Search

3167. Chồng nóng tính, hay ức hiếp vợ, có cách nào để bình đẳng trong hôn nhân không?

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook và Zoom. Giờ tu tới rồi, mời các bạn đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Với một lòng thành kính lên Chư Phật, Chư Bồ Tát, lên ba ngôi Tam Bảo, những ngày cuối năm, chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy miên mật tu tập Mật Thiền Chánh niệm hơi thở để thắp sáng Trí Tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Thành kính nguyện cầu cho các đấng bậc sinh thành tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Mô Phật! Mời các bạn ngồi xuống tĩnh tọa phù hợp với cơ địa của mình, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ lưng và cổ cho ngay thẳng, toàn thân buông thư thả lỏng, trở về với hơi thở vào ra trong Chánh niệm. Khi các bạn hít vào bằng mũi, các bạn phình bụng ra. Khi các bạn thở ra, thở bằng miệng, hóp bụng vào và tổng trì ba mật ngôn để quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn  Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, và tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Thắp sáng đuốc tuệ, kích hoạt năng lượng Từ Bi yêu thương, giữ cho cuộc sống trong từng giây phút luôn luôn vào trạng thái tỉnh thức sẽ giúp cho chúng ta gắn kết với Chư Phật và gắn kết với muôn loài, muôn vật, nhất là trong những mối quan hệ của gia đình và bạn bè, thầy trò.

Chúng ta hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng và chúng ta hồi hướng cho muôn loài.

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Các bạn đồng tu thân mến! Đồng tu với nhau không khác gì như cái bè được kết lại lớn hơn, rộng hơn, tốt hơn, chắc chắn hơn, bền vững hơn để cho chúng ta đồng thuyền – thuyền Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Và trên sự đồng tâm phát nguyện thực hành Mật Thiền Chánh pháp trong từng ngày từng giờ, hỗ trợ san sẻ để khi cái sự yếu đuối trong lòng của chúng ta nó tới, ta vượt qua được. Cuộc sống có biết bao nhiêu sự lôi kéo. Chúng ta là những người chọn tự lực đứng dậy liên kết với nhau để không bị những hấp dẫn của cuộc đời kéo lôi ta vào bóng tối. Đồng tu kích hoạt tình thương, thắp sáng Trí Tuệ, giữ tâm tỉnh thức là hướng về ánh sáng, hướng về cội nguồn của chân tâm, hướng về tâm tánh thiện lành, hướng về sự tu tập một cách rõ ràng qua sự hiểu biết, qua sự trải nghiệm, thực nghiệm để thấm nhuần và nhận ra giá trị đích thực của cuộc đời. Từ đó không tu để cho ngày mai, chẳng tu để cho kiếp sau, mà tu cho ngay bây giờ ta sống bớt khổ, bớt phiền não, có thêm sự hạnh phúc an lạc và bình an cho nhau.

Mật Thiền lấy mật chú như chìa khóa mở cái kho tàng nội tâm để nhận ra giá trị vô cùng cao quý của đời người vốn có trong ta. Lấy Chánh niệm của hơi thở để đi vào kho tàng nội tâm, mang những điều quý báu nhất trong cuộc đời tỏ lộ cho ta và ứng dụng vào đời sống. Chúng ta cứ miệt mài mãi để quên đi cái giá trị tiềm ẩn trong nội tâm, vô tình hay cố tình biến nội tâm thành cái thùng rác, bới bới trong cuộc đời này những tham dục, tham ái. Bới và tìm trong cuộc đời này những thứ không cần thiết, chẳng thuộc về ta, mang vào nhồi nhét trong cái nội tâm để rác rưởi cuộc đời trở nên hôi thối. Và dĩ nhiên, cái mùi phiền não đau khổ nó bao trùm cuộc đời rồi. Mỗi một chúng sinh hay mỗi một người chúng ta, dù bạn là tôn giáo nào thì ai cũng có sự khốn khổ phiền não của người ấy. Tức là có cái mùi của ác nghiệp, của sai trái, của tham ái, tham dục ta nhồi nhét vào cuộc đời để bốc mùi. Dĩ nhiên đời là như thế, nhưng đời không như thế nếu chúng ta biết được cái thế đứng của mình vững chắc trong cái tâm thiện, ta vẫn tìm lại cái cao quý hơn để ứng dụng vào đời sống, thay vì vùi đầu trong đống rác rưởi ở bên ngoài ta mang vào. Cả năm trời ta tìm bới ở bên ngoài rồi, hãy cho chính mình và hãy cho nhau những ngày cuối năm này trở về với nội tâm thanh tịnh, để nâng tầm đời sống của chính mình, để sống chính hiệu với cái tâm thiện của chúng ta.

Mật thiền là chìa khóa đưa ta trở về với nội tâm. Chánh niệm hơi thở là chiếc cầu vững chắc dù cho phong ba bão tố của nghịch cảnh có ồ ạt kéo tới cũng không bao giờ làm sập đổ nếu ta trụ vững trong Chánh niệm hơi thở. Mật ngôn là chiếc gậy thần kỳ để đưa ta bay qua những bão tố, giông bão, trắc trở của cuộc đời. Cây gậy thần của tình thương Mu A Mu Sa, cây gậy thần của Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và đôi cánh của sự Tỉnh Giác, có hai cây gậy và đôi cánh này, có gì để các bạn sợ hãi nữa? Và có chiếc cầu vững chãi của Chánh niệm, chúng ta nhất định sẽ trở về được với nội tâm để tìm được kho báu muôn thuở nơi chính cuộc đời của mình.

Đức Phật luôn luôn dạy cho chúng ta sống an lạc và hạnh phúc ngay cuộc đời này qua công hạnh tu tập để có Trí Tuệ hiểu, biết, rồi thương nhau. Đức Phật rất quan tâm đến đời sống của Phật tử tại gia, chẳng phải là chỉ giảng dạy cho đời sống xuất gia. Thời Đức Phật, khi Phật giáo hình thành, Ngài giác ngộ và lập ra, số người xuất gia làm Tỳ kheo và Tỳ kheo ni so với con người trên hành tinh nói chung và Ấn Độ nói riêng, chưa kể đến các cảnh giới cao hơn là chư Thiên, những cảnh giới trong lục đạo, thì người xuất gia chưa được 0%, rất hiếm, rất ít nếu so sánh. Do đó, sự khai thị dạy dỗ cho các hàng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, mối quan tâm lớn nhất mà Đức Phật dạy vẫn chú trọng tới hàng Phật tử tại gia mà trong cuộc sống và sinh ra với biết bao nhiêu nghiệp chướng của nhiều đời thường tạo khổ cho nhau, có thể đứng dậy chuyển hóa để vui, để an lạc, để hạnh phúc, để bớt sầu bớt khổ, bớt phiền não.

Trong các Kinh Tiểu bộ, Tương Ưng bộ, Kinh Trung bộ, Đức Phật dạy thật nhiều: Làm sao để cuộc đời của chúng ta hạnh phúc? Tức là cuộc đời của Phật tử tại gia, cuộc đời của người có vợ có chồng, có con cái, có cha mẹ và ông bà được hạnh phúc khi ứng dụng lời dạy của Phật. Một bạn hỏi: Người chồng nóng tính quá, hay hà hiếp, chửi bới đánh đập vợ, làm sao sống cho bình đẳng giữa vợ chồng?

2560 mấy năm trước, khi Đức Phật kinh hành qua mọi nẻo đường trên dương thế tại Ấn Độ, thật là nhiều Phật tử nam, Phật tử nữ, hay nhiều tín chúng nam nữ đã tới và hỏi Phật: “Làm sao để cuộc sống vợ chồng được bình đẳng và hạnh phúc?” Các bạn có biết không? Cách đây trên 2500 năm, thời phong kiến ở Ấn Độ, phụ nữ không là gì cả, phái nữ không là gì cả. Coi trọng cái sức mạnh kiếm được những cái thứ gì đó để nuôi dưỡng cuộc đời đều dựa vào nam giới. Nên phụ nữ thời phong kiến, thời 2500 mấy năm trước không được coi trọng, không phải như ngày nay, sự bình đẳng nam nữ không tìm được đâu. Nhưng chính Đức Phật, Ngài đã thay đổi cục diện về ý thức sống của tình nghĩa vợ chồng. Giữa nam và nữ cần phải đối xử bình đẳng. Không phải chỉ có người với con người, mà giữa người với vật, loài vật cũng cần phải bình đẳng tôn trọng sự sống của nhau, không được hành hạ giết hại chúng. Giữa người và môi trường sống cũng cần phải có sự bình đẳng đối đãi một cách tôn trọng, Chẳng cắt cây phá rừng, rồi đắp đê, đắp đập, giữ sông giữ suối, giữ kênh, giữ ngòi. Loài vật li ti còn phải tôn trọng nữa mà. Ngài nói về sự đối xử bình đẳng và tôn trọng giữa muôn loài. Và Ngài đã dạy và hướng dẫn cho những cặp vợ chồng làm sao để có được sự hạnh phúc.

Cũng rất đơn giản, Ngài nhắc vợ và chồng phải luôn luôn đối xử bằng tình yêu thương chân thật, biết kính trọng nhau, biết tôn trọng nhau, biết nâng đỡ lúc khỏe lúc yếu, lúc thành công lúc thất bại trong mọi khó khăn của cuộc đời. Biết phận sự và khả năng của mình để phụng hiến cho nhau. Đó là những điểm chính. Còn nói chi tiết hơn, Đức Phật dạy chúng ta phải xài tiền như thế nào? Phải chăm sóc cho nhau như thế nào? Rồi phải kính trọng cha mẹ hai bên như thế nào? Ngài dạy thật rõ. Cái mà mấu chốt để đối xử trong sự tôn trọng, kính trọng bình đẳng đối với nhau giữa tình nghĩa vợ chồng là sự hiểu biết, là sự hy sinh, và luôn luôn phải khéo léo trong mọi hành vi, lời nói khi tương tác, để thể hiện tình yêu, lòng bao dung và tha thứ, dấn thân đồng hành đi suốt cuộc đời vì nhau. 2500 năm trước thời phong kiến, Đức Phật đã nhìn thấu rồi. Ngày nay, các nước trên thế giới dù là Phật tử học Phật sâu sắc như ở Việt Nam hoặc các nước Á Đông, người đàn ông tụng kinh nhiều lắm, cũng tu. Chúng ta thấy trong hàng giới Tăng sĩ, Tỳ kheo (tức là đàn ông đi tu) vẫn luôn luôn được coi trọng hơn phụ nữ là các vị Tỳ kheo ni. Xã hội Việt Nam vẫn có cái sự phân định chia ra: Nam vẫn tột độ cao, nữ yếu đuối dơ dáy, thấp. Thời phong kiến mấy ngàn năm xưa, Đức Phật đã nói về sự bình đẳng vợ chồng, nhưng phong kiến ở Việt Nam vẫn kéo dài tới ngày nay. Người chồng vẫn gia trưởng, vẫn có quyền năng để thống trị gia đình, nên mới cho phép mình cáu gắt, giận dữ, nóng tánh, la hét, đánh đập chửi bới, coi vợ không ra gì. Dù học Phật mà coi vợ không ra cái gì hết. Ta cứ nhìn thẳng vào đời sống và phải chân thật với chính mình, hỏi các Phật tử tại gia: Chúng ta học Phật có thực sự đối xử bình đẳng với lời dạy về tình nghĩa vợ chồng hay không?

Có lẽ các Phật tử là nam nói rằng: “Tới chùa có ai nói về những điều này đâu, toàn là đọc Kinh tụng Kinh, cầu phước tin tưởng không. Điều này có! Phật giáo khi Đức Phật tịnh diệt được chia ra nhiều bộ phái, nhiều tông phái, nhiều Bậc Tổ sư chỉ chọn lựa những cách tu để làm sao thành Phật, thành Thánh, Bồ tát kiếp sau thôi. Ít ai mang lời Phật đã dạy hướng dẫn cho Phật tử tại gia khi tới chùa gặp quý thầy, quý cô tham vấn để làm sao có được hạnh phúc trong gia đình, ít lắm. Rất ít! Có nhưng mà hiếm. Do đó mà khi tới chùa mấy ai mà nghe được lời Phật dạy về người chồng trách nhiệm của người chồng, và người vợ phải sống làm sao. Chế độ phong kiến còn tàng ẩn trong những cái gen di truyền của kẻ mạnh được gọi là nam giới. Hình như người đàn ông, người chồng ở Việt Nam và các nước châu Á cũng như trên toàn thế giới (ngày nay một số đã thay đổi rồi), họ nhận ra rằng hình như họ có cái phương trượng bảo kiếm “Tiền trảm hậu tấu”. Vợ uýnh, chửi vợ, đánh vợ, la vợ, có quyền, chẳng cần tấu với ai, họ là vua. Quan niệm này sai lời Phật rồi. Kinh sách ngày nay dạy thật rõ trên các trang mạng, Kinh của Phật được lưu ở trên đó, tìm kiếm bất cứ một chủ đề nào liên quan đến đời sống của vợ chồng, đời sống của người cư sĩ tại gia đều có hết, Phật dạy, Phật đã dạy. Chỉ vì chúng ta chưa được nghe, chưa được học, nhất là các bậc nam nhi.

Người vợ Phật dạy phải thật khéo léo ngọt ngào, phải biết ứng xử đúng cách, biết trân quý tình cảm của cha mẹ hai bên và luôn luôn biết nhường nhịn và đảm đang. Người chồng cũng như vậy, hai bên đều như nhau, đều có chung những nghĩa cử tốt đẹp. Ngày xưa, người chồng chỉ đi làm người vợ ở nhà. Nhưng ngày nay, người vợ và người chồng đều có khả năng kiếm sống và nuôi gia đình, có khi vợ nuôi cả gia đình, chồng ở nhà trông con cái. Sự bình đẳng là mấu chốt chân lý thoát khổ của Phật dạy: “Chúng sanh đều bình đẳng tánh trí”. Giữa phụ nữ và đàn ông, giữa chồng và vợ đều bình đẳng tánh trí. Phật nói chúng sanh là cả những loài sống li ti, cỏ cây, sông nước cũng bình đẳng tánh trí, huống chi là giữa vợ chồng cớ sao không bình đẳng tánh trí? Đối xử với nhau bình đẳng trong cuộc sống vợ chồng là điều thiết yếu và là chân lý cũng như là chìa khoá để mở cửa ngục tù cho vợ chồng cùng bước vào cảnh giới của thiên đàng của Niết bàn, sống an vui.

Sự nóng giận, cáu kỉnh, la hét, đánh đập, chửi bới, trì chiết, chê bai, nặng tiếng với vợ là một tội ác và là những trọng giới ta đã phạm. Không nói riêng gì đàn ông là chồng, đàn bà là vợ, cả vợ và chồng cần phải cân nhắc nghe lại lời của Phật dạy và cần phải đối xử bình đẳng trân quý thân mạng, trí tuệ, tinh thần và tâm linh của người phối ngẫu. Đừng ỷ quyền theo những sự dạy dỗ từ ngàn xưa lỗi thời. Lỗi thời như 2500 năm trước mà Phật đã tỉnh, đã giác ngộ, đã dạy những điều thật mới mà ngày nay trên thế giới sau 2500 năm cũng chưa theo kịp để ứng dụng. Ta vẫn thấy rải rác trên thế giới này nhiều nước coi phụ nữ vẫn không ra một thứ gì, hành hạ vợ của mình thậm chí mà còn có thể giết hại vợ của mình. Người phụ nữ là vợ, là con gái, người phụ nữ là mẹ, là bà nội, bà ngoại vẫn bị trừng phạt, thật đau lòng.

Ta không thể thay đổi cả thế giới, ta không thể cứu được cả thế giới, nhưng mỗi một gia đình người, vợ và người chồng nếu thấm nhuần lời dạy của vợ, thấm nhuần lời ứng xử của vợ, thấm nhuần lời dạy của chồng, lời ứng xử của chồng. Ta nói dạy là chia sẻ đó các bạn, Đôi khi vợ khuyên lơn chồng mà chồng cho là dạy thì ta cứ cho là dạy đi. Đôi khi chồng khuyên lơn vợ mà vợ cho là chồng dạy mình cứ cho là như vậy đi, nhưng đó là chân tình. Ta nghe lời khuyên, ta nghe lời chia sẻ thì thầm với nhau. Rồi chúng ta cùng nhau hiểu thấu lời của Phật khai thị, thực hiện đúng, chồng sẽ nhất định, nếu như học Phật, sẽ biết kính trọng và đối xử bình đẳng với vợ và vợ cũng như thế. Nếu như người vợ đang rơi vào cái tình trạng người chồng như kia thì làm sao đối xử bình đẳng đây? Mình hãy làm tròn trách nhiệm của mình như Phật đã dạy: Yêu thương, hy sinh, đảm đang, tôn trọng, nhẹ nhàng, ngọt ngào và hiến dâng trọn đời cho chồng trong sự thể hiện tương tác hằng ngày. Tu tập giữ tâm thanh tịnh, đừng để sự quấy nhiễu của chồng làm cho loạn tâm rồi khùng rồi cáu. Giữ được trạng thái như vậy, ta hồi hướng sự thanh tịnh cho chồng cũng như thắp đuốc truyền đăng cho chồng, truyền ánh sáng tâm linh cho chồng, chồng sẽ nhận ra. Hoặc thật khéo để dẫn dắt chồng của mình tìm gặp các bậc Thiện Trí thức, các Bậc Thầy để nghe lời Phật dạy qua các bậc đó. Hoặc thật khéo mở những đoạn Kinh Phật dạy về sự đối xử của chồng với vợ như thế nào, in ra hoặc đặt đâu đó trên bàn, hoặc thâu thành băng, bật nhẹ nhẹ mà lúc nào thoải mái vui vẻ để chồng nghe được chút xíu. Đó là những cách gợi ý cho chồng về cái đời sống tôn trọng bình đẳng mà Phật dạy chứ không phải ai dạy hết. Nếu là Phật tử nhất định người đàn ông nghe được sẽ giật mình thôi. Bởi đâu ngờ rằng Phật dạy đời sống vợ chồng phải tôn trọng bình đẳng, nhân ái, yêu thương, hy sinh cho nhau như thế. Cho nên phải khéo mang lời Phật cho chồng nghe, nhìn và đọc, phải khéo để dẫn dắt. Hung dữ như con cọp người ta còn huấn luyện được. Cáu kỉnh như người chồng, ta cũng có thể thu phục được bằng sự ngọt ngào nhẫn nhịn, bằng sự tử tế và khéo léo.

Trong cuộc sống vợ chồng, Phật dạy: Người chồng phải biết tâm tánh của vợ, ngược lại vợ cũng phải biết được tâm tánh của chồng. Người chồng và vợ phải hiểu biết được nhân cách của nhau. Và người chồng người vợ phải thương chính nơi sự khác biệt của nhau, không thay đổi, không nhồi nhét người mình yêu thương, mà làm tăng trưởng những giá trị tuyệt vời nhất nơi người bạn đời của mình. Biết, rồi hiểu, rồi thương. Đó chính là tặng phẩm cao quý nhất của đời người mà người vợ, người chồng có thể trao cho nhau. Biết, hiểu và thương là tặng phẩm, là món quà cao lắm, tốt lắm, đẹp lắm. Ta cứ tặng những món quà có giá trị bằng tiền nhưng nào gia đình có hạnh phúc đâu? Bạn có biết bạn tặng cho vợ chiếc nhẫn, dây chuyền, quần áo, giày dép, vợ vui trong lúc đó bởi chồng biết chăm sóc mua nữ trang, quần áo, những đồ cần thiết cho vợ, vợ vui. Nhưng rồi sau đó bạn cũng chửi vợ thôi. Ngược lại, đôi khi người vợ cũng tặng cho chồng nhiều thứ lắm về vật chất, nhưng người chồng cũng khổ vì có những cô vợ cũng không khác gì nam giới, làm chủ cả gia đình. Chúng ta hãy nhớ: Món quà cao quý nhất ngoài những cái thứ ta chăm sóc, trao cho nhau về vật chất và tinh thần, thì nhất định phải là món quà của sự biết, hiểu và thương trong sự thấu đáo lời của Đức Phật.

Có khi nào những người chồng người vợ, tặng cho nhau món quà này mà Đức Phật đã nói thật rõ chúng ta đều có. Hay chúng ta quên mất rồi? Có lẽ trong Phật giáo, chúng ta không có giáo lý hôn phối dạy cho đời sống vợ chồng như thế nào ở tại chùa. Bởi các Phật tử tại gia luôn nói rằng: “Ôi mấy vị tu, mấy Thầy chùa, mấy Sư Cô tu là ly dục rồi, biết cái gì về đời sống vợ chồng để mà dạy?”. Câu đó hình như ai cũng thường nói hoặc nghe thấy thích thích. Cho nên khi quý Thầy, quý Sư Cô khi nói về cái giáo lý hôn phối vợ chồng mà Đức Phật dạy thì người ta không tin, không tiếp nhận. Trong tôn giáo bạn đạo Thiên Chúa, người đàn ông và người đàn bà trước khi cưới nhau, họ phải tới nhà thờ đăng ký vào các lớp học giáo lý hôn phối. Và giáo lý hôn phối đó được các người công giáo là cha mẹ dạy, và rõ hơn là được quý thầy và các cha dạy. Cao quý dữ lắm! Mà trong đạo Thiên Chúa chẳng bao giờ người ta nói: Mấy Thầy tu, mấy cha, mấy linh mục, mấy ma sơ đó chưa vợ chưa chồng biết gì về đời sống hôn phối? Dạ thưa, Chúa – đấng tôn thờ của họ có dạy về đời sống hôn phối, nên các bậc tu sĩ mang lời Chúa ra để truyền dạy lại cho giáo dân. Và dạ thưa, quý Thầy quý Sư Cô có thể là những vị đã lập gia đình rồi. Bởi trong Phật giáo được phép khi lập gia đình vẫn xuất gia khi đã viên mãn đời sống vợ chồng. Và cũng có thật nhiều các bậc tôn túc, các ni, sư, sư cô chưa lập gia đình. Nhưng hãy nhớ Phật có dạy về đời sống gia đình, Phật có dạy về giáo lý hôn phối, có nghĩa là chân lý sống trong tình nghĩa vợ chồng. Cho nên quý Thầy, quý Sư Cô mang chân lý của Phật dạy ngàn năm xưa để nhắc nhở người Phật tử nam là chồng, người Phật tử nữ là vợ, sống sao cho trọn tình trọn nghĩa đối xử bình đẳng tôn trọng, tôn kính là điều quý Thầy, quý Cô được học và truyền lại từ Phật. Dù quý Thầy, quý Cô không có gia đình nhưng hiểu thấu do cái sự quán chiếu nên chuyển lại chân lý đó. Phật tử chúng ta, Phật tử tại gia cần phải phá vỡ cái quan niệm khi quý Thầy, quý Cô chia sẻ về đời sống hôn phối, đời sống gia đình của các cư sĩ. Quý Thầy, quý Cô học và được khai sáng hiểu, biết và thấu vì chính đó là lời dạy của Phật. Chúng ta tới hỏi với quý Thầy, quý Cô về những khúc mắc để tham vấn trong đời sống vợ chồng không phải là để quý thầy, quý cô mang kinh nghiệm thực tế trao truyền, tham vấn. Thì quý thầy quý cô cũng học được lời dạy của Phật cho Phật tử ngày xưa, cho đời sống vợ chồng ngày xưa mang lại và nhắc nhở, phân tích và chia sẻ, để sự tham vấn đó ta hiểu thấu mà ứng dụng vào trong cái hoàn cảnh, trong những cái căn cơ, nhân duyên mà ta đang sống trong đời này.

Đại đa số người Phật tử thường quá cao mạn, thường hay khinh quý Thầy, quý Cô khi hướng dẫn về đời sống và trao truyền giáo lý hôn nhân cho Phật tử tại gia. Với cái quan niệm quý Thầy, quý Cô tu, không chồng không vợ, biết cái gì mà nói? Tại sao tôn giáo bạn không bao giờ nghĩ điều đó? Tôn giáo bạn, đạo Thiên Chúa rất coi trọng các Linh mục, quý Thầy dạy dỗ về giáo lý hôn phối. Một người Phật tử lấy một người chồng hoặc lấy một người vợ đạo Thiên Chúa đều phải đăng ký các lớp học về giáo lý hôn phối để sống hạnh phúc, tôn kính, bình đẳng đối với nhau. Khi tới nhà thờ được quý Thầy, quý Cha dạy họ rất hạnh phúc. Quý Thầy, quý Sư Cô cũng là những vị có học, hiểu được đời sống hôn phối qua lời dạy của Phật khi quý Phật tử tới tham vấn để xin, để thỉnh, hoặc để nghe để được hướng dẫn, để đồng cảm và chia sẻ lời dạy của Phật trong đời sống hôn phối là điều đúng. Hãy phá vỡ cái quan niệm chê bai quý Thầy, quý Cô không biết gì về hôn phối, để người Phật tử chúng ta gần gũi hơn, để được trợ sức hiểu biết, để được tham vấn và được hướng dẫn y như tôn giáo bạn của mình là người Thiên Chúa vậy. Họ luôn luôn tin tưởng quý Cha, quý Thầy, sao Phật tử không tin tưởng quý Thầy, quý Sư Cô trên con đường giúp đỡ khi những trắc trở trong cuộc đời, giữa tình nghĩa vợ chồng xảy ra?

Hãy nhớ Phật là Bậc Giác ngộ Liễu Chi Vạn pháp mọi hoàn cảnh và hiểu thấu từng cảm xúc của chúng sanh. Nhất là thấu đáo được nhìn rõ được cái cách ứng xử của vợ chồng như thế nào để sống. Bạn vừa hỏi câu hỏi đó hãy nhớ rằng hãy sống trọn vẹn với nghĩa tình của mình ngọt ngào, khéo léo, đảm đang, nhường nhịn, đối xử tốt với cha mẹ bên chồng, cô bác chú dì, anh em bên chồng, chăm sóc cho con cái, chăm sóc cho chồng hết mình, giữ tâm thanh tịnh thắp sáng sự hiểu biết của chồng. Đó là nhiệm vụ mà Phật dạy người vợ cần phải làm. Dù người chồng chưa làm được nhưng ít nhất ta làm được trọn vẹn trách nhiệm của mình. Và rồi khéo léo khơi dậy những bài học của Phật dạy về đời sống hôn phối vợ chồng, y như những bài dạy về đời sống vợ chồng của Phật ra, đặt đâu đó trong nhà cho người chồng vô tình đã đọc được. Hoặc là nghe những bài giảng về đời sống vợ chồng như vậy, bật nhẹ nhẹ, nhỏ nhỏ ở một cái khung cảnh nào đó trong bữa tối, hoặc một lúc nào đó vào ngày cuối tuần mà người chồng thư giãn, không cáu kỉnh, cáu gắt với mình, nghe thì nhất định có thể lọt vài chữ. Hoặc khéo chút xíu, dắt chồng vào sự sinh hoạt của Phật pháp, tìm những vị Thầy mà ta tin tưởng, ta có duyên tham vấn về đời sống vợ chồng thì nhất định sẽ được nghe. Mưa lâu thấm đất, nghe nhiều sẽ hiểu và hành được. Các bạn ơi! Phật dạy rất nhiều những bài học rất tinh tế cho cho mọi hoàn cảnh của người Phật tử tại gia khi gặp trắc trở. Đức Phật là nhà cố vấn tâm linh tâm lý và cố vấn cho mỗi sự sống, có thể chuyển hóa nghịch cảnh và đạt được ngay trong hiện tại một đời sống hạnh phúc và bình an.

Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con nhận biết rằng Phật luôn luôn dạy tất cả mọi loài chúng sanh và những bài học giá trị cao về đời sống hôn phối. 2500 năm xưa Phật đã chuyển dạy rồi, chúng con nguyện tìm hiểu, chúng con nguyện đọc và chúng con nguyện thực hành theo Phật dạy để đời sống cư sĩ tại gia chúng con, đời sống vợ chồng của chúng con có thể thay đổi được, biết trân quý tôn trọng yêu thương qua sự biết, hiểu và thương nhau một cách chân tình.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ bóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, sống đời an vui.

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn