Search

Chén Nước Của Người Ăn Xin

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn, chúng ta lại gặp nhau trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn”.

Các bạn thân mến! Cuộc đời của Bảo Thành và các bạn chắc chắn 100% là đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận giữa mình và bạn bè. Khi còn thuở thơ ấu, Bảo Thành cũng hay tranh luận với bạn về nhiều chủ đề bất chợt tới, rồi nói chuyện, rồi bàn qua bàn lại, ai cũng muốn hơn. Nhưng mà thích thú bởi vì tuổi thơ mà, nếu không có tranh cãi thì không thể hiện được sự năng động của mình. Rồi khi lớn lên cho tới tuổi này đôi khi cũng phiếm luận chút xíu khi gặp bạn bè của mình, nhưng không còn tánh hơn thua nữa nhưng vẫn còn được hương vị của sự trao đổi trong tư tưởng để tỏ rõ những điều mình muốn nhìn ở trong sự đàm luận đó. Chắc chắn các bạn đã từng trải qua những cuộc tranh luận trong cuộc sống và cuộc tranh luận nào thì các bạn cũng muốn thắng, nhưng hầu hết các cuộc tranh luận đều phải dừng lại ở chỗ cao độ mà không ai thắng hay thua, bởi mỗi người chúng ta luôn luôn bảo thủ sự hiểu biết của mình và luôn muốn trung thành với tư tưởng, suy nghĩ của mình. Có lẽ khi trở về nhà rồi đó, hoặc ngay lúc đó chúng ta biết nó sai, nhưng chúng ta vẫn trung thành với lý tưởng, cách lý luận đó, do đó cuộc tranh luận không bao giờ đi đến hồi kết tốt đẹp, lúc nào cũng ồn ào. Ờ nhưng mà không có sao, không có vấn đề, không có vấn đề các bạn ơi! Bởi vì cuộc sống là tranh luận, hơn thua là chuyện ở đời, một mai xuống lỗ rồi có còn hơn thua. À… nói như vậy nó hơi tiêu cực, nhưng mà thôi cứ nói bởi vì đây là một sự gợi ý tư duy, chỉ là cách nói để mỗi người tư duy thôi. Có câu chuyện kể để cho Bảo Thành và các bạn có cơ hội nghe, tư duy.

Có hai anh gặp nhau, một người là nhà nghèo, nghèo chỉ có một cái chòi tranh thôi, anh ta là ăn mày, ăn xin mà, nghèo lắm. Hôm đó không biết sao lại có cơ hội ngồi bàn để uống nước với một anh nhà giàu – anh phú hộ ở trong làng. Hai hình ảnh, một nhà giàu phú hộ và một người nghèo ăn xin ngồi cùng một bàn để uống nước, rồi không biết nhân duyên gì đưa đến sự tranh luận với nhau. Câu hỏi được đặt ra cho cả anh nhà nghèo, tức là người ăn xin và người nhà giàu rằng: Như thế nào là hạnh phúc? Anh nhà nghèo, tức là người ăn xin mới được cơ hội giải thích trước, mới nói rằng: hạnh phúc là được ngồi ở đây uống trà, ngồi ngay lúc này uống trà, ngồi trong giây phút này uống trà. Ông nhà giàu ổng không chấp nhận, ổng nói hạnh phúc là gì, hạnh phúc phải có nhà lầu cao nè, gia nhân đầy hết phụng dưỡng mình, đồ ăn đầy đủ, tiền bạc phong phú vô tận; hạnh phúc nhà giàu, hạnh phúc là phải như ổng, phải là phú ông, phải là phú gia, phải là người nhà giàu có nhà có cửa, có vàng bạc, có tiền mới hạnh phúc, chứ còn ngồi đây uống nước như anh nhà nghèo ăn xin đâu phải là hạnh phúc. Câu chuyện bàn qua bàn lại rồi thôi, nhà ai người đó về. Người ăn xin lại trở về túp lều tranh của mình để sống và tiếp tục cuộc đời ăn xin. Người phú ông lại trở về nhà sống. Rồi người phú ông bất chợt xảy ra một cuộc hỏa hoạn thật là lớn, nhà cao cửa rộng của ông ta, tiền tài vật chất đều cháy hết, không còn gì nữa, ông ta mất hết. Gia nhân thấy vậy, thấy người này bây giờ tay trắng trắng tay thì phải tự trở về gia đình, tìm cách sống khác nên từ bỏ nhà giàu này.

Anh nhà giàu sau khi bị hỏa hoạn cháy hết không còn gì, vợ con cũng bỏ, ai cũng bỏ hết, giờ nghèo không nuôi được thân nên mọi người đều bỏ. Lúc giàu sang ai cũng tới, bởi có tiền, được nuôi; bây giờ nghèo khổ, cháy hết của cải, gia tài không còn, gia nhân thì bỏ đi, vợ con cũng bỏ đi. Với phận nghèo như vậy, anh ta hôm nay đã thật sự không còn gì, trở thành một kẻ ăn xin. Ông ăn xin này đi đây đi đó để ăn xin sống qua ngày, cuộc sống trở nên cực khổ vô cùng. Một vài năm sau, anh ta đã trở thành một người ăn xin thực thụ, cực khổ, sống quen với cảnh màn trời chiếu đất, nay đây mai đó, xin chỗ này xin chỗ kia để sống qua ngày, xin miếng ăn, xin miếng cơm, xin miếng nước để sống, sống gọi là thất thểu ở trên cuộc đời. Đối với cuộc đời của một người phú nông nay như vậy cũng quen dần với cuộc sống của ăn xin. Thế rồi có một hôm, ông ta khát nước vô cùng trên con đường đi tìm miếng ăn, khát nước đến khô cả cổ, sắp sửa kiệt sức thì thấy một túp lều tranh bên bờ đường, anh ta mò vào và xin người đó một chén nước để uống. Người ở trong túp lều tranh đã cho anh ta một chén nước. Anh ta đã uống vào, sảng khoái vô cùng. Nhưng người cho nước mới nhận ra đây là ông phú gia thời xưa tranh luận sự hạnh phúc với mình, và nhìn ra. Anh ăn xin này cũng nhận ra, à…anh ăn mày năm xưa ta tranh luận. Nhưng anh ăn mày cho mình chén nước bây giờ lại hỏi “hạnh phúc là như thế nào, làm sao mới gọi là hạnh phúc?” Anh ăn xin kia, xưa là phú ông thẳng thắn nói một lời rất chân thật “hạnh phúc là ngay bây giờ tôi được uống chén nước của anh”. Cả hai cười khà khà, bá vai nhau ngồi xuống ghế và được dắt vào ngôi lều bên trong với một bữa ăn đạm bạc của kiếp người ăn xin.

Các bạn thân mến, câu chuyện nói cho chúng ta biết được quan niệm về hạnh phúc có thể khác biệt khi chúng ta ở một cái thế vượt trội hơn người ăn xin. Nhưng đối với người ăn xin, hạnh phúc là gì, là ngay chỗ này, là đây, được ngồi uống nước cùng với một phú gia, vậy thôi. Còn người phú gia hạnh phúc là gì, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, gia nhân phụng dưỡng. Nhưng cuộc đời nó vô thường, có đó rồi mất đó, có ai mà có hoài đâu. Ngay cả thân mạng ta tưởng là có, thế mà cuối cùng nó cũng phải ra đi, trở về với cát bụi. Người phú gia năm xưa nay trở thành người ăn mày, ăn xin mới có cơ hội hiểu được chân lý hạnh phúc là đây, ngay trong giây phút thưởng lãm chén nước mà khát sắp chết rồi, được cho một chén nước thì mới thấy hạnh phúc là đây. Câu chuyện này liên tưởng tới giáo lý thâm sâu của Đức Phật dạy: hạnh phúc là chánh niệm, hạnh phúc không phải được định nghĩa trên tiền tài vật chất. À… đúng, ta có thể có tiền bạc hơn người, giàu có hơn người, ta có thể trở thành người tỷ phú, và người so với ta chỉ là những kẻ ăn xin. Nhưng hạnh phúc không phải dựa trên nền tảng của tịnh tài, sự giàu sang phú quý, mà hạnh phúc ở chỗ là ai biết hưởng được ngay trong giây phút chánh niệm. Người ăn xin định nghĩa hạnh phúc là ngay chỗ anh ta đang ngồi được uống nước với ông phú gia, còn ông phú gia lại không hưởng được hạnh phúc ở chỗ đó, mà hưởng hạnh phúc trong sự mơ tưởng. Ông ta đang ngồi ở đó không cảm giác hạnh phúc mà lại mơ tưởng về ngôi nhà của mình ở nhà kìa, có giai nhân, có vợ, có con, có đồ ăn, có tiền bạc của cải. Cho nên ông ta đã đánh mất cuộc sống của hiện tại trong chánh niệm để rồi khi hỏa hoạn tới cháy hết tất cả những gì có, ông ta trở thành một người ăn xin, lúc đó mới có cơ hội chiêm nghiệm hạnh phúc là đây trong hơi thở chánh niệm. Bởi cũng còn đủ phước báu gặp lại được người ăn xin năm xưa và được người ăn xin trao cho một chén nước thực nghiệm ngay hạnh phúc khi uống chén nước của người xưa tặng cho mình. Sự khẳng khái trong đón nhận và nhận được qua sự trải nghiệm thực tế của mất hết nhưng vẫn còn sống trong giây phút chánh niệm của chén nước được trao tặng.

Các bạn, tất cả những gì ta có rồi cũng ra đi. Bởi trên đời này tất cả đều vô thường sanh diệt, chẳng thể có mãi được. Nếu như chúng ta không biết tôn quý giây phút trong hơi thở chánh niệm, sống với nó, có nghĩa là chúng ta đang tự hủy hoại và thiêu đốt cả cuộc đời mình rồi. Hãy quay về sống trong hơi thở này, hãy quay về sống trong chánh niệm để chúng ta thật sự sống. Còn những gì chúng ta có chỉ là những phương tiện về vật chất, nó trợ giúp cho cuộc đời chúng ta thôi. Nhưng chúng ta phải sống được trong hơi thở chánh niệm, đó mới gọi là sống. Có những con người ăn mà không biết ngon, ngủ mà không yên giấc là bởi vì cứ lo lắng mãi. Họ không bao giờ thực tập hơi thở chánh niệm để dù có giàu sang phú quý, họ cũng không sống hạnh phúc và rồi đến khi mất hết, họ lại đau khổ. Ông phú gia kia vẫn còn có diễm phúc và phước báu, chỉ nhờ qua một cuộc tranh luận với người ăn xin năm xưa, để rồi khi bị mất hết trong vô thường, trở thành ăn xin đồng đạo, đồng cấp, đồng đẳng với người ăn xin kia, được trao một chén nước để nhận ra giá trị của giây phút thưởng chén nước đó, hưởng chén nước đó và cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Hạnh phúc là đâu? Hạnh phúc là đây ngay trong giây phút mà chúng ta sống trong chánh niệm. Pháp tu chánh niệm của nhà Phật thật là cao, cao siêu nhiệm màu bởi vì nó giúp cho mỗi một người chúng ta thật sự sống và đang sống, đang sống trong hiện tại, không phóng tâm, rong ruổi theo những ước vọng, những ảo tưởng. Bởi tất cả chỉ là ảo tưởng, ảo giác nếu không thể sống được trong giây phút này, tất cả những thứ khác đều không có thật. Còn nếu như các bạn thực sự sống được trong giây phút chánh niệm, sống được ngay trong cái giây này, thì tất cả đều là thật như một phương tiện vốn có theo phước báu của bạn để bạn dụng nó phù hợp với tất cả, sống trong an vui. Hãy trở về với hơi thở chánh niệm của Phật, hãy cố gắng thực tập tu trong hơi thở chánh niệm. Hơi thở chánh niệm thật là cao quý bởi nó giúp cho các bạn sống được với chính bạn, sống ngay trong giây phút để hưởng những phước báu vốn có ở trong đời, để các bạn tinh tấn, để các bạn sống đúng với ý nghĩa, sống với phẩm giá làm người của các bạn, đừng bị những ảo tưởng, vọng tưởng kéo trượt theo vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị để quên sống trong giây phút này.

Hạnh phúc là đâu? Trả lời: hạnh phúc là đây, ngay trong giây phút này. Cám ơn các bạn thật nhiều.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts