Search

3215. Dễ bị rung động, Làm sao để làm chủ cảm xúc?

Thu Hằng đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư và các bạn đồng tu.

Kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Hôm nay chúng con đồng hồi hướng và cầu nguyện cho người thân của một bạn đồng tu vừa quá vãng, nương theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Cũng đồng hồi hướng cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống, bàn tay phải đặt vào lòng bàn tay trái, lưng, cổ và đầu buông lỏng. Hãy nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở vào ra ta quán chiếu tâm Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác, khi ta hít vào thì hít vào bằng mũi, phình bụng, thở bằng miệng, trì mật chú, hóp bụng vào, hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra bằng miệng hóp bụng vào, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa tới muôn người và hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Các bạn thân mến, chủ đề các bạn gửi về ngày hôm nay là “Dễ bị rung động, làm sao để làm chủ cảm xúc?”. Các bạn thân mến, đã là con người ai trong chúng ta cũng có cảm xúc, nhưng có người thật dễ rung động, còn có người chậm, đôi khi cảm xúc tới rất trễ. Người dễ bị rung động thường gọi là người đa cảm, mẫn cảm, dễ bị tiêm nhiễm những năng lượng của sự dẫn dắt bên ngoài, một chút thôi họ cũng có thể vui, một chút thôi họ cũng có thể buồn. Chỉ một chút xíu sự việc họ cũng có thể sân giận, dễ rung động. Không hẳn là theo chiều hướng tích cực, tiêu cực, mà là sự làm cho mình không kiềm chế được hành động, lời nói của chúng ta. Dễ cảm xúc như vậy, dễ rung động như thế làm cho ta gặp nhiều rắc rối. Đôi khi dễ rung động làm cho ta sân giận, bực mình, nổi nóng, nổi quạo hoặc là thể hiện tình cảm quá đáng vượt mức làm cho ta bẽ bàng sau này.

Làm chủ cảm xúc không phải là triệt tiêu mọi cảm xúc, kiềm chế chúng, mà làm chủ cảm xúc là làm và giữ cho thăng bằng cảm xúc của mình để sống an vui và hạnh phúc. Nếu không làm chủ được hạnh phúc, thì ít nhất chúng ta cũng phải làm chủ được cảm xúc, vì cảm xúc đưa đến hạnh phúc và đau khổ hoặc phiền não. Các bạn có nghĩ ra phương pháp nào để làm chủ cảm xúc không? Đôi khi nghĩ rằng tại sao phải làm chủ cảm xúc, cứ để tự do đi. Chính vì ta đã buông thả cảm xúc của mình, mà bấy lâu nay chúng ta đã sống theo cảm xúc lên xuống, buồn vui lẫn lộn. Các bạn có thấy mệt khi cảm xúc của mình không được làm chủ, có không các bạn? Chắc chắn có! Một phần đời sống quan trọng của con người là cảm xúc được thăng bằng và nuôi dưỡng theo ý tưởng thanh cao tích cực, để an vui và hạnh phúc. Còn nếu không các bạn sẽ gặp rắc rối nhiều lắm.

Đầu tiên những cảm xúc mà chúng ta dễ bị rung động đó, dẫn đưa chúng ta tới những hành vi gây hại, bởi hai chữ không làm chủ được cảm xúc dù theo chiều hướng nào đi nữa, cũng gây ra sự nguy hại cho chúng ta. Mỗi người đều cảm thấy rằng trong đời đã nhiều lần không làm chủ được cảm xúc nên phải hối hận, là thấy hành động của mình sau này không phù hợp. Mà cứ để triền miên lây lan như thế, thì chúng ta sẽ sống một cuộc đời hầu hết không thay đổi được những phiền não, đau khổ để đạt được niềm an vui trong cuộc sống. Ngày nay trong thế giới phát triển về y học, ngành y học mà những nhà khoa học đã nghiên cứu thật rõ và thấy rằng cần phải phát triển để giúp đỡ mọi người vượt qua những chướng ngại, rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần, dễ bị rung động, đưa đến sự rối loạn và rồi rối loạn luôn cả cuộc sống. Ngành đó gọi là tâm lý học và phát triển thành ngành trị liệu tâm lý học, để giúp cho những ai đó rối loạn tâm thần, cảm xúc, trở lại sự thăng bằng để có cuộc sống bình ổn.

Đức Phật đã dạy cho chúng ta cách không phải là chế ngự hoặc là làm chủ, mà cách thăng bằng cảm xúc để nhìn thấu cuộc đời và phát triển cuộc sống của mình thêm phần tích cực. Đức Phật đã dạy phương pháp thực đơn giản để thăng bằng cảm xúc, giúp cho chúng ta có trách nhiệm hơn với cuộc đời. Giúp cho chúng ta suy nghĩ tích cực hơn. Giúp cho chúng ta biết thay đổi ngôn ngữ ứng xử hàng ngày. Giúp cho chúng ta biết thay đổi mọi hành vi, không có những hành động vì cảm xúc quá mạnh tạo ra sân giận mà trở thành lỗ mãng. Đức Phật là bậc thầy nhìn thấu, mọi phương pháp của Ngài dạy đều bổ ích và giúp cho chúng ta thăng bằng được cuộc sống tinh thần, tâm linh và thể chất. Ai thực tập đúng người ấy sẽ là người an vui, tịch tĩnh, sống có trách nhiệm, sống có tình thương, sống có trí tuệ. Loài người hơn các loài thú bởi có trí tuệ và biết cách mang tình thương lan tỏa rộng lớn hơn, đồng thời biết sống trong sự tỉnh thức, không lặp đi lặp lại những sai lầm của mình.

Phương pháp mà Đức Phật dạy để làm thăng bằng cảm xúc, hay gọi là làm chủ cảm xúc đó các bạn, mà ngày nay người ta còn gọi từ là quản lý cảm xúc, thương mại hóa những ngôn từ. Nhưng đó cũng là cách để chúng ta nói chuyện thôi, không vướng mắc nha các bạn. Chúng ta nhất định phải thiền trong hơi thở của chánh niệm để làm chủ cảm xúc. Phải thiền trong hơi thở chánh niệm để nhìn thật rõ những cung bậc cảm xúc của mình. Lấy hơi thở của chánh niệm quán chiếu thật sâu những cảm xúc, nhìn cho thật rõ. Chính hơi thở chánh niệm thực tập khi hít vào phình bụng biết hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng biết thở ra hóp bụng. Sự nỗ lực, định lực để cho thăng bằng làm chủ cảm xúc.

Có khi nào bạn hỏi tại sao nó quá đơn giản như vậy hay không? Đúng!Đức Phật là bậc giác ngộ nhìn thấy năng lượng vốn có của mỗi người qua hơi thở chánh niệm, chỉ cần thực tập hơi thở trong mọi tương tác của cuộc đời, bạn nhất định sẽ làm chủ được cảm xúc của bạn và cuộc sống của bạn nhất định sẽ trở nên tuyệt vời hơn. Ai trong chúng ta cũng nhiều lần cáu gắt, sân giận, đập bàn, đập ghế, làm cho vợ, cho chồng, cho con cái, đôi khi cha mẹ nữa thật là xấu hổ, phải không các bạn? Ở những nơi làm việc nếu ta không làm chủ được cảm xúc dễ rung động, để rồi sân giận, yêu thương sai trái, thì nhất định ta sẽ mất việc hoặc chúng ta sẽ gây rối tương lai của mình.

Khi Đức Phật dạy về hơi thở chánh niệm để thăng bằng và làm chủ được cảm xúc, Ngài thiết lập một phương pháp qua sự hành trì nó để không tổn hại phước báu và công đức của mình. Các bạn, dễ rung động, sân giận, cáu gắt, ta để cho tâm ghen ghét, hận thù, tham si trỗi dậy. Do đó làm chủ cảm xúc qua hơi thở chánh niệm là một phần để chuyển hóa tâm tham sân si, là một lập trình tâm linh thiết kế thật kỹ lưỡng, với những thao tác thật bình thường, giản dị, dễ học, dễ thực hành để tăng trưởng phước báu, công đức. Chuyển hóa tất cả những bất thiện nghiệp, năng lượng tiêu cực vốn đã tạo ra từ nhiều đời hoặc trong kiếp này, rất hay các bạn ơi. Nếu các bạn suy nghĩ và trân quý cuộc đời của mình, thì nhất định phải thực tập để có được công đức, có được phước đức. Chuyển hóa toàn diện những bất thiện nghiệp của bản thân, để mang lại sự hạnh phúc an vui. Đơn giản thôi các bạn ơi, đừng rắc rối, rối rắm, lần mò trong những phương pháp cao siêu mà chẳng ai thực tập được, mà hãy khiêm tốn trở về với phương pháp thật đơn giản Đức Phật dạy.

Hiện thời chúng ta thực tập mật thiền, nếu thực tập cho đúng ta sẽ làm chủ được cảm xúc của mình, thăng bằng cảm xúc của mình và phát triển được đời sống của mình. Qua hơi thở của chánh niệm hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, tổng trì mật ngôn, thiền rải tâm từ Mu A Mu Sa, tâm Từ bi. Khi chúng ta thực tập thiền rải tâm Từ bi Mu A Mu Sa quán chiếu, là ta mang tâm Từ bi rải tới muôn người, ta còn kích hoạt được năng lượng đó vốn có trong ta và gắn kết chặt chẽ với mười phương chư Phật, các vị Bồ Tát thánh hiền, các đấng giác ngộ để được tiếp hiện năng lượng tình thương mà rải tới muôn người. Thiền tâm Từ bi với mật ngôn Mu A Mu Sa trong hơi thở chánh niệm vào ra, tâm của chúng ta sẽ an tịnh và từ ấy ta nhìn thấy muôn người dù quen, thân bằng quyến thuộc, ông bà cha mẹ, người thân trong gia đình hoặc những người xa lạ, bởi trong ta luôn tràn đầy một khối tình thương nơi tâm Từ bi. Chỉ có tình thương của Mu A Mu Sa, chỉ có tâm từ Mu A Mu Sa khi rải tới muôn người thì cảm xúc của chúng ta sẽ được thăng bằng bền vững luôn. Không phải là chỉ kiềm chế, triệt tiêu những cảm xúc tiêu cực, mà chuyển hóa được những cảm xúc tiêu cực, thăng bằng được những cảm xúc tốt đẹp một cách luôn luôn an và vui. Hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, quán chiếu tâm Từ bi, tổng trì Mu A Mu Sa, đơn giản thế mà hiệu quả.

Dễ bị rung động và cảm xúc không làm chủ được, qua sự thực tập hơi thở chánh niệm mật thiền này bạn sẽ thăng bằng và làm chủ được cảm xúc của bạn. Bạn sẽ phát triển được năng lượng Từ bi yêu thương. Bạn sẽ tăng trưởng được phước báu và công đức. Bạn sẽ chuyển hóa được những bất thiện nghiệp, bạn sẽ trở nên người tỏa sáng trong chính cuộc đời của bạn. Thiền rải tâm từ là một phương pháp thật vi diệu để cho những ai dễ rung động và không thể làm chủ cảm xúc tự tin hơn, tìm thấy được chính ý nghĩa của cuộc sống của mình, sống từ bỏ những hành động, suy nghĩ, ngôn ngữ tiêu cực. Còn lại một thói quen đưa mình thăng hoa tới đỉnh cao của cuộc sống.

Ngoài thiền rải tâm từ trong chánh niệm, thiền Trí tuệ là một phương pháp tuyệt vời. Tu vừa thiền rải tâm từ cộng hưởng với thiền Trí tuệ của mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để thể hiện điều gì? Thể hiện sự tịch tĩnh, các pháp đều vô thường, mang tình thương rải tới mọi người không còn vướng mắc. Thiền Trí tuệ để thấy các hiện tượng đều vô thường và không bao giờ tồn tại mãi mãi. Trong thiền Trí tuệ này chúng ta có khả năng nhìn xuyên suốt mọi cảm xúc, mọi cảm thọ của mình. Trong thiền trí tuệ này chúng ta có được dũng lực để đương đầu, nhìn nhận, tiếp nhận, đón nhận thẳng mọi cảm xúc khởi dậy nơi ta. Chính vì cái nhìn thẳng vào đó trong hơi thở chánh niệm, sự đón nhận cảm xúc đó trong hơi thở chánh niệm qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là thiền Trí tuệ, thấu vô thường, khổ, vô ngã mà ta thăng bằng được mọi cảm xúc, thắp sáng miền tăm tối của cảm xúc, của cảm thọ, nhận ra mọi cảm thọ đều là viễn giả. Rồi ta không chấp vào người ta nói này nói kia, rồi ta không vướng mắc vào những va chạm trong cuộc đời, để làm cho cảm xúc dâng trào, kiềm chế thân tâm của chúng ta.

Một cách thiền nữa là thiền Tỉnh giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Có thể nói thiền rải tâm Từ, Trí tuệ và Tỉnh giác, hay nói một cách gọn hơn là thiền Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Mật thiền song tu là một phương pháp vi diệu, dễ thực hành, để mỗi người chúng ta vào buổi sớm mai khi thức dậy, ta đã bắt đầu có sự thực tập vào 5 giờ sáng tại Việt Nam. Thiền Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác rải tâm từ, thắp sáng yêu thương, sống tỉnh thức trong từng hoàn cảnh. Cách thực tập này giúp cho bạn thăng bằng cảm xúc, làm chủ được cảm xúc, vẫn rung động nhưng không đắm đuối và bị dẫn dắt để tạo ra những hành vi, ngôn từ, suy nghĩ bất tịnh.

Hãy nhớ Đức Phật dạy không phải để chúng ta triệt tiêu cảm xúc, để mỗi người chúng ta trở nên lãnh cảm, vô cảm. Từ lãnh cảm, vô cảm trở thành vô tâm, chuyện gì xảy ra kệ, không phải. Mà thiền Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, thiền Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác để rải năng lượng yêu thương tới muôn người nó cao trọng lắm, nó giúp cho chúng ta chuyển nghiệp, giữ tâm thanh tịnh, giữ ý thanh tịnh, giữ khẩu thanh tịnh và hạnh phúc, sức khỏe tinh thần trong sáng, rất dễ các bạn ạ! Những ai dễ rung động và luôn luôn bị cảm xúc chế ngự cuộc đời của mình, thì nhất định thiền Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác bạn vẫn rung động, nhưng không bị sự rung động của cuộc đời chế ngự bạn, kiềm tỏa bạn. Có khi nào bạn nghĩ rằng sự thực tập này mang lại lợi lạc cho bạn không? Bạn hãy thực tập đi, bạn sẽ có một sự thể nghiệm tuyệt vời. Vì từ khi bạn thực tập thiền rải tâm từ, thiền thắp sáng trí tuệ, thiền tỉnh thức, bạn sẽ nhận ra trong cuộc đời của bạn vốn có biết bao nhiêu kho tàng cao quý, mà bạn chưa bao giờ khám phá để ứng dụng vào cuộc đời.

Hôm nay nói về chủ đề các bạn gửi để chúng ta chia sẻ với nhau chi tiết hơn, một phương pháp thiền định thật đơn giản qua hơi thở vào ra, phình bụng, hóp bụng, quán chiếu để rải tâm từ, thắp sáng trí tuệ, sống thức tỉnh. Bạn có lúc thấy cảm xúc của mình dâng trào quá mức, không làm chủ được, để rồi biết bao nhiêu chuyện bất như ý xảy ra không? Như la mắng, gào thét, đập phá, như nói những lời cay đắng, đâm thọc, những lời xỉ vả, miệt thị, mà suốt cuộc đời những ai chứng kiến không bao giờ quên, những câu nói mà những ai đã nghe suốt cuộc đời đau đớn, quằn quại không? Có đấy. Không làm chủ được cảm xúc và dễ rung động nên đã bao nhiêu lần chúng ta nói những lời người ta nghe rồi đó quặn đau trong trái tim, để bao nhiêu lần vì chúng ta mà những người thân luôn luôn bị tổn thương.

Các bạn, cuộc sống thật ngắn ngủi, chớ nói những câu nói làm đau lòng người, chớ có những hành vi làm tổn hại đến sức khỏe và tinh thần của người khác. Phát triển tâm từ bi và thắp sáng đuốc tuệ qua chánh niệm hơi thở, là làm cho những ngôn ngữ ứng dụng trong cuộc sống này như hoa, như hương, làm cho những hành vi của chúng ta như một nhịp cầu bắc qua bờ u mê, để những người khác có thể nương vào hành động của ta mà thoát khổ. Hãy thực tập cách thiền này để trở thành vững chãi hơn, để trở thành trong sáng hơn, để trở thành nhẹ nhàng hơn. Không làm gì cho tất cả mọi người nhưng ít nhất ta thăng bằng thân, tỏa sáng cho cuộc đời của mình, thêm lợi lạc cho bản thân đã là đủ, vì sao? Vì ai biết làm lợi lạc cho bản thân để tỏa sáng trong cuộc đời này qua mật thiền chánh niệm, rải tâm từ, trí tuệ, tỉnh giác, người ấy ánh sáng tự thân sẽ lan tỏa, năng lượng tình yêu sẽ lan tỏa. Và ai ở trong vùng kề cận với chúng ta cũng nhờ sự thắp sáng trí tuệ và lan tỏa tình thương của ta mà nhận ra giá trị cuộc đời của họ.

Y như chúng ta đứng gần bóng đèn, dù bóng đèn không dẫn dắt chúng ta thì ánh sáng của bóng đèn kia cũng soi tỏ để ta nhìn rõ được mọi sự. Đời ta là sự sáng, cuộc sống của ta là yêu thương lan tỏa. Thực tập mật thiền chánh niệm có lợi ích vô cùng bởi thăng bằng được mọi cảm xúc và thăng bằng được cảm xúc thì thân tâm của ta tốt hơn, tinh thần sẽ trong sáng. Bạn có thấy được mỗi khi bạn không làm chủ được cảm xúc, sự hồi hộp sẽ gây tổn hại đến nhịp đập của trái tim, dễ bị đột quỵ, già nua, làm cho sức khỏe yếu dần đi. Người không làm chủ được cảm xúc thường sống trong lo âu và phiền muộn, thường như con rối. Do đó bạn không thể cứ sống như vậy mà bạn cần phải thay đổi, mà một trong những phương pháp thay đổi tuyệt vời mà Bảo Thành cùng các bạn đã có sự trải nghiệm rồi, đó là thiền chánh niệm hơi thở, rải tâm từ, thắp sáng trí tuệ và sống đời tỉnh thức qua ba mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê. Hơi thở vào ra mang tràn đầy sự sống, mang ôxy nuôi dưỡng thân và mang năng lượng làm cho thân tâm chúng ta được khỏe.

Mỗi một sớm mai thức dậy ta hít vào thở ra, trì tụng ba mật ngôn quán chiếu và rải tâm từ, thắp sáng trí tuệ, sống tỉnh giác là chúng ta đã dọn sẵn một bữa tiệc thịnh soạn với những món thật ngon cho thân được khỏe, cho tâm được an, cho tinh thần được trong sáng. Ba tặng phẩm này chúng ta cần phải chủ động trao cho chính bản thân của mình mỗi một ngày, bởi không ai có thể thay đổi được cuộc sống của mình, chỉ có chính mình mà thôi. Sống chủ động để yêu thương, sống chủ động bằng trí tuệ được thắp sáng, sống chủ động trong tỉnh giác để thức tỉnh trong mọi khoảnh khắc. Để không phạm lỗi mà lan tỏa yêu thương là cuộc sống rất ý nghĩa. Các bạn, mong rằng những lời chia sẻ chân thành này các bạn lắng đọng một chút, để có cơ hội quán chiếu mọi cảm xúc của mình mà thăng hoa cuộc đời, để tỏa sáng ngay trong kiếp mong manh bạn đang sống. Chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con thường dễ bị rung động, không làm chủ được những cảm xúc của mình. Chúng con phát nguyện thiền chánh niệm hơi thở, rải tâm từ, thắp sáng trí tuệ, sống đời tỉnh giác để thăng bằng và lan tỏa tới muôn người. Xin chư Phật gia trì cho mỗi một người chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts