Search

4072. Làm Sao Để Quên Người?

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta với một lòng thành kính, hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết tinh tấn miên mật hành trì Mật Thiền Chánh pháp để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức và thực hành các pháp thiện để quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô thường, là Khổ, là Vô ngã. Chúng con cũng nguyện cầu cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà, cha mẹ những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái.

Ngay bây giờ, lúc này, chúng ta hãy buông bỏ mọi sự ngang trái. Ngồi xuống đi, hãy ngồi xuống trong tư thế buông thư nhẹ nhàng và cùng nhau chúng ta trở về với hơi thở của Chánh niệm. Hãy hít vào chậm rãi và phình bụng, thở ra từ từ hóp bụng vào. Cứ vậy vận hành hít vào thở ra thấy biết rõ ràng chính ta. Mọi suy nghĩ mọi cảm xúc đều biết, đều thấy, đều rõ và ghi nhận. Trong Mật Thiền, chúng ta nương vào Chánh niệm hơi thở để thấy, rõ, biết và ghi nhận. Đồng thời, quán chiếu tâm Từ bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí tuệ sáng suốt qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh giác thấy rõ biết rõ, ghi nhận rõ qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, tâm tánh thiện lành bác ái yêu thương qua mật ngôn Sa Bi Mô U.

Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu toàn thân và tâm, thấy rõ, biết và ghi nhận, tổng trì mật ngôn:

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U (7 biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu! Bảo Thành rất vui, mỗi ngày đều gặp gỡ các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube, Facebook vào phòng Zoom của nhóm mình. Định ước với nhau trong cuộc đời rằng ưu tiên cho mình có những giây phút thoải mái tĩnh lặng để trở về với bản tâm nương vào trong hơi thở nhẹ nhàng của Chánh niệm, nhìn rõ được mình, thấu rõ được mình, biết mình và ghi nhận mọi chuyện đang xảy ra, chứ không ghi nhận những chuyện đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra. Chánh niệm để thấy, biết thật rõ sống trong an lạc và hạnh phúc thay vì níu kéo những quá khứ, mường tượng đến tương lai, gây phiền não đau khổ cho chúng ta. Thực tập như vậy mỗi ngày Bảo Thành và các bạn bớt đi được phiền não, bào mòn được đau khổ, thêm sự an lạc, có mặt hạnh phúc. Vui thật là vui ghê khi mỗi người chúng ta chẳng bao giờ chán chê sự tu tập. Cứ vậy mỗi một ngày ta từng bước đồng hành cùng với nhau và vượt qua mọi nghịch cảnh, vươn lên để đạt tầm hạnh phúc an vui. Thật là nhiều lúc các bạn và Bảo Thành cũng quá ngớ ngẩn nghĩ rằng: “Làm sao để quên người”? Người nào đã tạo ra ấn tượng gì đó để mà các bạn và Bảo Thành cứ phải nghĩ làm sao để quên người. Người nào đây? Phải chăng là người tình? hay người yêu? Phải chăng người đó là ông bà cha mẹ, là chồng vợ con cái, hay người đó là chủ nợ, là người giựt nợ? Hay là sếp của mình, là bạn của mình? Hay là người vô tình đi qua cuộc đời của chúng ta một cách thật vô tình? Là con người chúng ta cũng muốn nhớ, nhớ thật là lâu người nào đó ta muốn. Cũng thật nhiều người chúng ta muốn gạt băng đi, muốn quên đi. Để rồi ngớ ngẩn hỏi rằng làm sao để quên người. Quên làm sao người đã đi qua đời tôi để lại bao dấu ấn thăng trầm khổ đau? Và quên làm sao người đã đi vào đời tôi để lại đó bao niềm vui sung sướng.

Các bạn! Bảo Thành có một cô đệ tử thật dễ thương, cô ấy có một người thân đã mất lâu năm rồi. Biết bao nhiêu những hình ảnh, những kỷ niệm của quá khứ một thời sống chung với nhau đẹp có, buồn vui lẫn lộn có, cùng nhau san sẻ vượt qua mọi nghịch cảnh có. Nhưng người chồng đã vĩnh biệt ngàn thu, ra đi trở về với đất mẹ rồi. Cô ấy nhớ lắm, cái nhớ của cô đã mang vào hành động một cách thực tiễn để ghi nhớ hình ảnh về người chồng, bằng cách cô ấy đã khởi ý trồng những loại hoa thật đẹp ở trong khuôn viên Phật Đài Quán Thế Âm tại Tổ Đình chùa Xá Lợi. Hình như cô ấy có hẹn với Bảo Thành rằng sẽ trồng thật nhiều, mỗi năm một cây hoa để ghi nhớ về người đã đi qua cuộc đời của cô ấy. Rất là đẹp! Cô ấy không quên người đã đi qua cuộc đời, nhưng cái nhớ không sầu não bi ai bởi người ta đã mất, nhưng cái nhớ có cái sự tác ý thiện lành thật đẹp như hoa. Vậy nên cô ấy đã thỉnh hoa những loài hoa cao quý đẹp nhất trồng ở vườn Phật Đài Quán Thế Âm tại Tổ Đình để kỷ niệm, để ghi nhớ, để nhìn thấy hoa mà nhớ người, nhìn người mà nhớ đến tâm và từ tâm mà biết buông xả phiền não cùng tác ý hướng về Đức Phật. Thật đẹp! Thật đẹp! Và Bảo Thành nhất định sẽ đón nhận những cây hoa, những cây bông đẹp nhất mà cô ấy thỉnh về trồng ở Phật đài Quan Âm.

Ở Phật Đài Quan Âm chùa Xá Lợi cũng có thật nhiều các loài cây, loài hoa được Phật tử nhớ về người yêu thương đã mất đi thỉnh về trồng. Có đôi vợ chồng trẻ có một người con mất khi còn quá nhỏ, đã trồng một cây hoa Mộc Lan tại đó. Hai vợ chồng và ông bà ngoại trồng được hai năm rồi, cây trang trí đèn màu và đủ mọi thứ thật đẹp: thú, hoa màu sắc rực rỡ như luôn tưởng nhớ về người con của mình đã vội ra đi khi của tuổi còn thơ. Cái nhớ đó đáng nhớ và không bao giờ quên bởi cái nhớ tác ý trồng cây. Trồng cây gì? Trồng cây hoa, trồng cây gì? Trồng cây bông. Hoa và bông dâng lên cho mẹ nhưng tác ý thiện lành, tác ý thanh tịnh nhớ về người ra đi trong pháp của chư Phật bằng Trí tuệ. Cái nhớ đó luôn luôn được sách tấn, được khích lệ. Đạo Phật và tất cả các giáo pháp của Phật dạy cho ta tánh biết. Biết để nhớ, biết để thấy, biết để thấu rõ, biết để ghi nhận. Nhưng Phật không dạy cho chúng ta quên đi, Phật không dạy cho chúng ta quên hết mà phải nhớ, phải biết, phải rõ và phải ghi nhận được. Dù là ác hay thiện, dù là phiền não đau khổ, an lạc hay hạnh phúc phải biết thật rõ thấu rõ và ghi lại chúng. Phật không dạy cho chúng ta quên, cũng có tình trạng quên đấy. Mấy tuần trước Bảo Thành cũng có một cô đệ tử có người con trai yêu dấu vào buổi sáng đánh răng thôi cơ thể mất thăng bằng té xuống vội vàng đưa vào nhà thương rồi quên hết chẳng nhớ gì. Hỏi ra chẳng nhớ gì. Người con hỏi mẹ: “Mẹ ơi tại sao con lại ở đây”? Người mẹ buồn lắm bởi vì người con đã quên hết. Bạn thấy không? Quên hết là một sự đau khổ. Phật dạy không quên mà phải biết, biết thấu, biết rõ. Nhưng đầy đủ phước báu của Đức Phật, của mẹ hiền Bồ tát, đầy đủ phước báu của mẹ. Người xưa nói: “Cái phước của con cái là nhờ cha mẹ”, Ân Phước tại mẹ tại mẫu. Con cái nhờ phước của mẹ và người con đó nhờ cái phước của mẹ có cái tâm thanh tịnh tu, có cái lòng thiện bác ái nên người con dần dần nhớ lại nay khỏe rồi.

Bảo Thành kể vậy để biết rằng chúng ta thực sự không muốn quên theo kiểu ấy.

Và Bảo Thành cũng có người Phật tử tới chùa thường xuyên lắm, quen biết đến mười mấy năm trời rồi, chuyện to chuyện nhỏ vui khổ trong đời đều kể cho Bảo Thành nghe. Biết từ thuở sáu mươi mấy, nay bà cụ được tám mươi mấy tuổi rồi, đã đến thời mà trí nhớ đã trở về nguyên sơ, tẩy sạch, chẳng còn biết gì. Quá khứ không biết gì nữa, hiện tại chỉ biết trong một vài giây rồi quên. Nói trước quên sau cái đó gọi là đã quên.

Làm sao để quên? Quên cái kiểu mà trí nhớ không còn, mất trí nhớ.

“Làm sao để quên người”? Mất trí nhớ sẽ quên hết. Còn nếu như chúng ta còn là người đầy đủ sáu căn mắt khỏe rõ ràng, phước báu còn đó, công đức còn đó thì làm sao quên? Đừng vì người tình phụ bạc ta, đừng vì người đời khinh khi ta, đừng vì ai đó phản bội ta, lừa gạt ta, hãm hại ta, hoặc ta ghét họ mà muốn đẩy lùi họ ra khỏi tâm trí, muốn quên người đi.

“Làm sao để quên người”? Học Phật mà quên người như vậy chẳng phải đâu, không đúng rồi, tà kiến. Người học Phật không học cách quên người. Người học Phật cũng chẳng học cách nhớ người. Nhưng người tu tập Mật thiền học để biết, tu tập để biết, tánh biết. Biết cho thật rõ và nhìn thấu cái mình biết. Biết để nhìn thấu để rõ, biết để ghi nhận từng khoảnh khắc, từng giây phút, mọi tư tưởng suy nghĩ, mọi cảm xúc tới lui ngay trong Chánh niệm của hơi thở. Trong cái biết đó, tư tưởng suy nghĩ khởi lên về hình ảnh của một người yêu thương đã mất, thay vì bi lụy hòa mình vào trong cái nhớ đó để sầu bi ai oán, thương tiếc, ta biết nhận rõ nương vào Chánh niệm hơi thở, tác ý như Pháp, như pháp Từ bi Mu A Mu Sa. Mang tâm Từ bi tưới tẩm vào cái cây nhớ, tưới tẩm vào cái cây tư tưởng đã có hình ảnh người thân đã mất. Tác ý Trí tuệ, mang ánh sáng Trí tuệ chiếu rõ vào cái tánh biết đang nhớ, đang nghĩ về người đã mất. Mang cái năng lượng của Tỉnh giác để nhìn cho thấu cho biết và ghi nhận chúng. Tác ý Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác ,Thiện lành là tác ý như Pháp vào ngay cái tánh biết khi ý tưởng khởi lên về hình ảnh của một người thương đã mất. Phàm phu tác ý như thế giúp cho chúng ta vượt xa và thoát khỏi sự ràng buộc của những ái nhiễm nhung nhớ về người đã mất, nhưng vươn lên trên đỉnh cao của Trí tuệ, hòa mình vào với Từ bi và thật rõ biết trong Tỉnh giác. Tỉnh giác như vậy là người có tác ý thiện, rất tốt. Như cái cô Phật tử khi nhớ về người chồng của mình. Cô ấy đã tác ý trồng bông nơi vườn bông Phật Đài Quan Âm. Khi chúng ta nhớ về người yêu thương đã mất, ta trồng cây Thiện Pháp qua tâm Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành quán của hơi thở Chánh niệm. Và ngay cái Chánh niệm đó, nếu ý tưởng nó khơi dậy sự nhớ nhung với người ấy, ta quán tâm Từ, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành, không chạy xa tư tưởng đó, mà mang tình thương, mang sự sáng, mang sự tỉnh giác, mang những tâm tánh thiện lành tưới tẩm vào đó. Tác ý như vậy hướng thiện rất tốt rất tốt. Nếu không tác ý như thế, ta bị dẫn ý sa chìm vào sự nhung nhớ, không hay. Cho nên trong Chánh niệm hơi thở, tánh biết rất quan trọng, biết để tác ý kịp thời, không bị tư tưởng và những cảm xúc đó dẫn ý nhấn chìm chúng ta.

Ngay cả như chúng ta đây đang ngồi thiền, bất chợt hình ảnh của một kẻ phụ tình, kẻ phụ bạc, kẻ lừa gạt, kẻ thù, kẻ xâm hại ta hiện lên, cứ mỗi lần như thế nhất định sẽ đau sẽ khổ, và ta tìm đủ mọi cách để quên người, để loại trừ hình ảnh đó ra. Nhưng cái cách mà ta tìm mọi phương pháp để loại trừ như điều vừa nói hoàn toàn không đúng, không khác gì tốn công tổn sức lấy đá đè cỏ, cỏ lại tìm chỗ khác vươn lên mà thôi. Điều này luôn xảy ra với mọi người chúng ta, bởi ai cũng từng bước qua những cái nhịp cầu u mê của tình cảm, của lừa gạt, của phản bội, của ghen ghét đố kỵ nên nhiều nhiều người lắm chúng ta muốn quên. Người tu Mật Thiền Chánh Pháp đúng như lời Phật dạy chẳng cần phải quên người và loại trừ người ra, mà chỉ cần trở về với tâm ta trong tư thế ngồi buông thư nhẹ nhàng. hít vào chậm rãi thở ra từ từ, tác ý Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành, thấy biết rõ ràng, ghi nhận rõ nét mọi suy nghĩ cảm xúc của ta. Nếu những hình ảnh xấu, những con người xấu hiện về ở trong tâm tưởng đó là bình thường. Nhưng nó sẽ không bình thường nữa mà bất thường nếu để cho tư tưởng đó dẫn dắt xô đẩy ta vào những cái cảm xúc tệ hại, để căm phẫn giận dữ, để tức tối khó chịu thì không hay. Trong Chánh niệm hơi thở giúp cho chúng ta, khi những tư tưởng đó tới biết, rõ, ghi thật rõ, đón nhận và tác ý Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành. Mang bốn cái thể loại năng lượng vi diệu này tưới tẩm vào những cái cảm xúc của quá khứ hồi về, những cái tư tưởng của quá khứ hiện lên, ta sẽ chuyển hóa được ngay. Phật dạy trong Mật Thiền tác ý như Pháp. Là phàm phu dễ bị ý và cảm xúc của quá khứ dẫn dắt, cần phải tác ý đúng pháp để chúng ta thoát ra, không bị nhấn chìm.

Trong những giai đoạn như thế này các bạn cần phải tác ý.

Bốn câu mật ngôn:

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U

Là bốn mật ngôn vi diệu hàm ý cao siêu. Người ta tác ý Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành trong từng sát na của hơi thở Chánh niệm. Chuyển hóa toàn diện tất cả những tư tưởng, những ý tưởng, những cảm xúc khởi lên dù là tốt hay xấu, thích hay không thích, thiện hay ác. Rất hay! Trong Mật Thiền thực tập để giữ được cái tánh biết hiện hữu trong từng giây phút, từng khoảnh khắc của cuộc đời. Biết phải biết thật rõ, biết rõ để thấu, ghi nhận trong cái biết rõ, ghi nhận trong cái biết thấu. Chỉ như vậy thôi, rồi tác ý Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành thì muôn sự sống ở đời tự động sẽ xả ly khỏi chúng ta, rụng rơi khỏi chúng ta, không cần phải ra sức đẩy lùi, tự động nó sẽ rơi rụng, nó sẽ lìa xa. Nước mà phun vào chỗ sình lầy dơ dáy, nó loãng ra và nó sẽ trong dần sạch đẹp. Nước Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành được tưới tẩm bằng sự tác ý như thế trong các mật ngôn qua hơi thở Chánh niệm sẽ gội rửa mọi tư tưởng cảm xúc, phiền não, đau khổ. Rất hay! Không cần phải “Làm sao để quên người”. Chỉ cần nhớ Chánh niệm hơi thở để biết, biết cho rõ, biết cho thấu. Chánh niệm hơi thở để ghi nhận cái biết đó, cái biết thấu trong từng giây phút. Đừng loại trừ giữa cái sự phân biệt tốt – xấu, đúng – sai, người tốt và người xấu. Không cần phải quên ai hết, quên mà té ngất đi rồi còn nhớ đâu, dễ quên mà.” Làm sao để quên người”? Té cái đi, đập đầu vô tường là quên ngay. “Làm sao để quên người”? Già đi mất trí nhớ quên ngay. Ở đời nhiều khi người ta cũng khùng khùng như Bảo Thành và các bạn. Để quên người người ta sa đà vào rượu chè, ăn nhậu, chuốc rượu, uống nữa đi, uống cho say để quên đi một người. Điều đó có trong cuộc đời cái đó gọi là khùng. Vì sao khùng? Vì chuốc rượu là độc dược để quên người thì hại thân bệnh hoạn và sẽ gây khổ không những cho ta mà cho gia đình, ông bà, cha mẹ, vợ con hoặc chồng. Nhiều lắm! nhiều lắm những người trong chúng ta đã làm điều điên rồ đó để quên. Phải ngừng ngay tư tưởng đó. Người ta còn để quên, người sa vào cờ bạc bê tha, sống thất thểu, mất lập trường, không còn làm được gì nữa. Những cách như thế là uống phí cuộc đời, phụ ân cha mẹ, quên ơn thầy Tổ.

Các bạn hãy bỏ ngay tư tưởng rằng: “Làm sao để quên người” khi rơi vào cái tâm trạng của những cảm xúc hoài niệm quá khứ về ai đó đã tạo ra sự đau khổ cho chúng ta. Người tu Mật Thiền không sợ đau khổ phiền não. Các bậc Tổ đã nói trong thiền đó là “Kiến phiền não thành bồ đề”. Tức là nhìn thấu, nhìn rõ, ghi nhận sự phiền não, ngay chỗ cái phiền não nhìn thấu, rõ kia ta sẽ có được tâm bồ đề tức là tâm an lạc và hạnh phúc.

Hôm nay trở đi các bạn đừng hỏi nữa là “làm sao để quên người”, mà hãy cùng với Bảo Thành trở về với hơi thở của Chánh niệm vào ra nhẹ nhàng chậm rãi phình bụng và hóp bụng, và quán chiếu tâm Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác và Thiện lành để tánh biết hiện hữu, để biết rõ, biết thấu mọi tư tưởng, mọi cảm xúc tới với chúng ta trong từng giây phút hiện tại. Ghi nhận cái tánh biết rõ, cái tánh biết thấu kia, chỉ vậy thôi, và tác ý Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành qua các mật ngôn trong hơi thở Chánh niệm ta sẽ có được. Sẽ có được cái gì? Đó là câu hỏi mỗi người phải thực tập để trải nghiệm. Cái có đó là cái có vi diệu. Hãy thực hành đi sẽ có sự trải nghiệm của cái tánh biết vi diệu mà ta có thể tiếp hiện được tha lực của chư Phật trong ngay cái tánh biết rõ và thấu, ghi nhận rõ và ghi nhận sự biết thấu kia.

Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con sẽ không dùng sức để đầy lùi trong tâm tưởng rằng: Hãy quên đi, hãy quên người đi! Mà chúng con sẽ an trú trong Chánh niệm, quán chiếu tâm Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác để biết rõ, biết thấu, ghi nhận rõ. Ghi nhận những cái tánh biết, thấu được tư tưởng cảm xúc của mình trong ngay hiện tại.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, thấy biết rõ ràng, ghi nhận rõ ràng.

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U (7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn