Search

3166. Mẹ nằm liệt giường lâu năm, con cái chán nản than vãn, đôi khi cầu Mẹ mau đi, có bất hiếu không?

Trần Công Minh đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu các trên kênh Youtube, Facebook và các phòng Zoom.

Giờ tu tới rồi, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự đứng dậy, miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở, để thắp sáng Trí Tuệ và thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu ngõ hầu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Đặc biệt nguyện cầu cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta ngồi với tư thế phù hợp với cơ địa của mình, giữ toàn thân buông thư thả lỏng, lưng cho ngay thẳng, nhẹ nhàng, cổ cho ngay, đầu cho ngay. Chúng ta hít chậm rãi và thở chậm rãi như con rùa, khi hít vào ta phình bụng ra, khi thở ra ta hóp bụng vào, hít bằng mũi, thở bằng miệng và tổng trì mật ngôn. Chánh niệm hơi thở là đề mục để quán chiếu tâm Từ Bi. Tâm Từ Bi qua trì tụng mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu tâm Tỉnh Giác giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác quán, pháp môn vi diệu, phương tiện thiện xảo của Mẹ Hiền Quan Âm. Trong sự đồng tu chúng ta gắn kết với chư Phật, chư Bồ Tát, kích hoạt năng lượng tự thể trong sự tự lực tu tập và đón nhận tha lực năng lượng của các bậc giác ngộ vào thân tâm. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, san sẻ và lan tỏa cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu, chúng ta sẽ đi vào ngay câu hỏi của một bạn gửi về, cần thời gian để chia sẻ. Trong những ngày cuối năm này, câu hỏi này sẽ đưa chúng ta vào một sự suy nghĩ chín chắn, cần phải tư duy đúng pháp, bởi hiện tượng xảy ra khắp trên địa cầu và đặc biệt ở nơi xứ sở Việt Nam có truyền thống đạo hiếu từ ngàn năm qua. Câu hỏi bạn gửi về “Mẹ bị liệt giường đã lâu năm, con cái chán nản, phiền não, than van, đôi khi muốn cầu nguyện cho mẹ ra đi sớm để cho nhẹ nhàng, điều này có bất hiếu hay không?”

Bắt đầu buổi đồng tu hôm nay, chúng ta nghe một bài nhạc của ca nhạc sĩ Bảo Nghy sáng tác, do ca sĩ Bảo Liên trình bày, chủ đề của bài hát “Mẹ đâu rồi mẹ ơi”. Khi nghe qua trong lòng của Bảo Thành lắng xuống, biết bao nhiêu những kỷ niệm tuyệt vời của người mẹ lại trở về trong tâm thức. Mẹ của Bảo Thành đã ra đi 31 năm, trước khi mẹ ra đi vào năm 1992, mẹ của Bảo Thành đã liệt giường một thời gian dài, lúc ấy bảo Thành đang ở Mỹ rất xa, cơ hội trở về Việt Nam không có, cha lúc ấy còn sống chăm sóc cho mẹ. Ở phương xa, ở bầu trời phương ngoại những người con của mẹ và Bảo Thành luôn luôn cầu nguyện cho mẹ được bình an, luôn luôn hồi hướng tất cả mọi phước báu mình thành tựu được cho mẹ được an lạc và thọ mạng của mẹ viên mãn.

Ai trong chúng ta nếu có mẹ đang lâm bệnh, đều luôn luôn hồi hướng làm việc thiện cầu nguyện cho mẹ, cho cha. Sự khác biệt là mẹ còn mạnh khỏe hay mẹ già yếu, đặc biệt mẹ bị bệnh nằm liệt giường. Cảnh đời hiện thời rải rác ở các tỉnh vùng miền chúng ta đều được nghe có những người con, cha mẹ đông con, con cái đã tranh giành gia tài, cha mẹ bệnh thì hắt hủi, liệt giường thì muốn cho chết nhanh. Nhưng chẳng bao giờ quên chiếm phần gia tài, điều này có, rất đau lòng. Nhưng không phải hoàn toàn là những người con đối xử như vậy. Cuộc đời luôn có tốt và xấu, có thế này, có thế kia. Trả lời gọn và nhanh đúng theo lời Phật dạy, con cái dù cha hay mẹ, dưới bất cứ một tình trạng sức khỏe như thế nào, nếu khởi lên tâm ý cầu cho cha mẹ chết đi, đều phạm vào tội ngũ nghịch, bất hiếu, chấm hết, không bàn cãi, bất hiếu.

Nay nói về tình trạng liệt giường nha các bạn, đã làm lên sự suy nghĩ và thổn thức của biết bao nhiêu các đấng sinh thành trong thời đại này. Người Việt Nam chúng ta vẫn theo truyền thống sinh con đẻ cái cho nhiều, hồi xưa đó mà, để nghĩ rằng khi về tuổi già còn có con chăm sóc, lo lắng. Điều này là thiên lý, là đúng, thời cuộc đã thay đổi nhiều lắm, áp lực của cuộc sống công việc hàng ngày bất ổn, con cái thời đại ngày nay nhiều người quá căng thẳng, không còn đủ khả năng chăm sóc cho cha mẹ như thuở xưa một cách gần gũi vì công việc. Hãy nhìn vào công việc hàng ngày, bình thường thì hầu hết làm việc 6 ngày, còn một ngày cho con cái vợ chồng. Cho nên rất eo hẹp thời gian và áp lực của cuộc sống đã tạo nên sự tổn thương cho tâm lý, họ bị tổn thương tâm lý, bị tụt pin bất thường. Như hôm nay khi Bảo Thành ngồi đây mới nhớ pin nó tụt hết rồi, phải gián đoạn, pin đã cạn xin phép được mấy phút lấy dây sạc pin và sạc pin vào.

Cảm xúc và tình cảm, lòng hiếu đạo của con người đối với cha mẹ luôn có nơi mỗi một người con, đó là truyền thống đó, là đạo đức, đó là sự nuôi dưỡng, trưởng dưỡng và dạy dỗ được nối truyền và tiếp hiện muôn đời từ đời này qua đời kia. Thế nhưng sức ép của cuộc đời, hoàn cảnh đã thay đổi, những người con đôi khi đã quên sạc pin như Bảo Thành quên sạc pin ngày hôm qua. Lòng hiếu đạo bị tụt xuống, bị giảm xuống trong sự căng thẳng. Nên đôi khi, khi những người mẹ nằm liệt giường lâu năm, con cái chán nản, than vãn và khởi lên những tâm ý bất thiện. Rất may Bảo Thành nhớ mình có dây sạc pin xuống lấy dây sạc pin. Và rất may mắn cho những người con nào vẫn nhớ rằng thuở xưa mẹ mớm, mẹ nuôi, mẹ dạy, mẹ cưu mang, cho tới giờ thành người, thành nhân và lại nhớ mình còn lòng hiếu đạo mà cha mẹ gắn kết khi sinh ra ở đời, như sợi dây điện để sạc pin. Thì chúng ta liền gắn vào cội nguồn đức hạnh qua đời sống tâm linh theo tôn giáo mình học hỏi, để gắn kết với mạng mạch của trời đất, của trời Phật, của đấng mình tôn thờ. Gắn kết với tổ tiên ông bà, với đạo đức được dạy dỗ để sạc pin cảm xúc, tăng trưởng tình cảm, thấu hiểu được hiếu đạo. Trong những lúc đau khổ và chán nản, than vãn vì mẹ liệt giường, những người con trong hoàn cảnh này cần phải nhất nhất gần gũi trong đời sống tâm linh, tiếp cận với các bậc thiện tri thức, gần gũi với các bậc xuất gia để được nhắc nhở, để được cầu nguyện, để được hồi hướng cho mình đủ sức mạnh vượt qua áp lực của cuộc đời, để trả hiếu đạo chăm sóc cho mẹ.

Các bạn hãy nhớ! Mẹ là kho tàng vi diệu, dù mẹ nằm liệt giường thì kho tàng vi diệu đó, nếu mỗi một người con thấm sâu được lòng hiếu đạo, biết đào bới trong kho tàng vi diệu ấy qua những nghĩa cử thanh cao, chăm sóc cha mẹ về cơm ăn áo mặc, giặt giũ lau chùi, bằng sự tử tế, kính trọng qua ngôn ngữ, qua hành vi, qua tâm ý. Những người con như vậy sẽ có đầy đủ phước báu cho mình và truyền lại cho con cháu của mình. Một câu bất hủ mà Bảo Thành rất thích bởi quá rõ nghĩa, không ai chối cãi được.

Của dâng cho cha không bao giờ rơi vào quên lãng.

Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi.

Các bạn, áp chế cuộc đời các bạn khổ, chăm sóc cho mẹ bị nản chí, than vãn, nhiều lúc cũng cầu Phật ơi, Chúa ơi thôi hãy đưa mẹ con đi. Nhưng chắc chắn các bạn cầu với tâm ý là nhìn thấy mẹ đau khổ quá, cầu cho mẹ sớm được cất đi, được ra đi, được viên mãn cuộc đời, để mẹ bớt khổ. Rất hiếm những người con cầu cho mẹ chết với tâm ý ác độc, hiếm lắm, hiếm. Nhưng chúng ta hãy nhớ mình cầu nguyện cho mẹ thọ mạng viên chung, thọ mạng tới ngày giờ tới thì nhẹ nhàng ra đi. Đó là sự cầu nguyện tốt, nhưng với tâm ý muốn cho mẹ chết sớm, muốn cho mẹ chết sớm để được nhẹ nhàng, thì đó là bất hiếu. Mỗi khi trong áp lực của cuộc sống dồn ép bạn vào chân tường, khởi lên suy nghĩ đen tối như vậy, bạn hãy chạy tới với các bậc xuất gia, thiện tri thức. Hãy tới với những bậc lãnh đạo tôn giáo của bạn, xin sự cố vấn, cầu nguyện, gia trì, nâng đỡ để bạn vượt qua những tâm ý đen tối, bất hiếu kia.

Nhìn vào cuộc sống hiện tại, nhiều bạn trẻ bị rơi vào tình cảnh này, nhiều các đấng sinh thành vẫn còn khỏe, nghe và nhìn thấy trên tivi, trên báo chí, trên YouTube, trên Facebook, trên các trang mạng, hình ảnh con cái đánh đập cha mẹ, bỏ rơi cha mẹ, hắt hủi cha mẹ khi mẹ nằm liệt trên giường, hoặc ngay cả còn sống mà tuổi đã lớn, chiếm cứ nhà cửa rồi đuổi đi. Và thấy được ngày nay con cái lao động và đi làm việc xa nhà, chẳng còn như thời nông nghiệp xưa mà con cái vẫn quấn quýt bên nhà. Các bậc cha mẹ đã thay đổi sự suy nghĩ, vẫn mong muốn con cái ở gần khi tuổi lớn, chăm sóc khi bệnh hoạn. Điều đó là sự tất yếu, đạo đức làm người không chối cãi được đâu, ai cũng có và nên đón nhận. Thế nhưng xã hội hiện thời tại Việt Nam khác biệt. Ở nước ngoài dù muốn hay không nơi Bảo Thành sinh sống, có những trung tâm dưỡng lão của nhà nước và trung tâm dưỡng lão của tư nhân, được chia ra nhiều cấp độ. Những trung tâm dưỡng lão hạng sang cho người có tiền, trung tâm dưỡng lão hạng vừa cho người có vừa tiền và trung tâm dưỡng lão cho hạng bình dân cho người ít tiền.

Người phương Tây đã quen và biết rằng khi lớn lên độ 18 tuổi trở đi, con cái trưởng thành sống độc lập, tách rời khỏi cha mẹ. Do vậy mà họ luôn luôn sẵn tâm lý khi lớn tuổi, nếu còn chăm sóc được cho bản thân họ sẽ di dời vào những trung tâm dưỡng lão, sống độc lập trong những ngôi nhà hoặc những phòng riêng tự chăm sóc. Còn nếu như họ không thể chăm sóc cho bản thân, đi đứng, lái xe được nữa, họ sẵn sàng vào những trung tâm dưỡng lão tùy theo cấp độ khả năng tiền tài của họ. Họ luôn luôn dành dụm tiền tài và họ có chế độ của nhà nước ưu đãi khi đóng thuế, nên được sắp đặt vào các trung tâm dưỡng lão. Vẫn biết trong những trung tâm dưỡng lão đó, các bậc cha mẹ nếu nặng về tình cảm mong cầu con cái tới thăm, sự bận rộn khó tới của con cái sẽ làm cho phiền. Nhưng sự nhung nhớ phiền não đó sẽ được bù đắp bởi có rất nhiều những người đồng cảnh, đồng dạng với mình và luôn luôn có những phái đoàn từ thiện, cũng như các tôn giáo vào thăm, ít nhiều gì sự sinh hoạt với các bạn đồng lứa tuổi, cùng hoàn cảnh với mình họ cũng tìm được chút niềm vui trong tuổi già khi về hưu, hoặc khi bệnh hoạn trong các trung tâm này.

Ở Việt Nam chưa có, các trung tâm dưỡng lão không có, con cái bỏ rơi cha mẹ là chuyện rất thường, hắt hủi cha mẹ và muốn cho cha mẹ chết sớm. Trong những nghịch cảnh tang thương đó là chuyện rất thường, nhưng nói lên một tệ nạn về đạo đức và một tình cảnh chưa có sự sắp xếp, ưu đãi, quan tâm nơi mình sinh ra của những người có quyền lực. Chúng ta hồi hướng công đức để mỗi người trên thế giới này, mỗi quốc gia trên thế giới này thấy sự khác biệt và tiến bộ, học hỏi và nâng tầm sinh hoạt, ưu ái chăm sóc cho người dân của mình để có được sự ích lợi cho những đấng bậc sinh thành khi lớn tuổi.

Bảo thành và các bạn đã từng đi tới những trung tâm dưỡng lão của các ma sơ, của quý Thầy, quý chùa. Các trung tâm này hầu hết là tự lập và tình nguyện chăm sóc, còn các trung tâm của nhà nước hình như chưa thấy. Nơi trung tâm mà Bảo Thành và các bạn từng đi, các ma sơ tình nguyện chăm sóc cho các đấng bậc sinh thành, chùa chiền có các Thầy, quý Sư Cô. Không nói vì hoàn cảnh nào, chỉ biết rằng trong sự khó khăn, các trung tâm dưỡng lão tình thương đó đã tiếp nhận các đấng bậc sinh thành, nuôi dưỡng cho tới hơi thở cuối cùng. Cũng là một phần an ủi bởi những nơi trung tâm này, ngoài sự chăm sóc về ăn uống, về một đời sống đơn giản còn được nâng cấp tinh thần thật cao nơi tôn giáo mà trung tâm đó thực hiện. Có những trung tâm do các ma sơ nhưng vẫn để cho các bác, cha mẹ lớn tuổi thuộc tôn giáo khác tôn thờ các đấng mình tôn thờ. Có những trung tâm mà các đấng bậc sinh thành vào trong đó vẫn được phép tôn thờ và đi theo tôn giáo mình theo. Ngày nay đã không còn cứng ngắc, truyền đạo, truyền giáo và cải đạo cho các đấng bậc đã lớn tuổi rơi vào tình cảnh cần sự giúp đỡ của các trung tâm.

Các bạn! Mẹ là tất cả cuộc đời và nếu là giới trẻ ngày nay, nhìn thấy tình cảnh cuộc đời đã thay đổi, cuộc sống đã thay đổi, chúng ta nhất định phải nỗ lực giúp đỡ các trung tâm dưỡng lão hoặc là nếu các bạn trẻ có tài, có đức tham gia vào chính quyền. Hãy tham gia vào các tổ chức có được cái lực để xây dựng các trung tâm dưỡng lão cho các cha mẹ, khi về tuổi già hoặc bệnh hoạn liệt giường, mà nơi ấy có thể là những trung tâm từ thiện hoàn toàn miễn phí cho nhiều người giúp đỡ, hoặc là trung tâm phải trả tiền phù hợp. Có thể thành lập các trung tâm dưỡng lão, hạng sang cho những người giàu, hạng vừa cho những người có tiền, hạng bình dân cho những người ít tiền và từ thiện cho những người không có tiền. Bốn cấp độ như vậy nếu được xây dựng ở Việt Nam chúng ta các tỉnh thành, thì nhất định các đấng sinh thành sẽ sẵn sàng hoan hỉ và hạnh phúc vào những trung tâm này, để sống chung với những bậc lớn tuổi khác khi con cái gặp áp lực của cuộc sống, hoàn cảnh không thể chăm sóc cho mình khi còn khỏe cũng như khi bệnh hoạn. Xã hội đã thay đổi, cách sống đã trở mình, nhìn sơ sơ thì trung tâm dưỡng lão như là nơi đau khổ, nhưng nhìn thấu chính là sự chuyển tiếp của cuộc sống từ thế hệ này qua thế hệ sau. Khi thời cuộc đã đổi thay mà lòng hiếu đạo của con người chưa thay đổi, phương tiện chăm sóc có khác mà tình thương vẫn còn giữ trọn vẹn.

Đây là giải pháp ưu tú mà những bạn trẻ cần phải nỗ lực, tích cực xây dựng để góp sức vào xây dựng một hệ thống trung tâm dưỡng lão tùy theo nhân duyên. Tốt nhất là phải tác động vào sự sinh hoạt của xã hội, tác động vào sự suy nghĩ của những người có quyền và tác động vào cho tất cả các đấng bậc cha mẹ theo những phương tiện thiện xảo nhẹ nhàng, ái ngữ yêu thương, để các đấng bậc hiểu thấu mà chuẩn bị cho mình một con đường nếu như bị như thế. Có những đấng bậc sinh thành khi về già hoặc bị liệt giường, thấy con cái khổ sở muốn chết sớm để cho nhẹ nhàng con cái. Các bạn, dù là cha mẹ muốn chết sớm, dù là chúng ta muốn cha mẹ chết sớm trong những nghịch cảnh đau thương đó đều có tội. Tội là chúng ta hủy hoại thân xác của mẹ cha hoặc là hủy hoại thân xác của chính mình, trong khi thân xác này, cuộc đời này dù dưới bất cứ một phương tiện khỏe hoặc là yếu, vẫn còn là phương tiện vi diệu để tâm ta tu luyện. Trong những hoàn cảnh liệt giường như thế, các đấng bậc sinh thành nếu bình tĩnh lại sẽ mang trí tuệ, sự tỉnh giác và yêu thương để nhìn thấu được ý nghĩa của sự vô thường, Thành – Trụ – Hoại – Diệt, Sinh – Lão – Bệnh – Tử, mà tăng trưởng phước báu và công đức cho sự chuyển tiếp luân hồi trong những bước tới.

Còn đặc biệt đối với các con cái, nhìn cha mẹ bị nằm liệt giường lấy đó để thắp sáng trí tuệ, xây dựng lòng hiếu đạo bền vững trong sự chăm sóc cho cha hoặc cho mẹ. Hãy nhớ của dâng cho cha không bao giờ rơi vào quên lãng và của biếu cho mẹ đền bù hết mọi nghiệp chướng tội lỗi của chúng ta. Cha mẹ là kho tàng vi diệu, là kho vàng bạc châu báu ngọc ngà của đức hạnh. Dù dưới bất cứ một sự áp lực cuộc sống, nghịch cảnh nào của cuộc đời, bạn hãy nhớ đừng bao giờ bỏ rơi kho tàng ấy. Khi bỏ rơi kho tàng ấy bạn đã hủy hoại cuộc đời của bạn, bạn tạo nghiệp vô số và con cái của bạn, vợ chồng của bạn, gia đình của bạn sẽ gánh chịu nghiệp quả đó, khó mà chuyển hóa. Hãy mau mau và ngay ngay sám hối nếu khởi lên những tư tưởng như vậy. Đối với những người con trong hoàn cảnh như thế, sám hối giúp cho chúng ta nhận ra điều đó là sai, chấm dứt và hãy mau mau tiếp cận với các bậc lãnh đạo tinh thần trong tôn giáo của mình, các bậc thiện tri thức, những người có trí tuệ, thiện đức để được dắt dìu, hướng dẫn và được nâng đỡ để khởi lên những niệm lành, có suy nghĩ đúng để bảo vệ kho tàng trân quý của cuộc đời bạn đang có đó chính là cha và mẹ. Hãy dùng hết trí khôn, hết sức lực, hết tài vật để chăm sóc cho cha mẹ khi cha mẹ lớn tuổi về già hoặc khi cha mẹ lâm bệnh liệt giường nằm đó lâu năm. Phải suy nghĩ nhiều lắm các bạn ơi, chúng ta cần phải suy nghĩ trong chánh tư duy, trong chánh kiến một cách chín chắn để sống đời an vui và hạnh phúc. Dâng biếu cho cha mẹ là những nghĩa cử thanh cao, mà những nghĩa cử dâng biếu, chăm sóc cho cha mẹ được chư Phật, chư Bồ Tát tán thán, được trời đất chúc mừng, được các bậc thần thánh kề cận nâng đỡ ta.

Trong mùa Noel này, Bảo Thành có một số người quen và Phật tử, đệ tử thường đi tới giúp đỡ cho những người kém may mắn tức là những người ăn xin – homeless, tặng quần áo ấm, đồ ăn, những món quà đơn sơ nhưng thể hiện chân tình, sự quan tâm và sự quan tâm chân tình đó khi người ta đón nhận, người ta biết tri ân. Những ngày cuối năm có đến 3 ngày lễ thật lớn đối với người Việt Nam, lễ Noel, tết tây và Tết Việt Nam. Dương lịch và âm lịch 2 cái Tết này, Noel tới hãy luôn luôn nghĩ về cha mẹ và hãy suy nghĩ chín chắn hơn để giữ vững lập trường, suy nghĩ của mình trong đạo hiếu. Chúng ta cũng đừng bao giờ quên hồi hướng công đức và cầu nguyện cho tất cả các bạn khác, những người làm con đang ở trong tình cảnh cha mẹ bệnh lâu năm liệt giường. Hồi hướng và cầu nguyện cho các bạn ấy có sức mạnh, có trí tuệ để luôn nghĩ chuẩn mực trong đạo hiếu, chăm sóc cho cha mẹ của mình.

Nếu như không thể chăm sóc được bởi cuộc sống, thì ít nhất mấy bạn đó cũng giữ được tinh thần dõng mãnh, tìm tới những nơi giúp đỡ như các trung tâm dưỡng lão, từ thiện, gửi cha mẹ vào trong đó nhờ các ma sơ, các thầy, các sư cô chăm sóc và giúp đỡ các trung tâm đó một phần nhỏ tịnh tài theo khả năng của mình. Điều này vẫn rất tốt đẹp hơn là bỏ rơi hoặc là sỉ vả, hành hạ, hoặc là cầu cho cha mẹ mau chết. Đây là một giải pháp tích cực và phù hợp trong hiện thời, không nhiều những trung tâm dưỡng lão, nhưng vẫn còn những trung tâm dưỡng lão của các ma sơ, các thầy, các cô, sẵn sàng chăm sóc. Nhưng rất cần sự giúp đỡ của các bạn đấy chứ không phải mang vào quẳng cha mẹ ở đó rồi quên suốt cuộc đời. Nhớ cha mẹ là kho tàng chúng ta gửi, chứ không quăng. Ta gửi gắm ở nơi đó chứ không bỏ rơi, tới thăm cha mẹ vào những dịp có thể, luôn luôn đóng góp một cách tích cực, phù hợp về tiền bạc cho các trung tâm này, để các ma sơ, các thầy, các cô có khả năng để chăm sóc cho cha mẹ của mình cho tới mãn đời.

Khi cha mẹ liệt giường mà con cái cầu cho cha mẹ chết sớm, mau chết đó chính là sự bất hiếu, là tội đồ, phạm vào tội ngũ nghịch. Mạng con người rất trân quý, luôn luôn cầu và hồi hướng cho tới hơi thở cuối cùng. Bởi chỉ còn một hơi thở, vẫn còn sự tỉnh giác, nhất định là kho báu vô cùng cho những người con có thể tiếp cận mà lãnh nhận. Biếu cho cha tặng cho mẹ chính là nhận lại tất cả những điều cao quý nhất của trời Phật ban tặng cho bạn. Rất khó để nói tới, rất khó để bàn, mỗi hoàn cảnh mỗi khác, nhưng nhất định không vì hoàn cảnh, vì áp lực mà chúng ta phạm tội bất hiếu. Ngoại trừ trường hợp mà cha mẹ nằm liệt, não bộ đã chết, bác sĩ khẳng định rằng đã chết, chỉ còn máy trợ hơi thở thổi vào mà thôi. Biết chắc đã chết do sự khám nghiệm của các bác sĩ, cái thở và nhịp đập kia chẳng qua là mấy trợ lực, não bộ đã chết rồi. Nếu như cha mẹ còn trẻ hoặc người thân còn trẻ thì con cái có thể họp lại hiến nội tạng, trong trường hợp này hiến nội tạng rất tốt để cứu được biết bao nhiêu mạng người, có những người hiến nội tạng cứu được 5, 6, 7, 8, 9 người. Nếu cha mẹ quá già và liệt giường quá lâu, nay não bộ đã chết, cái được gọi là sống kia chỉ là hơi thở của máy, ta có thể mời các bậc lãnh đạo trong tôn giáo mình tin theo, cầu siêu, cầu nguyện và can đảm dũng cảm theo lời của bác sĩ, rút dây máy thở để thân xác của cha mẹ được nghỉ ngơi ngàn thu trong vòng tay yêu thương của chính mình và sự cầu nguyện của các đấng bậc thiêng liêng tu hành trong tôn giáo mình theo.

Mô Phật! Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Do nghiệp duyên mà mỗi người chúng con có một hoàn cảnh khác biệt phải đương đầu trong cuộc sống, dù ở hoàn cảnh nào đi nữa xin Phật và Bồ Tát gia trì cho chúng con giữ được lòng hiếu đạo. Chúng con nguyện hồi hướng và cầu nguyện cho tất cả các phận người làm con, đang đương đầu với nghịch cảnh là cha mẹ bệnh hoạn liệt giường, có đầy đủ đức tin, có đầy đủ trí tuệ, tình thương và tỉnh giác, để làm trọn vẹn lòng hiếu đạo của mình mà phụng dưỡng cha mẹ theo những phương tiện và phương pháp có thể.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn