Search

Ước Sống Bình Thường

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký

Con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn

Các bạn, có thật nhiều những câu chuyện về những điều ước. Nào là ba điều ước của Tiên của Thần của Thánh ban cho, nào là viên ngọc ước. Đúng, những câu chuyện này vẫn rải rác trong dân gian và ai trong chúng ta cũng đọc. Nghe thì cũng rất bình thường thôi, đọc để mà vui, đọc để cười. Nhưng thực ra, Bảo Thành và các bạn, chúng ta cũng có những điều ước thầm kín ở trong lòng. Có người đương đầu với cảnh khổ thì thầm nguyện ước sao cho sung sướng, có người làm ra tiền, giàu lắm, có nhiều tiền, vẫn thầm ước sao có nhiều hơn. Rồi là thân phận học trò, chúng ta cũng thầm ước thi cho được điểm cao và đỗ vào các trường đại học danh tiếng. Khi lập gia đình lại mơ ước rằng chúng ta lấy được chồng, được vợ như ý. Khi sanh con lại bắt đầu ước con cái học thành tài như ta như vầy như kia. Hình như trong kiếp nhân sinh này, ai trong chúng ta cũng nuôi dưỡng điều ước thầm kín, nói ra thấy nó kỳ, nhưng thật sự Bảo Thành và các bạn luôn luôn có những điều ước. Điều ước rất thực tế, sai đúng ta không bàn tới, có tội hay tạo nghiệp hay không ta không có bàn. Để đi vào câu chuyện, chắc có lẽ các bạn cũng có thể phỏng đoán. Nhưng câu chuyện cũng là những điều ước đó, khác chút xíu để chúng ta tư duy về cảnh sống của gia đình trong tình nghĩa vợ chồng nghe các bạn.

Có hai vợ chồng thực sự cũng nghèo. Người vợ thường ở nhà nấu nướng phục vụ cho chồng đi ra đồng làm việc. Cánh đồng của tổ tiên truyền lại nhiều đời cày cấy. Nhưng nghề nông mà, khổ cực vô cùng. Ông chồng đi cày đi cấy như vậy mệt lắm, nhưng khi về nhà vợ cứ cằn nhằn chửi bới, nói này nói kia chẳng êm tai chút nào. Cho nên người chồng cứ càng ngày cày đã mệt, làm đã mệt lại chất chồng những lời dằn vặt, rồi thôi nào nói thêm nói bớt. Bực mình quá, bực mình! Trong lòng khó chịu cho nên cảm thấy buồn phiền. Rồi ông ta cứ đi lang thang chẳng muốn về, đi ra ruộng xong chờ tới tối khuya mới về. Chứ còn về sớm quá vợ cứ cằn nhằn lại mệt, mệt lắm. Phụ nữ mà, ở trong bếp khi cằn nhằn rồi thì không có đàn ông nào chịu nổi đâu. Cho nên ông ta buồn, đi lang thang và cứ mê mẩn ở trong đầu ước gì ước gì…. Những điều ước của ông ta không biết là ước điều gì? Nhưng ông ta ước, có nhiều điều ước…, và rồi cuối cùng có một bà tiên hiện ra. Thấy được tâm trạng của người nông này và cho ông ta 3 điều ước. Anh ta sướng lắm, hạnh phúc lắm bởi vì mình được 3 điều ước -ước gì được đó. Anh ta cám ơn bà tiên và đi về. Khi đi về tới nhà, hôm nay về sớm, không trốn tránh về tối nữa bởi được 3 điều ước của bà tiên rồi, vừa bước vào vợ thấy là cằn nhằn ngay “Hôm nay sao mà về sớm vậy, đi từ sáng tới trưa rồi mà không được chút gạo chút lúa nào về đây để nấu mà còn vác mặt về đây làm chi nữa?” Bà vợ cho một tràng pháo như vậy, rần rần rần rần, ui chu cha nổ hết phương Đông phương Tây phương Bắc. Chồng nghe nhức đầu nhức đầu chịu không nổi, chịu không nổi nữa. Người vợ lại càng tức chửi người chồng “Đó, cả cuộc đời, nhìn mũi kìa dài lòng thòng như vậy chẳng làm được tích sự gì đâu”. Chồng buồn, mà thực ra cái mũi của ông chồng cũng dài, dài hơn người bình thường nên bà vợ cứ nhìn thấy cái mũi là chửi. Chồng buồn bực quá, bị dồn dập do vợ cứ cằn nhằn cằn nhằn. Bực mình quá, ông ta phát ra một lời ước “Ước gì cái mũi bự như nhà bếp, choán hết nhà bếp cho bà vợ sợ luôn”. Nhưng mà nó hiện hình, Trời ơi! Cái mũi nó bự bằng cái nhà bếp, nó lấn cả bà vợ văng ra khỏi bếp sợ hãi. Người vợ kinh hoảng sợ hãi sao cái mũi của người chồng bự như thế. Người chồng lúc này mới nhận ra mình đã ước cái mũi bự như cái nhà bếp rồi thì hối lỗi vô cùng. Trời ơi chật trội đi không được, vợ cũng không thể ở trong bếp nên vội vàng ước sao cho cái mũi nó biến mất. Nhưng trong sự vội vàng ước như vậy, cái mũi nó biến mất thì không còn mũi nữa. Thấy kinh hoàng vô cùng, mũi không còn nữa, vợ nhìn thấy sợ la hoảng lên “Cướp!”. Cuối cùng ông ta chợt nhận ra rằng vẫn còn 1 điều ước, ông ta ước rằng có cái mũi bình thường và trở lại sinh hoạt bình thường để sẵn sàng vẫn nghe sự càm ràm của người vợ yêu. Thế là ông ta được thực hiện lời ước thứ 3, trở lại bình thường học hạnh lắng nghe sự càm ràm của vợ. Vậy mà vợ chồng sống với nhau hạnh phúc cho tới cuối cuộc đời. Vẫn buổi sáng đi làm, trưa đi về chẳng trốn tránh, vẫn tai nghe sự càm ràm của vợ hàng ngày hàng giờ. Vậy mà cả cuộc đời vẫn sống chung và đồng hành như tình nghĩa vợ chồng – chồng đi làm, vợ ở nhà nấu cơm, dù có càm ràm nhưng vẫn là tình nghĩa của vợ chồng. Các bạn thân mến, 3 điều ước của vị nông dân kia rất bình thường và điều ước cao quý nhất là hãy trở lại một đời sống bình thường theo nhân duyên. Thói đời ngày nay khi vợ càm ràm thì người chồng bỏ đi ra ngoài và dần dần sa ngã vào đường tội lỗi, gia đình ly tán, ly dị, ly thân và ngược lại, nếu người chồng cũng như vậy thì người vợ cũng sẽ bỏ đi. Chúng ta không còn có hạnh sống chung, đón nhận cá tánh của một con người đã quen thuộc với những điều họ thường sinh hoạt và rồi chỉ cần không hài lòng là có thể bỏ đi mơ ước. Khi những mơ ước bất chợt hiện hình, ta bắt đầu có cái tâm phản bội lại tình yêu thương. Anh nông dân này chỉ mơ ước sao để có điều thay đổi được cuộc sống mà chắc có lẽ trong những điều thầm kín mơ ước, anh ta cũng mơ thoát ra được cảnh sống này. Nhưng chỉ trong những lúc quá ngao ngán với cuộc đời và sự biến đổi quá nhanh, ước mơ thay vì xây dựng một nếp sống tốt đẹp của gia đình lại chỉ là ước mơ để rửa hận rửa thù đối với vợ. Cho nên, vẫn còn phước báu là ước mơ cuối cùng là trở lại cuộc sống bình thuờng. Các bạn, trong cuộc sống ngày hôm nay, ước mơ cao cả nhất vẫn là ước vọng của mỗi người sống bình thường như chính mình để lan tỏa tình yêu thương của gia đình. Nên phẩm giá thanh cao là chấp nhận cá tính của nhau để san sẻ để giữ cho tình nghĩa giữa vợ và chồng, giữ cho gia đình được êm ấm, để ngõ hầu con cái của chúng ta có cha có mẹ, nương vào đó. Vợ biết tôn trọng người chồng làm cực khổ ở đời và người chồng cũng biết tôn trọng cực khổ trong nhà bếp của người vợ. Mà xã hội ngày nay đôi khi cả 2 vợ chồng làm lụng cả ngày về, chúng ta lại bắt đầu phải bắt tay vào công việc bếp núc lo cho sự sống của mình và con cái. Chỉ cần rằng chúng ta hiểu và đón nhận sự sống rất bình thường, đón nhận sự bình thường của nhau. Đừng mô phỏng quá đáng về những sự phi thường trong cuộc đời để đi tới những ước mơ, kỳ vọng của những điều mộng ước hão huyền. Chỉ cần sống chân thật đón nhận bình thường trong cuộc sống, đón nhận cái tánh của nhau y như phước báu vốn có hiện thân trong đời. Để từ đó xây dựng tình thương và đi tới sự gắn kết mãi. Đấy, đôi vợ chồng này vì không hiểu hoặc có thể vì lý do gì đó mà vợ cứ càm ràm – trờ thành cái tánh khí càm ràm. Chúng ta cũng thấy rồi không hẳn chỉ có đàn bà, đàn ông và đàn bà chúng ta vẫn có cái tánh khí càm ràm cả ngày. Nhận thức được điều đó chúng ta nên bỏ đi, đừng nhai đi nhai lại. Chúng ta nhai đi nhai lại mà tự nuốt vào thân thì cũng tốt. Nhưng nhai đi nhai lại rồi để vô miệng cho người khác sao họ có thể nuốt trôi được, nhất là sự đời gắn bó với nhau trong tình yêu. Chúng ta đừng nhìn thấy một điều gì không như ý để càm ràm nhai đi nhai lại. Có nhiều ông chồng thấy càm ràm cả ngày, cả cuộc đời, vợ cũng vậy. Chúng ta không nên, hãy bỏ đi tánh càm ràm. Đừng nhìn thấy không ưng ý của chồng hay của vợ để moi móc đàm tiếu bêu xấu. Sống trong cái tâm bình thường, sinh hoạt bình thường, yêu nhau bình thường thì đó là đức hạnh của người Phật tử tại gia. Không những trong gia đình của chúng ta mà ngay trong cuộc sống hiện tại cũng vậy. Hãy đón nhận nhau như là họ vậy để chúng ta học cách sống chung với mọi người. Đừng có tơ tưởng thay đổi người khác theo như ý nguyện của ta. Chồng làm việc ở trên đồng áng, rành rõi công việc đó, vợ làm việc trong nhà bếp hiểu thấu được bếp núc. Tất cả cái chuyện nhà bếp và chuyện trên đồng áng nó khác biệt. Ta không thể mang cái bếp ra đồng để nấu và chúng ta cũng không không thể mang ruộng về trong bếp để trồng. Cho nên hiểu được sự khác biệt đó, ta dung thông với nhau trong tánh rất thường – thường tức là thường kính yêu thương và nhẫn nhục đón nhận, nhưng đừng thường càm ràm mang đến sự phiền phức nhức đầu cho nhau. Các bạn có biết không, khi chúng ta ngủ chúng ta vẫn có những mơ ước thoát ra khỏi cảnh sống mà chúng ta không thích. Những mơ ước như vậy là những mơ ước tội lỗi đó các bạn. Bà tiên cho 3 điều ước, tuy nhiên vẫn là 3 điều ước tội lỗi. Nếu không cần điều ước đó mà anh nông dân kia hiểu thấu đón nhận vợ để rồi xây dựng thì chắc có lẽ chẳng có một lần cái mũi to bằng cái nhà bếp để rồi lại ước biến mất. Nhưng rất may những điều ước sai trái đó đã có một lời ước đúng là ước trở lại bình thường để sống bình thường với vợ, lắng nghe sự càm ràm của vợ như một tiếng vọng cổ vọng vào trong tâm ngọt ngào như mía lau như đường phèn. Tuyệt vời! Tuyệt vời! Ta có đón nhận nhau hay không? Có, là phải từ tình yêu chân thật, còn nếu không nó chỉ là sự giả dối trong cuộc đời đóng vai này vai kia. Nhất là trong tình nghĩa vợ chồng, khi đóng vai thì chẳng thể tồn tại. Hãy sống chân thật với chính mình và hãy cho người bạn đời của mình biết về mình như thế và cần phải xây dựng trên sự tôn trọng cách sống của nhau. Đừng càm ràm dù đàn ông hay đàn bà và đặc biệt ngay cả Phật tử chúng ta cũng phải bỏ thói quen càm ràm. Càm ràm ở nhà bếp, trong nhà, rồi đến chùa, đến thiền môn, đến quý thầy, quý cô… tới đâu cũng càm ràm. Tánh càm ràm không có tốt, hãy bỏ và sống hiểu bằng chất liệu yêu thương đón nhận mọi người vào trong trái tim bằng tình yêu. Và nhớ rằng và nhìn rõ những điều gì ta làm gây khó chịu cho người, ta phải thay đổi. Hầu hết sự khó chịu hay tạo cho chúng ta có những ước mơ tội lỗi. Chúng ta hãy từ bỏ những ước mơ – những viên ngọc ước tội lỗi đi. Hãy sống chân thật với nhau để tồn mãi trong cuộc đời.

Cám ơn các bạn đã nghe. 

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts