Search

Đừng Nhìn Người Quá Khứ

Bảo Ngân đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn! Các bạn thân mến, chúng ta đang sống ở trong một kỷ nguyên mà luôn có sự phân biệt. Khi các bạn làm một chuyện gì đó ở trong quá khứ được gọi là tội lỗi và xấu xa, thì ngay trong hiện tại các bạn không bao giờ được đón nhận như một con người trong hiện tại, dù rằng hiện tại bạn là những người rất tốt, đã thay đổi, nhưng bạn không bao giờ được đón nhận. Là vì sao? Vì bạn có một quá khứ xấu xa và tội lỗi. Cách nhìn của con người là như vậy và hầu hết khó có thể xóa mờ được những hình ảnh của quá khứ khi các bạn đã phạm tội lỗi và trở về với đời sống. Đâu đó trong cuộc đời của chúng ta, biết bao nhiêu những con người đã làm nên chuyện tội lỗi của quá khứ, nào là tù tội, xì ke, ma túy, trộm cắp, hoặc làm một chuyện gì sai trái trong cuộc đời, thì người đó không bao giờ được đón nhận, dưới con mắt bình thường, những người đó vẫn là xấu xa và họ bị xã hội ruồng bỏ, không còn cơ hội để tái tạo lại cuộc đời. Cách nhìn đó thật tiêu cực, bởi nó lại đẩy người đó trở vào con đường tội lỗi và gây ra biết bao nhiêu lầm lỗi, tiếp tục gây hại cho bá tánh.

Nhưng làm sao để cho tất cả chúng ta có thể có một con mắt khoan dung hơn, làm sao để quá khứ của một đời người không phải là một vấn đề lớn nữa, làm sao chúng ta có thể nhìn nhau bằng con mắt với tình yêu lớn hơn để đối xử tốt đẹp hơn ngay trong hiện tại này? Để làm gì? Để chúng ta có được một cái nhìn viên thông hơn, bao dung hơn với lòng đại từ đại bi của chúng ta. Chúng ta phải tu, còn nếu như chúng ta không có tu, khó có thể phát triển được bởi chính chúng ta cũng là những con người khó có thể nhìn qua được và vượt qua được quá khứ của một đời người. Không cần biết quá khứ bạn là ai, hiện tại ngay bây giờ, làm sao ta có thể chấp nhận được, đón nhận được. Hệ thống trong xã hội này nó luôn truy quét về quá khứ của bạn. Dĩ nhiên quá khứ ảnh hưởng đến một đời người, nhưng nói ở mức độ mà quá khứ của một con người đó hoàn toàn đã thay đổi, đã hoàn toàn chấm dứt, chúng ta có còn tạo cho họ một cơ hội để họ sống trong an lạc và hạnh phúc, hòa nhập vào với xã hội nữa hay không? Hay chúng ta vẫn đối xử với họ như kẻ trộm cắp, như kẻ tội lỗi, như kẻ một quá khứ đen tối không cho phép họ vào nữa? Ta là ai mà ta lại có quyền phân biệt như vậy để ngăn cản một con người bước ra từ trong đen tối để trở về với cuộc sống hằng ngày dưới ánh sáng của sự tịnh tĩnh, an vui? Ta là ai mà ta lại nghiêm cấm những con người tội lỗi, không cho họ thay đổi đời sống để hoàn thiện trong những quá khứ sai lạc?

Có một câu chuyện thời Đức Phật, ông Vô Não – ông ta là một kẻ cướp đi giết người, thế nhưng khi tới với Thế Tôn, lời của Thế Tôn khai thị, ông ta đã thuần phục Thế Tôn. Và ông ta đã giết bao nhiêu con người, thú của ông ta là giết người, giết người và giết người. Nhưng khi ông ta gặp Thế Tôn, muốn giết Thế Tôn, lời khai thị của Thế Tôn đã thuần phục và ông ta đã buông bỏ đồ đao, quỳ xuống và lạy Đức Phật là thầy và xin Đức Phật truyền dạy giáo lý để giác ngộ, từ bỏ điều ác và bắt đầu hoàn thiện, làm điều thiện để sống hạnh phúc, để mang lại hạnh phúc, ông ta đã bắt đầu được Phật đón nhận và truyền dạy. Các bạn, rồi ông Vô Não đó được Đức Phật truyền giới tỳ kheo, là đệ tử của Phật. Ông ta đi khất thực ở trong làng một thời gian, hay lắm, ai cũng thương mến bởi ông đã thay đổi hoàn toàn rồi. Có một lúc, ông ta đi khất thực về cái làng mà ông ta thuở xưa đã từng hành hung làng đó, giết hại, bắt hại trong làng đó, thì dân chúng trong làng đó mới mang gậy, mang đá ném vào ông, đánh đập ông đến chảy máu, té xỉu xuống dưới đất. Bởi vì mọi người đều nhìn thấy ông là một kẻ sát nhân. Tấm áo tỳ kheo và bình bát, tướng hảo thanh tịnh bây giờ cũng không làm thay đổi cái nhìn của quá khứ, dân làng đánh đập ông chảy cả máu đầu đau đớn vô cùng.

Đức Thế Tôn nghe như vậy, Ngài đi ra chỗ ông Vô Não bị đánh và ôm ông Vô Não vào trong lòng. Thế dân làng mới la: “Thế Tôn, đó là kẻ cướp, chúng tôi phải giết nó và phải trả thù nó”. Đức Phật đã nói nhẹ nhàng: “Đây không phải là kẻ cướp, đây là tỳ kheo của Thế Tôn, đây là đệ tử của Thế Tôn, không phải là kẻ cướp”. Dân làng mới la lên: “Không, đó là kẻ cướp, đó là kẻ sát nhân”. Phật nói: “Không, đó là con người của quá khứ, hiện tại đây là tỳ kheo, đệ tử của Thế Tôn có tâm an trú trong chánh niệm, các ngươi không nhận ra sao? Nếu ông ta là một sát nhân, kẻ cướp năm xưa, ông ta sao có thể ngồi đây, đứng đây cho các ngươi ném đá, sao có thể ngồi, đứng đây cho các ngươi đập bể đầu, xịt máu mà vẫn an vui tịch tĩnh? Nếu là kẻ sát nhân thì những hành động của các ngươi đã đưa đến sự chết cho các ngươi không? Nhưng hiện tại ông ta là tỳ kheo an trú trong chánh niệm, tâm hoan hỷ đón nhận những nghiệp quả của khi xưa phải trả, nên đó, vẫn đây, hiện thân nơi đây để cho các ngươi đánh đập mà không một lời oán trách, các ngươi có nhận ra hay không?”. Sau sự khai thị của Thế Tôn, mọi người nhận ra và đã ngừng đánh đập ông Vô Não.

Bảo Thành xin ngừng ở đó, chỉ mang câu chuyện kể đơn giản như vậy để cho chúng ta có một khái niệm nhìn vào cuộc sống cuộc hiện tại. Con người của chúng ta vốn luôn có tánh phán xét kẻ khác, một người trực diện với mình, mình nhìn từ chân lên tới đầu, nhìn đôi giày, nhìn cách ăn mặc, nhìn tướng hảo, nhìn cách ăn nói rồi chúng ta lại còn nhìn quá khứ, truy lùng quá khứ để đón nhận, để tiếp nhận, để tiếp chuyện hay xua đuổi, đánh đập. Chuyện đó có trong hằng ngày. Rồi chúng ta không nhận rõ được giây phút ông Vô Não đã không còn là kẻ cướp, chẳng còn là sát nhân mà trở thành tỳ kheo nên chúng ta đã vô tình bách hại một người tốt. Cuộc sống của con người, ai trong chúng ta không lầm lỗi, ai trong chúng ta không từng trải qua những sai phạm của cuộc đời, những sai trái đó có nhiều cấp độ cao thấp, có thể ta là sát nhân hay kẻ cướp, có thể ta là những người phản bội hay những người đã làm nên một chuyện gì đó đau lòng cho người thương yêu hoặc cho xã hội, hoặc cho những người chung quanh, trong gia đình, bạn bè. Nhưng khi chúng ta đã cải hoàn lại, đã thay đổi lại, đã cải hóa cuộc đời, đã thay đổi toàn diện như ông Vô Não để trở thành tỳ kheo sống tốt hơn, thì những người trong gia đình có còn đón nhận cho chúng ta như vậy hay không, hay vẫn nhìn chúng ta bằng con mắt của quá khứ? Chúng ta có nhìn nhau bằng một con người mới?

Các bạn! Nếu như chúng ta vẫn đối xử với nhau bằng một con mắt nhìn vào quá khứ, thì nhất định cuộc đời của chúng ta không cho những người yêu thương, những con người khác một cơ hội mới để sống, ngược lại đôi khi chúng ta đang hủy hoại chính mình. Bởi vì những người đó có thể là chồng, là vợ, có thể là con cái, cũng có thể là cha mẹ, ông bà hay những người trong dòng tộc của chúng ta hay là bạn bè thân yêu đã có một thời sai phạm của quá khứ, khi họ đã hoàn thiện trở lại, ta có sẵn sàng tạo điều kiện tha thứ cho họ và đón nhận họ vào đời sống của chúng ta hay không? Có biết bao nhiêu ông chồng đã phạm sai với vợ, nhưng người vợ đã tha thứ sau khi người chồng biết lỗi và trở về, thế là hạnh phúc vô cùng. Nhưng cũng có biết bao nhiêu người vợ không thể tha thứ cho ông chồng, và rồi đổ vỡ, gia đình tan nát, con cái đau khổ. Ngược lại chồng cũng như vậy, vợ có sai, có tha thứ bình an; vợ có sai, chẳng tha thứ, và khi người vợ đã thay đổi rồi cũng không thế chấp nhận, do đó gia đình nát tan, tan nát chẳng thể sống chung. Nếu chúng ta cứ nhìn vào những lỗi của những ngày tháng qua để rồi trong giây phút trở lại đã thay đổi, đã thay đổi để hứa khả với nhau những chuyện tốt để sống, chúng ta không biết tha thứ, bao dung để tiếp sức cho nhau tiến lên trên con đường tốt thì ở trên đời này ta không thể sống được với ai.

Đức Thế Tôn đã đón nhận ông Vô Não từ một kẻ sát nhân trở thành đệ tử dưới con mắt của bậc giác ngộ. Ông Vô Não là một đệ tử, là một tỳ kheo, là một người đã sống trong chánh niệm, cả một thời quá khứ gian ác, nay không còn trong con mắt của Thế Tôn. Nhưng dưới con mắt của phàm phu, con mắt của chúng ta, chúng ta đón nhận những người thân của chúng ta như thế nào? Chúng ta đón nhận những con người đã lầm lỗi trở về như thế nào? Chúng ta đón nhận những con người mà quá khứ, tội lỗi, sai phạm, lầm chấp, gây hại cho chúng ta như thế nào? Họ đã thay đổi, họ đã hoàn thiện, họ đã trở về cuộc sống này trong cái tâm thật là thiện, chúng ta có còn đón nhận họ nữa hay không? Như Đức Phật đón nhận ông Vô Não, và khi dân làng đánh đập ông Vô Não, chính Đức Thế Tôn đã ra che chở và bao bọc cho ông ta. Và câu hỏi nói thật là rõ ràng “ông ta không phải là kẻ sát nhân, trộm cướp, ông ta là đệ tử của ta, là tỳ kheo”.

Các bạn! Các bạn có dám mở rộng vòng tay để đón nhận những người chúng ta thương yêu lầm lỗi, cải thiện trở về, để dám chống trả lại với những tiếng tăm xấu xa của những người khác vẫn còn đối xử một cách phân biệt và phán xét và khẳng định với những người đó đây là người thương yêu của tôi, nay đã trở về từ sự chết của lầm lỗi, nay đã sống lại, đã trở về. Các bạn dám nói câu đó như Thế Tôn dám nói với dân làng ở trong đó “Đây là đệ tử của ta, là tỳ kheo không phải là kẻ cướp và cũng không phải là sát nhân”. Hôm nay là hôm nay, hiện tại là hiện tại, quá khứ đã qua đi, hiện tại đã an bình, chúng ta có tiếp nhau được điều đó hay không? Hầu hết khi chúng ta gặp nhau là chúng ta gặp trong quá khứ, khi gặp nhau ngay trong hiện tại nhưng chúng ta mang quá khứ à… ông đó như vậy, à… cô đó như vậy, à… bà đó như vậy, à… anh đó như vậy, chứ chúng ta không đón nhận hiện tại ngay trong giây phút này. Cả cuộc đời của Đức Phật khi Ngài giác ngộ, giáo dưỡng chúng sanh trên 45 năm đều muốn đưa chúng sanh sống với thực tại, với hiện tại. Chánh niệm tức là hiện tại ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta không sống ngay bây giờ và ở đây, chúng ta sống với quá khứ, để rồi quá khứ đó nó che mất, che mờ đôi mắt của ta, để chúng ta cứ lần mò trong quá khứ đó, chấp trược trong quá khứ, gây khổ đau cho biết bao nhiêu con người.

Các bạn! Hãy có một con mắt, con mắt thương nhìn đời, con mắt của giác ngộ, con mắt của tình thương, nhìn ngay trong giây phút này và biết ngay trong giây phút này. Biết trong giây phút và nhìn trong giây phút này để chúng ta sống và phải biết buông bỏ quá khứ của người cũng như phải chấm dứt quá khứ tội lỗi, lầm chấp của chúng ta. Chúng ta không thể nói lỗi của người thì chúng ta buộc phải thay đổi lỗi của ta trong quá khứ, để hiện tại chúng ta được bình an, tốt đẹp ngay trong hiện tại. Chính con mắt của hiện tại trong sự tịnh tĩnh, bình an với cuộc sống chánh niệm này, ta mới có thể nhìn được trong hiện tại chánh niệm của người đang sống khi trở về với chúng ta. Sự lầm chấp không còn là bức tường ngăn cản, quá khứ không còn là bức tường ngăn cách, chia rẽ nữa, hiện tại mới là quan trọng, hiện tại ngay trong giây phút này. Hãy sống với hiện tại, hãy sống để hưởng những giây phút hiện tại trong chánh niệm, trong sự tịnh tĩnh và an vui. Hiện tại rất quan trọng, quá khứ của một kẻ cướp, quá khứ của một kẻ sát nhân như ông Vô Não không còn ở trong con mắt của Thế Tôn, Thế Tôn đã thay đổi cái nhìn của dân chúng để biết rằng hiện tại ông Vô Não, kẻ cướp, kẻ sát nhân của quá khứ, hiện tại là tỳ kheo, là người an yên trong hơi thở chánh niệm. Ông ta đã ngừng, các ngươi hãy ngừng ngay những tạo tác đang tạo nghiệp.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts