Search

Bài 1166: Chuyển Hóa Khắc Khẩu – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Mô Phật !

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn trên kênh YouTube và quý Sư Cô, quý Phật tử chúng ta đồng tu hôm nay trên trang mạng YouTube Thất Bảo Huyền Môn.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu, kính mời các bạn quy ngưỡng thân tâm của mình về với Chư Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải Tha lực Phật điển Đại từ Đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn!

Đồng tu là một phương pháp thật là tốt. Từ ngàn xưa thời Đức Phật, ngài cũng luôn luôn khuyến khích các đệ tử của ngài tập trung vào hai, ba, bốn đệ tử tì kheo sống chung, sách tấn, gọi là đồng tu với nhau. Và nhiều lúc cả một tăng thân thật là lớn tới một ngàn hai trăm năm mươi người, lớn lắm, ngồi dưới sự hướng dẫn của Chư Phật. Đức Phật nhận thấy là thân con người chúng ta thường hay giãi đãi, vương vấn trong tư tưởng của con người, rồi rong chơi khó tập trung để tu. Do đó Đức Thế Tôn sách tấn mọi người chúng ta phải nỗ lực thật sự, đồng tu với nhau. Khi đồng tu không khác gì như từng giọt nước rơi xuống dòng sông tạo thành một dòng nước chảy mãi về biển đông. Khi chúng ta không biết liên kết như thế, mỗi một con người không có sự đồng tu. Hôm nay tu một, ngày mai nghỉ mười và cứ như vậy ta khó đi đến sự thành tựu. Chúng ta đã đồng tu thật lâu rồi tính ra là gần sáu tháng rồi các bạn. Thật là tuyệt vời trong tinh thần chúng ta vẫn còn miệt mài giữ vững. Dù các bạn có nhiều người đã gặp Bảo Thành, hoặc chưa bao giờ gặp, nhưng nhân duyên đã đưa chúng ta tới gặp mặt ở trên kênh YouTube, thông tin đại chúng để từ đó chúng ta thầm nguyện với nhau sẽ cố gắng sách tấn đồng tu. Có nhân duyên sự tu sẽ tăng trưởng, không có nhân duyên như một sự ghé qua để biết.

Thiền Mật Song Tu – Thất Bảo Huyền Môn là pháp môn phối hợp giữa Thiền và Mật. Thiền trong Chánh Niệm hơi thở. Mật trong mật trú Mu A Mu Sa có sự liên kết giữa tự lực giác ngộ của mỗi một người để tử chúng ta và Tha lực Phật điển từ mười phương Chư Phật. Chúng ta, hơi thở đi vào từ mũi theo pháp môn này, đi xuống dưới phổi, tiếp tục đi xuống từ từ đan điền khí hải ở dưới bụng, bụng dưới. Khi hơi thở đi vào bằng mũi, ta phải thấy được hơi thở, dùng tâm để thấy được hơi thở đi vào. Và dùng tâm để biết bụng phình ra. Khi thở ra cũng như vậy. Tâm phải thấy được hơi thở đi ra từ bụng và biết bụng hóp vào đồng thời trì mật chú. Tay phải được đặt tên là bàn tay Trí Tuệ tượng trưng cho Trí Tuệ. Tay trái được đặt tên là bàn tay Từ Bi tượng trưng cho lòng Từ Bi. Trên màn hình bởi vì quay ngược khi Bảo Thành đưa tay phải các bạn có thể nhìn thành tay trái, nhưng cứ theo ngôn ngữ của Bảo Thành các bạn sẽ nhận rõ đây là tay phải thì các bạn đưa tay phải, tay trái thì các bạn đưa tay trái. Ta đặt bàn tay phải là lấy Trí Tuệ đặt lên lòng Từ Bi, dùng Trí Tuệ và Từ Bi quán chiếu hơi thở, đón nhận Tha lực Phật điển để chúng ta bắt đầu.

Mời các bạn:

Đề mục hôm nay chúng ta quán chiếu “Chuyển Hóa Khắc Khẩu”, sự đối nghịch trong ngôn ngữ của cuộc đời.

Mời các bạn!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải Tha lực Phật điển Đại từ Đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực tiếp năng lượng Từ Bi, khai mở Trí Tuệ, để chúng con chuyển hóa khắc khẩu khi tương tác với nhau hằng ngày. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào trì mật chú : Mu A Mu Sa (7 biến)

Mô Phật !

Các bạn thân mến! Khi chúng ta đói, chúng ta ăn vào miệng. Chúng ta cảm giác được đồ ăn và thấy no. Người ăn mà không thấy no – nguy hiểm, còn đôi khi không ăn mà lại thấy no, điều đó có. Đói ăn vào chưa xong đã no trên bụng rồi. Còn đói, đói tới mức mà chưa ăn cũng cảm thấy no, mà ăn vào có nhiều người ăn hoài không thấy no. Hiện tượng đó xảy ra nó đối nghịch hằng ngày trong cuộc sống. Điều đó đi tới chỗ là biết bao nhiêu, thật nhiều không phải là ít đâu. Chúng ta nói chuyện chẳng ai hiểu ai. Chính vì chẳng có hiểu nên cãi hoài, à mà cãi quá nó không nghe.

Ta nói là: trời ơi mà sao tôi nói chuyện nó cãi hoài nó không nghe. Nó không có chịu nghe tôi. Câu đó hình như nằm một câu sấm truyền kỳ, được tự hào bởi mỗi một cá nhân. Chúng ta cứ trách cứ, Bảo Thành không biết chớ mình nói hoài nó không có chịu nghe. Bạn không biết, hoặc ông bà không biết, tôi nói hoài nó không có nghe. Chúng ta đã tự cho mình có một cái quyền, nói kẻ khác phải nghe và hầu hết ai cũng vậy – tự hào. Câu tui nói hoài nó hổng nghe hình như nó trở thành một câu sấm truyền. Tự hào của bản thân, cái tôi là ai, và ai phải nghe tôi? Câu đó nên hỏi ngược lại. Nhưng chúng ta không bao giờ hỏi tôi là ai? mà tại sao người đó phải nghe tôi? Nhưng chúng ta cứ mặc định tôi nói nó không nghe – không được. Và rồi người kia cũng nghĩ như vậy: Tai sao tôi nói bà không nghe? Tôi nói ông không nghe? Tôi nói anh chị không có nghe? Hai người ai cũng nghĩ rằng tôi nói họ không nghe và như vậy ai cũng nói, nói. Nói liên tục, nói không nghe, đâm ra có câu gọi là khắc khẩu.

Dân gian những người muốn kiếm tiền, lợi dụng chữ khắc khẩu như thầy bói, thầy tướng dăm ba câu bói qua bói lại. Phán một câu như thánh, cứng, chắc không di dịch: anh, chị khắc khẩu rồi, cha con khắc khẩu rồi, vợ chồng khắc khẩu rồi. Nhưng mà khắc khẩu như vậy giải quyết như thế nào? Thầy bói, thầy tướng không đưa ra sự giải quyết và không lẽ chúng ta gặp người bị khắc khẩu, ta không gặp họ? Hoặc là lỡ người đó là cha mẹ khắc khẩu với con cái, chúng ta từ ly nhau hay sao? Cha mẹ có lỡ lòng nào từ bỏ con. Khi được mệnh danh thầy bói, thầy tướng nói rằng khắc khẩu rồi, con cái không lẽ mình xoay mặt bỏ đi, từ bỏ cha mẹ, vì thầy bói phán rằng mình khắc khẩu với cha mẹ. Chưa nói đến vợ chồng khi cưới rồi cãi nhau hoài mà không có tự giải quyết được, không đi tìm chân lý của Đức Phật mà đi tới bà thầy bói ông thầy bói, đưa mộc đóng kình: khắc khẩu rồi chị ơi, khắc khẩu rồi anh ơi. Vợ chồng chị khắc khẩu. Rồi sao đây? ly dị hả? bỏ nhau sao? vậy mà vẫn phải tốn tiền, tốn sức, tốn hơi, tốn thời gian nghe người ta phán có giải quyết được hay không?

Khắc khẩu là một thương hiệu kiếm tiền thật là dễ ở trên đời ngày nay. Nhưng nó vẫn là một cơ hội để chúng ta bảo bọc bản chất tự đại của chúng ta, tâm tự cao, tự đại, tâm tôi có quyền. Nó như một thương hiệu được bọc bằng vàng, kim cương, hột xoàn đẹp dữ lắm để tôn vinh cái ngã của mình. Và chính vì ta tôn vinh và được bọc bởi cái bọc hào nhoáng của chữ khắc khẩu đó. Biết bao nhiêu tình cha, tình mẹ, tình con, tình vợ chồng, tình bằng hữu, tình người thân, chúng ta đã bỏ nhau. Chúng ta đã từ bỏ nhau, gia đình tan nát. Tình bạn không còn, bằng hữu hết. Thậm chí trong tình thầy trò cũng không còn nữa, là bởi vì chúng ta đã để thương hiệu khắc khẩu đóng dấu ở trên trán, như là một điều cao quý của chính mình, tôn vinh tới đỉnh cao. Chẳng còn biết nghe ai mà chỉ luôn luôn chỉ tay nói người khác không biết nghe. Để rồi chúng ta làm sao ? Chúng ta nói khắc khẩu. Tôi nói nó hổng nghe. Tôi nói nó cãi hoài à, nó cãi, chứ đâu có nghĩ rằng mình chưa nghe. Cũng có thể trong cuộc sống như Bảo Thành có đứa đệ tử ui chu choa nó cãi. Nó cãi không thể nói được. Nhưng suy cho kỹ, nó đúng, nó có lý bởi vì nó không hiểu nó cãi. Nó cãi là bởi vì mình nghĩ nó cãi, chứ nó không có cãi. Nó chỉ hỏi thôi. Nhưng mà Bảo Thành đôi khi không đủ sự kiên nhẫn để nghe nó hỏi. Bực mình phán cho nó một câu như trời giáng: “Bởi tôi là thầy của nó. Tôi có quyền” và tôi nói rằng: “Con cứ cãi Thầy hoài à” và gắn cho nó chữ cãi và đặt tên cho nó là không có cãi nữa. Như vậy thì Bảo Thành đã lạm dụng quyền làm Thầy. Nhưng rất may mắn, nó hiền quá, dù Bảo Thành có lạm dụng đặt tên nó là biệt danh của nó là không cãi đi nữa. Nó vẫn cãi bởi vì thực tế nó không có cãi. Nó chỉ muốn truy tìm sự hiểu biết cho thấu, cho rõ để nó làm cho đúng. Nhưng Bảo Thành không kiên nhẫn nên gọi nó là cãi. Nếu Bảo Thanh kiên nhẫn suy nghĩ lắng nghe một chút xíu, thấy nó dễ thương, bởi vì nó luôn hỏi.

Phật cũng dạy và khuyến khích mọi người học là phải hỏi. Trên đời khi đi học ta không hỏi, ta mù mờ không biết gì. Cuối cùng Bảo Thành thấy hạnh phúc bởi vì có đứa đệ tử nó hay hỏi chứ không phải là hay cãi. Nhưng nếu không đủ nhân duyên, nó không hỏi mà mình nói gì nó nói theo. Nó nói tới tấp như là sóng gió ngoài kia, như là sóng thần chắc chết mất à. Mình nói một câu nó nói trăm câu chắc chết ah. Nó chỉ hỏi mà thôi.

Các bạn! Lúc đầu cứ nghĩ rằng Bảo Thành khắc khẩu với nó đứa đệ tử mà. Nó ngồi đằng sau nè. Mình tưởng là mình khắc khẩu nhưng mà hóa ra không phải. Mình có nhân duyên mới gặp được nhau, nhiều đời nhiều kiếp mới có thể gặp được nhau. Nhưng nếu như mỗi người biết lắng lòng nghe, lắng lòng nghe lời pháp của Chư Phật, ta sẽ biết lắng nghe để bao dung, để hiểu rõ và rồi thấy dễ thương tuyệt vời. Khắc khẩu là một thương hiệu người đời đặt để, để ta lệ thuộc, ta thành nô lệ cho hai chữ khắc khẩu. Từ đó phá tan nát hết mọi mối giao hảo trong cuộc sống.

Dĩ nhiên trong cuộc đời, có những lúc chúng ta nói, người này nói lấn át người kia, chuyện đó có. Cũng chỉ vì, một trong hai phía không biết ngồi xuống lắng nghe. Còn trong tình yêu, tình yêu ở đây là tình yêu được chuyển hóa bởi hai danh từ lớn của nhà Phật là Từ Bi. Những người có tâm Từ Bi luôn luôn biết lắng nghe sửa lỗi của mình các bạn ạ. Có nghĩa là không phải ai cũng hoàn hảo, ai trong chúng ta cũng có lỗi. Nhưng thực hành tâm Từ Bi và Trí Tuệ là trải qua một đoạn đường thật ngắn và nhận ra lỗi của mình, đừng để trải qua cả cuộc đời các bạn ạ. Không trễ nhưng mà uổng quá à. Sống chi cả đời, phút cuối tắt thở chôn xuống đất mới nhận ra thì thành ma rồi. Các bạn! nhận ra vậy uổng lắm. Nên khi còn trẻ, khi còn khỏe, khi còn tươi, khi còn đẹp, khi còn sức mạnh, chúng ta phải biết dừng lại và nhìn rõ lỗi để biết bao dung hơn, biết thương nhau hơn. Chỉ có trong tình yêu mà biết tự nhận lỗi mình, thì mọi chuyện ở trên đời, ai nói ta cũng nghe được và không có sự khắc khẩu.

Thế nhưng ở trên đời này gọi là chạm tự ái. Bởi vì tôi mới là người có quyền, chữ đó nó có thể chuyển dịch thành ngôn ngữ hiện đại trong ngày nay là tâm của ta, được chính ta nuông chìu  quá mức. Dễ thương các bạn ha? bởi vì trong dân gian hình như có câu hát “em là người đã được nuông chìu. Anh là người đã được nuông chìu. Con là người đã được nuông chìu, như cậu ấm cô chiêu ở trên đời có nhiều người được nuông chìu” Nhưng mà Bảo Thành không nói đến sự nuông chìu giữa người này với người kia mà nói đến sự nuông chìu của ta với tự ái của mình. Tự ái là một phần của cái tôi. Ta nuông chìu tự ái quá. Ta mớm cho nó có đặc quyền, đặc ân. Như được Ấn Pháp của nhà Vua, như cầm được Vương Trượng Bảo Kiếm, tiền trảm hậu tấu nói ai không nghe trảm trước. Và từ đó ta xuống nhân gian gặp ai ta cũng trảm. Họ chưa mở miệng ta đã lấn át, mà họ vừa nói trời ơi! Là chém liền. Chính trong cách sống như vậy, thương hiệu của khắc khẩu đã hiện thân trong cuộc đời. Các bạn! Không thể để cho định nghĩa vu vơ, không có trí tuệ như vậy mặc định cuộc đời của chúng ta là vì khắc khẩu.

Do đó mỗi một người chúng ta cần phải nhìn rõ điều đó, để làm gì? để thay đổi, để chuyển hóa sự khắc khẩu. Vậy khắc khẩu từ đầu tới? Nó tới từ tâm tự ái, một phần của tâm dễ sân và nó cũng hòa mình vào, tâm tự ái đó hòa mình vào bởi sự nuông chìu của chính ta với tâm đó. Thật rõ mà ! Nếu chúng ta nuông chìu ai, họ hay cãi dữ lắm. Như đứa đệ tử của Bảo Thành nó ngồi đằng sau. Bảo Thành thương nó, nuông chìu, nó hay cãi dữ lắm. Nhưng mà nó cãi có lý, có lẽ. Nó cãi đúng mình nghe thấy như một bản nhạc hòa âm vô nghe thấy thích. Bởi vì sao? mình thương mà, trong tình thương các bạn ơi, trong tình yêu các bạn ơi, ta biết lắng nghe và tha thứ, cãi của họ như một bài hát. Còn khi không biết yêu, lời nói của họ nghe như súng bắn ngang tai nghe khó chịu lắm. Chính là bởi ta nuông chìu. Tánh tự ái bị nuông chìu quen rồi, tánh nuông chìu đó gọi cho nó hay vậy thôi. Chứ đúng ra đó gọi là tâm si, bởi vì tâm si là tâm không hiểu rõ, không thấy rõ và tưởng tự ái như là một sức mạnh để tồn tại trong xã hội, trong cuộc đời nên thường mang đến sức mạnh của tự ái đánh át người khác. Chuyển hóa như thế nào đây? Chúng ta, người con Phật trong hơi thở Chánh Niệm, phải phá tan ý tưởng là sự khắc khẩu do nghiệp, do số, do duyên, do tuổi tác, do ngày sanh ngày sanh, tháng sanh, năm sanh không trùng hợp tuổi không trùng hợp ngày. Hoàn toàn những điều đó là sai theo tinh thần của Đức Phật dạy, sai hoàn toàn. Khắc khẩu do đâu? do tánh tự ái của chúng ta được nuông chìu. Bởi vì, chúng ta chưa thực sự biết tôn trọng yêu thương người khác một cách chân chính. Chỉ yêu thương chân chính, ta không mang tự ái đứng lên đằng trước, ta không nuông chìu tự ái, mà ta biết lắng nghe để hiểu. Hiểu xong lòng thật nhẹ nhàng, còn khi chưa hiểu lòng này khó ưa. Các bạn có thấy người khi chưa hiểu nhau khó ưa vô cùng, nhìn mặt khó ưa rồi, nó nói còn khó hơn nữa, mà trời đất ơi nhìn tướng nó khó ưa dữ lắm. Còn khi mà biết lắng nghe rồi, lời hay ý đẹp nó tuôn ra rần rần ý.

Các bạn, khắc khẩu là do ta tự ái quá nhiều và không thấy được sự tự ái đó làm tan vỡ, và ai cũng tự ái. Tự ái mà tiếng Việt gọi là tự ái dồn dập, rồi đến bão tố sóng thần luôn. Chia tay sẵn sàng đánh rụp: “Tôi không cần anh nữa, anh không cần tôi nữa” rồi bỏ. Tại sao ta lại tự ái đến mức để cho hai chữ khắc khẩu như một thương hiệu mặc định cuộc đời phải đi theo? Học hơi thở Chánh Niệm của Phật ta nhận rõ khắc khẩu là tự ái. Để chuyển hóa tự ái này, ta đổ vào đó tình yêu thương chân thật thực sự. Chỉ có tình yêu thương chân thật thực sự thì lòng tự ái sẽ giảm xuống và tắt lịm đi. Để cho lòng khoan dung lắng đọng, tâm lắng nghe sẽ mở. Mở ra như cửa mở ra để đón tất cả mọi người vào với chúng ta. Phương pháp duy nhất Đức Phật dạy là: Hãy sống trong tỉnh giác bằng hơi thở Chánh Niệm, nuôi dưỡng cuộc đời bằng lòng Từ Bi. Nhất định sẽ không còn khắc khẩu. Còn nếu tự mặc định cuộc đời có sung, khắc, đặc biệt là khắc khẩu để cứ tự ái dồn dập tranh cãi hơn thua đó là một phần si. Chữ si mà nói cho nó nặng hơn, rõ hơn là ngu người ta gọi là ngu si mà

“Ngu si hay cãi hay hờn

Người khôn chẳng nói một lời cũng thông”

Các bạn có thấy không? Các bạn có thấy không : Ngu si thì hay cãi ầm ầm í, người khôn không nói một lời cũng thông. Chúng ta muốn trở thành người ngu si hay cãi cho tự ái được nuông chìu, hay chúng ta trở thành một người khôn không nói một lời mà vạn sự đều hanh thông.

Các bạn: Hơi thở Chánh Niệm sẽ giúp cho chúng ta trở thành nhà thông thái, chẳng nói một lời mà vạn sự hanh thông. Còn nếu không thực tập hơi thở Chánh Niệm phát triển và nuôi dưỡng cuộc đời bằng năng lượng Từ Bi, mà chỉ đắm chìm trong tự ái, nuôi dưỡng tự ái, nuông chìu tự ái đó thì ta trở thành người ngu si, cứ nói ầm ầm cà rầm, cà rầm cả ngày rồi trở thành càm ràm chồng nó nghe nó khó chịu. Vợ nó nghe nó nhức đầu. Ai nghe cũng thấy bệnh hoạn hết, rồi họ bỏ ta họ đi. Trước khi ta chỉ tay nói họ rằng họ khắc khẩu, họ cãi ta, thì nghe lại, tập hạnh lắng nghe. Đứa đệ tử của Bảo Thành, trời ơi nó sinh ra là để hỏi, chứ không phải để cãi. Nhưng lúc đầu Bảo Thành đã hiểu lầm tưởng nó là cãi, đặt tên cho nó là hay cãi. Rồi ấn định luôn, ta là Thầy, cấm nó không được cãi, nhưng thấy đau lòng mình đã sai. Khi mình biết mình sai mình sửa lỗi, người ta sẽ hạnh phúc lắm. Cũng như khi người ta biết sai, người ta sửa lỗi thì mình cũng hạnh phúc vậy mà.

Nếu người đệ tử nhận thấy mình thực sự cũng hay cãi thật, hay nói nhiều thật, bây giờ nói ít chút xíu trở thành người khôn không nói một lời nhưng vạn sự hanh thông. Chứ còn đắm đuối nuông chìu tự ái, cái tôi của mình hóa ra người ngu. Ngu và khôn cũng chết mà. Nhưng ngu thì chết trong ngục tối vô minh, vô thức. Còn khôn chết trong sự thanh thản nhẹ nhàng. Cũng là một cái chết, chết trong vô minh để đoạ địa ngục hay chết trong sự thanh thản để tái sanh? Các bạn, khắc khẩu hoàn toàn không có, mà chữ khắc khẩu đó đừng để cho ai mặc định rằng: Ta sinh ra bởi xung khắc, chuyện đó hoàn toàn không có. Có là bởi vì mỗi người chúng ta tự ái dâng trào, tự ái dồn dập, tự ái quá cao.

Các bạn! Tự ái nhiều dễ đưa ra tự tử, đoạn diệt tình bạn, chia rẽ, không có thương nhau nữa. Cho nên, các bạn nhớ: Hãy sống chân thật bằng tình yêu bao dung, lắng nghe để hiểu tại sao họ nói nhiều. Một ly nước đổ vào nó sẽ tràn đầy đó. Nhưng bạn có một giếng nước, có một máy bơm, bạn bơm nước từ giếng mà bạn xả nước vào sông, sông chẳng bao giờ đầy bởi dòng sông nó lớn. Nếu mỗi một đời người, tình yêu như một dòng sông chảy mãi, thì bao nhiêu rác rưỡi của họ có phun ra gọi là rác rưởi đó, thì dòng sông kia vẫn chảy, vẫn trong, vẫn đẹp vẫn tươi mát trong cuộc đời. Hãy là một dòng sông xanh biết yêu muôn người của cuộc đời các bạn. Bởi vì từ vô lượng kiếp xa xưa, thân phận con người của chúng ta đã luôn luôn gây ra lầm lỗi và đã tạo ra biết bao nhiêu khổ đau và mỗi một chúng ta đều có một hồi kết khác biệt. Bởi không nhìn thấy mặt nhau do chẳng có khả năng biết lắng nghe trong sự yêu thương. Và từ đó, chúng ta không còn nói cho nhau nghe nữa. Người ta nói một ta nói mười. Người ta nói mười ta nói một trăm, Rồi xảy ra chiến tranh trong ngôn ngữ. Mặc định hai chữ khắc khẩu, chạy tới thầy bói tốn tiền, chạy theo bà bói tốn sức tốn công. Người ta phán cho một câu về ly dị chồng con. Bởi vì sao? Bởi vì ta khắc khẩu với người này, và người kia không khắc khẩu. Thế là cả cuộc đời chia tay với người khắc khẩu và đi tìm người hợp khẩu. Nhưng rồi đâu có hợp khẩu, trên đời này không có hợp khẩu các bạn ơi. Chỉ có dời hộ khẩu từ chỗ này qua chỗ kia thôi mà dời riết dời riết rồi cũng chui vào lòng đất chết, chẳng có tìm được ai hợp khẩu với ta. Chỉ có hợp tình, hợp lý, hợp lẽ yêu thương, hợp chân lý giác ngộ nhà Phật thì chẳng còn khẩu đâu mà khắc. Các bạn nhớ:

Đừng để hai chữ khắc khẩu mặc định cuộc đời, mà hãy chuyển hóa bởi nhận định rõ: Khắc khẩu là do sự nuông chìu của lòng tự ái, chẳng mở rộng để lắng nghe, bao dung. Hãy yêu thương nhau thực sự bằng trái tim biết bao dung mở rộng, để cho tự ái lắng xuống, và đừng nuông chìu nó mà chúng ta hãy sống đừng để hai chữ khắc khẩu như một thương hiệu định mệnh của cuộc đời, để từ đó xoay mặt lại với nhau. Các bạn chúng ta đừng khi nào như vậy hãy sống với chân lý của Phật dạy, dùng tâm biết lắng nghe, ái ngữ biết lắng nghe.

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái, chúng ta an trú trong Chánh Niệm hơi thở, bảy biến với vi diệu âm Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải Tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực tiếp năng lượng Từ Bi khai mở Trí Tuệ, để chúng con chuyển hóa sự khắc khẩu mà phát triển lòng Từ Bi, yêu thương, tha thứ biết lắng nghe nhau. Hít vào bằng mũi phình bụng thở từ từ hóp bụng vào trì mật trú

Mu A Mu Sa (7 biến)

Mô Phật !

Các bạn ! Nói tóm lại sự khắc khẩu nó tới từ nguyên nhân tự ái và ta nuông chìu tánh tự ái. Hay rõ hơn ta nuông chìu bản ngã của chúng ta. Từ đó ta đã tự cho ta một đặc quyền, một đặc ân là ta nói người khác phải nghe. Ai trong chúng ta cũng có tánh như vậy, Bảo Thành cũng có. Các bạn cũng có và khi Bảo Thành và các bạn gặp nhau, ta cứ mang quyền đặc ân đó ra nói rồi cãi, chẳng ai nghe nhau được. Từ đó mặc định cuộc đời, ta khắc khẩu với người đó. Trên đời không có nói câu khắc khẩu được giữa cha mẹ không khắc khẩu, giữa con cái, vợ chồng không khắc khẩu. Giữa đời, người với người không ai khắc khẩu. Chỉ có bởi vì, ta lớn quá, tự ái dồn dập và rồi tự đưa Ấn Pháp của nhà Vua đóng lên đầu của người khác. Nói họ không biết nghe và rồi Phương Trượng Bảo Kiếm rút ra chém đầu họ, đứt mất tình cảm thương yêu giữa cuộc đời, giữa nhân thế.

Ta không có đặc quyền để nói người khác phải nghe và người khác cũng không cần phải nghe chúng ta. Nhưng trong tình yêu, trong lòng Từ Bi ta lắng nghe nhau bởi thương yêu nhau thực sự. Còn nếu không thương yêu nhau nói không bao giờ nghe. Bởi vậy học hạnh lắng nghe phải khởi lên từ tâm Từ Bi yêu thương. Không thể nghe nếu không có tâm Từ Bi yêu thương. Nếu các bạn không nghe được người khác nói, các bạn khắc khẩu với từ được đặt vào trong lòng. Như vậy có nghĩa bạn chưa thực sự yêu thương người đó. Hãy suy nghĩ cho kỹ đừng để điều đó phá tan đi hạnh phúc của cuộc đời. Ta luôn luôn học hạnh của Phật biết yêu thương muôn người muôn loài bằng tâm Từ Bi. Chẳng có sự khắc khẩu mà luôn có sự đồng thuận trong ái ngữ và lắng nghe nhau, bớt nói những lời vô ích để cho người kia có thể nghe được ta. Còn nếu ta cứ nói những lời vô ích, vô bổ kiên nhẫn lắm họ mới nghe được, thương yêu nhau họ mới nghe được. Cho nên những lời vô ích, vô bổ chớ nói, nói lời ái ngữ nhẹ nhàng yêu thương. Nói ra một tiếng như hoa thơm mười phương, đó là lời ái ngữ biết nghe.

Cám ơn các bạn đã chuyển đề mục này tới cho Bảo Thành để chia sẻ và chúng ta đã đồng tu rồi giờ chắp tay lại hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Hồi hướng:

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải Tha Phật điển Đại từ Đại bi tới muôn loài chúng sanh và xin Chư Phật gia hộ cho chúng con chuyển hóa lòng tự ái và giúp cho chúng con đừng nuông chìu tánh tự ái, tự ngã, tự cao, tự đại cái tôi của chúng con nữa. Để chúng con dẹp bỏ ngay sự mặc định của sự khắc khẩu. Sống biết lắng nghe với hạnh yêu thương, để tha thứ bao dung thực sự, để mọi người có nhân duyên gặp gỡ chúng con dù một giây hay một đời đều là những con người chúng con yêu thương hết. Biết sử dụng ái ngữ để giao thoa trong cuộc sống này. Nguyện cầu cho các nhà lãnh đạo trên thế giới hãy dùng ái ngữ dẹp bỏ tự ái, cái tôi để biết lắng nghe nhau thành lập được chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện cầu cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế ra được vắcxin thuốc chữa bệnh cho đại dịch. Cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ cứu tế trên thế giới chữa lành các bệnh nhân. Cầu nguyện cho muôn người đang đau khổ, đặc biệt nơi Quốc Tổ của chúng con được tai qua nạn khỏi bệnh dịch tiêu tan, lòng người an ổn để tu Pháp Phật nhiệm màu. Hồi hướng công đức cho các vong linh đã tử vong được siêu sanh miền cực lạc.

Con xin chư phật mười phương Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts