Search

4144. Khẩu Xà Tâm Phật

Thu Hằng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu. Chúng ta hãy bắt đầu buổi đồng tu hôm nay, với một lòng thành kính quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh niệm hơi thở, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, hành các pháp thiện, quán chiếu thấu rõ được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con và gia đình người thân bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, giữa cuộc đời vần xoay ngổn ngang muôn thứ, hãy ngồi xuống tĩnh tọa nhẹ nhàng. Nhớ về lời Phật lấy Trí tuệ làm sự nghiệp để giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, lấy Từ bi lan tỏa tình yêu thương, tha thứ cho nhau. Trong từng hơi thở vào ra chánh niệm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán, là chúng ta tưới tẩm vào trong tâm của mình chững chủng tử bồ đề tốt đẹp, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn đồng tu, mình bước qua Tết Tây rồi và chỉ còn gần một tháng nữa tới Tết ta – Tết Âm lịch năm Giáp Thìn. Khi thế giới mở rộng gắn kết với nhau qua mạng xã hội, qua thông tin đại chúng, mọi niềm vui trong cuộc sống trên toàn thế giới đều được san sẻ ở mọi nơi, cái buồn cũng như thế. Những lễ lớn của thế giới nói chung đang dần dần được đón nhận bởi một tâm hồn mở rộng của nhân loại chung vui với nhau. Ngày lễ của quốc gia này, của dân tộc này, đều được những quốc gia và dân tộc khác đón nhận. Vì xưa con mắt người ta nhìn trái đất này mênh mông quá, chẳng thể biết nhau được. Khoa học tiến bộ đưa chúng ta nhận diện thật rõ trái đất tuy to nhưng rất nhỏ và mở rộng tâm hồn để khẳng định thật rõ, từng mảnh vụn trên trái đất phân vùng là quốc gia sẽ chẳng còn ý nghĩa, bởi cái đó là ích kỷ. Mà thay vào đó là sự trân trọng thương yêu mọi người đang sống chung trên hành tinh xanh này, không phân biệt. Một quốc gia đâu đó trên trái đất này chiến tranh đau khổ, cả thế giới lầm than, cộng hưởng chung và ở đâu đó một tiếng cười vang lên thì niềm vui được lan tỏa mọi nơi, gắn kết chặt chẽ.

Chuẩn bị cho năm Giáp Thìn tới Bảo Thành và các bạn, mình nhớ về lời của Đức Phật dạy, nhớ về mấu chốt, chìa khóa, cái cốt lõi. Dĩ nhiên trong những ngày tháng cuối của năm ta muốn cởi bỏ tất cả những điều hão huyền, hư mất và mặc vào cái mới mẻ nhất là chính mình, bản tâm chân thật, để được bình an hạnh phúc trở về nhà ăn Tết. Mấu chốt của Đức Phật dạy ở ba chỗ mà ta tạo nghiệp muôn đời cứ luân hồi trong sinh tử khổ đau, đó là sự tạo nghiệp từ trong tâm do sự suy nghĩ và cái nhìn mê lầm. Thứ hai là sự tạo nghiệp chướng qua những lời ăn tiếng nói từ miệng, ngôn ngữ, ứng xử hàng ngày. Thứ ba là tạo nghiệp từ hành động nơi thân như sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Chúng ta thấy Đức Phật nêu ra thật rõ nguyên nhân mà luân hồi, nguyên nhân mà đau khổ, mà phiền não, nguyên nhân từ thân ngữ ý. Đức Phật cũng chỉ thật rõ từ chỗ thân ngữ ý đó, ta tu ở đó, sửa ở đó, gội rửa ở ngay chỗ đó, chuyển hóa ngay chỗ đó để bớt phiền não, bớt khổ, bớt đau đớn.

Vậy Bảo Thành và các bạn đừng khoác vào người, đừng đắp vào người, đừng mặc vào cuộc đời này những sắc tướng hảo huyền, những sự màu mè. Mà đi thẳng vào lời Phật dạy, ứng dụng, dọn dẹp như chúng ta đang lau chùi bàn thờ, dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp công việc để rảnh rỗi mà ăn tết Giáp Thìn cho vui với gia đình, với bạn bè người thân, Tết mới dọn dẹp. Người tu không thể đợi đến chết mới dọn dẹp tâm, cái miệng và hành động. Vì vô thường tới bất chợt chẳng ai thấu và nhìn rõ ta sống trăm tuổi hay chỉ một giây, bất chợt té lăn quay ra chết thôi. Phật không dạy cho chúng ta chuẩn bị hàng trăm, hàng ngàn năm lo cho cái đẹp của mai sau. Phật cũng không ra một phương tiện gì để đào mỏ quá khứ, trưng bày cho thiên hạ biết. Do đó đừng vọng tưởng nói những chuyện hảo huyền trong tương lai, đừng cố chấp phô bày, phô diễn, khoe những quá khứ đau thương hay vui vẻ tới người khác. Mà Phật chỉ dạy cho chúng ta sống hay trong hiện tại, nhìn ngay lời nói của mình, nhìn ngay sự suy nghĩ của mình, nhìn ngay vào những hành động.

Con đường tu của Phật dạy thật đơn giản, sai thì sửa, xấu thì sửa, phạm lỗi nào nhận diện cho rõ rồi sửa. Phật dạy chúng ta sửa, nhìn rõ để sửa, đó là mấu chốt. Nhìn rõ suy nghĩ của mình để sửa, coi suy nghĩ mình có lầm lạc, đen tối không, sửa đi. Nhìn rõ ngôn từ sử dụng hàng ngày để sửa, coi trong ngôn ngữ ta sử dụng có lẫn lộn chông gai, mảnh sành, thuốc độc không, sửa, sửa, sửa đi. Nhìn rõ những hành vi trong tương tác, sửa. Có vậy thôi, sửa và làm các việc tốt. Sửa ở đây rất bình dị thôi, Phật nói là buông bỏ việc ác, sửa những việc ác ta đã tạo, những điều ác ta đã nói, những suy nghĩ ác ta đã găm vào trong đầu, bỏ nó đi, sửa, sửa cái gì? Sửa ác thành thiện, suy nghĩ thiện, nói thiện, hành động thiện, tam thiện thì tam phước, phước đời này, đời sau và mãi mãi. Các bạn ơi, chúng ta nhớ như vậy là tốt rồi, đừng lầm lẫn tốt gỗ hơn tốt nước sơn, để rồi luôn luôn nói với nhau rằng cái cốt lõi, cái gỗ tốt bên ngoài sần sùi có ăn thua gì đâu, nhìn nó mục vậy nhưng cốt lõi bên trong tốt lắm.

Bảo Thành có một người quen hôm cạo lòng sông vớt được vài khúc gỗ, nhìn bên ngoài thô nhám, mục nát, nhưng dưới con mắt tinh tường tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Anh ta nhận biết cây gỗ này lõi còn tốt, mặc dù cái vỏ lớp bên ngoài đã bị nước xói mòn xấu lắm. Nhưng những người thợ cạo lòng sông không nhận ra, anh ấy mua với giá rẻ về nhà và gọt dũa, cắt tỉa, bên trong lõi cây lòi ra là gỗ cẩm rất tốt. Điều này là đúng không sai, nhưng trên con đường tu không thể nói tâm tôi tốt lắm, mà cái bên ngoài, cái vỏ nó sần sùi xấu xí vậy thôi nhưng tâm tốt. Hình như chúng ta lợi dụng điều này nhiều quá, nói toàn những điều như dao, như gươm, như đinh, như súng bắn vào tim, găm vào tim làm chết người ta. Nhưng khi nhận ra người ta nói thì một câu nhẹ băng à “Thôi, tôi nói vậy chứ còn bụng tôi tốt, tâm tư tốt”

Mình không thể như vậy các bạn, mà đời thường gọi là khẩu xà tâm Phật. Đó là một sự biện luận cho cái sai của mình, bảo vệ cái sai, ta cứ nói “Miệng tôi nói nhiều khi ngôn ngữ không suy nghĩ, làm cho các bạn phiền và đau lòng, làm cho cha mẹ khó chịu, ông bà không hay, dòng họ vợ chồng không ưa. Nhưng các người cứ nhìn đi tâm tôi tốt”.

Năm mới tới rồi, cận kề bên cửa nhìn ra ngoài tiết trời đã đẹp, không thể mượn vào cách nói này để bảo vệ cho những ngôn ngữ thất thiệt, những ngôn ngữ đâm thọc, xấu, thô trược, ác, gian dối, đố kỵ, ghen tuông, không thể. Đức Phật dạy nghiệp từ thân ngữ ý, chúng ta nhớ câu pháp cú “Ý làm chủ”. Phải tu từ cái ý, ý thanh tịnh, tu từ ý mà ý đó phải luôn luôn được nuôi dưỡng bằng Từ bi, bằng Trí tuệ, Tỉnh giác và Thiện lành. Để ý, khẩu và thân tức là thân ngữ ý nhất như thành một, không có đối nghịch nhau. Bởi ba chỗ này đều tạo nghiệp dữ, nghiệp ác và nghiệp thiện, có phước.

Nếu mà chúng ta làm được 1 đồng xài 2 đồng, thì chúng ta cả đời này chỉ mang kiếp ăn xin, ở đợ. Nếu tâm nghĩ tốt được một điều mà miệng tuôn ra hằng hà sa số những ngôn ngữ thất thiệt, cả đời này nghiệp chướng nhiều chẳng chuyển hóa được, chẳng an lạc và bình an. Một ý nghĩ tốt được nuôi dưỡng đó là ý Từ bi, thì miệng ta cũng phải nói những ngôn từ yêu thương, ái ngữ, đồng nhất. Hành động của chúng ta cũng phải như thế, biết san sẻ yêu thương. Thân ngữ ý phải luôn luôn trở thành một, chỉ là một, đầu nghĩ tốt, miệng nói hay, nói ái ngữ, thân làm việc thiện, luôn luôn như thế, đừng để trái nghịch. Tay trái trao cho người ta món quà, tay phải lại cướp đi tất cả, đầu suy nghĩ một điều thiện mà miệng lại cướp đi những điều thiện đó, bằng cách tuôn ra những điều xấu ác. Hãy xóa bỏ đi thành ngữ khẩu xà tâm Phật hay khẩu Phật tâm xà. Sự lật lọng của con người đưa ra những thành ngữ mà chúng ta nghe riết rồi quen, chấp nhận chân lý đó làm băng hoại tất cả những sự thanh tịnh quý báu và cốt lõi của nhà Phật truyền dạy.

Các bạn, năm mới kề cận phải để ý chỗ này, tu Phật tu từ tâm suy nghĩ tốt, tu từ lời nói ái ngữ, thiện lành, yêu thương, tu từ hành động bác ái, san sẻ, đùm bọc, như vậy mới đúng. Chúng ta đừng lạm dụng những thành ngữ khẩu Phật tâm xà, khẩu xà tâm Phật lẫn lộn như đồng thau, để rồi biện luận, bảo vệ những lầm lỗi sai trái của mình. Mình tu mật thiền nương vào chánh niệm của hơi thở, phải nhìn rõ cảm xúc, nhìn rõ suy nghĩ, nhìn rõ những tạo tác từ thân ngữ ý. Nhìn rõ và mang Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành nuôi dưỡng, tưới tẩm, chăm sóc ngay trong hiện tại từng giây, từng phút. Nếu bạn bỏ cả cuộc đời chạy ngược chạy xuôi, gặp thầy này thầy kia, kinh này kinh kia, chùa này chùa kia, pháp này pháp kia, mà bạn không để ý chuyện này để sửa, bạn chỉ là kẻ ăn xin, ăn xin cái gì?

Người ta ăn xin mà được lời, được cái tốt thì cũng hay. Bạn chỉ là kẻ ăn xin, ăn mày những điều đau khổ, nghiệp chướng, nguy hại tới bạn mà thôi, đó là sự khờ khạo, đần độn của chúng ta. Bảo Thành và các bạn rất khờ khạo trong phần này, hôm nay phải khẳng định lời Phật dạy nghiệp tạo từ thân ngữ ý. Ta phải tu để ý thanh tịnh, ý thiện. Ta phải tu để khẩu thanh tịnh, lời nói thiện. Ta phải tu để mọi hành động của ta là hành động thiện để thân được tịnh. Thân ngữ ý thanh tịnh, luôn luôn thiện. Nhìn rõ những điều ác từ ba chỗ đó, ngưng hẳn, bỏ hẳn, bỏ việc ác, bỏ nghĩ ác, bỏ nói ác. Nghĩ thiện, nói thiện và hành động thiện, cứ như thế. Đừng chạy đuổi theo những màu sắc hoang tưởng của những thành ngữ người ta đặt ra để trêu ghẹo, để lừa lọc, để cho những người không có cái nhìn sâu sắc sửa bản thân.

Các bạn, dù là một cậu bé hay cô bé, dù là ông bà lớn tuổi bị điếc tai đi nữa hoặc những người không để ý trong cuộc sống, chúng ta không thể để cho cái miệng và hành vi của chúng ta sai trái được nữa. Rồi luôn bảo vệ tâm tôi tốt lắm, đã gọi là tốt gỗ, bên trong gỗ tốt, bên ngoài phải tốt. Tâm tốt thì miệng phải tốt, thân phải tốt và đúng vậy tâm ta đã tốt rồi, tâm ta là tâm Phật, bên ngoài thì bị rong rêu nghiệp chướng bể khổ cuốn trôi. Nay nương vào pháp Phật đã vớt được cây gỗ mục ở bên ngoài, nhưng lõi Phật vẫn còn tốt kia, thì như người khôn phải cắt tỉa, phải gọt dũa để lòi ra tâm tốt. Từ đó tâm tốt đó biết ứng dụng phù hợp để ngôn ngữ thiện lành được xiển dương, hành vi bác ái được lan tỏa. Như vậy thì khi năm Giáp Thìn tới, Bảo Thành và các bạn sẽ tràn đầy hồng ân của Tam Bảo, chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con hiểu thấu và hành trì cho đúng.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn