Search

Hãy Thông Cảm Với Nhau

Bảo Như đánh máy

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn hoặc trên kênh facebook Chùa Xá Lợi.

Các bạn thân mến, Phật pháp nhiệm mầu nếu chúng ta ứng dụng đúng, sâu sắc vô cùng. Dù các bạn là ai đi nữa thì lời của Đức Phật là lời mang lại sự sống, sự thông cảm, sự hiểu biết và trí tuệ. Mỗi một lời của Đức Phật truyền dạy trong thế gian còn ghi lại trong kinh sách hoặc được truyền lại cho chúng ta qua các bậc tôn túc đều mang lại ý nghĩa, và ý nghĩa đó làm cho đời sống của chúng ta phong phú tốt đẹp hạnh phúc. Thực sự rất là hạnh phúc nếu ta thấu nghĩa được lời của Phật, thực sự sẽ tăng trưởng hạnh phúc khi chúng ta ứng dụng lời Phật vào cuộc sống. Và thực sự lời của Đức Phật sẽ chuyển hóa tất cả mọi sự khổ đau phiền não, những rắc rối trong đời của chúng ta. Bởi lời Phật là chìa khóa mở kho tàng yêu thương và hạnh phúc đích thực, trong sự hiểu biết thông cảm chia sẻ và cũng làm tăng trưởng lòng bác ái, tình yêu thương, sự bao dung và tha thứ, cao quý vô cùng các bạn. Có một câu chuyện ở trong đời thường đó, một anh chàng kể lại như vầy:

Thuở còn nhỏ anh ta sống với cha và mẹ. Và thế rồi một hôm cậu bé này chứng kiến người cha đi làm về và người mẹ nướng bánh mì cho người cha ăn. Khi bánh mì được mang lên trên bàn cho người cha ăn, cậu bé thấy bánh mì đã bị nướng cháy đen rồi nhưng người cha vẫn mỉm cười vui vẻ vô cùng và nói với người mẹ rằng: Anh cảm ơn em, em đã chuẩn bị cho anh một bữa tối thật là thịnh soạn và tươi cười cầm miếng bánh mì cháy đen đó lên ăn thật là ngon. Người vợ mỉm cười cảm ơn chồng đã thưởng thức món ăn chiều như vậy và rồi vội vã vô phòng trong đằng sau làm việc. Đứa con thấy ngạc nhiên vô cùng liền hỏi cha: Thưa cha! Những miếng bánh mì đen như thế, cháy rồi sao cha ăn lại khen ngon và cha có thể ăn được. Người cha nhìn con bằng ánh mắt thương yêu và nói thật là nhỏ nhẹ: Con ơi! Đó là tất cả những gì mẹ con có thể làm được trong khi quá mệt mỏi và cha đón nhận miếng bánh mì này là đón nhận công sức của mẹ con khi đã quá mệt và mẹ của con đã làm bánh này và nướng cho cha ăn bằng cả tâm tình yêu thương. Nên cha phải cảm ơn mẹ và cha ăn miếng bánh mì cháy này là ăn cả tâm tình của mẹ đã gửi gắm vào trong đó. Người con cũng tương đối hiểu và người cha lại nói tiếp: Ở trên đời này, cha đã quá bận rộn mệt mỏi và mẹ con cũng thế. Trong sự mệt mỏi của cuộc sống, đôi khi cũng tình yêu thương đó mà sự thể hiện của chúng ta không được hoàn hảo. Nhưng không vì sự thể hiện không được hoàn hảo đó mà ta phải nói những lời làm đau lòng nhau. Bởi những lời đau lòng nhau sẽ làm tổn hại đến cảm xúc của người khác và làm cho tình thương bị đổ vỡ, gia đình không còn êm ấm. Đặc biệt là ở trên đời này không ai hoàn hảo, cha cũng là người lầm lỗi thật là nhiều cũng vì mệt mỏi hoặc vì những suy nghĩ không đúng. Và khi lầm lỗi như thế, không đúng như thế, thì mẹ chính là người thông cảm tha thứ bao dung đón nhận cha như vậy trong tình cảm đó. Ngược lai cha cũng như thế, khi mẹ mệt mỏi không có sức mạnh, không có đủ trí lực khi bệnh hoạn, khi đau ốm và khi tâm thần hoảng loạn thì cha chính là người bạn đời luôn gần gũi với mẹ để mẹ có thể vượt qua mọi sự mệt mỏi khó khăn đó, để luôn luôn sống hạnh phúc và yêu thương. Người con hiểu được điều đó và cảm thấy hạnh phúc vô cùng và lúc này cậu thật sự cảm thấy miếng bánh mì cháy là miếng bánh mì chứa đựng tất cả tình yêu thương của mẹ dành cho cha.

Các bạn thân mến, trong cuộc sống, nói đến góc độ của một gia đình thật là nhỏ thì giữa vợ chồng thường xích mích là bởi vì chúng ta chỉ chìu theo ý của mình. Như người chồng vẫn biết là làm việc thật là mệt mỏi ở ngoài, nói theo phong cách của Á Đông, để có thể mang tiền về cho gia đình, có đầy đủ tài chính để bảo vệ cuộc sống. Nhưng ngày nay thì người vợ cũng đi làm như người chồng, do đó không hẳn rằng chỉ người chồng đóng một vai trò quan trọng và người vợ như người nội trợ đâu. Nam nữ bình đẳng là thời đại mà con người đối xử với nhau bằng tình yêu đích thực, cùng chia sẽ và gánh vác chung trách nhiệm của gia đình – chồng đi làm thì vợ cũng đi làm. Thế nhưng khi về nhà thì người chồng Á Đông của chúng ta vẫn có phong cách rằng ngồi đó đợi người vợ làm thêm một công việc nữa sau công việc chính ở đời là phải lao đầu vào trong bếp phục vụ đồ ăn cho chúng ta. Và khi đã mệt mỏi công việc hàng ngày rồi và chăm sóc con nữa, lại cộng thêm phải vào bếp thì nhất định có nhiều lúc món ăn sẽ bị cháy như mẫu bánh mì kia hoặc không đúng như ý. Người chồng sẽ nhìn người vợ ở góc độ như thế nào khi một bữa tiệc, một bữa ăn tối, bữa ăn sáng hay bữa ăn trưa với những món ăn không hợp như ý của chúng ta. Có phải chăng là lời quát tháo to tiếng hay là sự đập bàn giận dữ la mắng? Mấu chốt ngay chỗ này, suy nghĩ ngay chỗ này mới có thể nói rằng tình yêu đích thực có được thể hiện hay không. Những người chồng của Việt Nam – Á Đông chúng ta đó, có cái nhìn như người cha ăn miếng bánh mì cháy đó hay không?

Cuộc sống cần lắm sự cảm thông với sự mệt nhọc của nhau và đã cảm thông thì chúng ta phải đón nhận tình yêu đích thực khi người đó mệt mỏi làm không đúng ý ta thì ta vẫn thương yêu, vẫn đùm bọc, vẫn đón nhận tình yêu ở trong đó. Đặc biệt hơn nữa là bàn tay của chồng và bàn tay của vợ phải biết đặt lên bằng trái tim yêu thương để san sẻ, chia sẻ tất cả những sự mệt mỏi, vui sướng, khổ cực, thành công, thất bại, khỏe mạnh hay ốm đau, vui vẻ hay đau khổ, hạnh phúc hay phiền não. Tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời thì vợ chồng phải gắn bó bằng sự thông cảm, hiểu biết và chia sẻ với nhau. Còn nếu như chúng ta chỉ sống theo tinh thần của người xưa chấp thủ rằng chồng phải làm việc bên ngoài và vợ cho dù có làm việc bên ngoài nữa như là có làm giám đốc hay làm lớn hay cũng phải lao lực khổ như ta thì khi về nhà vẫn phải là người nấu bếp và phải phục vụ cho người chồng những món ăn ngon, nếu không như ý thì cơm chẳng ngọt canh chẳng lành.

Các bạn, cuộc đời không thể như vậy. Chúng ta học giáo lý của Đức Phật, việc thương một người là phải cùng kham cộng khổ, vui sướng với họ trong mọi hoàn cảnh. Dưới tất cả mọi hoàn cảnh chúng ta phải luôn luôn mang tình thương ra để ứng dụng, tình thương chân chính của người con Phật là tình thương biết xả mình vì người mình yêu để giúp đỡ người yêu thương của chúng ta. Có như vậy thì mới đúng với tinh thần của Đức Phật dạy tức là gia đình vợ chồng phải luôn tương kính nhau, luôn gánh vác mọi việc cùng với nhau và không bao giờ bị đổ vỡ. Thương được mẩu bánh mì cháy đen, ăn thật là ngon chính là bởi vì trong trái tim của người chồng luôn luôn nghĩ tới công lao của người vợ và sống trọn vẹn với tình yêu thương đó. Chúng ta cũng vậy, đứng ở góc độ người con Phật thì khi thương yêu mọi người chúng ta phải nhìn thấy đích thực sự lao khó của người đó trong cuộc đời, để tất cả những nghĩa cử hành động đối xử với nhau dù có những lúc ngọt ngào như mật hoặc có những lúc đắng như mẩu bánh mì cháy. Nhưng nhớ rằng những cái đó phải được nhìn xuyên suốt bằng sự thông cảm trong cuộc sống để yêu thương. Nếu trong cuộc đời mà không có sự thông cảm với nhau bằng cái nhìn hiểu biết đích thực thì nhất định chiến tranh luôn xảy ra. Chiến tranh ở đâu cũng có thể xảy ra nhưng chiến tranh ngay trong gia đình giữa tình nghĩa vợ chồng mà xảy ra thì gia đình coi như dễ vỡ và con cái của chúng ta sẽ đau khổ triền miên và ảnh hưởng đến đời sống của con cái mãi mãi. Do vậy mà chúng ta nhớ rằng khi đã học Phật chúng ta phải biết yêu thương nhau bằng trái tim chân thật của sự thông cảm và sẵn sàng đưa vai gánh vác cùng với người thương yêu của mình. Gánh vác cho chồng, gánh vác cho vợ, vợ chồng tương ưng, tất cả bỏ sức ra vì tình yêu thương đó để rồi nuôi dưỡng nâng đỡ nhau trong những lúc mệt mỏi, khó khăn, bệnh hoạn, đau ốm thì mới có được lúc khỏe mạnh, vui sướng, hạnh phúc đầy đủ và thành công.

Các bạn, cuộc sống ở gia đình, khi chúng ta được nuôi dưỡng bằng tinh thần của nhà Phật thì gia đình đó nhất định phải là một gia đình luôn luôn gương mẫu, hạnh phúc trong giáo lý mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta. Chúng ta cần phải ứng dụng lời Phật vào đời sống để thấy rằng Đức Phật là bậc giác ngộ thực sự, còn nếu chúng ta không ứng dụng lời Phật vào đời sống, chúng ta không thấy được sự lợi lạc thì Đức Phật chỉ là Đức Phật ở trong chùa. Nhớ rằng Đức Phật giác ngộ không phải là bậc giác ngộ chỉ để sống và sinh hoạt trong chùa. Đức Phật là bậc giác ngộ và lời cùa Ngài sống động ở trong thế giới này dưới mọi góc cạnh nhân duyên khác biệt của chúng ta, trong chùa hay tại gia đình, ở ngoài chợ hay ngoài xã hội thì lời của Phật đều là lời mang lại sự hạnh phúc và bình an, và lời của Phật đều là lời của trí tuệ – trí tuệ thương yêu chân thành và là một sự thông cảm tuyệt đối, để sẵn sàng cùng nhau gánh vác, để thành tựu được sự an lạc nơi gia đình.

Gia đình là nền tảng vững chãi cho cả thế giới và xã hội có được sự hòa bình và bình an. Ta không thể ngồi đó mà cầu nguyện cho thế giới này tốt đẹp để cho ta sống một đời sống tốt đẹp, mà ta phải ứng dụng lời của Đức Phật vào cuộc sống trong gia đình để gia đình của chúng ta hạnh phúc, để gia đình là nền tảng xây dựng một xã hội tốt đẹp. Xã hội có tốt đẹp hay không chính là mỗi một gia đình của chúng ta khi học được lời của Phật, ứng dụng đúng vào thực tế. Chúc tất cả mọi người chúng ta suy nghĩ một chút xíu rộng hơn để đời sống vợ chồng gia đình luôn là đời sống bình an và hạnh phúc bởi sự thông cảm đối với nhau. Mô Phật!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts