Search

Bài 2022: Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Đã tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con, để chúng con quán chiếu thấy thật rõ các Pháp đều là Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.

 Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy trở về với cội nguồn thanh tịnh của Phật Tánh, qua Tâm đại Từ đại Bi, lấy Trí Tuệ soi sáng để nhìn thấu những lời chân lý Đức Phật đã dạy cho chúng ta. Trong hơi thở Chánh Niệm và Phật ngôn của Thiền Mật song tu giúp cho chúng ta đón nhận được thật nhiều năng lượng tha lực Phật điển từ mười phương Chư Phật tới với thân tâm của chúng ta. Do vậy, khi hơi thở vào ra và trì mật chú đó, chúng ta sẽ cảm ứng với năng lượng tác động vào thân tâm, các bạn hãy để tự nhiên cho năng lượng đó chuyển hóa, xoay chuyển trong thân tâm và chỉ cần nhìn nó bằng Trí Tuệ thanh tịnh của Phật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để thấy rõ tận tường từng góc cạnh của tất cả các niệm khởi lên ở trong Tâm thức của các bạn, nhìn cho rõ, nhìn cho thấu, nhìn để hiểu, để biết được Thiện – Ác, để buông bỏ, để thanh tịnh.

Các bạn! Chúng ta bắt đầu.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con, để chúng con quán chiếu thấy thật rõ các Pháp đều là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã, là Niết Bàn.”

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng và phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Có những cơn mưa bất chợt rơi xuống vào những buổi đêm chỉ có một mình trong góc phòng nhỏ bé, có những con người khi mà giọt mưa rơi xuống như nhắc nhở những nỗi sầu đau khổ, nặng trĩu, đang rơi xuống, in hằn trong Tâm thức. Lại có những con người nhìn hạt mưa rơi xuống thì miệng mỉm cười hân hoan, bởi gợi nhớ về những niềm vui, hạnh phúc đã từng tới trong cuộc đời. Lại có những con người nhìn mưa như cơn lũ cuồn cuộn kéo tới, để nhớ về một thuở đau đớn tột cùng. Cũng có những giọt mưa ngồi ở trong căn phòng ấy, ta lại nghe được những giọt nước mắt của mẹ đã còng lưng bươn chải trong cuộc đời, hy sinh vì ta để cho ta được thành người. Lại có những giọt mưa ai đó, mồ hôi của cha đã phải dãi nắng dầm mưa cho chúng ta có chỗ dựa thật vững để không bao giờ vấp té trong biết bao nhiêu giông tố của cuộc đời. Và có những giọt mưa, ai đó trong chúng ta lại nhớ về muôn thuở xa xưa của biết bao nhiêu kỷ niệm, hồi ức.

Cũng chỉ là mưa thôi mà sao ở trên đời này thật éo le, đã tạo nên bao nhiêu cảm xúc của mỗi con người ngồi trong góc riêng của cuộc đời, nhìn ra khung cửa, ngắm trời mưa rơi.

Giọt mưa chỉ là giọt mưa, khung cửa để ta nhìn ra, với niềm vui, nỗi buồn, sầu nhớ gợi lên, đó là tâm cảm của mỗi người đều khác biệt. Nhưng có một cái mà ai cũng giống ai, không thể chối cãi được. Dù bạn ngồi ở phương trời nào, góc phòng nào, ở hướng nào, thời gian, khung cảnh nào thì giọt thời gian của cuộc đời trôi qua vẫn để lại trong lòng đau đớn, xót xa, bởi khi giọt thời gian trôi qua, ghi khắc tuổi đời đã lớn, chữ “tuổi lớn” hình như văn hoa, mà cái chữ “tuổi già” nó chân thật như lời khai thị của Phật. Già mà trong Kinh nói đến tức là lão, lão là già. Già là khổ của muôn người. Cái già là cái khổ của muôn đời. Giọt thời gian trôi qua, nó tích lũy như trong lòng hồ đầy ắp nước dâng cao, mà tuổi đời cao quá, gối chân lại run rẩy, mệt mỏi, nước lại dâng cao, chắc có lẽ ta sẽ ngập trong nỗi nhớ và niềm vui, nhưng niềm vui thì thật hiếm hoi, còn cái khổ, cái buồn tràn ngập, cho nên già là một nỗi khổ vô biên không ai có thể tránh được.

Tất cả chúng ta đều đã có cơ hội trải nghiệm qua tuổi già của ông bà, khi theo dõi, lớn lên và tuổi già của ông bà, ta thấy được tính cách của ông bà, ta cũng có sự trải nghiệm tuổi già của cha mẹ, song thân phụ mẫu. Già là khổ. Bởi vậy ta thường nghe những người lớn tuổi, tức là những người già than thở. Cũng như ở trong Chùa đây, Bảo Thành nghe các bậc lớn tuổi than rằng: “Thầy ơi! Tuổi già thật là khổ, đi đây, đi đó cũng khó khăn, không có con cái nó chở, khó đi, lớn tuổi rồi. Mà cuối tuần muốn tới Chùa, con cái bận rộn chẳng thể tới, khổ quá Thầy ơi”. Rồi lại có những vị lớn tuổi than khổ: “Khổ quá Thầy! Lớn tuổi rồi, tiếng Anh chữ ê a, you and you. Cháu, nó sinh ra ở Mỹ, tiếng Anh nó nói như mưa rơi, mình nghe không kịp, chẳng biết nói sao. Còn Tiếng Việt, con cháu nó học, nó nổ như bắp mà mình nghe không có hiểu”.

Cái khổ của tuổi già lại còn đưa tới lời than: “Lớn rồi chẳng biết phải làm gì, tủi quá.” Hình như những người trong xã hội nhìn ta bằng ánh mắt nghĩ rằng ta già rồi, vô dụng. Rồi con cái cứ bận rộn, chẳng chăm sóc được như những tinh thần Hiếu đạo của những ngàn năm xưa của người Việt, người Á Đông, mà các con lại đưa và đặt để cha mẹ vào trong chốn cô liêu của những nhà dưỡng lão. Đó là có phước phần được để vào viện dưỡng lão có bác sĩ, y tá, có bao nhiêu người có chuyên môn chăm sóc, còn phước mà mỏng thì con cái cũng đưa nhưng đưa vào cõi không phải cô liêu mà là vào cõi hoang liêu, xa vắng, chẳng biết ở đâu để xuống một lần mà bãi biệt ngàn năm chẳng thấy, bơ vơ trong cảnh đời như thế, để rồi các trung tâm dưỡng lão của các Sư Cô, của quý Thầy hoặc của các Ma Sơ đưa về giúp đỡ.

Bảo Thành từng đi vô những viện dưỡng lão làm từ thiện, thăm hỏi các mẹ, chẳng có mẹ nào ở trong viện dưỡng lão khi con cái bỏ rơi vì nhiều lý do lại có thể ở trên môi tươi như hoa. Nếu các bạn đã từng đồng hành với Bảo Thành trong những chuyến từ thiện tới các viện dưỡng lão, bờ môi của các mẹ ở trung tâm dưỡng lão héo khô như bờ ruộng nứt nẻ, chẳng có nước, còn trên đôi mắt mờ đục trong nỗi nhớ, còn lỗ tai thì cứ ù ù trong nỗi thống khổ, hoang liêu, cô vắng,  lạnh lùng, đơn lẻ. Buồn ơi là buồn!

Đức Phật nói tới một chân lý mà không ai có thể từ chối, chối cãi, phủ nhận được, đó là: “Già là khổ”. Già là khổ!

Nhớ thuở xưa trai tráng kiêu hùng, giờ đây thì lụ khụ, mù mờ, cô đơn. Người ta nhìn với ánh mắt thì khinh, trong lòng cảm thấy bạc bẽo, sầu đau nó dâng lên, nó trào ra, nó dâng trào. Chẳng phải chỉ có đàn ông già là khổ mà phụ nữ già cũng khổ, con người già cũng khổ mà con vật già cũng khổ, cỏ cây già cũng khổ. Già là khổ! Và hình như nó trở thành một truyền thống, như một khuôn mẫu tạo thành một con đường hẻm, hai bên có bức tường thành thật cao, bên trên phủ gai góc, ở dưới chân thì lót đầy hầm hố. Người lớn tuổi bước vào con hẻm như thế, đi thì té lên té xuống, muốn thoát ra thì hai bờ tường thành dày xi măng đúc của sự cô đơn, lạnh lẽo, tủi hờn, muốn trèo lên để thoát thì ở trên toàn mây trời gai góc phủ kín, thế là vẫn lầm lũi đi ở trong con đường đó mãi mãi, chẳng có ánh sáng bởi tâm sầu muộn, khổ, và dĩ nhiên những cái khổ nó rình rập bốn bề, tứ phía, nó làm cho lo lắng và sợ hãi.

Già là khổ! Đó là cách nhìn rất tự nhiên của con người. Các bạn cứ đi hỏi tất cả những con người còn đang sống, khi lớn tuổi, khi già rồi là có phải chăng già là khổ? Thì các bạn sẽ thấy câu trả lời chưa tới thì giọt lệ sầu đã tuôn rơi mà không thể ngăn lại.

Các bạn có khi nào đi thăm những cụ già neo đơn, ẩn khuất trong những túp lều xa? Bảo Thành từng đi từ thiện thăm các cụ già neo đơn ở Sông Cầu, Phú Yên cùng với một số bạn và một số người thân, chạy chiếc xe Honda trên những con đường đất ngoằn ngoèo vào thôn xóm xa lắm, thỉnh thoảng mới thấy một túp lều tranh cổ xưa, cứ tưởng rằng đây là một chuyện huyền thoại nhưng thực tế, ngày nay, chính bây giờ và hiện tại, tại Việt Nam, nơi hoang vắng, tiêu điều, đất thì khô cằn, cát không, bụi bặm mịt mù khi có tiếng xe Honda chạy, vẫn có rải rác đây đó những túp lều tranh không có tiếng trẻ con chạy cười, không có thanh niên đây đó ngồi nói chuyện, mà chỉ đơn lẻ một cụ già sống trong bức lều tranh đó, có thể là cha hoặc là mẹ, tần tảo đi nhặt những cành cây khô, vào trong nhà thì chỉ thấy đôi ba ký gạo, nồi nấu cơm hình như cũng thuộc dạng cổ mà bán không được tiền. Lưng của mẹ thì còng xuống, bàn tay thì nhăn nheo, đôi mắt mờ, tay thì cầm phương trượng chống đi từng bước, lần mò trong căn nhà cô đơn đó. Nó có lớn đâu! Bề ngang và bề sâu có lẽ chưa được 2m2, vậy màmẹ đi cả ngày không hết căn phòng đó, bởi chẳng phải nó lớn lao gì mà đi không hết, nhưng bởi vì nỗi niềm cô đơn mênh mông, lớn quá, mà bên trong túp lều tranh nhỏ bé, bốn vách bằng đất đó, mẹ đi hoài không hết. Bởi trẻ thơ chẳng còn tiếng cười, bởi con cái đã xa khỏi tầm với, bởi nước mắt đã khô, bởi thân đã tiều tụy tháng ngày nhớ. Bởi người trẻ đã bỏ làng, bỏ xứ ra đi về thành phố, về những nơi tấp nập, về những nơi có thể có công việc làm, mà mang theo mẹ già thì vướng tay, vướng chân, chẳng làm được gì, thế là mẹ, thế là cha lại bị bỏ rơi trở lại những vùng hoang vắng, tiêu điều, khô cằn, ở những miền quê tản mạn đây đó của thành phố, thôn xã.

Bảo Thành trong bao nhiêu năm qua, được sự đón nhận tình thương từ tất cả mọi người, thường hay đi làm từ thiện, thăm viếng các mẹ, các cha, các người già neo đơn tại các túp lều của mình hay tại những trung tâm dưỡng lão mà ghé ngang thăm hỏi những người lớn tuổi. Thời gian trôi qua, ở trong trái tim của Bảo Thành cũng đã chất chứa biết bao nhiêu những hồi ký về những kỷ niệm, vui chẳng có, mà buồn thì quá nhiều của các đấng, bậc ấy. Bảo Thành nghĩ về và nói tới, trong lòng xúc động vô cùng. Già là khổ bởi cháu nó còn nhỏ, mới sinh nó đã bỏ đi, huống hồ là con, đâu có gần gũi. Mà thuở trẻ còn có thể tự bươn chải, lớn tuổi rồi, chân, gối nó cứ rụng rời, làm sao đây? Và cứ thế, cứ thế quanh quẩn trong phòng, trong túp lều, trong biệt thự, có thể nói trong cung đình ngàn sao chiếu soi và rọi vào trong đêm, và tràn đầy những giọt nước mắt của trời rơi xuống khi mưa, 2m2 củatường tre, vách đất, mái tranh mẹ đi hoài ở trong đó mà chẳng thể nào thoát ra được bởi nó quá lớn, quá mênh mông, quá rộng, quá xa, quá hoang vắng.

“Già là khổ”, thấy như vậy đó, nhưng ai thoát được? Nhưng ngược lại, chủ đề các bạn gửi về làm cho Bảo Thành phải suy nghĩ, chủ đề hoàn toàn ngược với lời Đức Phật dạy: “Già là khổ”. Chủ đề mà hình như ngôn ngữ văn hoa: “Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều”. Tuổi lớn tức là già đó mà, nhưng mà nghe chữ “già” sao nó cằn cỗi, đau đớn, khổ phải không các bạn? Như từ đầu các bạn nghe Bảo Thành kể cho tới giờ, nói tới chữ “già” là khổ. Nhắc đến những kỷ niệm của những người mẹ, người cha bị bỏ ở đồng hoang, bị bỏ ở dưỡng lão, bên vệ đường, ăn mày, ăn xin, buôn bán nhỏ để sống, ta thấy khổ, ta thấy buồn, mà khi kể chuyện đó, trong lòng Bảo Thành có những dòng lệ đau khổ cũng chảy ở bên trong, hình như muốn rơi ra bên ngoài nhưng Bảo Thành kiềm lại. “Già là khổ”, nhưng chủ đề này nói, nghe thấy phấn khởi, hạnh phúc, niềm hạnh phúc dâng trào, “Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều”. Bây giờ, thôi, Bảo Thành không buồn, cười rồi, bởi chủ đề này thôi cũng đã làm cho Bảo Thành hạnh phúc. Những bậc lớn tuổi là cha mẹ, ông bà hay ai đó có phước duyên nghe được tên chủ đề này thôi đã là hạnh phúc rồi.

“Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều” là chủ đề mà chỉ là chủ đề chưa nói tới, ai nghe thì bao nhiêu sầu đau, ai oán đều chẳng còn tồn tại được nữa. Và bốn bức tường cô liêu, hoang vắng, đi lòng vòng hoài không thể thoát ra, đều phải vỡ vụn để biến thành thảm cho ta đi, và trời sẽ mở rộng, khung trời cao rộng của những tâm hồn thật lớn để nhìn thấy tận tận xa xa, hình như ánh hừng dương của cõi phúc lành đang dâng lên thật cao, tỏa ánh sáng cho những người tuổi lớn nhìn thấy, đang dẫn đưa ta về cội nguồn của tình thương.

“Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều” đúng các bạn! Nếu các bạn không học về sự khai thị của Phật thì khi nghe Phật nói: “Già là khổ”, chúng ta liền nói Phật nói: “Già là khổ”, cho nên, già khổ lắm và cứ tư duy như thế, ta càng khổ, suy nghĩ như thế, ta càng khổ. Nhưng Phật không phải rằng chỉ nói: “Già là khổ” bởi Phật đã dạy rằng: “Khổ ngay đây thì hạnh phúc ngay chỗ đó, ngay đây”. Cho nên, tuổi già khổ ngay đó thì tuổi lớn cũng hạnh phúc ngay kề bên.

Đúng quá! Đây mới là chân lý của Phật.

“Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều”.

Biển càng lớn, biển càng rộng, sự sống càng nhiều. Tuổi lớn như biển lớn, biển lớn như kiến thức, kinh nghiệm từng trải nhiều và tuổi càng lớn, mỗi người trong chúng ta có thật nhiều kiến thức, thật nhiều kinh nghiệm, có thật nhiều sự học và tuổi càng lớn, trong ta, túi khôn nó càng mênh mông vô tận. Túi khôn đúc kết từ ngày giờ, qua sự trải nghiệm nhận thấy chỉ nằm hai chữ duy nhất đó là “tình thương”. Cho nên, người tuổi lớn thì dạt dào yêu thương, người tuổi lớn thì mênh mông vô tận. Cho nên, nhiều người và các vị từng nghĩ, cha mẹ lớn thì tình yêu của mẹ như biển trời, tình yêu của cha lớn như núi, và đúng vậy, tuổi lớn kinh nghiệm nhiều, hạnh phúc nhiều, tuổi lớn túi khôn nhiều, hạnh phúc nhiều.

Các bạn nếu đi đào mỏ vàng mà thấy mỏ càng lớn thì hạnh phúc biết bao, thì tuổi lớn của các bạn là một gia tài vô giá kinh nghiệm, sự học, học đạo, học đời, đúc kết bao nhiêu năm tháng biến thành một kho tàng vàng bạc, châu báu để cho tự thân và con cái, con cháu nhiều đời có thể qua cái tuổi lớn của chúng ta mà hưởng cõi phúc lành, vô tận ở trong đó. Thấy mỗi một ngày trôi qua, tuổi càng lớn, ta càng thêm khôn ngoan, thấy mỗi một giây phút trôi qua, tuổi ta càng lớn, ta càng thêm hạnh phúc, ta càng thêm biết bao nhiêu kinh nghiệm, ta càng thêm biết bao nhiêu những điều hay bởi ta đã sàng trong những đống cát vụn của cuộc đời để lượm lấy chất vàng tinh túy của sự trải nghiệm thực sự trong đời. Bởi tuổi càng lớn, ta càng khôn ngoan, tuổi càng lớn, ta càng thêm nhân đức. Khôn ngoan và nhân đức là những kho tàng vô giá, bởi khôn ngoan và nhân đức nó được hòa quyện bằng trải nghiệm thật sự của tuổi đời đã trôi qua của ông bà, cha mẹ, để rồi nó cô lại một chất xám của trí tuệ. Trong cả cuộc đời của các đấng, bậc ấy đã can qua để trở thành một chất liệu vô giá đời đời không bao giờ tắt đó là trí tuệ viên mãn của tình thương nơi cha mẹ và ông bà.

Cho nên, tuổi lớn hạnh phúc nhiều bởi tuổi càng lớn thì chất liệu của kinh nghiệm đường đời khôn ngoan và nhân đức của cha mẹ càng nhiều, và những đấng, bậc cha mẹ khi hiểu được như vậy sẽ hạnh phúc xiết bao bởi không thấy rằng: “Già là khổ”, nhưng thấy rằng trong chữ Phật khai thị ngay bờ của già khổ đó, ta thấy được khôn ngoan và nhân đức. Người không khôn ngoan và nhân đức thì già là khổ, còn người khôn ngoan và nhân đức, khi tuổi đời trôi qua là hạnh phúc.

Vậy mỗi một khắc trôi qua trong cuộc đời, chẳng phải là người đã già, đã tuổi lớn, mà mỗi một giây phút, một khắc trôi qua trong cuộc đời của chúng ta, của Bảo Thành và của các bạn không cần biết bao nhiêu tuổi, chúng ta có sự lựa chọn, tuổi đời trôi qua đó, ta có thêm thiện nghiệp hay ác nghiệp, thanh tịnh hay bất tịnh, tiêu cực hay tích cực, tổn phước, ác độc hay nhân ái và hạnh phúc, hay khôn ngoan và nhân đức?

Nếu chúng ta tuổi đời trôi qua mà đi theo hướng Tà thì đúng như Phật nói: “Già là khổ”. Mà ngay ở chỗ đó, nhìn rõ được sự khai thị của Phật bật mí thần thông để ta biến kiếp đời nhân sinh, từ chỗ ta cắm bảng rằng: “Già khổ đây”, ta đi ngược lại thì con đường nó sẽ thông. Như đèn trên trục giao lộ cuộc đời, thấy đèn đỏ ta dừng, đèn xanh ta đi, thấy bảng nói cấm quẹo thì ta quẹo hướng khác, ta sẽ thông, còn đâm đầu vào chỗ cấm quẹo thì ta đi vào chỗ cụt. Cái bảng Đức Phật dạy: “Già là khổ” mà cứ đâm đầu vào những ác nghiệp, những bất thiện thì dĩ nhiên chẳng khác gì thấy bảng cấm mà cứ đâm đầu vô, ta khổ là đúng rồi.

Ta đừng đâm đầu vô nữa, ta quay ngược lại thì ta thấy tuổi lớn hạnh phúc nhiều, bởi tuổi càng lớn, ta càng thêm khôn ngoan và nhân đức, ta càng tạo ra được nhiều phước báu bằng thiện nghiệp. Hạnh phúc nhiều lắm!

Chắc chắn các đấng, bậc sinh thành nên chúng ta, cha mẹ của chúng ta, chắc chắn các bạn đã là cha mẹ hoặc đang là cha mẹ đều thấu rằng: “Già là khổ” là bảng cấm quẹo vào, lớn tuổi là hạnh phúc là hướng cần phải đi. Bạn muốn chọn già để khổ hay các bạn muốn chọn hướng đi tuổi lớn hạnh phúc nhiều?

Tuổi lớn hạnh phúc nhiều là hướng đi bằng nhân đức, khôn ngoan. Bạn càng khôn ngoan, càng nhân đức trong sự trải nghiệm học đạo, thấu được chân lý của Phật thì hướng đi tuổi lớn hạnh phúc nhiều sẽ thông cho các bạn đi mãi. Để trên hai bờ môi tưởng chừng thật nhỏ thành những vườn hoa vô tận đi hoài không hết, để trên hai con mắt thật bé biến thành thái hư, vô tận bao trùm tất cả và để trong vòng tay, cơ thể gân guốc nhỏ bé, run rẩy kia vẫn đủ vững chãi để ôm ấp, che chở, dìu dắt hàng ngàn những con người đi trên con đường của “Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều”. Và nhất định các bạn hoặc các đấng, bậc sinh thành hiện hữu, đang nghe sẽ hãnh diện vô cùng bởi Phật đã nói đúng, Phật đã cắm bảng: “Già là khổ” để cho ta biết đừng có đâm đầu vô những chỗ bất thiện, những chỗ mà Thân – Khẩu – Ý đi vào con đường bất thiện để khổ, quẹo lại một chút, nhìn qua ngõ Phật đã khai thị để thoát ra già phải khổ, đó là tuổi lớn hạnh phúc nhiều.

Và trên giao lộ tuổi lớn hạnh phúc nhiều, sự trải nghiệm trong cuộc đời chỉ cần tích lũy sự khôn ngoan và nhân đức. Người khôn ngoan là người luôn luôn có Tâm Từ Bi, người nhân đức là người luôn luôn có Trí Tuệ. Từ Bi và Trí Tuệ sẽ làm cho ta khôn ngoan và nhân đức. Từ Bi là Mu A Mu Sa, Trí Tuệ là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, đi về hướng đi của vi diệu âm Mu A Mu Sa, của vi diệu âm NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, hòa mình trong những hơi thở Chánh Niệm vi diệu, nhìn thật rõ tuổi lớn hạnh phúc nhiều để tăng trưởng sự khôn ngoan và nhân đức, Từ Bi và Trí Tuệ, thì cho dù hàng ngàn năm, hàng vạn kiếp có trôi qua, các bạn và Bảo Thành luôn luôn hạnh phúc.

Nếu các bạn là ông bà, nếu các bạn là cha mẹ, nếu các bạn đang đi từng bước tới cung trời của tuổi lớn, tức là đang vươn vào, đang vươn vào một tâm hồn cao rộng bao trùm thế giới này. Để làm gì? Để cho con cháu chúng ta, để cho muôn hằng hà sa chúng sanh đang hiện diện trong cuộc thế này khi nhân duyên còn, tận hưởng được cõi phúc lành của tuổi lớn mà chúng ta trôi qua đã để lại sự khôn ngoan, nhân đức bằng lòng Từ Bi và Tâm Trí Tuệ sáng ngời của chúng ta khi nương vào tình thương của Phật và sự Giác Ngộ của Bậc Thầy Vô Thượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Chẳng còn phải chui đầu vào bảng cấm Đức Phật đã chỉ rõ ràng: “Già là khổ”. Đâm đầu vào đó để làm gì nữa? Phật đã cắm biển này, bảng này để cấm ta đi vào: “Già là khổ”. Tới đây ngưng, nhìn thấy không? Các bạn đi trên đường thấy bảng nói là: “Stop”, “Ngưng”, và ngay trên bảng “Stop” đó, nó đề: “Già là khổ”, Phật đã dựng một bảng: “Ngưng lại, dừng lại, già là khổ” để rồi ta đổi chiều, nhìn thấy một mũi tên chỉ đường “Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều”. Người tuổi càng lớn càng thêm khôn ngoan và nhân đức, người tuổi càng lớn càng có Trí Tuệ, càng có kiến thức, càng có tình thương mênh mông vô tận, càng có lòng Từ Bi và có Trí Tuệ.

Từ Bi và Trí Tuệ là tất cả trong cuộc đời, là cái ta đào được trong đá để có những hạt vàng li ti kết lại thành thỏi vàng của tâm vàng, của tấm lòng vàng, của những nghĩa cử vàng.

Các bạn thân mến! Tuổi lớn hạnh phúc nhiều, nếu các bạn còn đầy đủ phước báu, có cha mẹ đang hiện diện trong cuộc sống, có những người còn đầy đủ phước báu hơn là có cả tứ ân phụ mẫu, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng hiện hữu trong cuộc đời, phước báu hơn nữa còn có ông bà nội, ông bà ngoại, bốn năm đời còn đang sống hiện hữu thì các bạn là người giàu có nhất, bởi các bạn có nhiều những đấng, bậc tuổi lớn chứa hạnh phúc thật nhiều qua lòng Từ Bi và Trí Tuệ của các đấng, bậc ấy.

Đây là một thể loại phước báu mà người tuổi trẻ khi còn cha mẹ phải nhận ra, như người bất chợt thấy được ở vùng đất đó là một mỏ vàng và bị bỏ hoang thì nhất định họ sẽ về bán nhà, bán cửa, bán xe hơi, bán tất cả để dành dụm tiền bạc mua mảnh đất bị bỏ hoang đó, bị bỏ phế đó vì nhận ra rằng nơi mảnh đất đó có mỏ vàng. Đúng không các bạn? Để làm sao ta đánh đổi tất cả để mua mảnh đất hoang phế có mỏ vàng này để đào bới. Chúng ta đánh đổi tất cả để tìm thấy những cái cao quý hơn. Sao có thể đánh đổi tất cả để đi vào vùng đất mênh mông vô tận toàn là vàng bạc, những kho tàng trân quý nơi trái tim của mẹ cha, những đấng, bậc tuổi lớn hạnh phúc nhiều.

Hãy về với cha và với mẹ. Và những vị là cha mẹ thì phải hãnh diện tuổi đời ta đã lớn, ta hạnh phúc nhiều hơn, ta là kho tàng cho con cái, để con cháu của chúng ta nương vào kho tàng hạnh phúc của ta đó, mà con cháu được sống hạnh phúc hơn.

“Già là khổ” là bảng cấm đi vào, tuổi lớn là hạnh phúc là mũi tên chỉ đường cho ta đi. Ta học Phật, ta phải khôn khéo lựa chọn điều đó, đừng thấy Phật nói: “Già là khổ”, đừng bí rị ở đó mà ngồi sụ ở cái bảng: “Già là khổ” mà khóc, khóc cho tới xương cốt rụng rời, khóc cho tới thân xác nát tan, khóc cho tới trở về với bùn đất, tự biến mình thành mồ hoang giá lạnh, con ma cô đơn, chi vậy? Đừng dừng ở đó bởi nó không phải đường cùng, bí lối cho ta, mà hãy quay ngược lại đi, Phật nói: “Đây là chỗ già là khổ là bảng cấm, nhìn ngược lại, tuổi lớn hạnh phúc nhiều trên con đường khôn ngoan và nhân đức của lòng đại Từ đại Bi và Trí Tuệ.”

Chúng ta đã đầu tư miệt mài cả cuộc đời đi tìm những chuyện hư mất, đi tìm những chuyện hão huyền, huyễn ảo trong hư không mà tưởng có, để cuối đời khi nhận ra, thấy bảng cấm: “Già là khổ” ngay trước mặt, quay lại thì hết sức rồi, chẳng có thể đi được bước nữa để về trên con đường “Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều”.

Chúng ta đầu tư quá nhiều thời gian để cái kết cuối cùng: “Già là khổ”, mà không đầu tư thêm một phần nữa để chuyển hướng đi về con đường thông lộ mênh mông vô tận, “Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều”.

Nếu các bạn cứ chui đầu vào ngõ tối để cuối cùng thấy chữ “Già là khổ” là các bạn quá ích kỷ, các bạn quá ác, các bạn không có tình thương. Ích kỉ chính với bản thân, quá ác chính với bản thân nên thành tội đồ của chính mình. Các bạn không có tình thương đối với chính mình, cho nên các bạn cứ vùi đầu đi vào ngõ hẻm tăm tối của biết bao nhiêu những bất thiện mà cả cuộc đời hoang phí sức lực để kết cuối cùng là nhìn thấy trước mặt một bảng thật to: “Già là khổ” rồi bắt đầu than, mà không nhìn thấy mũi tên của Phật đã chỉ đôi đường khổ và phước, khổ và phúc, khổ – phúc. Cứ đâm đầu vào cõi khổ để già buồn, không đi về hướng phúc để tuổi lớn chúng ta thêm khôn ngoan, nhân đức, Trí Tuệ và Từ Bi.

Không bao giờ muộn nha các bạn! Dù bạn 100 tuổi hay 50 tuổi, hay mới là cha mẹ trẻ, không bao giờ trễ.

Hãy nhìn theo mũi tên tuổi lớn hạnh phúc nhiều để tăng trưởng sự khôn ngoan và nhân đức qua lòng đại Từ đại Bi và Trí Tuệ an trú trong Chánh Niệm hơi thở. Mỗi một người trong chúng ta, khi thời gian trôi qua, tuổi đời đã lớn, sẽ biến thành một kho tàng hạnh phúc lớn lắm, để dâng hiến cho tất cả mọi người. Không phải quăng vào trong những nơi buồn hiu hắt, sầu mà đến nỗi như sóng thần cuộn tới dìm xuống bể sâu ngàn đời không thể ngoi lên dậy.

Hãy hạnh phúc bởi ta có phước báu nghe được lời Phật nói: “Già là khổ” và thấy rõ được bảng cấm để đi theo mũi tên của hướng chỉ đường “Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều” để tăng trưởng sự khôn ngoan bằng lòng đại Từ đại Bi, sự nhân đức bằng Tánh Thấy của Trí Tuệ trong Chánh Niệm hơi thở hiện hữu trong từng giây phút mà chẳng cần phải ngồi đếm xâu chuỗi của thời gian để cho giọt sầu rơi xuống bởi biết ta nay đã già. Mà ta sẽ hạnh phúc cầm những giọt, giọt kim cương nơi những giọt mồ hôi kết lại trên từng dấu chân ta bước qua, để hãnh diện rằng chúng ta tuổi đã lớn và hạnh phúc thật đã quá nhiều. “Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều”.

Mời các bạn đặt bàn tay phải là Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái là Từ Bi. Chúng ta vận hành 07 biến vi diệu âm.

“Thưa Phật! Ngài đã khai thị: “Già là khổ” như một bảng cấm trong cuộc đời để chúng con không chui đầu vào đó, và chỉ cho chúng con một mũi tên đi trên giao lộ của sự khôn ngoan và nhân đức để hãnh diện rằng tuổi càng lớn hạnh phúc nhiều bằng Tâm đại Từ đại Bi.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

 “Thưa Phật! Con đã hiểu được lời của Đức Phật: “Già là khổ” nên quay gót trở lại nhìn thấy hướng đi của tuổi lớn hạnh phúc nơi lòng Từ Bi và Trí Tuệ. Nguyện xin Chư Phật gia trì để chúng con đi về hướng “Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều”.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con để chúng con nhìn rõ biển cấm: “Già là khổ”, không đi vào và chui vào đó nữa, quay đầu, xuôi về hướng đi “Tuổi Lớn Hạnh Phúc Nhiều” nơi sự khôn ngoan và nhân đức của Từ Bi và Trí Tuệ.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (05 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta đã tu xong rồi, mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Con nguyện xin Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Để chúng con hiểu thấu: “Già là khổ” để quay đầu ngược lại, tăng trưởng sự khôn ngoan, nhân đức nơi lòng Từ Bi, Trí Tuệ để hãnh diện rằng tuổi lớn hạnh phúc nhiều.

Nguyện hồi hướng công đức tới các nguyên thủ các quốc gia để họ thành lập nên chính sách hòa bình trên thế giới, chấm dứt chiến tranh.

Hồi hướng cho những nhà khôn ngoan, bác học ngành dược, ngành y chế tạo ra thật nhiều vắc xin, thuốc trị bệnh.

Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế chữa lành được nhiều bệnh nhân.

Hồi hướng cho những ai còn đau khổ, phiền não tìm được hạnh phúc và an vui.

Hồi hướng cho các Chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành.

Xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts