Search

Có là Tôi, hay chẳng phải là Tôi
Nào ai biết ai hay mà phải chấp
Hoa vẫn nở giữa đất trời vạn vật
Chỉ mình ta sao ôm ấp không rời

Sống chan hoà thôi từ bỏ cái tôi…

Mô Phật! Bảo Thành kính chào đại chúng!

Các bạn thân mến, làm kiếp con người thật là khổ chuyện gì cũng ôm mãi ở trong lòng mà thôi và từ ngày xưa cho tới ngày nay cũng chỉ một câu đó khó ai có thể vượt qua mà rồi biết bao nhiêu người muốn bào mòn nó cũng khó bào mòn. Cái đó chẳng khác gì như một thứ cứng chắc, nó kết tập lại khó có thể phá vỡ, đó chính là cái tôi của mình. Từ bỏ cái tôi không phải dễ, Bảo Thành, các bạn, muôn người ta đều hiểu cái tôi gây chướng ngại cho cuộc đời nhưng làm sao chúng ta từ bỏ được cái tôi của mình. Nói dễ, đúng vậy, ai cũng suy nghĩ và cuối cùng cũng thốt lên một câu như Bảo Thành vừa nói. Ôi trời ơi, trên đời này nói từ bỏ cái tôi thì dễ nhưng mấy ai có thể bỏ được cái tôi của mình. Quá đúng, thật là đúng, không ai cãi nhưng không phải cái gì khó bỏ, không thể bỏ là không thể. Bởi trên đời không có cái gì là không thể đặc biệt khi đã có bậc giác ngộ khai thị cho chúng ta. Có một câu chuyện kể như vầy:

Có một vị quan thần kia là một vị quan đương triều thời cũ có công lập quốc cùng với hoàng đế. Vị này là một võ tướng thời tuổi trẻ, hai mươi mấy tuổi đã xông pha với bậc đại đế lập quốc cứu dân, mở mang bờ cõi. Là một dũng tướng tuổi trẻ, đông tây nam bắc chỗ nào cũng dẹp được hết bởi là một võ tướng dũng mãnh, võ công cao cường, sức mạnh có thể gọi là dời di núi xuống dưới biển, lấp biển bạt núi là chuyện bình thường của võ tướng này, hằng ha sa quân phải quy phục, tướng lĩnh của nước bên cạnh phải khiếp sợ. Chỉ có 60 năm sau thôi, các bạn nhớ tuổi 20 võ tướng dũng mãnh nhưng 60 năm sau khi trở thành một quan triều võ tướng lớn tuổi rồi, thời đó vị đại đế đương triều cũng đã tử vong, con của hoàng đế lên nối ngôi sử dụng những vị quan tướng thời trẻ để bảo vệ đất nước. Nhưng mang danh là một võ tướng từng cùng với bậc đại đế dựng triều khai quốc ông ta vẫn muốn chiếm vào cái lĩnh vực dũng mãnh như thuở xưa. Tuổi già sức yếu rồi nhưng cái tôi còn quá mạnh muốn lấn chiếm vào sự vận hành của vị vua trẻ và những vị võ tướng đương thời. Cho nên đợt đó, nước bên cạnh tràn vào chiếm cứ, ông ta không chấp nhận một ai dẹp quân, lấy cái uy quyền của phương trượng bảo kiếm ngày xưa truyền lại có thể đương đầu với quân nước kia. Bởi thuở xưa oai lực, danh cao, chỉ cần cưỡi ngựa xông ra chiến trường là nước đó sợ hãi, lui về. Nhưng bây giờ già rồi vẫn tưởng mình như thế, cái tôi quá lớn không cho ai đi, phóng trên ngựa đi nửa đường để uy hiếp quân giặc. Nhưng các bạn biết cuộc đời đã trôi qua, tuổi già nó chiếm tới, sức mạnh đã chẳng còn, vó ngựa lại phóng nhanh, chập chững vài bước dây cương không kềm được nên ngã xuống và bị thương. Cuối cùng ông ta ngồi đó và than cho cái sức mạnh từng vùng vẫy cả một bầu trời nay phải hàng trước vó ngựa dũng mãnh của chính mình.

Các bạn, dĩ nhiên cái câu chuyện nó không đi sâu mấy vào cái tôi nhưng mà chúng ta phải biết chính vì cái tôi cứ tưởng mình còn cái thời trai trẻ. Và có lẽ chúng ta trong bàn tay vẫn chặt như một quả đấm sắt đập vỡ tan tất cả mọi chướng ngại ngăn cản ta làm những điều như ý. Đôi khi cuối đời đã qua, tất cả những chuyện đã qua rồi thuộc lĩnh vực quá khứ nhưng với cái tôi ta luôn đỉnh đỉnh cao cho rằng ta là nhất, chẳng bao giờ quy phục và rút tỉa kinh nghiệm, gọt dũa cái tôi cho một lần được nhẹ nhàng. Cái tôi thật khó chiến thắng, từ bỏ cái tôi thật là khó. Dưới mọi góc độ cuộc đời  biết bao nhiêu câu chuyện đã được kể, cái tôi hình như nó che mất cả bầu trời này để cho từ trong gia đình nếu ai là người chồng với tính cách gia trưởng và có cái tôi lớn thì ôi thôi vợ con khổ vô cùng. Người Á Đông của chúng ta vẫn có cái nhân cách cao cả của cái tôi gia trưởng, coi vợ không ra gì rồi từ đó sự xào xáo, bất như ý xảy ra liên tục trong cuộc sống. Để rồi trên đôi mắt yêu thương của người vợ thuở xinh đẹp tàn lụi theo thời gian ngắn, in hằn những vết khổ của cái nhân cách gia trưởng của người chồng. Và ngược lại nếu như người vợ có cái tôi quá lớn thì chẳng dung hòa được với sự khác biệt của chồng thì gia đình đó, mái ấm đó sẽ trở thành hầm lửa thiêu đốt nhau. Vậy đó, cho nên chúng ta thấy trong xã hội ngày nay và ngày xưa bên cạnh nhà của chúng ta ở vẫn ầm ầm ồn ồn cái tiếng cãi vã nhau giữa vợ, giữa chồng. Thậm chí có cả những đứa con coi cái tôi như ông trời chẳng khiếp sợ cái chính nghĩa hiếu đạo của cha mẹ, coi thường cha mẹ, vung tay múa mép, cãi lộn lung tung. Và chẳng phải chỉ có ở trong gia đình, xã hội nơi đâu cũng thế, ai ai cũng có cái tôi lấn át kẻ khác để từ đó xã hội nó lộn xộn, muôn người khổ đau.

Cái tôi khó lắm, không dễ để mà chuyển hóa, cái tôi chính là cái chướng ngại để gây khổ, chướng ngại để làm cho chúng ta phải phiền não chứ chẳng ai khác. Biết bao nhiêu những cái gương đó người như chúng ta tiếp cận cuộc sống đã từng thấy rồi. Chúng ta vẫn có thể có những người quen với cái tôi quá lớn chúng ta thật khó chuyển hóa họ. Và nếu như nhìn vào trong cái gương tâm chân thành và thành thật ta vẫn thấy cái tôi lớn quá. Bởi vậy đụng vào chuyện gì ta cũng muốn sửa. Không có cái gì cao xa chuyện đơn giản trong gia đình thôi, ông chồng mà làm cái gì bà vợ cứ thích sửa hoài. Nhiều khi ổng trang trí chút xíu cây cảnh không ưng ý sửa ngay, vợ chồng lộn xộn cả ngày. Tôi thấy như vầy mới đúng ông ơi, còn ông thì nói trời ơi bà nhìn như vậy không có hay, tôi thấy để góc này nó mới đẹp. Bà nói góc kia, ông nói góc này cuối cùng bùm cái thay vì cái đồ trang trí góc này góc kia giờ bị bể rồi bởi không ai chiều ai hết. Và ở trên đời này cái tôi quá lớn mỗi người một ý cái chuyện gì cũng bể. Nếu như tình cảm trong gia đình bị bể đổ thì con cái sẽ khổ trăm bề. Các bạn thân mến, cái tôi khó lắm, ai dám vỗ ngực xưng tên là làm chủ được cái tôi, không ai dám. Và nhận thức thật là khó để chúng ta phải tinh tấn, cẩn thận nhìn rõ cái tôi của mình và sửa. Khó như tảng núi. Núi đá người ta còn đập dời về thành phố tạc thành tượng, chúng ta nếu ở Việt Nam có những ngọn núi lớn lắm, như ngũ hành sơn ở Đà Nẵng lớn như vậy mà người ta cũng khai thác đập mãi, đập mãi mà bây giờ còn đâu. Có những cái núi thật là lớn, nếu không ngăn cản thì con người tàn phá hết. Đó là núi lớn mà còn phá được, cái tôi lớn đến cỡ nào cũng có thể bào mòn và phá được. Nhưng Phật không dạy cho chúng ta phải phá vỡ cái tôi của mình như chúng ta thả bom nổ cho nó banh cái ngọn núi ra. Không, dưới con mắt của người nghệ thuật từng tảng đá ở núi người biết tạc thành những pho tượng đẹp, dưới con mắt của bậc giác ngộ từng cái tôi sừng sững trong tâm của mỗi người Phật đều có phương tiện để tạc nó thành một hình bóng của Bồ Tát thánh hiền trong cuộc đời. Chúng ta phải tập, phải luyện và phải học để trở thành người tạc tượng thật là hay, thật là giỏi để khéo tay, khéo nhìn và cái lòng rộng biết nhận rõ để chúng ta điêu khắc cho nó đúng, nghệ thuật điêu khắc chình là nghệ thuật của bậc giác ngộ, điêu khắc cái tôi của con người từ cái phàm thành thánh. Đây là một cái nghệ thuật điêu khắc siêu việt vượt lên trên tất cả. Và những ai có cái tấm lòng chân thành học cái nghề điêu khắc của Phật đều có thể điêu khắc cái tôi của mình, đều có thể tạc cái tôi, đều có thể gọt dũa cái tôi của mình trở thành một vị thánh. Có là tôi hay chẳng phải là tôi nào ai biết ai hay mà phải chấp. Cái tôi dịch cho lớn chứ chúng ta nhìn cho rõ có là tôi hay không có ai biết đâu, chẳng ai biết. Đối với thế giới của loài người biết bao nhiêu con người sống trên hành tinh này, đối với cây cỏ rừng núi, đối với muôn thú, đối với thiên nhiên vạn vật ta chẳng là gì vậy mà cứ xưng tôi, xưng tướng tạo khổ cho bản thân. Nhưng chẳng phải cái tôi lớn mà hay như hạt bụi vương vãi góc đường, nếu biết ra mong manh trước làn gió, thổi về đâu cho đỡ bụi của cuộc đời, nó vẫn hay đó các bạn. Dù là bụi bị lung lay trước gió nhưng vẫn biết mình nên bay về đâu để đừng tạo bụi cho cuộc đời vẫn là hay. Huống hồ chi là một cái tôi lớn nếu dưới con mắt nghệ thuật theo chân lý của Đức Phật ta biết tạc, ta biết điêu khắc vẫn nên hình hài của muôn người, cái đó có. Trong truyện và trong kinh vẫn thường nhắc tới biết bao nhiêu con người với cái tôi thật là lớn, chẳng muốn hàng phục, chẳng muốn khuất phục. Vậy mà khi tiếp cận với chân lý của Đức Phật họ hiểu được thông điệp. Cuộc đời với cái tôi lớn như thế vẫn trở thành những bậc thánh. Chúng ta thấy có nhiều gương rải rác đây đó trong kinh, trong đời sống thôi nói tới chính mình, cái tôi của chúng ta ai cũng có. Nhưng nếu như ngày hôm nay các bạn có thể nghe được lời của Phật, có thể nghe được tiếng kinh, tiếng kệ thì các bạn đã thầm nghĩ rằng đúng, cái tôi của mình đã nhỏ đi. Ta đang tạc tượng, điêu khắc cho cái tôi của chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát rồi. Đừng lần mò trong kinh, về những câu chuyện cổ tích hay những câu chuyện trong kinh về những bậc thánh đã phá vỡ cái tôi mà hãy nói về chính ta, lần mò về chính ta:

 Có là Tôi, hay chẳng phải là Tôi

 Nào ai biết ai hay mà phải chấp

Chẳng ai biết, ai hay nên đừng có chấp vào cái tôi các bạn ơi:

Hoa vẫn nở giữa đất trời vạn vật

Chỉ mình ta sao ôm ấp không rời

Ở giữa đất trời này hoa thật là đẹp vẫn nở đó, có ta hay không có ta vẫn nở. Câu dân gian người Việt thường nói “không có mợ chợ vẫn đông”, vậy mà vẫn có người nói “nhờ mợ ở chợ nên mới đông người vào ra”. Ông bà thường nói không mợ chợ vẫn đông, không tôi ở đó vạn sự bình yên có chi mà ôm ấp chẳng rời, hãy sống chan hòa thôi, từ bỏ cái tôi đi để cuộc sống được bình yên. Địa Ngục là một trong những cái tôi hiện hữu trong cuộc đời, Ngạ Quỷ là một trong những cái tôi dính mắc hoài không ra. Và rồi Súc Sanh cũng là một cái tôi của loài thú cứ im và bám rễ ở trong lòng khó thoát ra lắm. Chân lý của nhà Phật đơn giản, khi rời cái tôi thấy Niết Bàn ngay tại chỗ, cái tôi nó che kín con mắt, nó che mờ trí tuệ. Rời khỏi cái tôi thì nhất định thấy Niết Bàn và an vui. Các bạn đã thấy chướng ngại biết bao khi gặp những người bạn thân hoặc những người gần gũi có cái tôi quá lớn, chúng ta thật là khó làm việc. Và rồi những ai có cái cái tôi lớn thường hay cãi, thường hay chửi, thường hay sân si, thường hay lấn át, thường hay muốn đè bẹp người khác, thường hay ỷ quyền, ỷ lực, hay ỷ vào cái chức vị của mình. Và những người cái tôi đi ngông nghênh dữ lắm, ưỡn ngực ra, ngẩng mặt lên trời không coi ai ra gì và những người cái tôi lớn hay chết yểu, bởi vì sao? Cái tôi lớn hay bị đổ quỵ, đau tim, cái ông võ tướng kia cái tôi quá lớn ngồi lên lưng ngựa, vó ngựa vừa lăn đã té xuống rồi. Chưa kể đâu, những cái người tôi lớn quá một lời khích ở bên ngoài tức, đau tim, hộc máu mà chết. Chúng ta nhớ, một lời khích bác ở bên ngoài nếu cái tôi lớn quá chết đó, biết bao nhiêu người chết oan, chết uổng, chết trẻ, chết tức tưởi là bởi vì cái tôi quá lớn. Một lời khích hoặc nghe thấy một lời đâm thọc ở bên ngoài té ra chết ngay. Những ai thường hay đau tim là vì cái tôi lớn, những ai thường hay cau có mà trên mặt thâm quầng là do cái tôi, cái tôi lớn dữ lắm. Ai mà không biết cười là cái tôi cũng lớn, ai mà nhăn nhó mắt cứ quạu quọ là cái tôi lớn, chết sớm đó các bạn ơi. Nếu đã là chồng, là vợ, là ông bà cha mẹ, có con có cháu phải dưỡng cái thọ mạng của mình đừng tôi lớn quá để mặt nó tươi, cho nụ cười nó đẹp, cho ánh mắt nó sáng, cho lời nói dịu dàng, cho vòng tay thêm rộng, cho cuộc sống thêm mát, sống cho thọ vài năm để tích trữ cái phước cho con cái.

Các bạn, những người chết sớm thường là những người có cái tôi quá lớn nên dễ bị đụng xe. Có anh chàng kia nói rằng thôi đừng có nhậu nữa bạn khuyên bởi vì chén này là chén cuối rồi, say rồi như lần trước anh cũng say té chết đó. Ngồi trong bàn rượu nhiều bạn bè nào dô, hai dô,…cái tôi quá lớn nốc thêm vài ly và rồi chuyến xe đó là chuyến xe cuối cùng của cuộc đời bởi vì quá say chui vào gầm xe lớn chết ngay tại chỗ. Các bạn, cái đó có, đây là sự thực, trong khi đã có vợ, có con, có chồng, chẳng thương vợ, thương chồng cũng phải thương con thương cháu. Mà nếu không thương con cháu thì cũng phải thương lấy bản thân. Có những con người khư khư ôm lấy cái tôi, mang cái tôi ra đình, mang cái tôi ra chùa, mang cái tôi ra chợ, mang tôi đặt lên trên bàn ăn. Chẳng có một bữa ngon, chẳng có một nơi sum họp thân cận vui vẻ. Cái tôi đó dễ phán xét người khác, ai làm không ưng ý là muốn chà đạp, đánh đập, chửi bởi, thấy thật là dễ ghét, con người đó thật là dễ ghét. Chẳng qua đó là cái tôi của mình, cái tôi là con sâu, con sâu này là con sâu ung thư, nó cắn đứt kinh mạch, cắn đứt hơi thở, nó làm tê liệt thần kinh, làm chết trái tim và làm cho con người khô cằn, héo úa. Các bạn, sống ở trên đời, cái tôi càng lớn càng khổ, Phật thấy rõ được cái điều đó cho nên Phật dạy cho chúng ta quán vô thường, tại sao vô thường? Cái ta cho là thường hằng, không có mất đó chính là cái tôi. Phật nói tất cả đều là vô thường, sanh diệt từng giây phút. Chính quán vô thường giúp cho chúng ta từ bỏ được cái tôi để sống chan hòa, để sống yêu thương, quán vô thường đi các bạn. Các bạn có thấy có người nào mà thân với mình đó, hôm qua mới nói mới cười, mới vui đây đó bây giờ đi đâu, các bạn có thấy chưa? Có những người thân ta nói: “Ủa, hôm qua mới ngồi với nó đây vậy mà giờ nó chết rồi, hôm qua mới ngồi với bạn, mới nói phone ủa chết rồi sao”. Có mà, có biết bao nhiêu những cái sự ngỡ ngàng như thế vậy mà chúng ta chưa cảnh tỉnh cứ khư khư ôm lấy cái tôi. Các bạn, cái tôi thật là sợ, cái tôi là chướng ngại, sống hiền hòa, dịu dàng như nước, quanh co chảy mãi về sông để cội nguồn kia thắp sáng ánh chân lý cho muôn loài bừng tỉnh trong ánh dương. Mềm mại như dòng sông, như nước đi các bạn đừng như cái tôi thô cứng chặn đứng mọi suy nghĩ của mình và của người. Quán vô thường, quán vô thường sanh diệt, thân này chúng ta vẫn thích chấp nếu có tướng hảo đẹp một chút gặp người xấu là chê bai, chấp vào cái thân. Thân này cũng vô thường thôi nay đẹp mai xấu, nay còn mai mất, đời là cát bụi người ơi, bài hát cát bụi đời người ta nghe thấm chưa. Cái tôi chẳng là gì, cuộc đời của con người chỉ là tro bụi lẩn quẩn trong thế giới vô minh lầm chấp mà cứ thích xưng vương xưng tướng. Các bạn, Đức Phật dạy hãy quán vô thường, chuyển hóa cái tôi để tích trữ năng lượng thanh tịnh để có được phước báu và hạnh phúc trong cuộc đời. Từng giây, từng phút trong cuộc sống chúng ta hãy luôn luôn hít vào thở ra quán chiếu cái vô thường để chúng ta trân quý cái mạng, cái thân, cái cuộc đời của ta, ta yêu thương chính ta và chúng ta yêu thương những người còn đang sống gần với chúng ta nhất là những đấng bậc sinh thành, nhất là vợ, là chồng, con cái, người thân. Phải biết yêu thương, trân quý bởi vì chẳng biết ngày nào, giờ nào, lúc nào thần chết sẽ gõ cửa ta. Cho nên khi còn sống phải sống chan hòa, yêu thương, sống chan hòa thôi các bạn ơi bỏ cái tôi đi

Có là Tôi, hay chẳng phải là Tôi

 Nào ai biết ai hay mà phải chấp

Hoa vẫn nở giữa đất trời vạn vật

Chỉ mình ta sao ôm ấp không rời

Không có mợ thì chợ vẫn đông

Có chi đâu mà bụi bặm ở trong lòng

Các bạn, bỏ cái tôi đi, Phật dạy thật là đúng. Nếu chúng ta muốn có một gia đình thật là hạnh phúc chúng ta bỏ cái tôi, quán cái vô thường, trân quý và yêu thương lẫn nhau. Nếu chúng ta không muốn đột quỵ chết tức tưởi bỏ cái tôi, quán vô thường, biết hít thở vào thở ra giữa đất trời như hoa kia vẫn nở giữa đất trời vạn vật, không có mợ chợ vẫn đông, không có ta đất trời vẫn còn đó. Nhưng có ta trong Chánh Niệm, cái ta đó chẳng phải là tôi, hòa mình sống yêu thương vẫn như hạt bụi khép mình vào trong gió để trong cuộc đời giữa phong ba bão tố không tạo ra bụi bặm cho muôn người. Các bạn thân mến, cái tôi quả thật rất nguy hiểm trong cuộc sống, hãy sống và biết từ bỏ cái tôi của mình theo tinh thần của nhà Phật bằng cách quán chiếu vô thường để ta có bạn ta biết quý trọng người bạn. Người bạn đó có thể là người bạn đời như chồng, như vợ, còn sống với nhau đừng chấp trượt, đừng chanh chua, đừng hơn thua, đừng cái tôi, đừng gia trưởng để mở lòng mở trái tim mà yêu thương. Biết đâu giờ sau, phút sau người đó có còn nữa đâu mà cãi, mà tranh chấp, mà chì chiết, mà sỉ vả, mà chửi mắng. Các bạn ơi, cha mẹ còn đó hãy quý trọng các đấng bậc, bỏ cái tôi, biết phụng hiến, biết hiếu đạo, biết thương yêu. Vợ đó, chồng đó vẫn còn đây, thương yêu nhau đi, đừng chấp, đừng sống gia trưởng, bỏ cái tôi, quán chiếu vô thường. Con ma vô thường rình rập từng sát na giây phút, tới đi chẳng gõ cửa mời gọi đâu, nó tới bất chợt như con gió thoảng qua rồi chẳng còn nữa. Hãy trân quý sống ngay trong giây phút này bởi Chánh Niệm, quán vô thường để chúng ta luôn yêu thương và tha thứ.

Có là Tôi, hay chẳng phải là Tôi

Nào ai biết ai hay mà phải chấp

Các bạn, đừng vỗ ngực xưng tên nữa mà tự vỗ cái đầu của mình cho nó tan nát đi cái tôi, cho cái tôi thô cứng ở trên đỉnh đầu nó tan đi để cho huệ nó được nở, tâm được khai, nhận biết được sự vô thường, sống chan hòa và yêu thương. Sống chan hòa thôi, hãy từ bỏ cái tôi được một lần như hoa nở ở giữa đời, cho muôn người ngửi thấy mà an vui. Các bạn, nếu là bụi khép mình vào trong gió, đừng lung tung mà bụi bặm cho cuộc đời như vậy cũng tốt mà. Hãy quán vô thường để sống chân thật, biết trân quý tình bạn đang vốn có hiện hữu trên đời này để ta biết yêu thương, để ta không chết tức tưởi, chết với cái thọ mạng quá ngắn, chết vì đột quỵ hoặc nằm liệt giường vì tức khi người ta chọc mình. Với cái tôi quá lớn dễ bệnh, dễ chết, dễ đau khổ và gương mặt của các bạn sẽ sầu úa. Hãy sống tươi lên một chút bằng từ bỏ cái tôi, khép mình trong quán chiếu vô thường bạn sẽ luôn tươi vui mỗi một ngày. Dù cuộc đời ngắn ngủi như Phật nói sống một giây, một phút mà biết Nhân Quả, sống hòa mình và biết yêu thương đừng chấp cái tôi. Còn hơn sống hàng ngàn năm mà cái tôi quá lớn, chẳng biết Nhân Quả thật uổng cả cuộc đời. Các bạn, vô thường tới lui chẳng ai biết, hãy trân quý và yêu thương chính mình, lan tỏa yêu thương cái mình đó tới những người yêu thương đang sống bên chúng ta. Nhất định các bạn sẽ tươi, sẽ đẹp, sẽ vui và cuộc đời của các bạn sẽ có ý nghĩa vô cùng.

Cám ơn các bạn đã nghe ngày hôm nay, chia sẻ pháp thoại, đồng trì Đại Bi Chú,, Vãng Sanh và Thất Bảo, hồi hướng. Chúng ta chấp tay vào hồi hướng công đức:

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới những người yêu thương nơi quốc tổ của chúng con miền Trung lũ lụt và chúng con hồi hướng tâm từ bi muôn người được khai mở để mỗi người một vòng tay nới rộng che chở, giúp đỡ người miền Trung của chúng con. Xin Chư Phật từ bi chứng minh.        

 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts