Search

Bảo Ngân biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn với chương trình mỗi ngày một pháp thoại nhỏ để chúng ta dẫn ý đi vào cuộc sống.

Các bạn! Ở trên đời người ta nói đến ba chữ về tu, ba nơi, ba hoàn cảnh. Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa, dân gian vẫn nói ba cách này. Cuộc sống đôi khi nghĩ rằng tu là phải xuống tóc, mặc áo như Bảo Thành đây đi vào chùa gọi là tu. Chữ tu trong nhà Phật rộng rãi trong dân gian, hoàn cảnh nào chúng ta tu cũng được và từng bước, từng bước khế hợp với nhịp nhàng với nhân duyên phước báu hiện thời để chúng ta bước vào những phương cách tu khác nhau. Trước là lợi lạc cho ta về đời sống tinh thần, sau là cho muôn chúng sanh. Chẳng thể ai ai cũng phải rập khuôn tu như nhau, mỗi người một sắc thái trong cuộc đời bởi do biệt nghiệp tạo thành, nhân duyên khác biệt, cứ nương theo nhân duyên của chúng ta mà tu, không cần phải cứ chạy theo phương thức, phương án, cách tu của những người khác.

Có một câu chuyện kể rằng thời xưa, thời Đức Phật, có một cô công chúa mộ đạo nên muốn đi tới các đền chùa, thứ nhất là để dâng hương, thứ hai là nghe kinh kệ. Trên con đường đi, những người tùy tùng rước kiệu cho cô công chúa ngồi trên rảo bước rồi kinh thành tới những chùa chiền ở trong kinh thành đó. Thì trên bước đường đi ngồi trên kiệu, người tùy tùng mới cho mọi người dừng lại ngay. Cô công chúa ngạc nhiên liền hỏi tạo sao phải ngừng kiệu. Đoàn tùy tùng mới thưa với công chúa rằng phía trước có một đoàn chư tăng đang đi khất thực, cho nên thế nào họ cũng đi ngang chỗ công chúa để xin xỏ mà thôi. Bởi vậy ngừng để cho họ tách đoàn chư tăng đó đi ra chỗ khác, để không làm phiền đến công chúa, khi họ đi theo hướng khác, không ghé ngang chỗ công chúa xin xỏ, thì công chúa sẽ được nhẹ nhàng đi vô chùa. Nhưng cô công chúa thấy hình như không đúng, mới nói với đoàn tùy tùng rằng hãy để tự nhiên, chúng ta cứ tiến về phía trước để coi hàng tăng lữ kia làm thế nào. Và đoàn tùy tùng đã nghe theo lời công chúa, tiếp tục hành kiệu trên con đường. Cô công chúa vén màn kiệu, nhìn thấy từng bước chân an lạc của những bậc chân tu hàng đệ tử của chư Phật nhẹ nhàng kinh qua mà tâm thái an nhiên, chẳng hề bị những điều của xã hội như sự hào nhoáng của cung thành, của cái kiệu cô công chúa gia nhân đầy ở kia mà dừng bước. Các ngài vẫn đi, thật nhẹ, thật nhẹ, nhẹ trong tâm thái tịnh tĩnh. Cô công chúa ngạc nhiên vô cùng bởi đoàn tùy tùng nói họ sẽ ngừng ngay trước công chúa để xin, nhưng mà công chúa thì thấy hàng tăng lữ đi nhẹ nhàng chẳng dừng, chỉ có những ai có tâm thành cúng dường thì các ngài dừng lại như một ruộng phước điền cho người ta cúng rồi đi, chứ chẳng bao giờ dừng trước những con người được gọi là giàu có hoặc là hoành tráng về bên ngoài. Sau đó cô công chúa đi về, ngưỡng mộ sự an lạc đó, muốn đi tu, cho nên cô đã tìm tới ni sư trưởng thời đó là sư bà Kiều Đàm Di. Khi tới đó sư bà nói cô là phận công chúa, sư bà nói vua chỉ có một công chúa nên công chúa chưa thể tu bởi nhà vua sẽ không cho. Nhưng sư bà chấp nhận cho cô công chúa thọ giới như một Phật tử tại gia để về cung đình mà tu pháp thiện. Cô công chúa đón nhận thọ giới tại gia và về nhà tu tại trong nơi chốn của mình. Sau một thời gian, vua cha cảm nhận được sự an lạc nơi công chúa của mình. Và rồi sư bà Kiều Đàm Di đã dạy cho công chúa những pháp thiện để tu tại gia như vậy. Lâu dần đầy đủ phước báu, vua cha cảm nhận được điều tốt. Tới thời, vua cha chấp nhận cho cô công chúa đi tu nên cô công chúa đã gặp Phật và rồi xuống tóc đi tu như một hàng tăng lữ ở trong giáo đoàn của Ngài dưới sự hướng dẫn của sư bà Kiều Đàm Di.

Câu chuyện chỉ ngừng ở đó để chúng ta suy nghiệm rằng trong cuộc sống, nhân duyên tới với con đường của đạo Phật tu sửa của chúng ta vẫn phải là từ đời sống của gia đình. Như cô công chúa kia, khi gặp sư bà Kiều Đàm Di, ngài không vội vàng để mà cho cô công chúa này đi tu, ngài nhìn thấy hoàn cảnh đích thực của đời sống hiện tại của cô nên khuyên cô hãy như là một Phật tử rồi tu thọ giới, tu đi, ở nhà mà tu đi, tu để trưởng dưỡng tâm thiện đi, rồi từ tâm thiện đó tăng trưởng phước báu từ từ rồi hoàn cảnh thay đổi, bước từng bước, bước từng bước, lãnh nhận sứ mệnh xuất gia để mà giáo hóa chúng sanh. Nhưng đầu tiên trước khi đi vào con đường giáo hóa chúng sanh, chúng ta phải tu tại gia để có đời sống an lạc và bình an. Tất cả các chư Phật thành tựu ngày hôm nay cũng phải đi từ tu tại gia rồi mới vươn ra bên ngoài giáo hóa chúng sanh. Câu chuyện ngày hôm nay thầm nhắc nhở cho mỗi người chúng ta, nếu các bạn có nhân duyên với Phật pháp, các bạn đừng nghĩ rằng đi tu là phải vào nhà chùa làm sư cô, làm thầy mà hãy như cô công chúa kia thọ năm giới, tam quy y ngũ giới rồi về nhà tu. Tu là sửa, tu là nuôi dưỡng đời sống của chúng ta trong pháp thiện, tu là sửa tư tưởng, sự suy nghĩ của ta cho lành thiện, tu là sửa những ngôn ngữ ta ứng dụng hằng ngày cho lành thiện, tu là sửa những hành động ta tạo tác hằng ngày cho lành thiện để từ tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta, thân, ngữ, ý đó luôn sống trong sự thanh tịnh, biết kềm, biết giữ trong giới hạn của người con Phật để ta làm lợi lạc cho đời sống hạnh phúc bình an của chính mình và của muôn người, đó gọi là tu. Còn từng phần tu trong gia đình, tu trong am thất, trong chùa, tu hạnh xuất gia hay tại gia đều là sự cống hiến, phụng hiến chúng sinh. Muốn cống hiến lớn, muốn phục vụ chúng sinh lớn hơn, chúng ta có nhiều phương tiện, mà dù phương tiện tại gia hay tại chùa, am, thất, hay xuất gia ở bất cứ chỗ nào, hoàn cảnh nào hay ngay trong chợ đời, hay ngay trong đời sống này, chúng ta đều có thể tu, chỉ cần có tâm nguyện phục vụ chúng sanh thật là lớn, với tâm nguyện đó, ta tu những hạnh lành và nhờ hạnh lành ta tu đó mà có đầy đủ phước báu để phục vụ chúng sinh trong cuộc đời.

Các bạn, xã hội chúng ta đang sống rất cần sự phục vụ của những con người có giới đức, chúng ta thọ năm giới, quy y tam bảo, sống đúng hạnh nguyện của người Phật tử, đó cũng là một ý nghĩa cao cả vô cùng. Chúng ta sống với tình nghĩa của cha mẹ đúng với giới huệ của người con Phật, sống mà đối xử với vợ chồng đúng với giới huệ của người con Phật và dạy dỗ con cái của chúng ta với nền giáo dục Phật đà trong suốt trong hạnh nguyện giải thoát, đó gọi là tu. Chúng ta phát nguyện phụng hiến, hy sinh và phục vụ cho gia đình trước, gia đình của chúng ta hạnh phúc, tu tại gia như vậy đã gọi là tu chứng rồi. Để từ trong gia đình chúng ta với cái gương mẫu mực thánh thiện như vậy, xã hội sẽ ảnh hưởng và lan tỏa. Nếu các bạn thấy các bạn vẫn còn đầy đủ phương tiện lớn hơn, các bạn có thể bước vào con đường xuất gia để phụng hiến cả cuộc đời trong con đường giáo dục nhân sinh qua Phật pháp, điều đó đều được. Phật giáo là một con đường rộng thênh thang để rồi người có gia đình khi lớn tuổi hoặc người chưa có gia đình, bất cứ một hoàn cảnh nào các bạn cũng có thể bước vào nhưng hãy thuận với duyên hiện tại của mình mà tu. Như cô công chúa kia, thực ra cô tên là cô công chúa Ly Cấu, cô đã có duyên với nhà Phật, vì chỉ chứng kiến những bước chân an lạc của những bậc tỳ kheo mà phát tâm đi tu rồi thọ ngũ giới, tam quy y từ sư bà Kiều Đàm Di về nhà mà tu. Ảnh hưởng đức hạnh đó, vua cha đã cho cô công chúa Ly Cấu tu sau này thành hiện đúng như ước nguyện là một bậc tỳ kheo ni với sư bà Kiều Đàm Di.

Các bạn thân mến! Chúng ta cũng vậy, nhìn vào đời sống của người con Phật biết bao nhiêu những bậc thầy, thuở nhỏ khi đi ngang qua chùa thấy hình ảnh của những chú tiểu, thấy hình ảnh của chư Phật hoặc là của các bậc tôn túc an lạc, nhẹ nhàng, xuất chúng thì khởi tâm tu. Chúng ta ngày nay cũng vậy! Mỗi một con người nhìn thấy một hình ảnh tốt đẹp nào đó trong Phật giáo để rồi phát nguyện mà tu. Nếu các bạn là cư sĩ tại gia đã có gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái, chúng ta đều có thể tu được như cô công chúa kia. Hoặc là chúng ta là phận làm con mà chưa có vợ, chưa có chồng như cô công chúa kia thôi, chúng ta thọ tam quy y và năm giới, sống đức hạnh, gương mẫu, mẫu mực, chuẩn mực như vậy, để rồi dù có khó như vua cha, có một người con gái độc nhất cũng sẵn sàng cho con tu, thì cha mẹ của chúng ta nhìn vào đời sống từ thuở ta quy y giữ giới đó, thanh tịnh, tốt đẹp, hiếu đạo với cha mẹ, sống đúng phẩm hạnh của người con Phật, thì cha mẹ sẽ hoan hỷ, sách tấn và giúp cho ta đi xuất gia. Còn các bạn không thể làm được điều đó, để khi đi xuất gia mà đấng bậc sinh thành không cho phép, đó cũng là một sự chướng ngại không hay. Cho nên, hãy tu thật sự ngay tại gia đình với hoàn cảnh hiện thời, tu trong đạo Phật không bó buộc trong hai chữ phải “xuống tóc” đi tu ở trong chùa, mà chúng sanh trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống với căn cơ khác biệt đều có thể thọ giới, tam quy y, quy y Phật, Pháp, Tăng, giữ năm giới để bắt đầu một đời sống đức hạnh, giới hạnh để tu. Hãy sống như vậy và tu như vậy, y như hình ảnh của cô công chúa Ly Cấu kia.

Cám ơn các bạn đã nghe qua để ứng dụng nhân duyên của mình trên con đường tu phù hợp với hoàn cảnh hiện thời của chúng ta để chúng ta luôn sống an vui.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts