Search

Bài 1241: Thành Tâm Đón Nhận – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Lạc đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Tới giờ chúng ta đồng tu mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Các bạn, chúng ta đồng tu với nhau trong một ngày mới để trở về với cội nguồn tâm thức của mình. Tịnh tâm nhìn rõ bản thể của mình, suy nghĩ lời nói, hành động, của chúng ta tương tác hằng ngày để từ đó ta có sự lựa chọn cho mình một phương pháp trọn hảo hơn mà đức Thế Tôn đã dạy. Để giảm tối thiểu những bất thiện nghiệp mà chúng ta gây ra và tăng trưởng tối thiểu những thiện nghiệp chúng ta có thể hành được trong đời sống mỗi ngày.

Thiền Mật song tu lấy gốc là hơi thở Chánh niệm để tịnh tâm, an trú tâm và đặt tâm trên thềm của hơi thở, sống Chánh niệm, quán chiếu cuộc đời của mình để tu tập làm chủ tâm của chúng ta. Cũng như tâm của chúng ta được làm chủ, đồng thời gắn kết với Chư Phật qua năng lượng từ bi ban rải xuống cho cuộc đời nơi thân tâm của mỗi giờ, mỗi giây, mỗi phút.

Giờ đây mời các bạn đi thẳng vào 07 biến vi diệu âm. Để chúng ta cùng chia sẻ về đề mục “Thành Tâm Đón Nhận”.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi. Chúng ta bắt đầu.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở trí tuệ để chúng con có được Chánh kiến mà thành tâm đón nhận tất cả mọi sự việc đang xảy ra trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn, chủ đề hôm nay gửi về để chúng ta cùng nhau tham khảo đó là “Thành Tâm Đón Nhận”. Trong cuộc sống hiện tại của ta và có lẽ từ ngàn xưa cho tới ngày hôm nay, biết bao nhiêu những chuyện xảy ra trong cuộc đời. Dù là chuyện thật là vui hay chuyện thật đau buồn, phiền não, khổ, ta cũng phải chấp nhận mà thôi. Bởi khi vui nó tới, ta chấp nhận nó, buồn khổ nó tới, ta chấp nhận. Dạng vui tới như là sự may mắn, sự đau khổ, phiền não như sự xui xẻo, tai nạn ta phải đón nhận và chấp nhận. Không ai có thể đẩy lùi được nó bởi lời Đức Phật dạy: mọi sự tới lui trong cuộc đời theo chiều hướng nghịch hoặc thuận, đau khổ, phiền não hoặc hạnh phúc bình an, xui – xui quá trời hoặc hên – hên quá trời, những chuyện như vậy luôn luôn tới trong mỗi một người của chúng ta nơi kiếp này. Do đó sự khác biệt là chúng ta có chuẩn bị tâm thành như thế nào để chúng ta đón nhận sự việc tới lui trong cuộc đời. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy dù là chuyện vui, chuyện buồn, chuyện xui hay là chuyện hên, ưng ý hay không ưng ý ta đều đón nhận với một tâm thái chuẩn bị sẵn sàng để chuyển hoá, để ứng dụng mọi sự việc tới trong cuộc đời dưới mọi góc độ của những nghịch thuận, phiền não đau khổ, hạnh phúc, bình an để đạt được những sở nguyện của chúng ta. 

Trong kinh Chư Phật dạy có hai hạng người cao quý nhất.

Hạng người thứ nhất là hạng người không bao giờ mắc lỗi lầm, đây là hạng người cao quý nhất. Nhưng hạng người thứ nhất này các bạn tìm ở đâu có? Làm sao chúng ta có thể tìm thấy hạng người cao quý thứ nhất là không bao giờ mắc phải mọi lỗi lầm trong cuộc đời? Khó quá, tìm không có ra!

Hạng người thứ hai cao quý đó là hạng người mắc sai lầm, lỗi lầm, tội lỗi mà biết sửa, biết sám hối, biết thay đổi.

Hai hạng người này là hai mẫu người cao quý nhất. Có lẽ Bảo Thành và tất cả các bạn đều thuộc về tuýp người thứ hai là luôn mắc lầm lỗi trong cuộc đời, nhưng còn phải xét về cái vế có biết nhận lỗi, thay đổi, sám hối hay là không biết nhận lỗi, thay đổi, sám hối. Mà chúng ta luôn luôn đổ thừa, cãi lại, chống chế để rồi tự nuôi dưỡng phẩm cách của mình bằng những lầm lỗi, bằng những sai phạm để tạo mầm mống gây ra khổ đau, tai họa cho chính ta. Hãy biết sám hối, biết nhận lỗi, biết xin lỗi để nuôi dưỡng tâm thành, nhìn rõ những gì ta đã làm để tạo ra phước quả, sự an vui, hạnh phúc và những sự may mắn cho cuộc đời.

Khi nói về hạng người số hai này, còn phải nói về hai phương thức, ai biết nhận lỗi, sám hối để sửa, tăng trưởng phước báu hay chỉ chống chế thôi. Điều này có ở trong xã hội mà không đâu xa, ngay nơi cuộc đời của Bảo Thành và cuộc đời của các bạn nhất định đã từng trải qua bao nhiêu lầm lỗi trong cuộc đời mà các bạn và Bảo Thành không bao giờ thành tâm nhìn nhận nó. Cứ chống chế, đổ thừa đưa đẩy qua người này kẻ kia và may mắn lắm ta có phước báu học được pháp của Phật nên ta sám hối. 

Các bạn, những người thường hay mắc sai lầm như chúng ta là bởi vì chúng ta vốn sinh ra làm người có ba chủng tử độc dược mạnh lắm đó là tham, sân, si vốn có được di truyền trong mỗi kiếp người. Do vậy đó là sự tự nhiên, Bảo Thành là có tham, có sân và có si, các bạn cũng giống như Bảo Thành. Khác biệt một chút xíu là tham, sân, si của Bảo Thành và các bạn là ai nhiều hơn ai. Chúng ta đều có nhân đó. Phải thành tâm nhìn nhận nơi chính chúng ta có tâm tham, sân, si vốn có ngủ ngầm và đang tồn tại trong cuộc sống này. Nếu chúng ta không thành tâm đón nhận ta có tham, sân, si thì chúng ta đã nâng cao tâm ngã mạn. Bởi hạng người thứ nhất là những hạng người không mắc sai lầm là những người không còn tham sân si, hạng người đó khó và hiếm không tìm thấy.

Còn nếu nói đến hạng người thứ hai là người thường mắc lỗi lầm thì chúng ta là hạng người đó, phải có tham, sân, si.

Nhìn nhận với sự thành tâm nhìn thấu trong ta có tham, sân, si, trong ta là người luôn luôn tạo ra lỗi lầm, mắc phải sai lầm tạo ra ác nghiệp để nhìn thẳng vào những điều đó không phải sợ, để đối xử với tham, sân, si như kẻ thù bởi chúng là một phần của đời sống. Nhưng sử dụng chúng như thế nào, theo nguồn năng lượng nào để tái tạo lại cuộc đời tăng trưởng phước báu. Chính những lầm lỗi của chúng ta, chính phiền não của chúng ta, chính tánh tham, sân, si vốn có của chúng ta. Nếu nhìn cho thật rõ, quán chiếu cho thật rõ ta có thể ứng dụng những gì ta nhìn thấy để thay đổi cuộc đời. Vì sao? Vì tất cả mọi tạo tác dù là tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố hay hướng thượng, thiện lành cũng đều phải nương vào nguồn năng lượng.

Chúng ta nhớ, xăng đổ vào xe là năng lượng khởi động cho xe chạy, còn chiếc xe đó nó được chạy bằng xăng hoàn toàn không có thiện ác, không có tội lỗi, không có sai đúng. Mà người điều khiển chiếc xe đó, sẽ chở gì trên chiếc xe đó khi có năng lượng là xăng tác động vào? Chở của cải vật chất, những điều mà kẻ khác thiếu thốn tới để san sẻ cho họ, chở tình thương, sự yêu thương đùm bọc hay chở súng ống, đạn dược, các loại thuốc nghiện ngập ma tuý để phân phát gây tội lỗi.

Cho nên chúng ta phải nhớ rằng nguồn năng lượng không có tội, mà ứng dụng năng lượng đó vào hành xử gì mới gọi là tạo ra nghiệp thiện hoặc ác. Cho nên khi ta thấy ta ta xài quá nhiều năng lượng vào những tư tưởng tham, sân, si thì chúng ta phải nhìn thẳng vào những phiền não của tham, sân, si đó để tái sử dụng, tái ứng dụng nguồn năng lượng ta đổ dồn vào phần này qua phần thiện tâm hướng thượng. Đó gọi là sử dụng, khi nhìn rõ được những điều sai phạm của chúng ta, những phiền não của chúng ta. Cho nên, nhìn thẳng vào phiền não để sử dụng năng lượng đang tác động vô đó sang một nguồn hành vi, lời nói, tư tưởng trái ngược, ác thì ta làm thiện, phiền não ta tạo ra an vui. Như vậy, ta sử dụng lại chiếc xe đó được chuyên chở thiện pháp, hơn là chuyên chở những ác pháp.

Cho nên những ác pháp có là bởi vì ta không nhìn thấy, lỡ để người ta cưỡi lên những chuyến xe đó những điều xấu hoặc lỡ vì không nhìn thấy, tạo ra do cố tình hay không cố tình. Nay chúng ta nhìn thẳng vào phiền não đau khổ đó, chuyển nguồn năng lượng tác động vào những tư duy, suy nghĩ, lời nói, hành vi theo chiều hướng hướng thượng thì chúng ta sẽ an nhiên tự tại. Không có gì phải từ chối, không có gì phải sợ hãi, không có gì phải trốn tránh những lầm lỗi của chúng ta. Chúng ta chỉ cần có sự thành tâm đón nhận sự lầm lỗi của mình, nhìn vào đó biết sám hối và biết xin lỗi. Chữ “Sám hối” nói đơn giản là biết xin lỗi tới với nhau, đồng hành với sự xin lỗi đó là những hành động từ tư tưởng, lời nói và hành vi tạo tác ra tương ưng với sự xin lỗi để tạo thành phước. Từ “Sám hối” có lẽ rất tôn giáo. Rất tôn giáo cho nên chúng ta dùng chữ xin lỗi và sửa lỗi, tạo thêm việc thiện là được rồi. 

Một tấm gương mà chúng ta vừa nói, Đức Phật dạy hai hạng người đó, để rồi chúng ta thấy những chuyện xảy ra trong cuộc đời các bạn phải thành tâm đón nhận, đón nhận để nhìn kỹ để mở nó ra, để nhìn thật kỹ ở bên trong, để sửa, để thấu, để chuyển hoá, để tái ứng dụng, tái sử dụng một đống rác mà thói thường chúng ta quăng đi.

Các bạn, vào những ngày khi làm lụng ở trong nhà xong, ai cũng có những bịch rác, mang ra đằng trước cho người hốt rác mang đi. Các bạn có khi nào thấy người hốt rác, khi họ mang bịch rác bỏ lên trên xe, có một số những người trên xe họ xé ra, họ bới ở trong rác, họ phân loại các loại rác. Nhựa họ bỏ qua một bên, giấy họ bỏ qua một bên, rác hay là rau cỏ hay những thứ khác họ bỏ qua một bên. Để rồi ba loại đó tái sử dụng, rác thuộc loại có thể làm phân – họ làm phân, có thể bằng nhựa tái sử dụng – họ tái sử dụng, bằng giấy cũng như vậy, phân loại ra, bằng sắt, bằng đồng, họ phân loại ra. Và chính những người đó họ đã bới ở trong rác để phân loại tái sử dụng trở lại.

Chúng ta có thể nào trở thành một người công nhân hốt rác cho chính bản thân của mình? Mỗi một ngày, chúng ta nhìn lại đống rác của phiền não, của đau khổ, của những chuyện bất như ý, đừng vội vàng hốt ra khỏi cửa nhà của chân tâm, quẳng ra ngoài đường để cho ai đó ta trả vài đồng bạc hốt cho chúng ta, như các vị mà chúng ta trả tiền hàng tháng để hốt rác đó. Thì trong chân tâm nếu rác rưởi chúng ta nhiều, mà chúng ta không bới ra phân loại để tái sử dụng theo tâm rất thành nhìn rõ, thì chúng ta đã vô tình mang đống rác đặt ra ngoài và rồi nhờ các vị hốt rác khác đến hốt đi, những vị hốt rác đó là ai? Là các vị Tôn Túc, là các vị Thầy hoặc ai đó ta tin tưởng, thậm chí tới chùa ta mang rác đặt đằng trước rồi trao hết cho ông Phật để ông Phật gánh hết rác rưởi cho chúng ta. 

Ở đời rác mà đặt ra ngoài mất tiền, nhưng người làm việc đó còn bới tìm những điều tốt tái sử dụng, mang gương đó ta phải trở thành là người hốt rác cho chính ta. Và ta phải bới tìm trong đống rác rưởi, phiền não đau khổ hằng ngày để nhận ra cái gì, phân loại thật rõ nguồn gốc nó và rồi tái sử dụng lại để không chồng chất rác rưởi ngập đầu.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ngài Phổ Hiền tức là Ngài Bồ Tát Phổ Hiền nói như vậy. Nếu như tội lỗi và lỗi lầm của con người có tướng tức là có hình dung thì nó sẽ đầy tràn hết tam thiên, đại thiên thế giới, nó ngập tràn hết như rác mà thôi. Rất may là lầm lỗi của ta vô tướng, mắt thường không nhìn thấy, chứ nếu có tướng, nó chồng chất không còn lối đi. Đó là Ngài Bồ Tát Phổ Hiền dạy như vậy, cho nên chúng ta đừng vì không thấy mà rồi cứ xả rác tâm ra, dưới con mắt người học Phật ta phải nhìn thấy rác rưởi của tâm bất thiện do năng lượng tác động vào tham, sân, si xả thải ra. Để rồi chuyển hoá nguồn năng lượng này, cắt đứt nó đi, không để năng lượng chảy vào trong những tâm tham, sân, si để biến thành tư tưởng, lời nói và hành động nữa. Mà chuyển nguồn năng lượng này, tái sử dụng nó qua những chiều hướng tốt đẹp, làm được chỉ cần chú ý mà thôi. Thành tâm đón nhận nhìn kĩ bới rác trong tâm phân loại rõ ràng rồi chúng ta sử dụng theo những điều Đức Phật dạy ta sẽ thành công. 

Các bạn nhớ ở trên đời, các bạn và Bảo Thành ai ai cũng lầm lỗi thật nhiều, chúng ta phải biết xin lỗi và sám hối. Đừng sợ vì chúng ta lầm lỗi rồi không dám nhận lỗi. Có những cái gương thật sâu sắc trong cuộc đời, khi Đức Phật còn ở trên trần gian đã xảy ra, mà Đức Phật đã dạy dỗ cho những người đó không ai xa lạ – một vị vua mà Đức Phật cư trú ở trong quốc độ của ông ta thời còn sống, đó là ông vua A-Xà-Thế.

Các bạn nhớ ông vua A-Xà-Thế này rất ác, phạm một tội ngỗ nghịch đó là giết cha của mình. Các bạn thử coi trong chúng ta, có lẽ kiếp trước, chứ còn hiện tại ai dám nghĩ tới điều giết cha của mình. Thế mà ông vua A-Xà-Thế vì muốn đoạt ngôi của cha, muốn làm vua, đã ra tay giết cha của mình. Các bạn thông thường khi nhìn thấy một kẻ giết cha, một kẻ tội lỗi, một kẻ cướp, chúng ta thường chê bai và trong lòng thường có suy nghĩ những kẻ đó không xứng đáng gẫn gũi với ta huống hồ chi là làm sao có thể gặp được Phật, gặp được Pháp, gặp được Tăng. Đó là điều tự nhiên mà, đó là sự kỳ thị, sự phân biệt hiển nhiên bởi trong ta vốn có tâm tham, sân, si, cho nên cứ thấy điều gì xấu, người nào xấu là bị đẩy lùi ra khỏi cuộc đời chúng ta. Ông vua A-Xà-Thế kẻ tội lỗi như vậy, phạm tội ngỗ nghịch giết cha thử hỏi có cơ hội tới với Phật không?

Sau này phát hiện ra, chính bản thân mình đã có tội, phạm tội ngỗ nghịch giết cha, ông vua A-Xà-Thế đã sám hối, xin lỗi và với sự thành tâm nhận ra lỗi lầm đó, đau khổ vô cùng, đau khổ khôn cùng suốt đêm trường dằn vặt, không sống nổi, buồn bã đau đớn. Và ông vua A-Xà-Thế đã thành tâm đón nhận sự đau khổ đó và rồi chính sự thành tâm đón nhận sự đau khổ ông ta nhìn rõ tạo tác mình đã giết cha là tội không thể tha thứ. Để từ đó khởi lên một tư tưởng mới là phải chấm dứt chuyện đó, sửa đổi chuyện đó, và như thế nào, ai là người có thể dạy để chuyển hóa phiền não? Đi khắp mọi nơi, tìm các vị Thầy không ai hoá giải được. Cuối cùng ông vua A-Xà-Thế được mách bảo tới gặp Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn đã đón nhận ông A-Xà-Thế và để cho ông A-Xà-Thế làm một pháp sám hối, tức là xin lỗi cha của mình trước mặt Chư Phật, Chư Phật đã chứng minh. Đức Bổn Sư đã chứng minh và rồi ông A-Xà-Thế đã thành thông thọ ngũ giới, trở thành phật tử tại gia giữ giới, ngưng hẳn chuyện ác, làm việc thiện, tái tạo lại cuộc đời. Và rồi ông ta trở thành một Phật tử thật tốt.

Như vậy ông vua A-Xà-Thế, đã nhìn rõ phiền não đau khổ bởi giết cha, nhìn thật rõ, thành tâm đón nhận sự đau khổ đó, để tìm phương pháp sử dụng đau khổ này như thế nào? Sử dụng nó để than van, khóc lóc hay nhìn rõ để tái sử dụng nó vào nguồn thiện lành hơn? Chính sự suy nghĩ thật là sâu sắc để làm sao sử dụng phiền não mang sự lợi lạc bằng cách thắp sáng đuốc tuệ tìm người khai mở để có thể hiểu rõ, nên ông vua A-Xà-Thế đi tìm tất cả vị Thầy trong thế gian thời đó không ai có thể làm được, ngoại trừ Đức Thế Tôn. Ngài khai thị và ông ta đã ngộ ra để rồi sử dụng chính đau khổ, phiền não, tội lỗi, nghiệp chướng, tội ngỗ nghịch giết cha này thành những tạo tác hành vi đối lập những cái đã tạo. Nào là việc hướng thiện, từ thiện giúp đời, độ dân và làm tốt ông ta trở thành một người Phật tử thuần hành, chánh thiện thời Đức Phật.

Các bạn và Bảo Thành chắc có lẽ không giết cha, bằng tâm ác độc chiếm ngôi. Nhưng chúng ta có thể vì một danh dự, vì một danh vọng, hoặc vì quyền lực của tiền tài, danh vọng, địa vị, ngũ dục, tham sân si, chúng ta đã giết thật nhiều người không bằng dao, bằng súng. Nhưng bằng những sự, ganh ghét, chê bai, dèm pha, đâm thọc, hơn thua tranh chấp. Tranh vì danh – muốn danh ta trội nổi hơn, tranh vì quyền bởi vì ta muốn có quyền hơn, tranh vì tiền – ta muốn giàu hơn, tranh vì tình nên ta chiếm đoạt tình cảm của người khác dưới mọi góc độ. Tranh nhà tranh cửa, tranh đồ ăn thức uống, chúng ta thực sự vì điều đó, ta đã giết hại nhân phẩm, giết hại danh dự, giết hại những người đồng môn, anh chị em, thân bằng quyến thuộc và bạn bè. Bảo Thành và các bạn đã phạm tội đó thật nhiều. Ta muốn chơi trội hơn nên ta đã sẵn sàng chà đạp, giết hại danh phẩm của người khác, tiếng tăm của người khác, để rồi tạo ra sự vọng ngữ, vọng tâm, tạo ra những hành động không đúng. Như cống cao ngã mạn, tự xưng vương xưng đế, xưng vị này vị kia, xưng đấng này đấng kia mà chẳng thể nhìn rõ chính mình. Khi ta không thành tâm nhìn rõ tội lỗi, nghiệp chướng ta đang tạo, ta đang sống trong ảo tưởng, ta đang sống trong ảo vọng và như vậy chính vọng tâm, vọng ngữ, vọng tưởng, vọng hành động đó, đã làm cho chúng ta xa rời thực tế không nhận rõ được chính mình, đánh mất mình. Khi đã đánh mất chính mình sao có thể biết ai ở trong đời này. Cha mẹ còn không biết, con còn không biết thì làm sao? Đó là những bậc hữu vi mà chúng ta không nhìn ra, huống chi là những bậc vô vi, lấy đâu để biết, để thấu. Cho nên khi con người ở trong thân xác này, vẫn còn thường tội lỗi nhiều, thì vọng tâm, vọng ngữ, vọng kiến, vọng hành vi, vọng tưởng, những cái vọng đó (vọng tức là không thấy, không rõ, không biết, mù tịt), nhưng vẫn xưng, ta là này, ta là kia, đang tạo nghiệp vô cùng. Và hầu hết những người xưng này, xưng kia, để tạo nghiệp là những người không có tâm thành nhìn nhận sai của mình. Bởi vì họ đau khổ, bởi vì họ gặp nhiều chuyện không ưng ý, bởi vì họ gặp và đã bị hãm hại bởi nhiều người khác. Tại sao nói đến sự hãm hại, để rồi phải sống trong ảo tưởng đó?

Có một cái gương cũng rất là rõ trong Kinh Phật thời đó, đó là ông Vô Não. Ông ta sống và sinh ra trong một gia đình vọng tộc giàu có lắm, nhưng bị hãm hại thuở nhỏ, bị chê bai, rồi bị dèm pha, rồi bị xâm hại tinh thần và thể xác nữa, cho nên ông ta đâm ra ghét hết mọi người. Từ đó trở thành tướng cướp và tạo ra một vọng tưởng sở thích là đeo ở trên người những ngón tay mình giết, và ông ta đã giết chết được biết bao nhiêu con người và trên người của ông ta đã đeo đến 999 ngón tay. Nhưng giây phút cuối có nhân duyên gặp được Phật, Phật đã hoá độ ông ta đã dừng, ông ta đã sám hối và trở thành một đại đệ tử của Phật, sau này chứng đắc sự an lạc.

Hai cái gương này nói tới rằng sám hối rất quan trọng. Và nói đến người không có sự thành tâm đón nhận những lầm lỗi của mình thường là người tạo ra nghiệp. Và những người thường tạo ra nghiệp do không thành tâm đón nhận lầm lỗi của mình, vẫn là người luôn luôn cống cao ngã mạn. Sự cống cao ngã mạn để nâng danh của mình lên, cái tôi của mình lên, và qua điều đó, chúng ta có thể quán chiếu nhân quả để thấy rằng họ là những người đáng thương. Bởi vì họ đã bị xâm hại tinh thần, xâm hại đời sống tâm linh, họ bị xâm hại về thể chất và cuộc đời của họ gặp quá nhiều những chuyện không ưng ý. Nên phải dựa vào một gì đó để thỏa mãn sự đau khổ, thất bại và sự xâm hại kia. Từ đó tạo ra vọng tưởng và vọng tưởng khi nó đã cao rồi, nó trở thành vọng tâm, sống trong ảo tưởng, nên dễ bị vọng tưởng đó thâm nhập vào chính mình, hành hạ mình và rồi tạo ra nhân cách này, nhân cách kia để xoa dịu cõi lòng của mình. Nhưng cũng chính vì đó họ lại bị vọng tưởng đó nó xâm hại ngược lại và lợi dụng sự đau khổ của họ để rồi họ lại tạo tác ra nhiều nghiệp chướng khác, lây lan tới cho muôn người.

Chúng ta những người học Phật phải có con mắt trí tuệ, tịch tĩnh nhìn rõ, để có sự thành tâm đón nhận mọi sự tới lui trong cuộc đời của ta. Để ta phải bới tìm trong đống rác của những bất thiện nghiệp, của những tội lỗi, của những sai lầm, lầm chấp của chính ta. Chúng ta phân loại nó ra và tái sử dụng nó lại. Học cách sử dụng, học cách tái sử dụng rác rưởi của chính ta, để hoàn thiện cuộc đời.

Thông thường đống rác trong mắt của ta, ta không nhìn thấy nhưng một hạt bụi nhỏ dính trong mắt người ta nhìn thấy ngay. Ý nói rằng lỗi mình ta không thấy, lỗi người ta thấy cả một đống, dù rằng lỗi của mình tràn ngập. Đức Phật dạy cho chúng ta phải có tâm chân thật và phải có sự thành tâm nhìn nhận đến mình, nhìn nhận tội lỗi của mình, nhìn nhận lỗi lầm của mình và thành tâm đón nhận nó, để rồi khi còn sống đây, chúng ta thành tâm đón nhận, nhìn nhận những tội lỗi của ta để ta biết xin lỗi và ta biết sửa lỗi. Nếu các bạn và Bảo Thành nhìn kĩ ta có lỗi với cha mẹ, nếu cha mẹ còn sống ta phải mạnh dạn tới xin lỗi cha mẹ và sửa lỗi đó bằng thay đổi hành vi cuộc sống của chúng ta phù hợp với hiếu đạo.

Nếu ta có lỗi với thầy cô, có lỗi với bậc trưởng thượng, có lỗi với chồng vợ, có lỗi với con cái, có lỗi với bạn, chúng ta phải mạnh dạng lên để chúng ta thành tâm đón nhận sự lầm lỗi, nhìn rõ, để đi tới người ta đã phạm, xin lỗi và sửa lỗi bằng những hành vi, lời nói, tư tưởng tốt đẹp hơn để tái tạo lại tình cảm cũng như một môi trường sống lành mạnh. Thông thường ta trốn tránh, ta đổ thừa và ta đã không có sự thành tâm nhìn nhận tội lỗi, do đó nó càng tạo nên vọng tưởng, vọng tâm rồi sống trong sự ảo giác, sức mạnh, nghĩ rằng, ta có thể làm được vạn sự, muôn sự. Nghĩ rằng ta là vua bởi trên đời này có nhiều người tự xưng là vua, xưng đế, xưng vua, rồi có người xưng là thượng đế, rồi có người xưng là Phật luôn, xưng là Chúa luôn, xưng là các vi Bồ Tát Thánh Hiền giáng trần mượn xác con người để dạy đạo, để dạy đời. Nhưng bản thân của họ đối với ngũ giới chưa giữ được, đối với những việc ác chưa dứt, việc lành chưa làm, sám hối chưa rõ, nhận lỗi chưa có thông, bới rác để tìm sửa đổi cuộc đời chưa có. Vậy mà vẫn đội lốt các bậc Thánh nhân, các bậc Cổ đức, các đấng Bồ Tát, Chư Phật, Thánh hiền để dạy cho người khác. Đức Phật –  chỉ có Đức Phật mới là bậc Thầy của trời người, mới là đấng Đại Giác Đại Ngộ để dạy cho mọi loài chúng sanh. Không ai có quyền dạy cho người khác, chúng ta chỉ có mang lời Phật tới để chia sẻ cũng như Bảo Thành mang lời Phật và ý tưởng Kinh điển của Phật ứng dụng vào trong cuộc đời chia sẻ với các bạn. Bởi đó là lời của Đức Phật dạy, nhưng Bảo Thành và các bạn phải làm một điều cho chính mình đó là phải biết nhìn nhận tội lỗi của mình, nhìn nhận lầm lỗi của mình, biết sám hối, biết xin lỗi, biết sửa lỗi và biết thay đổi cuộc sống của mình phù hợp hướng thiện, hướng thượng. Cho nên thành tâm đón nhận ở đây nói về góc độ lỗi lầm là một chuyện. Mỗi người chúng ta cần phải chú ý để chúng ta nhận ra sai của mình để sửa. Và chúng ta nhìn thẳng vào phiền não và những đau khổ để ứng dụng nó theo chiều hướng hướng thượng chứ đừng dồn quá nhiều năng lượng đắm đuối si mê, vùi đầu vào trong đó. Đây là một góc độ nói về thành tâm đón nhận, đón nhận những sai trái của mình, những lầm lỗi, những xui xẻo, những bất thiện nghiệp đã tạo ra. Đồng hành để nhìn rõ điều đó, để tái sử dụng, tái ứng dụng và chúng ta cũng phải thành tâm đón nhận những niềm vui, nhìn rõ để thấy rằng niềm vui và những may mắn đó tới với ta là do phước báu. Để từ đó chúng ta không những thành tâm đón nhận những cái sai để sửa, mà thành tâm đón nhận những cái tốt do phước báu. Mà một điều tuyệt vời nhất để thành tâm đón nhận nữa đó là thành tâm đón nhận tình thương, trí tuệ và lòng từ bi, sự khai thị của Phật để chúng ta làm mới cuộc đời.

Có nhiều người trong chúng ta như Bảo Thành và các bạn, khi chúng ta tới với Phật, chúng ta chưa có lòng thành tâm đón nhận Phật vào cuộc đời, đón nhận Pháp của Phật vào cuộc đời, đón nhận sự hoà hợp của Chư Tăng vào cuộc đời, đón nhận cái gì? Năng lượng từ bi vào cuộc đời. Chúng ta chưa thực sự thành tâm, chúng ta không có tâm thành đón nhận, chúng ta hời hợt, chúng ta coi thường, chúng ta coi Chư Phật – giáo pháp của Ngài, Chư Tăng sự hoà hợp, tình thương từ bi của Chư Phật như là một dụng cụ để sử dụng vào mưu cầu hạnh phúc của cuộc đời, chứ không có thành tâm đón nhận Đức Phật như một vị Thầy để chúng ta có lòng thành kính học hỏi như một người học trò đã được một vị Thầy rất mực thương yêu, dạy dỗ cho chúng ta. 

Tâm không thành, không thành tâm đón nhận Phật như một vị Thầy vào cuộc đời, giáo pháp như một con đường để giải thoát, và Chư Tăng như sự hoà hợp, cũng như lòng từ bi vô lượng của Phật, thì chúng ta đã vô tình biến Phật thành công cụ để sử dụng cho những mưu cầu mục đích của đời người, điều đó càng tạo ra nghiệp. Cho nên thành tâm đón nhận có hai góc độ là thành tâm đón nhận cái sai, cái tội, bất thiện nghiệp của ta để sám hối, sửa đổi để chuyển hóa tự cao, tự ngã thành tâm đón nhận ta bị xâm hại thể chất tinh thần và tâm linh, nay đau khổ tột cùng bởi trực diện với muôn điều không như ý. Cầu vọng, cầu nhưng vọng trong tâm vọng tưởng để rồi bị vọng tưởng nhập vào hoá thiện thành kẻ này người kia, xưng tên xưng tuổi, mang rác rưởi rải vào trong cuộc đời. Điều đó ai biết? Chỉ có ta biết được, nếu ta đã biết phải biết sám hối. Cho nên Đức Phật nói có một người tới phạm tội với Phật, chửi Phật thì ai biết ai đúng ai sai? Đó là cô kia tới vu khống Phật, đã hãm hại cô để tạo ra một bào thai, Chư Phật với cô ta rằng chuyện đó xảy ra chỉ có cô và ta biết sự thật mà thôi và cuối cùng cô ta đã lộ bởi vì dây cột bụng bị đứt, mọi sự rớt ra ai cũng nhận thấy, nên cô ta phải bỏ mà ra đi.

Chúng ta cũng vậy, những vọng tưởng, những sai trái trong cuộc đời nếu không tu tập bằng Chánh niệm hơi thở thì chúng ta sẽ không bao giờ nhận lỗi, nhìn nhận ra nó. Và đúng sai đó chỉ có ta mới biết được mà thôi. Cho nên tánh biết và tánh thấy trong phép thở Chánh niệm Mu A Mu Sa rất tuyệt vời, bởi nó giúp chúng ta có tinh thần ổn định, có trí tuệ sáng để nhìn và thẩm định với tánh thấy biết để rõ cái nào là tội, cái nào là sai để ta sửa, ta xin lỗi, ta sám hối, cái nào là đúng để ta tăng trưởng. Và rồi với tánh thấy biết trong Chánh niệm hơi thở đó, ta còn nhận biết ra Đức Phật là bậc Thầy, giáo pháp của Ngài là giáo pháp cao tột. Chư Tăng là sự hoà hợp để đưa chúng ta trên con đường tìm cầu sự giác ngộ và đón nhận ân điển từ bi của Chư Phật với tâm thành, với sự thành tâm đón nhận. Hoan hỷ, có sự thành tâm đón nhận như thế, tội lỗi thì xin lỗi sửa, sám hối ngừng, điều tốt đẹp phước quả thành tâm đón nhận tri ân, và rồi tiếp tục trên con đường đó để thay đổi cuộc sống. 

Các bạn thân mến, tất cả những chuyện này phải là nơi chúng ta làm. Hãy trở thành người hốt rác mỗi sớm mai, dậy thật sớm để hốt rác rưởi, không phải ở bên ngoài mang đi mà ở bên trong tâm của chúng ta phân loại rác rưởi của tâm đã tạo ra từng ngày. Không có gì phải sợ hãi, tái sử dụng nó, nhìn rõ vào phiền não, đau khổ tội lỗi của chúng ta để sử dụng nó vào mục đích tốt đẹp hơn, là tái sử dụng vào những phần phù hợp cho cuộc đời. Những gì có thể tạo thành phân ta ủ thành phân, nhựa ta tái sử dụng, sắt, gỗ, giấy ta tái sử dụng. Hành vi của chúng ta cũng như vậy, nếu ta đã phạm tội như ông A-Xà-Thế, nhìn rõ thấy và tái sử dụng năng lượng vào sự căm phẫn, đoạt ngôi giết cha nay tái sử dụng năng lượng đó bằng hành vi từ thiện giúp đời và độ cho dân chúng của mình. Cũng như ông Vô Não, khi đã nhìn rõ ra tội lỗi giết người bởi bị xâm hại thân xác, tinh thần và tâm linh nên ghét bỏ mọi người, chỉ muốn giết người thôi. Gặp Đức Phật đã tái sử dụng, nhìn rõ đau khổ phiền não, tái sử dụng năng lượng đó vào sự cầu pháp, tu thiện để rồi chứng đắc sự an lạc.

 Chúng ta làm được điều đó bởi lời của Đức Phật, giáo lý của Đức Phật không phân biệt ai hết. Kẻ trí hoặc người không có kiến thức đều có thể ứng dụng toàn phần tùy theo sự đón nhận, tùy theo sự thành tâm đón nhận. Đón nhận tội lỗi của mình sám hối để sửa đổi, đón nhận phước báu dù mỏng dù ít để thấy rằng tất cả hành vi, nghĩa cử, lời nói, tư tưởng tạo phước đó để luôn luôn đón nhận Phật – Pháp – Tăng, ba ngôi Tam Bảo là pháp bảo vi diệu, với tâm thành, với sự thành tâm. Để từ đó khi ngồi trong Chánh niệm hơi thở, hít vào thở ra, ứng dụng được tánh thấy biết nhìn rõ được phước và hoạ, nhìn rõ đau khổ phiền não, hạnh phúc an vui, nhìn rõ cả hai thái cực và thành tâm đón nhận cả hai. Sai sửa, đúng tăng trưởng, đơn giản sai thì sửa, đúng thì tăng trưởng. Nếu không có sự thành tâm đón nhận ta luôn đổ thừa để rồi vọng tưởng sinh ra vọng ngữ, sinh ra nhiều thứ ảo vọng, sống trong ảo tưởng. Thông thường thật là nhìn rõ người có vọng tưởng là những người đánh mất chính bản thân của mình, và thường gán ghép cho người khác thấy rằng ta là vị này vị kia. Phẩm vị là người, phẩm vị nhân cách làm người họ chưa làm xong, họ chưa tu đúng, họ chưa sửa được thì lấy phẩm vị nào để ghép vào? Ghép phổi, ghép gan, ghép thận còn phải nhờ bác sĩ cao siêu hiểu mà còn phải ghép đúng, thận, gan, máu, mắt, những thứ mà nó phù hợp mới có thể tồn tại được. Thì khi chúng ta ghép mình vào với pháp thiện của Chư Phật đó là đúng để sửa mình thì nó mới phù hợp. Còn hơn lấy ông Phật đặt vô bên trong tim, lấy Bồ Tát đặt vô trong môi miệng và tự xưng là Bồ Tát Thánh Hiền, điều đó xảy ra thường xuyên trên thế giới này. Đó là đang tạo tội vọng ngôn, vọng ngữ, vọng tưởng, tạo nghiệp vô cùng. 

Thời xưa, Kinh Phật dạy thật là nhiều, trường hợp đó thường bị mắc phải, cho nên người tu Phật là người phải Chánh niệm hơi thở miên mật. Tức là thường xuyên để cho tâm tỉnh giác – tỉnh giác các bạn nhớ. Và để cho tâm thấy biết rõ rằng ta đang làm gì để chúng ta làm chủ tâm, tâm chưa được làm chủ thì không thể. Phật dạy trong Kinh Pháp Cú, “Tâm làm chủ các pháp”. Ta phải làm chủ được các pháp bất thiện và làm chủ được pháp thiện, làm chủ pháp bất thiện để chuyển hoá chúng, làm chủ pháp thiện để tăng trưởng chúng. Nếu bạn chưa làm chủ được pháp thiện và pháp bất thiện trong cuộc sống của mình, bạn chưa làm chủ được tâm. Tất cả những gì bạn nói, bạn đóng vai chỉ là một diễn viên hài kịch, không phù hợp trên sân khấu của Phật pháp. Rất đáng nực cười, các bạn hãy cảnh tỉnh trong cuộc sống, và đừng biến hình và đừng biến mình thành một diễn viên theo một kịch bản tạo ra nghiệp trên sân khấu của Phật pháp, nguy hại tổn phước báu cho mình, cho con cái của mình, cho gia đình của mình.

Thông thường những người như vậy hay tạo ra sự xáo trộn trong gia đình, con cái, bà con, thân bằng quyến thuộc thường gặp những chuyện không hay. Là bởi vì sao? Vì họ sống trong vọng tưởng, rồi vọng tưởng, ảo tưởng đó tạo ra sự xích mích, chia rẽ và rồi con cái trong gia đình, cha mẹ trong gia đình, thân bằng quyến thuộc trong gia đình không thể hài hoà gặp gỡ nhau thường xuyên trong Chánh pháp của sự tỉnh thức mà vùi đầu vào trong vọng tưởng của sự u mê. Người đó đang bước trên một chiếc cầu mà bàn chân họ đang đặt từng nhịp trên chiếc cầu u mê đi vào ngục tối của vô minh nơi tâm thức. Cần phải tỉnh ngay để đi ngược lại trên nhịp cầu tỉnh giác, chứ đừng miệt mài trên nhịp cầu u mê.

Các bạn thân mến đó là ý nghĩa mà chia sẻ dưới cả hai góc độ về sự thành tâm đón nhận tội lỗi và phước báu, để ta tăng trưởng, sai – sửa, đúng – tăng trưởng và sống đời tỉnh thức trong Chánh niệm hơi thở.

Mời các bạn đặt bàn tay phải trí tuệ vào lòng bàn tay trái từ bi, ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi xuống muôn loài chúng sanh để chúng con biết Chánh niệm hơi thở sống đời tỉnh giác, nhìn rõ sai thì sửa, đúng thì tăng trưởng. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Đức Phật dạy để tạo thành phước báu, giữa người nhận và người trao cần phải có sự thành tâm. Nếu chúng ta là người làm việc thiện, khi trao ân tình, trao tài vật, trao trí tuệ, kiến thức tới cho một người mà không có sự thành tâm ta không tạo ra phước báu chút nào. Ngược lại người đón nhận, nếu họ có sự thành tâm đón nhận thì họ tăng trưởng phước báu. Và nếu như họ không thành tâm đón nhận thì người trao và người nhận chẳng có phước báu, tạo thêm nghiệp. Còn nếu người nhận có sự thành tâm, họ đón nhận được phước báu. Bây giờ người nhận không thành tâm mà người trao thành tâm thì người trao có phước báu. Và một phương pháp hoàn hảo Đức Phật dạy: giữa người nhận và người trao đều có sự thành tâm đón nhận và trao thì tạo thành phước báu vô lậu tức là không có phiền não, phước báu vô tận.

Cho nên trong cuộc đời của chúng ta, các bạn và Bảo Thành luôn luôn là những con người đón nhận ân tình, ân nghĩa, sự giáo dưỡng của Chư Phật, Bồ Tát Thánh hiền, của các Chư bậc Cổ đức, các vị Thầy Tổ, các vị Thầy, của đấng bậc sinh thành, của thầy cô, của xã hội. Ta phải có sự thành tâm đón nhận sự giáo dưỡng, chỉ dạy trao ra đó của những đấng bậc đó thì ta tạo thành phước báu. Và trong cuộc đời nhất định chúng ta cũng sẽ trao ra bởi học được Phật pháp, làm việc thiện, trao ân tình, trao ngôn ngữ, trao tư tưởng, trao hành vi, trao tài vận, san sẻ yêu thương, từ thiện. Ta trao ra bằng sự thành tâm như vậy thì khi người tới được đón nhận đó họ nhìn thấy sự thành tâm của ta mà họ có sự tâm thành đón nhận. Hai bên đều dung thông trong sự thành tâm, phước báu vô cùng.

Cuộc sống không ai dám vỗ ngực không cần ai. Chúng ta luôn luôn sống có sự liên hệ với nhau giữa pháp thiện gọi là cộng nghiệp thiện, làm việc thiện tốt và cũng có sự liên hệ giữa pháp ác cộng nghiệp ác nên cứ tạo ác. Cần phải có một sự suy nghĩ, tư duy chính đáng để có sự thành tâm đón nhận sai và đúng. Để rồi trong mối tương tác hằng ngày ta biết đón nhận với tâm thành đối với tình thương, sự trao gửi dưới mọi dạng hình thức nơi những đấng bậc sinh thành, vợ chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc và người trong xã hội, ngay cả đối với Chư Phật, Bồ Tát, Chư vị Thầy của chúng ta nữa. 

Các bạn, hãy học tất cả và đón nhận với sự thành tâm để tăng trưởng phước báu. Phật không phân loại ai tốt xấu để loại trừ, Phật đón nhận tất cả. Người khôn ngoan là người đi lượm rác, biết phân loại rác tái sử dụng. Các bạn, chúng ta là hạng người thứ hai cao quý nhất. Chư Phật dạy ta không phải là hạng người thứ nhất mà không phạm lỗi lầm, ta luôn mắc lỗi lầm. Và hạng người thứ hai này, Phạt dạy luôn mắc lỗi lầm nhưng cao quý nếu chúng ta biết nhìn nhận tội lỗi, sám hối, sửa sai. Hãy thực hành lời Phật để chúng ta, Bảo Thành và các bạn trở thành hạng người thứ hai – hạng người cao quý nhất. Bởi luôn thường mắc lỗi, biết nhìn nhận ra nó để có sự thành tâm đón nhận lầm lỗi để sám hối, sửa lỗi để trở thành phẩm hạnh cao quý như hạng người thứ hai Phật vừa nói.

Các bạn hãy đặt bàn tay trí tuệ vào bàn tay từ bi, chúng ta vận hành 07 biến.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi xuống muôn loài để chúng con không còn sống trong ảo tưởng mà xưng hô với những phẩm vị này kia, để luôn luôn đón nhận với tâm thành sửa lỗi để tăng trưởng phước báu cho bản thân và gia đình.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân, tâm trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Bảo Thành và các bạn đã tu xong rồi. Chúng ta chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện xin Chư Phật chứng minh cho sự hồi hướng của chúng con là tất cả mọi chúng sanh nương vào oai lực của Chư Phật sống đời Chánh niệm, tỉnh thức, xoá tan đi mọi vọng ngữ, vọng tâm, vọng tưởng. Để luôn sống với tánh biết thấy rõ ràng, phân biệt được thiện ác.

Hồi hướng công đức tới các nguyên thủ các quốc gia biết thành lập chính sách hoà bình cho thế giới. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra vắc-xin (vaccine) và thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới chữa lành và giúp đỡ nhiều người. Hồi hướng cho những ai còn đang đau khổ, phiền não gặp được hạnh phúc và an vui. Hồi hướng cho tất cả mọi vong linh đều tái sanh về miền cực lạc. 

Xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn