Search

Bậc Giác Ngộ Bổ Củi

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn!

Các bạn thân mến! Bảo Thành và các bạn đang tương tác trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn – điểm hẹn của những tâm hồn luôn gợi ý cho nhau trong chánh tư duy.

Các bạn thân mến! Cuộc sống mà, ai trong chúng ta cũng săn lùng những điều tốt, đó là thói quen của con người. Nếu nghe đâu đó có những bậc thánh, ta nhất định tới tìm tòi để coi coi bậc thánh sống như thế nào. Ở trên những đài truyền thông hiện tại, nào là người ta đi săn lùng những bậc thánh, những vị thầy để coi đời sống của bậc thánh, vị thầy hoặc những bậc giác ngộ như thế nào trước và sau. Cũng có cả những người đi săn những chuyện ma quỷ, những chuyện giật gân, những chuyện là… ôi… đủ thứ hết. Nhưng đã là phàm phu như Bảo Thành và các bạn, những câu chuyện đó cũng có vẫn có độ hấp dẫn, lôi kéo và chúng ta cứ miệt mài trên đó hoài. Con người mà, ai không như thế. Sự tìm hiểu và tò mò đó, nếu chúng ta suy nghĩ chút chút, nó cũng hay bởi vì nó tạo ra sự tư duy. Các câu hỏi, đôi khi chúng ta phải tự hỏi tại sao như vậy. Cái hỏi như vậy tăng thêm sự hiểu biết, sự hiểu biết của cuộc đời cần phải đúc kết trên những kinh nghiệm thực tế khi chúng ta tương tác với xã hội hằng ngày, với con người hằng ngày. Sự hấp dẫn của những bậc thánh bao giờ cũng là một chủ đề lớn. Cũng như chúng ta thấy các thầy, tăng ni, thì chúng ta biết hồi xưa ông thầy đó đi tu, trước khi ông chưa đi tu ông là gì, rồi sau khi ông đi tu rồi ổng làm sao ha, ổng sống như thế nào, sinh hoạt hằng ngày ông sao, chứ ngày xưa tui biết ổng như vậy, như vậy… và bây giờ ổng là người xuất gia, không biết ổng sống sao, mình tò mò tìm hiểu. Không sao! Sự tò mò là thuộc về tánh của con người mà, ai ngăn cản chuyện đó được. Nhưng phải thay đổi các bạn ơi, ta phải thay đổi để có một sự nhận định rõ.

Có một câu chuyện kể như vầy. Có một ông đạo sĩ, ông ta tu trên núi. Nghe đâu ông ta tu ở trên núi lâu lắm rồi và ông ta tu mà dân làng ai cũng biết. Dân làng biết rằng ông đó ngày xưa sống ở trong làng thôi, bây giờ lên trên núi ở một mình tu, được gọi là đạo sĩ. Ôi đạo sĩ tu ở trên núi mà, hồi xưa thì cũng là người bình thường. Rồi ai tới làng hỏi ông đạo sĩ đó ở đâu trên núi, hỏi qua hỏi lại, người ta cũng nói “ơ… ông đạo sĩ hồi xưa ổng là nông dân, ổng ở đây, bây giờ ổng lên núi ổng tu ổng làm đạo sĩ”, vậy thôi. Rồi một thời gian sau, nghe đâu ông đạo sĩ đó đã chứng đắc và giác ngộ. Khi nghe được tin đó, thì hầu hết ngọn núi đó nó trở thành ồn ào dữ lắm, ai cũng lên cúng kiếng, xin xỏ, đủ thứ hết. Nhưng rồi có một vị, một con người có tánh muốn tìm hiểu rằng ông đạo sĩ này giác ngộ, chứng đắc như thế nào. Ông ta lên gặp đạo sĩ và hỏi “thưa đạo sĩ, ông giác ngộ chưa?” Ông đạo sĩ cũng cười khà khà và nói “ờ… giác ngộ”. Thì ông kia nghe thấy như vậy, bắt đầu mới hỏi tới “thưa ông đạo sĩ, ông đã giác ngộ rồi, vậy thì hôm qua, trước khi ông giác ngộ, ông làm gì?”. Ông đạo sĩ nói “trước khi ta giác ngộ thì ta bổ củi, gánh nước, nấu cơm”. Ông kia ổng mới hỏi “vậy sau khi ông đã giác ngộ, ông làm gì?”. Ông đạo sĩ nói “à… sau khi ta giác ngộ, ta cũng bổ củi, gánh nước, nấu cơm”. Người kia thấy ngạc nhiên mới hỏi “trời đất, trước khi ông chưa giác ngộ, ông cũng bổ củi, gánh nước, nấu cơm; mà sau khi giác ngộ, ông cũng chỉ là người bổ củi, gánh nước, nấu cơm, như vậy có khác gì đâu! Trước giác ngộ, sau giác ngộ cũng bổ củi, gánh nước, nấu cơm, không khác biệt, ông không có khác. Vậy thì thế nào gọi là giác ngộ? Đâu có khác đâu mà giác ngộ?”. Ông đạo sĩ mới từ tốn trả lời anh chàng kia rằng “trước khi ta giác ngộ, ta bổ củi thì ta nghĩ đến ngày mai ta cũng phải bổ củi, rồi khi ta gánh nước thì ta nghĩ ngày mai lại phải gánh nước, ta nấu cơm thì ta nghĩ ngày mai ta lại phải nấu cơm. Bổ củi nghĩ ngày mai phải bổ, gánh nước ngày mai phải gánh, nấu cơm ngày mai phải nấu cơm, tức là ngày hôm nay ta làm như vậy thì ta cũng đang cứ nghĩ ngày mai phải như vậy, phải như vậy. Sự nghĩ về ngày mai phải lặp lại công việc này dằn vặt lương tâm, khó chịu lắm, lúc đó ta chưa giác ngộ, bực bội khó chịu trong lòng. Nhưng khi ta giác ngộ rồi thì ta cũng bổ củi, gánh nước, nấu cơm. Nhưng khi ta bổ củi, ta biết ta bổ củi, ta chẳng nghĩ đến ngày mai ta phải bổ củi. Khi ta gánh nước, ta thấy ta gánh nước, ta biết ta gánh nước, ta vui, ta chẳng nghĩ rằng ngày mai ta sẽ phải gánh nước nữa. Và khi ta nấu cơm, ta cũng chỉ biết ta nấu cơm, ta không nghĩ ngày mai ta sẽ phải nấu cơm. Cho nên chuyện trước khi giác ngộ thì ta nghĩ luôn luôn nghĩ đến ngày mai cũng công việc đó, ta đang làm mà chẳng ở đó, cái tâm chẳng ở đó, chỉ nghĩ đến ngày mai thôi, cho nên phiền não và khổ. Nhưng khi ta giác ngộ rồi, chuyện đâu cũng còn có đó, chuyện đó ta vẫn tiếp tục làm, nhưng tâm của ta vẫn an trú trong công việc, chẳng nghĩ đến ngày mai, cũng chẳng nghĩ đến quá khứ. Giác ngộ là như vậy”. Anh kia bắt đầu mới hiểu ra.

Các bạn! Có lẽ trong cuộc đời của các bạn, các bạn đã giao du, quen biết, gần gũi với các bậc thầy xuất gia, hoặc những người đã đi vào con đường tu đạo. Có thể những người đó các bạn biết được quá khứ, có thể là bạn thân của các bạn, có thể là người trong làng của các bạn, đôi khi những người đó có thể là cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột thịt của các bạn, có một quá khứ mà các bạn hoàn toàn hiểu biết hết, để rồi ngày hôm nay họ xuất gia đi tu. Chúng ta gặp họ, chúng ta cũng thấy họ như ngày xưa, cũng thấy họ làm như xưa, ở nhà vẫn vậy, họ vẫn là cha là mẹ, là ông là bà, là anh em, là những người trong thôn xóm, là những người ta quen biết, là bạn học, là bạn nối khố, ồ… là những con người ta biết. Chúng ta gặp họ, chúng ta vẫn thấy y chang như vậy, có khác là khác có thể chiếc áo của nhà tu, tính cách của nhà tu, có thể khác một chút xíu nữa là ở trong chùa, trong am, trong thất, cũng có thể khác nữa là có kinh có kệ cầu nguyện như vậy; nhưng mà anh đó, người đó vẫn là người của quá khứ.

Các bạn nghe qua câu chuyện của ông đạo sĩ rồi ông ta thực sự khác đấy. Ông ta khác là bởi vì quá khứ cũng làm chuyện đấy, cũng là con người đó, nhưng hiện tại cũng là chuyện đó, cũng là con người đó, nhưng cái tâm nó khác. Khi chúng ta tiếp xúc với những con người xuất gia, chúng ta không nói đến những thành phần tiêu cực khác biệt, chúng ta nói đến sự tích cực chung chung, là mỗi một con người khi họ đã thay đổi, họ đã thay đổi tức là có một sự thành tựu rồi. Thành tựu đó không phải từ tướng ở bên ngoài, khi ông đạo sĩ giác ngộ là có thể vỗ cánh bay lên hoặc là ăn mặc sang trọng hơn mà rồi không cần phải bổ củi, gánh nước, nấu cơm. Sự hiểu như vậy nó sai lầm dữ lắm, bởi vì có những con người nói “à…ông chứng đắc rồi ông cần gì phải ăn, ông chứng đắc rồi ông cần gì phải uống, ông giác ngộ rồi ông cần gì phải sống làm người nữa”. Đạo Phật là tu tâm, tâm giải thoát khỏi sự ràng buộc của tất cả những pháp ở thế gian, những hiện tượng của thế gian, họ sống thanh thản nhẹ nhàng, không còn ràng buộc bởi sự suy nghĩ của cái tâm phóng tới tương lai, lùi sâu vào quá khứ, mà ngay trong hiện tại. Ông đạo sĩ cũng bổ củi, gánh nước, nấu cơm, nhưng tâm ông ta dừng và an trú trong mọi tạo tác của chánh niệm. Ông luôn an vui và ông đã giác ngộ. Còn khi xưa chưa giác ngộ, làm một việc nghĩ một việc thì cái tâm chạy lung tung, rối loạn tới đằng trước, lùi đằng sau, chạy như con khỉ, nhanh như con ngựa chẳng thể kềm tỏa. Chúng ta khi đối diện với những con người đã xuất gia đi tu, chúng ta nên có một sự quan sát chững chạc về đời sống của họ, chúng ta sẽ thấy đổi thay vô cùng. Bởi khi họ đã đi tu, họ không còn ràng buộc vào quá khứ hay tương lai, họ sống trong hiện tại.

Và các bạn thân mến, các bạn cũng như vậy. Khi các bạn cầu đạo giải thoát trên con đường đi tới sự an tịnh, các bạn vẫn là người của ngày hôm qua, người của ngày mai, nhưng khi các bạn đi vào thực tập đúng với chánh pháp của Như Lai, các bạn không còn lệ thuộc vào người của ngày mai, cũng chẳng cột chặt vào người của ngày hôm qua, các bạn đang sống thuộc ngày hôm nay, đang sống với giây phút này. Đạo Phật là sống, tôn giáo mà Đức Phật dạy không phải là một tôn giáo ràng buộc trong quá khứ hay tương lai, nhưng đạo Phật là một con đường Đức Phật chỉ và khai thị cho chúng sanh: hãy sống ngay với hiện tại. Ta đang sống, đang là người, hãy sống và là người đang sống, đừng là người đã chết hoặc là người miệt mài sống với những điều chưa bao giờ xảy ra. Như vậy cũng chỉ là người chết trong tương lai hoặc đã vùi đầu trong quá khứ. Hãy sống trong hiện tại, hãy bình thản, hãy an nhiên, hãy bổ củi biết bổ củi, gánh nước biết gánh nước, nấu cơm biết nấu cơm… làm gì ta biết ta đang làm chuyện đó. Chuyện không phải dễ dàng đâu, cũng bổ củi, gánh nước, nấu cơm, nhưng làm sao trụ tâm được trong tạo tác hiện tại phải trải qua công phu tu tập. Các bạn, khi chúng ta đi theo lời giáo truyền của Đức Phật dạy dỗ cho chúng ta, mỗi người chúng ta phải thực sự thực tập để có công phu, để có định lực, để có sự huân tu trụ cái tâm; còn không, dù chúng ta có miệt mài trong kinh sách cũng ngày hôm qua, cũng ngày hôm trước, nhưng chúng ta chẳng thể trụ được trong hiện tại, bởi chúng ta cứ lung tung như người của quá khứ hoặc cứ miệt mài phóng tới tương lai mà hiện tại ta đánh mất chính mình.

Đức Phật dạy: hãy ở ngay trong hiện tại này, xây dựng một ngôi Tam Bảo trong chánh niệm. Quan trọng nhất là mỗi người làm chủ được tâm sống trong hiện tại, nhìn thật là rõ, để làm sao các bạn nhìn được rõ điều đó và sống trong hiện tại. Ông đạo sĩ kia phải tu, tu bao nhiêu tháng ngày rồi cuối cùng đã giác ngộ và sống trong hiện tại, trụ được tâm trong mọi tạo tác. Nếu các bạn muốn trụ được tâm trong mọi tạo tác để thực sự sống, các bạn ơi, các bạn phải tu. Câu hỏi là tu gì. Theo nhân duyên của mỗi một con người chúng ta mà chúng ta sẽ có được nhân duyên để tiếp cận với pháp phương tiện của Phật, các bạn hãy nghiên cứu và thực tập các pháp phương tiện mà các bạn có nhân duyên tiếp cận, thực hành và được truyền thọ bởi các bậc thầy tôn kính. Nếu nó phù hợp với căn cơ của các bạn, nhất định các bạn sẽ trụ được tâm, còn nếu như các bạn từng trải qua nhiều pháp phương tiện khác nhau, nhiều thời gian tu tập thấy tâm chưa trụ được, các bạn nên quán chiếu trở lại, coi chừng những pháp các bạn đang tu chưa phải là pháp phù hợp, không phải không hay không đúng mà là không phù hợp với căn cơ của các bạn, nên các bạn tu hoài mà tâm chưa trụ được.

Để Bảo Thành giới thiệu cho các bạn một pháp môn mà Đức Phật thường khuyên dạy mỗi một con người là sống trong chánh niệm, hơi thở chánh niệm để trụ được tâm ngay trong hiện tại. Các bạn cố gắng theo dõi hơi thở trong chánh niệm, hít vào biết thở vào, thở ra biết thở ra, hít và thở ngắn dài tùy theo sức, dùng tánh biết quán chiếu ngay tại đó để trụ tâm ngay trong hơi thở. Tánh biết rất quan trọng, tánh biết mà Đức Phật dạy rất quan trọng, bởi biết an trú trong hiện tại sẽ giúp cho các bạn sống trong thực tế, trong hiện tại và chính trong hiện tại bạn đang sống đó, nguồn hạnh phúc bất diệt sẽ tới với các bạn, các bạn luôn được an vui, dù hoàn cảnh gì xảy ra đi nữa, bạn cũng biết ở đó bạn đang sống. Cám ơn các bạn đã nghe Bảo Thành gợi ý.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts