Search

4070. Có Nên Sống Quá Tốt?

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Chúng ta với một lòng thành kính hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức và thực hiện các pháp thiện lành yêu thương, quán chiếu thấy rõ các pháp đều là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Hãy ngồi xuống và trở về với hơi thở, hơi thở của chánh niệm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương, từng hơi thở vào ra chậm rãi, tĩnh lặng, dùng tánh biết quán chiếu và nhìn thấu tự thể. Trong quán chiếu qua mật ngôn Từ Bi – Mu A Mu Sa, mật ngôn Trí Tuệ – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn Tỉnh Giác – Ma Sa Ốp Uê và mật ngôn tâm tánh Thiện Lành – Sa Bi Mô U. Chúng ta đều tiếp hiện được nguồn tha lực, năng lượng của chư Phật vào thân tâm, hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng và lan tỏa tới muôn loài.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn đồng tu thân mến, Bảo Thành đang suy nghĩ coi ở trên đời này có chuyện gì làm khó chúng ta hay không? Và Bảo Thành cũng suy nghĩ mình có đang gặp sự cố gì, để rồi thật khó khăn chia sẻ với các bạn trên con đường tu hay không? Có, có nhiều lúc không biết phải nói như thế nào và nói làm sao về những điều các bạn hỏi. Có lẽ lúc đó không phải vì tăm tối, vì không thấy, không biết, mà vì những câu hỏi nó mang ý nghĩa sâu rộng, rất cần nhiều thời gian để chia sẻ cho tận tường. Đồng tu của chúng ta chú trọng về sự mật thiền, đi vào chân tâm quán chiếu, quán chiếu tâm tánh hiện hữu được gọi là tánh Phật, được gọi là Phật tánh, được gọi là chân như. Để tác động và khơi nguồn cho tình thương, cho ánh sáng trí tuệ được khai mở mà sống một đời sống tỉnh thức bớt khổ, bớt phiền, đạt được sự an lạc hạnh phúc trong cuộc đời nhiều nghịch cảnh chông gai.

Các bạn, chắc chắn các bạn đã bị nhiều người làm cho đau lòng, làm cho khổ và phiền não. Ai cũng vậy mà, nếu không đau khổ, nếu không đau, nếu không phiền não sao gọi là có sự trải nghiệm của chất sống. Con người là người, những chất đó luôn luôn tới để ta được nếm trải một lần. Thấu rõ phận đời thói đời cười ra nước mắt, ai chưa qua chưa phải là người. Lòng tốt và tình thương vốn luôn có trong mỗi người chúng ta. Chẳng phải là vì người sống theo nhân văn hoặc người sống có văn hóa, người có trình độ kiến thức, người có giáo dục, người có đạo, có tôn giáo, người đàng hoàng mới biết sống tốt và yêu thương. Ai cũng vậy không phân biệt giai cấp, chủng tộc, đẳng cấp, văn hóa trình độ. Chúng ta vốn có tình thương và lòng tốt để đối xử với nhau một cách rất bác ái yêu thương.

Nhiều người chúng ta đã giúp đỡ họ, chúng ta đã tốt với họ nhưng họ chẳng trân trọng, chẳng thương mến, chẳng quý, ngược lại họ còn phũ phàng đối với chúng ta. Để từ chỗ đau vì giúp người, vì tốt người, có những câu than vãn lâu ngày trở thành một định lý hay một chân lý, kim chỉ nam để sống. Câu đó là ở đời đừng sống tốt quá, bởi họ có biết trân trọng mình đâu. Từ có chỗ ở đời đừng sống tốt quá bởi người ta không biết trân trọng, chúng ta đã cột chặt lòng tốt và tình thương vốn có nơi ta và dần dần chẳng tưới tẩm, chăm sóc làm cho nó héo úa, teo chột mất đi và ta đã sống khô khan thiếu vắng tình thương. Việc gì cũng cân nhắc họ có trân trọng đâu mà quá tốt với họ. Khái niệm người ta không biết trân trọng với lòng tốt của mình, với tình thương của mình là một khái niệm tiêm nhiễm độc dược. Vì khi ta khởi ý như thế, tác ý như thế, dẫn ý như vậy là đã mở toang cửa cho tâm tánh ích kỷ, cho cái tôi quá lớn, cho vọng tưởng của lầm chấp phủ khắp toàn châu thân. Ta đang làm cho ta mất đi cái rất thật của ta là tình thương, là lòng tốt.

Ông Xá Lợi Phất – một đại đệ tử của Phật, một bậc thánh nhân. Ở một kiếp kia có một vị tiên nhân, thấy ông Xá Lợi Phất quá tốt nên đã thử thách lòng tốt của ông Xá Lợi Phất. Vị tiên nhân đã hóa thành một người ngồi ở bên lề đường khóc than, Ngài Xá Lợi Phất mới hỏi rằng “Ông ơi! Ông khóc than điều gì?”

Người đó nói “Tôi khóc than bởi mẹ tôi con mắt bị đau, hư chột, nếu không có con mắt khác thay vào sẽ bị mù lòa suốt đời, khổ lắm.”

Ngài Xá Lợi Phất nói “Vậy thì con mắt nào?”

Người kia nói “Con mắt trái”

Ngài Xá Lợi Phất liền móc con mắt trái của Ngài ra hiến tặng cho người kia để mang về giúp cho mẹ. Người kia nhận xong con mắt mới nói rằng “Thưa ngài tôi quá bối rối nên nói sai, không phải con mắt trái mà là con mắt phải”

Ngài Xá Lợi Phất móc luôn con mắt phải tặng cho anh ta.

Anh ta cầm hai con mắt của Ngài Xá Lợi Phất trong lòng bàn tay cười kha kha, ha hả rồi quăng hai con mắt xuống dưới đất đạp lên và nói rằng “Ngưoi thật là ngu, chẳng biết gì hết, ta lừa ngươi mà ngươi cũng móc cả hai mắt cho ta.”

Ngài Xá Lợi Phất vẫn mỉm cười thong dong và tự tại, giữ chánh niệm và bước đi nhẹ nhàng nói một câu với anh ta rằng “Tâm từ bi chẳng mong cầu điều gì đúng hay sai, trong tâm đó làm bằng sự chân thành” Ngài đi thôi.

Người tiên nhân lúc đó mới quỳ xuống trước Ngài Xá Lợi Phất và nói rằng “Tôi là tiên nhân hóa hiện ra để thử thách Ngài, nhưng Ngài quả thật có một tấm lòng tốt, có tâm từ bi, biết hiến tặng, biết cho đi mà không cần biết người nhận, cách nhận như thế nào, tôi rất quý kính Ngài!”

Và vị tiên nhân đó trả lại đôi mắt cho ngài Xá Lợi Phất.

Các bạn, qua câu chuyện thực tế của nhà Phật chúng ta thấy Đức Phật dạy pháp bố thí. Bố thí balamật, bố thí vô úy thí tức là người bố thí không nhìn thấy vật mình thí. Không nhìn thấy không phải là không nhìn thấy, mà không đánh giá vật mình mang hiến tặng là cao hay thấp, mà chỉ vì tình thương thôi, cũng không đánh giá người đón nhận và cũng chẳng phán xét họ nhận họ làm gì? Đó là bố thí vô úy thí cao nhất. Ta là người khi ta có lòng tốt với ai đó, ta luôn mong cầu người đó phải tốt với ta và phải biết trân trọng ta, điều đó đúng mà, rất đúng. Nhưng điều mà ta mong cầu đó nó vẫn còn nặng về phần tôi muốn, tôi cầu, tôi mong cho nên hành động cho đi, cúng dường bố thí hoặc lòng tốt trao ra nó vẫn còn có sự đòi hỏi ở trong đó.

Như Ngài Xá Lợi Phất cho đi cho bằng tâm từ bi, bằng sự chân thật, vậy thôi. Ta là người chẳng phải thánh nhân như Ngài Xá Lợi Phất, bởi Ngài Xá Lợi Phất là bậc đại trí, Ngài có trí tuệ . Hình như chúng ta quên rằng trong nhà Phật từ bi phải đi kèm với trí tuệ. Chúng ta mới có lòng tốt mà lòng tốt chưa kèm với sự sáng, sự hiểu thấu của trí tuệ. Ta có lòng tốt nhưng còn mù lòa dữ lắm. Như câu chuyện có một người đi đường thấy đụng xe, có lòng rất tốt muốn cứu người đó nên sốc lên bế chạy tới nhà thương, mà chẳng biết rằng khi đụng xe người bị đụng xe đó bị gãy chân và gãy tay cứ sốc lên mà chạy tới nhà thương, khi tới đó tay chân gãy nát bởi vì bế lên chạy sốc tới không có kẹp, có nẹp vào. Có tình thương, có lòng tốt cứu người nhưng thiếu trí tuệ, thiếu kiến thức thông thường của y khoa, của y học. Thay vì nếu chúng ta có trí tuệ và kiến thức biết rằng người đó bị gãy chân gãy tay, nhất định ta sẽ lấy cây hoặc lấy một vật gì đó nẹp chặt lại trước khi mang đi nhà thương.

Nói thế không trách người có lòng tốt, nhưng để thấy rằng lòng tốt phải luôn luôn đi với kiến thức và trí tuệ. Khi ta có lòng tốt với ai đó ta phải có kiến thức để ứng dụng lòng tốt, có phương tiện, tạo nền tảng và tiền đề cho người đón nhận lòng tốt của chúng ta, tiến lên sống đẹp hơn, hay hơn, hoàn thiện hơn. Lòng tốt đó được thể hiện nơi người mẹ, người cha của chúng ta, hai đấng sinh thành nên chúng ta có lòng tốt vô biên đối với con cái. Nếu để ý ta mới thấy hai đấng sinh thành có lòng tốt đó luôn kèm theo sự giáo dục, bởi hai ngài có trí tuệ nhìn thấy lòng tốt của mình, hy sinh tận hiến tới giọt máu cuối cùng cho con cái, nhưng vẫn luôn luôn kèm theo những bài học giá trị của giáo dục. Vậy nên hai ngài hy sinh tận hiến cả cuộc đời và luôn luôn gần gũi, an ủi, che chở, dạy dỗ, khuyên bảo, hướng dẫn. Chứ không phải chỉ có lòng tốt cho ta ăn, cho ta uống, cho ta mặc rồi muốn làm gì thì làm, không. Các bậc phụ huynh nếu các bạn đã là cha mẹ các bạn đều thấy, sự hy sinh của cha mẹ không thể kể, không thể nói. Nhưng sự hy sinh đó luôn luôn kèm theo một nền giáo dục trong thân giáo đời sống của cha mẹ và tạo điều kiện cho con cái học hỏi để trưởng thành. Như vậy lòng tốt của cha mẹ luôn luôn kèm theo trí tuệ bằng cách hướng dẫn, dạy dỗ, truyền đạt kiến thức.

Có khi nào các bạn thấy lòng tốt của mình trao đi mà mình thiếu hẳn trí tuệ, để tạo phương tiện cho người nhận lòng tốt của ta tiến lên, thay đổi, chuyển hóa cuộc sống hay không? Hay ta cứ làm tốt mà thiếu trí tuệ? Để rồi chúng ta đã tốn biết bao nhiêu thời gian, tốn biết bao nhiêu con chữ để nói và than rằng ở đời đừng sống tốt và rộng rãi quá. Bởi người ta có biết trân trọng mình đâu và đôi khi người ta còn làm hại đến mình. Cách nói đó là cách nói của những người thiếu kiến thức khi thể hiện lòng tốt. Còn nhà Phật các bạn, chúng ta đồng tu với nhau, lời Phật dạy từ bi, trí tuệ luôn luôn đi kèm với sự tỉnh giác và thiện lành. Bốn câu mật ngôn ta tu Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, bất cứ một yếu tố nào đều khởi bằng tâm từ bi và yếu tố đó biến thành hành động phải bằng sự sáng suốt của trí tuệ, bằng trong sự tỉnh giác và thiện lành.

Người có tâm tánh thiện lành như cha mẹ, người luôn luôn sống tỉnh thức như cha mẹ, người luôn luôn có kiến thức uyên thâm như cha mẹ và người luôn luôn có tình thương cao tột như cha mẹ, thì làm việc gì cũng đều có ý tứ trước sau, chẳng phải vội vội vàng vàng lăn xả, xắn tay áo, ôm sốc người ta lên chạy tới nhà thương. Các bạn thấy không, cho nên lòng tốt của con người bị phụ là bởi vì ta chỉ tốt mà thiếu đi kiến thức, ta chỉ tốt mà thiếu đi sự sáng của trí tuệ. Biết bao nhiêu người có lòng tốt đã cho bạn bè mình than khổ mượn tiền rồi nó chạy mất. Biết bao nhiêu bạn bè của chúng ta khổ, chúng ta tốt rồi họ phụ ân ta. Nếu nói sâu sắc hơn một chút xíu về nhân quả, thì không có một chuyện gì xảy ra mà không có sự chi phối của nhân quả nhiều đời do ta và người. Dù lòng tốt của chúng ta có thiếu trí tuệ và kiến thức trao đi có thể là trao đi tình, tiền, có thể là trao đi vật chất, có thể là trao đi sự quan tâm, sự yêu thương, nhưng đối tượng được nhận kia vẫn phụ ân, phụ lòng. Nghe theo đời, sống đời đừng quá tốt, quá rộng rãi, ta dần dần tụt đầu lại như con rùa, không biết trao đi nữa, cái đó sai đó, không tốt đâu, không đúng.

Nếu như bạn trao đi mà người ta phụ ân không tốt, ngược lại đôi khi còn hãm hại mình. Trong sự sáng suốt trí tuệ nơi nhà Phật ta phải quán chiếu, ta đang bị chi phối bởi cái quả của nhân kiếp trước giữa ta và họ. Quán chiếu như vậy để thấy rằng nhân quả luôn luôn hiện hữu trong cuộc đời, tạo nhân nào trổ quả đó. Nếu họ phụ ân ta theo như nhà Phật quán chiếu ta đã từng phụ ân họ. Từ đó mà ta tăng trưởng trí tuệ để sẵn sàng trả nợ cho họ bằng trí tuệ. Có nghĩa bồi dưỡng sự hiểu biết của ta khi tương tác, trao đi lòng tốt hoặc hiến dâng về bất cứ một phương diện gì cho đối tượng kia đều phải có kiến thức, có trí tuệ trong sự tư duy để làm tốt đời của chính ta và làm thay đổi người đón nhận lòng tốt đó, luôn luôn phải có hai chiều.

Từ sự suy nghĩ này Bảo Thành nói với lòng mình rằng đừng để cho thế gian nói ở đời đừng sống quá tốt và rộng rãi bởi họ phụ ân ta là thường. Mà ngược lại nói hãy nhìn nhận thật rõ tình thương của cha mẹ mênh mông như biển trời, cho hoài ngàn đời không bao giờ cạn. Thì lòng từ bi nơi mỗi một người con Phật có tu mật thiền chánh pháp, có tu theo lời của Phật dạy, sẽ không bao giờ cạn kiệt tình thương và lòng tốt. Dù muôn đời muôn kiếp người đón nhận lòng tốt và tình thương của ta luôn luôn phụ ân ta, phản bội ta, bắt hại ta. Đức Phật dạy quán tâm như đất. Đất là đại địa vững chắc, tên của một vị Bồ Tát tuyệt vời cũng có nghĩa là vững chắc như đại địa đó là Ngài Địa Tạng Bồ Tát. Ngài Địa Tạng Bồ Tát có tâm yêu thương rộng lớn và vững chãi, đến mức mà Ngài có thể cứu và độ được hằng hà sa chúng sanh nơi biển khổ của địa ngục. Chúng sanh nơi địa ngục chẳng bao giờ biết ân, luôn luôn lấy oán trả ân, nhưng Ngài không sao bởi tâm Ngài là đất.

Phật dạy quán tâm như đất, người ta đào đất chôn xác chết, người ta đạp lên trên đất, người ta chôn gai, chôn đá, chôn sỏi, người ta nhổ nước miếng, đổ phân xuống dưới. Nhưng chính nơi đất đó đón nhận tất cả những gì xấu xa của loài người vùi dập, vẫn tái tạo trở lại thành một mầm sống và vẫn luôn đó để cho con người trồng trọt tất cả những điều cần trồng để được sống, để giữ được mạng sống. Tâm từ bi, trí tuệ, lòng tốt của chúng ta là đất sống cho muôn người. Đâu có ai có thể làm cho đất đau, bởi đất biết tịch tĩnh, an vui, vững chãi. Ta sẽ không bị người ta làm đau, làm khổ vì ta có tâm địa như đất hiền lương, từ bi và trí tuệ, luôn là nền sống cho muôn loài vươn lên. Người tu phải quán chiếu như vậy, để không vì một lí do gì đó trong dân gian nói không nên sống quá tốt, không nên sống quá rộng rãi vì họ phụ ân, vì họ phản bội, vì họ không biết trân quý.

Chúng ta từng đi làm từ thiện mang tiền, mang của, vật chất, gạo nước và thu gom quần áo hiến tặng, giúp đỡ và an ủi chia sẻ bằng tâm từ bi. Người đón nhận kia họ xài sai, họ ứng không đúng, họ tạo nghiệp cho họ. Còn ta bằng lòng tận hiến, phụng hiến, biết cúng dường cho đi trong sự hoan hỷ và trí tuệ, ta tạo phước cho ta. Đừng vì họ đang tạo nghiệp mà tăng ngừng tạo phước. Đừng vì họ đón nhận cái ân của ta rồi họ tạo nghiệp mà ta ngừng tạo phước. Họ tạo nghiệp là phần của họ, ta tạo phước là phần của ta. Có một số các bạn và đặc biệt trong nhóm mật thiền của chúng ta, các bạn vẫn thường thâu gom quần áo mà những người khác không sử dụng tới, giặt giũ cho sạch đóng bao gửi đến quý Thầy, quý Sư Cô mang đi các tỉnh xa, giúp cho những người nghèo. Các bạn có thấy chưa? Các bạn là tùy hỷ cúng dường, quần áo không phải là của các bạn, nhưng các bạn đón nhận của người khác trao cho các bạn, rồi các bạn là nhịp cầu trao lại cho người khác, gọi là tùy hỷ cúng dường, phước báu vô cùng.

Cho nên sự tùy hỷ ở chỗ là ta cứ cúng dường, ta cứ tốt với họ bằng trí tuệ nguyện rằng người đón nhận lòng tốt, tâm từ bi của mình sẽ có sự sáng suốt, ứng cho đúng để thay đổi cuộc sống hoàn thiện hơn, vậy là đủ. Còn người đón nhận kia họ có thực sự thay đổi hay không? Nếu họ thay đổi họ tạo phước cho họ, ta tùy hỷ ta cũng có phước. Mà họ không thay đổi ta cũng có phước, bởi ta đã cho bằng lòng tốt không tra cứu họ và bắt buộc họ phải tốt. Nói như thế không phải trao đi mà không suy nghĩ, ta phải dùng trí tuệ, từ bi và trí tuệ mới chuyển nghiệp được nha các bạn. Cho nên cho đi và tốt với một người các bạn phải có trí tuệ để ứng dụng phương pháp trao tặng, cách trao đi như thế nào. Như cách mà cha mẹ đã trao đi, tận hiến cả cuộc đời cho con cái, cách đó là luôn luôn kèm với sự giáo dục. Phải thật khéo, lòng tốt phải thật khéo để trao đi, để người nhận lòng tốt của chúng ta họ hiểu họ phải vươn lên từ chỗ họ đang đứng, để không phụ lòng tốt của chúng ta.

Đừng trao lòng tốt vào nơi hố sâu thăm thẳm của đen tối, mà trao lòng tốt vào trong bóng đêm, vào nơi u tối kèm thêm ánh sáng như một ngọn đèn để soi dẫn cho họ thoát ra, thì lòng tốt đó là lòng tốt cần phải được phát triển. Nên những ai có lòng tốt vốn bổn nguyên nơi đó hiện hữu trong đời, thì cần phải tăng trưởng ánh sáng của trí tuệ, để lòng tốt của chúng ta sẽ không bao giờ bị phụ ân vì trao đi bằng tâm từ bi, kèm theo ánh sáng của trí tuệ. Đừng vì đời nói đừng sống tốt quá, rộng rãi quá vì họ không biết trân quý sự trao đi của ta. Mà hãy nói rằng tôi sẽ học cách trao đi, tôi sẽ học cách mang lòng tốt hiến tặng cho người kèm theo trí tuệ trong công hạnh tu. Để nguyện những ai đón nhận lòng tốt của tôi, tình thương của tôi, sự phụng hiến của tôi cũng đón nhận được ánh sáng của Tam Bảo, nhận rõ cần phải làm gì trong cuộc đời này.

Các bạn, cuộc đời nếu thiếu đi lòng tốt thì trái đất này sẽ bất hạnh vô cùng. Mỗi một người nếu chúng ta vì sợ hãi tốt quá để họ phụ ân ta, thì ta đang làm teo chột đi tâm từ bi, tâm từ bi teo chột và biến mất thì phước báu công đức cũng chẳng có. Hãy nhớ cho đi và cho đi bằng tâm từ bi chân thật, như vậy là đủ. Người đón nhận như thế nào không quan trọng, đó là nằm trong phần bố thí vô uy thí, bố thí balamật. Hãy thực hiện hạnh bố thí này, đừng có ngần ngại sợ hãi vì những câu nói ở đời, mọi chuyện xảy ra đều có sự chi phối bởi nhân quả nhiều kiếp. Kiếp này hãy mang lòng tốt như tâm của ngài Địa Tạng Bồ Tát tận hiến tất cả. Đừng sợ, vững tâm trên con đường tu người hành trì mật thiền chẳng bao giờ sợ lòng tốt trao đi và bị người khác phụ ân. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Người ta cứ nói đừng bao giờ tốt quá, rộng rãi quá, nhưng chúng con lại nghe được lời Phật dạy hãy tốt với nhau bằng tâm từ bi, trao đi tất cả chẳng mong cầu đền đáp trở lại. Chúng con nguyện thực hành theo lời của Phật, xin Phật gia trì cho chúng con.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở ra từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng  hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn