Search

4143. Tu Đổ Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập

Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn đồng tu.

Các bạn ơi chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật thiền chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, để lan tỏa tình yêu thương, sống đời tỉnh thức, nhận rõ các pháp Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, những người thân quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, xin chư Phật từ bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Các bạn hãy nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ bi lan tỏa tình yêu thương và chỉ có con đường hành trì tu tập công phu lời hướng dẫn của Phật, chúng ta mới có thể chuyển nghiệp được. Trong từng hơi thở vào ra của chánh niệm hơi thở chúng ta quán chiếu, chúng ta nhìn rõ và ghi nhận mọi cảm xúc, suy nghĩ của mình, mang năng lượng tình thương, ánh sáng của chánh kiến, sự tỉnh giác và các pháp thiện tưới tẩm để thay đổi cuộc đời của mình.

Hãy hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho muôn loài.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Những ngày đầu năm này các bạn đồng tu, chúng ta cần xác minh thật rõ về con đường đồng tu, thực hành giáo pháp của Phật dạy qua sự hành trì mỗi một ngày. Không có một con đường nào có thể cứu rỗi chúng ta, không có một đấng Phật, Bồ Tát, thần linh nào có thể cứu rỗi chúng ta. Nếu như chúng ta không tự nguyện đứng dậy nhìn rõ nghiệp chướng đã tạo và tự mình thay đổi, bằng cách ứng dụng lời khai thị, dạy dỗ của các đấng giác ngộ, không ai cứu được mình. Minh xét rõ như vậy để Bảo Thành và các bạn không còn hảo huyền mong đợi một đấng từ trời cao, một vị Phật, một vị Bồ Tát, một vị thần linh, một ai đó giáng trần gá vào người này người kia, hay tự miệng họ xưng tên để cứu chúng ta. Mà mỗi người chúng ta thực hiện đúng như lời Phật dạy là tự đứng dậy thắp đuốc mà đi, tự là ốc đảo của mình, tự chuyển nghiệp, tự phá mê, phá chấp.

Con đường của Đức Phật dạy thật rõ, mà trãi qua hai ngàn sáu trăm mấy chục năm rồi người ta chẳng bao giờ tăng trưởng sự tư duy bằng chánh kiến, để thấu đáo lời Phật dạy mà chuyên chú trong sự thực hành. Họ chỉ miệt mài tìm kiếm ai đó có quyền năng để cứu họ và dần dần mọi người đã bị dắt mũi, xỏ mũi kéo vào trong mê thức, rồi đi đến sự mê tín và dị đoan. U mê trong mê tín dị đoan, đồn thổi và la cho to, gào thét cho lớn để tuyên bố những sự lầm lạc mà chính mình không hay. Các bạn, cuối năm vừa qua ta ngồi tổng kết lại tất cả những điều ta đã làm và trong đầu năm ta kiểm coi mình dư hay mình thiếu.

Thường các cụ xưa cuối năm phải nhìn sổ nợ để coi còn nợ nần gì phải trả, trả hết trong cuối năm để đầu năm không có vị khách nào bước vào gõ cửa nhà mình đòi nợ, nếu có sẽ xui lắm các bạn, đòi nợ đầu năm không tốt. Vì cách nghĩ như thế cho nên những chuyện gì xảy ra không như ý ta cho là xui, ta cho là bị đòi nợ. Mà ở đời nợ nhiều, nợ con nợ mẹ, nợ cháu nợ chắt, nợ chồng chất thì phải đổ nợ. Chúng ta có thấy không, nhiều người đã than tôi đổ nợ, thì đổ nợ là đúng. Nếu mình không biết cần kiệm, không biết giữ cho mình ở trạng thái cân bằng về tài chánh, mà tiêu xài hoang phí, mượn đầu trước bù đầu sau và đôi khi còn mượn nặng lãi của xã hội đen. Khi đổ nợ trả không hết, trả không được, trả không kịp rồi vì xã hội đen ám hại, thì đổ nợ trên đời ai không thấy và ai không biết. Quy trở lại đổ nợ là người thiếu căn bản cân bằng tài chính, xài nhiều mà làm ít.

Nhưng câu đổ nợ này nó đã biến tướng trên con đường đạo để tu, không phải chỉ có người bình thường, ngay cả những người bất thường, dị thường, phi thường vẫn còn lẩn quẩn trong hai chữ đổ nghiệp. Không phải đổ nợ nữa mà đổ nghiệp. Bảo Thành thường được các bạn đồng tu hoặc một số người gặp gỡ hay hỏi về chuyện đổ nghiệp, tu sẽ bị đổ nghiệp. Người ta cứ kháo nhau về câu này ai tu mà gặp chuyện không hay, rồi anh tu anh đổ nghiệp, chị tu chị đổ nghiệp, mình tu mình đổ nghiệp và như thế không ai dám tu bởi tu là đổ nghiệp. Nhìn đi, họ không tu họ sống phây phây, thế mà mình tu theo Phật thoáng có một cái nghiệp nó đổ đầy nhà. Người không chuyên môn hay gọi là người Phật tử tại gia chưa thấu lời Phật, nói như vậy thì suy nghĩ một chút để hướng dẫn họ. Ngay cả các bậc tôn túc, các Thầy, các Sư Cô tu lâu lắm rồi, tu đến mức mà có vai có vế, có danh, có thế, vẫn dùng hai chữ tu đổ nghiệp nói với các Phật tử, nói với đệ tử của mình.

Nếu nói chữ tu đổ nghiệp người nào nói chưa hiểu biết thông cảm, còn nếu người nào đã hiểu biết rõ ràng mình đang nói tu đổ nghiệp, mà khẳng định thật rõ tu sẽ bị đổ nghiệp, tu sớm đổ nghiệp, bước vào con đường tu là đổ nghiệp. Hiểu và thấu được mình đang nói điều đó và khẳng định điều mình nói tu đổ nghiệp là đúng, truyền bá, truyền miệng, nói cho người khác nghe. Thì cách nói, cách truyền bá, cách dạy dỗ này là cách của tà kiến, không có chánh kiến. Nếu các bậc Thầy tu, các Sư Cô, những vị cư sĩ học Phật mà còn dùng chữ tu đổ nghiệp công bố khắp thiên hạ, thì người đó đang truyền bá tà đạo. Các bạn đừng ngạc nhiên bởi chính các bạn và Bảo Thành từng nghe những bậc xuất gia, cũng như tại gia nói câu tu sẽ bị đổ nghiệp. Đừng nghe Bảo Thành nói, mình cố gắng lên google tìm hiểu chữ tu đổ nghiệp.

Trong suốt 45 năm trời, hay 49 năm trời của Đức Phật dạy, Ngài có nói đến chữ tu đổ nghiệp hay không? Người tu theo Đức Phật là để hết khổ, hết phiền não, để sung sướng và hạnh phúc. Vì Phật thấy chúng sanh khổ trong mê lầm, nên tu giác ngộ và truyền bá cho chúng ta hết khổ, hết phiền não. Mà hết khổ, hết phiền não tức là chúng ta không phải đổ nghiệp mà là chuyển nghiệp. Phật dạy cả cuộc đời khi còn tại thế, các pháp môn ứng dụng trong thiền định, trong thiền tuệ, trong thiền chỉ, trong thiền mệnh để chúng ta tu mà chuyển nghiệp. Như người không muốn đổ nợ thì phải làm để trả nợ, trả nợ hay chuyển nghiệp đồng nghĩa. Phật không dạy, Phật tuyên bố mạnh mẽ tu bị đổ nghiệp. Nếu tu mà đổ nghiệp xui xẻo đau khổ, trên đời này ai tu, mục đích tu để đổ nghiệp, khổ như kia thì làm sao thoát khỏi phiền não. Hiểu thấu điều này ta thấy ai cứ tuyên bố tu đổ nghiệp là tà kiến, là tà đạo. Không phải lời Phật dạy, Phật chỉ dạy tu để chuyển hóa nghiệp chướng. Phật nhìn thấy cái khổ, nguyên nhân tạo khổ, Phật nhìn thấy hạnh phúc và bình an, phương pháp tạo ra hạnh phúc và bình an.

Trong Tứ Thánh Đế Khổ tập diệt đạo thật rõ. Đạo đế là bát chánh đạo là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh định, chánh tinh tấn và chánh niệm. Những cái chánh này giúp cho chúng ta chuyển nghiệp chẳng phải để đổ nghiệp, cho nên chữ đổ nghiệp là tà kiến, là tà đạo. Chúng ta không thể vịn vào đó để sợ hãi không tu nữa. Nhìn thiên hạ không tu họ sướng, mình tu mà đổ nghiệp tu làm gì nữa. Như vậy đâu có phải hoằng truyền giáo pháp của Phật, mà như vậy đang hù dọa, để tiêu diệt chánh pháp vì tà kiến, tà pháp đang hiện diện trong đời sống của người đang nói. Các bạn xóa sổ chữ tu đổ nghiệp đi và ghi vào trong tâm thức của mình lời Phật dạy, tu để chuyển hóa nghiệp chướng của mình. Người biết chuyển nghiệp là người khôn ngoan, người biết sắp xếp lại sự chi tiêu hàng ngày để không bị đổ nợ trong cuộc đời. Người biết chuyển nghiệp là người biết sắp xếp sự suy nghĩ, lời nói và hành vi để không còn tạo ác, tạo nghiệp chướng nữa. Mà hành trì để kiến lập phước báu công đức, chuyển hóa những nghiệp xưa ta u mê đã tạo ra.

Trong mật thiền chánh niệm hơi thở ta không lý thuyết nhiều, ta không viễn vông đọc kinh cho nhiều, bởi cuộc đời ngắn ngủi và vô thường, nên ta chú trọng vào sự hành trì pháp hành. Hành mật thiền nương vào chánh niệm hơi thở trong một đời sống ngắn ngủi không bỏ phí, mà tận hưởng đời sống thật, tận hưởng sự sống thật của mình trong chánh niệm. Chánh niệm của quán tâm Từ bi, của quán Trí tuệ, Tỉnh giác và Thiện lành. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán là ánh đuốc sáng ngời không bao giờ tắt, để dẫn đường cho chúng ta thoát vô minh, đi vào để sống trong sự an lạc và hạnh phúc. Phải chẳng đây là điều ngàn ngàn năm xưa và mãi mãi về sau, không phải chỉ có năm mới mà mỗi một ngày ta đang sống ai cũng mong chờ, trông đợi điều ấy. Mong chờ trông đợi thì phải mang vào sự hành trì, mong chờ trông đợi mà ngồi đó tạo nghiệp, nghiệp chồng chất, nợ chồng chất, đổ nợ, đổ nghiệp, người không tu nghiệp đổ, người tu chuyển được nghiệp.

Người khôn học rồi biết rồi, nợ cỡ nào cũng không sợ, biết cách sắp xếp lại trật tự của cuộc sống, sự chi tiêu trong đời và dần dần trả những khoản nợ, không còn vỡ nợ mà là hết nợ. Ta tu đúng quán chiếu mọi cảm xúc, suy nghĩ, mang tâm Từ bi, mang ánh sáng của Trí tuệ, mang sự Tỉnh thức và các pháp Thiện hành trì rõ ràng trong từng hơi thở. Ta không còn bị đổ nghiệp, ta không còn nghiệp nữa, mà như người hết nợ, ta hết nghiệp. Nghiệp bớt một phần, bớt phiền não đau khổ, thêm hạnh phúc an lạc. Khi chúng ta tu mà có một giây thôi, một giây trong chánh niệm để an lạc hạnh phúc, là ta đã có một giây bớt đi phiền não và đau khổ. Mừng mừng thay, mừng thay, vui thay ở đời ô trược này, uế trược này lại có người tỉnh giác hiểu thấu, để chánh niệm hơi thở sống trong an lạc và hạnh phúc. Giây phút đó là pháp Phật được xiển dương, không phải nơi tập thể lớn rộng, nơi sự sinh hoạt rầm rộ của những phong trào tu tập, mà là nơi ẩn dật nhẹ nhàng nơi mỗi một cá nhân, mỗi một người, mỗi một bạn đồng tu hiểu thấu trách nhiệm, hiểu thấu lời Phật, ứng dụng thật rõ cho trong đời để tự tại thong dong, an nhiên và hạnh phúc.

Các bạn thân mến, hãy nhớ điều này để không lầm lạc. Ai nói tu đổ nghiệp, không cần biết người đó vai vế, địa vị, danh vị, chức sắc lớn nhỏ, ta phải nhận diện cách nói này là cách nói của người u mê, cách nói của người còn lầm chấp. Nếu họ khẳng định đó là đúng thì họ đang nói tà kiến, tà pháp, tà đạo. Con đường chánh đạo Phật dạy là để chuyển nghiệp, mà để chuyển nghiệp bằng tám con đường thánh tức là bát chánh đạo, chỉ có vậy. Ngày đầu năm này chúng ta hãy hân hoan lên, vì chúng ta đã nhận rõ tu là để chuyển nghiệp. Khẳng định rõ như vậy, minh định rõ như vậy để mỗi một ngày trôi qua, chúng ta bào mòn, chúng ta gội rửa, chúng ta tháo gỡ vòng nghiệp chướng nhiều đời ta đã tạo. Để được tự do, để thoát khỏi, để giải phóng bản thân của mình qua sự hành trì chuyển hóa nghiệp chướng nhiều đời hoặc kiếp này ta đã tạo ra. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin Ngài gia trì cho chúng con thành tựu được điều ngày hôm nay tu là để chuyển nghiệp, không phải tu là đổ nghiệp.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn