Search

Bài 1242: Có Cha Bên Đời – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Lạc đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi xuống muôn loài chúng sanh.

Các bạn thân mến, hôm nay với đề mục gửi về “Có Cha Bên Đời”, chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi.

Chúng ta thực hành 07 biến vi diệu âm chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa thanh lọc tâm ý, trở về với chánh niệm thấy biết sự hoạt động của thân tâm và nuôi dưỡng cuộc sống hiện tại ngay đây bằng năng lượng đại từ đại bi của Chư Phật. Mời các bạn.

Chúng con nguyện Mười Phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con vẫn luôn có cha ở bên đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Mỗi một ngày chúng ta cùng đồng tu với nhau, ngoài sự nghe, chia sẻ về những đề mục liên quan tới cuộc sống thực tế của chúng ta. Từ trạng thái tâm đến cách đối xử giữa con người, cũng như quán niệm thân tâm theo dõi hơi thở, sống đời chánh niệm và chia sẻ về những cảm xúc hoặc ứng dụng lời của Đức Phật vào trong cuộc sống này.

Các bạn, sự đồng tu trong Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn là chúng ta luôn đi trở vào bên trong, hòa nhập cùng với hơi thở để có được sự chánh niệm đời sống trong từng giây phút. Mới đầu khi thực tập ai cũng cảm thấy khó khăn, bởi ở trên đời ai trong chúng ta cũng có một thói quen thả mình rong ruổi theo những chuyện thường ngày quá nhiều. Chúng ta đã thả hồn của chúng ta đi lang thang phiêu bạt theo những ý tưởng và sự việc cuộc sống đời thường khi va chạm một cách không có mục đích. Cho nên, khi trở về thực tập, gom tâm trở lại với hơi thở vào ra, đặt tâm trong hơi thở, giữ tâm nơi hơi thở để chánh niệm ngay đó, sống ngay tại đây, theo dõi tánh thấy biết với những cảm xúc của thân, của tâm, những cảm thọ của cuộc sống thực tế hiện tại. Hơi khó, nhưng chuyện gì cũng khó ở lúc đầu, chỉ cần chúng ta chuyên chú thực tập một thời gian sẽ quen. Nhất định các bạn nếu ai từng thực tập với Bảo Thành trong thời gian qua, có lẽ bây giờ chúng ta đã quen với hơi thở vào phình bụng, thở ra hóp bụng, nhẹ nhàng quán chiếu thân tâm và cảm xúc của mình trên bình diện từ đầu cho tới gót chân. Rồi chúng ta còn nương vào với tha lực Phật điển năng lượng từ trường yêu thương từ bi của mười phương chư Phật ban rải xuống cho chúng ta trong từng hơi thở. Bởi trì mật chú Mu A Mu Sa giúp có sự gắn kết liên hệ mật thiết với chư Phật ngay trong chánh niệm hơi thở, để tâm của chúng ta không chạy lung tung, để tâm chúng ta không phóng như ngựa, không nhảy như khỉ, rong ruổi theo những hiện tượng bên ngoài mà rời xa ý niệm của từ bi tới từ Đức Phật. Gom tâm về với hơi thở chánh niệm, dưỡng nuôi tâm bằng từ bi của Phật là giúp cho chúng ta sống ngay trong hiện tại để tăng trưởng phước báu và sàng lọc bất thiện nghiệp để ngừng tạo nghiệp đó. Đồng thời khi nghe chia sẻ về những chủ đề, đề mục các bạn gửi về theo ngôn ngữ mà chúng ta ứng dụng trong hiện tại, để mỗi một ngày các bạn đang sống ở đời va chạm với cuộc sống, thấy rõ được sự lợi lạc nơi chân lý của Đức Phật gửi xuống cho chúng ta, ứng dụng được một cách thật là rõ ràng, thật là thực tế, và nó chuyên dụng trong cuộc đời dù chúng ta chỉ là một con người bình thường. 

Chúng ta tầm cầu đạo giải thoát chưa hẳn là phải trở thành các vị A-La-Hán, các vị Thánh, các vị Bồ Tát, là Phật, mà chỉ cần trở nên một con người rất bình thường sống trọn vẹn ý nghĩa là con người, biết yêu thương và san sẻ. Vậy đã là đủ trong một kiếp người. Để có một nền tảng vững chãi, vững chắc để đi lên nếu tiếp tục, nhưng ít nhất khi còn sống mang hơi thở và thân xác của con người này chúng ta sống trọn tình trọn nghĩa là một kiếp người biết yêu thương ta và yêu thương muôn người. Đồng thời san sẻ tình thương bằng những nghĩa cử, bằng những hành vi, bằng những lời nói và tư tưởng thiện lành.

Hôm nay chúng ta lại trở về với đề mục các bạn gửi về “Có Cha Bên Đời”. Thông thường chúng ta sinh ra ở đời, người mà gần gũi với chúng ta nhất, bởi trong vòng tay của đấng đó ta nằm gọn, được ru ngủ, chăm sóc, cho ăn uống, và ánh mắt của đấng đó đã in sâu vào trong tâm khảm, bởi người luôn nhìn, nhìn vào trong tâm hồn, chăm sóc cho ta từ thuở lọt lòng, cũng như từ thuở mà chúng ta mới vào đời nhập thai, đó chính là người mẹ. Người là một hình ảnh thật là tuyệt vời cao thượng, vĩ đại, ai ai trong chúng ta dù là thân nam hay thân nữ cũng luôn luôn có hình ảnh của mẹ in sâu ở trong lòng. Còn người cha, chúng ta vẫn có hình ảnh đó nhưng có lẽ người cha vẫn luôn luôn đứng ở đằng sau hình ảnh của người mẹ. Chính vì người Á Đông của chúng ta nói riêng và nói chung con người luôn có hình ảnh của một người phụ nữ, một người phụ nữ cao vọng hơn tất cả đó là người mẹ. Cho nên từ đó ta có hình ảnh của vị Bồ Tát mang thân nữ, đó là Ngài Quán Thế Âm. Và cũng từ đó những sự khổ đau trong cuộc đời của chúng ta, dù là nam hay nữ chúng ta vẫn chạy tới mẹ Quan Thế Âm. Như người mẹ thực sự của mình để tỏ lộ cõi lòng, để từ đó cho nhẹ tâm hồn và nương vào tình yêu thương, lòng đại từ đại bi của mẹ Quan Âm. Chúng ta được bừng tâm trở lại để được nâng lên tầm sống thực sự, vượt qua mọi đau khổ chướng ngại trong cuộc đời. Mấy ai trong chúng ta mà không chạy về với mẹ khi đau khổ, phiền não. Ngay cả sau này chúng ta đã lập gia đình, có vợ có chồng, có con cái, thậm chí có cháu rồi mà còn mẹ ta vẫn mơ ước được chạy về với mẹ để thổ lộ với mẹ những tâm tư, nguyện vọng của một người con. Dù lúc đó ta có thể đã là 100 tuổi đời rồi nhưng còn mẹ ở bên đời, mẹ vẫn là tất cả. Còn cha mấy ai trong chúng ta và các bạn có khi nào có ấn tượng sâu sắc về người cha hay không? Có cha bên đời, trong cuộc sống của gia đình có cha mẹ, nhưng người cha vẫn rất là lợt, là nhạt trong cuộc sống. Nhưng nếu thiếu người cha thì gia đình đó, những đứa con sẽ cảm thấy chới với, cô đơn.

Có cha bên đời là một diễm phúc của kiếp người. Hình ảnh của người cha tuy không đậm nét nhưng thật vững chãi. Nếu như hình ảnh của người mẹ được ví như mênh mông như biển trời, bao la như biển đông, xinh đẹp như muôn loài hoa. Thì hình ảnh của người cha được ví như ngọn thái sơn vững chắc không hề lay động trước những phong ba, bão tố. Trong chúng ta có những người có phước duyên vẫn ở với mẹ thật là lâu dài, và không có phước duyên ở gần kề cha bởi cha ra đi sớm. Nhưng cũng có những người có phước duyên ở gần cha lâu dài hơn và mẹ ngắn hơn. Cũng lại có những người song thân phụ mẫu trường thọ niên trường và ta có phước báu vẫn còn trong vòng tay của cha của mẹ. Vẫn có cha bên đời, vẫn là sự ao ước của mỗi người trong cuộc sống và Đức Phật dạy cho chúng ta phải có lòng hiếu kính với cha và mẹ. Bởi cha là ngọn núi cao, để con vượt ải trùng dương về nhà.

Các bạn, cha là sức mạnh dẫn đưa chúng ta đi về với cuộc sống của sự bình an. Bài hát chúng ta nghe nhập đề vào buổi đồng tu hôm nay, thông thường chúng ta như vầng trăng tỏ lộ giữa trời, đến khi nó khuyết mới nghĩ về người cha. Có nghĩa là ít nhất chúng ta cũng phải lớn tuổi từ 40 đến 50 tuổi ngoài. Lúc đó chúng ta cũng đã là cha hoặc đã trưởng thành rồi thì lúc đó mới nghĩ về cha. Thì lúc đó nhìn lại trên mái đầu hoa râm tóc đã điểm sương ta mới nghĩ về cha và hiểu về cha. Và lúc đó ta mới thấm được tình của người cha trong cuộc đời. Hình ảnh của người cha thật rõ và hình ảnh của người cha sẽ tăng trưởng, thêm sức cho chúng ta vững vàng trong cuộc sống. Người cha có lẽ không có tình cảm đậm đà được thể hiện rõ như người mẹ, nhưng hình ảnh của người cha đậm nét trong sự quan tâm vô cùng tới người con.

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói về phẩm “Đứa con cùng tử” sẽ thể hiện được người cha như thế nào. Kinh nói như vầy, có một người cha dắt người con rong chơi trong cuộc đời thì vô tình người con tụt khỏi bàn tay của cha lạc mất. Người con bị lạc cha thuở còn nhỏ, nó trở thành một kẻ vô gia cư từ tấm bé, lang thang khắp mọi góc trời trở thành màn trời chiếu đất, lang thang vô tận, nghèo khổ ăn ở đường, ở xó, ở chợ, đồ dư đồ thải, đồ giục đi, khổ vô cùng. Nhưng mà từ thuở người con mất khỏi tầm tay của mình, người cha không bao giờ quên. Người cha luôn luôn cùng với những người thân của mình đi tìm khắp mọi nơi, quyết phải tìm ra người con đó để người con đó trở về tình yêu thương, che chở. Thế nhưng trải qua một thời gian thật là dài, dài đến mức mà đứa trẻ năm xưa bị lạc mất nay đã trở thành một người đứng tuổi. Khi người cha tìm gặp được người con vội vàng thương nhớ tới ôm người con và gọi rằng “Con ơi!”. Thì người con bỡ ngỡ vô cùng đẩy người cha ra và nói rằng: ủa tôi làm gì có người cha như vậy? Vì sao? Vì người con là phận ăn xin nghèo khổ, mồ côi. Còn người cha là một vị đại phú giàu sang, có trí tuệ được nhiều người kính ngưỡng. Thấy sự sang trọng và trí tuệ, thấy sự giàu có và đầy đủ, thấy sự hiền hảo và tướng oai nghi người con không bao giờ nghĩ rằng mình có người cha như vậy, cho nên đã đẩy người cha đi. Nhưng người cha không bao giờ bỏ rơi người con, vẫn nghĩ trăm phương nghìn kế để dẫn người con trở về với mình, bởi thương con vô cùng. Do đó người cha đã sai gia nhân nhận người con đó trở thành như một người làm việc thôi. Và bởi vì người con đã quen làm việc lượm rác, hốt phân ở đời cho nên nếu mà trao việc khác ngỡ ngàng khó làm nên nhận người con đó thành người làm, người ở trong chuồng bò, chỉ hốt phân bò, chăm sóc cho bò, dê mà thôi. Người ăn xin khổ cực ăn được một miếng thì đói cả mười ngày, cả tháng trời không có ăn. Nay được người nhận làm việc hốt phân, chăm sóc cho bò, dê lòng vui và hạnh phúc. Anh ta có cơ hội nằm ngất ngưởng trong chuồng bò, ăn uống, nghỉ ngơi, chỉ việc chăm sóc cho bò, dê.

Một thời gian thật dài, người cha lại thấy thương người con, nhưng mà người con bây giờ đã quen với cách sống mới cho nên dần dần như thế người cha mới nhận người con, sai gia nhân mang vào trong nhà bếp để nấu đồ ăn. Người con nay được chuyển từ chuồng bò vào trong nhà bếp học nấu ăn hạnh phúc vô cùng. Bởi không còn là kiếp sống ở trong chuồng bò hốt phân nữa, mà được nấu ăn phục vụ cho người được gọi là chủ và cứ nhìn lên khung cửa thấy được người chủ ngồi trên bàn tiếp khách, nói năng thao thao bất tuyệt với tướng oai nghi, phúc hậu, thương người, giúp đỡ đời. Người này nhận ra ông chủ là một người tốt nhưng không có cơ hội gặp gỡ thường xuyên bởi chỉ nấu bếp dâng cơm cho ông chủ. Nhưng đã thấm được rằng người chủ này là một người tốt, rồi người cha đó lại từ từ thay đổi nghề nghiệp cho người kia bằng cách cho lên bàn rót nước, tiếp khách không cho nấu bếp nữa. Và lúc này người con lạc đường này được tiếp cận với người cha gần gũi lắm, nhưng không biết là cha mình. Tiếp khách, rót nước, gần gũi và nghe nhìn, chứng kiến những nghĩa cử, hành động và công việc hằng ngày của người cha. Lúc này anh ta nhận rõ đây là một người tuyệt vời, và thầm ước rằng sao ta có được người cha như vậy là biết hạnh phúc bao nhiêu.

Thế rồi một hôm, trải qua bao nhiêu năm trời rót nước, tiếp khách để đưa vào phòng khách cho người chủ thì người chủ nói với anh thanh niên đó rằng: “ta không có con, ta muốn nhận anh làm con nuôi để hướng dẫn cho anh những điều ta đang làm, sau này nếu ta trăm tuổi về trời ít nhất vẫn còn đứa con nuôi, nối tiếp những gì ta làm trong cuộc đời”. Anh thanh niên tủi lầm bởi không có cha, mồ côi đây đó, nay được người dưng nhận làm con nuôi, trong lòng hạnh phúc. Và cuối cùng hai người đã kết nghĩa nên tình cha con. Anh ta được người cha nuôi, trong tâm khảm luôn nghĩ như vậy. Dạy dỗ và rồi truyền trao tất cả lại cho mình, để rồi khi người cha nuôi hay người cha ruột đó mãn cuộc đời thì tất cả những gì còn lại đều trao lại cho anh ta.

Hình ảnh này trong Kinh nói về người con cùng tử, nó có nhiều ý nghĩa vi diệu thâm sâu. Nhưng Bảo Thành mượn hình ảnh này để nói rằng, người cha không bao giờ rời bỏ người con, chúng ta luôn có cha bên đời. Người con kia dù lạc bơ vơ, chơ vơ giữa chợ đời nghèo khổ, túng thiếu, ăn xin thế nhưng vẫn luôn luôn có cha bên đời. Bởi người cha luôn đi tìm và luôn luôn tìm đủ mọi phương cách tiếp xúc, bởi tình yêu vô cùng đó không bao giờ bỏ rơi con của mình. Nên người cha đã tìm lại con và với sự khủng hoảng, sợ hãi, bỡ ngỡ không thể chấp nhận cha, người cha vẫn dùng diệu pháp, phương tiện để dẫn đưa con về nhà mà trao tất cả gia tài về kiến thức và trí tuệ cho người con của mình. Dù người con trong tâm khảm cũng chưa bao giờ một lần nhận đó là cha ruột, nhưng ít nhất trên môi miệng đã gọi cha, cha nuôi. Có cha ở bên đời đó là hình ảnh của người cha, người cha thực sự của chúng ta, đấng đã sinh ra chúng ta để chúng ta có cơ hội làm người trong cuộc đời.

Các bạn thân mến, cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta, người cha có tôn nghiêm, tình cảm không có thể hiện mặn mà như người mẹ. Nhưng chắc chắn trong trái tim của người cha luôn cưu mang tất cả mọi người con, và muốn mang tất cả mọi kiến thức, gia tài vốn có của mình để trao về cho người con. Có lẽ chúng ta không lạc đường như người con kia, nhưng mà ít nhất trong cuộc đời, trong vô lượng kiếp qua ta đã lạc lối, lang thang mãi trong sáu nẻo luân hồi trầm luân đen tối. Để rồi chúng ta cứ đi mãi đi mãi, vượt xa tầm tay của người cha nhân từ, của người cha từ bi đó là Đức Bổn Sư Thích Ca, đó là ánh sáng của Phật pháp. Để rồi chúng ta trở thành những kẻ ăn xin lang thang đây đó trong cuộc đời, xin từng miếng ăn bởi ta đói, xin từng miếng nước bởi ta khát. Ta đói đời sống tâm linh, ta đói những ước vọng, ta khát những ước mơ, ta khát tất cả những sự khao khát thành tựu trong cuộc đời. Nhưng ta lại không biết rằng cha của ta là Đức Thầy Bổn Sư có tất cả gia tài về trí tuệ, kiến thức làm người và gia tài để chúng ta tăng trưởng phước báu, có đầy đủ phương tiện trong cuộc sống.  Để rồi chúng ta phải trở thành kẻ ăn xin đầu đường xó chợ, quỳ chỗ này, lạy chỗ kia để van xin sự thương xót của thần linh, của tất cả những điều gì lưu truyền trong thế gian. Bởi sao? Ta đói, ta đói đời sống tâm linh, ta khát những ước vọng. Sự đói khát đó nó cồn cào mãi, nó xé nát tâm can của ta, nó làm mù loà, nó làm điếc tai để ta không còn nhìn thấy người cha của chúng ta. Ta không còn nghe được tiếng truyền dạy của cha để ta tiều tuỵ tan nát cả cuộc đời, để tấm thân của ta trở thành một người hoang phế. Cho nên khi gặp một đấng oai nghi, phước báu đầy đủ như Đức Phật ta không bao giờ dám nhận Ngài là cha của chúng ta. Người cha trong Kinh nói về người con cùng tử tìm đủ mọi phương tiện để tiếp cận và cuối cùng nhận làm con nuôi. Đức Phật – người cha và chúng ta luôn có cha bên đời đó là Đức Phật, vẫn biết ta chưa công nhận Đức Phật là người cha, nhưng Phật không bỏ rơi ta, Phật vẫn gần gũi với ta, Phật vẫn bên đời của ta và chỉ cho ta những chân lý nhẹ nhàng theo phương tiện vi diệu để dẫn dụ chúng ta thoát mê lầm trở về với đường ngay nẻo thẳng để có được sự hạnh phúc và bình an, không còn phải đắm mình trong đau khổ, vô minh và đen tối nữa. 

Các bạn, Bảo Thành và các bạn có cha Bổn Sư Thích Ca ở bên đời và người cha Bổn Sư Thích Ca này hiện thân ngay trong đấng sinh ra ta đó là cha của ta. Biết bao nhiêu ước mơ ta đã rải lên trên cung mây, bồng bềnh với mặt trăng như thể hiện lòng của chúng ta hướng về những điều ước nguyện. Và cha như bầu trời mênh mông vô tận để cho mặt trăng kiếp người của chúng ta được rong chơi khắp cõi, để toả sáng tình yêu thương. Đức Phật là người cha hiện thân trong người cha của chúng ta, đấng đã sinh ra và cho ta thân phận làm người và chăm sóc cho ta ở trong cuộc đời này đây.

Có cha bên đời, Đức Phật là người cha  tối thượng, Đức Phật là người cha đại từ đại bi, Đức Phật là người cha có tình yêu thương lớn. Ngài đã đi xuống tận địa ngục, tận sáu cõi luân hồi đau khổ, đi vào từng ngõ ngách, tìm từ trong những ngục giam cầm của tâm thức đen tối vô minh, để đưa bàn tay nhân từ nắm chặt vào bàn tay nghiệp thức, tối tăm, bất thiện của ta, dìu dắt ta đi vào vùng sáng của trí tuệ.

Các bạn và Bảo Thành không nhất thiết phải đứng trong hàng ngũ của Phật giáo, bởi đó chỉ là một tôn giáo, nhưng chúng ta nếu đặt mình đứng trong tình thương vô thượng của lòng từ bi của Phật, thế thôi là chúng ta đã thoát khỏi vô minh rồi. Đâu nhất thiết phải đứng trong hàng ngũ của các cơ sở tôn giáo đâu, nhưng nhất thiết phải trở về đứng trong tình thương yêu, lòng từ bi của cha mình. Để cha dắt ta từ trong sáu nẻo luân hồi, làm việc từ trong chuồng bò tới nhà bếp, vào phòng khách và nhận làm con nuôi, thay thế hưởng được tất cả gia tài cao quý nhất mà một bậc đại giác đại ngộ đã tìm ra. 

Các bạn, chúng ta thực sự không phải là đứa con cùng tử lang thang, đói rách, nghèo khổ, lạc loài cô đơn, mồ côi. Chúng ta là những người con vẫn luôn luôn có cha ở bên đời, có cha Bổn Sư Thích Ca hoá thân làm người như một người cha hiện diện trong gia đình. Để rồi dìu dắt ta vượt mọi trùng khơi thử thách để tới được bến bờ an tịnh. Chúng ta luôn luôn có cha bên đời. Với ý nghĩa nhìn sâu rộng như thế để chúng ta không còn coi Phật như một đấng thật là cao siêu, để ta quỳ xuống lạy Ngài, nhưng ta tới với Phật như người cha hiền lành, như một người cha từ bi vô thượng để ta như một người con lăn xả vào trong lòng của người cha để cha vuốt đầu ta, cha ôm ta, cha dìu dắt ta, cha dạy dỗ ta, cha nuôi nấng ta và cha khai đường, khai thông trí tuệ cho ta.

Hãy tới với Phật như là một người con thực sự, tới với Phật không phải là để thờ lạy Ngài, ta tới với Phật là bởi vì Phật là cha của chúng ta để ta được dạy dỗ, ta được trao truyền, ta được chăm sóc, ta được dìu dắt, ta được yêu thương và ta được dẫn đưa từ biển tăm tối đi vào vùng sáng của tâm linh. Đức Phật là người cha để ta tới không phải thờ lạy, cúng kiếng, mà tới để học như người con được người cha giáo dưỡng từ thuở nhỏ. Vạn kiếp lưu đày trong ngục tối của vô minh nay mới có cơ hội nhận rõ bởi người cha là Đức Phật Thích Ca đã tìm ra chúng ta, chúng ta cứ tự hỏi vào những kiếp qua ta có khi nào tìm cha của ta đâu. Bởi ta tự ti, ta mặc cảm rồi ta tự từ bỏ cha của chúng ta để lủi thủi lang thang trong kiếp đời đen tối, vay mượn ở chỗ này, xin ở chỗ kia, tạo dựng nên con người hiện tại. Nhưng cha, cha Bổn Sư Thích Ca đã tới trong cuộc đời chạm vào bờ vai gọi thật nhỏ: “Con ơi hãy về với cha”.

Nếu Bảo Thành và các bạn nghe được tiếng cha mời gọi trở về, dù chỉ là những đứa con nuôi để được nuôi dưỡng trong tình thương, chuyển hoá theo từng cung bậc thăng trầm của cảm xúc, hoàn cảnh thuận nghịch trong cuộc đời với phước báu thiện lành vốn có, thì chúng ta nhất định có thể chuyển hoá tất cả cay đắng, ngọt bùi trong cuộc đời. Những bất thiện nghiệp ta đã tạo ra trong bao nhiêu kiếp bơ vơ, trong vô minh lầm chấp ta tạo. Cha của ta luôn luôn hiện thân trong cuộc đời. Có cha bên  đời, cuộc đời con sẽ hạnh phúc biết bao. Chỉ tiếc thương cho phận làm người con của chúng ta, đã quá cứng đầu, ngang tàng, tự cao, tự mãn để mất đi cơ hội nhận lại cha của mình dù cha vẫn luôn bên đời sát với chúng ta. Cha vỗ vai ta đã gạt tay cha ra, cha tới đằng trước ta đã xô đẩy cha ra, cha đã gõ cửa ta đã đóng kín phong kín cả cửa tâm hồn lẫn cánh cửa của cuộc đời để cha phải đứng ở bên ngoài chờ đợi mãi. Cha đã dọn sẵn một bữa tiệc thịnh soạn cho ta ăn, để no đủ đời sống tâm linh hạnh phúc, ta đã khước từ bỏ đi, vùi đầu vào trong đống rác rưởi của bất thiện nghiệp tìm bới những món ăn vô vị đau khổ. Cha đã tới để ẵm ta vượt muôn trùng vô minh tiếp cận được ánh sáng của hy vọng, ta đã khước từ làm mù con mắt không muốn nhìn cha. Bao nhiêu kiếp, hình như nói đến kiếp nó dài vô tận khó tưởng tượng, nhưng mà ít nhất chúng ta bao nhiêu năm tháng qua, ta cũng chẳng khác gì người lạc loài chưa bao giờ nghĩ sẽ trở về với cha là Đức Thầy Bổn Sư Thích Ca đâu. Biết bao nhiêu vui thú ở đời đã làm chúng ta mù con mắt tâm linh. Tại sao cứ phải đợi đến phút cuối của cuộc đời? Hơi thở ngắn dài khó có thể quản thúc được sự chết đang kề cạnh, trực chờ bên giường, lúc đó mới hoảng hốt trong sự đau đớn, biết rằng thời cuối đã tới để đi tìm cha. 

Các bạn, không cần biết các bạn đang ở lứa tuổi nào, vẫn không có trễ, chỉ cần các bạn dọn dẹp cách suy nghĩ của mình thật gọn để chúng ta một lần nhìn thấu cảnh đời của mình qua bao nhiêu năm tháng trải nghiệm theo ý riêng của mình. Để cung bậc thăng trầm đau khổ, buồn vui lẫn lộn kia, lên voi xuống chó, có được mất không, ta nay có sự trải nghiệm đó, nhận thức cuộc sống là vô thường và chỉ có tình cha. Đó là tình nghĩa của người con cần phải trông chờ để trở về.

Đức Thầy Bổn Sư Thích Ca là người cha luôn ở bên đời chúng ta. Hãy về với cha, như về với núi cao để đi tới đỉnh cao của ước mơ, về với cha như về với núi cao để có thể vươn lên chạm vào mây trời, chạm vào trăng sao, chạm vào mặt trời trí tuệ. Để từ trên đó ta có thể hoà nhập với mênh mông vũ trụ hư không tận cùng. Để thấy cha của chúng ta là đấng luôn luôn yêu thương chúng ta vô cùng.

Cuộc đời thật ngắn, nếu gọi là 100, nhưng ai biết được ngày đó sẽ ra sao? Cho nên bao nhiêu lâu chúng ta còn có thể biết, còn có thể thấy hãy về với cha của mình trong tánh thấy biết của hơi thở chánh niệm vào ra và nương vào tình yêu thương của cha qua năng lượng từ bi Mu A Mu Sa để đời sống của chúng ta không bị cắt đứt, mà đời sống của chúng ta được gắn kết với tình yêu thương. Đức Phật là tình yêu, Đức Phật là từ bi, cha của chúng ta là đấng đại từ đại bi. Tóm gọn trong ngôn ngữ rất Việt, cha của chúng ta, Đức Phật là tình yêu, trở về với tình yêu vượt lên trên tất cả. Yêu để phụng hiến, yêu để cho đi, yêu không có dính mắc, yêu để san sẻ, yêu để thăng hoa, yêu để đi về sự an lạc và hạnh phúc, yêu để chuyển hoá mọi đau khổ và phiền não, yêu để đồng hành trên cõi tịnh lạc, thoát khỏi vô minh. Đó chính là tình yêu của Đức Phật, của cha ta, mà mỗi người chúng ta cần phải thẩm nhập vào trong tình yêu đó để trở về với ngôi vị của mình là người con của bậc giác ngộ. Cũng như hạt giống cần phải thấm vào nước mới có thể trổ mầm, đơm bông kết trái, và chúng ta là hạt giống chủng tử của Phật tánh nhiều đời vốn có trong ta, chỉ bị lạc loài trong cõi vô minh mà thôi. Nay tìm thấy ánh sáng trí tuệ nơi bậc Bổn Tôn Đức Thích Ca là cha của chúng ta. Ta mang nước từ bi của Ngài xin Ngài tưới tẩm vào hạt giống này. Và hạt giống cuộc đời của người con lưu lạc trong vô minh bao nhiêu kiếp qua được thẩm nhập vào trong năng lượng nước từ bi của Phật, của cha ta. Nhất định ta sẽ đơm bông kết trái thiện lành, để cho cuộc đời bớt khổ thêm hạnh phúc, để cho cuộc đời bớt phiền não thêm an lạc. Và để cho cuộc đời của chúng ta lót đường trong hoa thơm trổ bông, lót đường cho muôn người đau khổ cảm nhận lại được cuộc sống.

Các bạn, có cha bên đời là một diễm phúc, chúng ta hãy trở vào bên trong hơi thở của chánh niệm tưới tẩm ta trong giây phút này bằng năng lượng từ bi của cha để cảm nhận tình thương của cha khi ta vẫn có cha ở bên đời.

Mời đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống cho muôn loài chúng sanh để chúng con luôn luôn nhận ra vẫn có cha ở bên đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến) 

Mô Phật! Nếu các bạn là những người lạc lõng trong cuộc đời với tâm cảm sợ hãi khôn cùng, hơi thở chánh niệm vào ra Mu A Mu Sa sẽ tăng trưởng sức mạnh nội lực để các bạn có được sức mạnh tìm lại niềm tự tin trong cuộc đời. Nếu các bạn đói khát, lang thang trong cuộc đời vô tận tìm chân lý miếng cơm manh áo, các bạn trở về với hơi thở chánh niệm nuôi dưỡng bằng năng lượng từ bi là trở về với người cha. Để chúng ta được sưởi ấm trái tim, được khai mở con mắt, chỉ đường chúng ta tới thành tựu những ước mơ. Nếu các bạn đang đắm chìm trong những vùng miền đau khổ của những cung bậc cảm xúc khác biệt từ những sự việc xảy ra trong cuộc đời, không cần biết đó ở cấp độ nào, các bạn hãy trở về với chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa. Để tìm trở lại âm thanh vi diệu khởi xướng lên khúc khải hoàn ca để trở về tìm lại cha.

Nếu các bạn đang mù loà trong tăm tối, rơi vào cảm xúc cùng đường bí lối, khó tìm lại bản thân, coi như đó là điểm kết thúc của cuộc đời, hãy trở về với hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa để cha của chúng ta, bậc thầy vô thượng sẽ tới dắt cho chúng ta thoát ra, để không còn bị dừng chân nơi điểm mà không thể thoát đó, gọi là cùng đường bí lối nữa, mà khai thông tuệ giác nhìn rõ một con đường thênh thang rộng lớn, trải thảm từ bi yêu thương dẫn ta về với cuộc đời.

Tất cả mọi cảm xúc đau buồn khổ, tất cả mọi nghịch cảnh đang xảy ra, tất cả mọi đắm chìm, nhiễm ái tham sân đang tồn tại, chỉ cần trở về với hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa ta sẽ được nuôi dưỡng và chăm sóc trở lại trong tánh thấy biết của chánh niệm đời sống. Có sức khoẻ của thân, có sự tỉnh táo thong dong của tâm, có sự sáng của trí tuệ, và ấm áp năng lượng từ bi của Đức Phật, ta sẽ thực sự thay đổi được cuộc đời. Không những cho ta mà cho những ai như một kẻ cùng đường bí lối, lạc lõng cha của mình, mồ côi trong miền tăm tối của vô minh, luân khổ nhiều kiếp qua đang hiện thân kiếp này qua những người ta gặp thấy bên lề đường, trong xã hội hay những người đồng cảnh trong gia đình hay bạn bè. Chúng ta một lời nhập vào trong chánh niệm hơi thở, hồi hướng năng lượng từ bi Mu A Mu Sa tới với những người thương yêu đó, họ sẽ như hạt giống thấm vào được nước, sẽ trổ bông kết trái, tái tạo lại cuộc đời, có được hạnh phúc và bình an. 

Các bạn, đặt bàn tay trí tuệ vào từ bi ta vận hành 07 biến vi diệu âm chánh niệm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con, những người con lạc loài trong sáu nẻo luân hồi vô minh tìm lại được cha của mình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Chúng ta đã đồng tu xong rồi, các bạn hãy chắp tay để chúng ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức tới tất cả mọi chúng sanh đều tìm được đường về với cha của mình là Đức Thầy Bổn Sư Thích Ca và nhận ra rằng cha vẫn ở trong đời của con. Xin cha hãy nhận con trở lại, dắt dìu qua bể mê, bể khổ của cuộc đời để thoát lên bờ thanh lương, an vui, niết bàn. Hồi hướng cho các nhà nguyên thủ quốc gia, ngồi xuống với nhau thành lập chính sách hoà bình cho thế giới, chấm dứt chiến tranh. Hồi hướng cho nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho tất cả các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ cứu tế đứng ở tuyến đầu, trên toàn thế giới chăm sóc và chữa lành bệnh nhân. Nguyện cầu cho tất cả những ai còn khủng hoảng, đau khổ và sợ hãi tìm được sự bình an và hạnh phúc. Nguyện cầu cho các vong linh được tái sanh về cảnh thiện lành.

Con nguyện xin mười phương Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts