Search

Xung Khắc – Khắc Khẩu

Thiện Chí đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Báo Thành kính chào các bạn đang theo dõi trên kênh YouTube thiền mật tông Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, trong cuộc sống của chúng ta, sự ghen tuông tạo nên hận thù. Và những tánh khí ghen tuông hận thù đó, do sự dồn nén nhiều đời trong kiếp này hoặc kiếp trước mà chúng ta có thể sanh tâm sát để bắt hại mọi người.

Cũng trở về thật là nhanh với câu chuyện của Đức Phật. Đức Phật là Phật, là Thế Tôn, là bậc giác ngộ. Ngài có một người anh em bà con là ông Đề Bà Đạt Đa. Ông Đề Bà Đạt Đa này cũng theo Phật, cũng học Phật, cũng là đệ tử của Phật. Ông Đề Bà Đạt Đa này là anh em bà con gần với Phật nhưng ghen với Phật, ghét Phật. Đó cũng là nghiệp của Phật và của ông ta. Dù rằng là nghiệp chướng, nhưng nay Phật đã thành Phật, Phật quán chiếu thấy đó nhưng ông kia không có thấy, ghen ghét Phật dữ lắm, có nhiều tạo tác hành động muốn bách hại Phật trong nhiều lần. Nhưng có một lần ông ta, ông Đề Bà Đạt Đa đã trốn ở trên núi và thả tảng đá ở trên núi xuống, canh Phật đi ngang qua, thả đá xuống để đá đè lên Phật cho Phật chết đi. Nhưng do Phật là Phật, phước báu nhiều và Phật chẳng chấp với nghiệp thức của người anh em đó, nên tảng đá chỉ lăn xuống qua chân làm chảy máu bàn chân của Phật. Phật chẳng oán giận ông Đề Bà Đạt Đa nhưng mà theo kinh thì ông ta cũng té xuống từ cái sườn núi đó, rồi ông ta mạng chung. Phật tới tha thứ cho ông ta, Phật không chấp, nhưng khi ông ta ra đi, cái nghiệp của ông ta đã kéo ông ta luân hồi vào địa ngục.

Các bạn, trong cuộc sống, mình không nói rộng trong xã hội, nói thật nhỏ trong mối tương quan của gia đình. Dưới sự tương quan của anh chị em trong gia đình, làm cho cha mẹ đau lòng vô cùng bởi anh chị em trong cùng một gia đình không hiểu được tình yêu thương của cha mẹ, cứ ganh ghét nhau. Người thì nói cha mẹ yêu thương đứa nhỏ, đứa út nhiều. Út lại nói cha mẹ yêu thương anh chị lớn nhiều, rồi cứ lớn lên trong một gia đình mà có tánh ghen tị như vậy, anh em chẳng thuận, chẳng hòa, bon chen, đấu đá sớm chiều.

Các bạn thấy không? Thấy cứ đấu đá sớm chiều vậy thôi, mệt lắm, cha mẹ buồn. Nhưng ý thức sống được và thông cảm với nhau không có, nếu mà đổ lỗi cho nghiệp thì là đúng bởi nghiệp nên mới sinh ra điều đó. Nhưng Đức Phật đã nói: Ta có thể làm chủ được dòng nghiệp thức của mình. Ông Đề Bà Đạt Đa có nghiệp với Phật đó, bách hại Phật, Phật nhìn thấy nhưng Phật đã là Phật, làm chủ được nghiệp thức của mình nên chứng đắc quả Phật, chẳng oán trách, sẵn sàng nhún nhường, tha thứ, yêu thương, lấy lòng từ bi để hóa độ ông Đề Bà Đạt Đa. Còn chúng ta trong một gia đình là con của cha, của mẹ, nếu chúng ta nhìn thấy sự đau lòng của cha mẹ, đau khổ của cha mẹ khi nhìn xuống con cái bất hòa, cãi, bon chen, ghen tuông, giận hờn, bách hại nhau, làm bậc cha mẹ sẽ khổ lắm.

Các bạn thân mến! Gợi ý như vậy để thấy rằng người xưa nói nước mắt chảy xuống, chảy xuôi xuống, chứ không chảy ngược. Tình thương yêu của cha mẹ như trời như bể, nhưng tình yêu thương của con cái đối với nhau cũng khó có thể hài hòa. Chúng ta hãy cố gắng tu, bởi vì lời nói tha thứ và sống hòa hợp với nhau thì dễ, nhưng để sống thật sự thì thật là khó. Nếu Đức Phật chưa giác ngộ thì có lẽ Đức Phật cũng khó có thể mỉm cười khi nhìn thấy người anh em họ của mình thả cục đá từ trên đỉnh núi xuống để đè bẹp mình, làm mình chảy máu. Và nếu như mỗi người chúng ta không tu, thì thật là khó để chúng ta có thể vui vẻ cười và sống hòa hợp với những người anh chị em đang bon chen, ghen tuông, thậm chí đang bách hại đến mạng sống của chúng ta.

Đức Phật biết thật là rõ ông Đề Bà Đạt Đa tìm cách bách hại và giết Phật, nhưng từng bước chân trong chánh niệm của hơi thở, từng bước chân trong chánh niệm hơi thở đó, nguồn an lạc tự tánh của Phật lan tỏa, lan tỏa đến mức mà ông Đề Bà Đạt Đa cũng trong hơi thở cuối cùng ra đi đã sám hối cùng với Phật là người anh em mình vì những lỗi lầm. Biết là đã sám hối nhưng cái nghiệp mà làm cho Phật chảy máu đó rất là nặng, đó là một trong những tội ngỗ nghịch.
Các bạn ơi, nếu giữa tình huynh đệ, anh chị em mà các bạn làm cho nhau nhỏ lệ, mà làm cho nhau đau khổ, tranh chấp, ghen ghét, hận thù, đánh đập, chửi bới, chia rẽ, thì chúng ta đã làm cho cha mẹ đau khổ, là chúng ta đã giết cha mẹ của mình bằng đời sống bất hòa giữa anh em. Một trong các tội ngỗ nghịch là bất hiếu với cha mẹ. Chúng ta vẫn tốt với cha mẹ đó, nhưng mà chúng ta lại không thể đối xử tốt với anh chị em trong nhà, chia rẽ như vậy làm cho cha mẹ đau lòng, làm cho trái tim của cha mẹ chảy máu và khô cạn hết. Ngày qua tháng lại khóe mắt của cha mẹ khô dần theo năm tháng và hơi thở cũng cạn kiệt dần, để rồi phải chết khô theo năm tháng của thời gian nhìn thấy con cái của mình sống không hòa hợp. Một trong những tội ngỗ nghịch, tội đó sẽ bị đọa vào địa ngục.

Các bạn, không hẳn ta muốn như vậy, nghiệp nó kéo. Nhưng vẫn có thiện pháp của Phật dạy để chúng ta chuyển cái nghiệp này, để cắt đứt nó, để nó không kéo chúng ta nữa. Nếu biết được cuộc sống giữa anh em không hòa thuận là do nghiệp, là do sự khác biệt, sự ganh tị của nghiệp thức nó dẫn, nay nghe được giáo pháp của Như Lai sẽ giúp cho chúng ta làm chủ được dòng nghiệp thức đó, sẽ giúp cho chúng ta chiến thắng để đi tới sự hòa hợp yêu thương. Để cho Cha Mẹ được an vui, để mỗi người trong anh chị em của gia đình đó sẽ sẵn sàng dấn thân vì cha, vì mẹ, vì cái hiếu đạo trong cuộc đời mà đối xử với nhau trong tình nghĩa huynh đệ, tỷ muội, anh chị em thân và hợp, thương và tha thứ. Chỉ có cần điều đó thôi là đã gọi là báo hiếu với cha mẹ.

Có những bậc cha mẹ hằng đêm đã khóc than bởi các con của cha mẹ chẳng thể sống chung với nhau, gặp đối đầu là chửi bới, ghen tuông, chê bai, giận hờn. Có những bậc cha mẹ đã khóc thâu đêm vì đau khổ khi nhìn thấy con cái không thuận hòa, chẳng hòa hợp, đứa đằng đông, kẻ đằng tây, cha mẹ ở giữa đau lòng, đau lòng.

Các bạn ơi, ta là phận làm con thương cha, thương mẹ. Có thể các bạn không thể phụng dưỡng cha mẹ về vật chất, nhưng ít nhất cũng nên sống hòa hợp, thương yêu, để cha mẹ hết đau lòng, hoặc chẳng vì ta mà đau khổ suốt đêm trường. Vì ta cãi nhau mà màn đêm buông xuống cha mẹ khóc than ta nào có nghe được, ta nào có nghe thấu.

Thâu canh mẹ khóc đêm trường
Con ơi sao nỡ cứ hờn giận nhau.

Các bạn, đã là anh chị em, chúng ta thật là khó sống hòa hợp, bởi mỗi người mỗi tính, như câu nói cha mẹ sinh con trời sinh tánh. Trời sinh tánh tức là biệt nghiệp của chúng ta sinh ra chúng ta với tánh tình khác biệt. Có người thì nói không hợp khẩu, không hợp ý, chúng ta cứ đổ lỗi không hợp để tới là kình, là chống, là chửi. Sao chúng ta không nói chúng ta hợp cùng với cha mẹ, chúng ta hợp cùng với ý thiện, chúng ta hợp cùng với lời giáo huấn của Phật để làm chủ.

Sự gợi ý hôm nay là để sống trọn vẹn trong gia đình, nếu như ta có nhân duyên mà sinh ra làm anh chị em, do cha mẹ tạo ra, thì phận làm con dù là em hay là chị, là em hay là anh, thì trong tình anh em, chị em đó, chúng ta cố gắng nghe lời của Đức Phật, đừng đổ thừa cho cái bói quẻ của thế gian rồi đi coi bói, đi coi tướng, để thầy bói, thầy tướng nói à anh chị em không hợp tuổi, không hợp khẩu, không hợp này, không hợp kia, rồi cứ vịn vào đó mà cãi, vịn vào đó mà chống, mà kình, chẳng mà chẳng nghe theo lời của Đức Phật nói. Ta làm chủ thân phận của ta. Ta làm chủ cái tánh thiện của ta để ngừng tạo nghiệp. Và ta làm chủ sự hòa hợp trong cái tâm tha thứ, khoan dung, trong tình yêu.

Hãy nghe theo Phật mà nuôi dưỡng tình yêu của mình. Hãy nghe theo Phật để nuôi dưỡng tánh thiện, lòng yêu thương, lấy nguồn Từ Bi của Chư Phật tưới tẩm vào yêu thương, lấy hơi thở chánh niệm để tưới tẩm vào yêu thương. Và lấy yêu thương đó để đối xử với nhau, tha thứ, bởi ta cùng là con của cha của mẹ. Tha thứ để sống thiện bởi ta cùng là con của Phật. Đừng nghe những vị ở bên ngoài bói tướng, bói quẻ, ôi thì bói chữ, bói bài nói khắc khẩu, khắc này, khắc kia, mà chúng ta hãy nghe tiếng nói tự tâm thiện mà khắc nên bức tường tâm thức của ta, một lời duy nhất đó gọi là yêu. Khắc chữ yêu lên thềm tâm thức thì chẳng còn khắc khẩu, khắc thân, khắc mạng, khắc số nữa các bạn ơi. Khắc lên thềm tâm thức chữ yêu mà Phật đã dạy, chữ từ bi mà Phật đã khai thị, thì chẳng còn khắc khẩu, khắc thân, khắc ý, khắc mạng, khắc tuổi, khắc, khắc, khắc…

Các bạn nhớ không? Không còn gì gọi là khắc hết, mà chỉ còn khắc sâu vào tâm khảm chữ Yêu Thương, chữ Từ Bi, chữ Niệm Thiện, thì cuộc sống sẽ tràn đầy an vui, cha mẹ sẽ không sầu muộn, đau khổ và trong những giấc mộng của đêm trường, cha mẹ sẽ mỉm cười hạnh phúc. Và các con của cha mẹ không cần biết lớn nhỏ, luôn sống hòa thuận và yêu thương, chẳng xung khắc mà hợp nhất trong tâm thiện yêu thương.

Cám ơn các bạn theo dõi.

Xin các bạn hãy đăng nhập và giới thiệu cho những người khác đăng nhập vào kênh YouTube thiền Thất Bảo Huyền Môn để chúng ta có cơ hội gặp gỡ nhau, gợi ý nhau sống với những ý tưởng tốt đẹp. Cám ơn các bạn

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts