Search

4071. Tin Vào Lời Đồn

Thu Hằng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Kính mời các bạn với một lòng thành kính, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức và thực hành các pháp thiện, quán chiếu thấy rõ vạn pháp đều là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Hãy ngồi xuống, hãy buông thư, hãy trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào bằng mũi, phình bụng, thở ra bằng miệng hóp bụng, chậm rãi nhẹ nhàng. Trong hơi thở của chánh niệm này, tại đây, ngay lúc này chúng ta cùng nhau quán chiếu tâm Từ Bi lan tỏa khắp châu thân, gắn kết với mười phương qua mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu ánh sáng Trí Tuệ chiếu soi muôn nơi qua mật ngôn Nammô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu sự Tỉnh Giác hiện hữu trong từng sát na qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, quán chiếu các pháp Thiện qua mật ngôn Sa Bi Mô U.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ chậm rãi hóp bụng vào, tổng trì các mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng lan tỏa tới cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn đồng tu thân mến! Từ thuở xa xưa cho tới bây giờ, mỗi một ngày trôi qua muôn sự lạ sẽ tới, do khám phá và thành tựu về nhiều phương diện trong cuộc sống. Có những cái rất mới ngày hôm nay mà ai cũng đổ nhào đi mua, đi tìm, đi kiếm, một thoáng qua thôi nó trở thành cũ rồi, xưa lắm rồi. Các bạn và Bảo Thành đã chạy đuổi theo những cái thật mới, mới được mang ra ở ngoài thị trường của kinh tế, của cuộc sống, nhưng tốn biết bao nhiêu tiền đó nó liền trở thành đồ cũ. Sau đó những lời ngọt ngào được gọi là tiếp thị, thật ra là sự đồn thổi nâng cấp giá trị của các sản phẩm, của các thứ được phô diễn ngoài kia với một sự nghiên cứu thật hay của các nhà tâm lý, dẫn dắt, xô đẩy chúng ta và chúng ta trượt theo.

Trên con đường tu ngày xưa Đức Phật đã nhìn thấy khi giác ngộ, mà rõ thật chúng ta đã hao tổn biết bao nhiêu sức, tiền, thời gian, bù đầu chạy đua trong sự đòi hỏi hấp dẫn từ bên ngoài. Phật thấy chúng ta đã bị lôi kéo chạy theo bên ngoài, mất phương hướng, chẳng bình tĩnh giữ được sự thanh thản ở trong lòng, lao tâm khổ trí, tổn phước, mất đức, chữ mất đức hay còn gọi là thất đức. Có những giới Đức Phật đưa ra chẳng phải là Ngài chế định để ràng buộc chúng ta, nhưng vì trí tuệ nhìn thấu, thấu rằng nếu ta phạm vào những điều ấy sẽ tổn phước báu, sẽ mất hết đức. Cuộc đời này mà không còn phước và đức quả thật rất khổ.

Chúng ta thường hay nói với nhau “Ôi cô ấy, ông ấy, người ấy thật vô phước”

Câu vô phước ám chỉ cho những người đau khổ, gặp tai họa, nghịch cảnh hoặc gặp một trường hợp gì đó tang thương lắm gọi là vô phước, hình như chúng ta cũng sử dụng câu này. Còn chữ đức, chúng ta cũng từng nói với nhau đó “Ôi ông ấy thật là thất đức”

Người thất đức là người bạo tàn, người ác, chuyện xấu gì cũng làm, hại muôn người muôn vật, gọi là thất đức, kẻ thất đức. Vô phước và thất đức rất nguy hiểm, vô phước là không còn gặp được may mắn, chẳng gặp được sự lành, thất đức thì bạo tàn, gian ác.

Giới mà Đức Phật dạy cho chúng ta một trong các giới là vọng ngữ hay còn gọi là đừng nói dối, phao tin đồn nhảm, vọng ngữ. Bởi khi vọng ngữ, phao tin đồn nhảm chúng ta không những trở thành kẻ vô phước, mà còn biến mình trở thành kẻ thất đức. Vô phước là thiếu đi sự may mắn hay gặp xui xẻo, hay gặp bệnh hoạn, hay gặp những chuyện tai họa xảy tới. Còn thất đức là tàn bạo, hung ác. Nếu chúng ta vọng ngữ, nói dối, đồn nhảm, thì chúng ta trở thành kẻ vô phước và thất đức. Không phải chuyện giỡn đâu các bạn, không phải chuyện đùa, phải nhìn thấy thấu ở chỗ này. Vậy mới thấy Phật thật hay, Phật không dạy ta chê bai, dèm pha hoặc chỉ trỏ người này người kia, vô phước, thất đức. Mà Phật dạy cho chúng ta đừng vọng ngữ, đừng nói dối, đừng đồn nhảm, vì như thế chính mình sẽ trở thành kẻ vô phước và thất đức.

Bạn có thật sự muốn mình hoặc người thân của mình, người yêu thương hoặc trong gia đình của chúng ta trở thành vô phước và thất đức hay không? Chắc chắn 100 phần trăm chúng ta không muốn. Nếu vậy thì ta phải giữ được giới, đừng phao tin đồn nhảm, đừng vọng ngữ, đừng nói dối. Đã bao nhiêu lần chúng ta đã khổ vì ai đó đồn nhảm về chúng ta, vì tin đồn đó. Họ đồn ta như thế này, ta như thế kia, họ đồn sau lưng, họ đồn giấu giấu, nghe đến lỗ tai lòng sân giận, bực bội lắm. Các bạn có bực bội khi bị người khác phao tin đồn nhảm không? Chắc chắn là có, con người mà. Chúng ta là nạn nhân của sự đồn, tin đồn, mà chính chúng ta cũng là những người luôn luôn đồn tin cho người khác.

Có khi nào bạn kể chuyện cho ai đó mà bạn nói rằng “Anh ơi, em ơi, tôi nghe người ta nói như vầy không chắc chắn đâu, kể cho anh nghe vậy hoặc cho em nghe như vậy nhưng đừng cho ai biết nha”

Khi chúng ta kể chúng ta biết rồi, nghe như vậy mà kể đâu có như vậy đâu, nghe một kể mười. Cứ như thế người nghe lại cũng đi nói với người khác chứ đâu có im “Tôi cũng nghe kể như vầy, tôi kể cho anh nghe anh đừng kể cho ai”

Thế là cũng từ 10 đồn thành 100, tin đồn đồn từ chỗ mình nghe không rõ, đồn ra bên ngoài, đồn từ đầu làng tới cuối xóm, qua thành phố, cả quốc gia thế giới đều biết. Ngày nay lời đồn thế giới biết, đồn một cái là cả thế giới biết, bấm một cái là toàn cầu đều hay, nguy hiểm, nguy hiểm. Vô phước, thất đức luôn luôn, thật dễ phạm vào mà chúng ta không hay.

Nếu bạn khổ vì lời đồn thì chắc chắn người khác cũng khổ như bạn và làm sao chúng ta sẽ không khổ vì lời đồn hoặc là có tin vào lời đồn hay không? Những lời đồn khi nghe tới chúng ta thường giận dữ, khó chịu, cảm xúc dâng trào bùng nổ. Mà nghệ thuật trên con đường tu mật thiền không phải là chế ngự cảm xúc, mà là chuyển hóa cảm xúc. Như cơn gió thổi thì ta biết căng buồm để nương gió mà đi. Các bạn thấy không, sóng đánh tới ta biết lướt sóng mà đi tới. Mọi điều xảy ra trên đời này đều có cả hai mặt, nếu ta hiểu được cái dụng ta biến sóng lớn để vận hành nhiều thứ như máy thủy điện, như những thác nước người ta biến thành thủy điện, như những nơi có gió lớn người ta biến thành những máy điện gió, chỗ nào cũng có thể sử dụng được. Cái gì vận hành trong đời nếu hiểu thấu cái dụng, ta chuyển qua một hướng khác sẽ trở thành đa dụng, hữu ích. Còn nếu không ta sẽ nổi khùng đặc biệt khi lời đồn tới tay của chúng ta.

Có một ông kia người ta cứ đồn nhảm về ông ấy thôi, ông rất giận, ông ấy rất tức. Mỗi một lần giận tức như vậy ông ta chạy vòng vòng ở trong nhà và chạy vòng vòng nơi đất đai của ông ấy, lần nào khi lời đồn tới tai ông ấy giận quá thì ông làm như vậy. Cho tới khi ổng giàu có, nhà to, đất nhiều và rồi ông lớn tuổi rồi, mỗi một lần nghe tin đồn nhảm ông ấy đều cũng chạy vòng vòng cái nhà và đất của ông ấy và ông ấy mệt. Đứa cháu mới hỏi rằng “Ông ơi, tại sao ông giận ông chạy vòng vòng trong nhà và đất làm chi? Hồi trẻ thì ông chạy còn được, nhưng giờ già ông chạy nó mệt”

Ông cụ nói “Hồi trẻ khi ta giận vì những lời đồn, ta chạy vòng ở trong nhà trong đất để được khỏe, tăng thêm sức khỏe để bớt giận”

Đứa cháu hỏi “Còn bây giờ già rồi đâu có khỏe nữa, mệt rồi”

Ông cụ nói “Bây giờ đất đai nhiều, nhà cửa rộng, ta giận ta cũng chạy để cho người mệt, người nó mệt đi không còn phải lo lắng bởi những lời đồn nữa”

Ông cụ có cái lý và có phương thức cảm hóa bản thân, chuyển hóa cơn giận của mình, lời đồn tới với ông ông chế ngự được cảm xúc bằng phương thức đấy. Còn đối với chúng ta hãy nhớ lời đồn thì không thể tin bởi đó là đồn, đồn là đôn lên, đồn nhảm nguy hại, ta không thể tin. Nhưng khi lời đồn tới ta phải tìm phương pháp như ông cụ kia, ít nhất để cho lời đồn đó không tạo thành áp lực, gây sự sân hận trong ta. Các bạn, chánh niệm hơi thở là một trong những phương pháp để chuyển hóa cảm xúc của mình khi phải đương đầu với những lời đồn, phao tin làm cho ta bực bội, khó chịu. Nếu chúng ta không thực tập một điều gì đó, như ông cụ thực tập sự chạy vòng vòng trong nhà, trong sân lúc trẻ tới lúc già. Chúng ta nếu không thực tập chánh niệm hơi thở, các phương pháp thiền định, đọc kinh trì chú, sám hối, lạy Phật, niệm Phật, tất cả các phương tiện phù hợp, thì lời đồn của thiên hạ sẽ hại đến chúng ta, hại đến chúng ta thật nhiều.

Các bạn, phải thực chánh niệm hơi thở để đứng vững trên mọi lời đồn, để ta không bị sa đà vào đó, sân giận trở thành kẻ vô phước và thất đức. Có những lời đồn trong cuộc sống gây tai hại, sự thực tập sẽ chuyển hóa được. Có những lời đồn mà ta không thực tập dễ bị lôi kéo, làm cho cảm xúc dâng trào, gây tổn hại đến sức khỏe, trở thành kẻ vô phước thất đức. Cũng có những lời đồn rất nguy hại về một vị mà các bạn nghe thật là nhiều, nhưng thường nói tới ở phương diện khác, nhưng thật ra ông ấy là một người cũng vì lời đồn và xúi dại thổi phòng của một người khác mà tạo tội. Đó chính là ông Vô Não, nhân vật Vô Não này được thấy ở trong kinh thật là nhiều, là một kẻ sát nhân tàn bạo. Vì sao ông Vô Não trở thành kẻ sát nhân tàn bạo? Vì ông ta nghe theo lời đồn thổi và tin theo một vị thầy, cho rằng giết người rồi chặt các lóng tay phơi khô đeo vào trong cổ, khi đủ 1.000 lóng tay tức là giết được 1.000 người, thì phương pháp tu này sẽ tạo ra thần thông cái thế. Lời đồn nhảm và tin theo những lời đồn thổi phồng của những phương pháp như vậy, cho nên ông ta đã sa đà vào nghiệp sát. Rất may ông ấy gặp được Phật, Phật đã cứu ông ta.

Cuộc sống này ta bị biết bao nhiêu sự đồn thổi, đồn thổi về tình cảm, về muôn mặt, ngay cả về kinh tế nữa các bạn. Biết bao nhiêu người đã phá tiêu trồng điều, phá điều trồng tiêu, biết bao nhiêu người đã phá rừng để trồng cây, phá cây để trồng rừng, vì những nhà thương buôn đã biết cách chặn đứng tin tức, thổi phồng và đồn, làm cho chúng ta bị thao túng kinh tế, tốn tiền, hại sức. Người học Phật đức tin nó khác, đức tin dựa trên nền tảng của chánh kiến, chánh tư duy để thấy, biết rõ và thấu hiểu. Biết rõ về mình, thấu rõ về mình, hiểu rõ về mình, thấy, biết, thấu và hiểu. Chánh niệm hơi thở giúp cho chúng ta thấy, biết, thấu và hiểu được chính mình. Phải rất bình tĩnh và phải thực tập chánh niệm hơi thở, giúp cho chúng ta chuyển hóa được và giữ được sự bình tĩnh, chuyển hóa cái gì? Chuyển hóa những lời đồn thất thiệt khi nghe trong trạng thái tâm vững chãi, lấy lời đồn đó để rèn luyện, nâng cao sự bình tĩnh hay sự tịch tĩnh.

Ở đời có biết bao nhiêu lời đồn mà chúng ta cứ chạy theo hoài, trong kinh Tăng Chi Bộ nói về một bộ tộc Kalama, bộ tộc Kulama là bộ tộc hiền lương, sống đạo đức, rất hiền, tuy rằng họ chưa tu đạo Phật nhưng họ hiền lương và rất tốt. Có vị đạo sĩ và các vị đạo sĩ khác truyền đạo, thường bắt họ phải tin theo tôn giáo của người ta truyền, luôn luôn kèm theo những điều đó là những lời tiếp thị tôn giáo thật cao. Khi Đức Phật tới họ trình bày với Phật rằng “Thưa Phật, có những bậc đạo sĩ tới nói chúng tôi phải tin như vầy, phải tin như thế kia”

Phật nói cho họ biết đừng tin vào những phong tục tập quán, đừng tin vào những lời hư truyền, huyền thoại, đừng tin vào những lời của kinh điển, kinh sách, đừng tin vào phong tục và tập quán cũng đừng vội tin vào những gì thầy của mình nói hoặc những bậc đáng kính nói. Nhiều điều Đức Phật nói đừng vội tin mà không qua sự kiểm chứng của bản thân, tư duy bằng chánh kiến thấy rõ được điều đó tốt hay xấu. Như thấy điều ác gây ra phiền não đau khổ cho mọi người, tư duy thấu rõ ghi nhận được và biết rằng khi thực hiện các pháp ác đó gây khổ cho mình và mọi người thì đừng thực hiện. Tư duy bằng chánh kiến thấy rõ các pháp thiện thì làm việc đó, thực hiện việc đó, hành các việc đó sẽ giúp cho người và cho ta có được sự an lạc hạnh phúc, hãy tin tấn hành các pháp thiện.

Các bạn có tin vào lời đồn hay không? Thì Phật dạy rõ ràng đừng tin vào lời đồn, sự tiếp thị. Hãy trong chánh kiến và tư duy, thực tập trong chánh niệm hơi thở để có khả năng thấy và thấu rõ. Thấy và thấu rõ, hiểu biết một cách chân chính giữa thiện và ác trong sự phân tích của chánh kiến và tư duy, rồi mang vào thực hành. Đừng vội vội vàng vàng chạy theo những lời đồn nhảm, những lời thổi phồng sẽ gây họa cho chúng ta thật nhiều. Các bạn có tin vào lời đồn hay không? Chắc chắn các bạn đã nhiều lần tin vào lời đồn và bạn thấy bạn rất khó chịu, tạo ra biết bao nhiêu ngang trái nghịch cảnh trong đời vì lời đồn đó, ta cũng từng đồn thì họ cũng sẽ đồn và luôn đồn. Lời đồn đại là chuyện rất bình thường trong xã hội của loài người, mấy ai gặp gỡ nhau để tán thán những điều hay ở trên đời đâu. Hầu hết là chúng ta rất dễ tụm ba tụm bảy gặp gỡ, nói chuyện, hàm tiếu, đồn thổi cho vui, ta cứ nghĩ là cho vui.

Nhưng hãy nhớ những lời đồn thổi của chúng ta là phạm giới thứ tư – vọng ngữ, nói dối, thêm bớt, tổn phước và thất đức. Đừng vì không hiểu mà vô tình trở thành kẻ vô phước thất đức. Người tu trên con đường phát triển sự an yên tự tại qua trí tuệ của quán chiếu trong chánh niệm hơi thở, ta luôn phải mang tâm từ bi lan tỏa và sự sáng suốt của tâm để nhìn thấu, hiểu được, để sau này không than van rằng tôi vô tình làm tổn phước và trở thành kẻ thất đức. Không có chuyện gì trên đời này là vô tình, muôn sự ở đời này đều có cái ý, ý đó nằm trong vùng mê gọi là ý mê hay ý tỉnh mà thôi. Thực tập chánh niệm hơi thở giúp cho chúng ta luôn luôn tỉnh thức, có được sự tỉnh giác, ý của ta luôn tỉnh, rõ hơn là sự suy nghĩ của ta luôn sáng suốt để quyết định những điều ta hành, ta làm.

Các bạn, mật thiền song tu là một phương thức nương vào hơi thở của chánh niệm quán chiếu tâm từ bi, quán chiếu ánh sáng của trí tuệ bổn nguyên nơi Phật tánh, quán chiếu sự tỉnh giác hiện hữu ở trong ta và quán chiếu tâm lành thiện. Như ông bà nói nhân thơ sinh tánh bổn thiện, quán chiếu tánh thiện để quán chiếu trong sự tỉnh thức, trong sự sáng suốt, trong tình thương để tăng trưởng phước báu và công đức. Các bạn, tu là nhìn rõ như thế, để nhìn rõ và vững chãi thực hiện được ta nương vào phương tiện của chánh niệm. Tất cả các pháp thiền đều lấy cái gốc của chánh niệm hơi thở để phát triển những cái tốt vốn có nơi chúng ta và để làm chủ được tâm của mình. Tâm được làm chủ, ý được làm chủ, với tâm ý được làm chủ cuộc đời sẽ lành thay và hạnh phúc thay.

Đừng để cho những lời đồn làm cho chúng ta lao đao thất thiệt, điên đảo mộng tưởng. Đừng tin vào lời đồn dù lời đồn đó có được nâng cấp trong những thể loại ngôn ngữ rất đẹp, rất hay, hấp dẫn. Thì các bạn hãy nhớ luôn luôn phải giữ được sự tư duy trong chánh kiến, chánh niệm hơi thở giúp cho chúng ta phát huy được sự tư duy rõ ràng hơn và luôn luôn sáng suốt bởi có được chánh kiến. Các bạn, đừng tin vào lời đồn nhưng để làm được điều đó hãy thực tập chánh niệm hơi thở, mời các bạn trở về với hơi thở của mình.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con miên mật thực hành mật thiền chánh pháp, nương vào chánh niệm hơi thở để làm chủ được tâm ý của mình, làm chủ được cảm xúc của mình.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn