Search

Bài 1321: Hơi Thở Thanh Bình – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Tới giờ chúng ta tu, mời tất cả mọi người hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con.

Mô Phật! Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ bàn tay phải vào lòng bàn tay trái bàn tay từ bi, đặt nhẹ nhàng ở giữa người ngay dưới rốn, trên bàn chân. Giữ cho thân tâm buông thư, lưng thẳng, cổ thẳng nhẹ nhàng. Tất cả chúng ta hãy trở về với sự thanh bình của hơi thở gắn kết với mười phương Chư Phật, đón nhận năng lượng tình thương lan tỏa khắp châu thân.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, cuộc sống trong những kỷ nguyên mở rộng mới có quá nhiều những chuyện được cập nhật hóa, tiến triển, phát triển thật nhanh. Cho nên nhiều người trong chúng ta đôi khi thấy không đủ thời gian để đón nhận những cái mới và đôi khi cảm thấy chới với bởi quá nhiều chuyện đổ dồn về cuộc sống hiện tại. Ngày xưa cuộc sống đơn giản, ông bà, cha mẹ có được nhiều thời gian thong thả với trời đất. Ngày nay cuộc sống khác rồi, sự thong thả như bóng ma chìm vào trong đêm tối, chẳng ai còn nhìn thấy. Ta cứ tiều tụy dần dần theo sự lo lắng của cơm ăn áo mặc, tiền tài và danh vọng. Thử hỏi còn đâu sự nhẹ nhàng, buông thư? Còn đâu được sự thong dong tự tại với đất trời? Còn đâu chúng ta có thể phiêu du cuối trời quên lãng giữa sự cơ cực, phiền lụy của cuộc đời? Trên đôi vai gầy tiều tụy của những năm tháng trôi qua chồng chất biết bao nhiêu lo âu và sợ hãi, xương cốt tính từng ngày cứ rời xa nhau, rụng rời, mệt mỏi. Và tưởng rằng trên đôi chân ngày xưa có thể đi vạn dặm, vạn hải lý xa mà vẫn dũng mãnh, kiêu ngạo, vẫn kiêu hãnh nay đứng đôi chút thì gối đã run, chân đã mỏi, lưng đã rã rời. Có lẽ hình như cuộc sống cứ êm đềm trôi qua như một vị tử thần ẩn tàng trong ta, giết cuộc đời mòn theo năm tháng mà ta không chú ý. Đến khi nhận thức ra thì ngỡ ngàng biết bao, khi ngỡ ngàng thì hoảng hốt và sợ hãi.

Cuộc sống hình như vẫn cuốn trôi theo dòng đời nổi trôi như vậy từ đời nào đó khi ta chưa sinh ra, và mãi mãi khi ta tận diệt rồi thì con người và sự sống hình như cứ phải đi theo làn ranh giới của cuộc sống muôn đời như thế. Hình như hiện tại Bảo Thành và các bạn đã quên đi thuở còn nằm ở trong bụng mẹ, mấy ai nhớ nữa. Sinh ra rồi là quên luôn ở trong bụng, chạy tung tăng hòa hợp với trời đất dần dần quên luôn mẹ.

Các bạn, hãy theo nhau trở về thuở ta chưa nhận thức và chưa biết, còn nằm trong bụng mẹ, thì từng hơi thở vào ra của mẹ tiếp truyền cho ta sự sống. Trong bụng ta thở là bởi vì nương vào hơi thở của mẹ, mẹ bình an – hài nhi bình an, mẹ sợ hãi – hài nhi sợ hãi, mẹ giữ được trạng thái thanh bình, hạnh phúc, thong dong, tự tại, mạnh khỏe thì hài nhi kia sẽ sung sướng, khỏe mạnh. Mà nếu mẹ phải trải qua thời gian khi mang thai cơ cực, trầm mình trong những lo lắng và sợ hãi, dằn vặt và lo âu thì hài nhi kia chắc có lẽ cũng thấp thỏm trong hơi thở cùng với mẹ. Ta trong bụng mẹ, ta gắn liền với hơi thở của mẹ, ta nương vào hơi thở của mẹ. Hơi thở có lúc trầm lúc bổng, lúc căng lúc sợ, lúc êm ái, nhẹ nhàng, thong dong. Ta cứ như thế, vận hành nương vào mẹ để được sống, để được trưởng thành và để thành người. Rồi cuối cùng ta cũng lộ diện trong cuộc đời như bao nhiêu con người khác. Hơi thở của mẹ khi xưa gắn kết, ta nương vào hơi thở của mẹ ta sống, ta lớn, ta trưởng thành, thì ngày ta chào đời thì các bác sĩ phải đánh thức chúng ta bằng đánh vào người, dùng đủ mọi hình thức để đánh thức não bộ hoạt động, để cho lồng ngực có thể hít vào thở ra, cho lá phổi được kích hoạt. Và thế, xưa nương vào hơi thở của mẹ, khi sinh ra ta nương vào hơi thở của trời đất để tồn tại. Cứ lớn dần với hơi thở tự nhiên chẳng ai chú ý. Lúc vui thì hơi thở phấn khởi, hình như mẹ có thể nghe được hơi thở của ta. Có lúc buồn hình như hơi thở cũng buồn, buồn não nề, hơi thở buồn lắm, mẹ hình như cũng qua hơi thở đó nhận biết được cái buồn để giúp ta. Cũng lớn lên có những hơi thở mệt nhọc của cuộc đời, thở một cái mà mệt não ruột, những người ngồi xung quanh cũng cảm thấy rụng rời chân tay. Biết bao nhiêu hơi thở được thể hiện trong cuộc đời, mà Bảo Thành và các bạn đã trải nghiệm. Hơi thở của sự sung sướng, sự sửng sốt, ngỡ ngàng, đau khổ, hồi hộp; hơi thở của sự chờ đợi canh thâu, của niềm hy vọng, của tuyệt vọng. Mỗi một cảm xúc của con người nó gắn liền với một hơi thở được thể hiện. Nếu bạn để ý bạn sẽ nhận ra, khi hồi hộp hơi thở dồn dập, khi sợ hãi hơi thở rất mệt, khi sung sướng hơi thở nhẹ nhàng, khi hạnh phúc hơi thở thanh bình.

Một năm trời qua có nhiều bạn chỉ nghe nhưng nhất định có nhiều bạn đã từng trải nghiệm. Có những con người không thể thở được một mình bởi những căn bệnh, để rồi phải mang cấp cứu trong nhà thương. Người ta cũng phải dùng hơi thở tiếp oxy để trợ lực cho sự sống. Bảo Thành cách đây ba năm rưỡi, khi Thân phụ bị bệnh, chuyến cuối cuộc đời về thăm cha chỉ vỏn vẹn có bốn ngày thôi thì ông cụ mất. Nhưng vẫn để lại trong tâm tư ấn tượng sâu sắc về giá trị của hơi thở mà Đức Thế Tôn đã thường nhắc nhở chúng ta. Lúc đó, cha của Bảo Thành không còn tự chủ  hơi thở để tồn tại sự sống bình thường, các bác sĩ phải gắn máy trợ thở tiếp oxy, trùm kín miệng bọc vô. Nhìn trong lồng ngực thoi thóp và bị sức đẩy của máy tạo hơi tiếp sức mới có thể tồn tại được. Bảo Thành thấy lời của Đức Phật giá trị tuyệt vời! Bởi cả cuộc đời của con người khi còn là hài nhi nương vào sức sống, hơi thở của mẹ. Để rồi khi chào đời sống giữa đất trời ta bị điều khiển bởi những cảm xúc tạo ra những hơi thở, mà phân loại thì có lẽ viết hoài không hết.

Các bạn, thuở nhỏ khi Bảo Thành ở miền quê có những bạn đồng liêu đi bắt dế. Chúng bạn của Bảo Thành rình con dế nó gáy, nằm sát bên chỗ gáy mà hơi thở hình như là hơi thở chờ đợi trong hồi hộp. Lồng ngực nó đập mạnh, trái tim dồn dập, hơi thở đã bị ức chế trong sự chờ đợi tiếng dế kêu bởi tới gần nó tắt rồi, muốn bắt được phải chờ. Nhưng hơi thở của sự hồi hộp chờ đợi đó mạnh quá, nó đập đến mức mà nó kêu, kêu đến mức mà đất trời rung chuyển, con dế sợ chạy ngay. Và thế là chẳng ai bắt được dế, đó là hơi thở của sự chờ đợi. Nhất định cuộc đời của các bạn đã có những chuyện chờ đợi và hơi thở như thế nào các bạn đã biết. Và khi còn nhỏ, ta có những lúc chờ mẹ chờ cha về dắt tới trường, chờ mẹ chờ cha mua đồ ăn; hoặc là dắt ta đi chơi. Cuộc đời cứ như thế, có bao nhiêu dạng hơi thở mà mấy ai chú ý đâu. Nhưng các bạn biết chính vì chúng ta không có chú ý đến hơi thở để rồi cảm xúc của mỗi người khi tương tác trong cuộc sống tạo nên tiền lệ khiến cho hơi thở mất bình tĩnh. Và từ đó nó thúc đẩy cảm xúc vượt trào quá giới hạn, làm cho chúng ta dễ lâm bệnh và dễ tốn sức khỏe. Trầm mình trong những cảm xúc khó làm chủ được.

Hôm nay chủ đề các bạn gửi về “Hơi Thở Thanh Bình”, hơi thở thanh bình từ đâu? Các bạn có khi nào có sự trải nghiệm được hơi thở thanh bình nhẹ nhàng như một người nông dân sau một ngày cuốc bẩm, lặn lội ở dưới ruộng, rồi mặt trăng vừa ló dạng gác cuốc xuống bên hông nhà, nằm trên nền đất nhìn qua mái tranh xen kẽ với sao trời chói và rọi vào là một ánh trăng tròn đẹp hay chưa? Người nông dân thật hạnh phúc cùng với hơi thở mộc mạc của khí trời, cùng với hương đồng gió nội, thơm ngát đồng đồng mạ và lúa. Hơi thở của sự thanh bình thư giãn, sau một ngày làm việc. Có lẽ hình ảnh này không còn, nhưng các bạn vẫn còn những hình ảnh của hơi thở nhẹ nhàng sảng khoái, khi xong công việc làm từ sáng tới tối trở về nhà chuẩn bị bữa ăn, ngồi vào bữa tiệc ban tối cùng với chồng vợ, con cái, cha mẹ, hoặc ông bà hạnh phúc biết bao. Ta có hơi thở cộng với mùi thơm của cơm nước, của đồ ăn, ta đã làm sạch cho cha mẹ và toàn gia đình thưởng lãm, hưởng dụng trong tình thương của mái ấm. Chẳng qua là chúng ta không để ý đến hơi thở mà thôi, chứ thực ra nếu chúng ta nếu để ý đến hơi thở thì phải biết khi là hài nhi trong bụng mẹ, không có hơi thở và nương vào mẹ ta chết. Khi sinh ra làm người hơi thở không được làm chủ, không hoạt động bình thường ta cũng chết. Và rồi hơi thở ra vào, nếu chúng ta thấy rằng sức sống gắn liền với hơi thở mà chẳng dành thời gian khám phá giá trị cao tột của nó, thì thật là uổng. Chẳng khác gì người có một kho tàng vô giá ở trong nhà mà chẳng biết sử dụng. Để cuộc đời như một kẻ ăn xin vất vưởng bên lề đường, van xin họ cho chút này chút kia để sống một đời sống ăn xin, ăn mày.

Chúng ta nhớ rằng, giáo lý của Đức Phật ngoài những lời cao siêu bởi vì có những chúng sanh cần phải nghe, thì Ngài luôn dìu dắt chúng ta trở về với sự sống chân thật của con người đó là gắn liền với hơi thở. Ngài hiểu hơi thở biểu lộ cảm xúc, cảm xúc tạo ra hơi thở, hai cái liên quan lệ thuộc chằng chịt để rồi tăng cấp độ làm cho cuộc đời thăng trầm mãi. Đức Phật đã nhận ra, nếu mỗi người chúng ta làm chủ được hơi thở thì mọi cảm xúc không như ý muốn sẽ dần dần tan biến. Và rồi ta sẽ khai triển và làm lớn mạnh những cảm xúc tốt đẹp do sự lựa chọn của chúng ta. Một trong những hơi thở mà Đức Phật thường xuyên nhắc nhở, đặt biệt thật là hữu dụng cho các Phật tử tại gia bận rộn sớm hôm, lao động cật lực, đó là hơi thở chánh niệm. Bây giờ ta gắn liền với hơi thở chánh niệm để nương vào năng lượng tình thương của Phật, hơi thở từ bi quán Mu A Mu Sa, là một hơi thở chánh niệm như khi xưa hài nhi nương vào hơi thở của mẹ. Sống thì nương vào hơi thở của trời đất, nhưng nay để có một sự sống thanh bình ta nương vào hơi thở chánh niệm từ bi quán. Để gắn kết, liên thông với năng lượng tình thương của Chư Phật. Thanh bình tìm ở đâu? Phải chăng ở trên cõi trời xa, nơi đó có Chư Thiên nhảy múa ca hát mỗi ngày với phước báu dư dả, đầy đủ? Hay ở trên những cõi của Chư Thần, hay ở hang núi, hang động, cung điện, hay những nơi đầy đủ đồ ăn, nước uống tiền tài dư, của cải thừa? Không! Sự thanh bình không tới từ vật chất hay từ những cảnh giới mông lung được diễn tả ở đời người, mà thanh bình tới ngay từ hơi thở. Hơi thở của chánh niệm, hơi thở của từ bi, hơi thở đó giúp cho ta ngày nay thấy được giá trị của đời người. Khi ta gắn kết với hơi thở của chánh niệm để ta nương vào năng lượng từ bi yêu thương của Chư Phật, tưới tẩm vào sự sống, tưới tẩm vào trong từng giây phút ta đang hiện diện trên cõi đời này. Để cõi đời, kiếp người đang hiện diện nơi đây, mỗi người chúng ta thực sự có hơi thở thanh bình, có đời sống thanh bình. Dù trước mặt chúng ta là sóng cuộn ầm ầm, sóng thần vỗ tới, biết bao nhiêu thử thách ngang trái, biết bao nhiêu những nghiệp quả tiền kiếp trổ ồ ạt kéo tới, ta vẫn thanh bình, thong dong, tự tại. Như lão tiều phu ngồi trên bè chuối mà vượt trùng khơi tới bờ. 

Các bạn thử hình dung, một lão tiều phu thật mộc mạc quê mùa nhưng ít nhất cũng kết bè bằng chuối, thong dong tự tại, vượt trên sóng gió của cuộc đời để cập bến về nhà. Hơi thở thanh bình, chánh niệm từ bi quán là cái bè giác ngộ, nơi đó ta nương vào Chư Phật, ta nương vào sự sống hiển lộ trong từng hơi thở của chánh niệm từ bi. Để luôn luôn làm chủ mọi cảm xúc, để thăng hoa cuộc đời bằng sự thanh bình từ thân và tâm. Đã đến lúc chúng ta phải trở về với chánh niệm hơi thở để làm chủ hơi thở và làm chủ mọi cảm xúc. Đừng đợi đến khi bác sĩ nhét ống vào miệng, bơm hơi vào, cuối cùng thành thây ma, chết ở mồ mả hoang lạnh ngoài đồng ngoài ruộng. Hãy chủ động trong hơi thở. Có khi nào các bạn hỏi một câu rằng tại sao Đức Phật là đấng giác ngộ, Ngài không dạy những giáo lý cao siêu gì đó để xuất thế gian thành Thần, thành những bậc lớn bay bay; mà Ngài chỉ nhắc nhở trong suốt 45 năm trời rằng: “Này các con, chúng đệ tử! Hãy luôn luôn giữ chánh niệm hơi thở”. Và trong pháp Thiền Vipassana (hay còn gọi là thiền Tứ Niệm Xứ); hay pháp Thiền Mật song tu của chúng ta luôn luôn chú trọng vào hơi thở vào ra, cặn kẽ từng chút. Dùng chánh niệm từ bi quán để lấy tâm với tánh thấy biết nhìn nhận, quan sát.

Cả cuộc đời chúng ta, chúng ta làm như vậy là y theo giáo lý chân truyền không dấu. Phật không dấu điều gì gọi là bí mật, huyền bí, có cơ duyên, Phật luôn hiển bày cho tất cả chúng sanh, ai đó hiểu giá trị đặt mình vào, bước tới lãnh nhận thì đều biết được chánh niệm hơi thở có giá trị cao quý vô cùng, mang lại cho ta một đời sống thanh bình. Đừng chờ đến khi về hưu già rồi mới tìm những cảnh giới du lịch đây đó cho hưởng được sự thanh bình – không! Mỗi một giây phút trong cuộc đời bận rộn, chúng ta lo lắng cho cơm ăn áo mặc, cho vợ chồng con cái, cho sự tồn tại trong kiếp nhân sinh vẫn có được sự thanh bình. Nếu ta luôn ứng dụng chánh niệm hơi thở vào đời sống của ta. Hơi thở thanh bình rất quan trọng và trong Thiền Mật song tu, hơi thở được đưa vào bằng mũi với tánh thấy biết, trầm qua phổi sâu xuống đan điền khí hải. Hơi thở thật sâu vừa chậm vừa lắng đọng trong tánh thấy biết, sâu xuống đại huyệt khí hải đan điền, tác động vào luân xa số 01 kích hoạt năng lượng tự thể vươn lên và từ đó làm cho thân của ta thư thái nhẹ nhàng. Với hơi thở ra, bụng ta hóp vào từ từ và trì mật chú Mu A Mu Sa để gắn kết trong từ bi quán, để luôn đón nhận được năng lượng tình thương tưới tẩm vào cuộc đời, đây chính là hơi thở thanh bình. Nếu tất cả chúng ta trong cuộc đời này nhận ra giá trị này, chúng ta miên mật tu tập, chúng ta làm chủ được chánh niệm hơi thở là làm chủ được tất cả mọi cảm xúc. Để chẳng còn sợ hãi khi những sự việc bất như ý nó tới. Để chẳng còn hồi hộp khi những chuyện không may nó tới. Những hơi thở dồn dập, sợ hãi, hồi hộp, chờ đợi nó nguy hại rồi; mà hơi thở của sân si nữa nó tăng ngọn lửa để tác động vào hành vi gây ra tội lỗi và nghiệp chướng. Người mà có hơi thở sân hung dữ vô cùng, mặt đỏ gay, mắt thì trợn tròn như muốn lòi ra bên ngoài, tay thì run rẩy, thân xác thì tiều tụy, tạo ra những hành vi gây nguy hại đến sức khỏe và đời sống của người khác. Miệng sẵn sàng phun độc để giết người, mắt sẵn sàng phun lửa để hại người. Hơi thở của sân rất nguy hiểm!

Ta sống ở đời, theo lời Phật dạy có sự lựa chọn và chọn một cách sống, chọn một sự huân tu để làm chủ được hơi thở chánh niệm từ bi. Để khởi nguồn cho một đời sống thanh bình, để khuôn mặt thêm phúc hậu tươi sáng, thân xác thêm lành mạnh, tự tại và thong dong. Để cuộc đời thực sự là thanh bình. Thanh bình để bước trên những điều gì ta có theo phước báu thành tựu của pháp thiện, để san sẻ yêu thương và để sống thực sự đích thực. Cứ nhớ thuở còn là hài nhi nương vào hơi thở của mẹ, sinh ra nương vào hơi thở của trời đất, người học đạo khi thọ Tam quy y và giữ năm giới, chúng ta phải nương vào hơi thở chánh niệm Phật dạy. Để đón nhận được năng lượng từ bi, tình thương của Phật.

Các bạn xem thường hơi thở chánh niệm là các bạn xem thường kho báu ở trong nhà, để suốt đời chỉ là kẻ ăn xin. Ở đời, sự việc nào cũng như thế, nếu có kho tàng, vàng bạc biết mà không ứng dụng được thì trở thành kẻ ăn xin. Trong cuộc đời đi tới học hỏi giáo lý giác ngộ của Phật, nếu có kho tàng chánh niệm hơi thở từ bi quán, mà không vận dụng được thì ta cũng sẽ trở thành kẻ ăn xin tâm linh. Kẻ ăn xin ở đời thì xin cơm xin áo, xin vàng bạc, tiền tài để sống; xin chỗ núp để ở, để che mưa trú nắng, đó là ăn xin của cuộc đời. Ăn xin tâm linh là gì? Tới chùa để xin xăm, tới chùa để xem ngày tốt ngày xấu, rồi biết tất cả như thành ngẫu tượng, thần tượng, thờ vật linh, cầu xin, bói toán, biến cục xi măng, núi đá thành vật linh, cái gì cũng linh thiêng hết. Bởi vì sao? Do ta không trở về kho tàng vi diệu mà Phật dạy đó là hơi thở chánh niệm từ bi. Cho nên, ta đã bị biến thành kẻ ăn xin đời sống tâm linh. Như người ăn mày được cho một chút tiền thì sung sướng, cho một chút đồ ăn thì hạnh phúc. Ta ăn xin tâm linh, tới đâu đó được một chút gì thỏa mãn với những nhu cầu ta đang muốn thì nhất định ta sung sướng biết bao. Miệng cứ lắp bắp, run rẩy, nói những lời tán thán mà chẳng hiểu rằng đó chỉ là một chút vật dư thừa của cuộc đời, làm ổn định tinh thần của bạn chứ chẳng thể chuyển hóa hết những nghiệp căn nơi tâm mà kiếp trước hoặc kiếp này bạn đã tạo ra. Do đó, chúng ta nhớ, trên đời ngày nay thật là nhiều người đang là kẻ ăn xin tâm linh, vái van, cầu nguyện, xin xỏ, rồi họ dần dần bị tẩy não đưa vào những sự tin tưởng ở chỗ này, chỗ kia quên mất lời của Đức Phật. Đức Phật dạy: “Duy tuệ thị nghiệp” – duy chỉ có trí tuệ mới chuyển hóa được nghiệp và duy chỉ có chánh niệm hơi thở mới thắp sáng được tuệ giác để chuyển xoay vòng nghiệp chướng.

Cuộc đời của ta đi tìm trí tuệ để giải thoát, chẳng phải nương vào bậc trí tuệ để được bậc trí tuệ đó giải thoát; mà nương vào bậc trí tuệ để được hướng dẫn, được dạy. Không cần biết là Chư Tổ đó ở quốc độ nào thì đều nói về lời của Phật – Phật Thích Ca Mâu Ni. Mà lời của Phật ngoài những ngữ nghĩa văn chương mà các chư Tổ ký tự sau này mang hàm ý cao siêu của con người chế tác. Thực ra chẳng có ý nghĩa gì. Với một phép quán trong hơi thở chánh niệm đã đầy đủ, bởi nếu bạn là con sâu, con mọt sách, đọc kinh, học thuộc, chất chứa cho nhiều mà chẳng thẩm nhập được hơi thở chánh niệm thì kinh sách, chữ nghĩa kia chẳng khác gì như rơm, như xăng được tẩm vào rơm và ngọn lửa của tham sân sẽ đốt cháy, thiêu sống các bạn trong đống văn chương mù lòa. Ta xây đời sống tâm linh bằng những tín ngưỡng dân gian, bằng những niềm tin chứ ta không xây dựng đời sống tâm linh bằng trí tuệ của hơi thở chánh niệm. Dần dần mà tạo ra biết bao  nhiêu sự đời rối rắm trong cuộc đời nói về tâm linh. Làm cho những ai đi vào đời sống tu tập thấy rối bởi quá nhiều chẳng biết đâu là đúng, đâu là sai. Bởi vì người ta tìm Phật nơi vật linh, nơi Thần linh, nơi niềm tin vào một điều gì đó để được giải thoát, chứ người ta không thấy Phật bằng chánh niệm hơi thở, bằng trí tuệ. Đức Phật dạy chẳng thể thấy ta trong kinh, chẳng thể thấy ta nơi tượng, nơi đài, nơi những tháp cao cổ kính, nơi những biểu tượng. Chẳng phải thấy Phật mà là thấy ma. Phải thấy Phật trong hơi thở chánh niệm, trong trí tuệ, trong từ bi.

Chúng ta ngày nay học Phật không cần biết các bạn ở độ tuổi nào để có một đời sống thanh bình – thanh bình cho tâm, cho thân được khỏe, nhất định phải trở về với hơi thở chánh niệm. Khi các bạn bị bệnh, tới bác sĩ thường khuyên phải đi bộ, phải tập thở, nhiều khi ta nghĩ kỳ cục quá, sinh ra ai không biết thở mà còn phải tập thở, phải không các bạn? Đúng! Ai cũng biết thở nhưng hơi thở của con người nếu không được tu luyện, huân tu, làm chủ, thì hơi thở đó gắn liền với cảm xúc, tăng cấp độ tạo cảm xúc dễ gây chết cho đời sống tâm linh. Cho nên hơi thở chánh niệm là một hơi thở cần phải được tu luyện để làm chủ. Làm chủ được hơi thở chánh niệm vào ra là làm chủ được tánh thấy biết, là làm chủ được mọi cảm xúc, là làm chủ được đời sống có thanh bình. Nếu không ta lệ thuộc vào mọi hoàn cảnh, nghịch cảnh cũng như thuận cảnh sẽ tạo ra những sự hồi hộp, lo âu, sung sướng chợt tới chợt đi. Như chớp, như huyễn, như bong bóng nước tới rồi nổ tung chẳng còn. Chỉ có hơi thở chánh niệm từ bi quán là hơi thở vĩnh viễn tồn tại trong cuộc đời của chúng ta. Là hơi thở thắp sáng đuốc tuệ, là hơi thở mang lại dưỡng khí oxy, tạo ra sức khỏe, kích hoạt luân xa, tăng trưởng tất cả năng lượng vi diệu từ đan điền khí hải. Như lửa Tam Muội của tâm đốt cháy mọi cái sân. Hơi thở chánh niệm đưa ta trở về tánh thấy biết, dung thông với Phật, đón được năng lượng từ bi ngay trong từng giây phút cuộc sống của hiện tại. Hơi thở không lo nghĩ lăn tăn, băn khoăn như ở đời, hơi thở tự tại, thong dong và thanh bình như ở cảnh giới Niết Bàn, như tiếp cận gần gũi với Phật. Như bao nhiêu lo âu, phiền muộn rụng rơi, như hạnh  phúc, như nước ở trong nguồn chảy ra trong suốt, như tịnh thủy lưu ly, như cam lô của Phật bà Quan Thế Âm.

Chúng ta nhớ, cuộc đời là một sự lựa chọn, đừng phung phí để cho đời đẩy ta ngang dọc, ngược xuôi – đông tây nam bắc. Đời cần có sự lựa chọn bằng sự tỉnh thức và trí tuệ. Và để tỉnh thức trí tuệ chỉ có hơi thở chánh niệm từ bi quán mới giúp các bạn có một sự lựa chọn minh mẫn, sáng suốt để có một đời sống thanh bình. Biết bao nhiêu những người tu pháp môn này, tu pháp môn kia xem thường chánh niệm hơi thở, thì các bạn chỉ cần nhìn vào đời sống tạo tác của họ. Họ có thể nói kinh Phật, họ có thể dạy biết bao nhiêu điều cao quý của Phật, của Tổ, của pháp môn này pháp môn kia. Nhưng khi đụng chuyện tâm sân của họ như núi lửa ngàn đời phun lên chôn vùi hết cả thế giới. Khi họ đụng chuyện không như ý, tâm sân của họ tràn ngược lên trên phổi, tuôn ra từ miệng biết bao nhiêu những ngôn ngữ thô ác họ phun ra như nọc độc của rắn. Khi đụng chuyện không hài lòng, tâm sân của họ trào ngược, run rẩy lên bàn tay để từ đó tạo ra biết bao nhiêu thảm họa từ những ngôn ngữ này ngôn ngữ kia họ viết xuống. Và rồi tư tưởng của họ như cuồng phong, như sóng thần cuốn trôi đi biết bao nhiêu đức hạnh những điều cao cả của ông bà, cha mẹ, của những bậc thầy tổ đã giáo dưỡng họ. Họ đã quên mất bản thân, họ đánh mất tất cả những ý nghĩa cao đẹp mà họ từng nhắc tới trên cửa miệng hoặc viết xuống trên bàn tay. Bởi vì sao? Họ chẳng bao giờ đi vào sự thẩm nhập hơi thở chánh niệm, họ hời hợt trên mặt nước. Nếu ở trên mặt nước chỉ có bèo, rong rêu, lục bình, họ phải gạt những sự hời hợt ở trên mặt thì mới thấy được nước trong suốt ở dưới để nhìn thấy tận đáy. Hơi thở chánh niệm từ bi quán là hơi thở gạt đi bèo bọt, rong rêu, lục bình để có cơ hội nhìn sâu vào tâm tư của chúng ta, suy nghĩ của chúng ta, cảm xúc của chúng ta, nhìn xuống tận đáy. Để nhận thấy, biết rõ để buông để xả và để thành tựu sự thanh bình. Hãy nhìn vào những ngôn ngữ người ta sử dụng khi đối đãi, hãy nhìn vào hành động của họ khi họ đã ứng xử. Hãy nhìn vào những văn chương, chữ nghĩa khi người ta viết thể hiện tâm sân thì đủ biết rằng họ chưa trở về với chánh niệm hơi thở. Miệng thì nói hay lắm nhưng khi đụng chuyện lửa phun ra ào ào, như máy thổi thiêu rụi hết tất cả.

Các bạn, đời sống thanh bình sẽ có được khi hơi thở thanh bình thực sự bằng chánh niệm hơi thở từ bi quán. Thiền Mật song tu là một pháp thở chánh niệm từ bi. Từ bi quán chánh niệm hơi thở nói đi cứ nói lại để ta thông và hiểu, là hơi thở của mẹ hiền Quan Thế Âm, là hơi thở của lòng từ bi. Hơi thở của bậc giác ngộ, hơi thở mang năng lượng tình thương tới cho mọi loài chúng sanh. Đó là hơi thở thanh bình tuyệt vời! Biết bao nhiêu gian khó, thử thách, nặng nhọc của cuộc đời đều tiêu tan. Bao nhiêu những cái khổ, phiền não, đau đớn, những nỗi niềm của cuộc sống đều biết mất trong một sát na, trong một giây phút nếu ta thấm nhuần và thấy biết thật rõ, làm chủ được chánh niệm hơi thở từ bi quán, thì ta sẽ gạn lọc được tất cả những rác rưởi của cuộc đời quăng vào ta hoặc do ta tạo ra. Hơi thở thanh bình chính là hơi thở của Thiền Mật song tu, chánh niệm từ bi quán. Nếu các bạn không thể xây dựng cuộc đời bằng hơi thở từ bi quán thì tất cả những sự mong cầu của các bạn dù ở một pháp môn cao tột được truyền tới, dù một bậc Minh Sư ấn chứng, làm lễ quán đảnh truyền đăng hay chỉ một cách gọi là mật truyền cũng chẳng có tác dụng. Tất cả mọi pháp của Chư Phật chỉ có thể tác dụng khi ta biết làm chủ hơi thở chánh niệm từ bi quán. Phải biết ứng dụng, thực tập muôn pháp ta học, muôn phương tiện ta tiếp cận còn không chỉ như một mớ đồ chơi khi em bé sinh ra người mẹ, người cha mua thật nhiều đồ chơi đổ trên sàn nhà cho trẻ con chơi. Các pháp của nhà Phật, của Chư Tổ dạy nay biết thành đồ chơi ngạo mạn để ta khoe. Có khi nào ta nhớ em bé được tặng đồ chơi không? Nó mang đi khoe bạn bè: “Tôi có đồ chơi mới, có game (trò chơi) mới nè bạn ơi!”, sau đó chơi một thời gian nhàm chán chẳng có tác dụng. Chúng ta phải chơi một trò chơi trí tuệ, trò chơi của sự giải thoát khỏi luân hồi đau khổ, trò chơi của chánh niệm hơi thở từ bi, trò chơi để tạo thành cuộc sống thanh bình và hạnh phúc. Sao cứ chơi những trò chơi mà người ta tạo ra bằng nhựa, bằng sắt chỉ vui trong chốc lát, biến cuộc đời thành tư vọng. Hãy chơi trò chơi giác ngộ, hãy chơi trò chơi chánh niệm hơi thở để thực sự có một đời sống thanh bình vĩnh viễn. Để hưởng được sự an lạc tột cùng vĩnh hằng.

Các bạn, phải hiểu được giá trị này. Và phải mang tầm cao của hơi thở chánh niệm từ bi quán trong Thiền Mật song tu áp dụng, ứng dụng và tu luyện thường xuyên để thành tựu được thanh bình. Thanh bình không ở đâu xa nó ở ngay trong hơi thở chánh niệm. Mỗi người chúng ta đều có khả năng làm được điều này. Mỗi người chúng ta đều có đầy đủ và dư dả phước báu để thành tựu chánh niệm hơi thở và từ bi quán. Hãy cố gắng vượt qua mọi chướng ngại. Mỗi khi ta muốn thành tựu một pháp an lạc nào đó thì những dòng nghiệp thức, chướng ngại nhiều đời của ta nó tồn đọng, nó không thích. Bởi vì ta sắp từ bỏ chúng, nên chúng níu kéo, bám víu, cột chặt ta lại. Cho nên khi các bạn trở về với hơi thở chánh niệm từ bi quán, những sự vụn vặt, chướng ngại của cuộc đời chẳng có gì đáng ngại. Chỉ cần chuyên chú vào chánh niệm hơi thở từ bi quán, những điều đó phải dần dần rời xa, rời xa cái tâm, cái trí tuệ của người đã tiếp được năng lượng tình thương của Phật qua mật ngôn Mu A Mu Sa.


Các bạn, hãy trở về với chánh niệm hơi thở và đặt bàn tay trí tuệ cùng với bàn tay từ bi vào với nhau, để chúng ta thành tâm trong chánh niệm hơi thở từ bi quán đón nhận năng lượng tình thương của Phật.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Khai sáng cho chúng con thực hành hơi thở chánh niệm để có được sự thanh bình trong cuộc sống. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Các bạn thân mến, chúng ta đi vào đời sống chánh niệm hơi thở để làm sáng tỏ trí tuệ, thấu rõ được lời của Phật dạy. Trong suốt 45 năm trời Đức Phật dạy, Phật chưa bao giờ nói ngọn núi này linh thiêng để ta đi tới đó quỳ lạy, nhiễu quanh. Phật chưa bao giờ nói cái cây này linh thiêng, ta phải tới đó cầu xin và quỳ lạy nhiễu quanh nó. Phật chưa nói ngôi chùa này linh thiêng ta phải đi nhiễu quanh, quỳ lạy xin xỏ. Phật chưa bao giờ nói đình miếu, các tháp xây dựng của loài người gọi là linh thiêng, hội tụ mười cõi Chư Phật ở đó. Phật chưa bao giờ dạy. Cho nên nhiễu quanh, thờ lạy, xây đình miếu, tất cả thứ đó chỉ là xây dựng một sự biểu tượng, và qua biểu tượng đó nhắc nhở chúng ta về chân lý chánh niệm hơi thở của Phật mà thôi. Đừng xây dựng lên rồi biến thành vật linh để chúng ta thờ, quỳ lạy, nhiễu quanh. Rồi ta tán tụng rằng đây là cái linh thiêng nhất bởi nơi đây bằng xi măng, cốt sắt, công sức của con người, vật liệu xây dựng lên Phật phải tới đó để ngự, để mà cúng đình – chẳng phải! Phật ngự ở đâu? Mười phương Chư Phật ở đâu? Mười phương Chư Phật và Chư Phật ba đời luôn hiển ngự trong chánh niệm hơi thở từ bi quán. Chẳng phải ở những lâu đài, tháp kiểng, chùa chiền, biểu tượng, tượng đài mà ở ngay trong hơi thở chánh niệm. Còn những cái gì con người tạo tác ra chỉ là biểu tượng để khắc ghi lời Phật dạy, nhìn vào biểu tượng của các tôn tượng, chùa chiền, tháp, các nơi tâm linh thờ tự tu tập, thấy rằng nơi đó chỉ là trường học, tới để quán chiếu lời Phật qua biểu tượng đó. Còn ngày nay kinh sách dư dả để ta nghiên cứu. Tất cả đều là chuyển thông thông điệp sự sống trí tuệ qua sự tu tập. Nhưng thực sự nếu nói Phật ở đâu? Mười phương Chư Phật hiển ngự ở đâu? Bảo Thành tin chắc mười phương Chư Phật hiển ngự trong từng sát na của hơi thở chánh niệm từ bi. Các bạn cứ thử đi, các bạn hít thở đúng chánh niệm từ bi quán, các bạn sẽ có được sự cảm ứng gần gũi với mười phương Chư Phật. Chỉ có hơi thở mới theo ta suốt cuộc đời, còn những vật linh, núi linh, cây linh, thần linh, chùa linh, biểu tượng linh, tháp linh, chỉ là sự đặt để của thế gian, của con người.

Vậy nên trong suốt cuộc đời 45 năm trời Đức Phật dạy, lời của Đức Phật luôn luôn chuyên chú tới hơi thở chánh niệm từ bi quán. Sau này các Chư Tổ để tưởng nhớ đến Phật khi đi xa mới đúc tượng, tạc tượng Phật, mới làm chùa, làm miếu, làm đình, làm tháp nhiều hơn. Như một biểu tượng để cho những thế hệ sau này có có hội nhìn qua biểu tượng mà đi vào chân lý để thực hành. Nhưng ngày nay, biểu tượng đã biểu tượng đã biến thành chân lý, còn chân lý thì biến thành rác rưởi. Thông điệp, lời dạy của Phật nhẹ như gió thoảng ngang tai chẳng ai nghe. Thấy một vật linh, đền linh, chùa linh, tháp linh như người ta hay nói thì liền bỏ hết mọi công sức, tiền tài đi tới đó quỳ lạy, nhiễu quanh. Nhưng chân lý trao truyền qua lời dạy của Phật thật dễ chẳng phải đi đâu xa, chẳng phải tốn tiền, tốn sức mà đi trở về thẩm nhập trong hơi thở chánh niệm lại xem nhẹ, mau quên. Cho nên từ đó, cuộc sống của ta mới không gặp được sự thanh bình, mà thường xảy ra bất bình.

Các bạn thấy chưa? Chẳng có thanh bình chỉ có luôn bất bình với mọi sự, bởi ta đã vô tình quên lãng lời Phật dạy. Hãy trở về với hơi thở chánh niệm để nhớ rằng hơi thở thanh bình là hơi thở của Thiền Mật song tu, hơi thở của chánh niệm từ bi quán. Đây là hơi thở linh thiêng diệu vời, bởi trong hơi thở chánh niệm này ta phát huy tánh thấy biết, và ta nhận thấy và biết được Phật gần gũi với ta ngay trong hơi thở chánh niệm. Mười phương Chư Phật, ba đời Chư Phật chỉ ở trong hơi thở chánh niệm từ bi quán mà thôi. Phật không ở trong chùa, không ở trong đền, trong miếu, trong các tháp được gọi là linh thiêng. Không có cái gì linh thiêng bằng hơi thở chánh niệm bởi vì thiếu hơi thở ta chết, thiếu chánh niệm ta không biết, không thấy và ta không có một đời sống thanh bình chỉ tồn tại trong sự bất bình với tất cả mọi vật, mọi người, mọi hoàn cảnh. Để rồi sống than van, sống khổ, sống cứ trách cứ.

Hãy đặt bàn tay phải trí tuệ vào lòng bàn tay trái từ bi, ta vận hành 07 biến vi diệu âm chánh niệm hơi thở từ bi quán.

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu ra không có một ngôi chùa, đền miếu, một bảo tháp, một vật, một núi, một rừng cây linh thiêng mà chỉ có chánh niệm hơi thở mới mang lại sự tỉnh giác và yêu thương. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

 Thưa Phật! Bao nhiêu năm qua chúng con đã để cho cuộc đời trôi nổi theo những hơi thở buồn vui, sợ hãi, hồi hộp, sân giận. Để hùa vào với những cảm xúc bắt hại, nay nguyện xin trở về với hơi thở thanh bình, làm chủ tự tâm, thắp sáng đuốc tuệ. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Thưa Phật! Người ta nói chùa linh, vật linh, tháp linh nhưng Phật nói hơi thở chánh niệm mới thanh bình. Con nguyện nghe theo Phật trở về với chánh niệm từ bi quán hơi thở. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chỉ có hơi thở chánh niệm từ quán mới mang lại sự thanh bình cho cuộc sống. Nguyện một lòng huân tu để thành tựu được chánh niệm hơi thở. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con đã biết hơi thở của cảm xúc tạo ra cuộc sống bất bình liên tục, hơi thở của chánh niệm từ bi tạo ra cuộc sống thanh bình và tự tại. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện trở về với hơi thở chánh niệm từ bi quán, để thắp sáng đuốc tuệ, soi dẫn cho con đi vào cuộc đời có được cuộc sống thanh bình và tự tại. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Khi còn là hài nhi, chúng con nương vào hơi thở của mẹ để sống, khi vào đời nương vào hơi thở của trời đất để tồn tại, khi hiểu đạo chúng con nương vào hơi thở chánh niệm từ bi quán để đón nhận năng lượng tình thương của mười phương Chư Phật. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Chúng ta tu xong rồi, các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Con nguyện xin mười phương Chư Phật chứng minh rằng chúng con nay đã hiểu, khi xưa nhập thai mẹ thì hài nhi nương vào hơi thở của mẹ, sinh ra vào đời nương vào hơi thở của trời đất, thọ Tam Quy Y,  ngũ giới thì nương vào hơi thở chánh niệm từ bi quán, nương vào năng lượng thanh tịnh của Phật để có được một đời sống thanh bình, tự tại. Nguyện một lòng an trú trong chánh niệm hơi thở từ bi quá. Chúng con thành tâm hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia để họ biết ngồi lại với nhau thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện hồi hướng tới các nhà khoa học ngành y, ngành dược chế tạo thật nhiều vắc-xin và thuốc trị bệnh. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên toàn thế giới chữa lành các bệnh nhân. Hồi hướng cho tất cả những chúng sanh nào còn đau khổ, phiền não và cuồng ngạo tìm được hạnh phúc, an vui và khiêm tốn. Hồi hướng cho tất cả các chư vị hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành.

Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh. 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts