay trong giây phút đầu của buổi đồng tu hôm nay, chúng ta đã có một sự trải nghiệm tan rồi hợp. Mạng (internet) yếu quá, vừa lên trên mạng chưa đầy mấy phút thì mạng đã tắt, đó là tan, nhưng rất may mắn, chúng ta vẫn còn mạng của phone, cho nên, sự tan bởi vì mạng ở bên ngoài không kết nối nhưng rồi lại hợp bởi sự kết nối mầu nhiệm của mạng tự thể trên phone vốn có. Mạng ở bên ngoài, mạng ở bên trong nhưng có mạng phải đi trước, cũng có mạng phải đi sau hoặc sẽ đi sau. Cuộc đời chỉ có một mạng, mạng đời mỏng manh, thật là mỏng manh, nhỏ bé, dễ hư, dễ bể.

“Hợp Rồi Tan” là một chủ đề chúng ta phải nhìn nhận cho rõ bởi ở trên đời, hợp rồi tan là điều luôn luôn tới và xảy ra nhưng chúng ta không bao giờ cảm thấy thích thú khi nói đến chữ “Hợp rồi tan” bởi như là một điều gì đó tối kỵ. Người Á Đông chúng ta khi nói đến chữ “tan” và “hợp” sợ lắm. Vừa mở miệng ra nói “hợp – tan” là phải bụm miệng lại bởi người ta sẽ chửi: “Mới gặp đã nói tan, nói hợp là gì?”, nhưng ở trên đời nếu không có hợp – tan, không có sự hòa tan như cà phê hòa tan thì sao có được những giọt cà phê ngon? Chẳng phải cái gì khư khư ôm mãi, còn mãi, giữ mãi là tuyệt vời đâu! Đôi khi, sự tan biến, biến mất đi làm cho chúng ta thấy được giá trị thực của những gì ta đã có.

Chẳng biết từ phước duyên nào, Bảo Thành và các bạn có trên cuộc đời này, hiện hữu trên hành tinh, mặt đất, để lớn, để cười, để vui và để sống. Chúng ta sống có nhân duyên gì đây? Để gặp người này, gặp người kia để va chạm với nhau tạo nên cảm xúc vui buồn, sướng khổ, và rồi nhân duyên đó đưa đẩy chúng ta vào cuộc đời, trong dòng trôi của cuộc đời xô đẩy lúc lên lúc xuống, lúc vui lúc buồn, lúc cười hớn hở, lúc khóc, xé nát cả con tim. Hợp rồi tan thật rõ, một thực thể chẳng ai có thể trốn tránh. Chúng ta nhớ! Cuộc đời là một dòng chảy không bao giờ dừng. Nhớ về những buổi trưa hè thật nóng, cây phượng đầu ngõ bên sân trường vừa nở. Đẹp! Cái đẹp của mùa hè, ta chia tay với bạn bè. Biết bao nhiêu những đứa bạn chúng ta vui đùa ở sân trường và lớn lên, hè về cũng đành ngậm ngùi chia tay, thế nên trong những cuốn lưu bút vẫn còn ghi những dòng tâm sự, cảm thán của tình bạn một thời thuở trung học hoặc ở đại học. Chẳng có một sự chia tay nào mà vui cả, chẳng có một sự hợp nào mà tồn tại mãi, chẳng có một sự tan nào mà đưa tới cho người ta nguồn hạnh phúc.

Trong tình yêu, người ta tưởng rằng yêu nhau là có nhau. Biết bao nhiêu mộng đẹp được thêu dệt, thêu gấm, thêu hoa gửi vào trong hai trái tim “yêu nhau quá, yêu nhau quá”. Nếu trong tình yêu, chúng ta phải chia tay bởi không hợp thì chuyện chẳng cần phải nói tới, bởi yêu mà không hợp thì ở với nhau khổ, chia tay là điều tốt, nhưng chính vì còn yêu nhau lắm, còn nồng nàn, còn mặn nồng, còn đắm đuối, còn thề non hẹn biển, vậy mà phải chia tay, vậy mà phải chia tay. Yêu nhau để làm chi mà phải chia tay? Yêu nhau làm gì để rồi phải vẫy tay chào mãi mãi? Yêu nhau để rồi phải ly biệt, chẳng để lại một cảm xúc nào vui hết. Buồn! Buồn thê thảm, cuốn gói đi mà dấu chân vẫn nặng nề in mãi ngàn năm. Đó là sự chia tay, còn yêu mà phải chia tay bởi rời xa. Nhưng cũng trong những tình yêu, ta phải chia tay bởi một người nằm xuống lòng đất mãi mãi chẳng trở về. Đây là một sự ly biệt, tan rã, đau đớn vô cùng. Người nằm xuống ở dưới mồ, dù có lạnh lẽo cũng như đi về một cõi giải thoát, nhẹ nhàng, từ bỏ cõi hồng trần, theo thiện nghiệp tái sanh. Trên di ảnh treo ở  bàn thờ, hình ảnh người đó cười tươi, đẹp, trang nghiêm như thoát tục, lìa cõi thế, về cõi trời, nhưng người ở dưới nhìn lên di ảnh đó, lệ đẫm đôi môi. Lệ sao có thể dừng được, và người đứng dưới nhìn lên di ảnh mỉm cười nhưng lòng sao có thể mỉm cười? Khóc buồn bởi người yêu thương sẽ đi mãi mãi. Hợp rồi tan!

Thuở mà ở đầu làng còn có cây đa, còn có bờ ruộng, thuở mà giếng nước, nhóm bạn bè ngồi chơi với nhau vào những buổi trưa, thuở mà con đường lầy lội in dấu của trẻ thơ vui đùa hớn hở, vẫn đó một kỷ niệm đẹp, nhưng rồi bờ ruộng cây đa, giếng nước, con đường lầy lội in dấu chân của nhóm bạn thuở xưa đâu có còn nữa. Hình ảnh đó vẫn nơi trái tim nhưng người xưa đã đi mất rồi. Không có một cuộc ly tán, hợp rồi tan nào để lại trong chúng ta niềm vui, luôn luôn là một sự cưu mang nỗi nhớ, đau khổ vô cùng.

Các bạn thân mến! “Hợp Rồi Tan” có muôn cảnh, có muôn hình ảnh, ngậm ngùi vô cùng. Ta cứ tưởng rằng tới bên nhau là gặp nhau mãi mãi, mãi mãi ở với nhau, thế mà rồi một buổi chiều nơi sân ga kia, tiếng còi vang lên, ta phải đứng lại, vẫy tay tạm biệt người yêu thương. Tiếng còi càng vang và con tàu không phải là chuyến tàu hoàng hôn mà là chuyến tàu ly tán đó, người ở lại cứ đợi mãi, đợi mãi nhưng bóng hình đi xa kia có khi nào trở về nữa? Cái tan – hợp này khổ quá, buồn lắm!

Trên bến đò lữ thứ của cuộc đời, bao nhiêu kẻ tới người đi, tri kỷ ngồi với ta uống trà nhưng rồi lặng thầm một hôm, kẻ chia tay người ở lại trên con đò ngược xuôi ở dòng đời đó, rời bến ra đi vào dòng trôi mãi mãi, ta chẳng thể gặp lại. Buồn xiết bao! Tới làm chi trong cuộc đời để hẹn hò rồi tan? Tới làm chi trong cuộc đời gặp gỡ rồi phải ly biệt? Tới làm chi trong cuộc đời để rồi mãi mãi mà thấy đau đớn tột cùng, nước mắt cứ rơi, chẳng thể cầm lại được? Mới hôm đó ta còn vui đùa hớn hở, nhưng hôm nay ly biệt, cách trở ngàn xa. Mở mắt ra trong cuộc đời ta nằm trên vòng tay của mẹ, ta lớn lên được dìu dắt của cha, ta nô đùa như đứa bé, trẻ thơ như một thiên thần giáng trần đẹp lắm, rồi ông bà hai bên, cô chú bác, anh chị em, cha mẹ. Nhưng chẳng phải cứ ở mãi trong mái gia đình như vậy, rồi đến một ngày kia, chúng ta lại phải vẫy tay chào vì sự nghiệp, vì sự ra đi. Trong lòng vẫn cưu mang, nhớ mãi về những hình ảnh thuở đó nơi gia đình, và chúng ta, người Việt Nam vẫn mong muốn trở về với gia đình, nhưng không phải chuyến ra đi nào cũng có thể trở về để gặp lại tất cả những người yêu thương thuở xưa, bởi có những chuyến ra đi khi trở về, người xưa đã vắng bóng ngàn thu. Lại khóc, lại buồn. “Hợp Rồi Tan” là như vậy.

Trên đời, dù nhỏ, dù lớn, trẻ hay già, ai ai cũng có những sự trải nghiệm tan – hợp, hợp – tan, lẽ đời thường tình như thế.

 Con đò chiều nay vẫn lặng câm
 Hình bóng yêu thương cứ lập lờ
 Vẫy tay xin chào người yêu dấu
 Một cõi ra đi có trở về?
 Ta đi rồi! 

“Hợp Rồi Tan” là một chủ đề chúng ta phải đón nhận nhưng không phải theo cảm xúc vừa nói của con người. Mà đúng! Con người mà! Có cảm xúc là lẽ thường nhưng ta phải nhìn theo chiều hướng nào đây? Mới hôm qua vẫn đó, khỏe, nay đã bệnh rồi, rồi chớp mắt, người ở người đi. Thấy hoài mỗi một ngày. Hợp – tan, hợp – tan là lẽ gì đây? Để cho ai oán dâng lên ở trong lòng.

Nói đến sự hợp – tan, nói về tiền tài, danh vọng, tình cảm con người đối nhân xử thế, kề cạnh thôn làng của chúng ta, thôn xóm của chúng ta, bạn bè, trường xưa, thôn cũ, biết bao nhiêu những điều đã có rồi tan, nó luôn luôn là như vậy, chẳng thay đổi được đâu. Ở nơi dương trần này, cõi thế thái nhân tình thay đổi muôn màu sắc, tới rồi đi, tan rồi hợp, càng suy ngẫm càng thấy buồn. Có những lúc ta ngậm ở trên môi miệng giọt đắng cà phê mà tư duy, suy nghĩ về chuyện đời, thấy biết bao nhiêu những cái đẹp chẳng tồn đọng trong tâm tư, nó cứ tuột khỏi tầm tay, tan biến trong không gian vô tận.

“Chiều nay một buổi hoàng hôn, người thương thì viễn xứ, còn mình thì cô đơn.”

Biết bao nhiêu nỗi cô đơn trong lòng người. Chẳng phải ở trên đời này khi sinh ra, biết bao nhiêu người thân đều có thể đồng hành với chúng ta mãi mãi. Có chăng là chỉ cô độc một mình, quặn đau trên cuộc hành trình ta đi, chẳng có ai bên cạnh, chỉ có riêng một mình ta mà thôi. Đến ngay những tâm tư, nguyện vọng cũng chẳng ở với ta rồi mới chia tay. Đến ngay như cuộc đời, thân xác, mạng sống này cũng không tồn tại, nó cũng âm thầm lìa xa ta. Thân xác, mạng sống cũng âm thầm ly biệt, lìa xa từng giây từng phút trong cuộc đời. Đến cái gọi là ta cũng xa ta.

“Ta rồi lại cũng xa tađể cho nỗi nhớ trầm luân cả đời.”

Các bạn! “Hợp Rồi Tan” chính vì những nỗi buồn u ám như thế nên chúng ta không thích nói đến chữ “hợp – tan”. Chúng ta buồn, chúng ta sợ và đưa sự hợp – tan như là những ngôn từ ma thuật, ma quái, đáng sợ. Cũng đúng mà! Hợp – tan đau lòng. Và những niềm đau, nỗi khổ trong sự hợp – tan, chia ly đó cứ dâng trào là bởi vì sao? Bởi vì Bảo Thành và các bạn chưa thông, chưa nhìn rõ được điều gì Đức Phật đã để lại nơi chính mạng sống của người ngày cuối khi trút hơi thở cuối cùng. Chúng ta rồi cũng phải ra đi.

Chuyến tàu hoàng hôn, biệt ly ngàn dặm, người ở lại sao có thể vui?

“Bến đò đó, con đò nhỏ, người đã ra đi, côi cút một mình, ngồi mãi chờ trông.”

“Ngoài kia, nghĩa trang lạnh lùng, người thân đã mất, hỏi sao lòng không thương nhớ sầu đau?”

Hợp rồi tan, tan rồi có hợp hay không?

Hãy nhớ về đời sống của Đức Phật, Ngài cũng có thân mạng như chúng ta, có một cuộc đời như chúng ta, sự giác ngộ của Ngài khi tới thế gian này là mang chân lý Đạo mầu siêu thế để giúp chúng ta giải huyền nghĩa của sự hợp rồi tan. Huyền nghĩa của hợp rồi tan không phải u ám, sầu muộn mà là vui sướng và hạnh phúc bởi cái hợp – tan của cuộc đời là sự hợp – tan của cái gì? Của bến đò ảo vọng, huyễn giả, của cõi đời mông lung, trầm luân đau khổ. Sao lại không muốn tan mà cứ hợp ở đó để làm chi? Phật không chết để đau khổ, nhưng chúng ta nhìn vào bàn thờ ở nhà, thấy di ảnh của Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, người thân đã mất mỉm cười mà giọt lệ cứ tuôn, tuôn như một dòng trôi cuốn hút ta vào sầu muộn. Đức Phật không phải thể hiện trong cõi đời để ta khóc thương, sầu muộn. Ta có một di ảnh của Đức Phật, một tôn tượng của Đức Phật mỉm cười cho ta nhớ để sầu về một Bậc Thầy đã chết, chẳng thể gặp Ngài. Như ông A Nan khi thấy Phật chết đã khóc không còn biết gì, chẳng biết làm gì. Nhưng nhớ! Ta quên, ta quên lời chân lý của Đức Phật dạy, Phật không chết mà Phật ra đi để trở về. Từ bỏ thế gian này, chia tay với cái gọi là “Hợp” trên dương trần để tạo ra một sự ly tán đó, chẳng phải là vĩnh biệt ngàn thu mà là sự trở về. Trở về với cội phúc, trở về với Niết Bàn. Cho nên, sự ra đi của Phật là sự trở về để thoát ly cõi Luân Hồi đau khổ. Cái tan nơi cái hợp của cõi hồng trần là chìa khóa đưa ta về, đưa ta về nơi Đức Phật đang hiện diện ở đó là Niết Bàn. Ngài đang chờ, Ngài đã tới để dọn chỗ cho chúng ta, Ngài đã tới để chuẩn bị một bữa ăn tâm linh tràn đầy năng lượng yêu thương, sống vĩnh hằng không bao giờ trầm luân nữa. Nếu không chia tay với cõi giả tạm, với cõi giả hợp thì làm sao có một cuộc trở về toàn mỹ, viên mãn như Chư Phật? Cõi này là cõi hồng trần, cõi giả hợp mà thôi, bao nhiêu chuyện tới – đi chỉ là mộng ảnh, chỉ là tia chớp, chỉ là giọt nước, chỉ là huyễn giả, chỉ là sương khói, giữ sao được mà ôm mà ấp?

“Chiều nay người đã ra đi, hồn ai nhung nhớ, chập chờn canh thâu?”

Phải nhớ về lời Đức Phật để thấu rõ rằng, Ngài từ bỏ cõi hồng trần, cõi giả hợp này, gác trọ giả hợp nơi trần gian là để trở về với Niết Bàn. Sự ra đi của Phật là sự trở về. Sự ra đi, rời khỏi thế gian là trở về với Niết Bàn, thể nhập vào với Niết Bàn, nhập vào cõi Niết Bàn. Đó là một sự trở về sao nước mắt cứ rơi? Sao giọt buồn cứ đọng mãi trong tim cô quắt, sầu đau? Là bởi vì ta không nhìn rõ, nên khi chia tay, tan biến trong cõi giả hợp, ta tưởng thật, ta khổ, ta sầu. Con mắt Bậc Giác Ngộ, cõi đời này là giả hợp, sự tan biến trong cõi giả hợp là trở về cõi vĩnh phúc, cõi Niết Bàn an vui, tự tại, sung sướng. Nhìn thấu được chân lý này, ta thấu được Nhân Quả, ta thấu được cõi Vô Thường để không tái tạo Ngã tướng để ôm ấp sự huyễn giả, giả hợp trong cõi trần, ta thấu được chân lý của Vô Thường, Vô Ngã, chẳng Khổ mà là thể nhập Niết Bàn. Mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là chúng con nguyện mười phương Chư Phật mang ánh Minh Tuệ của Bậc Giác Ngộ thắp sáng trên đảnh đầu của chúng con, để chúng con nhìn rõ cõi giả hợp trong cuộc đời, sự hợp, sự tan trong tình bạn, tình người, trong tình yêu và sự hợp – tan nơi quốc độ sinh ra, nơi mái nhà, mái ấm của gia đình, cha mẹ, tất cả, và sự hợp – tan của cõi hồng trần nơi thân xác, sức khỏe, hợp – tan trong cõi Vô Thường. Cõi này là cõi Vô Thường, cõi giả hợp, cõi tới, cõi đi, chỉ là một bến đò, một sân ga, chỉ là một màu xanh để đưa tiễn ta đi, không phải vào cõi hoang lạnh dưới đất mà trở về với Niết Bàn tịch tĩnh, an vui.

“Hợp Rồi Tan” là một chân lý nếu chúng ta nhìn thấu khi thắp ánh Minh Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang vào Tâm thức, ta sẽ nhìn rõ cõi giả hợp nơi hồng trần, để sẵn sàng chia tay với chúng, để vẫn vun trồng cây phước báu. Trong tình yêu, ta tạo cho nhau sự tự do và hẹn nhau ở bến bờ hạnh phúc, chẳng phải trôi dạt trên dòng sông bể khổ của cuộc đời. Chia tay hôm nay, ta lại gặp ngày mai. Đức Phật chia tay chúng ta là bởi vì Ngài đi trước chúng ta để trở về với Niết Bàn, nơi đó Ngài đang đợi chúng ta. Chúng ta chia tay với đau khổ chính là chỗ chúng ta thấu được cảnh giới giả hợp trong thân kiếp làm người của chúng sanh, tất cả các Pháp đều Vô Thường, Vô Ngã. Cho nên thấu được chân lý giả hợp này, hợp tan này, ta thấu ngay cõi Vô Thường, ta nhìn thấu ngay Vô Ngã và ta chẳng còn đau nữa. Và rồi chúng ta trân quý sự hiện tại khi gặp gỡ nhau trên cõi phước duyên ta có đủ để gặp người, để hẹn người, để song hành, để sống, để đồng tu, để là cha, là mẹ, đấng sinh thành, để là con cái, để là vợ chồng, để là tình bạn. Một bến đò có đủ phước duyên, ta ngồi lại, ta nói chuyện. Ta nói chuyện, chuyện gì? Không phải là chuyện đời nhảm nhí, thị phi mà ta nói chuyện trong tâm Từ Bi, yêu thương, trân quý giây phút hiện tại có phước để gặp, để tích lũy những công đức, phước báu thiện lành như một hành trang sẵn sàng trên cuộc hành trình trở về không cô đơn mà có biết bao nhiêu những bạn lành cùng với chúng ta để đi, và đặc biệt có Đức Thế Tôn hiện hữu, dìu dắt ta trên từng bước chân, trải qua giông tố của cuộc đời mà lòng không hề sợ hãi. Có Phật đi với ta, ta còn sợ chi? Có Phật đi với ta, đồng hành với ta, ta còn sợ gì nữa? Cuộc hợp – tan trong cuộc đời chẳng phải là vĩnh biệt, không gặp mà sự hợp – tan trong cuộc đời là đồng hành để trở về với nguồn hạnh phúc, an vui. Trân quý hiện tại, thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở, đón nhận năng lượng Từ Bi, tình thương của Phật, thắp sáng đuốc Tuệ bằng mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì sự hợp – tan của cuộc đời, lẽ thường lui tới đó là chìa khóa cho chúng ta mở cửa Niết Bàn đi vào. Bất cứ sự chia tay, hợp – tan nào cũng đều do nhân duyên và Nhân Quả của ta. Nhìn thấy dòng đời trôi nổi, bồng bềnh có, tới, được – mất, ta chẳng có gì đau khổ hết bởi vì ta hiểu được chân lý của Vô Thường, ta hiểu được chân lý của Vô Ngã, và những gì đau đớn đó là thể hiện ta chưa nhận ra sự Vô Thường trong cuộc đời, những gì ta còn đau đớn trong trái tim là dấu chỉ rằng ta vẫn còn chủ ngã quá lớn. Còn nếu như thấu lý Vô Ngã, Vô Thường thì tất cả những gì xảy ra trong đời chẳng phải là đau đớn, chẳng để lại đau đớn mà là dấu ấn khắc ghi từng chặng đường ta đi.

Con đường lầy lội năm xưa của thuở nhỏ ta chơi trong thôn xóm còn in dấu ấn của một thuở nhỏ đã lớn lên trong tình bạn. Cây đa đầu thôn vẫn còn in dấu ấn bóng mát của một thuở nhóm bạn đùa vui ở đó. Bờ ruộng phía sau, lặn lội, nghịch dù có sình lầy như cỡ nào, dù trong tình người có sình lầy, lầy lội như thế nào, nó vẫn là những dấu chỉ đẹp đẽ của một tuổi thơ. Cây phượng sân trường vẫn nở, mùa hè vẫn tới, sự chia tay vẫn vui. Và sân ga đó, dù tiếng còi vẫn kêu để rồi con tàu cứ đi mãi, sự chia tay đó chẳng phải tan biến mà sự chia tay để đón nhau trở về. Nghĩa trang lạnh lùng, kẻ đã ra đi, di ảnh người trên bàn thờ vẫn cười đó, ta nhìn mà hạnh phúc bởi người thân đã được giải thoát. Và đúng! Nhìn rõ “Hợp Rồi Tan”, ta thấu được Vô Thường, Vô Ngã, chẳng có khổ nữa, chỉ có hạnh phúc mà thôi. Cho nên, chẳng ngồi đó mà than một mối tình vụn vặt phải chia ly, chẳng ngồi đó để khóc cho nhóm bạn không thể gặp nhau bởi chuyến tàu hoàng hôn đi mãi chẳng trở về, mà chúng ta đã thấy ánh Minh Quang hiển lộ nơi Đức Bổn Sư Thích Ca, Ngài làm gương trước, từ bỏ cõi giả hợp này, thân xác giả hợp này để trở về cõi Niết Bàn, nơi đó Ngài đang ngồi đợi, dọn sẵn một bữa ăn tâm linh tràn đầy năng lượng yêu thương cho ta, những người con phương xa, lạc ở cõi hồng trần trở về hưởng phước.

Các bạn! “Hợp Rồi Tan” là một chân lý, chúng ta cần phải tu luyện để nhìn thấu, để không vướng mắc vào những sầu bi, ai oán của cuộc đời, cảm thán, kêu đau. “Hợp Rồi Tan” là một chân lý, nếu thể nhập vào với hơi thở Chánh Niệm, đón nhận năng lượng Từ ái của Chư Phật, thắp sáng đuốc Tuệ Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta sẽ có muôn trùng hạnh phúc đời đời kiếp kiếp ở bất cứ một phương nào.

Các bạn! “Hợp Rồi Tan”, nếu các bạn cứ nghe Bảo Thành trở về Chánh Niệm của hơi thở, hòa mình vào năng lượng Từ Bi, thể nhập vào trong Trí Tuệ Bát Nhã, Lăng Nghiêm của Phật qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, “Hợp Rồi Tan” là một chân lý thể hiện để thấu rõ Vô Thường, Vô Ngã, diệt được khổ, đoạn được não, thể nhập vào Niết Bàn an vui, gặp được Phật ngay trong cuộc đời. “Hợp Rồi Tan” nhắc nhở cho chúng ta trân quý hiện tại. Trong hiện tại này ta có ai? Ta có đấng, bậc sinh thành phải trân quý, phải Hiếu đạo, phải thương yêu. Trong cuộc đời này ta có ai? Ta có vợ, có chồng. Phải tương kính, nể trọng, phải nâng đỡ và vượt qua. Trong cuộc đời này ta có ai? Có con cái để đào tạo và dưỡng dục cho con thành người, thành nhân, thành Đạo. Trong cuộc đời này ta có ai? Ta có bạn bè, ta có phước báu gặp nhau, đặc biệt là đồng tu để cùng thắp sáng đuốc Tuệ vượt qua màn đêm u tối của cõi Vô Minh bất thiện nghiệp nhiều đời mà chính chúng ta đã tạo ra.

Các bạn! “Hợp Rồi Tan” phải nhìn thấu, mà để nhìn thấu sự hợp – tan này để tìm được chìa khóa mở cửa Niết Bàn, chúng ta hãy thể nhập vào hơi thở Chánh Niệm Mu A Mu Sa, hơi thở Chánh Niệm NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Từ Bi – Trí Tuệ quán, phẩm hạnh cao siêu của Mẹ hiền Quan Âm thấu nghĩa hợp rồi tan để chúng ta vui sướng ngay trong cuộc đời, trân quý hiện tại và lúc nào cũng trải lòng Từ Bi, yêu thương.

Chúng ta hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau, thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở, đón nhận năng lượng Từ Bi của Chư Phật, thắp sáng đuốc Tuệ của Như Lai để thấu rõ “Hợp Rồi Tan”, nhìn thấu Vô Thường, Vô Ngã, đoạn diệt sự đau khổ và phiền não, sống hạnh phúc, an vui, trân quý những gì ta đang có nơi hiện tại.

“Thưa Phật! Chúng con sẽ không như Thầy A Nan khóc khi Ngài ra đi, bởi nay đã hiểu, “Hợp Rồi Tan” trong cõi hồng trần là để trở về với Niết Bàn, Ngài đang đợi chúng con vượt qua để trở về. Thấu được lý Vô Thường, Vô Ngã để đoạn diệt được khổ và não là nếm được hương vị của Niết Bàn hạnh phúc. Chúng con sẽ thể nhập vào hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán để an yên, để tự tại, để vô ngại.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Các bạn ơi! Tu xong rồi, mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng con và thắp sáng đuốc Tuệ để chúng con quán chiếu thấy rõ Vô Thường, Vô Ngã, Khổ, Niết Bàn. Thấu rõ được sự hợp rồi tan là chìa khóa đi vào cõi vĩnh phúc, nơi đó Đức Phật đang chờ mong chúng con trở về, và thấu được cõi hồng trần này chỉ là cõi giả hợp, tan biến trong Vô Thường sanh – diệt, chẳng còn chi nuối tiếc những gì có trong cõi mộng này khi đã tỉnh.

Có được chút phương tiện, phước báu, công đức nào, chúng con nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia để họ biết thành lập chính sách hòa bình cho thế giới.

Chúng con hồi hướng tới các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược để họ chế tạo ra vắc-xin, thuốc trị bệnh đại dịch.

Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế giúp đỡ nhiều bệnh nhân.

Hồi hướng cho đất nước Ấn Độ, các nước đang bị đại dịch hoành hành, đặc biệt quốc tổ, quê hương Việt Nam của chúng con mau thoát khỏi cơn đại dịch này, và cầu cho tất cả mọi người thân yêu của chúng con nơi quê hương luôn bình an, thoát nạn.

Hồi hướng cho tất cả những người còn đau khổ, phiền não tìm được hạnh phúc, an vui.

Hồi hướng cho Chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành.

Xin Chư Phật Từ Bi ở mười phương chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts