Search

Bài 1269: Trao Nhau Ân Tình – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh biên tập

Mô phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô, cùng các bạn đồng tu ở trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu với nhau, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực để chúng con biết sống trao cho nhau ân tình.

Mô phật! Các bạn thân mến, giờ đồng tu hôm nay trong ngày thứ hai đầu tuần của năm mới, chúng ta hãy cùng nhau đi thẳng vào hơi thở chánh niệm, mật chú Mu A Mu Sa. Để tánh thấy biết của chúng ta thường trụ trong hơi thở, nương vào sức mạnh của tình yêu siêu thế nơi tha lực của mật chú Mu A Mu Sa. Nhìn thấu kiếp của con người nơi mỗi chúng ta để chúng ta cùng nhau sống, trao nhau ân tình của người con Phật trong sự tịch tĩnh, trong sự tinh khiết, trong hiểu biết thật rõ về nhân quả thiện ác mà Đức Phật đã khai thị cho chúng ta.

Các bạn nhớ trong hơi thở này, nhớ đi vào từ mũi đưa thật sâu xuống phần dưới của cơ thể, phình bụng ở dưới ra khi hít vào để kích hoạt năng lượng tự thể của thân được khai mở từ vùng luân xa số 01 (đan điền khí hải), dẫn dần lên các phần của cơ thể thuộc các luân xa tiếp tục tới đỉnh đầu. Tại sao? Bởi chúng ta cần dưỡng thân phương tiện này với năng lượng vốn có. Cho nên không có gì phải xa lạ, đúng sai mà đây là điều rất cần và phù hợp. Sau đó, chúng ta thở ra bằng miệng trì mật chú Mu A Mu Sa, hóp bụng vào. Trong hơi thở ra này, chúng ta sẽ tiếp đầy năng lượng. Phật tử nhớ rằng, năng lượng này là năng lượng từ bi do mật chú Mu A Mu Sa mà chúng ta đón nhận được từ Phật. Cho nên, Phật tử chúng ta khi cảm nhận được, cảm ứng được với năng lượng này, hãy để tự nhiên cho nó lan tỏa. Chỉ dùng tánh thấy biết, quán chiếu nhìn như nhìn thấy với thấy biết như thị (như nó), không sai biệt, không dính mắc. Chúng ta sẽ mang lại thật nhiều lợi lạc cho tâm tinh khiết của mình được bừng sáng.

Hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, để chúng ta bắt đầu.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và gia trì Phật lực để chúng con biết trao nhau ân tình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô phật! Các bạn thân mến, trong hơi thở rất bình thường chúng ta đã tu tập cùng với nhau trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn, kênh facebook Chùa Xá Lợi. Nó thật đơn giản, chỉ có hít vào thở ra kích hoạt năng lượng tự thể, dừng tâm, trú tâm, trụ tâm trong hơi thở đó. Để Bảo Thành và các bạn có cơ hội nhìn thật rõ như lời Đức Phật khai thị. Và truyền dạy cho chúng ta đó là tất cả các pháp hữu vi trong cuộc đời lui tới đều vô thường (có nghĩa không bao giờ tồn tại mãi mãi). Bởi nhìn thấu, nhìn rõ cho nên lời khai thị của Đức Phật được ứng nghiệm hiển mầu, chúng ta biết được từ đó không bám víu, chấp vào nữa. Khi các pháp hữu vi hiển lộ trong cuộc đời như một phương tiện tới để chúng ta sử dụng, chúng ta sử dụng theo đúng nhân quả thiện ác để mang lại lợi lạc cho muôn người, khi nó còn hiện hữu, khi nó còn có thời gian ở ngay đó với ta. Còn khi nó đi ta nhẹ nhàng buông để nó đi, cứ như vậy cái tới ta ứng dụng phù hợp ngay trong hiện tại, cái đi ta nhẹ nhàng đi. Bởi biết được sự vận hành của sự vô thường trong các pháp hữu vi, ta bớt khổ, bớt phiền não, bớt sân giận, chuyển được tham, làm sáng trí tuệ, vơi đi sự vô minh. Không những thế, song hành với hơi thở này, chúng ta không còn đơn độc như con sói hoang ở trên sa mạc nữa mà chúng ta thật vui, thật hạnh phúc. Bởi có mười phương Chư Phật, chư Bồ Tát Thánh Hiền, Chư Thiên, Long Thần, Hộ Pháp luôn đồng hành với chúng ta. Do chính mật chú Mu A Mu Sa gắn kết qua tha lực Phật điển, năng lượng tình yêu của đấng giác ngộ.

Các bạn, thật là nhiều lúc trong cuộc đời của mỗi một người chúng ta khi tìm hiểu về Phật giáo, vì rơi vào sự suy nghĩ rằng Phật giáo thật là khác. Gặp gì trong cuộc đời cũng sợ, cũng phải lìa xa, bởi sợ dính vào tâm tham-sân-si, vô minh. Rồi chúng ta lại bị rơi vào trong tư tưởng rằng Phật không ở trong đời, phải tách ra, tránh xa không được tiếp xúc. Và cứ như vậy chúng ta hình thành một suy nghĩ rằng Phật giáo rất tiêu cực. Ăn không dám ăn, uống không dám uống, mặc không dám mặc, xài tiền không dám, làm việc cũng không dám, đụng cái gì cũng như toàn là độc dược sờ vô là sẽ bị chết, bị tạo nghiệp, làm cho con người bị lúng túng, sợ hãi, lo âu. Và rồi những người chưa học Phật, hoặc thuộc các tôn giáo khác mượn vào ngay sự lo lắng, sợ hãi, không thấu hiểu của chúng ta, cũng hình thành tư tưởng như ta, nói ra một câu Phật giáo thật tiêu cực. Cái gì cũng sợ làm sao mà sống? Sống hiện tại không lo mà diệu vời nghĩ tới kiếp sau chẳng ai hay. Do đó, Phật giáo bị phủ một màu hoang mang trên thương hiệu không mấy tốt đó gọi là tiêu cực. Rồi Phật giáo phải bỏ cha bỏ mẹ, bỏ vợ bỏ con, bỏ chồng, bỏ nhà cửa, bỏ tất cả, bỏ hết cho đến khi không còn một cái gì. Trốn vào rừng sâu núi thẳm, nơi hoang mạc xa xôi, nơi đó chỉ có một mình, hít thở – sống – giác ngộ rồi chết. Có lẽ có hình thành những tư tưởng như vậy. Bởi không hẳn chỉ có các bạn đâu, mà thuở xưa Bảo Thành cũng có một chặng đường tuổi trẻ suy nghĩ như vậy. Lúng túng, luẩn quẩn hoài trong luồng tư tưởng đó như bị nhốt vào trong ngục tù không thoát ra được. Nhưng nương vào trí tuệ của thầy Tổ hướng dẫn, chân lý của Phật, rồi cố gắng tư duy phá vỡ được tư tưởng đó. Nên nhận biết thật rõ Phật giáo không phải phải trốn tránh tất cả những phương tiện vô thường, dù vẫn biết đó là pháp hữu vi lui tới như nhà cửa, xe cộ, tiền tài, vật chất, cơ thể này, con người này. Như cuộc sống này, như cha như mẹ, như vợ như chồng, như con cái , như những người trong nhân thế. Tất cả điều vô thường, vẫn biết sống trong đó rồi sẽ mất, không có một điều gì có thể tồn tại mãi, người tới đó rồi cũng trở về cát bụi, tiền có đó rồi cũng trở thành phấn thổ mà thôi – đúng! Nhưng không phải như vậy mà chúng ta cho rằng ta không cần gì phải lánh xa hết, mà chúng ta lại cần phải thật gần để hiểu thấu những pháp hữu vi khi có đầy đủ phước báu nhân duyên. Các pháp hữu vi đó, các phương tiện đó vẫn còn đây nơi đây với chúng ta, để chúng ta hiểu thấu hiểu rõ, ứng dụng và làm cho nó tăng phần lợi lạc cho cuộc đời. Chẳng cần trốn sâu vào rừng sâu, núi thẳm, hoang mạc, hay trong những hang động, hay trốn dưới đáy biển sâu, hay lên cung trời cao – không cần! Cứ ở ngay cuộc đời này, ngay chỗ các bạn đang đứng, ngay thế của gia đình các bạn đang hưởng, phương tiện đang có đó chính là phước báu. Và theo như lời Phật hiểu thấu ứng dụng, đây mới là sự tuyệt vời mầu nhiệm, không cần gạt bỏ tránh xa.

Hôm nay, chủ đề chúng ta nói “Trao Nhau Ân Tình”. Trong chữ “ân tình” của nhà Phật nó cũng cao rộng muôn trượng, không phải nhỏ hẹp như thủ chấp tình người để cho chúng ta bị xa và bị lầm tưởng trong ái dục. Trong tình của con người chấp thủ, trao nhau ân tình của nhà Phật, trao cho nhau chẳng giữ chẳng chấp, chẳng ôm, chẳng khư khư ích kỷ cho riêng mình (chồng tôi, vợ tôi, cha mẹ tôi, thân xác của tôi, nhà cửa của tôi, tiền tài của tôi, quyền lực của tôi,…), cái gì cũng tôi – không! Trong chữ trao nhau ân tình là trao cho nhau tất cả, sống một cuộc đời biết hiến dâng, biết trao đi. Trong ân tình của người con Phật hiểu thấu pháp hữu vi, vô thường sanh diệt tới lui hiện có rồi mất. Không nắm bắt ôm giữ, mà biết ứng dụng hiện hữu ngay trong cuộc đời khi nó tới, để tạo nên ân tình cho con người sống hạnh phúc và bình an, tránh tạo những cảm xúc đau khổ, buồn phiền, ai oán. Để rồi những năm tháng trong cuộc đời đâu đó, vẫn còn gảy lên trên cây đàn mà dây chẳng có, chỉ có tiếng lùng bùng làm cho lỗ tai khó chịu, làm cho lòng người đau đớn.

Các bạn, chúng ta không nói như vậy để mượn vào lý thuyết, đi vào cuộc đời của Đức Phật đi để chúng ta thấy Đức Phật là người thực sự cắt được ái dục, nhiễm ái, ly trần tẩy tục. Nhưng không bao giờ khô khan tình người, Ngài vẫn luôn trao cho tất cả mọi người ân tình của Ngài. Như vậy, đời sống của Đức Phật đã chứng minh Phật giáo – chân lý hằng sống không phải là con đường khô khan trong tình cảm, nhưng ân tình trong tình cảm của bậc giác ngộ dạy dỗ cho chúng ta phải như thế nào nó mới trở thành thuần khiết, thanh cao, trở thành quý trọng, nhiệm mầu, siêu phàm nhập thế để cho chúng ta sống đời an vui.

Nhớ, khi Đức Phật sinh ra vỏn vẹn có 07 ngày thì thân mẫu của ngài là Hoàng Hậu Maya liền kìa cuộc đời. Như vậy, 07 ngày với tuổi thơ như vậy, lúc đó còn là một em bé còn rất nhỏ, chưa có cảm giác mẹ đã mất đâu. Bởi vì lúc đó em bé Thái Tử Tất Đạt Đa như tất cả mọi em bé loài người khác, có cảm xúc, có nhận biết nhưng 07 ngày tuổi đời thì còn quá nhỏ để nhận biết. Thế nhưng khi Ngài hiểu thấu được mẹ đã mất, khi giác ngộ rồi, Ngài vẫn không quên ân tình của mẹ. Trong những đoạn cuối của cuộc đời (theo như kinh sách Đại Thừa diễn tả) Ngài đã lên cung trời Đâu Xuất 30 ngày. Hiện thân trên đó diện kiến mẫu thân (hoàng hậu Maya) thuyết Phát, giảng kinh Địa Tạng, để đền đáp ân tình của mẹ đã cưu mang tạo ra chính bản thân của mình. Mà trong kinh của tạng Nguyên Thủy PaLi thì nói rằng 30 ngày đó, Đức Phật đã dạy kinh Vi Diệu Pháp. Chúng ta nhớ, hình ảnh mà Đức Phật phải đi lên tới cung trời để thuyết pháp, để hướng dẫn là để đền đáp ân tình của mẹ. Hình ảnh này nói cho chúng ta thấy, Đức Phật của chúng ta, Thầy của chúng ta là người sống trọng ân, trọng nghĩa, trọng tình, là người biết trao ân tình dù Ngài đã giác ngộ. Chứ không phải khô khan, sợ hãi như bao nhiêu lời đồn thổi là Phật tránh xa, lìa bỏ, sợ. Để rồi trong ngày hôm nay, khi chúng ta tiếp xúc với người này người kia, tiếp xúc với pháp hữu vi ta rụt tay sợ hãi vì sợ nhiễm vào tham ái, chấp, sân si – không phải! Người đã giác ngộ thì Ngài biết trao đi ân tình, Ngài trọng nghĩa trọng ân, bởi vậy Ngài mới dạy đạo Tứ Ân (ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân các bậc giáo dưỡng tinh thần, ân tổ quốc ân đồng bào). Chúng ta thấy đó là Tứ Ân, trong Tứ Ân Phật dạy như vậy, nếu hiểu thấu phải khẳng định rằng Đức Phật là một bậc giác ngộ nhưng trọng nghĩa trọng tình, là người biết luôn luôn trao ân tình tới cho muôn người, không có phân biệt đâu. Mẹ đã mất tới cung trời rồi mà Đức Phật vẫn lên trên đó để gặp mẹ, chứ không phải là người đi tu để xa rời cha mẹ, quên tình, quên nghĩa quên ân. Người mà quên ân tình của cha mẹ thì chẳng giữ đúng đạo Tứ Ân của Phật. Phật làm gương Phật không quên, không hẳn là chỉ có mẹ mà khi giác ngộ Đức Phật còn về để tiếp xúc với vua cha Tịnh Phạn, để mang nhân duyên, lợi lạc của Pháp Phật, sự trí tuệ hiểu biết để vua cha Tịnh Phạn có cơ hội hiểu được. Đúng – lúc gần lìa đời, chính vua cha Tịnh Phạn đã nương vào sự khai thị của Đức Phật mà được siêu thoát. Ân tình của cha mẹ đó, ân nghĩa đó, đấng giác ngộ sống trọn vẹn. Chẳng phải xuất gia như một bậc xuất sĩ đầu tròn áo vuông như vậy rồi quên cha quên mẹ quên, quên ân tình của những bậc Sư Trưởng, bậc Thầy Tổ, của những vị Thầy, của những đấng ở bên trên giáo dưỡng, che chở, dạy dỗ – không! Ân tình trong đạo Phật thâm sâu nhiệm màu, bởi vì nó không còn ân tình đối xử với cha với mẹ, với thầy Tổ, với bạn bè, với bao nhiêu con người khác bằng sự cầu lợi cầu danh, bằng sự ôm vào chấp giữ, mà bằng sự trao đi tất cả vì một lý tưởng và một chân lý duy nhất đó là mang hạnh phúc, mang ánh sáng giác ngộ tới để trao cho tất cả những người ta có ân nghĩa. Đây là một thể loại ân tình của bậc giác ngộ đã đánh thức trong mỗi người chúng ta, để chúng ta thấu rõ rằng Phật tử không khô khan tình cảm. Các bạn nhớ, Phật tử chúng ta không khô khan tình cảm và đặt biệt chân lý của Phật giáo không khô khan tình người, thật thắm đượm tình người. Càng là Phật tử hiểu thấu được lời của Phật, thì càng tràn đầy ân tình cao quý biết trao đi.

Chúng ta tiếp tục theo gương của Phật. Nhớ đó, Đức Phật trong những bước đầu tiên khi giác ngộ, Ngài không quên ân tình của năm anh em Kiều Trần Như là những người bạn đã đồng tu ở trong khu rừng bằng Pháp môn Khổ Hạnh. Đã từng thề hứa nói với nhau “nếu sau này một trong chúng ta đi đến sự giác ngộ hãy mang về cùng với anh em mình mà chia sẻ”. Phật đã làm điều đó, bởi sau khi giác ngộ Ngài đã trở về nơi vườn Nai, nơi đó Ngài đã gặp năm anh em Kiều Trần Như để chuyển pháp luân đầu tiên dạy Tứ Thánh Đế. Ngài nhớ ân nghĩa của tình bạn, của tình nghĩa huynh đệ một thời đồng tu với nhau. Chúng ta là Phật tử học theo cái gương này để nói, không cần biết các bạn là ai trong hiện tại, Phật đã là Phật mà chẳng quên ân nghĩa tình của bạn bè, của huynh đệ (của năm anh em Kiều Trần Như). Chúng ta đã thành tựu được cái gì? Là bậc Hòa Thượng tối ưu, bậc Thượng Tọa thông dung; hay là một bậc Đại Đức, Tăng Ni trí tuệ hay là một Tổng Thống, Thủ Tướng quyền danh, hay là một đấng nào đi nữa, thì cũng không thể quên đi ân tình của biết bao nhiêu con người thuở thiếu thời ta sống với nhau. Như tình nghĩa của bạn bè, tình nghĩa của huynh đệ, tình nghĩa của tông môn, tình nghĩa của sư trưởng, những bậc trưởng lão, tình nghĩa của cha mẹ, tình nghĩa của thầy cô, tình nghĩa của biết bao nhiêu con người mà ngồi suy nghĩ lại, nương vào tình nghĩa đó mà ta mới có được ngày hôm nay. Hàng Phật tử chúng ta học theo Phật sẽ tràn đầy ân tình và biết trao nhau ân tình, chẳng lìa xa, sợ hãi, bởi chữ đời đã hiểu lầm là Phật giáo tiêu cực, tránh xa mọi cảm tính – không!

Tiếp tục đi theo bước chân kinh hành của Đức Phật trong cuộc đời, rồi trong những lúc Ngài đi giảng đạo, nhìn thấy những hạng người thấp bé nhất, hạ đặng nhất trong thời đó như ông Ni Đề. Một con người nghèo khổ thuộc tầng lớp hạ đẳng nhất, nghề nghiệp chỉ đi hốt phân, gánh phân để mưu cầu sự sống. Nhưng trong tình của con người không phân biệt thứ lớp của bậc giác ngộ, và con người bần hàn hôi thối đó đâu. Đức Phật đã tới, đã đưa bàn tay từ bi, bao dung và nói ông Ni Đề “hãy theo ta”. Trong sự xúc động vô vàn của một người hạ đẳng, hôi thối, hốt phân kia đấng từ bi tuệ giác là Phật đã đưa bàn tay. Ông Ni Đề đã xúc động khóc than, chưa bao giờ thấy một đấng bậc cao cả như vậy có thể tới với hạng thứ dân, bần hàn, hôi thối. Rồi ông ta đã theo lời ân tình của Phật đó, mà từ bỏ kiếp người hôi thối, rong ruổi trong mùi xú uế của cuộc đời để thấm nhập vào Pháp thanh tịnh của Như Lai, để có tràn đầy ân tình như Chư Phật. Đó là kẻ bần hàn, kẻ cướp, kẻ giết người, Phật cũng không nhìn thấy họ như một đối tượng ghê gớm để từ bỏ, tránh xa. Phật vẫn gọi như ông Vô Não “hãy dừng đi mà theo ta – ta đã dừng”. Chính lời mời gọi bởi Ngài thấy trong con người có ân tình, ông Vô Não không nhìn thấy điều đó. Ông Vô Não thấy tất cả mọi con người điều vô ơn bạc nghĩa, đều đáng ghét và đáng chết, ông ta đã trở thành người đi giết hại. Nhưng Đức Phật không nhìn thấy một người giết người kia là đáng ghét, ghê tởm mà Ngài nhìn thấy trong con người đó vẫn còn có ân tình. Cho nên Ngài đã mời gọi và đánh thức được tình nghĩa thực sự vốn có ở trong thân tâm của một con người đã nghĩ sai lệch về cuộc đời, và rồi ông Vô Não đã theo Phật.

Chúng ta cứ đi tới, không những như vậy, những tầng lớp cao hơn trong dòng của Bà La Môn. Như ông Xá Lợi Phất, như ông Mục Kiền Liên, ông Ca Diếp, Phú Lâu La,…Tất cả những bậc đó, Đức Phật đều thấy họ có ân tình là người, và rồi Phật đã truyền năng lượng ân tình để họ đều theo Phật. Như vị đại gia lớn nhất thời đó là ông Cấp Cô Độc, Phật cũng chẳng nhìn người giàu có, tiền bạc là một thể loại người mà sống trên xương máu của người khác đâu, mà Ngài nhìn thấy đức độ của ông, vẫn trao ân tình để ông Cấp Cô Độc trở thành đệ tử tại gia. Thái tử Kỳ Đà cũng vậy, chưa kể một người chuyên môn đi giết người thôi là ông Vua Tần-Bà-Sa-La thời đó ở Xá Vệ. Đức Phật cũng trải lòng ra khi ông ta tới, để rồi cảm hóa, trao cho ông ta ân tình. Từ đó, ông ta đã sám hối trở về một con người quang minh chính đại, là một vị minh vương trị vì thiên hạ. Nói tới ông vua A Xà Thế là một người giết cha, thế mà Phật cũng không từ bỏ, vẫn đón nhận. Bởi vì chính ông vua A Sa Thế đó có trái tim cô lạnh, có trái tim lạnh máu có thể sẵn sàng giết người nhưng Đức Phật không nhìn thấy điều đó, Đức Phật nhìn thấy một con người này vẫn còn có sự rung động trong cuộc sống, Ngài vẫn trao hơi ấm của ân tình nơi bậc giác ngộ. Để rồi ân tình đó đã đánh thức một trái tim lạnh máu, giết cha chiếm ngôi. Biết bao nhiêu cái gương đã trải qua trong suốt chiều dài lịch sử của Phật còn sống. Ngài luôn trao ân tình, Ngài thăm hỏi những đệ tử bệnh hoạn của Ngài. Những đệ tử nằm liệt giường không ai chăm sóc (bệnh kiết lị dơ dáy, xú uế đầy người) Phật đưa bàn tay của bậc giác ngộ ôm ấp, nâng lên, tắm rửa, đút cho ăn, an ủi. Phật còn dùng ân tình thắm viếng và chia sẻ với người đã mất, với những người mẹ cô đơn, những người cha già bị bỏ rơi, những người cả cuộc đời ước nguyện muốn dâng cho Phật một chén cơm, Phật cũng trao ân tình tới họ tạo điều kiện để họ dâng chén cơm, chén cháo để gọi là cúng dường lên Phật. Dù Đức Phật đã nhận thấy trong đó có độc dược Phật vẫn nhận. Phật vẫn nhận là bởi vì Phật là đấng có ân tình, ân nghĩa, năng lượng từ bi siêu màu, chẳng hề run sợ. Bởi đó mà tránh xa tất cả nhân thế, Ngài thương yêu nên tiếp xúc kề cận thật gần gũi.

Theo gương của Đức Phật đó, ngày nay chúng ta thấy những vị Bồ Tát, như mẹ hiền Quan Âm thật gần gũi với con người. Ngài đâu ở non xa ở rừng sâu, Ngài ở ngay trong lòng người chúng ta. Ngài tới với cuộc đời, tới với mỗi người con chúng ta khi thống khổ, khi buồn, khi sầu, khi khổ, khi bệnh hoạn, khi đau đớn, khi lâm trung, khi gần chết. Tất cả mọi nghịch cảnh trong cuộc đời, mẹ hiền Quan Thế Âm đều tới. Ngài có ân tình thương xót chúng sanh, Ngài là Bồ Tát mà luôn tràn đầy ân tình thương chúng ta. Nói đến ngài Địa Tạng Bồ Tát, Ngài có ân tình vô cùng tới muôn chúng sanh nơi địa ngục. Chẳng tìm đến cảnh giới đẹp mà ở, sẵn sàng hiến dâng, đi vào trong cảnh giới địa ngục để cứu vớt những chúng sanh trong địa ngục kia. Còn có biết bao nhiêu những vị Bồ Tát, Thánh Hiền đã đi vào cuộc đời. Chúng ta noi gương các bậc Tổ ngày xưa từ Ấn Độ xa xôi vô cùng, đi chân đất, đi bộ, đâu có xe ngựa, đâu có máy bay thế mà đã vượt non vượt núi, vượt rừng sâu nguy hiểm, thú dữ, sơn lam chướng khí. Phải trải nghiệm biết bao nhiêu sự đày đọa, chết chóc bởi sự hận thù của người này người kia. Các bậc Tổ đã lan tỏa lời chân lý của Phật tới tất cả những đất nước thật là xa xôi. Không đi xa đâu, chúng ta thấy tổ Bồ Đề Đạt Ma, Ngài từ Ấn Độ tới Trung Hoa để giảng dạy. Rồi nói tới nữa là các bậc tổ Trung Hoa lại phải đi qua tới Việt Nam gieo truyền chân lý của Đại Thừa. Những bậc Tổ Ấn Độ lại rao truyền chân lý của Nguyên Thủy. Tất cả các bậc Tổ đó đã không ngại, rồi đến các bậc Tổ, Thánh Tổ, Cổ Đức của Việt Nam chúng ta, đã mang ánh đạo vàng truyền dạy cho chúng ta cũng vì ân tình. Cho nên, ngày hôm nay chúng ta mới thừa hưởng phước báu, có được kinh sách và lời giáo dưỡng của các bậc Tổ khai thị. Để thấy rằng đuốc tuệ của Phật vẫn được lưu truyền từ đời này qua đời kia, bằng chính sự trao ân tình đặc biệt của những người liễu ngộ được chân lý giải thoát.

Hôm nay, chủ đề “Trao Nhau Ân Tình” trong ngày thứ hai đầu năm, để nhắc nhở mỗi người chúng ta thấy rằng Phật giáo không khô khan, không lìa xa tình cảm để đoạn ái, đoạn dục, đoạn tình, đoạn này đoạn kia – đúng! “Đoạn” ở đây tức là không chấp thủ, không đắm chìm, nhưng tình cảm của con người phải được thăng hoa. Bởi tình mà đắm chìm như kim cương còn bị dính đất, dính bụi (ngọc bất trác bất thành ngọc), ân tình còn dính bụi kia là ngọc chưa được gọt dũa. Còn nếu chúng ta, ân tình của con người được gọt dũa, tẩy rửa bằng tánh giác ngộ, từ bi, trí tuệ, bình đẳng, nhất định nó không còn đượm màu sắc của con người tham ái, tham dục, chấp thủm keo kiệt cho mình; mà nó đã tỏa ra sự biết trao đi tất cả. Đời của Phật đã chứng minh, chứng minh ân tình đối với mẹ là Hoàng Hậu Maya, với cha là Vua Tịnh Phạn, với vợ con của mình, với bà Dì của mình, với anh em họ, với tất cả mọi loài chúng sanh. Phật vẫn trao ân tình tới tất cả cho, cho tới giây phút cuối cùng của đời Ngài vẫn trao ân tình cho muôn loài chúng sanh. Và trong ân tình đó vẫn để lại Xá Lợi, vẫn để lại Giới-Định-Huệ cho muôn người.

Chúng ta theo Phật ngày nay hiểu thấu được điều đó, để không sợ hãi trong tình cảm của con người, nhưng phải nâng tình cảm của con người đi tới sự trọng nghĩa, trọng ân để biết trao ân tình trong tánh giác từ bi và bình đẳng không dính mắc. Từ bi – bình đẳng – không dính mắc, hiếu thấu được điều đó bằng trụ trong chánh niệm hơi thở, bằng thẩm nhập được năng lượng từ bi trong mật chú Mu A Mu Sa, bằng sự đồng tu, lắng nghe và nhìn quán, thấu cho rõ. Chúng ta sẽ lại tiếp nối bước chân an lạc của Phật, để sống một đời sống biết trao nhau ân tình của người con Phật. Dù các bạn là Phật tử tại gia hay các bạn là những bậc xuất sĩ, Tăng Ni, chúng ta nhớ rằng vẫn có ân tình. Ân tình của người con Phật là một thứ ân tình không chấp thủ, không dính mắc, không nhiễm ái, luôn luôn biết hiến dâng, phụng hiến, biết trao đi. Trao nhau ân tình thật là cao quý, chúng ta sống thật gần gũi với muôn người, chẳng tránh xa, chẳng sợ hãi. Chúng ta sẵn sàng tiếp xúc với muôn người trong xã hội, bởi chúng ta là người trọng ân, trọng nghĩa nghĩa. Là người biết trao ân tình cao quý, thắm đượm lời dạy của Phật trong cuộc sống.

Các bạn, năm mới tới đây đã thực sự làm cho bước chân của chúng ta đang dần dần in dấu trong thềm năm mới. Hãy trao nhau ân tình của người con Phật, một thứ ân tình biết trọng tình trọng ân, biết ơn, biết tri ân nhưng không dính mắc, chấp thủ. Biết kính trọng với với cái tâm cao quý như thế, không khinh khi miệt thị, không phân biệt cao thấp, chẳng gần gũi la cà với những kẻ mang lợi cho chúng ta về tiền, về tình, về vật chất, về của cải. Nhưng luôn luôn đối xử với tất cả, bởi trong chúng ta đã học được Đại Tứ Ân của Phật – ân cha mẹ. Hãy mở rộng lòng ra và nhìn cho thấu, để chúng ta trong năm mới này tuyệt đối phải nhớ đến ân của đấng bậc sinh thành là cha mẹ. Phật còn nhớ đến mẹ là hoàng hậu Maya mà lên cung trời Đâu Xuất mà gặp mẹ, còn trở về gặp cha là vua Tịnh Phạn. Chúng ta phải gặp cha gặp mẹ, để trả ân nghĩa ân tình của đất bậc đã tạo ra thân xác này, trí tuệ, kiến thức này cho chúng ta. Ân này cần phải trả và cần phải kính trọng. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào đôi mắt của người vợ, hãy nhìn thẳng vào trái tim của người chồng để chúng ta trao cho nhau trong tình nghĩa duyên nợ có được trong kiếp này là vợ chồng. Để ân tình vợ chồng đó không khép lại trong hai chữ chữ “tham ái”, “tham dục” của loài người, mà trở thành thứ ân tình được nâng lên trên tầng cao của trí tuệ hiểu biết, trao hiến dâng mà chẳng giữ và đòi hỏi riêng cho mình.

Hãy nhìn vào tất cả những con người như con, như cháu, như bạn bè, như những người thân trong xã hội, mọi loài chúng sanh. Để thấy rằng như lời Phật, cuộc đời có ngày hôm nay chúng ta đã thọ ân thọ nghĩa của hằng hà sa các chúng sanh xưa, có thể là cha là mẹ trong nhiều đời. Nhìn được điều đó để chúng ta luôn luôn biết trao ân tình tới muôn loài chúng sanh. Nhớ, trao ân tình chứ không phải là trao tiền trao bạc, trao của cải, vật chất, danh vọng, quyền lợi mà là trao sự sự đối đãi tử tế, bình đẳng yêu thương. Đừng quá lạnh lùng, lạc lẽo, lắt léo, vô ơn, đừng quá quên đi ân nghĩa, đừng quá hời hợt. Hiểu thấu “Trao nhau ân tình” ta phải hiểu được Phật giáo không phải là một tôn giáo tiêu cực, tránh xa. Nhưng là một chân lý hiện hữu, là ánh sáng soi đường cho chúng ta đi để biết trao nhau ân tình thực sự nơi ánh sáng minh tuệ giác ngộ của Phật đã soi tỏ trong cuộc đời của chúng ta qua chân lý Phật dạy. Đặc biệt là qua hơi thở chánh niệm vi diệu âm mầu nhiệm Mu A Mu Sa. Dưới sự rung chấn của toàn thân tâm, lãnh nhận được năng lượng từ bi của Phật thì nhất định chúng ta phải để cho nó rung tới mức mà những hạt bụi của tham chấp, của những sự nghĩ sai về Phật giáo, của si hận, của tất cả những điều uế trược, ô nhiễm cho nó rơi xuống. Để ngọc ở trong đất kia được sáng và tỏa ánh sáng mặt trời ra khi nó chiếu vào. Chân lý của Phật khi chiếu vào cuộc đời của chúng ta là một một viên ngọc đã rủ sạch bụi trần trong sự chấp thủ, ích kỷ, keo kiệt cho chính mình. Thì nhất định nó sẽ sáng, soi đường cho ta và cho muôn người sống bình an. Hãy trao nhau ân tình của người con Phật đúng nghĩa bằng sự bình đẳng tánh trí và từ bi.

Các bạn, mỗi người chúng ta đều là một viên ngọc sáng nơi tự thân vốn có. Y như Phật đã dạy, hãy trao nhau ân tình và hãy chứng minh cho tất cả những ai hiểu sai rằng Phật giáo tiêu cực, sợ hãi, phải bỏ hết – không! Phật giáo không bỏ, không sợ, mà Phật giáo biết sử dụng một cách siêu việt, thiện xảo tất cả những phương tiện có được. Bởi những pháp hữu vi hiển lộ trong cuộc đời, do phước báu của chúng ta mà pháp hữu vi đó lui tới trong cuộc đời. Cho nên, pháp hữu vi đó khi nó tới ta ứng dụng đúng tinh thần của Phật để trao cho nhau ân tình, sống có tình có nghĩa. Sống đượm với năng lượng yêu thương, sống bao dung, sống để xoa dịu tất cả sự đau khổ, những vết thương trong trái tim của những ai đã bị hằn sâu không thể tháo gỡ. Chúng ta mang thông điệp yêu thương, trao ân tình tới cho muôn người.

Các bạn, hãy đặt bằng tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và gia trì Phật lực để chúng con biết trao nhau ân tình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Các bạn! Chúng ta trong 07 biến vi diệu âm đã tiếp được Phật điển linh thiêng của Chư Phật – ta vui. Và trong cuộc đời ta tiếp được năng lượng tình yêu của cha mẹ, của ông bà, của vợ chồng, con cái, của con người với con người. Ân tình cao rộng đó ta không thể quên. Bởi Phật đã dạy trong bài học Tứ Trọng Ân, ân tình rất cao quý.

Năm mới vừa qua, nhìn lại chính ta có phải chăng ta đã khô khan? Không phải như xưa không có phương tiện, mà phải lội bộ cả năm trời, cả tháng trời, nhiều khi bao nhiêu ngày tháng mới tới. Vậy mà, những bậc Cổ Đức, Thánh Hiền, ông bà, cha mẹ của chúng ta vẫn sẵn sàng đội mưa đội mưa gió đi tới để thăm viếng ông bà, cha mẹ, người thân. Để trao ân tình, hiếu đức nhớ về những bậc ở trên. Các học trò ngày xưa cũng phải như vậy để tới thăm thầy cô, thăm bạn bè, bằng hữu, ân tình ngày xưa thật là cao quý. Hôm nay hiện đại quá rồi, nhưng đừng vì hiện đại mà héo hắt con tim, mà khô khan tình nghĩa, mà quên đi ân tình, đừng ngặt nghèo với chính mình. Có ba mùa lễ lớn vừa qua nào là Lễ Tạ Ơn, Noel, Tết Tây, ta nghĩ lại chính bản thân của mình. Có thể ta không xa mà cũng chẳng gần nhưng ít nhất có được một phương tiện gửi lời ân tình tới các bậc thầy Tổ, tới cha tới mẹ, tới anh chị em, huynh đệ, tới bạn bạn bè những người thân. Ta có gửi một thông điệp trong mùa lễ tạ ơn, Noel hay ngày Tết Tây không? Hello! Happy New Year! Happy Thanksgiving! Merry Christmas! Tới một ai đó mà họ đã đi vào cuộc đời của chúng ta, dù chỉ là một giây phút vẫn gọi là ân, là nghĩa, là tình. Người xưa nói “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, một giây phút gặp nhau trong cuộc đời dù chỉ là thoáng qua cũng ân, cũng nghĩa, cũng tình. Nhưng có phải chăng có được phương tiện hiện đại như thế, ta vẫn tránh xa những lời rất bình thường như là những thông điệp ân tình của những người gửi đến cho chúng ta, ta chờ gì đây? Biết bao nhiêu con người vừa qua, cứ chần chờ đợi nhau và đợi nhau, để rồi cuối cùng một kẻ ra đi, rồi kẻ còn sống phải than lên chậm trễ có một ngày vạn kiếp sao có thể gặp nhau, chờ đến bao giờ?

Chúng ta đừng để mình hối hận. Hãy nhớ về ông bà, hãy nhớ về cha mẹ, hãy nhớ về thầy Tổ, hãy nhớ về bạn bè, những người thân. Dù rất xa, một lời thật nhẹ nhắn tin trên điện thoại, một cú điện thoại gọi nhau trao cho ân tình dù chỉ là một ngôn ngữ rất bình thường thôi. Đó cũng là ân tình biết trao cho nhau của người con Phật. Nhìn lại ba ngày lễ lớn vừa qua từ ngày 25 tháng 11, 25 tháng 12, ngày mùng 1 Tết Tây, ta thực sự có nghĩ về những bậc đã đi vào cuộc đời của ta. Như ông bà, cha mẹ, như các bậc thầy, như huynh đệ, như những người gần gũi đã tiếp hiện cuộc đời bằng những năng lượng chiếu sáng, dẫn đường ta đi không? Nói như vậy không để than trách, nhưng ít nhất chúng ta đã cũng có một thời gian vừa qua thật ngắn chưa xa lắm, để có thể kiểm chứng lại chính bản thân của mình. Để phát nguyện cùng với Bảo Thành ngày hôm nay, nhất định chúng ta sẽ không thể hành động như vậy. Chúng ta phải tự sách tấn bản thân, nhớ theo lời Phật trong tinh thần Tứ Ân, trọng nghĩa trọng ân. Một lời đơn giản nhưng nó là cánh chim đưa lòng người bay bổng vượt thoát khỏi những sầu muộn, ưu tư, trong những cảnh đời nghiệt ngã đang đối diện. Đừng quá lơ là với ân tình, đừng nghĩ rằng đi vào con đường Phật là đoạn diệt tất cả, mà đi vào con đường Phật học là con đường tăng trưởng đúng nghĩa với một tình yêu chân chính của lòng từ bi không dính mắc để biết chào nhau ân tình người con Phật. Thể loại ân tình trong sáng nhưng mặt trời trí tuệ, không bao giờ dính mắc, vẩn đục trong những tư tưởng nhiễu sóng, gây phiền hà đau khổ cho người đau khổ gần gũi với chúng ta. Các bạn hãy làm ngay nếu không sau này sẽ hối hận.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào bàn tay trái, để chúng ta tịch tĩnh trong chánh niệm hơi thở vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Phật xưa đã nhớ đến ân tình của mẹ của cha, con nguyện luôn luôn nhớ đến ân nghĩa và ân tình của đấng bậc sinh thành. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật luôn nhớ và trao ân tình cho các bậc thầy, cho huynh đệ, cho đồng môn, chúng con nguyện trao cho tất cả những bậc thầy, những bậc trưởng lão, những huynh đệ đồng môn của chúng con ân tình tinh khiết. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật trao ân tình của Ngài tới với tất cả mọi con người, không phân biệt giai cấp. Chúng con nguyện trao ân tình tới với tất cả những người hữu duyên đi vào cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật luôn ghi nhớ từng chúng sanh để tới với từng chúng sanh mà trao ân tình của bậc giác ngộ, chúng con nguyện ghi nhớ tình nghĩa đối với những người hữu duyên đã đi vào cuộc đời để biết trao ân tình của người con Phật. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Trao ân tình trong sáng, tinh khiết sẽ nhận được sự tinh khiết và trong sáng trong ân tình người người trao lại, chúng con phát nguyện trụ vào chánh niệm hơi thở từ bi Mu A Mu Sa. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện trỗi dậy để gửi những lời yêu thương chân tình nhất trong ân tình người con Phật tới với tất cả những đấng bậc sinh thành, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc, những người hữu duyên hiện thân trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Người tới sau không phải là trễ, tất cả những gì chúng con hành động ngay bây giờ không phải là muộn, nguyện theo chân của Đức Phật từng dấu an lạc in dấu vào cuộc đời mang thông điệp yêu thương và ân tình trao tới cho muôn người. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Các bạn ơi, chúng ta tôi xong rồi, mình chắp tay lại hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Hôm nay đây, chúng con đã đón nhận được thật nhiều năng lượng tình yêu của mười phương Chư Phật. Và chúng con đã thấu hiểu lời Đức Phật dạy không khô khan, không tiêu cực, tránh xa, lìa xa thế giới này, mà là một chìa khóa mở ra để chúng con hòa nhập vào với tất cả những gì đang hiện hữu trong cuộc đời. Đặc biệt với tất cả những ai mà chúng con có được phước duyên gặp gỡ. Chúng con nguyện trao nhau ân tình của người con Phật một cách trong sáng, thuần khiết trong sự bình đẳng yêu thương và từ bi.

Công đức nếu có được ngày hôm nay nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia biết thành lập các chính sách hòa bình, đừng gây tạo chiến tranh. Hồi hướng cho tất cả các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra nhiều vắc-xin (Vaccine), thuốc trị bệnh. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ cứu tế chữa thành các bệnh nhân. Hồi hướng cho các bậc thầy Tổ, cho cha mẹ ông bà, cho những người thân yêu và tất cả những người tăng long phước thọ. Nguyện cho những ai đau khổ, sầu muộn được tiêu tan, thêm hạnh phúc và bình an. Nguyện cho các hương linh được tái sanh miền cực lạc. Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.     

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn