Search

Bài 2023: Ngày Cha Ra Đi | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống với mọi loài chúng con.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy chí thành đảnh lễ mười phương Chư Phật, Bậc Thầy Vô Thượng và gạt bỏ tất cả mọi sự dị biệt của Tông môn, Pháp môn, tôn giáo, tín ngưỡng, niềm tin và trở về với Bổn Nguyên Tự Tánh không dính mắc để Bảo Thành cùng các bạn hòa nhập vào với Chánh Niệm của hơi thở, gắn liền với năng lượng đại Từ đại Bi của mười phương Chư Phật, nương vào đại Hùng đại Lực để chúng ta đón nhận Đại Thủ Ấn Trí Tuệ, Từ Bi soi dẫn, nhìn thấu Vạn Pháp sanh khởi nơi thân và tâm.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ Trí Tuệ quán chiếu thấy thật rõ các pháp sanh – diệt Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng và phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Chúng ta thật phước báu và thật lành thay vẫn còn có nhân duyên để mỗi ngày chúng ta ngồi xuống, chỉ nhìn vào một khung hình thật nhỏ trên phone, trên máy vi tính hoặc trên tivi là Bảo Thành và các bạn, dù có cách xa cũng có thể gặp gỡ nhau và hồi hướng năng lượng tình thương của Chư Phật tới với mỗi người chúng ta. Đây là một điều phước báu vô tận, bởi thời xưa, mặc dù chúng sanh thời đó có cơ hội gặp Phật, sống cùng thời với Phật nhưng chỉ có những ai gần gũi nơi trú xứ của Phật mới có thể tới gặp Ngài, còn như cách xa hoặc ở những quốc gia khác làm sao có phước duyên để gặp.

Nếu như ngày đó, nếu như ngày xưa ấy có được những mạng lưới truyền thông trực tiếp như ngày hôm nay thì có lẽ chúng sanh trên toàn thế giới này có cơ hội diện kiến dung nhan của Đức Thế Tôn, có cơ hội nhìn lên màn ảnh nhỏ như ngày hôm nay để đón nhận năng lượng Từ Bi của Ngài và để được nghe một cách gián tiếp nhưng trực tiếp những ngôi lời sự sống, chuyển tải và thắp sáng Trí Tuệ cho mỗi người chúng ta. Nhưng Đức Phật không sinh vào thời mà khoa học phát triển như vầy, Ngài sinh vào thời còn ban sơ, còn hoang sơ nhưng sự Giác Ngộ của Ngài đã đưa Ngài tới và chứng đắc được Trí Tuệ đại viên mãn Thần Thông Bậc Nhất, để như không có màn hình ở trên phone thì chúng ta vẫn được Ngài cài đặt vào trên cái máy của Phật Tánh viên mãn, bất sanh diệt mà khi Ngài giác ngộ, Ngài đã thọ ký cho chúng ta rằng: “Tất cả mọi chúng sanh đều sẽ thành Phật”, chữ “đều sẽ thành Phật” tức là Ngài đã gắn mạng, Ngài đã gắn mạng vào trong tâm của chúng ta. Và chúng ta chỉ cần chúng ta trở về nhìn sâu vào Tâm thức đó và bật nó lên bằng lòng thành kính, chí thành và chân thật. Dù 2560 mấy năm sau nhưng Bảo Thành và các bạn, nhất định với sự thuần khiết, trong sáng, giữ Giới, tín tâm bất thối vào Tam Bảo, hành Thập Thiện, Bảo Thành và các bạn vẫn còn có cơ hội để diện kiến Bậc Thầy Vô Thượng, Đức Thế Tôn hiển ngự trong tâm, trong trái tim của chúng ta.

Lời của Ngài dạy như ngày hôm qua nói, đó là nói về: “Cái già là khổ lắm!”, nhưng chủ đề các bạn gửi về hôm qua là: “Tuổi Lớn Phước Báu Nhiều”. Đúng!

Còn ngày hôm nay, một chủ đề mà khi Bảo Thành thấy từ hồi rất sớm, khi tiếng chuông vừa vang lên, trong lòng xúc động vô cùng, tưởng chừng như không cầm được dòng nước mắt, và trong từng ngôn ngữ nói vẫn còn chứa đựng một năng lượng cảm xúc về người cha của mình.

Chủ đề hôm nay là: “Ngày Cha Ra Đi”. Cái chữ “ngày cha ra đi” nó đẹp biết bao, nhưng nó như những nhát dao đâm thâu vào trái tim của phận làm con. “Ngày Cha Ra Đi” nghe như văn, thơ, nó như những mũi dao xuyên qua trái tim nhỏ bé của những phận làm con như Bảo Thành và các bạn.

Già khổ, chết cũng khổ. Ngày cha ra đi tức là ngày cha chết.

Ai trong chúng ta cũng sẽ khổ vô cùng. Và ai trong chúng ta cũng sẽ khổ suốt đời. Và ai trong chúng ta cũng phải mang theo nỗi niềm đau khổ đó trong hàng vạn, hàng vạn kiếp lưu đày trong cõi trầm luân. Từng giây, từng phút chúng ta sẽ chẳng bao giờ nguôi được niềm nhớ mong về cha. Như bài nhạc ta vừa nghe khi bắt đầu buổi đồng tu hôm nay do ca nhạc sĩ Lynh Nghy sáng tác, “Cha Có Hay”. Từng ca từ trong đó như những cuộn phim truyền tải hình ảnh về người cha thương yêu của mỗi người. Khi chúng ta trở về nơi căn nhà xưa, căn nhà xưa mà cha của chúng ta nuôi dưỡng, căn nhà xưa mà cha dìu từng bước chân, cha mớm từng câu chữ, cha thắp sáng từng kiến thức qua ánh mắt thật nghiêm, hùng dũng, oai nghi. Nào có còn đâu hình bóng của cha, nào có còn đâu tiếng nói ngọt mà cha nhắc nhở thức dậy đi học, nào có còn đâu những lời khuyên: “Con ơi! Chớ…”. Những lời như vậy, “Con ơi! Chớ có làm điều ác, hãy dũng mãnh lên, hãy đứng dậy mà vượt qua mọi thử thách”. Lời khuyên của cha, lời nhắc nhở của cha hình như đã tắt lịm trong cuộc đời bởi hơi thở của cha nào có còn đâu nữa.

Cha đã ra đi, và ngày cha ra đi nhất định sẽ để lại trong tâm khảm của những người con những sự đau đớn tột cùng bởi mỗi khi nhìn vào trong hơi thở và thả tâm hồn ngược theo hơi thở vào trong trái tim, chúng ta thấy trong trái tim của chúng ta vẫn còn biết bao nhiêu những nỗi niềm đau khôn xiết mà khi một mình tư lự ở cuộc đời, bóng cha không còn hiện trên trái đất này với chúng ta nữa, để chúng ta vươn bàn tay thật dài cũng nào có thể sờ được cha, và để chúng ta có thể ngủ trễ một chút để cha đánh thức cũng không còn nữa và đâu có còn tiếng gọi của cha mời về ăn cơm, tiếng gọi của cha kêu về để cùng với nhà uống một ly cà phê hay ngồi chỉ nói chuyện vu vơ ở đời, tiếng cha đã chẳng còn.

Ngày cha ra đi như mặt trời tắt lịm, tinh tú rụng rơi, còn mặt trăng thì chẳng còn ngự trên không, chìm xuống vực sâu đen tối.

Ngày cha ra đi hình như thế giới bị nổ tung và trong tâm của tất cả những người con như đã thật sự chết.

Cách đây khoảng 03 năm, 04 tháng, cha của Bảo Thành cũng trút hơi thở cuối cùng và ra đi vĩnh biệt ngàn thu. Lúc đó Bảo Thành ngồi ở trên giường bệnh của cha, dù bao nhiêu năm đã tu, hiểu thấu nghĩa sự ra đi của một con người chính là vì vô thường nhưng chúng ta vẫn là người, vẫn mang trái tim của sự thổn thức, vẫn những tâm cảm của tình yêu thương giữa cha và mình, thì nào có thể cầm được giọt nước mắt khi cha từ giã cuộc đời ra đi.

Một cuộc đời của Bảo Thành thì bôn ba ở xứ người, để rồi quá bận rộn, trở về gặp cha vỏn vẹn 04 ngày, rồi cha đi nữa, đi mãi để rồi vô lượng kiếp nào có cơ hội gặp cha nữa. Và trong một thời gian thật gần vừa qua, những bạn đồng tu của chúng ta cũng có những người cha, người mẹ, cũng có những người thân vừa nằm xuống ra đi mãi mãi, để rồi trở về trong tâm, mở từng trang nhật ký của đời người, vẫn còn hình ảnh, vẫn còn tiếng nói, vẫn còn những dòng chữ thật rõ nét của tình yêu thương mà cha và người thân trao cho chúng ta, nay chẳng còn trên dương thế.

Phật nói chết là khổ, Sanh – Lão – Bệnh – Tử, tử là chết, chết là khổ, khổ cho người còn sống bởi tình yêu thương, mất đi một người mình kính trọng, thương yêu, khổ ngay cả cho người chết nữa. Nếu như chúng ta chẳng nhìn và đào sâu vào ý nghĩa “chết là khổ” như Thế Tôn dạy thì cái chết kia sẽ là những đợt sóng thần bi lụy, sầu muộn quật ngược chúng ta té vào hố sâu của sự đau khổ kinh khủng. Chẳng có gì có thể thay thế được khi chúng ta đã mất cha.

Nghe bài hát “Cha Có Hay”, trong lòng cứ như muốn khóc, trong tâm cả biển nước mắt dâng trào bên trong, và bây giờ hình như trong âm giọng vẫn còn có chất mặn của những giọt lệ hòa quyện vào những gì Bảo Thành đang nói. Nhưng thật là phước, thật là lành thay Bảo Thành và các bạn đã biết được Phật, đã học lời của Phật và đã được Phật dạy rằng: “Chết là khổ”. Đối với bản thân của người chết, chết bất tử cũng khổ, chết vì tuổi già cũng khổ, chết vì thọ mạng đã tới cũng khổ, chết vì bệnh và biết rằng ngày chết đang chờ, rình rập từng ngày cũng thật là khổ. Chết bởi biết ta sẽ phải chết, khổ vô cùng. Nhưng mà nào ai thấy được cái chết đó, biết là khổ để hướng về Đức Thế Tôn, xin Ngài khai thị để có sự chuẩn bị cho sự chết chẳng phải là khổ, mà sự chết hay ngày cha ra đi đã có một sự chuẩn bị đầy đủ hành trang, đầy đủ tư lương đi trên con đường trở về cha chung, đó chính là Đức Phật.

Chúng ta đã được nghe Phật dạy khúc khải hoàn ca đã dâng trào, đã đẩy lùi đi những sầu muộn, bi ai, nhung nhớ và ban cho chúng ta niềm vui cuồn cuộn, sung sướng tột cùng bởi Đức Phật đã tới gõ cửa tâm linh, trao truyền Trí Tuệ và xua tan đi sự sợ hãi, nhung nhớ, sầu muộn, đau khổ của một người đã mất cha. Để rồi tưởng chừng trong sự héo úa, sầu muộn trên bờ môi, chúng ta lại tươi, tươi như hoa sen nở nụ cười vi tiếu, chẳng dính mắt sự sầu muộn, để rồi trong tâm tưởng như u ám liền bị phá đi mây mù, mây đen chẳng còn, chỉ còn lại những gợn mây xanh trong suốt để chúng ta có thể nhìn vào trong tâm, hướng lên mà thấy được Phật hiển ngự trong không gian vô tận của miền đất Chân Tâm thanh tịnh, người con Phật biết giữ Giới, hành thiện.

“Chết là khổ” tức là Đức Phật nhắc nhở cho chúng ta nếu đã thấu được Vô Thường, chẳng ai sinh sống trên đời này mà trường sinh bất tử như những chuyện hoang tưởng, ảo tưởng của vua chúa hoặc những người giàu có, quyền lực ngày xưa, đi tìm những Thầy Pháp luyện đan để có được thuốc trường sinh bất tử, chuyện đó chỉ là hư ảo, chuyện đó chỉ là ảo hư, như tia chớp, như khói, như sương, chẳng thể tồn tại kiếp người trong cõi nhân sinh Vô Thường sanh – diệt, chẳng ai thoát được. Nhưng trong chính cửa Vô Thường đi tới sự chết đó, ta hiểu thấu, ta có sự chuẩn bị thì chẳng khác gì con sâu lột xác thành bướm bay lên trời cao hưởng ánh hừng dương, thấy được vầng quang Trí Tuệ dù chỉ bay lên gọn gàng trong thọ mạng nhưng vẫn hạnh phúc hơn làm kiếp con giun chui xuống lòng đất, coi chừng bị gà nó bới, nó ăn mất. Con gà ở đây là tâm Tham – Sân – Si của cuộc đời nó bới móc ở trong mọi góc cạnh, nó giết chết chúng ta, cho nên chúng ta có phước báu nghe được lời Phật để phận giun, dế đào mồ chui vào hầm sâu của sáu nẻo Luân Hồi nay biết lột xác thành bướm để bay.

Trong cái chết và trong sự ra đi của cha, chúng ta thấy rõ chân lý của Phật tuyệt hảo vô cùng, đó là cha đã chuẩn bị. Bởi từ khi sinh con ra, cha đã chuẩn bị cho chúng ta đầy đủ tư lương đi vào đời, kiến thức trong xã hội, khoa học, kiến thức về tôn giáo, tâm linh, lời giáo dưỡng của cha vẫn còn khắc cốt ghi tâm, không bao giờ phai mờ. Ánh mắt của cha như thái sơn sừng sững dù cho muôn trùng giông tố kéo tới, ánh mắt đó vẫn là chỗ dựa vững chắc dù cha đã ra đi. Ta hạnh phúc vô cùng bởi cha của ta thật kiêu hùng. Và hạnh phúc hơn, ta lại có Phật dạy rằng cha ra đi chẳng phải là đi về miền sâu, miền đất lạnh mà là cha của chúng ta ra đi là để chuẩn bị một chỗ cao trọng hơn, thanh tịnh hơn để phận làm con như Bảo Thành và các bạn theo dấu chân nhân từ của cha mà lần bước trở về chỗ cha đã dọn sẵn cho chúng ta, đó chính là Tâm đức, Đức hạnh, đạo đức mà cha đã hiển lộ trong cuộc đời của chúng ta.

Cha ra đi chẳng phải là chết, là từ biệt nhưng cha của chúng ta ra đi là chuẩn bị một chỗ thanh tịnh, cao trọng hơn mà Phật đã khai thị để cho chúng ta ngày sau chót của cuộc đời, biết hướng để mà đi, biết định được để mà về. Cho nên, ngày cha ra đi không phải là một ngày đau khổ nữa, chết không phải là khổ nếu chúng ta hiểu thấu và có sự chuẩn bị rõ ràng, chết là lột xác, xác của con giun, xác của con sâu để thành con bướm, lột xác sâu thành bướm. Chết là lột bỏ thân xác Tứ Đại, bệnh hoạn, đau khổ, Nghiệp chướng này để Thần thức được tự do như con bướm bay lên cõi trời thanh tịnh tuyệt đối bởi Đức hạnh ta đã tích lũy khi giữ Năm Giới, tín tâm vào Tam Bảo và hành Thập Thiện, những điều Đức hạnh mà ta và cha đã trao tặng cho chúng ta.

Sự ra đi là cha đã lột xác để chắp cánh cho ta bay vào cuộc đời bình an và hạnh phúc. Cho nên, khi cha của chúng ta ra đi, tức là mỗi người chúng ta đã chứng kiến và có một sự trải nghiệm sâu sắc về sự chết, để từ đó thấu rõ lời dạy của Phật chết là khổ nếu không có sự chuẩn bị, còn như nếu đã có sự chuẩn bị thì chết là một sự sung sướng của đời người bởi sự chết, sự ra đi của cha là một sự lột xác, là một sự ra đi trước để cha chuẩn bị chỗ cao trọng hơn cho chúng ta.

Các bạn! Đó là phận của cha, cha đã chuẩn bị để ngày cuối cha ra đi bằng đời sống Đức hạnh, đời sống đạo đức, đời sống thiện lành, đời sống hành thiện, đời sống vui vẻ, đời sống biết buông ác, làm chuyện lành, đời sống biết bao dung, tha thứ, đời sống biết san sẻ.

Cha tràn đầy những điều thiện lành như vậy, dù cho bị trả nghiệp là chết bất đắc kỳ tử, chết vì thọ mạng đã tới, chết vì những chứng bệnh nguy hiểm không thể chữa hoặc chết bất cứ ở phương diện nào thì cha đã có sự chuẩn bị cho chính cha và cha lại còn chuẩn bị đi tới một chỗ cao trọng, thanh tịnh hơn để chuẩn bị cho chúng ta tiếp bước đi về miền đất Chân Như. Miền đất Chân Như thanh tịnh nơi trái tim, nơi Tâm thức mà Phật đã khai thị cho chúng ta.

Chúng ta là những người còn sống thì không thể bỏ mặc đâu. Chúng ta phải chuẩn bị còn không ngày chết của chính chúng ta sẽ là ngày đau khổ tột cùng, mà rồi không có sự chuẩn bị, cứ làm ác thì chúng ta sẽ bị đầu thai vào những cảnh giới Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Tam Đồ khổ đời đời kiếp kiếp khó có thể thoát được. Lời Đức Phật nói: “Chết là khổ” ý nghĩa rằng, chết nếu không có sự chuẩn bị sẽ bị đọa vào Tam Đồ khổ nên khổ. Tam Đồ khổ tức là ba cõi khổ, Luân Hồi khổ, tức là cõi của Địa Ngục, cõi của Ngạ Quỷ và cõi của Súc Sanh. Chết khổ là bởi vì đọa vào đó. Nếu không có sự chuẩn bị, nếu không có sự học hỏi, không có sự tu tập, tu luyện thì chết chính xác lời Phật không sai, đó chính là khổ. Đây là một lời cảnh báo, một lời cảnh tỉnh để không phải như một chân lý nói rằng chết là khổ, chết là chân lý và chết là khổ nếu không có sự chuẩn bị, còn chết là một chân lý nhưng chết không khổ nếu có sự chuẩn bị. Ta chuẩn bị gì để ngày chết ta ra đi như con sâu lột xác thành bướm, bay?

Đó là sự chuẩn bị mà Đức Phật dạy đơn giản đối với thân phận của Phật tử tại gia bề bộn trăm phần là giữ Năm Giới, phải giữ được Năm Giới. Giữ Giới ở đây chẳng phải khoe thiên hạ ta giữ Giới mà giữ Giới ở đây là để thúc thủ thân tâm, không phạm, không tạo nghiệp. Không tạo nghiệp sát, không tạo nghiệp trộm cắp, không tạo nghiệp tà dâm, không tạo nghiệp nói dối và không tạo nghiệp làm cho đầu óc quay cuồng, si mê vào những chất say, tổn hại tinh thần, từ đó tạo ra nghiệp sát, nghiệp trộm cắp, nghiệp tà dâm và nghiệp nói dối. Ngăn chặn bản thân không tạo nghiệp và giữ được Giới đó thì có năm vị Thần Hộ Mạng, Hộ Pháp Chư Tôn, Bổn Tôn tới hóa hiện trong cuộc đời bảo vệ cho chúng ta. Khi giữ Giới đó, chúng ta tin sâu vào một niềm tin bất thối nơi Phật – Pháp – Tăng và quy y với Phật – Pháp – Tăng, quy ở đây có nghĩa là chúng ta nhận Phật làm Thầy để nương vào Phật là Bậc Thầy học hỏi giáo lý của Ngài. Chúng ta quy y Pháp là chúng ta nhận Pháp của Ngài là con đường học hỏi và nghiên cứu để ứng dụng khai mở Trí Tuệ, hiểu thấu để hết khổ, ta quy y Tăng có nghĩa là chúng ta quy y một sự hòa hợp của Tăng Thân đối với Phật để chúng ta noi gương hòa hợp đó để sống hòa hợp với mọi người trong gia đình và xã hội. Sự quy y đó tức là nương vào những điều thanh cao, những điều cao tột, đẹp để noi gương, học hỏi, đó là ý nghĩa quy y. Giữ Giới, quy y và rồi làm những điều Phật dạy là Mười Điều Thiện. Mười Điều Thiện đó giúp cho chúng ta có đầy đủ tư lương chuẩn bị như con sâu chui lên khỏi mặt đất, trèo lên trên cây lột xác thành bươm bướm. Ngày chết là ngày bươm bướm có đôi cánh bay lên trên trời, chẳng phải phận con sâu làm sâu dưới lòng đất, coi chừng chim trời hoặc những loài muôn thú sẽ bới móc, giết chết chúng ta.

Cho nên, các bạn nhớ, phận cha ra đi là cha có sự chuẩn bị của cha nhưng ở trong cuộc đời nếu thật sự các bạn là người con khi cha ra đi, ta sẽ buồn vô cùng, ta sẽ nhung nhớ. Không những những người làm con nhung nhớ người cha của mình khi bước vào nhà thấy căn nhà hoang vắng, trống không, nhìn qua nhìn lại chẳng thấy cha đâu, “Cha ơi! Cha đi rồi thật sao?”, con ở xa nay mới về, về mà đâu thấy cha, cha ở đâu? Cha có hay tiếng con khóc thâu đêm trường, tiếng trái tim thổn thức nhớ nhung, xa lắm chẳng thể về nhưng khi con về cha chẳng còn nữa bởi cha đã ra đi. Không những phận làm con nhớ cha khóc thầm trong trái tim mà bạn bè, những người thân của cha vẫn nhớ về Đức hạnh của cha, vẫn nhớ về hình ảnh, trái tim và tấm lòng nhân đức của cha còn để lại cho hậu thế. Nhớ lắm!

Chúng ta làm sao xóa tan đi nỗi nhớ của phận làm con, làm sao chuyển hóa sự nhung nhớ về một người thân quen đã ra đi? Chỉ có Trí Tuệ mà thôi. Có nghĩa mỗi người chúng ta phải hiểu thấu lời Phật dạy chết là khổ nếu chúng ta chẳng giữ Năm Giới, tin sâu và quy y vào Tam Bảo, hành Thập Thiện thì chết đọa vào ba cõi Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh khổ và bị trầm luân muôn đời, đó chính là chết khổ. Còn chết là sướng, sướng như sâu lột xác thành bướm bay lên trên trời. Sướng ở chỗ nào? Là khi ta còn sống đây, ta đã chuẩn bị tư lương trong Năm Giới cấm, trong những lời giáo dưỡng của Phật và nương theo Đức Thế Tôn dìu dắt ta đi hòa hợp với muôn loài chúng sanh bình đẳng Tánh – Trí, đối xử yêu thương, bao dung. Và ta, ta là con Phật, ta hiểu thấu chết chẳng phải là chết mà chết chỉ là sự lột xác mà hóa thân đi về cõi thanh cao hơn, nếu có sự chuẩn bị, ta sẽ bay lên những cảnh giới thiện lành hơn, nếu không chuẩn bị thì ta sẽ bị chui vào Tam Đồ khổ, chính cái khổ đó là điều mà Phật đã nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng ta “Chết là khổ” nếu chúng ta không nghe để chuẩn bị, còn nay nghe được sự cảnh tỉnh của Phật “Chết là khổ” và Ngài dạy cho chúng ta làm sao chết cho hết khổ, chết cho hết khổ tức là chết như con giun hóa thân thành bướm, chết hết khổ tức là chết mà khi chúng ta còn sống đã có một sự chuẩn bị đầy đủ tư lương, hành trang đi về cõi vĩnh phúc bằng Pháp thiện lành ta đã tu theo lời dạy của Đức Thế Tôn.

Các bạn! Bảo Thành vẫn nhớ cha của Bảo Thành vô cùng, nhưng mỗi lần nhớ về cha là hiểu Phật dạy, cha ra đi chẳng phải là chết bởi cha, cuộc đời của cha tràn đầy Đức hạnh, cha là tấm gương đạo đức để cho Bảo Thành, để cho phận làm con noi theo. Cha đã có sự chuẩn bị, cha nhắm mắt xuôi tay nhưng miệng mỉm cười, Thần thức bay cao như một tòa sen đã nở để cha về ngồi trên đó mà học lời của Đức Phật. Và bên cạnh tòa sen của Phật, nhất định cha đã chuẩn bị một tòa sen nữa cho chúng ta, chuẩn bị một chỗ cao trọng, thanh tịnh hơn để ngày cuối khi chúng ta rời bỏ cõi trần này, nếu thực hiện theo lời Phật hành Thập Thiện, giữ Năm Giới, tin sâu vào Tam Bảo, làm những việc lành, bỏ những điều ác thì ta sẽ theo dấu chân của cha để hiển ngự trên mọi nẻo đường của cuộc đời để cha và ta sẽ không bao giờ xa nhau. Nhưng nếu chúng ta không nhớ lời của Phật mà chui đầu vào trong những ác nghiệp, bất thiện nghiệp thì ta sẽ bị đày vào, đọa vào Tam Đồ khổ: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh thì vô lượng kiếp, đời đời kiếp kiếp Bảo Thành và các bạn sẽ khổ, sẽ khổ, sẽ khổ và không bao giờ gặp được cha nữa.

Nếu có yêu cha, khi cha đã ra đi, phận làm con như Bảo Thành và các bạn phải tích đức, phải giữ Giới, phải tin vào Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng, phải tinh tấn tu học, mang Trí Tuệ của Phật thắp sáng trong lòng để rồi phải nhận ra chân lý “Chết là khổ nếu làm những điều ác, chết là sướng nếu làm những điều thiện” cho nên ta chẳng sợ chết.

Bảo Thành vẫn còn nhớ trên giường bệnh, Bảo Thành đã hỏi cha: “Cha ơi! Cha sắp chết rồi”, cha nói: “Ừ! Cha sắp chết rồi con. Thôi! Hai ngày nữa con nhớ mang cha về nhà để cha có thể nằm ở ngôi nhà, ngôi nhà hồi xưa cha sinh ra con, ngôi nhà hồi xưa mà cha dìu bước chân con đi, ngôi nhà hồi xưa mà cha dạy dỗ, giáo dục các con, ngôi nhà hồi xưa mà ông bà, cha mẹ và các con cùng lớn lên, hãy mang cha về nằm ở đó để hơi thở cuối cha ra đi trong niềm kiêu hãnh bởi một đời cha đã sống đúng, đúng với lương tâm của người làm cha đối xử với các con”. Bảo Thành mỉm cười và nghĩ cha mình thật là một người anh hùng, mình hãnh diện vô cùng bởi đối diện với sự chết 04 ngày trước đó, cha không hề run sợ, vẫn nói những lời dõng mãnh như vậy.

Và rồi các bạn! Cha ra đi. Bảo Thành khóc thật là nhiều. Ngay bây giờ nhớ, vẫn còn cảm động lắm nhưng những lời của cha dạy, các con hãy yêu thương nhau. Nhắn nhủ điều đó và vươn bàn tay dài ra theo ước mơ của đạo đức mà san sẻ với muôn người có nhân duyên đi vào cuộc đời của các con. Bảo Thành hạnh phúc bởi khi cha ra đi như hạt giống, như hạt giống đã được gieo vào lòng đất thối rữa mọc lên một cây khác vẫn còn có dòng máu của cha, dòng máu kiêu hùng, đạo đức của cha nằm trong sự luân lưu của sự sống, thân kiếp của Bảo Thành và của những người con của cha.

Các bạn! Các bạn mất cha các bạn phải hãnh diện bởi cha mất nhưng cha còn ở trong ta. Dòng máu của ta là dòng máu của cha, nó vẫn chảy ở trong đó, vẫn ấm lắm tình người, vẫn mang sự sống nuôi dưỡng ta, vẫn mang những bài học kinh nghiệm để chúng ta đi vào cuộc đời không bị vấp té trong những điều ác, điều bất thiện bởi dòng máu của ta là dòng máu của cha. Cha ra đi nhưng cha vẫn còn ở đây, còn gần lắm, gần ở trong trái tim này.

Cho nên, khi cha ra đi, để xứng đáng là một người con, chúng ta cố gắng giữ Giới, hành thiện, tin sâu vào Tam Bảo, tu tập sàng lọc, nghiên cứu lời của Phật để cho Tuệ Giác được bừng khai, hiểu thấu, để hãnh diện rằng Phật nói “Chết là khổ” chỉ dành riêng cho những ai bị đọa vào Tam Đồ khổ bởi khi còn sống tạo ra nghiệp ác, còn đối với chúng ta, sẽ không bao giờ đọa vào Tam Đồ khổ nữa bởi khi ta đã quy y Phật thì không bị đọa vào Địa Ngục, khi ta quy y Pháp không bị đọa vào làm Ngạ Quỷ, khi ta quy y Tăng không đọa vào làm thú. Nếu chúng ta giữ được Năm Giới miên mật và hành được Mười Điều Thiện nữa, tin tưởng vào lời Phật, nghiên cứu tu tập thì ta lại có cơ hội tạo nhân làm người, tạo nhân làm Chư Thiên hoặc sanh về cảnh giới Tịnh Độ tùy theo tâm cảm ứng mà hóa hiện ở những cõi thiện lành.

Tuyệt vời các bạn! Chết không phải là hết, chết chẳng phải là khổ cho những ai có sự chuẩn bị. Chết là khổ chỉ cho những ai không chú tâm khi nghe lời cảnh báo, cảnh tỉnh của Phật mà thờ ơ, quay mặt làm ngơ, xoay lưng bỏ trống, bơ vơ đi vào đời thì đó chính là những người sẽ bị đọa vào Tam Đồ khổ, chết là khổ cho những phận người như thế, còn những phận người như Bảo Thành và các bạn đồng tu với nhau, hiểu lời Phật, hít thở trong Chánh Niệm, đón Phật vào trong cuộc đời, đón nhận tha lực đại Từ đại Bi, năng lượng tình thương của Phật và nương vào Tuệ Giác của Ngài thắp sáng cuộc đời Trí Tuệ để ta đi vào trong vùng tăm tối nơi cõi đời này, sàng lọc và từ bỏ những Pháp ác, hành những Pháp thiện thì ta đã chuẩn bị đầy đủ tư lương và hành trang để đi về một cõi hạnh phúc hơn, nơi đó, cha của chúng ta đã ra đi trước và chuẩn bị một nơi cao trọng, thanh tịnh hơn để đón chờ ngày cuối khi ta trở về gặp cha.

Cha ra đi là để chuẩn bị cho các con, tức là chuẩn bị cho chúng ta trở về với cõi Phật bởi đời sống của cha là đời sống Đức hạnh và đạo đức. Chúng ta, những người làm con hãnh diện vô cùng bởi cha của ta thật kiêu hùng, kiêu hùng bằng gương Đức hạnh, bằng cả một cuộc đời thanh tịnh dù cha vẫn bước vào cuộc đời có hơn thua, có đỏ đen, có đúng sai, có xấu tốt, có vấp ngã nhưng cha vẫn là một người có Đức hạnh mãi mãi. Bởi cha là ngọn đuốc dẫn ta vượt qua trăm ngàn sự khó khăn trong cuộc đời, bởi cha là thái sơn để ta dựa vào, không bị sợ trước những hoang mang thử thách của cuộc đời, bởi cha là một bậc anh hùng, cha là người hùng trong trái tim của ta, cha vẫn còn trong trái tim của ta.

Hãy giữ Năm Giới cấm, hãy quy y Tam Bảo, nương vào Phật – Pháp – Tăng, hãy hành Mười Điều Thiện thì chết chẳng còn là khổ và ngày ta ra đi như ngày cha ra đi sẽ là ngày ta hạnh phúc vô cùng. Chết là cội nguồn sung sướng bởi chết là một sự chuyển tiếp từ ngưỡng cửa cuộc đời hiện thân trên cõi đời tới ngưỡng cửa bước vào sự hiện thân ở một cõi thiện lành hơn, ta đã có sự chuẩn bị hạnh phúc, cao tột đang đón chờ chúng ta.

Đừng sợ gì hết! Hãy trở về với Chánh Niệm hơi thở, hãy luôn luôn quán chiếu và đón nhận năng lượng tình thương và nhớ đến cha và nói rằng: “Cha ơi! Cha đã ra đi về cõi thiện lành bởi cả cuộc đời cha đã làm biết bao nhiêu chuyện đạo đức tốt đẹp, con sẽ học Phật và sẽ noi gương của cha để có một sự chuẩn bị tốt đẹp hơn bằng Chánh Niệm hơi thở Từ Bi quán, bằng thắp sáng đuốc Tuệ của Nam Mô TaMô TaMô ĐaRaHoang để nhìn rõ ở ngay ngưỡng cửa sanh tử Vô Thường từng sát na đó là một con đường đi về sự sống, sự sống mà Đức Phật đã nhìn thấy đó chính là cõi Niết Bàn hạnh phúc, dung thông với mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền trong tâm thanh tịnh, thiện lành.

Các bạn! Cha đã ra đi và ta sẽ mỉm cười mãi bởi ta khi nhìn lên trên trời vẫn thấy được cha, khi nhìn vào trong tim vẫn thấy được cha, ta nhìn ra cuộc đời vẫn thấy được cha. Cha vẫn còn đây dù thân xác cha đã ra đi, nhưng tình yêu, đạo đức của cha vẫn còn đây.

Hãy luôn luôn an trú trong hơi thở Chánh Niệm mỗi khi nhớ về cha. Nhớ về cha của ta hay nhớ về cha của những người bạn. Chúng ta hãy an trú trong Chánh Niệm đón nhận năng lượng Từ Bi của Phật Mu A Mu Sa, thắp sáng đuốc Tuệ Nam Mô TaMô TaMô ĐaRaHoang từ bỏ việc ác, giữ Năm Giới, hành nhiều điều thiện để như một phần công đức có được hồi hướng gửi cho cha như phần nhỏ tư lương trong những điều thật bé con đã tu gửi đến cha, gửi đến những người cha của những người bạn của chúng ta. Đó là những điều tuyệt vời nhất mà khi chết đi chẳng phải là khổ, mà chết là trở về cội nguồn vĩnh phúc, sung sướng vô cùng.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau. Mời các bạn!

“Thưa Phật! Trong Tứ Diệu Đế, Ngài đã dạy “Chết là khổ”, khổ này chỉ dành cho những ai không nghe được sự cảnh tỉnh của Phật, đâm đầu vào ác nghiệp cho nên chết sẽ đọa vào Tam Đồ khổ: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Con đã hiểu chết là khổ bởi làm việc ác nên đối với chúng con, chết là một sự sung sướng bởi giữ được Năm Giới, quy y với Phật – Pháp – Tăng, có sự chuẩn bị tư lương là thiện phước. Nguyện trong cuộc đời này mỗi người đều hiểu thấu để ngày cha ra đi hay ngày ta ra đi chính là ngày ta trở về.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng và phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật!

Các bạn ơi! Ta đồng tu xong rồi. Mời các bạn chắp tay vào ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương và thắp sáng đuốc Tuệ chúng con hiểu thấu ngày cha ra đi là ngày cha trở về với những thiện nghiệp để tái sanh về cảnh giới thiện lành, và chúng con nguyện ở trên đời này hành thiện, tích đức, giữ Giới, quy y Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng để tăng trưởng phước báu và nguyện thành tâm hồi hướng tới cha như những gì chúng con còn nhớ về cha. Nhưng cha ơi! Cha vẫn luôn luôn còn ở trong trái tim của chúng con.

Buổi đồng tu hôm nay nếu có chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho các nguyên thủ các quốc gia, biết ngồi xuống thành lập chính sách hòa bình cho thế giới để chấm dứt chiến tranh.

Chúng con cũng hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc xin, thuốc trị bệnh.

Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới chữa lành các bệnh nhân.

Và hồi hướng cho tất cả những ai còn đau khổ, phiền não được gặp Pháp Phật nhiệm mầu, tu luyện có được hạnh phúc và an lạc.

Hồi hướng cho các Chư hương linh, nhất là các hương linh của cha chúng con theo thiện nghiệp mà tái sanh về cảnh giới thiện lành.

Con xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts